N |
ếu mười bốn rằm, ba mươi mồng một là tối - sáng thì ngày này khoảng hơn tám giờ đêm là con nước lò. Như vậy, khoảng mười giờ con nước đứng. Đứng là khoảng thời gian chuẩn bị, khoảng thời gian cân nhắc, cho một quyết định... Rút về biển cả của con nước, để lại dòng sông chút lơ lớ... Ta buông câu vào khoảng mười giờ đến mười hai giờ đêm. Tức là lúc con nước khởi đầu xuôi về biển. Xuôi về mang trong mình tính chất thanh thản, bình yên, êm dịu, nhẹ nhàng, nó rút phần mặn sâu xuống nhường phần ngọt cho tầng trên. Và những chú tôm mồi tung tăng bơi lội, những chú cá trồi (cá vược còn nhỏ) và những chú cá hồng là những chiến binh kiêu hãnh, trong tư thế trường kỳ mai phục sẽ sẵn sàng hành động. Đây là khoảng thời gian nhiều hy vọng cá cắn câu nhất”…
Anh dừng lại vê vê điếu thuốc lá Cẩm Lệ: “Chú biết không (anh chuyển đề tài) ngọn thuốc này khi hái ra khỏi cây họ không xâu vào dây treo phơi như lá thuốc ta trồng mà họ xếp chồng lên nhau để ủ, còn dằn vật nặng lên nữa. Ôi! Họ còn làm nhiều công đoạn... quá trình chế biến ấy mà. Anh đã ngây thơ mang giống cây thuốc này từ quê hương của nó về trồng, nó chỉ cho lá dày hơn thuốc địa phương mà không thành Cẩm Lệ ...” Tôi cười : “May quá! Nó không thành Cẩm Lệ... nếu nó thành thì đầu làng, cuối xóm sực nức mùi Cẩm Lệ... em phải trốn khỏi làng xóm. Khi ấy thì đi đâu hè...” “Anh nói, giọng nghiêm trang trịnh trọng như là một vấn đề cần lưu tâm, cần chú ý, một vấn đề của nhân loại, của thế giới... nhưng trước khi nói anh đã kín đáo tế nhị, nuông chiều, nhẹ nhàng quẳng điếu thuốc đang hút ra xa. Điếu thuốc lá hút vào màn đêm, rồi đâu đó trong vùng nước xanh đen mà chỉ thấy óng ánh bởi sao trời: Chú ra đây câu cá”
Cũng đã có nhiều lần, rất nhiều lần đi câu cá cùng anh. Câu cá, cần câu, ống cước, con mồi; kè đá, sao trời, con nước lò, con người đứng, con nước ròng, gió nồm hây hây, gió bấc se se... Đây là những vật dụng cần, những kiến thức không thể thiếu. Nhưng nếu mang từng ấy kiến thức về câu cá để đi câu cá thì quả thật là chưa đủ, quả thật còn quá ngây thơ. Cá ăn mồi, đấy là chuyện tự nhiên trong tìm kiếm sự sống, nhưng cá cắn câu lại là một chuyện khác. Cá cắn câu rồi nhưng đưa nó thành sản phẩm cũng lại là một chuyện kỳ công. Người ta nói con cọp bắt con thỏ cũng phải dùng hết sức, huống hồ con người và con cá. Hai môi trường sống khác nhau, con người không có mang như cá để thanh lọc lấy ôxy, con người thở trực tiếp bằng phổi. Con cá cũng chẳng ngu dốt gì mà không biết tận dụng những lợi thế của địa hình quen thuộc, nó chui vào các hang hốc ở các kè đá mà do con người tạo ra để chắn sóng, để chống xói lở... Những công trình trong tự nhiên và nhân tạo ấy, cá đã tận dụng nó như một hệ thống phòng thủ chiều sâu. Một hệ thống phòng thủ kiên cố, vững chắc và rất hiệu quả. Bởi con người với nỗi sợ hãi bủa vây, ngại ngần, lo lắng, tự xây dựng nên từ tâm thức bao nỗi hiểm nguy, bao điều bất trắc, rồi tự thu mình lại rúc trốn trong hang, mà hang cũng phải nhiều ngóc ngách, nhiều lối thoát... rồi tự hào đường tiến đường thối ta có sẵn. Thật ra con người có tiến bao giờ đâu. Anh ta lẩn trốn, luồn lách và rút lui. Nhưng cũng nhờ vậy con người còn có mặt trên trái đất. Con cá khôn ngoan hơn nhiều nó chui vào hang, vào các kè đá, các ngóc ngách để tận dụng mặt sắc của đá để giải thoát khỏi sợi dây cước. Cá đã rút lui về được tuyến phòng thủ là y như người câu nghiệp dư thất bại. Biết rõ điều đó nên người đi câu cũng phải mẹo mực, cũng phải mưu sâu, chước hiểm, cũng phải lừa trên gạt dưới, nếu muốn thành công. Khi cá cắn câu, ngoài cú trặc để lưỡi câu găm vào hàm của cá họ còn giữ lấy cần câu hướng cho cá chạy ra để tránh kè đá. Khi cá đã chạy ra thì buông cước cho cá chạy thoải mái, chạy đã sức một quãng khá xa mới trặc lại để thử sức cá, nếu còn khỏe mạnh, hung hăng lại cho chạy tiếp, rồi trặc lại cho đến khi cá đuối sức mới lừa vào bờ và bồng lên.
Không phải như câu cá ở sông, ở hồ mà trặc con cá bay vụt lên bờ, hoặc treo lủng lẳng trước cần câu. Cá nước mặn, nước lợ thường to gấp nhiều lần, nặng năm ba cân là chuyện thường, cũng có lúc bắt được cả con bảy tám cân, hơn mười cân, thậm chí ba bốn chục cân. Những con cá to này, nếu nó cắn câu là y như bắt được. Nó không có thói quen chui vào kè đá. Khuynh hướng chung là cố vượt ra với cái mênh mông của sông nước. Cá cắn câu rồi khiếp đảm lao ra quả là điều mơ ước, quả là điều vô cùng thích thú cho người ngồi câu trên bờ. Cầm chắc lấy thành công, cầm chắc lấy thắng lợi.
Một hôm, tôi chân tình nói với cháu gái, con thứ sáu của anh cháu cũng đã bốn mươi tuổi, đẹp gái, nết na, nhanh nhẹn, mà lại ế chồng: “Đi với chú để chú giới thiệu thằng cháu đẹp trai, khỏe mạnh, có nghề nghiệp đàng hoàng, đã bốn hai, bốn ba tuổi rồi mà sao chưa đứa nào gông cổ nó lại, cứ là lông bông?. Cháu nói ngoẻn: “Đi với chú thì cháu còn chi để lấy chồng”. Nói rồi, cháu cười khanh khách bỏ đi. Tôi ngỡ ngàng đến tím cả mặt, vừa giận cháu gái con bạn, hỗn hào, xấc láo, lỗ mãng, ngang ngược... nhưng cũng hiểu tính cháu, một con bé vô cùng ngổ ngáo và vô tâm, nếu gọi lại truy hỏi rất có thể cháu không nhớ đã nói gì, vừa giận cháu vừa lại trách bản thân, nói năng lợp chợp, không rào trước, đón sau, không suy đi tính lại, thiếu chọn lựa ngôn từ, thiếu cả cách diễn đạt... nhưng khi bình tâm lại, vượt qua được các cảm xúc ngượng ngùng, ức ối, giận hờn, trách móc.... cho rằng cháu cố tình xuyên tạc cái tấm lòng của mình. Đến khi thoát ra được sự khống chế của các trạng thái cảm xúc tôi tự nhận thấy cái chính là mình thiếu phương pháp. Có ý tốt chưa đủ! Ý tốt, nó cũng có thể được hiểu dưới nhiều dạng thức, tùy theo tâm cảnh. Phải cộng với một phương pháp tốt, một phương pháp hoàn hảo nó mới bộc lộ được ý tốt, nó mới làm nổi rõ tấm lòng ưu ái, cưu mang, sự quan tâm, nơi người thể hiện. Từ suy nghĩ đó, tôi thay đổi cách làm, thay vì mang cháu gái đi giới thiệu, tôi làm ngược lại, đưa cháu trai đến làm quen.
Câu chuyện làm quen được non bốn tháng, thấy tình hình ngày càng lấn dần về phía vững chắc, vững bền. Các cháu có vẻ cảm mến, tôn trọng lẫn nhau. Trong lòng tôi đã mở cờ, thế nào bố cháu trai cũng yêu cầu tôi đứng ra đưa lời bắc một nhịp cầu kết thân hai gia đình lại. Tôi còn nghĩ hai cháu phải gọi tôi bằng “ bố” đấy chứ!. Chính tôi xây dựng nên niềm hạnh phúc vững bền cho hai đứa. Hằng năm chúng nó còn phải có lễ đi tết tôi nữa đấy. Thế mà mọi chuyện lại còn lắm bất ngờ, quả thật tai ương chưa buông tha tôi, quả thật tôi còn nặng nghiệp chướng phải trả, những nghiệp chướng đâu từ tiền kiếp mang theo, tôi ngỡ ngàng đến câm lặng, gần như mất hết cảm giác, tri giác, tê cứng, trống rỗng, vô hồn... Một cháu gái từ Cần Thơ băng đường vượt đèo hơn ngàn cây số, mang cái trống chình ình vượt ngực, cùng dàn nhạc nỉ non kể lể... cháu trai ngồi đực mặt không đón nhận cũng không chối bỏ. Ông bố cười kha khả, động viên cháu gái “Còn là dâu của ta”, rồi đến bên cậu con trai nắm lấy tai xách lên: “Cũng phải có đứa nó gông mày lại, hơn bốn mươi tuổi rồi ít ỏi gì”. Thế là một đám cưới được chuẩn bị tổ chức.
Tôi lại mang cái mặt mà cảm giác da mặt dày thêm mấy zem, thấy nằng nặng, cân cấn, ngỡ như ai chụp lên cái mo cau đi gặp cháu gái. Tôi kể sơ lược tình hình và kết luận: “Đám cưới sắp xẩy ra” cháu gái ngồi nghe chăm chú và bình thản, thật trong thâm tâm tôi lo lắng chờ đợi một điều gì khác cơ, một cơn thịnh nộ, hay ít ra thì cháu cũng xỉ vả bạn và không khéo còn lây qua tôi, nhưng mọi cái không như tôi nghĩ, cháu gái không có một biểu lộ nào như dự đoán trong nỗi niềm vừa lo sợ, vừa xót xa của chính tôi. Cháu gái nói: “Anh ấy cũng dự định vào đón. Chừ cô ấy đã ra tìm, lại càng hay”. Té ra chúng nó nói với nhau rõ ràng hơn cái biết của chính tôi. Tự nhiên một cơn tức giận ùn ùn kéo tới, khô khốc cả cổ, ép ran lồng ngực, choáng váng mặt mày, run rẩy cả tay chân... không còn kiềm chế được, tôi đứng bật dậy, chỉ mặt cháu gái: “Chúng mày lừa dối tao”. Cháu gái đến bên tôi một tay choàng ra sau lưng, áp mặt vào ngực, tay xoa lên vùng tim của tôi. Cháu gái nói: “Anh ấy thú nhận khi theo chú đi làm quen cũng chỉ muốn quen như bao cô gái khác, nhưng rồi một cảm xúc mạnh hơn thúc đẩy anh ấy để thấy cần nói thật với cháu. Trong đó cũng có phần tác động từ tấm lòng của chú”
Nhớ lại lần đầu đi câu chỉ việc mắc con mồi đã làm tôi nản chí. Mắc con tôm vào lưỡi câu như thế nào để con tôm sống, vẫn nhỡn nhơ bơi lội. Đến thao tác quẳng câu cũng cần phải biết giảm độ rơi. Nếu để rơi tự do, hay rơi theo phương thẳng đứng, chắc chắn con tôm sẽ bị dập bấy hoặc chết… Thế là mất con mồi, thế là hoài công. Phải có kỹ năng của người nhảy dù, biết hãm lại ở khoảng cách cần thiết, nếu người nhảy dù không biết hãm lại thì chuyện gì sẽ xẩy ra, may mắn lắm là bị kéo lệt đi năm bảy mét, nếu không có thể bị nguy hiểm vì tốc độ rơi.
Cách đây mấy tháng, hai cần câu của tôi đã có một cần cá cắn câu. Nhìn ống cước bay cái vù đập mình vào gờ đá vang lên tiếng cốp, giòn thanh là tôi hiểu đích thị chú hồng mới có tốc độ dũng mãnh thế này. Con hồng lao vào con mồi với tốc độ hỏa tiễn, mà lực lao của nó mang cả con mồi vượt qua vài ba mét. Tôi chụp vội lấy cần câu và ống cước, cầm sâu vào cần khoảng ba mươi phân, tỳ cán câu vào khuỷu tay để lấy sức mạnh, có lúc còn phải giữ lấy cần câu bằng cả hai tay, để hướng dẫn cho cá băng ra giữa dòng. Thành công hay thất bại lệ thuộc vào giây phút này. Có đưa được cá ra giữa dòng hay để cá chui vào kè đá, vào hang hốc. Hướng dẫn được cá ra giữa dòng là cá của ta, còn để nó chui được vào kè đá là ôi thôi mất cả chì lẫn chài, ở đây, cụ thể là mất cá, con mồi, lưỡi câu và cục chì. Bởi trong kè đá tối om, hang hốc, ngõ ngách... ẩn chứa nhiều bất trắc, nhiều hiểm nguy... và không ai dại gì vì con cá mà phải lăn mình vào chỗ... ta chưa thể hình dung ra được. Khi cá cắn câu, liền với cú trặc là phải giữ cần câu chênh chênh với mặt nước khoảng mười lăm độ. Ngón cái và ngón trỏ bàn tay thuận vừa giữ cần câu, vừa giữ hờ sợi cước, tay còn lại cầm ống cước, khi cá lao ra phải chếch miệng ống về hướng sợi cước, để cá chạy thì cước đổ theo nếu bị cản trở, bị dằng lại... khả năng đứt cước là rất cao. Tất cả những thao tác trên phải nhịp nhàng đồng bộ. Chú cá cắn câu của tôi không phải hồng, quả là tôi có sự nhầm lẫn, mà là chú trồi, hơn cả trồi, nó đã vượt qua giai đoạn trồi, một chú vược hẳn hoi. Tôi phải cho nó lao đến bốn vòng, mới dìu được nó vào bờ. Bồng nó lên trên nền bờ đê, dưới ánh sáng trăng sao lấp lánh quả là to thật. Tôi nói “Phải ba chục cân anh ạ!”. Anh cười: “Không có đâu, khoảng mười mấy cân thôi”, anh lại nói: “Anh của chú mầy, gần hết cuộc đời mà chưa khi nào câu được một con to như vậy, chú mày rõ là cậu học trò ưu tú.” Nó to thật, nằm chình ình trên mặt đê cứ như cái yên xe máy ai tháo ra vứt đấy.
Cháu gái hỏi: “Xử lý con cá này sao chú”. Tôi bảo cháu “Cho vào soong làm một bữa cháo”. Cháu đã cắt lấy già phần đầu, ta hình dung như cả đầu lần noọng dùng để nấu cháo. Phần còn lại cháu chia cho mỗi gia đình một lát, đó là hai đứa con gái của tôi và các đứa con của anh đã có gia đình.
Cả ngày ấy, lấn qua ngày hôm sau, tôi bận bịu với việc nghe điện thoại, các con tôi nức nở tôn vinh cái tài câu cá. Tôi nghĩ nhờ có lát cá biếu mà tài năng câu cá thăng tiến vùn vụt. Quả thực cái gì cũng cần đi qua dạ dày. Tôi đùa với các cháu: “Có thể là một ngư ông nào đó trong quá khứ đầu thai lại”. Chúng nó reo lên: “Phải rồi, phải rồi, ông già và biển cả đấy”
Thấy cháu ngồi rũ người buồn bả. Tôi để tay lên vai cháu: “Có gì buồn, nói chú nghe. Cũng là một cách tự giải tỏa đấy cháu”. Cháu níu tôi cũng ngồi xuống: “Chú đưa cháu đi, giới thiệu ai tùy chú. Đưa cháu đi nghe chú. Ít ra cũng dăm ngày nửa tháng”. Tôi bàng hoàng, bất ngờ thế này biết lấy ai ra mà giới thiệu. Nói chuyện cùng anh, anh lại nói: “Đưa nó đi đi. Nó cố gượng người làm hứng, chứ sau đám cưới thằng ấy, nó rũ xuống và rất bồn chồn”
Tôi đưa cháu vào Sài Gòn, giới thiệu cùng bà chị với ý định để cháu ở đấy rồi ngày ngày đón cháu đi chơi. Nhưng cháu không chịu, còn hỏi: “Chú không đủ tiền để thuê phòng trọ năm mười ngày sao”? Tôi bốc đồng: “Chú mua cho cháu cả cái nhà cũng được đấy chứ”. Cháu lại nói: “Nhà thì không cần, có nhà của chú đấy rồi”. Và cháu phá lên cười khanh khách ngoe ngoảy bỏ đi. Tôi phải chạy theo giữ cháu lại: “Có gì cũng phải bàn bạc chứ, giữa Sài Gòn đô hội mà bỏ đi như vậy biết tìm cách nào”. Sắc mặt hầm hầm, quyết liệt, cháu nói cộc lốc, đầy tính chất đe dọa: “Có thuê phòng trọ không” ? Tôi tê liệt mọi phản ứng, buông xuôi: “Thì thuê”.
Cháu không chịu ở phòng riêng. Hai cái giường kê hở nhau, cháu đẩy sít lại. “Để chú lén đi đâu là cháu biết”. Và rồi, chuyện gì đã xẩy ra, tính con đực trong tôi đã chồm lên cùng với sự đồng lõa của cháu.
Tôi buồn buồn hỏi cháu: “Có thấy thiệt thòi gì không? Có ân hận không” Cháu bám lấy cổ tôi, níu vào ngực, vỗ vỗ lên má như là nựng nựng con nít: “Chú có thấy thiệt thòi gì không? Có ân hận không? Riêng em ngập tràn cảm giác hạnh phúc. Em mơ ước một đứa con.”
Anh nói: “Hãy cho nó đạt điều mơ ước”. Các con tôi lại reo lên: “Ta có bà mẹ kế nhỏ tuổi hơn con gái”. Tôi nói: “Bố không có ý cưới vợ”. Anh nói: “Thế là chú mày sai, con nuôi cha đâu bằng bà chăm ông”.
Trong bữa cơm gia đình, thực lòng tôi có cảm giác tê liệt, lớ quớ mãi chưa biết mở miệng như thế nào, bần thần với cảm giác mình là tên lừa đảo, tên chiếm đoạt... hai bàn tay lồng vào nhau bẻ bẻ dưới gầm bàn, cháu lại thúc cùi vào hông, như nhắc nhở, như thúc hối... May quá, con gái út của tôi, cũng là một đứa chẳng kém phần ngổ ngáo, nó nâng ly: “Chúc mừng bố câu được con cá to”. Mọi người cười ồ, phá tan cái trang nghiêm của khoảnh khắc chờ đợi, không khí thật rộn ràng và cởi mở, chính bản thân tôi, quả là vừa được giải thoát. Ai ai cũng chúc mừng cả ngư ông và cả cá. Cháu hướng về con gái tôi và nói: “Không do tài năng câu cá của bố. Chính con cá quen với cái bóng của ngư ông phủ lên sông nước. Ở đó nó cảm thấy an bình và mát mẻ”.
Cầm con tôm đất trên tay, xác định vị trí mắc lưỡi câu. Với một kỹ năng, đã thuần thục, đâu có như lần đầu, tìm tòi, quan sát mãi vẫn không thể nhận ra vị trí, điểm duy nhất trong thân thể con tôm có thể móc lưỡi câu mà không làm tôm chết. Ôi! Điểm duy nhất, lại quá mong manh, chỉ vừa khích lưỡi câu, chệch lên tôm chết, chệch xuống tôm chết, nghiêng trái chết, nghiêng phải chết. Cũng như các thầy thuốc xác định huyệt đạo vậy. Không được nhầm lẫn, không được sai lệch. Con tôm mồi phải sống, phải bơi lội tung tăng, nó mới kích thích tự ái, kích thích cảm giác thèm thuồng, háu ăn, của con hồng, của con trồi. Thấy con mồi nhỡn nhơ, như trêu ngươi trước mắt, như thách đố, như diễu cợt, như gọi mời... Thì cậu hồng sẽ không cho qua, sẽ không thể tha thứ, một cú lao với tốc độ kinh hồn, táp lấy con mồi mà lực lao còn đẩy xa vài ba mét. Không như con trồi từ tốn, vòng trái, vòng phải, quan sát, đánh giá khả năng phản ứng, tự vệ, chống cự... khả năng gây hiểm nguy. Nó không côn đồ như con hồng mang sẵn tập tính lao vút vào ngoạm lấy con mồi. Con trồi tấn công ở hướng đã chọn lựa. Nếu bạn mắc con mồi là tôm càng, loại tôm trước đầu có dương ra đôi càng yếu ớt mỏng manh nhưng chừng ấy cũng đủ để thấy con trồi cẩn thận như thế nào, để thấy trồi suy tính, đắn đo, lựa chọn hướng tấn công thận trọng và tuyệt vời như thế nào. Những con trồi bắt được với mồi tôm càng, đều xác nhận trồi tấn công từ phía sau, họa hoằn lắm mới phát hiện ra con mồi bị tấn công ngang hông.
Anh nói: “Còn nhiều thứ tẳn mẳn nữa, mà muốn đi câu cá không thể không biết”. Ôi! Câu cá quả lắm nhiêu khê.
L.T.T