Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người mẹ trên bến đò Ca Cút

T

ôi về thăm mẹ Nguyễn Thị Loan vào một buổi trưa mùa thu mát dịu. Đi qua cánh đồng vừa gặt xong còn thơm mùi rơm rạ, đã là địa phận xóm dưới xóm bờ sông, làng Đại Áng, Đông Lương, theo sự chỉ dẫn của người hàng xóm, tôi đứng nhìn ngôi nhà mái ngói nhỏ nhoi đã rêu phong của mẹ. Bao bọc vườn nhà là hàng rào tre trùm lấp. Cỏ mọc lút bời bời quanh nhà, cả lối cổng đi vào cỏ cũng chen cả chân người. Ngõ vào nhà mẹ là một cây tre chắn ngang lối, thân thuộc như mọi ngõ xóm ngày xưa ở quê tôi. Nhìn khu vườn rộng hơn ngàn mét đất cây cỏ rợp đầy, vắng vẻ, không khí sao mà hiu quạnh. Tôi ngần ngừ định đưa tay cất cây tre rồi lại thôi. Nghe có tiếng gọi từ bên ngoài, mẹ từ trong nhà bước ra vuông sân, chào khách. Trước mặt tôi là mẹ già có khuôn mặt phúc hậu, nét mặt tươi tắn còn lưu lại những nét xuân sắc thời con gái.

Trong ngôi nhà cửa đóng tối om, chỉ chừa một lối ra vào nhỏ ở bếp. Một chiếc bàn nhỏ ọp ẹp kê ngay cửa ra vào làm bàn ăn. Tôi nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương. Mẹ đặt bàn thờ, thờ bố mẹ chồng, thờ chồng và cả bố mẹ đẻ của mình. Cùng bộn bề những bao bì và đồ đạc vật dụng không ngay hàng thẳng lối, tôi thấy lòng rưng rưng thương mẹ. Mẹ đã sống như thế một mình, một bóng đơn chiếc, lẻ loi suốt cả cuộc đời. Hơm tám mươi năm, gần một thế kỷ dằng dặc đời mẹ, biết bao nỗi niềm mà mẹ đã trải qua. Cô gái Nguyễn Thị Loan xinh đẹp nhất thôn Đại Áng năm nào, về nhà chồng lúc chưa tròn tuổi hai mươi. Sống với chồng chưa đầy hai bốn giờ đồng hồ thì chồng lên đường vào Vệ quốc đoàn đi kháng chiến rồi biền biệt đến giờ.

Mẹ kể, đó là vào tháng 6 năm 1945, nhà chồng bưng cơi trầu sang xin mẹ về làm dâu. Mẹ về, ở với chồng được một đêm, ngày hôm sau, chồng mẹ, ông Lê Đường sang chiến đấu tại Lào. Được hai năm, ông bị sốt rét, mẹ mới có dịp gặp lại chồng lần thứ hai, khi tổ chức đưa mẹ lên thăm và chăm sóc chồng tại chiến khu Trạm Sắn. Năm 1947, ông Lê Đường được cấp trên điều ra chiến trường miền Bắc. Mẹ đội trên đầu thúng lúa, và một ít đồ dùng cá nhân cho chồng, rồi tiễn chồng lên chiến khu ra Bắc. Ông ra đi từ đó rồi mãi mãi không trở về. Thịt xương ông đã hòa tan vào đất đai trong một trận đánh ở mặt trận Điện Biên Phủ. Mẹ chưa kịp có một mụn con, một mình mẹ chống chèo nuôi bố mẹ chồng trong sự o ép của giặc Pháp và tay sai. Khoảng những năm 1948, 1949, giặc càn quét và tàn sát đẫm máu nhân dân vùng quê mẹ. Chúng chặt đầu hàng chục người trong một lần, dồn dân vào các đồn Trung Chỉ, Lai Phước, Đông Hà, đánh đập dã man, giết rồi chôn tập thể những người dân lành vô tội. Mẹ cũng bị chúng bắt lên trả về hàng chục lần, đánh đập tra tấn đến ngất đi sống lại vì biết chồng mẹ đi kháng chiến. Mẹ vẫn chỉ một mực: chồng mẹ đã chết. Không làm gì được, chúng lại thả mẹ về. Là một thôn nữ xinh đẹp nhất vùng, hết bị địch bắt lên đồn đánh đập tra tấn, mẹ lại chọi sự ve vãn của bọn lính. Có tên đã có vợ con cũng muốn cưỡng bức mẹ về làm lẽ. Nhưng mẹ vẫn một mực trung trinh với chồng, với cách mạng.

Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, mẹ không ra Bắc vì còn mẹ già cả hai bên nội ngoại, mẹ ở lại làm cơ sở cho cán bộ cách mạng đi về. Những năm 55-59, Mỹ ngụy thực hiện luật 10/59, tàn sát, giết hại đồng bào và tất cả những ai chúng nghi là Cộng sản nằm vùng. Chúng lập ấp chiến lược, dồn dân vào trại tập trung hòng ly khai cán bộ kháng chiến với nhân dân. Phong trào đào hầm nuôi giấu cán bộ được nhân dân đồng lòng triển khai khắp mọi thôn xóm. Thôn Đại Áng của mẹ được chọn làm mật khu của Cách mạng. Những năm này bố mẹ chồng của mẹ Loan già cả rồi chết. Mẹ về ở với mẹ đẻ của mình. Mẹ Loan có một người em trai tập kết năm 1954 ra Bắc. Để lại mẹ già và vợ vừa mới cưới mà không biết mình đã có một giọt máu đã tượng hình trong vợ. Từ đó mẹ Loan cùng cô em dâu và mẹ già ở cùng với nhau vừa nuôi cháu, nuôi con vừa tham gia hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ, vận chuyển tiếp tế lương thực lên chiến khu nuôi bộ đội đánh giặc.

Ngay dưới nền nhà mẹ ở bây giờ, mẹ đã đào một hầm bí mật. Hầm bí mật nhà mẹ là cơ sở chính để cán bộ chủ chốt của cách mạng sau mỗi trận đánh đồn về trú ẩn. Mẹ kể, nào là ông Quỳnh, ông Bái, cả ông Chí làm công an bên Đông Hà cũng về hầm bí mật nhà mẹ đi về hoạt động. Ngày đó, kháng chiến cực khổ, nhân dân không sợ hy sinh, bỏ của, bỏ sức ra để cùng dân quân du kích, bộ đội đánh giặc không một chút tính toán thiệt hơn. Mẹ bảo với tôi, hồi đó kháng chiến ác liệt, gian khổ, không biết sống chết khi mô nhưng mà vui lắm. Đêm đánh đồn, ngày lao động sản xuất ngay dưới mũi súng của kẻ thù mà chúng không hề hay biết. Có khi chỉ trong một đêm, lực lượng du kích cùng cơ sở nội tuyến và nhân dân phá tan toàn bộ hệ thống hàng rào ấp chiến lược, diệt hàng chục tên ác ôn và bắt sống nhiều tên khác giải về hậu cứ. Sau mỗi trận đánh đồn, cán bộ kháng chiến về ở dưới hầm bí mật, mẹ cùng dân làng mổ bò, lợn gà cho bộ đội ăn, còn lại tiếp tế lên chiến khu cho du kích và bộ đội. Mẹ nhớ không đầu không cuối, kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện. Tôi lần theo hồi ức của mẹ, dõi theo những trận đánh đồn, diệt ác trừ gian. Mắt mẹ nhìn ra xa như nhớ về một thời quá vãng đau thương mà anh dũng của mẹ, của bà con chòm xóm quê hương mình.

Những năm 65, 66, mẹ được tổ chức  đưa lên chiến khu Khe Cáy làm liên lạc, làm cấp dưỡng cho bộ đội. Cứ ngày đi, đêm về, che mắt địch bằng cách đi lấy củi. Mẹ vừa nắm tin tức địch đưa lên chiến khu, vừa vận động đồng bào ủng hộ thóc gạo nuôi bộ đội. Mẹ kể, trận đánh đồn Làng Vân, vì quá mệt, du kích, bộ đội ngủ quên, nên bị chỉ điểm. Thế là giặc về càn quét, đốt sạch hết nhà dân. Những anh Bổng, anh Văn, anh Thiệu cán bộ chủ chốt phải về trú ẩn tại hầm bí mật nhà mẹ. Căm thù giặc cao độ, nhân dân dựng lại nhà cửa ngay trên tro tàn chờ thời cơ để tiếp tục đánh đồn khác. Tiếp sau đó, cán bộ cơ sở chỉ đạo đánh đồn Trung Chỉ thắng lợi giòn giã ngay trên đường quốc lộ. Rồi chiến thắng dồn dập khắp trên các chiến trường cho đến ngày giải phóng hoàn toàn Quảng Trị...

Một sự ngẫu nhiên là lúc tôi về thăm mẹ thì mẹ Hạnh, em dâu mẹ Loan ở trên đường quốc lộ cũng về thăm. Mẹ Hạnh năm nay cũng đã bảy mươi sáu tuổi. Mẹ về làm dâu được vài năm thì chồng mẹ tập kết ra Bắc, khi chưa biết là mình đã mang trong bụng giọt máu của chồng. Chiến tranh kéo dài hơn hai mươi năm, chồng mẹ lấy vợ khác ở ngoài Bắc, hòa bình trở về, không chung sống cùng mẹ nữa. Trở lại với mẹ Hạnh và mẹ Loan, biền biệt những năm tháng sống không có chồng, hai mẹ lấy niềm vui được chăm sóc đứa con không biết mặt cha, và niềm vui của bà con xóm giềng làm niền vui của mình. Kháng chiến đằng đẵng cuốn cả hai mẹ theo, cùng tham gia đánh giặc hàng trăm trận, cùng nuôi giấu cán bộ cơ sở cách mạng, cùng bị địch o ép bắt lên đồn giam cầm, đánh đập đến tím bầm thịt da hết lần này đến lần khác. Cùng đóng góp của cải, sức lực, máu và nước mắt của mình cho đến ngày toàn thắng. Cả hai mẹ không còn thời gian để mà ngẫm nghĩ đến chuyện riêng tư, nghĩ đến chuyện người chinh phụ chờ chồng ngoài sa trường...

Bây giờ mẹ Hạnh ở với con trai, đứa con mà cả hai chi em cùng chăm bẵm, ôm ấp, nuôi lớn lên trong chiến tranh, giờ là cán bộ chủ chốt của Công ty Xi măng Quảng Trị, nhà ở ngay tại trung tâm phường Đông Lương, thị xã Đông Hà . Còn mẹ Loan, mẹ vẫn ở ngay trên nền nhà cũ, trong ngôi nhà đứa cháu trai xây cho vài chục năm trước, nằm ở xóm dưới bờ sông của thôn Đại Áng. Hưởng một chút ít chế độ liệt sĩ của chồng mẹ. Những năm qua, thôn mẹ, xã mẹ đã lên phố lên phường, một số gia đình có điều kiện đã ra ở sát ngay đường quốc lộ. Mẹ và một số gia đình neo đơn nữa vẫn ở lại làng cũ, nơi mà mình đã đổ bao máu xương, công sức để gìn giữ được... Và cũng chính những lúc này đây thì mẹ Loan lại có những ý tưởng trầm tư trái ngược nhau. Trong miên man nỗi lòng mình, mẹ nghĩ rằng chồng mẹ chưa mất, mà ông nớ đi công tác đâu đó lâu ngày chưa về. Thỉnh thoảng mẹ vẫn nghe trên đài vang lên câu hát: "Đoàn vệ quốc quân mỗi lần ra đi... Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui...", mẹ thấy phấn chấn trong người rồi lặng lẽ khóc, mẹ sực nhớ chồng mẹ đã hy sinh. Tôi biết những lúc như thế mẹ buồn lắm, buồn cho cái thời kỳ chồng Bắc vợ Nam kia tháng năm sao nó dài. Và bây giờ trong cô quạnh, nghìn trùng xa cách, hẳn là quá dài, ngoài sức chịu đựng của mẹ. Tôi có hỏi mẹ một điều, mà biết mình chẳng thể giúp được mẹ. Không biết có ai giúp được mẹ không? Điều ước của mẹ là được một lần ra thăm Điện Biên, nơi có chồng mẹ chiến đấu, hy sinh cho thỏa nguyện tuổi già là mẹ chết được rồi. Chao ôi, một ước muốn giản đơn nhưng đối với mẹ già tám mươi tuổi thì không kịp nữa rồi. Những vết thương lòng qua bao năm tháng mẹ mang, mẹ chẳng đòi hỏi chút gì chỉ ước mong có thế!

Tôi đến thăm mẹ trưa nay, cùng ăn cơm trưa với hai mẹ. Trên bàn, mẹ Hạnh dọn ra nào là cá, thịt, canh rau mà sao lòng tôi cứ ngậm ngùi. Giá chi mẹ Loan có được đứa con, để giờ đây mẹ có cháu, có chắt vui vầy hôm sớm, để không còn là bà mẹ già đơn chiếc, cô quạnh vì chiến tranh. Bữa cơm thì vui, vì có sự đầm ấm quây quần giữa ba người mà sao tôi cứ miên man trong sự liên tưởng của mình: Nếu như không có tôi và mẹ Hạnh về thăm, thì bữa cơm mẹ dọn ra, như bao ngày vẫn thế, hết tháng năm này, đến tháng năm khác vẫn thế. Một mẹ già hơn tám mươi tuổi đơn chiếc ngồi trước mâm cơm... một mình, một bóng!

Tôi lang thang dọc con hẻm xuống bến sông, cách nhà mẹ Loan chỉ vài trăm mét. Nói là hẻm nhưng ngày xưa, thời mẹ còn là con gái thì đây vẫn là con đường chính của làng, còn bến sông kia là bến đò. Hàng ngày có vài chục chuyến đò Ngang qua về, con hẻm hẹp dần, ít dấu người qua lại nên cỏ lấn ra đường. Bến sông giờ chỉ có cây duối già cổ thụ đã cụt ngọn nằm choài ra phía bờ sông. Dòng sông vẫn lặng lờ trôi! Mấy phút trước đây trời còn dịu mát, giờ lại mưa rào từng cơn, hắt ràn rạt xuống mặt sông. Trong không gian vắng vẻ, u tịch ấy, tôi bỗng nghe tiếng gì như tiếng con chim "Bắt cô trói cột". Nó cứ lanh lảnh hót đi hót lại một lời: "Ơi đò Ca Cút! Cho qua một chút! Ơi đò Ca Cút! Cho qua một chút!...". Tiếng người con gái nồng nhiệt, chung tình, từ buổi sơ khai đất nước có giặc ngoại xâm kia lỡ hẹn với người con trai ở bờ bên kia đó chăng? - chết rồi còn hóa thành một loài chim, ngày đêm vẫn cất tiếng kêu thương ở những bến đò Ca Cút...

Tôi không nghĩ mẹ Loan cũng như bao người mẹ khác thầm lặng hy sinh kiệt cùng cho cho hai cuộc chiến tranh vệ quốc đều có những số phận bi kịch. Vì mẹ còn cả Tổ quốc, nước non, cháu chắt và bà con lối xóm. Nhưng thân phận thì vẫn là thân phận. Và tình yêu là tình yêu của người chinh phụ có chồng ra trận... Tôi cũng là người phụ nữ từng tham gia quân ngũ, ra quân khi nước nhà thống nhất để có một tổ ấm gia đình. Mẹ Loan ơi, mẹ chưa được phong anh hùng, nhưng chính mẹ mới là người phụ nữ anh hùng, trung hậu, đảm đang. Biết thế rồi mà trưa nay sau khi về thăm mẹ bên bến đò Ca Cút, tôi lại thương - thương yêu như chính mình là người có lỗi vậy.

T.S

 

Thúy Sâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 121 tháng 10/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground