Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện tình bên dòng sông Sa Lung

S

ông Sa Lung có tự bao giờ? Ai cũng bảo có từ thời núi Linh Sơn, sông Bến Hải. Làng Phúc Lâm nép mình bên dòng sông Sa Lung ai đã đặt tên?

Những câu hỏi đơn sơ, những dòng sử mộc mạc ấy của quê hương lẽ ra ai cũng biết. Nhưng mấy thanh niên tôi bất chợt gặp ở phía bắc cầu Phúc Lâm đều không biết. Thực ra, dòng Salung là một dòng chảy thiên tạo, bắt nguồn từ núi rừng của miền Tây Vĩnh Linh, chảy qua trung du, đồng bằng của các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thuỷ đến Bến Tám thuộc xã Vĩnh Sơn hợp lưu với thượng nguồn con sông Bến Hải tạo thành dòng sông Hiền Lương đổ ra bễ Cửa Tùng. Còn làng Phúc Lâm là nơi dừng chân lập ấp đầu tiên của những người Việt cổ từ đàng ngoài vào khai khẩn đất Thuận Hoá. Khi đến bờ bắc con sông Sa Lung thấy ruộng đồng tươi tốt, sông ngòi lắm tôm nhiều cá, một bộ phận cư dân đã ở lại lập ấp dựng nên xóm, nên làng. Do đó, sử sách thời Lý-Trần có ghi lại rằng: phía bắc con sông Sa Lung từ thế kỷ XVII đã có Phúc Lâm trang.

Tôi e chuyện quá xưa không hợp với “thời hiện đại” nên quay ra hỏi chuyện đời nay. Trong chiến tranh làng ta có bao nhiêu thanh niên lên đường đánh Mỹ? Hiện có bao nhiêu thương binh? Bao nhiêu gia đình liệt sỹ? Họ cười và nói đại khái là nhiều, nhiều lắm, thế thôi! Vừa may có một phụ nữ đã đứng tuổi nhưng nước da trắng hồng, gương mặt tươi tắn còn lưu giữ những nét đẹp của thời xuân sắc rửa rau dưới sông đang quảy gánh đi lên vừa cười, vừa nói vui:

- Thời chiến tranh ấy à! Cả làng Phúc Lâm đều đi đánh Mỹ. Có người đánh Mỹ ngoài chiến trường, có người đánh Mỹ ở nhà. Thời đánh Mỹ chị em phụ nữ chúng tôi ấy à, vừa đánh máy bay, vừa vác đạn, vừa đợi người yêu, đợi chồng đến mòn cả mắt đấy!

Nói xong chị cười giòn tan và gánh rau đi thẳng, dáng đi mạnh mẽ, gương mặt tươi, ánh mắt dịu dàng của chị đã dẫn tôi đến trước một ngôi nhà mái bằng, được xây bên cạnh một cái ao cá khá rộng. Trước ngõ có trồng hai cây bông bụt nở hoa đỏ rực. Chị phụ nữ gánh rau đi xuống nhà dưới, rồi giục chồng lên nhà trên tiếp khách. Thì ra, chồng chị là thương binh cụt một chân. Anh tên là Phùng Đống quê gốc ở xã Vĩnh Giang. Năm 1966, Phùng Đống trẻ trung, khoẻ mạnh lên đường đi đánh Mỹ. Hơn mười năm sau anh mới trở về gặp lại chị. Sau bao tháng năm chờ đợi mỏi mòn, chị đã đón anh về và cùng anh sống trong ngôi nhà tranh vách đất với bao nỗi buồn vui. Chị Lý kể: Anh Đống cùng học trường cấp ba Vĩnh Linh với chị - Anh học trên chị một lớp. Năm 1965, máy bay Mỹ ném bom làm sập trường, thầy giáo dạy văn và tám bạn học sinh lớp chị bị bom Mỹ sát hại. Trường phải sơ tán đi nhiều nơi để học. Không biết suy nghĩ thế nào anh Đống bỏ học và viết đơn xin đi bộ đội. Nhưng vì anh là con một, gia đình chỉ có hai mẹ con nên trên chưa đồng ý. Còn chị thì vẫn theo học đến gần cuối cấp mới nghỉ học vì lúc đó mẹ chị ngã bệnh rồi mất, chị đành phải nghỉ học để đỡ đần công việc nội trợ cho bố. Còn anh Đống xin đi bộ chưa được thì viết đơn vô dân quân liền. Đầu năm 1966, anh cùng bà con ở dưới quê đi lấy củi ở bến Tranh bên xã Vĩnh Thuỷ. Lúc đưa đò củi đến quãng sông gần bến đò Phúc Lâm thì máy bay AD6 của Mỹ phát hiện được và sà xuống chụp ảnh. Anh Đống đứng dạng chân trên thuyền dùng súng K44 bắn trả. Bị bắn trả, chiếc máy bay AD6 của Mỹ bay vọt lên rồi chuồn thẳng. Ông lái hoảng quá, cạy cho thuyền củi tấp vào bờ ngờ đâu gặp lố “đá ngầm” làm thuyền nghiêng, cả thuyền củi chìm xuống sông. Thế là cả đoàn đi củi phải tá túc tại bến đò Phúc Lâm để lặn vớt củi. Anh Đống được phân công ở lại trên bờ đi mua gạo nấu cơm, vì số gạo còn lại đã bị rơi xuống sông. Đống vào một nhà dân sát bến sông để hỏi mua gạo và không ngờ đó là nhà của bố con Lý. Là học sinh từng học cùng trường, nên Đống và Lý làm quen với nhau rất nhanh qua bao câu chuyện của trường, của lớp, chuyện thầy giáo dạy văn và bạn học đã ngã xuống trong trận ném bom của Mỹ Nguỵ chiều mồng tám tháng hai năm 1965. Sau câu chuyện, không chỉ không nhận tiền nửa yến gạo mà Lý còn dúi vào tay Đống một gói cá khô đồng để làm thức ăn.

Sau chuyến đi củi, nhất là sau cái chuyện “Gan cóc tía” đứng trên thuyền dùng K44 bắn máy bay Mỹ của mình, Đống được trên xét tuyển vào bộ đội liền. Giữa năm 1966, trước khi lên đường cầm súng đánh Mỹ, Đống đã đạp xe lên chia tay với Lý. Trước lúc ra về, đứng tần ngần trước ngõ, Lý thấy mặt Đống đỏ rựng, miệng ấp úng hồi lâu mới thốt lên:

- Lý! Lý có chờ được tôi không?

- Được! (Lý bối rối trả lời).

Tình yêu của anh chị được bắt đầu như vậy. Giản dị, thắm đỏ như bông bụt trước ngõ và lặng lẽ như dòng sông chảy qua trước nhà.

Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Thanh niên trong làng đi đánh Mỹ lần lượt trở về. Có người còn nguyên vẹn, có người cụt tay, cụt chân, có người gương mặt bị dị dạng do bom cháy, nhưng tất cả họ vẫn sống và đã trở về với người thân, vợ con gia đình, quê hương. Còn Đống thì vẫn chưa trở về. Đợi hơn một tháng, Lý mạnh dạn đạp xe về Vĩnh Giang quê anh để hỏi tin tức. Mẹ anh đã mất, chỉ còn ông bác họ và một người em gọi mẹ anh bằng dì. Nhưng cả hai người vẫn không biết một chút tin tức gì về Đống. Họ vẫn mong ngóng anh từng ngày. Lý xin ông bác họ của Đống ra mộ thắp hương cho mẹ anh, rồi đạp xe về mà lòng cứ bồn chồn như có lửa đốt.

Năm 1972, sau chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Lý có nhận được thư của anh. Thư viết rất ngắn, đại ý là đơn vị anh đang tiến sâu vào phía trong. Ngày giải phóng miền Nam đang đến gần, anh sẽ trở về. Em cố đợi. Thế thôi! Vâng chỉ có như vậy thôi đã làm cho Lý tin Đống vẫn còn sống và sẽ trở về.

Thế mà! sau hơn một năm đằng đẳng Đống vẫn bặt vô âm tín. Sự chờ đợi, ngóng trong làm cho con nguời ta hao gầy đến là nhanh. Lý gầy tọp hẳn đi, đôi mắt quầng thâm vì thiếu ngủ. Trong hoàn cảnh hoang mang ấy đã có nhiều người đàn ông tìm đến với Lý. Nhưng Lý đều từ chối. Ai cũng nhìn Lý ái ngại. Con gái có thì, cái Lý chờ thằng Đống đến già chắc. Biết người ta có trở về không mà đợi. Hay là chê trai làng chân lấm tay bùn làm vợ người ta sẽ khổ. Đẹp thế cơ mà! Bao nhiêu lời đàm tiếu bủa vây xung quanh Lý. Có thầy hiệu trưởng trường làng goá vợ, hai con, nhưng còn khá điển trai, tối thứ bảy nào cũng ghé nhà Lý chơi và ngỏ lời muốn đi bước nữa với Lý. Nhưng Lý vẫn từ chối với một lý do là không muốn làm mẹ kế. Lý từ chối mọi lời cầu hôn vì dù trong mong manh Lý tin Đống vẫn còn sống và sẽ trở về như anh đã viết trong thư. Tuy tự tin như thế, nhưng khi nhìn những cặp vợ chồng đèo nhau bằng xe đạp lên thị trấn chơi, hay các cặp trai gái yêu nhau ngồi tâm sự với nhau ngoài bến sông, đêm về vò võ một mình, Lý cảm thấy đuối lòng và bật khóc. Tiếng khóc của Lý ủ vào mái gianh, lặn vào vách đất âm thầm như một khúc nguyện cầu cay đắng. Dù rất buồn, có lúc hoang mang, nhưng Lý vẫn tin Đống còn sống. Vâng! miễn là anh còn sống để trở về với em dù anh có bị thế nào đi nữa. Và lòng tin ấy đã giúp Lý vượt qua những khoảnh khắc trống trải kinh hoàng, vực Lý đứng dậy, không vấp ngã, kiên trinh chờ đợi Đống trở về.

Và Đống đã trở về thật. Một buổi sáng của một ngày đầu đông năm 1976, Lý chuẩn bị đi làm ruộng mạ thì thấy có hai người đàn ông đèo nhau trên một chiếc xe đạp đi vào ngõ nhà Lý. Người đàn ông ngồi sau xe mang theo một chiếc nạng gỗ. Vào đến sân, người đàn ông ngồi sau chống nạng bước xuống. Lý không còn tin vào mắt mình nữa, vội vứt cuốc chạy lại ôm chầm lấy người đàn ông đi nạng gỗ mà kêu lên:

- Anh Đống! Anh đã trở về rồi ư?

Chị Lý lại kể: Lạ quá anh ạ! Thấy người yêu trở về tiều tuỵ, lại cụt một chân, lẽ ra tôi phải khóc sưng cả mắt mới phải. Nhưng đằng này tôi lại cười. Tôi ôm chặt lấy anh mà cười vì sung sướng quá. Cười nhưng nước mắt lại tràn mi. Anh ấy không thể chết, anh ấy đã trở về với tôi và tôi đã được thực hiện đúng lời hứa với anh trước lúc lên đường: Em sẽ đợi!

Và đám cưới của tôi và anh được tổ chức mười ngày sau đó. Vui lắm! Bà con của anh ở dưới quê, bà con trên này và bạn bè thời còn học phổ thông đều đến dự. Ai cũng cho quà. Mừng ơi là mừng! Cưới xong vì nhà anh ở dưới quê chẳng còn ai nên tôi bảo anh xin bà con bên anh ở lại trên này cho tiện. Bà con ở dưới quê đồng tình, nên anh ở lại luôn.

Sau chiến tranh gia đình nào cũng vất vả- Gia đình tôi có chồng là thương binh lại càng vất vả hơn. Nhưng được cái cả hai vợ chồng rất thương yêu nhau, anh Đống lại chịu khó nên mới có được như ngày hôm nay.

Đúng như lời bộc bạch của chị Lý, đón nhận tình thương yêu chân thành mà sâu nặng của vợ, sự cưu mang của bà con xóm giềng, Đống đã vơi dần những mặc cảm nặng nề. Anh chỉ dẫn vợ cung cách làm ăn, xây dựng kinh tế vườn, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, nuôi lợn. Chị Lý không chỉ là một người vợ tảo tần, hay lam hay làm. Kinh tế gia đình anh chị ngày một khấm khá lên. Anh Đống kể: Sau khi cưới vợ được một năm, chị Lý sinh con đầu lòng, có một người đồng đội của anh ở dưới quê là thương binh lên rũ anh đi buôn đường dài. Người đồng đội ấy bảo mình là thương binh không ai nỡ bắt thuế, đôi khi buôn hàng cấm công an, thuế vụ cũng cho qua, thế là mau giàu, còn làm ruộng thì còn lâu. Nghe bạn chồng nói như vậy, sợ anh Đống làm theo chị Lý nói cản luôn! Mình là thương binh ít nhiều cũng được nhà nước trợ cấp, cứ ở nhà trông coi con tôi đi làm ruộng, nếu có thương vợ, thương con thì chăm thêm con lợn, con gà để tôi rảnh tay ra chợ kiếm đồng mắm, đồng muối. ở nhà nếu có ốm còn có vợ con chăm sóc, đi buôn nhỡ dính vào hàng cấm vào tù lại phí những năm cầm súng. Nghe vợ nói như vậy anh Đống bỏ luôn ý định đi buôn với người bạn kia ở nhà hôm sớm cùng vợ tảo tần. Còn nghị lực? Anh Đống bảo phải tự mình vươn lên thôi. Chị Lý đã giúp anh tập đi bằng chân giả, rồi anh bỏ nạng đi bằng chân, tập cày, tập bừa và đã làm được nhiều việc như người bình thường. Vợ chồng anh đã nương tựa vào nhau vươn lên. Năm 1996, huyện Vĩnh Linh triển khai dự án phát triển cây cao su tiểu điền. Xem ti-vi, đọc báo, anh thấy nhiều nơi nông dân trồng cao su tiểu điền đã xoá được nghèo, nhiều điển hình làm ăn giỏi đã trở thành tỷ phú, anh bàn với chị, quyết làm cuộc đổi đời. Được vợ đồng tình khuyến khích, sau khi lên vùng Quảng Xá xem đất về anh làm đơn xin đấu thầu năm ha đất đồi để trồng cao su tiểu điền. Được xã chấp thuận và cấp đất, anh lên vùng Quảng Xá đóng trại để trồng cao su. Hàng tuần chị Lý lên tiếp tế gạo, thức ăn và động viên anh. Sau hơn tám năm tảo tần, hiện nay vợ chồng anh đã có một trang trại cao su tiểu điền khá bề thế trên vùng đất Quảng Xá! Hai năm nay, cây cao su tiểu điền đã được đưa vào khai thác, anh chị đầu tư cho anh con trai út học đại học, nâng cấp ngôi nhà này và cưới vợ cho anh con trai đầu. Năm ngoái anh con trai cả hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, sau khi cưới vợ xong, anh chị giao luôn cả trang trại trên vùng Quảng Xá cho cháu quản lý khai thác. Còn anh trở về sống với chị bên dòng sông Sa Lung thuở nào.

Tôi tò mò hỏi:

- Bây giờ bà xã còn đằm thắm như xưa không?

- Còn nồng nàn và thắm thiết hơn nữa chứ! (anh Đống xởi lởi). Nhiều hôm trở trời tôi ngã bệnh bà ấy thức suốt đêm để lo cơm cháo thuốc men. Bà ấy sợ tôi đau ốm đâm ra nghĩ ngợi.

Biết chồng và khách đang nói về mình, chị Lý làm cơm dưới bếp chạy lên cười rất tươi, nguýt chồng một cái rồi nói vui:

- Ông đừng có mà nói điêu. Lần sau có ốm tôi bỏ đói cho bỏ ghét.

Trưa hôm ấy chị Lý đãi tôi một bữa cơm thật ngon miệng. Anh Đống không uống được rượu, bảo chị Lý đi mua cho tôi một chai bia, còn anh thì uống nước khoáng. Vừa gắp thức ăn vào bát cho tôi, anh Đống vừa nói:

- Phải tự cải thiện thôi. Đang dịch cúm gia cầm nên không thịt gà, nhưng cá nuôi dưới ao, rau trồng trong vườn đầy ắp. Phàm thức gì tự mình làm ra đều ngon và an toàn lắm.

Đang ăn, qua cửa sổ của nhà anh chị, tôi bất chợt khen cây cầu bắc qua sông Sa Lung đẹp và thơ mọng quá! Chị Lý ghé tai tôi nói nhỏ:

- Hồi chiến tranh chưa có cầu, đêm nào dân quân làng Phúc Lâm cũng phải trực để chèo đò đưa bộ đội qua sông. Năm 1972, bến đò Phúc Lâm vui ơi là vui. Xã đội điều đến mười mấy chiếc thuyền để kịp đưa bộ đội qua sông vào tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Ông Đống vào chiến trường lần thứ hai cũng vào dịp đó. Ông có nhớ không? hay đã quên rồi!

Trưa hôm ấy, tôi liền giở cuốn lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Long ra xem. Làng Thượng Lập là nơi ra đời một trong ba chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Vĩnh Linh. Trong chiến tranh, một làng quê nhỏ như Phúc Lâm đã có gần hai trăm thanh niên lên đường đánh Mỹ. Cả làng có đến năm mươi thương binh, mấy chục gia đình liệt sĩ. Những dòng sử mộc mạc và giản dị ấy đã nói lên bao điều của người và đất của làng quê Phúc Lâm của một thời giữ nước.

Ở làng Phúc Lâm có một người nông dân làm thơ. Đó là ông Duy Nại. Trong chiến tranh ông vừa tham gia dân quân bám trụ đánh Mỹ, vừa làm thơ để ca ngợi cuộc sống chiến đấu của người và đất quê hương. Ông Duy Nại  làm thơ khá hay. Bài thơ “Ngón tay trỏ” của ông được đăng ở báo Văn nghệ Trung ương và được giải. Biết tôi có ý định viết về vợ chồng anh Đống, chị Lý, ông động viên: chuyện của hai ông bà ấy đáng viết lắm. Chờ đợi người yêu và chăm sóc chồng như bà ấy thì đáng phục. Còn nghị lực như ông Đống thì đáng nể thật. Cụt một chân  mà làm việc còn hơn cả người bình thường. Thế ông định đặt bài viết của mình cái đề gì? Theo mình ông nên lấy cái đề: “Chuyện tình bên dòng sông Sa Lung” là đẹp.

 

N.N.P

NGÔ NGUYÊN PHƯỚC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 138 tháng 03/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground