Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giấy vẫn bay

 1. Chú Huyên người cùng làng với tôi. Học xong đại học Văn thì chú đi bộ đội. Loanh quanh thế nào thành phóng viên một tờ báo danh tiếng ở Thủ đô. Được đâu dăm năm thì chú bị thu hồi Thẻ nhà báo và bị đuổi khỏi cơ quan. Nghe bảo chú có những hành vi, phát ngôn đi ngược tôn chỉ mục đích của tờ báo chú đang phụng sự. Thời gian ấy, vợ chú đã kịp bỏ chú theo một gã làm phim truyền hình. Gã này có nhiều tiền đang xây dựng nhà hàng, khách sạn bên sông Hồng. Chú gom mấy bộ áo quần và một số sách bỏ vào hai cái hòm gỗ, hai túi vải rồi rong một mạch về quê. Bố chú chăm chăm nhìn chú xếp sách lên bàn, nét mặt buồn buồn. Ông là người trầm lặng, đa cảm. Đang dạy học ông bỏ, xin nghỉ hưu trước tuổi. Người thân hỏi vì sao thì ông nói, nghề bạc, gắn bó thế đủ rồi. Xếp xong sách vở, chú Huyên đứng cúi đầu trước bố, lí nhí nói, con có lỗi. Người bố không đả động gì tới chuyện chú bị đuổi mà nói, anh mang về nhiều sách quá, nhiều quá. Chú Huyên ngửng đầu. Rồi chú nói, sướng nhờ sách, khổ vì sách. Ông bố thủng thẳng nói, có mấy thời cái chữ đổi được cái ăn. 

Ở nhà đầy năm, chú Huyên rủ rê mấy thanh niên thất học, thất nghiệp trong làng lập một nhóm thợ nề rồi kéo nhau lên Thành phố.

Năm ấy tôi học lớp mười hai. Nhưng rồi thi hỏng đại học. Cha tôi nghiêm mặt nói, mày làm văn nghị luận theo sách thằng Huyên, hỏng là phải. Tôi chán đến độ không biết vì sao mà mình hỏng nữa. Chú Huyên gặp riêng tôi bảo, Đại học văn chẳng để làm gì, đi theo tao. Mấy ngày sau, tôi lên thành phố chạy việc vặt cho nhóm thợ nề do chú làm cai. 

Nhóm gồm năm người. Ngoài chú Huyên, tôi đảm đương việc cơm nước, điếu đóm, thằng Hà tốt nghiệp Đại học xây dựng nhưng thi hỏng công chức, phụ trách kỹ thuật, còn thằng Thắng đầu trọc và thằng Duệ thuộc loại đọc chưa thông, viết chưa thạo làm được mỗi việc xây và trộn vữa. Chúng tôi thuê một ngôi nhà trọ ở trong một con hẻm lởm nhởm đất đá, hai bên chen chúc những ngôi nhà lợp pibrô xi măng. Đầu hẻm có một cây bằng lăng nở hoa tím nên chúng tôi gọi là hẻm Bằng Lăng. Nhà có hai phòng, mỗi phòng chừng 12 mét vuông, xếp chật chội một bộ bàn ghế gỗ mộc, một tấm phản ghép bằng ván cốp pa, sát vách đất phía trong treo một cái giàn cũng bằng ván cốp pa, xếp lộn xộn hòm gỗ, túi vải đựng đồ đạc, áo quần cá nhân. Chú Huyên và tôi ở một phòng, ba người kia ở một phòng. Tắm, giặt, nơi vệ sinh là mấy bức tường táp lô ghép vào nhau, tách phía sau nhà, nhỏ như cái bốt gác trước cổng các công sở.

Thời gian ấy, chúng tôi xây ga ra ô tô, quán bán hàng ăn, nhà trọ cho sinh viên, cổng ra vào, nhà giao dịch cho các cơ quan… Chú Huyên nói, tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Đứa nào ham cái lớn thì đi chỗ khác… Thằng Thắng nói, bọn em đã theo anh là theo trọn đời. Đếch quan tâm nhỏ to, ăn no, ngủ kỹ, nhiều tiền để làm nhà, cưới vợ là được. Chú Huyên nói, trừ thằng Nhu (Nhu là tên tôi) và thằng Hà có học ra còn chú Thắng , chú Duệ làm thân thợ, sướng. Mấy đứa ngớ ra không hiểu. Lúc sau, chú nói, người có ba con chữ  thường mơ mộng, nghĩ ngợi, giãi bày vu vơ, đề cái này, xướng cái kia, rồi dằn vặt vì nó… rốt cuộc thân làm khổ mình. Tôi dè dặt nói, có phải ai nhiều chữ cũng khổ đâu. Chú Huyên trầm ngầm nói, không phải vậy thì ai bảo là người nhiều chữ… Thằng Thắng nói, xem ti vi, thấy những người cầm giấy trên tay ấy, tuốt tuột đều to béo, hồng hào. Tức là những kẻ sướng. Bọn em gầy, da dẻ sần sùi thì đích thị là thân trâu ngựa, khổ… Chú Huyên im lặng, mặt buồn hẳn. Những lần chuyện trò như vậy không nhiều. Chú Huyên ngược, xuôi tìm kiếm hợp đồng, lo vật liệu. Mấy đứa chúng tôi thì hì hục với xi măng, đá, cát trộn vữa, rồi thép giằng, dây dọi, đường bai… không cả lau mồ hôi trên mặt. 

 Nhờ cái tài của chú Huyên nên nhóm thợ chúng tôi việc liền việc. Ngoài phần trăm phết, phẩy cho A, chúng tôi nhận tiền công và tiền bớt xén vật liệu kha khá. Ban ngày đi làm, đêm về tôi nằm dán mặt vào màn hình ti vi. Cái ti vi đen trắng ông Giám đốc Doanh nghiệp sản xuất giấy vệ sinh tặng chú Huyên. Mở kênh nào nó cũng kêu ồ ồ và chốc chốc màn hình lại chớp loang loáng, lúc ấy mặt người bị cắt ngang, xẻ dọc thành ba, bốn mảnh, méo mó như mặt ma quỷ. Dẫu thế thì nó cũng làm tôi khuây khỏa và căn phòng bớt vẻ câm lặng. Thằng Thắng, thằng Duệ tản vào các ngõ phố hút thuốc lào vặt và chém gió các cô gái bán ngô nướng với nước chè xanh. Chú Huyên thì lửng thửng đi dọc lối hẻm ra gốc cây bằng lăng, đứng nhìn ngược, ngó xuôi rồi mất bóng vào đêm. Khuya, chú về lặng lẽ còng lưng trên cái hòm gỗ dùng làm bàn, viết gì đấy vào cuốn sổ tay bìa ni lông. Những lúc ấy, nét mặt chú luôn thay đổi, lúc bình lặng, lúc câng lên, lúc thuỗn ra. Đêm nào chú cũng ngồi một mình cắm cúi viết. Nghe được tiếng bút chạy loạt soạt trên mặt giấy. Khuya, chú nhìn quanh vẻ cảnh giác, đề phòng cái gì đó, rồi bỏ nhanh cuốn sổ vào hòm gỗ và bấm khóa. Không ai biết chú viết gì. Có hỏi thì chú nhíu mày khó chịu nói, tò mò, tò mò. Tôi dai dẳng hỏi, chú gãi đầu nói, lúc nào anh chết thì mày biết. Giọng chú nghiêm túc khiến tôi rùng mình.

Bẵng đi một thời gian. Một bữa, chú Huyên không viết mà đi vào phố. Chừng gần nửa đêm, chú về cùng một người đàn bà. Bọn chúng tôi nghển cổ, tròn mắt nhìn. Chú nói, đây là chị Hiền, tôinhặt được ngoài phố, đem về phụ trách nhà ăn. Quay sang người đàn bà, chú nói, không có ý gì khác đâu, ấy là tôi theo sách ông Kim Lân. Thằng Thắng thì thào hỏi tôi, ông Kim Lân là ông nào?. Tôi nói, là đồ đệ Chúa Giê su. Hắn tưởng thật nói, thế à. Chị Hiền trạc tuổi chú Huyên, xấp xỉ bốn mươi. Người đẫy đà, mông to, ngực nẩy, không đẹp, không xấu. Chị nheo nheo mắt nhìn mấy thằng chúng tôi rồi dệch môi cười nói, em chào các chú. Chú Huyên nhăn mặt nói, em út cái con khỉ. Mấy đứa bằng tuổi con đầu bà ấy. Vớ vẩn. Thằng Duệ toét miệng cười rồi kêu tuyệt, tuyệt hay, tôi chưa được người con gái nào gọi bằng anh, cứ thằnghắn, nó, chó, lợn, ma, quỷ mà nện. Thằng Thắng nói, nghèo, rách như mày kẻ  điên mới gọi bằng anh... Thằng Hà nói, chí phải, điên hay tâm thần. Thằng Duệ ngơ ngẩn cười. Chị Hiền nhìn quanh vẻ ngơ ngác. Không khí chìm xuống. Chú Huyên nói, bữa nay các chú bỗng ra lắm lời. Đấy là bà chị, còn nếu có con em xuất hiện thì các chú còn khua môi múa mép tợn, nhỉ?  Thôi, dẹp. Mấy đứa cuốn gói đồ đạc sang phòng anh, dành phòng ấy cho chị Hiền. Từ bữa ấy, chú Huyên và bốn đứa chúng tôi ở một phòng, một phòng làm bếp và chỗ ngủ cho chị Hiền.

 Đêm đêm bên phòng chị Hiền cứ nghe vọng ra tiếng nói chuyện rì rầm. Khuya, chú Huyên rón rén chui vào màn. Tôi trở mình dịch vào dành chỗ cho chú. Chú nhẹ nhàng nằm xuống cạnh tôi. Chú hỏi, mày chưa ngủ à. Tôi nói, chờ chú về. Chú nói, người thế mà khổ. Tôi biết chú đang nói về chị Hiền và chú sẽ lại nói tiếp. Quả thế, chú nói, gần như những thầm thì, quê miền biển, người ta lấy nhà, lấy đất để làm sân đua chó, chị ta dạt lên thành phố kiếm việc. Chú tình cờ gặp. Quá lứa, lỡ thì, ở một mình, không của cải, không người thân thích. Tôi chợt nhớ chị Dung vợ cũ của chú, lòng bỗng chạnh buồn. Tôi nói như một kẻ từng trải, mới gặp làm sao chú hiểu hết được người ta. Chú nói, đàn bà nói chung là bạc. Nhưng đàn bà ít chữ nói chung là không bạc. Đàn bà làm ruộng, làm thợ, mấy ai dối chồng lừa người… Mà thôi, ngủ đi, ngủ đi.

Tôi choàng tay ôm ngang hông chú, lòng bỗng nao nao buồn.

 2. Mùa mưa đến. 

Ban đêm, căn phòng trở nên ẩm ướt và thoảng mùi mốc. Mỗi bóng đèn điện có chụp dọi vùng sáng nhỏ xuống cuốn sổ để mở trên cái hòm gỗ. Chú Huyên lại đang khom lưng viết. Tôi nằm ngửa nhìn chuột đuổi nhau trên giàn đựng áo quần, nghĩ ngợi mung lung. Khuya, chú Huyên nhìn nhanh sang tôi rồi xếp sổ bỏ vào hòm, bấm khóa cái tách.

Thằng Thắng, thằng Hà, thằng Duệ đang ngủ. Thằng Thắng nằm cong gập lưng con tôm, hắn ú ớ, khóc hu hu, rồi cười khanh khách. Hắn mơ. Giấc ngủ có mơ là mệt lắm. Tôi buông giọng nói, kiếm được đồng tiền khó thật. Chú Huyên ngoảnh lại nói, thế cũng đòi nói. Tôi cãi, không phải vậy à?. Chú Huyên nói, đúng ra là kiếm được đồng tiền lương thiện thật khó. Không thấy thiên hạ kiếm tiền cứ ngon ơ à. Trăm người có vạn cách. Chao ôi, thiên hạ thì đông đảo, thì mênh mông tôi biết đâu đấy. Chú Huyên ngã người xuống giường. Tôi nghe chú thở dài.

Sáng sớm, tôi đứng tựa người vào khung cửa, nhìn ra đường phố. Người  lúi húi, chen lách đi lại, ngược xuôi, chốc chốc một chiếc xe ô tô rú còi khiến đám người giật mình, dạt lên vỉa hè dưới gốc cây bằng lăng.

Chú Huyên buông thõng hai chân xuống đất, ngẫm nghĩ gì đấy, rồi bỗng hỏi, mấy thằng  đêm qua về lúc mấy giờ?

Không có câu trả lời.

Chỉ nghe tiếng ngáy o o của thằng Duệ, thằng Thắng phía sát bức vách. Chú Huyên lắc đầu nói, sướng. Chẳng hiểu chú nói sướng cái gì, ai sướng. Lúc sau, chú đi ra sân, mảnh sân rộng bằng hai chiếc chiếu, lổn nhổn gạch vụn, ở đó chú vươn vai, mặt hướng về phía cây bằng lăng hoa tím, miệng lẩm bẩm gì đấy. Tôi đứng trên bậc thềm nhìn ra. Mưa vét sau cơn giông giăng đầy những sợi trắng lang thang trong không gian. Từ căn phòng bên cạnh chị Hiền nhô đầu ra khỏi cửa hỏi, sáng nay anh em ăn gì để còn lo. Mì sợi, cơm rang hay xôi bắp? Chú Huyên không trả lời. Chị Hiền bước ra sân đến bên chú Huyên nói, tôi hỏi là sáng nay ăn gì? Chú Huyên nói, tùy. Mà sao lại hỏi cái ăn vào lúc này. Chị Hiền cười khúc khích, nói dào ôi, hâm, đúng là hâm. Cơm cháo không lo lại nhìn hoa, rồi còn làm thơ. Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau cái lòng. Ấy, thơ là phải não nề thế. Chú Huyên hỏi, giọng vui vui, thơ của Hiền đấy à? Chị Hiền ngớ ra một lúc rồi nói, không biết, hồi trẻ đã thuộc nó rồi. Nói xong, chị  trở vào phòng. Mông ngúng nguẩy còn đôi vú kéo hếch cả tà áo trước lên đầy khiêu khích. Chú Huyên nói với tôi, thuộc gần hết Truyện Kiều nhưng không biết cụ Nguyễn Du là ai, chữ chỉ đủ viết mỗi cái tên của mình. Thế lại hay. Chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương cá lẹp, xưa đúng, nay vẫn đúng, nói như mấy anh sính chữ là vẫn còn nguyên giá trị. Chú cười, tiếng cười nghe ra vị đắng đót. Tôi hiểu tâm trạng của chú bèn nói sang chuyện khác. Tôi nói, hôm nay vẫn chưa có việc hả chú? Chú Huyên không đáp, bỏ tôi đứng một mình, đi dọc con hẻm. Bóng chú liêu xiêu trong làn mưa đùng đục.

Vẫn mưa, vẫn không có việc làm. Chúng tôi nằm khèo  trên giường ngó mông ra khoảng không u ám bên ngoài khung cửa. Những ngày mưa với chúng tôi nó dài lê thê, dài đến mức không chịu nổi.

Dạo này, chị Hiền thường bỏ ăn và thỉnh thoảng lại nôn ọe. Thằng Thắng rỉ tai tôi, có thai rồi. Dám đẻ đái vào lúc này thì dũng cảm, anh hùng đấy. Tôi nói, mày im đi. Người ta nghe thấy, sinh chuyện. Hắn chun mũi nói, loại có chữ như mày cứ giấu ý nghĩ thật trong bụng như mèo giấu cứt. Chán bỏ thước thợ. Tôi không muốn đấu khẩu với hắn, bèn im lặng đi sang phòng chị Hiền. Chị không có nhà. Chợt nhớ, chú Huyên đưa chị đi khám bệnh trong phố.

Bếp ăn tập thể chúng tôi lúc đỏ lửa, lúc không, tùy thuộc sức khỏe chị Hiền. Nề nếp sinh hoạt của nhóm bắt đầu chệch choạc. Việc làm bấp bỏng, thu nhập giảm hẳn. Không khí ảm đạm, nặng nề trùm lên hai căn phòng ẩm ướt. Thằng Thắng và thằng Duệ không giấu ánh mắt bực bội khi nhìn chị Hiền, cứ như mọi nỗi khó khăn là vì người đàn bà miền biển quen ăn sóng nói gió do chú Huyên nhặt về vậy. 

Chú Huyên thấy hết, biết hết. Một hôm, ăn sáng xong, chú bảo chúng tôi ngồi lại bên bàn. Với vẻ nghiêm trang ít thấy, chú nói, tôi đã cố gắng rồi nhưng mọi thứ nằm ngoài khả năng, công việc ngày mỗi khó khăn. Thằng Thắng xoa xoa cái đầu trọc nói, cứ nói chẻ hoe ra đi. Chú Huyên bối rối nhìn hắn. Lúc sau chú nói, nghe giọng biết là không phải chú nói cho mỗi thằng Thắng. Chú nói, suy thoái kinh tế đánh cả vào mấy thằng nghèo. Rồi sẽ khổ nữa cơ. Đã nghèo lại không chịu hèn. Đã làm cái việc không cần chữ lại ngo ngoe chữ nghĩa thì làm sao mà không khổ. Thằng Duệ nói, mấy đứa bọn em có chữ nghĩa chi, đừng nói là bọn em ngo ngoe. Thằng Thắng nói, nhà em mấy đời không học, mà có không khổ đâu. Cơ mà chẳng ai chết non. Cứ trên tám chín chục, hé. Chú Huyên nói, mấy đứa thấy đấy, lâu nay tôi không đọc, không viết lách gì nữa… Còn chuyện riêng của tôi và chị Hiền là định mệnh. Định mệnh các chú ạ. Nói xong, chú nhìn mấy đứa chúng tôi, ánh mắt dịu dàng, lẫn một cái gì đấy như là băn khoăn, ân hận khiến tôi cảm thấy đắng chát trong lòng. Thằng Thắng hỏi nhỏ tôi, định mệnh là chi? Tôi bực mình nói, tao không biết.

Một hôm, chú Huyên đi vào Thành phố, đóng trưa mới về. Mặt chú sầm xuống trong một ưu tư nào đấy. Uống xong cốc nước nguội chú bảo tôi đi cùng chú. Chúng tôi đi dọc con hẻm. Hẻm vắng, nắng chấp chới đến lóa mắt. Đến gốc cây bằng lăng, chú đứng lại. Biết chú có điều cần nói với tôi, tôi đi đến bên chú.

Tôi cảm thấy lòng nao nao. Chưa bao giờ tôi nghe  giọng chú rưng rưng buồn như thế.

Chú nói, Nhu ạ, đã đến lúc phải giải tán nhóm thợ. Tôi hỏi, không thể kiếm ra việc nữa hả chú? Chú nói, nhận thầu giờ phải cạnh tranh bằng tiền… dù là xây cái hố xí. Chai mặt thì cũng có việc. Mà tôi thì không chai mặt được. Nhưng điều tôi nghĩ là cái nhóm thợ này, chú Hà, chú Thắng, chú Duệ và cả chú nữa rồi sẽ đi về đâu. Cuộc đời con người thảm hại là không biết sẽ về đến đâu…

Và với giọng rưng rưng buồn như thế, chú Huyên nói tiếp, tôi chịu oan trái, đói khổ, cực đầu, cực tâm đã quen. Chỉ thương các chú, trẻ người, trải ít, rồi ra bơ vơ. Chú im bặt, lúc sau nói, cậu lại có nòi văn chương, dính vào văn chương… Tôi không hiểu câu nói lấp lửng của chú. Tôi nói, cha cháu hay đọc sách, ngâm thơ còn cháu thì văn chương gì. Chú méo mó cười nói, có chút nào mà nó lẫn vào vôi vữa thì thật vô phúc.

Minh họa: THANH THÁI

 

Tôi nghĩ, chú là người nhiều chữ, người từng kiếm ăn bằng chữ mà nay ra vẻ ghét bỏ người có chữ. Ra cái án chữ chú mang từ hồi làm phóng viên còn nặng trên vai. Tôi nhìn vào mắt chú, nói tôi không hiểu nổi chú. Chú Huyên nói, chữ kia cũng có đến ba bảy đường/ Có khi biến có khi thường… Cậu lười nghĩ nên mới thấy tôi là kẻ khó hiểu. Tôi là người rõ ràng chứ. Chị Hiền còn hiểu tôi nữa là. Cậu đã nghe chị ấy bảo tôi hâm đấy. Thế là nhẹ. Tôi còn hơn cả hâm… Tôi bối rối chưa biết nói sao thì chú đã quay ngoắt trở  vào nhà.

Lúc tôi về đến phòng đã thấy chú và chị Hiền ngồi bên bàn. Không ai nhìn ai, không ai nói gì. Một bầu không khí nặng nề chụp lên tôi.

Chú Huyên nói, ngồi xuống đây. Rồi dịch vào sát chị Hiền dành cho tôi một chỗ trống trên cái ghế băng làm bằng một tấm ván cốppa.

Chị Hiền nói, giải tán thì người có chữ như anh và chú Nhu, chú Hà khỏi lo cái đói, cái khổ, còn tôi, cậu Thắng, cậu Duệ rồi ăn đất à?. Không có cách gì khác à? Tôi nhìn đôi mắt nhòe nước của chị Hiền, lòng nao nao buồn và chờ đợi chú Huyên sẽ nói một câu gì đó, một câu gì đó để an ủi người đàn bà chắc đang trong tâm trạng rối bời. Nhưng chú Huyên không xoa dịu cơn xung động trong lòng chị Hiền mà lại ngã người ra cười. Lần đầu tiên tôi thấy chú thật vô duyên, thấy chú thật đáng ghét. Lúc sau, chú nhăn mặt nói, người có chữ thì sướng, thì khỏi lo cái đói, cái khổ à?. Nói chi mà ngu. Có chữ thì sướng là thứ có chữ rởm, còn có chữ thật thì khổ, em ạ. Tôi có cả bồ chữ của tông tộc mà tôi thế nào thấy rồi đó. Cô có lấy chữ không? Chị Hiền sầm mặt, giọng lộ vẻ bực bội, là suôn mồm nói thế thôi chứ tôi cần cóc gì chữ nghĩa. Anh Huyên nói, thấy chưa. Bọn người nhiều chữ là phân, là cứt hết. Bọn không hiểu nổi chữ nói thế đấy. Chú bỗng  nhìn xoáy vào tôi hỏi, cậu biết ai nói vậy không? Tôi nói, tôi không biết, tôi không muốn bàn chuyện của ông này, bà nọ.. Chị Hiền vò vò cái khăn tay màu cháo lòng trong những ngón tay run run lại hỏi, giải tán thật à? Hỏi xong chị nhìn anh Huyên và tôi bằng cài nhìn rưng rưng, trong một khắc khoải nào đấy. Lòng tê tái cảm giác thương cảm tôi nói, anh Huyên đang nghĩ thế chứ chưa giải tán đâu chị ạ. Mà có giải tán thì anh ấy cũng không để chúng ta bơ vơ đâu.  Anh Huyên trừng mắt nhìn tôi nói, cậu lại bị nhiễm cái dịch trịch thượng lâu nay. Vỗ về người khác một cách giả dối để kê kích mình. Ngẫm kỹ, đấy là sự coi khinh con người. Cậu hiểu không, một sự lừa bịp không hơn không kém. Cái mặt cậu quen nhẫn nhịn nên cứ tỏ ra lơ ngơ không hiểu. Chứ thực ra cậu hiểu hết… Tôi nói, chú nói đâu đâu với ai ở đâu đâu. Chú Huyên cúi xuống nhìn cái gì đó dưới hai bàn chân trần rồi nói, có lẽ cậu nói đúng. Mà thôi. Dẹp.

Căn phòng bỗng nhiên lặng phắt. Chú Huyên dịch vào sát chị Hiền nói, tôi sẽ xin cho chị vào làm ở Công ty vệ sinh môi trường. Vệ sinh môi trường lương cao. Nhưng nếu chị không bị bệnh sỹ, cái bệnh của bọn trí thức rởm…

Chị Hiền đưa khăn tay lau khóe mắt nói, tôi khỏe mạnh, tôi không bị bệnh.  Nói xong chị cười, nụ cười tươi mà tôi thấy buồn nao lòng.

Sáng ấy, chị Hiền đặt lên cái bàn đóng bằng mấy tấm ván cốppa sáu bát mì tôm, một đĩa ớt tươi dành riêng cho chú Huyên. Thằng Thắng, thằng Hà, thằng Duệ ngồi chồm hổm bên bàn, mặt buồn thiu. Chắc họ đã biết quyết định của chú Huyên.

Đấy là bữa ăn cuối của nhóm chúng tôi. Chú Huyên nói, các chú cứ về, lúc nào có việc gì hay tôi gọi. Ai đến được thì đến, không đến được thì thôi. Đồ nghề để lại đây hoặc mang về thì tùy. Thời gian qua anh em ta tứ hải giai huynh đệ, đã theo lời cụ Hồ đoàn kết, thương yêu nhau, lá lành đùm lá rách. Cũng có lúc nóng lúc lạnh, nhưng cái lõi, cái ruột là tốt. Tôi có sai sót gì các chú bỏ qua. Các chú biết tôi là kẻ thô lỗ, cứ giận cá đi chém thớt, lấy cái bực bội ngoài thiên hạ về đổ vùi lên các chú, hãy bỏ qua cho tôi. Có gì thì rồi anh em tin cho nhau…Chú nghẹn lời. Trong nhóm thợ có người sụt sịt. Chị Hiền bỗng khóc hu hu.

Chú Huyên cựa quậy trên ghế như có kiến đốt dưới đít. Chú nói, khóc gì mà khóc. Có phải sau bữa mì tôm này có người chết đâu. Chú đưa mu bàn tay lên dụi mắt đôi mắt đã đỏ hoe.

Thằng Thắng mấp máy môi một lúc rồi nói, còn anh và chị Hiền, cưới luôn đi. Tôi, thằng Hà, thằng Duệ cùng nói, phải, cưới để bọn em còn được lăng xăng chạy việc vặt, được uống bia hết ga, thả phanh. Chú Huyên cười, nhưng mặt nhuốm buồn. Chú nói, sẽ có một bữa ăn uống ra ăn uống. Nhưng không có lễ cưới đâu. Rổ rá cạp lại, cưới hỏi chi. Còn bữa hết ga, thả phanh ấy phải chờ khi chị Hiền có việc ở Công ty vệ sinh. Nếu không có bất trắc xẩy ra, anh sẽ tin mời các chú. Thằng Thắng nói, chúng ta là công dân lương thiện làm chi có bất trắc. Chú Huyên xoa tay lên cái đầu trọc của nó nói, thời nay bất trắc nó rình rập khắp nơi. Rồi chú nắm tay tôi nói, còn một việc tôi nhờ cậu Nhu… Lưỡng lự một lúc, chú hạ giọng nói, tôi có mấy thùng sách lâu nay không dòm ngó tới, sợ mối mọt nó gặm nhấm mất. Lúc nào đó cậu đến nhà bố tôi, lật trở sách hộ. Nhưng nhớ làm nhẹ nhàng, cẩn thận đấy. Tôi nói, việc ấy cháu từng làm cho cha cháu, chú yên tâm.

Nhóm thợ nề vậy là tan. Căn nhà thuê, anh Huyên trả một phòng và giữ lại một phòng cho anh và chị Hiền ở. Tôi, Thắng, Hà, Duệ khoác ba lô, mang túi xách ra bến xe tỉnh, rồi mỗi người mỗi ngã. Chú Huyên và chị Hiền đứng nhìn theo mãi khi xe khuất chỗ ngoặt mới trở về.

3. Chập tối tôi về đến nhà. Thấy tôi, cha tôi cười nói, tao biết con sẽ về mà. Nói xong, ông đến nằm ngửa trên cái phản gỗ mít, bắt tréo hai chân lên nhau và ngâm: Non xanh xanh ư nước xanh xanh, ư sớm tinh tinh sớm ư…trưa tỉnh tình trưa … Ông sẽ ngâm như thế cho đến khi mẹ tôi mời ngồi vào bàn ăn. Mẹ tôi nói, người có chữ lạ thế. Lo dân chúng không cần cù, bươn chãi làm ăn sẽ đói khổ, nhưng mình thì cứ ư ử hừ ư.  Rồi tôi ngắt cho ông nhúm rau mưng và mua dăm con cá lẹp kẹp với giấy mà ăn. Nói vậy nhưng mẹ tôi chiều chồng hết mức. Ngoài chị Hiền chiều anh Huyên, mẹ tôi là người đàn bà thứ hai chiều người có chữ mà tôi từng thấy.

Đến một ngày, cha nói với tôi, trải sách vở ra bàn mà học đi. Thi lần nữa xem sao. Tài như cụ Trứ xưa cũng ba bảy lần thi mới đỗ chút quan. Tôi nói, con không học nữa, con đi làm kiếm tiền. Cha tôi nói, tùy mày. Tao đây còn không lo được cho mình nữa là lo cho con.

Tôi không trải sách vở ra bàn mà kéo chiếc xe máy trong góc nhà ra sân lau chùi, tra dầu mỡ. Cha tôi đứng trên thềm nheo mắt nhìn, rồi lắc đầu nói, ờ cái nghề xe lai, khỏi phải học. Giọng ông kéo dài nghe đắng chát.

Tôi làm nghề xe ôm ở Khu Du lịch biển Cửa Trà. Một hôm đang ghếch chân lên yên xe chờ khách gọi thì một chiếc ô tô đỗ xịch ngay cạnh. Từ trên xe bước xuống là một người đàn ông cao to, đầu cạo trọc, vận bộ com lê đen sang trọng. Thằng Thắng. Hình như tôi gọi thầm trong họng. Thằng Thắng thật. Hắn a tới. Tôi và hắn ôm chầm lấy nhau, cách ôm ra vẻ của những quan chức có chữ. Hắn nói hắn làm Giám đốc một Doanh nghiệp tổ chức sự kiện. Mới làm mấy năm đã thoát nghèo. Sắp tới hắn sẽ mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực dịch vụ Du lịch… Tôi im lặng nghe và cảm thấy rằng đấy là những ý tưởng tôi không thể chia sẻ và điều đó khiến tôi buồn và bực bội. Tôi từ chối lời mời vào khách sạn ăn nhậu. Thì thôi vậy, hắn nói, phật ý như một đứa trẻ, rồi trao cho tôi một tấm các chi chít chữ nói, có số điện thoại trong ấy, hàng dưới cùng ấy, khi cần gì thì gọi. Nhóm thợ nề ngày xưa chỉ mỗi mày là ẩn khuất mất bóng, còn thì có liên hệ. Tôi nguôi dịu dần. Tôi hỏi hắn về chú Huyên chị Hiền, thằng Hà, thằng Duệ. Hắn đưa tay xoa xoa cái đầu trọc nói, thằng Duệ và thằng Hà nam tiến vào Tây Nguyên, tậu được hàng chục hét ta cà phê, thoát nghèo rồi. Chú Huyên thì từ ấy lại nay tao không gặp. Tháng trước nghe tin chú nằm ở Bệnh viện tâm thần, tao đến thăm thì người ta cho hay chú đã bỏ đi. Tội nghiệp, con chữ nó phá nát cái đầu chú ấy. Mày lên Thành phố đừng tìm chú ấy ở chỗ cũ. Vợ chồng chú đã bị đuổi khỏi căn nhà ở lối hẻm Bằng Lăng vì không có hộ khẩu hay vì gì đấy nữa tao không biết. Nhưng mày có thể gặp chị Hiền dọc đường phố. Chị ấy ở Công ty vệ sinh. ..

Tôi và hắn im lặng. Rồi với tâm trạng buồn bã tôi quay đầu xe. Lúc nắm bàn tay của thằng Thắng, tôi định trách cứ nó một lời, nhưng vội dừng lại, phần vì thấy gương mặt bần thần của hắn, phần vì kịp nhận ra người đáng trách phải là tôi. 

Mấy ngày sau, tôi rời Khu Du lịch biển Cửa Trà. Tôi phải lên Thành phố, đến với vợ chồng chú Huyên. Và sẽ ở lại trên ấy. Chỗ nào cũng cần những người lái xe ôm. 

 

Một Truyện ngắn thay cho đoạn kết.

Cây bằng lăng đứng một mình bên đường phố, hoa cứ nở tím bốn mùa. Tin hay không tin thì tùy, nhưng quả đúng thế, thứ hoa bằng lăng nở bốn mùa ấy.

Một dạo, cứ sáng sớm cạnh gốc cây ngồn ngộn một đống rác. Ngỡ như dân chúng suốt đêm không ngủ, chỉ mỗi việc mang rác vứt xuống đó. Mặt trời mọc, ruồi xanh kêu vo ve, còn nắng thì vàng lợt chảy chuội trên lổn nhổn vỏ chuối, giẻ rách, hộp bia, vỏ chai, lá bánh…Và giấy.

Cứ sáng sớm có một người đàn ông gầy gò, tóc xoã tận vai, quần áo phất phơ  đến ngồi bên gốc cây, im lặng lật xới đống rác.

Tung lên những vỏ chuối, giẻ rách, hộp bia, lá bánh và vỡ vụn nắng vàng lợt.

Người đàn ông chậm rãi, vẻ chăm chú và thận trọng xếp những tờ giấy đủ màu, đủ cỡ, chi chít con chữ vào lòng.

Cứ thế, đống rác trải một vòng tròn trên vỉa hè, quanh gốc cây và quanh người đàn ông. 

Khi người và xe bắt đầu xuôi ngược trên đường, người đàn ông đứng dậy, áp xếp giấy vào ngực, cúi đầu câm lặng đi dọc vỉa hè.

 Một bữa có một người đàn bà ở Công ty Vệ sinh môi trường đẩy cái xe chở rác đến bên gốc cây bằng lăng. Người đàn ông nhìn người đàn bà, trong đôi mắt đờ dại lăn ra hai giọt nước. Người đàn bà không biết điều đó. Chị ta hỏi, có bán giấy loại không?  Người đàn ông lắc đầu. Người đàn bà lại hỏi, nhặt giấy làm chi? Người đàn ông vẫn im lặng. Người đàn bà vừa xúc rác lên xe vừa nói, giấy lẫn trong rác nhiều lắm, có cả những quyển sách còn mới tinh. Người đàn ông ngửng đầu. Người đàn bà nói, thật đấy, những tờ giấy và những quyển sách.  Hôm qua, tôi thấy một tờ giấy in cái ảnh một ông tóc xõa xuống tận vai, có nét vẻ giống ông. Hay là ông?. Người đàn ông run rẩy, vừa nhìn người đàn bà, vừa đi giật lùi và biến mất vào cái hẻm không tên sâu  hun hút, sâm sẫm, đầy gió.

Sau bữa ấy, sáng ra không còn thấy người đàn ông dưới gốc cây bằng lăng nữa. Nhiều sáng như thế. Đống rác thì vẫn cứ lổn nhổn những vỏ chuối, giẻ rách, hộp bia…Và giấy. Mỗi lần chị công nhân Công ty Vệ sinh xúc rác lên chiếc xe đẩy, gió lại bất ngờ nổi lên u u, thổi những tờ giấy chi chít con chữ…và những cánh hoa bằng lăng tím  bay lên trời.

Đ.B 

 

Đức Ban
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 224 tháng 05/2013

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground