Mẹ tôi đi lấy chồng xa. Tuổi thơ tôi thỉnh thoảng theo mẹ về ngoại trong sự trìu mến, ấm áp của các cậu các dì. Dù chẳng có của cải, nhưng nghĩa tình của ngoại cứ níu chân tôi chẳng muốn rời xa. Bây giờ lại được nhắn về trong sự kiện trọng đại của làng, lòng tôi bồi hồi, xúc động…
Đứa con trai đầu biết tin, nó lục tìm đưa tôi cuốn Tắt đèn của Ngô Tất Tố, xin đi theo để xem đình. Tôi ngạc nhiên: “Ngoại của ba chứ không phải của con… Nhưng có liên quan gì đến cuốn sách này?” Nó buồn không nói gì. Mới học lớp 8 mà có Tắt đèn trong tủ sách là mừng rồi. Tôi đọc một mạch hết một giờ bốn mươi ba phút bảy giây. À, trong Tắt đèn có đình làng Đông Xá…
* * *
Đình làng Phú Long có từ bao giờ ít ai biết, chỉ biết là lúc đầu đình được dựng ở một vùng đất có tên là Phong Tài, rồi sau chuyển về Tâm Quy, lúc ấy có miếu thờ Thần Hoàng ở xứ Hương Tích gần đó, và chính là vị trí xây dựng đình hiện nay. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại và khốc liệt để giữ nước giữ làng, đình không còn nữa, và dân làng không nhớ chính xác vị trí và hình dáng cụ thể của đình và miếu. Nhưng, trong thẳm sâu tâm linh, trong đậm đặc hồn quê, người quê ngoại tôi hình dung bóng dáng mái đình làng…
Tôi không ngờ, buổi lễ khánh thành đình làng ngoại là một cuộc gặp mặt cháu con không chỉ để tri ân các bậc tiền nhân khai sơn lập làng dựng xóm mà chủ yếu để các thế hệ sau tìm hiểu, ghi công cha anh mình đã chiến đấu, hy sinh thế nào trong suốt bảy lăm năm qua, từ ngày có Đảng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Trân, một người con của Phú Long trình bày lịch sử làng trong buổi lễ xúc động đọc.
Năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi, về lập Phủ ở làng Phú Xuân (Thuận Hóa) đổi tên là thành đô Phú Xuân. Do đó, chúa cấp chỉ cho dân làng tìm nơi sinh sống (Làng Phú Xuân xưa ở trong thành nội Huế). Cha con cụ Nguyễn Bá Dung và Nguyễn Bá Khôi chọn đất Long Hưng để cấy cày. Đến đời thứ năm, ông Nguyễn Bá Văn (tên tự là Mân) nhận thấy Long Hưng đất chật người đông, nên ông quyết tiến lên phía đồi núi Tây - Nam lập ấp, làm rẫy. Ông chiêu mộ bạn bè đánh thú dữ, khai phá đất sinh cơ lập nghiệp và đặt tên vùng này là Phường Mộ. Về sau, theo sách Đồng Khánh dư địa chí ghi vùng này gọi là phường Phú Xuân, gần làng Tích Tường và phường Mai Lãnh. Đến đời Tự Đức (1878) vua cấp bộ hàm, khuôn dấu lập phường hiệu Phú Long, là từ ghép hai tên làng Phú Xuân – Long Hưng. Rồi với 20 hộ, 100 khẩu từ phường đổi thành thôn. Từ thôn lại đổi thành làng. Nhưng tên hiệu Phú Long không đổi, như tâm hồn và tấm lòng người trong các họ tộc Nguyễn Bá, Trương, Nguyễn Văn, Trịnh, Phạm Văn… thì vẫn kiên gan, chịu thương chịu khó, lá rách ít đùm lá rách nhiều, chiến đấu quyết liệt với thiên tai, địch họa để vươn dậy… Và làng Phú Long có trên 300 hecta đất, Đông vẫn giáp Mai Lãnh, Bắc giáp Tích Tường… Về sau có thêm nhà thờ La Vang ở phía Đông Bắc. Không biết đất thiêng liêng thế nào mà Đức mẹ đồng trinh hiện hình ở đây, giữa đồi lá vằng gần xóm An Lạc. Lá vằng đọc theo âm Tây thành tên nhà thờ.
Tôi ghi chép không kịp về dòng chảy lịch sử của một làng quê. Bởi nó tràn trề sức sống vượt lên mọi thương đau mất mát tưởng chừng khó vượt qua. Và ngạc nhiên hơn, ở trên đình làng, Ban tổ chức đã chuyển sang phần hai – phần ghi công những người con trung hiếu của làng, vì dân vì nước quên thân. Một đảng viên của chi bộ làng dúi vào tôi một tờ giấy chép tay – mà sau đó đối chiếu sử sách là chính xác. Rằng, làng Phú Long là một trong những nơi ra đời chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị năm 1930. Chi bộ làng đã xứng đáng với Đảng với dân tộc trong suốt 75 năm qua.
Trong hai ngày 29 và 30 tháng 6 năm 1937, ở đây diễn ra Hội nghị đại biểu Đảng bộ Quảng Trị với sự có mặt của đồng chí Lê Duẩn. Hội nghị nói rằng, tư tưởng của Đảng đang lan tỏa vào nhân dân, vì vậy dân mình được giác ngộ hơn nhiều. Nhưng lúc này phải bảo vệ Đảng, nhân dân phải tập hợp trong các tổ chức của mình để tranh đấu…
Tôi xúc động khi biết rằng, từ vùng quê này, Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh dưới sự chủ tọa của đồng chí Lê Duẩn kính mến quyết định xuất bản tờ báo Tranh Đấu chuẩn bị tư tưởng cho quê hương bước vào thời kỳ đấu tranh gay go, quyết liệt… Tờ Tranh Đấu xuất bản mỗi tháng hai kỳ, do đồng chí Hoàng Hữu Chấp, Bí thư Tỉnh ủy phụ trách, Đảng và các tổ chức quần chúng hoạt động bí mật và nửa bí mật, còn tờ Tranh Đấu thì phát hành công khai, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng của Đảng, soi đường cho cuộc đấu tranh trực diện của nhân dân trước kẻ thù áp bức, bóc lột. Báo Tranh Đấu tác động rất mạnh mẽ vì những bài viết về cuộc sống cơ khổ, lầm than của nhân dân lao động, xóm thôn tiêu điều, mà nguyên nhân là quyền dân sinh, dân chủ bị thực dân Pháp bóp nghẹt. Tôi cố hình dung những gì mà bà con xóm làng, ông, bà ngoại, các cậu, các dì phải trải qua, phải đoàn kết để tranh đấu với thực dân phong kiến theo tiếng gọi của tờ báo Đảng. Nhưng… lúc đó mẹ tôi mới có 11 tuổi! Tôi lại đi tìm sử sách, tìm nhân chứng để có thể viết được một điều: rằng, đồng chí Lê Duẩn kính yêu cùng các đại biểu của Đảng bộ quê hương trong vai nhà buôn, người hái củi, đi lễ nhà thờ La Vang, hoặc buôn cá, muối, ăn xin hoặc khăn xếp áo dài trong vai con cháu của làng về cúng tổ tiên… từ mọi vùng quê hương tập hợp ở đây, trong mái đình làng Phú Long họp Hội nghị đại biểu. Và Chi bộ Phú Long mới có bảy tuổi. Đồng bào Phú Long giàu lòng nhân ái, yêu nước, một lòng theo Đảng, đưa bánh sắn, bánh lá gai, nước lá ngấy, lá vằng đến Hội Nghị - đã bảo vệ an toàn trong suốt hai ngày diễn ra Hội nghị quan trọng của Đảng bộ tỉnh nhà, Và có thể trong hai ngày đó, đình làng ngoại tôi tổ chức tri ân tiên tổ. Con cháu đông vui như buổi lễ hôm nay! Nhưng mà chưa tìm được tài liệu gì nhiều…
* * *
… Lễ khánh thành đình làng ngoại kết thúc với chương trình trao quà tình nghĩa đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, sổ tiết kiệm đến bốn mươi gia đình liệt sĩ, trong đó có thân nhân chín liệt sĩ Phường Sắn – những dũng sĩ gan vàng dạ sắt bám làng chiến đấu suốt ngày đêm với một tiểu đoàn địch và hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Nói là thân nhân của chín dũng sĩ nhưng thực ra có đến bảy dũng sĩ chưa tìm được thân nhân ở làng quê nào? Tôi chú ý một chi tiết: trận đánh và hy sinh oanh liệt của chín dũng sĩ Phường Sắn ở đầm lầy như chúng ta từng biết, thực ra lúc đó có một dũng sĩ còn sống. Nhưng địch tưởng đã chết. Vì anh nằm dưới bùn lầy, trên mặt được phủ một đám bèo tây. Nằm cho đến đêm xuống, anh khôn khéo vượt khỏi vòng vây. Đó là dũng sĩ Phạm Văn Cao. Anh Cao hy sinh anh dũng trong một trận đánh khác sau đó, nhưng dân làng Phú Long không quan tâm các chi tiết lắm, họ coi như anh hy sinh cùng tám dũng sĩ ở đầm lầy Phường Sắn. Anh Phạm Xuân Mượn, em trai liệt sĩ Phạm Văn Cao, nói với tôi: “Làng mình đang nghèo, vì đất cằn khô, bạc màu, nhưng sức vươn lên thì không kém ai và tình nghĩa thì sâu nặng lắm. Sống chết có nhau! Con em làng nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, tướng lĩnh… Dù đi đâu, ở đâu, vẫn giữ được sự chất phác, kiên trì, chịu khó… và không bao giờ quên quê hương!”
Đình làng ngoại tôi không chạm trổ cầu kỳ nhưng vẫn giữ được nét xưa, dáng mềm mại, tôn nghiêm mà giản dị. Mái đình được tạo dựng dựa theo hình bóng đọng lại trong tâm khảm dân làng kết hợp với vẻ hoành tráng của vùng đất Tâm Quy – Hương Tích hôm nay. Dì dượng tôi cố gắng huy động nguồn lực cùng làng xây đình, trong đó đặc biệt có Tổng Công ty xây dựng Him - Lam, là người giúp đỡ chủ yếu, nhân đơn vị này tài trợ xây dựng công trình giáo dục mầm non ở thị xã Quảng Trị.
Ngoài những vị trí thường thấy trong một ngôi đình, ở đây có phòng truyền thống cách mạng và truyền thống hiếu học của làng, tôn vinh các anh hùng, dũng sĩ, liệt sĩ, những con em có học hàm, học vị. Nay mai ở đây sẽ tạo thêm các khu thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của các thế hệ dân làng… Tôi thơ thẩn ra vào trước sân hiên bên, bước lên tụt xuống thềm đình…. Tôi tưởng tượng cảnh đình làng Đông Xá, anh Dậu bị trói đói khát cháy họng. Tôi nghe vọng tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt hoảng sợ của thằng Dần, con trai chị Dậu, chỉ vì hai đồng bảy tiền sưu của chú Hợi nó đã chết nhưng vì chết dở năm Tây. Ôi nhà văn, nhà báo tài hoa Ngô Tất Tố gửi lại Tắt đèn để hôm nay dưới mái đình làng Phú Long chúng tôi chong đèn ngồi đọc lịch sử Đảng quê hương mà hiểu thêm ngọn nguồn. Báo Tranh Đấu cho chúng ta biết cuộc đấu tranh lúc bấy giờ tập trung vào những việc cụ thể, thiết thân với mạng sống người dân như đòi hoãn thuế, miễn thuế thân (tức tiền sưu như trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố!).
* * *
… Dì tôi, con gái út của ngoại, tháng 7/1954 theo chị đi tập kết, mong được thấy Bác Hồ. Hai lần ra bờ Nam sông Bến Hải thì hai lần chị em quay trở về. Chị thì bụng mang dạ chữa. Em còn thơ dại… Chỉ hai năm, tổng tuyển cử sẽ đoàn tụ, thôi thì về lo thờ phụng tổ tiên, chờ đợi…
Nhưng mà về đâu? Mẹ tôi đẻ tôi trong nhà tù, gửi tôi ra ngoài nhờ người cho bú. Rồi đến lượt dì tôi sinh con trong lao xá thị xã Quảng Trị, đặt tên nó là Trương Thị Xá, cũng gửi ra ngoài nhờ người cho bú… Dượng tôi theo học trường La Vang, bỗng mất tích. Mấy năm sau tôi gặp dượng mặc áo quần rằn ri, mũ nồi đỏ đi giữa thị xã Quảng Trị. Tôi chạy theo để nói với dượng rằng dì đang ở trong lao xá. Nhưng ông quắc mắt đuổi tôi đi. Sau đó thấy có thông báo dán khắp thị xã: Ai lấy được đầu Trương Kỳ (Bây giờ là thiếu tướng CAND Trương Hữu Quốc), đầu Nguyễn Thủy (Anh hùng lực lượng CAND), được thưởng… đô la! Mẹ và dì tôi ra vào nhà tù trong 21 năm còn gian lao hơn chị Dậu chạy tiền sưu cho em chồng! Nhưng họ đều vượt qua được hết. Vì có một ngọn đèn... tỏa sáng từ tờ báo Tranh Đấu và từ Đề cương Cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn. Tôi chăm chú nhìn ảnh Bác Hồ để hình dung Bác Duẩn – người học trò xuất sắc của lãnh tụ kính mến Hồ Chí Minh. Tôi lại lên đình làng ngoại, cố liên tưởng, nếu như tháng 6/1937, đình vẫn còn và Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh diễn ra ở đây thì các đại biểu ngồi ở đây (hay là đứng) và Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng ở đâu? Là người gắn bó với nghề báo, tôi xin cam đoan rằng nội dung của Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lúc đó sẽ được nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố thể hiện trong chương XXVII và viết các chương tiếp theo của tiểu thuyết Tắt đèn. Rồi ông sẽ đổi tên cuốn tiểu thuyết ngay, nếu biết đồng chí Lê Duẩn chong đèn cùng đảng bộ quê hương nhen ngọn lửa niềm tin cho những số phận lầm than như anh, chị Dậu, cái Tí, cái Tỉu, thằng Dần… Ân hận vì không cho con trai về làng ngoại hôm nay, tôi chụp bức ảnh gia đình dì dượng đứng trước cổng đình để con trai hình dung gia đình chị Dậu từ trong Tắt đèn bước ra.
Lớp con cháu nội ngoại chúng tôi không ngồi lâu trong buổi liên hoan nhân khánh thành đình, rủ nhau về thăm các cậu, các dì, các anh chị còn sống hay đã khuất. Mỗi gia đình, mỗi cuộc đời người làng ngoại là cả một câu chuyện dài về nhân nghĩa, về đức hy sinh vì xóm giềng vì quê hương đất nước. Không có giấy mực nào có thể nói hết được!
Chúng tôi đến thắp hương trước mộ cậu Nguyễn Bá Sam, người bí thư chi bộ đầu tiên của làng, một trong những người vận động thành lập chi bộ Đảng Cộng sản năm 1930 ở Phú Long. Khi còn sống, cậu nhiều lần nói với tôi: “Cậu và các đồng chí trong chi bộ hồi đó rất trân trọng những đóng góp của các họ tộc trong làng với Đảng, với Cách mạng, trong đó có họ Nguyễn Bá, ngoại của cháu. Mong rằng sau này, các cháu sẽ xứng đáng với quê mẹ…”. Trước mộ cậu, mai vàng đơm hoa, ngào ngạt hương. Quê ngoại tôi cũng như các làng lân cận, có thể nói là vùng đất mai vàng của huyện Hải Lăng khi mùa xuân về. Cũng có thể vùng đồi chập chùng uốn lượn ở Tây Nam dòng Thạch Hãn này là Non Mai đó chăng? Từ Phú Long qua Tích Tường về Mai Lĩnh xuống Thạch Hãn có bao xa…
Chợt nhớ dì dượng nhắc nhủ hôm về dự lễ khánh thành đình, tôi đem đọc mấy dòng này để các dì các cậu nghe. Dì tôi nói: - Viết không sai nhưng không đầy đủ. Y như đề cương kịch bản, phóng sự truyền hình…
Tôi không buồn. Rồi nay mai chúng tôi cố gắng về thăm ngoại luôn, như trở về nguồn cội. Rồi lên thắp hương trên đình, trước mộ cậu, trước tượng đài chín dũng sĩ Phường Sắn… Sẽ đằm mình trong bùn đất như thuở ấu thơ. Rồi sẽ viết chính xác hơn và sống xứng đáng hơn với quê mẹ.
L.V.C