Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện làng

1.

T

ôi ra đồng gặt lúa. Đã gần chục năm xa làng, nhưng mỗi độ mùa gắt đến, thế nào tôi cũng cập rập, tính toán, thu vén công việc để về quê một chuyến, cầm lấy gióng triêng, đòn xóc, vằng hái ra đồng. Có những thời khắc lặp đi, lặp lại xuân thu nhị kỳ mà chẳng bao giờ nhàm chán, nghe đất và nước rân rấn, nồng nồng, lành lạnh, âm ấm, bùn dẻo như lớp bánh dày no những nhịp chày, tiếng si sụp ốc ếch theo bước chân đôn hậu và thân quen lạ lắm. Cúi lưng khoát khoát lúa vàng, nước dưới từng gốc lúa dập dờn xao động làm những đám bèo hoa dâu tán tụ, du níu với nhau qua ngàn ngàn chùm rễ li ti như sợi tơ trời. Rồi thanh lúa gióng giả, cứng cáp gấp khúc để lộ màu ngà phía trong là lụa mỏng như phần chéo áo bà ba phất phơ eo thắt cô gái mười tám đôi mươi. Hạt lúa tròn căn, thô rát lớp lông tơ gợi một cảm giác yên bình. Hương lúa chẳng biết từ đâu, từ gốc, từ thân, từ hạt hay từ đất đai, nước nôi tưới tắm cứ phả ra, thoảng ra ngây ngất như được tinh lọc qua ngàn năm ruộng vườn hương hỏa. Tiếng vằng hái đánh xẹt qua đầy đặn thân lúa, một tiếng gọn gàng và mảnh liệt như một lời tạ ơn trời đất trước khi đem hạt vàng, hạt ngọc về với người đời. Rồi vệ cỏ bờ đê mòn chân ai kĩu kịt lúa về. Rồi đường làng dệt bằng rơm mới. Rồi thâu đêm trở lúa, thâm ngày phơi phong. Rồi xay, giả, dần, sàng. Nội cơm gạo mới đầu tiên, thôn trang í ới mời nhau. Cơm nấu trong nồi ba, nồi bảy, nổi gang và nồi đất, già lửa, lớp váng cơm thơm giòn ai đã một lần đưa lên miệng nhấm nháp, một đời người đâu có dễ quên…

2. Bạn tôi, sau nhiều bận thi vào Đại học không mãn nguyện, phẫn chí xếp bút nghiêng quay về làng cưới vợ, nhận ruộng lập vườn, vui thú điền viên giữa cái tuổi ba mươi đang thì. Cũng đáng mừng cho vợ chồng họ, cặm cụi lam lũ bất kể “nắng chết cỏ, mưa chết cò” với gần 6 ha đất lúa bạc màu, lúc rảnh rỗi lại chạy chợ, phụ hồ cho đến bây giờ cơ ngơi gia đình cũng ra dáng khàng trang lắm, bước đầu có của ăn của để.

Đêm, trải mảnh chiếu ra đầu hồ nhà, sau tuần rượu đưa đà nhau mừng hội ngộ, mùi ngai ngái từ đồng đất sau mùa gieo hạt cứ phảng phất, thơm vào tận cùng gan ruột. Tôi buột miệng: “Làm ruộng bây giờ sướng thật. Sáng ra đồng, chiều dong trâu về, tắm táp xong, làm vài li riệu làng cho giản gân cốt, tối ôm lưng vợ, chẳng lo nghĩ gì nhiều…” Bạn tôi nghe, im lặng hồi lâu rồi xoay mình, nói như trách móc:

- Quan liêu vừa thôi ông. Ừ thì có lúc rảnh rang thật đấy, nhưng làm ruộng thời nào cũng vậy, càng chí cốt là càng lo, lo nhiều. Hết “trông trời, trông đất, trông mây” lại trông ngóng vào giá cả, vào thị trường. Làm được hạt lúa trên đất khó tất tần tật phải được tính toán kỹ. Nghe đài báo tin các tỉnh trong Nam sắp chịu bão lớn, ngoài Bắc lại hạn hán cháy đồng, thiệt hại chưa lường hết được. Thiên tai đã dạo lên khúc khắc nghiệt ngã ban đầu rồi, vụ đông xuân được mùa, chắc gì vụ này…

- Nhưng phải biết tin tưởng vào mùa sau chứ!

- Đã đành. Nhưng mà… - Bạn tôi ngập ngừng – Nếu ông thực sự biết tôi lo gì, cứ chiu khó nhé, tôi hơi dông dài đấy. Trước hết là cái giá. Được mùa, mừng lắm. Nhưng nỗi mừng chưa trọn, nông dân lại lo lắng vì giá thóc sau vụ thu hoạch hạ từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg. Kể ra điều này chắc có người lại chặc lưỡi “Biết rồi, khổ lắm…” nhưng cứ phải nói mãi để “ông Nhà nước” thấy được, có kế sách điều chỉnh giúp dân. Giá thóc giảm nhanh trong khi đó giá phân bón, thuốc trừ sâu, trừ cỏ không giảm, có loại vật tư còn tăng lên chóng mặt như xăng dầu, điện phục vụ sản xuất. Nông dân đã vay vốn của Ngân hàng để đầu tư cho sản xuất nay bán lương thực với giá thấp còn phải trả tiền lãi suất Ngân hàng làm chi phí sản xuất tăng lên một cách phi lý.

- Vây là lỗ?

- Thì lỗ chứ còn sao nữa. Một tiếng thở dài buông ra rất nhẹ trong đêm vắn – Tôi tính sơ bộ cho ông xem nhé. Nếu lấy thời gian của những năm 1996 – 1997, thời kỳ mà người trồng lúa cho là làm ăn thuận lợi nhất thì phần thua thiệt người nông dân phải gánh chiu cũng khá là nặng nề. Một sao lúa đông xuân cần 8kg giống mất 16.000 đồng, phân chồng 7,5 tạ mất 150.000 đồng, phận đạm 10kg mất 30.000 đồng, phân lân 10kg mất 9.000 đồng, phần ka ly 3kg mất 10.000 đồng, bảo vệ thực vật 14.000 đồng, phải bỏ ra 20 công, mỗi công 12.000 đồng mất 240.000 đồng, thuế, thủy lợi phí khoảng 40.000 đồng, tổng chi phí cho một sào lúa lên đến 529.000 đồng. Nếu lấy 529.000 đồng chia cho 200kg sản lượng thóc thu được sẽ có giá thành 1kg thóc là 2.645 đồng. Và đêm bán, vâng, bán với giá 1.500 đồng/kg.

Tôi bắt đầu ngấm cái kiểu chiết tinh tẳn mẳn của bạn tôi, một thanh niên còn quá trẻ, thiếu chất đĩnh đạc của một nông tri điền nhưng thừa sự dầu dãi, nắng gió, hai sương một nắng trên ruộng đồng. Tôi đâm ra nghi ngờ sự hiểu biết tưởng đã  quá đủ của mình về người nông dân, nông thôn khi chợt nhận ra sau lũy tre làng khi còn lắm điều day trở. Nhìn tổng thể thì có thể thấy nông thôn tỉnh nhà đang có bước khởi sắc, song đi vào tận ngõ ngách từng gia đình, từng thân phận, mới thấy những cam go vẫn còn nặng gánh ở phía trước. Cái nghèo, cái túng đói, thiếu ăn, thiếu mặc có chúng một căn nguyên từ ruộng đất ngày càng co lại mà người ngày một sinh sôi nhiều thêm. Thời gian gần đây, các cấp lãnh đạo khuyến cáo nông dân phải chuyển mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn bằng phát triển đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề. Vậy mà còn nhiều địa phương, nhất là địa bàn miền nũi, vùng sâu, vùng xa, vẫn chật vật với cây lúa, của khoai, co gà, con lợn… chưa định hương cho được sản xuất hàng hóa, nuôi con gì, trồng cây gì để có lãi năm, lãi mười. Trông chờ vào đồng vốn vay ư? Đồng vốn trong chừng mực nào đó không thể quyết định tất cả. Quyết định tiên quyết vẫn là tư duy làm ăn của từng người. Nhiều gia đình vay được vốn, chẳng biết làm gì, đành phải buộc kỹ, chờ. Có người trước đây háo hức muốn được vay bao nhiêu thì giờ lại háo hức đem… trả cho Ngân hàng vì sợ… ăn cả vào vốn. Vay vốn của chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo là một chủ trương lớn giúp đông dân vượt qua “ngưỡng” khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống, nhưng trong thự tế đã có hộ chỉ được vay ba bốn trăm nghìn, chưa biết đầu tư làm gì đã ngóng đến ngày trả nợ. Sức mua của dân, nhất là nông dân vùng sâu vùng xa rất thấp, nông sản hàng hóa rẻ, sản xuất lỗ vốn! Mặc dù đã được các ngành, các cấp và toàn xã hội quan tâm giúp đỡ nhưng ở một bộ phận nông dân vẫn chưa tạo được một bước ngặt, một khâu đột phá cần thiết để thoát khỏi đói nghèo.

Bạn tôi chép miệng: Nói đến gánh nặng của người nông dân không thể không kể đến các khoản đóng góp. Thời buổi kinh tế thị trường nhiều hoạt động được xã hội hóa vì thế nảy sinh ra nhiều khoản đóng góp bắt buộc, nghĩa vụ, tự nguyện với nhiều phương thức và mục đích khác nhau. Đóng góp theo hộ, theo lao động, theo diện tích trồng trọt, theo mùa vụ, theo năm, theo phần trăm trên sản lượng tính thuế để xây dựng các quỹ công ích… Tất cả chỉ dựa vào nguồn thu hoạch không nhiều từ hạt lúa, củ khoai, con gà, quả trứng. Đó là chưa kể đến sự đóng góp của làng xóm, họ mạc, ma chay, đình đám, hiếu hỉ, rồi phải nuôi con học hành, chữa bệnh ,trái gió trở trời… Tính ra các khoản đóng góp ổn định đã hết 42% sản lượng thu hoạch, 38% chi phí cho sản xuất thì người nông dân khó có tích lũy để tái sản xuất mở rộng. Cần phải hiểu thêm rằng, tái đầu tư một phần lợi nhuận ban đầu để đưa vào sản xuất là một cách đầu tư phổ cập và hiệu quả, riêng đối với nông dân, dù biết vẫn không thể xoay xở được… Rất nhiều nghiên cứu khác nhau đều đưa ra một nhận định chung rằng, nông dân luôn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong bất kỳ một sự hoán chuyển nào. Nghiên cứu về nông thôn trong giai đoạn 1990 – 1995 cho thấy thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn so với thành phố đã giảm từ 25% năm 1990 xuống 17% năm 1995 và hiện nay có thể còn thấp hơn. Nông thôn chiến khoảng 80% dân số nhưng thu nhập thì chỉ khoảng 44% tổng thu nhập cả nước. Ngược lại, thành thị chiến 20% dân số lại chiến tới 56% tổng thu nhập. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã hết sức nỗ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, vạch ra chiến lược phát triển nông thôn, cải thiện đời sống người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn và đã đạt những thành tựu to lớn nhưng thực tế chêch lệch giữa thành thị - nông thôn, giàu – nghèo trong xã hội còn khá lớn.

Bạn tôi vẫn chưa thôi cách cật vấn mỗi lúc mỗi dồn dập:

- Ông làm báo, đi nhiều, biết nhiều, nhưng chắc gì hơn tôi ở cái khoản nông thôn, nông nghiệp, “một nắng hai sương” này. Tôi theo dõi qua đài, báo, đều thấy các kỳ Đại hội Đảng gần đây, tất cả các Nghị quyết đều nhấn mạnh đến việc phải xem nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, phải tập trung sức phát triển nông nghiệp. Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, một số chính sách kinh tế đối với nông nghiệp đã được đổi mới. Mùa xuân năm 1998, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị được ban hành, đánh dấu một bước ngoặt trên con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hộ nông dân trở thành đơn vị kinh tế tự chủ, nền kinh tế tự cung tự cấp chuyển dần sang kinh tế hàng hóa, Chính sực kiện này đã góp phần thức đẩy nền sản xuất nông nghiệp nước ta có bước thăng tiến vượt bâc. Song cho đến nay, các chính sách về tài chính bao gồm từ đầu tư, thuế, tín dụng đến giá cả là những chính sách “sát sườn” đối với nông nghiệp thì vẫn chưa đồng bộ. Trên thực tế có lúc chính sách này đã làm hạn chế động lực lợi ích của chính sách kinh tế khác đã tạo ra.

Tôi không tranh chấp gì thêm về vấn đề này bởi đề cập đến thua thiệt của người trồng lúa, bất cứ ai cũng có thể hiểu và thông cảm được. Theo dõi phần giá cả thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng giá lúa gạo trong nước giảm, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo bắt đầu tăng dự trữ để chuẩn bị các hợp đồng xuất nhập khảu mới vào các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Phi… Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia thương mại, dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2004, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 25000 tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 4 triệu USD, lượng gạo xuất khẩu có xu hướng giảm dần, chủ yếu là gạo 10% tấm và 15% tấm sang các thị trường Philippine, Singpore, Malaisia…

Vấn đề mà bạn tôi trăn trở mằm chung trong một thực trạng nhãn tiền hiện nay là giá cả nông sản không hợp lý, nhất là quan hệ tỷ gí giữa hàng công nghiệp với nông sản không có lợi cho nông dân. Cán cân giá cả giữa lương thực và các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác ngày một dãn ra. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, có thời điểm giá lương thực chỉ bằng 66% giá thực phẩm công nghiệp, bằng 94,6% giá hàng phi lương thực, thực phẩm, bằng 70% giá dịch vụ. Trên thực tế thì tốc độ tăng gia vật tư bao giờ cũng cao hơn giá nông sản. Một số nông sản thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nông sản xuất khẩu… Nhà nước chủ trương phát triển nhanh, những khi giá cả trên thị trường giảm thì lại không có chính sách bảo hộ, nông dân thua thiệt và phải bỏ một số cây con để chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác làm cho cơ cấu sản xuất nông nghiệp biến động một cách tự phát. Ở thời điểm hiện nay cần phải nhận rõ nông nghiệp đang trong quá trình chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, từ độc canh sang thâm canh hóa. Các HTX đang chuyển hướng và đổi mới về hình thức tổ chức và quản lý. Kinh tế hộ gia đình đang được khôi phục và hình thành. Các thành phần khác kinh doanh trong nông nghiệp đang xuất hiện. Theo quan điểm đổi mới thì nền nông nghiệp đang được tổ chức lại. Đây là những chuyển biến đúng quy luật. Và phải trải qua những chuyển biến này nông nghiệp mới có cơ sở để hoàn thành ba nhiệm vụ của mình là cung cấp lương thực, thực phẩm cho xã hội, cũng cấp nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản cho xuất khẩu.

Muốn thực hiện được quá trình trên, một mặt nông nghiệp phải chủ động tạo ra lực vận động bên trong bằng hàng loạt sự đổi mới quản lý, chuyển giao KH – KT… Mặt khác Nhà nước cần phải có cơ chế chính sách đúng, đặc biệt là chính sách tài chính, tạo ra được những đông lực lợi ích thực sự nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển biến này. Việt tập trung sức phát triển nông nghiệp để làm tốt nhiệm vụ cung cấp đủ lương thực thực phẩm cho xã hội sẽ có tác dụng lớn đến việc phát triển các ngành kinh tế khác,  thúc đẩy quá trình phân công lao động xã hội, tạo ra quá trình tái sản xuất mở rộng lớn của các ngành kinh tế. Bằng các chính sách khuyến khích đặc biệt là chính sách tài chính, làm cho thu nhập của các hộ gia đình nông dân tăng lên, theo đó, sức mau của thị trường này dồi dào thêm. Điều này có tác động lớn thúc đẩy quá trình trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp – nông nghiệp – giữa thành thị - nông thôn, giữa xuất khẩu – nhập khẩu phát triển, tạo ra sự phồn thịnh trong đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân.

Bạn tôi nhắc: Ông nói gì đi chứ, cái khoản “giá” ông đã thông với tôi chưa. Làng ta nhiều người còn chật vật lắm, biết gặt xong, bán lúa ngay thì giá quá rẻ nhưng biết làm sao được, nhu cầu cuộc sống trăm thứ trông nhờ vào bồ thóc trong nhà. Gia đình nào càng không đủ thóc ăn, càng có nhu cầu bán ra, thế mới khổ. Năm 2004 tỉnh Quảng Trị chúng ta dù phải đối mặt với thiên tai nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được mùa toàn diện cả về năng suất, sản lượng. Sản lượng lương thực có hạt đạt gần 22 vạn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Điều đáng mừng là khác với quy luật xưa nay, tại thị trường Quảng Trị, lúa vừa được mùa vừa được giá, vãn mùa tính toán lại chưa đến nỗi lỗ nặng như các năm trước. Nhưng mệnh lệnh từ cuộc sống vẫn là nhanh chống thoát khỏi thuần nông, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế phải được chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Có như thế mới xây dựng được một nền sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả, đảm bảo sự phát triển bền vững của cơ cấu kinh tế - xã hội…

Tôi ngồi nhìn ra ngoài đồng, đêm đã khuya lắm, tiếng nước chảy vào các chân ruộng nghe róc rách như tiếng chân người đi. Từ dạo xa làng đến nay, lần đầu tiên tôi mới nhận ra sự dẻo thơm muôn hạt trong bát cơm ngày mùa có nhiều mồ hôi đến vậy. Cuộc sống có quy luật riêng của nó, không cưỡng lại được và đương nhiê, tôi tin rằng làng quê rồi sẽ phát trển thêm lên theo đà thăng tiến của đất nước trong một tương lai gần. Rồi có ngày người nông dân sẽ có cơ hội nó ấm hơn nhờ nỗ lực chung của toàn xã hội cùng chăm lo cho một nền nông nghiệp rất đỗi gian lao của đất nước.

3. Cho đến bây giờ, mỗi độ tiết trời thu phân, tôi lại ngẩn ngơ nhớ về mùa gặt hái tháng mười. Ngày ấy, tiết trời xanh lắm, những cánh đồng phwoi ra như bình nguyên khoáng đạt, hút mắt, tít tắp chân mây. Lúa líu ríu hát cùng với đất bài ca muôn năm cũ, hát rằng:

Lúa vàng vàng ruộm cánh đồng

Duyên xưa người có nhớ không mà chờ…

Mỗi buổi sáng lên, sương đầm vạt cỏ trên lối đi, người thăm đồng hả hê khi thấy lúa uốn cần câu, trĩu nặng hạt mẫy, hạt vàng. Ngày mùa đến mang theo hương lúa thơm nức vào nhà. Cả làng xuống vụ gặt. Ngoại tôi đánh thức con cháu dậy từ canh ba. Cơm gạp đỏ, cả dầm tương dọn ngay trước thềm, mọi người gấp gáp ăn trước khi trời sáng. Triêng gióng đòn xóc, lạt buộc, vằng hái soạn ra đầy sân. Nhà được dọn dẹp gọn gàn hơn đón lúa. Rồi tất cả lũ lượt gọi nhau ra đồng. Trên đầu họ ánh sao mai còn lơ lửng và mảnh trăng cuối tháng đang mờ dần. Tiếng i ới râm ran cánh đồng. Tay khoát khoát lúa vàng, lòng người nông dân như mở ra, thân ái giao hòa cùng trời cao đất rộng. Thoáng chốc những gốc rạ, rồi bạt ngàn gốc rạ trả ra trước mắt. Màu rạ vàng tươi, cứng cáp, lẫy bẩy gập xuống theo bước chân thợ gặt. Những làn gió nhẹ từ đâu đó trên thung xa hây hẩy thổi về, miên nam trên cánh đồng. Lũ chiền chiện chấp chới vụt đến, vụt bay, để lại giữa thinh không ngàn ngàn âm điệu rí ran, lảnh lót. Mặt trời lên cao, nhắng nhẹ xuyên qua kẽ lá, chiếu lên những giọt sương đêm làm ánh hồi quan như muôn vàn tinh tú. Lúa bó lại từng bó lớn. người gặt cứ gặt, người gánh cứ gánh. Lúa cuống quýt, vẫn nhịp theo bước chân về làng. Trâu bò được dịp nhẩn nha trên cánh đồng vừa gặt quang, bên những đứa trẻ mót lúa, dành phần rang cốm, thổi cơm, chơi trò vợ chồng…

Đã có những mùa vàng như thế găm giữ trong ký ức của tôi. Thuở bé con, tôi đã từng nằm trên chót vót cây rơm mới để hít thở đến tận cùng gan ruột mùi lúa thơn đôn hậu, mùa cơm mới tinh khôi và ước ao sau này trở thành trai làng sức dài vai rộng sống với làng đến nhắm mắt xuôi tay. Bây giờ, mọi chuyện không như mong ước. Cuộc sống đã có những đổi thay lớn lao. Những cánh đồng qua nhiều năm, nhiều tháng liền bờ liền thửa trong bức tranh hoành tráng làm ăn lớn của HTX bậc thấp, HTX bậc cao giờ lại be bờ ngăn chia lắt nhắt cho từng hộ gia đình. Nước đã về khắp đồng bãi. Vụ tháng mười chẳng còn chỗ cho cây lúa đứng chân trên đất khô. Những hạt giống dâu, dọn, dâm, de… đát trở thành quá vãng. Giờ đâycũng vẫn người dân làng một nắng hai sương, nhưng họ quá quen với cách sử dụng thuốc trừ sâu với tên Tây dài dằng dặc, quen với thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quen với gọi tên giống lúa bằng các con số, quen với xe cơ giới chuyển lúa về rồi thổi, phun, sàng, sảy bằng máy móc tần kỳ. Đương nhiên là như thế giữa thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những giọt mồ hôi đổ xuống ruộng đồng thì muôn đời nay vẫn thế, mặn chán và nóng hổi. Hơi thở nhọc nhằn thì vẫn thế, gấp gáp dồn nhịp dưới những rãnh cày…

Mùa gặt hái tháng mười ơi, xác lắc xã lơ những ngày bạn gặt từ góc bể chân trời tụ họp về bên nhau gặt hái, hát hò. Rồi tình yêu nảy nở bên gốc rạ, dưới trăng khuya, chung nhau điếu thuốc, miếng trầu, chung nhau cuộc sống gian lao mà đầy ắp tiếng cười. Để nhi vụ mùa đã vãn, dùng dằng người đi kẻ ở, ai đó ngâm lên những vần thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải, dùng thơ mà nói hộ nỗi niềm.

Em bước chân ra

Con đường xa tít

Con sông mù mịt

Nặng gánh em trở ra về

Ngoảnh cổ trông sông ruộng giời khuya…

Những năm cũ đã qua đi, những năm mới lại đến. Những vụ gặt tuần hoàn theo nhịp hải hà. Nha ngày xưa ấy, bây giờ, mùa vàng thơm nức thôn làng, nhưng không hiểu sao, cứ đến tiết thu phân tôi lại nhớ trên cánh đồng tháng chạp những ngày xưa ấy có ai biết mà gợi lại một tiếng lòng thao thiết, mùa ơi!

Làng Tam Hiệp, cuối năm 2004

Đ.T.T

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 124 tháng 01/2005

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

17 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

17 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

17 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

17 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground