Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Qua rồi chuyện người không mang họ

T

ừ bao đời nay, đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Cô (một dân tộc anh em có phong tục tập quán và cả ngôn ngữ nhiều nét tương đồng với dân tộc Vân Kiều, cùng sống trên vùng cao miền tây Quảng Trị) vốn chỉ có tên mà không có họ, mượn nhan đề một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Xuân Đức thì dân Vân Kiều, Pa Cô là những "Người không mang họ". Rồi một ngày kia đồng bào miền núi nơi đây hết thảy đều có thêm họ, đáng nói nhất là cả muôn người đều chung một họ. Đó cũng là chuyện lạ đã xảy ra với dân tộc Vân Kiều.

VÙNG CAO MANG HỌ BÁC HỒ.

Năm 1946 từ chiến khu Bác Hồ đã cử cán bộ vào Nam thay mặt Người thăm hỏi đồng bào vùng cao Quảng Trị và gởi tặng bà con Vân Kiều, Pa Cô những tấm hình của Bác. Không những thế,Bác còn tặng áo lụa đẹp cho những người già đã sống trên chín mươi tuổi. Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô cảm động vô vàn.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công ít lâu thì diễn ra sự kiện trọng đại: cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946. Cán bộ làm công tác bầu cử khi ghi danh cử tri đã  hỏi đồng bào vùng cao Quảng Trị họ gì? Nhiều người ngơ ngác. Từ thưở khai thiên lập địa, cha sinh mẹ đẻ ai nào có biết họ là gì, nay nghe hỏi vậy không khỏi bất ngờ và lúng túng. Bỗng có người đề nghị: đồng bào vùng cao không có họ, nay mọi người xin lấy họ của Bác Hồ làm họ của mình. Tất cả mọi người đồng thanh hưởng ứng. Từ đó, ai cũng tự hào là mình là người thân, là con cháu Bác Hồ.

Đến năm 1957 khi biết tin Bác Hồ kính yêu vào thăm tỉnh Quảng Bình, đồng bào dân tộc vùng cao Quảng Trị sống ở đặc khu Vĩnh Linh liền cử ông Hồ Ray ra xin gặp Người. Ông Hồ Ray đề đạt nguyện vọng với Bác, xin cho đồng bào Vân Kiều, Pa Cô được mang họ Hồ. Bác vui vẻ đồng ý. Tin mừng như cánh chim bay không mỏi, đồng bào vùng cao Quảng Trị đầu non cuối núi đều phấn khởi vô cùng. Họ tự hào khôn xiết tổ chức hội thề coi xã gần đều là anh em kết nghĩa vui buồn với nhau, sống chết có nhau một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Lời thề sắt son ấy vẫn vẹn nguyên qua bao gian nan thử thách cho đến ngày hòa bình, thống nhất và cho đến hôm nay. Đúng như lời một bài hát của nhạc sĩ Huy Thục trong bài ca "Rừng xanh vang tiếng Ta Lư": "Người Vân Kiều có tấm lòng trong trắng, như đóa hoa xinh đẹp giữa rừng. Bão tố cây rung mà lòng không lay..."

Tôi nhớ lần gặp bà mẹ vùng cao Hướng Hóa Hồ Thị Đá, một phụ nữ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chồng con của bà đều đã anh dũng hy sinh thân mình vì chân lý mà Bác Hồ: đã chọn "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Do gan dạ, mưu trí lập được nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, bà là một trong những người con miền Nam ra thăm miền Bắc trong những tháng ngày ác liệt nhất. Vinh dự hơn, bà còn được gặp Bác Hồ. Trong cuộc gặp gỡ vô cùng đáng nhớ này, Bác Hồ đã căn dặn cô gái vùng cao Quảng Trị, về lại miền Nam phải kiên cường, bền bỉ đấu tranh để thống nhất nước nhà. Mẹ Đá còn được Bác tặng một chiếc gương để soi mình giữ vững khí tiết trong cuộc chiến cam go một mất một còn; một hộp diêm Thống nhất để nhắc nhở đồng bào các dân tộc phải chiến đấu ngoan cường thì Bắc - Nam mới sum họp một nhà. Đặc biệt hơn nữa, Bác đã tự mình đặt tên cho bà là Hồ Thị Đá, ngụ ý tinh thần dũng cảm phải cứng như đá núi. Vậy là cả họ và tên của bà đều được nhận từ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Những kỷ niệm và kỷ vật thiêng liêng được Mẹ Đá nâng niu gìn giữ qua những tháng năm sự sống chết chỉ còn trong gang tấc. Những khi gặp gian lao, nguy hiểm bà lại tự nhủ lòng phải sống xứng đáng với họ tên của Bác Hồ đã ưu ái tặng cho. Nhắc lại một thời không thể nào quên, giọng Mẹ Đá vẫn còn bồi hồi xúc động. Đó là cả tấm lòng đồng bào vùng cao hướng đến Bác Hồ.

NGÀY MỚI VÙNG CAO.

Đi lên vùng cao Quảng Trị hôm nay nhiều người sẽ nhận thấy bức tranh miền núi không còn tuyền một màu xanh xao sốt rét mà đã ửng hồng da thịt. Lối sống du canh, du cư đốt rừng làm rẫy đã không còn là nỗi ám ảnh truyền kiếp đáng sợ; trồng ruộng lúa nước mỗi năm hai vụ, xóa đói giảm nghèo từ việc an cư lạc nghiêp, từ chăn nuôi và trồng rừng; đau ốm không còn mê tín chỉ tin vào thầy mo cúng bái mà biết tìm đến thầy thuốc, đến bộ đội biên phòng; đồng bào đã biết quý trọng hơn cái chữ Bác Hồ nên đã chăm lo hơn cho con trẻ đến trường. Đương nhiên chuyện khó khăn của vùng cao vẫn là câu chuyện thời sự và dài kỳ, không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai, nhất là lối tư duy lạc hậu, nhận thức trì trệ vẫn còn đeo đẳng nhiều nơi. Nhưng dù vậy vẫn phải thừa nhận một sự thật là vùng cao đã có nhiều sự thay da đổi sắc đáng mừng.

Trò chuyện với ông Hồ Văn Cùm ở xã Mò Ó,huyện Đakrông, ông cho biết hai đứa con ông học đại học và cao đẳng, một đã ra trường có việc làm rồi, một còn đang học. Ông còn nói thêm những gia đình như ông không còn là chuyện lạ vùng cao. Nhà ông chăm chỉ trồng rừng và chăn nuôi, mỗi năm thu nhập khoảng năm chục triệu cũng là chuyện nhiều người làm được và còn làm hơn thế. Được biết Mò Ó còn được chọn là một trong tám xã trong toàn tỉnh Quảng Trị thí điểm xây dựng nông thôn mới. Cũng cần nói thêm Đakrông lại là một trong sáu mươi hai huyện nghèo nhất nước ta. Vùng cao khó khăn còn nhiều như lá rừng, chuyện này ai cũng biết. Nhưng muốn đi lên không thể thiếu những tấm lòng, như chuyện nhà nước và nhân dân phải cùng chung tâm nguyện. Chuyện nghe nhiều đến độ sáo mòn, nhưng thực tế đang diễn ra luôn là điều tươi mới ngay với những gì tưởng chừng đã cũ và giáo điều. Thì mới đây thôi tại xã Thuận vùng biên Hướng Hóa, ông Hồ Văn Hạnh đã hiến cho nhà nước 1500 mét vuông đất để xây trường mẫu giáo, mảnh đất mà có người dưới xuôi lên trả giá năm mươi triệu, một số tiền không hề nhỏ, nhất là với đồng bào miền núi còn lắm khó khăn. Vậy mà ông Hạnh tâm sự giản dị: "Mình mong muốn con cháu học hành biết chữ mà làm người cho tốt. Đó là tương lai của bản làng. Nhìn bọn trẻ không được đến trường,mình buồn lắm nên cho đất xây trường. Còn bán đất lấy tiền thì chỉ có mình hưởng thôi. "Nhưng nào phải chỉ mình ông hiến đất, cả xã Thuận còn nhiều người như thế, tổng số diện tích đất đã hiến lên đến 55 ha, một con số kỷ lục cấp quốc gia. Nếu có chính sách phát triển đúng hướng được người dân đồng thuận cao thì ắt sẽ vượt qua gian khó và thành công. Đó là bài học vừa qua đưa huyện Hướng Hóa đi lên, đạt danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ông Hồ Văn Chiến ở xã Hướng Hiệp tuổi tác đã cao, cống hiến cũng nhiều, nhưng ông không chịu nghỉ ngơi mà vẫn năng nổ tham gia việc xã hội, trăn trở theo với bản làng. Còn nhớ hôm trò chuyện, ông hãnh diện khoe với tôi bức ảnh chụp chung với tổng bí thư Nông Đức Mạnh khi tiếp các già làng trưởng bản tiêu biểu. Còn trong ngôi nhà ông Hồ Văn Hùng ở xã Hướng Hiệp, thầy lang núi tốt bụng hay giúp người hoạn nạn cũng đã cho tôi thấy ngày mới vùng cao rạng ngời qua tâm sự. Ông kể, giọng nói không giấu vẻ tự hào: "Tôi có bốn cháu đều đã trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng tử tế: một bác sĩ, một kỹ sư và hai giáo viên. Vợ chồng tôi làm ăn cố gắng hết mình, trồng mấy héc ta rừng, trồng sắn mỗi vụ cũng được năm chục triệu, nhiều bà con ở đây cũng xóa đói giảm nghèo từ cây sắn, từ rừng trồng, không ít hộ vươn lên khá giả. Còn chuyện phá rừng làm rẫy thì bữa nay cũng đã giảm nhiều. Dân họ ý thức hơn, có phá rừng làm rẫy thì cứ mãi khổ, mãi nghèo. Đất đai nơi nào có nước thì trồng ruộng nước, nơi nào khô thì trồng lúa rẫy, đất xa nữa thì trồng rừng, rồi nuôi trâu bò, nuôi dê. Thế cũng là mừng lắm rồi. Tôi hay nhắc lại ngày trước, cách đây chỉ mười năm, vất vả khổ cực lắm, nay thì đã ổn định hơn nhiều.” Vừa nói ông vừa đưa tôi ra thăm hồ cá bề thế, chỉ cho tôi xem việc nấu rượu cần quy mô, chuẩn bị bán tết, biến mặt hàng độc đáo của vùng cao thành thương phẩm được gần xa biết đến. Lại nhớ đợt đi thực tế với ngân hàng chính sách huyện Đakrông. Bà con các dân tộc vay vốn về đã biết tính toán, lo làm ăn. Họ hoặc đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc, hoặc mở rộng diên tích trồng rừng để vượt thoát đói nghèo, bệnh ỷ lại trông chờ vào nhà nước đã thuyên giảm. Anh Phan Chí  Tâm vừa đưa số liệu chứng minh vừa nói: "Ngân hàng chúng tôi cử cán bộ về đến các bản làng, xem cùng chính quyền cơ sở xem xét cụ thể từng đối tượng vay vốn. Ai cần vay vốn, và vay để làm gì, liệu có khả thi hay không? Cán bộ ngân hàng còn tư vấn, hướng dẫn cho bà con cách thức làm ăn phù hợp để có thể trả nợ cả gốc lẫn lãi cho nhà nước. Muốn thế bà con làm ăn phải có hiệu quả. Dư nợ của ngân hàng chính sách chúng tôi năm sau giảm hơn năm trước, điều đó chứng tỏ số hộ nghèo, đã giảm, đã thoát nghèo. Những hộ này đã không còn nằm trong diện cho vay. Nói đến chuyện sắn, tôi lại nhớ chuyến đi của mình vào vùng Lìa ở Hướng Hóa, đây là thủ phủ của sắn. Nhờ sắn mà nhiều người dân nơi đây thực sự đổi đời. Rồi cây chuối Tân Long cũng đang thành thương hiệu trên thị trường rau quả.

Tôi thì vẫn cứ ám ảnh một câu nói: tất cả bắt đầu từ giáo dục. Chia sẻ quan niệm này, thầy giáo Mai Huy Phương, trưởng phòng giáo dục huyện Đakrông cũng khẳng định dù khó khăn, vất vả còn nhiều nhưng thầy cô vẫn bám trường, bám bản để thắp sáng ngọn lửa tri thức vùng cao. Phải vượt khó mà trồng cho được con chữ mới mong thoát được đói nghèo. Nhìn những đứa trẻ miền núi đi bộ đến trường, vật lộn cùng gian khó mà vươn lên, chúng ta hẳn sẽ thấy ấm lòng. Thay đổi vùng cao, trước hết và quyết định vẫn là chuyện nguồn lực con người. Tất cả bắt đầu từ giáo dục. Nếu không được học hành, nếu không có quyết tâm sắt đá vươn lên thì làm sao hai nữ thạc sĩ đầu tiên của hai dân tộc Vân Kiều và Pa Cô, ấy là Hồ Thị Minh và Hồ Thị Lệ Hằng ở huyện Hướng Hóa lại có thể bảo vệ thành công luận văn của mình với kết quả xuất sắc. Đó là những cháu con Bác Hồ làm rạng danh vùng cao. Rồi thầy giáo già gần bảy mươi tuổi Hồ Xuân Long vẫn miệt mài tâm huyết với việc truyền dạy chữ Bru-Vân Kiều cho đồng bào. Ông mong rằng, ngoài tiếng Kinh, đồng bào Vân Kiều cần có ngôn ngữ riêng để tạo dựng thêm một nét bản sắc riêng biệt vì trước đây dân tộc Vân Kiều vốn không có chữ viết. Hay trưởng công an huyện Đakrông Hồ Quang Thân nhiều lần từ chối những món tiền hối lộ không nhỏ, làm tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ  ngành công an noi theo. Tất cả những con người ấy đã bằng tâm lực của mình mong mỏi góp phần thay đổi diện mạo vùng cao.

Và như một lẽ thường tình bất biến, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô vẫn đang hòa mình trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam để tô bồi quê hương đất nước, với quyết tâm sắt đá phải kiến thiết và bảo vệ hết sức mình  mẹ hiền Tổ quốc chúng ta.

P.X.D

   

 

Phạm Xuân Dũng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 227 tháng 08/2013

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground