Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người Bích La thương nguồn nhớ cội

Mặc cho tiết trời Tết lạnh giá, mưa rét dầm dề, chợ đình Bích La mồng ba Tết vẫn nhóm họp rộn rã, nhộn nhịp từ tảng sáng như đã họp từ bao giờ đến bây giờ và mãi mãi muôn sau khi xuân về, Tết đến, như một lẽ huyền nhiệm của mùa xuân, của đất trời. Chợ đình Bích La đặc biệt mỗi năm chỉ họp một phiên nên dáng vẻ rộn rã, nhộn nhịp của chợ là của cả một năm dồn tụ lại và chính cái dáng vẻ này đã thể hiện sinh khí và phong vận trường cửu của làng Bích La, một làng Việt nổi tiếng, trong dòng chảy bất tận của lịch sử.

Từ lúc còn chưa tỏ mặt người, mọi ngả đường dẫn về ngôi đình làng đã tấp nập người đội mưa hớn hở đi chợ Tết. Bên vệ đường, một “bãi giữ xe” mới mọc lên trong chớp nhoáng mà đã quy tụ chen chúc hàng hàng xe máy. Dọc đường cạnh đình làng đã ken dày các mặt hàng nông thổ sản bày bán phong phú, người trong làng, người tứ phương kéo đến đông nghịt như mắc cửi. Lối bày bán khá đa dạng. Người dựng quán tạm ngồi bán hàng thịt. Người kê sạp bán các hàng gia dụng thiết yếu. Nhiều nhất là người ngồi trệt trên đường bày thúng, mẹt, rổ, rá, thau... để bán các mặt hàng rau quả, tôm cá. Nhiều mớ cá trê nuôi mới cất từ hồ, nhiều mớ cá tràu, cá bống, tôm...mới cất vó ngoài sông quẫy mình tươi rói. Len lỏi qua dãy chợ, tôi dắt con vào khu miếu thờ để thắp hương cho tổ tiên và các vị thần được làng thờ phụng. Trong mịt mùng mưa tạt, từng bó hương mọi người đốt lên vẫn cháy sáng thành ngọn lửa bốc bùng như ngọn đuốc, cháy ngát hương, cháy thơm tho, cháy nồng nàn, cháy rưng rưng như tấm lòng thành, như bầu nhiệt huyết của người Bích La trào dâng nỗi thương nguồn nhớ cội. Nén này cha cùng con thắp tưởng niệm công đức ngài khai khẩn, phó tướng Lê Mậu Doãn, người đã vâng mệnh triều Lê vào làm chức cai tri các xứ Tân Bình, Thuận Hoá (thuộc vùng Bình-Trị-Thiên ngày nay), chiêu mộ dân, khai khẩn ruộng hoang, lập nên xứ Hoa An (tức làng Bích La ngày nay) vào năm 1527. Nén này dâng lên bàn thờ tiên tổ của 14 họ đã cùng phó tướng Lê Mậu Doãn đi mở cõi, lập làng. Nén này dâng lên hai miếu thờ hai vị tiến sĩ, miếu đề tên là tiến sĩ Cảnh Diệu và tiến sĩ Cảnh Phiến, thể hiện truyền thống trọng hiền tài của làng Bích La khoa bảng. Vẳng trong trí tưởng tôi câu văn ngợi ca truyền thống Bích La hiếu học của Dương Văn An trong “Ô châu cận lục”“Hoa La là đất văn nho”. Nén này dâng lên Đàn xã tắc (tắc tức là hột kê, một loại ngũ cốc), nơi tế Thần nông, cũng chính là nơi tế trời, thể hiện tín ngưỡng của nền văn minh lúa nước. Chợt nghĩ, nhân loại tiến từ nền văn minh lúa nước đến văn minh công nghiệp, rồi văn minh hậu công nghiệp đã lâu rồi, nhưng chính cái từ “văn hoá” (culture) bên trời Tây vẫn mang một nghĩa gốc của nó là sự trồng trọt, sự nuôi ong, tằm...nghĩa là dính dáng đến nông nghiệp (agriculture-xin hãy để ý đến cái đuôi culture-văn hoá). Nén nữa dâng lên Bà Chúa Ngọc, tức vị nữ thần Chàm Thiên Yana. Đình Bích La là nơi thể hiện rõ nét sự giao thoa giữa các nền văn hoá Việt, Hoa, Chăm, là nơi hội tụ của nhiều lớp văn hoá như vậy đó. Nén nữa dâng...nén nữa dâng...

Trong khu miếu thờ nghi ngút khói nhang thành kính là Lễ. Ngoài đình, nơi các cụ, các bác đang xướng hoạ thơ văn, ra vế đối mời đối, dán thơ lên vách đình, lên cột đình, còn các em nhỏ thì say sưa gáy từng con gà đất cánh tía xanh đỏ tím vàng, thổi từng con trâu đất, tu huýt đất óng vàng béo ngậy, các em đã “hót ra thơ” (theo thi sĩ Xuân Diệu, xuân là khi “Chim trên cành há mỏ hót ra thơ”), đấy chính là Hội. Anh Hoàng Tấn Trung, trưởng phòng kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Trị, một nhà thư pháp “mới trỗi” mấy năm nay đã khăn gói đội mưa, đội gió đi chợ đình Bích La từ sớm. Sau khi vào lễ ở các miếu đình, xin cho chữ một cơ duyên được rồng bay phượng múa, anh đã ra ngoài đình phóng bút viết thư pháp: “Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường” (Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà). Anh bán chữ rất được “mè xưa”, theo cách nói dân dã, ngay từ phút đầu. Thật ra, anh nào có ý đi chợ đình Bích La để bán chữ. Là một người viết thư pháp không chuyên, nghĩa là viết theo lối “tài tử”, anh chỉ muốn đem trao lộc chữ để nhận về lộc xuân. Và tôi đọc được trên gương mặt đắc ý của anh một chữ “mãn” đầy phấn chấn, hào hứng, khi đã chọn đúng một miền quê đắc địa, một miền quê chữ nghĩa để dâng chữ, tặng chữ. Tận hưởng cái thư thái của ngày xuân, tôi thong thả tản bộ ra công viên mi ni cạnh đình làng ngồi nhâm nhi cà phê cùng các chú, các anh và bạn bè lâu ngày mới gặp. Chợt có anh Hiếu, giáo viên cấp 3 dạy tin học ở thị xã Quảng Trị vào nhập nhóm, vừa mới bắt đầu câu chuyện, anh đã reo lên niềm vui ra vẻ như của người sành đi chợ Tết: “Thích nhất là tôi đã mua được một mớ cá bống, món này kho ăn ngày Tết khoái khẩu khỏi phải nói”. Rồi anh gật gù, vẻ sành điệu ẩm thực như thể đệ tử của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng...

Lễ, Hội và Chợ là ba nốt nhấn trong bản đại hoà tấu chợ đình Bích La mồng ba Tết. Mọi người đi chợ có mua, có bán nhưng không chỉ để mua bán. Cao sâu hơn, mọi người hành hương về nguồn. Khi chợ đã vãn rồi, con Rùa Vàng (làm bằng gỗ) được kéo lên từ dưới hồ nước trước đình làng vẫn như đang bơi nổi trên mặt nước, thân Rùa phủ khói sương như phả lên không gian hồ đình hơi hướng của một miền cổ tích nhiệm màu. Tương truyền rằng, đình Bích La được dựng trên thế đất sơn thuỷ hữu tình, có hồ nước, nơi Rùa Vàng sinh sống và nổi lên hàng năm, điềm báo cho làng ăn ra làm nên, phát đạt, thịnh vượng. Bỗng có năm, Rùa Vàng nổi lên rồi hoá thạch giữa hồ, lo sợ làng không gặp vận may, mọi người dân trong làng đã tụ tập quanh hồ đình khua chiêng, gõ mõ để đánh thức Rùa dậy. Từ đó, những phiên chợ đình Bích La mồng ba Tết ra đời, những phiên chợ đánh thức Rùa Vàng dậy, điềm báo cho những điều cát tường (tốt lành). Vậy ai dám bảo sau luỹ tre xanh chỉ có một nền văn minh lúa nước ngưng trệ, bất biến, ai dám bảo ông cha ta chỉ biết trọng nông ức thương mà thôi? Xin hãy hỏi ở con Rùa Vàng Bích La để nhận được câu trả lời đầy thuyết phục.

Đi chợ đình Bích La mồng ba Tết, hỏi lòng ai không rưng rưng, bùi ngùi khi nhớ về những câu nói nặng tình thiết tha với quê hương của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Cái làng Việt Nam là hay lắm! Tôi nhớ hồi nhỏ, ở làng tối ngủ nhà không cần đóng cửa, lúa gặt vứt giữa đồng không ai lấy của ai, đó chính là vì có tình thương. Đi đâu người ta vẫn thường nhớ về làng quê của mình”, “Một con người phải có ba cái lao động, tình thương và lẽ phải”. Thì chính chợ đình Bích La, một phiên chợ độc đáo của làng quê Việt Nam, nơi hội tụ của Chợ, Hội và Lễ là nơi biểu hiện tập trung nhất, sống động nhất của lao động (có lao động nên có các nông sản phong phú bày bán ở Chợ), tình thương (có tình thương nhân quần nên mới kết thành Hội) và lẽ phải (Lễ chính là lẽ phải được nâng lên thành tín điều tôn thờ) theo đúng tư tưởng nhân văn lớn lao của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Sinh thời, Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn hằng sắp xếp thời gian bận rộn việc nước vô vàn để về thăm quê hương Quảng Trị, thăm quê nội Bích La, đặc biệt thăm quê gốc của người Bích La là làng Phương Cai, xã Hoa Duệ, tổng Mỹ Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Ngày 14-3-1979, Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã về thăm quê xưa Cẩm Duệ, nơi có Am tháp thờ các vị tổ dòng họ Lê đã có công phò vua Lê Lợi, giúp nước (tháp này được công nhận là di tích văn hoá của tỉnh Hà Tĩnh), tưởng niệm các bậc tiền nhân và thăm cây đa làng Phương Cai. Theo truyền khẩu của dòng họ Lê xã Cẩm Duệ, ông tổ của họ này có tên là Tiết Lăng vốn sinh sống ở vùng ven biển Kỳ La. Sau sự biến giặc Minh bắt Hồ Quý Ly ở núi Thiên Cầm, Kỳ La và bắt Hồ Hán Thương ở núi Cao Vọng, Kỳ Hoa, ông Tiết Lăng sợ bị vạ lây nên đã chuyển gia đình lên vùng núi Đá Bạc, Kẻ Gỗ sinh sống bằng nghề trồng chè và nuôi trâu bò. Vợ chồng ông Tiết Lăng sinh hạ được bỉn người con, mĩt gái, ba trai, người con đầu lòng tên là Lê Thị Thân, người con thứ hai là Lê Am, người con thứ ba là Lê Mậu Tài, người con thứ tư không rõ tên tuổi. Lúc Lê Lợi dấy cờ Lam Sơn khởi nghĩa, mở rộng căn cứ kháng chiến chống quân Minh, ông Tiết Lăng vốn thông thạo địa hình rừng núi đã dẫn đường, giúp đỡ nghĩa quân Lam Sơn lập doanh trại ở núi Phú Lễ, xã Phúc Trạch, nay là xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đây là một căn cứ quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn, vừa có đất tốt tiện cho sản xuất lương thực nuôi binh, vừa kiểm soát được hướng tấn công của địch, vừa dễ rút quân vào rừng sâu qua Lào hoặc vào Quảng Bình...Xét công lao của ông Tiết Lăng đối với nghĩa quân Lam Sơn, sau khi đánh thắng giặc Minh, vua Lê đã ban thưởng tiền bạc và cho ba người con trai của ông được ra Thăng Long đèn sách, dùi mài kinh sử. Đỗ đạt, người con trai đầu là Lê Am được chọn làm hoạn quan trong nội cung, người con trai thứ hai là Lê Mậu Tài được phong chức tước Võ huân Tướng quân, người con trai thứ ba cũng được chọn làm quan phụng sự triều đình. Ba anh em chung một tấm lòng son phò vua giúp nước. Ông Lê Am được vua ban cho đặc ân được chọn sinh phần (tức là được chọn đất khi còn sống để an táng về sau này) và ông đã chọn chỗ đất cao gần sông Ngàn Mọ, nơi mạch nguồn phát tích nên họ Lê Mỹ Duệ. Vua chuẩn cho, cấp tiền của và ra chiếu dụ cho tổng Mỹ Duệ và m­íi bỉn dòng họ trong xã Hoa Duệ góp sức xây nên Am tháp họ Lê tại đó. Ông Lê Am mất tại Thăng Long và được đưa về an táng vào huyệt Am tháp, được vua phong sắc “Thần tổ tiền đô thái giám...” và phong “Phúc thần đương cảnh thành hoàng” làng Phương Cai, được cả tổng Mỹ Duệ cúng tế hàng năm tại Am tháp. Ông Lê Mậu Tài mất được an táng vào ngôi mộ nằm phía trước, bên phải cổng ra vào Am tháp, nay mộ vẫn còn. Giữ mối trung quân với nhà Lê, dưới thời nhà Mạc, những người họ Lê Mỹ Duệ đã không phụng sự nhà Mạc, để tránh bị nhà Mạc hiềm khích, thù oán, họ đã di cư, đi khai khẩn, tạo dựng nên quê mới là làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị ngày nay.

“Ta về ta tắm ao ta”, câu tục ngữ này nghe qua cứ tưởng là bảo thủ, ngẫm lại, mới thấy thấm thía ý vị sâu sắc về cái điều mà ta vẫn thường hay nói là “giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc”, nhất là trong thời buổi hội nhập, toàn cầu hoá. “Ta về ta tắm ao ta”, đó chính là nỗi canh cánh bên lòng của danh hoạ Lê Bá Đảng, một Việt kiều người Bích La sống tại Pháp, người từng được phương Tây xưng tụng là “bậc thầy của hai thế giới Đông -Tây về hội hoạ”. Đau đáu một tấm lòng son thương nguồn nhớ cội, danh hoạ Lê Bá Đảng đã sớm tài trợ cho làng tôn tạo đình làng, xây trường học... Nhớ cái năm 1992, danh hoạ Lê Bá Đảng đã mang những bức tranh trứ danh của mình từng chiếm lĩnh huy hoàng những chân trời nghệ thuật ở phương Tây về triển lãm lộ thiên giữa khung trời đình làng Bích La thiêng liêng và thân thương, gần gũi. Con Rùa Vàng điềm lành của người Bích La năm đó được kết bằng muôn đoá hoa vạn thọ đã nổi rỡ ràng sắc vàng trên hồ đình lung linh huyền sử. Rời chợ đình Bích La, tôi tìm về mái nhà xưa, mái nhà rường truyền thống của thân sinh danh hoạ Lê Bá Đảng. Trên bàn thờ tổ, bên di ảnh chân dung người mẹ và những người thân, danh hoạ treo và đặt lên những tác phẩm “Không gian Lê Bá Đảng”. Ông đã đem phụng cúng tổ tiên những hoạ phẩm mà ông đã sáng tạo với sự mách bảo “thần cảm”. Những tác phẩm “Không gian Lê Bá Đảng” được tạo tác trên loại giấy đặc biệt đắp nổi, không phải tranh, không phải tượng, với điểm nhìn không theo lối nhìn ngang như tranh thông thường mà nhìn từ trên cao xuống như lối nhìn của loài chim hay người du hành vũ trụ. Tuyệt diệu thay, dưới “cái nhìn vũ trụ” của mình, ông Lê Bá Đảng vẫn không nguôi nhớ về cái màu bùn đất quê nhà, cái màu đã làm nở đoá hoa sen thanh tao bản sắc. Ông tạc người dân quê đội nón, vác cuốc lam lũ, trần ai. Trong các tác phẩm “Thiền”“Chân Giao Chỉ”, trên thân người ngồi thiền, hay dưới bàn chân Giao Chỉ, ông đều tạc hình người đang gánh một gánh nặng trĩu vai. Chân Giao Chỉ của Lê Bá Đảng thủng lỗ chỗ nhiều lỗ khiến xốn xang, nhói buốt lòng người, câu ca dao cũ vụt hiện: “Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân”. Nhưng chân Giao Chỉ quản gì nước mặn, quản gì xuống biển theo Mẹ Âu Cơ. Có gánh nặng trĩu vai, có đi nước mặn mới trải nghiệm, mới sống trọn với chân lý sống ngời ngời lao động, tình thương và lẽ phải. Ngay tại nhà thờ thân sinh của ông Đảng, tôi đã meo (e-mail) cho ông Đảng về niềm cảm khái của mình, rằng cái gánh trĩu vai mà ông đã tạc là cái gánh phận người, cái gánh gia đình, làng nước, giang sơn. Ông Đảng meo lại cho tôi cũng đúng vào ngày mồng ba Tết, rằng: “Cái nhà đáng lẽ là đẹp hơn. Sau này, cái vườn trong sẽ có những hạt gạo lớn mọc lên. Thân chúc Tết”. Những hạt gạo mà ông Đảng nói tới, tức là những hạt gạo mà ông nặn bằng đất nung, kích cỡ to nhỏ tuỳ ý, có cái to bằng cái nhà, con người vào ở được, ông gọi một cách hình tượng và bóng bẩy là “hạt gạo Trường Sơn”. Những hạt gạo Việt Nam đã nuôi dẻo dai cái gánh trĩu vai, cái gánh giang sơn thống nhất, cái gánh kim ngạch xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới. Nhớ lại lúc vui hội thơ và đối ở trong đình làng, tôi đã ngẫm ngợi tần ngần bên một vế mời đối khá độc đáo của chú Lê Bá Huân, người chú đáng kính mà cũng là người bạn rượu vong niên của tôi ở làng: “Cửa Rào Bích La không rào cửa” (Cửa Rào là tên một địa danh ở làng Bích La). Chà, chữ nghĩa khá “hiểm” đây. Bất giác, nhớ đến tên sông Cấm ở Hải Phòng, tôi nhẩm đối: “Sông Cấm Hải Phòng chẳng cấm sông”. Không rào cửa, không ngăn sông cấm chợ, đất nước thời hội nhập là vậy. Nhưng rào và không rào, cấm và không cấm, ấy là hội nhập mà không hoà tan vậy. 

Nguyễn Hoàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 149 tháng 02/2007

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground