21/04/2025 lúc 08:57
28/01/2025 lúc 23:02
T
ôi nghĩ rằng bất cứ một người Việt Nam nào cũng có ước mơ và niềm vui sướng được một lần hoặc nhiều lần lên du thuyền ngắm cảnh vịnh Hạ Long. Ngày nay du khách nhiều nước trên thế giới đã vượt biển trời xa hàng vạn dặm tìm về đây chỉ một mục đích: Ngắm cảnh vịnh Hạ Long.
Sáng nay sau ba giờ đường bộ bằng ô tô chúng tôi đến đảo Tuần Châu, bắt đầu một tua du lịch ngắn ngày, thực hiện ước mơ bấy lâu ấp ủ: Đón chúng tôi là con tàu hơi nước kiểu Pháp đầu thế kỷ 20 có tên là Emeraude (Ngọc lục bảo). Xin nói ngay với bạn đọc là: Để bảo vệ môi trường, tránh những tiếng ồn không cần thiết, những con tàu du lịch ở đây ưu tiên chạy bằng hơi nước, chạy bằng buồm hoặc chèo tay. Tàu Emeraude chỉ dài 55m rộng 7m, 3 tầng với 38 ca bin, 2 quầy ba - vậy mà tập hợp đủ mặt du khách ba miền Trung Nam Bắc. Tôi-người Quảng Trị, bạn đồng hành cùng tôi có người ở đồng bằng sông Cửu Long, có người ở Hà Nội, Hải Phòng, có người ở Lai Châu, Sơn La. ..
28/01/2025 lúc 23:02
K
hi còn cách Savanakhet đến một trăm cây số, tôi đã để ý thấy ông tài xế lái chuyến xe "liên vận" khởi hành từ Đông Hà, chất ngất hàng hóa và người, một tay cầm vô lăng, tay kia áp điện thoại vào tai, trò chuyện với ai đó rất sôi nổi. Đoạn, ông quay lại, nói với ra phía sau:
-Ai từ báo Quảng Trị sang, yên tâm, có người đón ngay tại bến xe nhé!
Đường Lào hun hút. Hai bên, rừng già tràn cả ra phần bê tông nhựa phẳng lỳ. Thi thoảng mới gặp một bản làng nhỏ bé và yên hòa. Lâu lắm mới thấy một chiếc xe ô tô bán tải chạy ngược chiều, phía sau thùng xe là những mẹ, những em đầu trần chang chang, ngồi nhấp nhổm giữa rau quả, cá mú, thịt thà và những tà khăn rằn phất phơ, nụ cười lấp lóa trong nắng.
Còn khoảng ba mươi, hai mươi cây số nữa, lại có cuộc điện thoại, lại chuyện trò rất thân tình, với ra phía sau, ông tài xế lặp lại câu nói liên quan đến tôi:
-Yên tâm, có người đón ngay tại bến xe nhé!
Xe dừng, một thanh niên có khuôn mặt nhẹ nhõm, nói tiếng Việt bằng chất giọng con trai vùng Bắc bộ ấm áp, bước ngay tới cửa. Anh cầm lấy tay tôi như đã gặp từ lâu lắm rồi, vỗ vỗ vào lưng tôi, anh bảo:
-Đi đường có mệt không? Về nhà thôi.
Đó là anh Khun My, được báo Savanphatthana nhờ phiên dịch tiếng Việt những ngày tôi lưu lại ở đây. Đi bên cạnh là anh Si lăm phăn, Trưởng ban Biên tập của báo, người thấp đậm, luôn nở nụ cười nhân hậu.
Tôi đến báo Savanphatthana như về với nhà mình.
Buổi sáng đầu tiên, đến cơ quan để chào mọi người, tôi đã thấy có dòng chữ Lào viết trên tấm bảng treo trước phòng máy vi tính, chữ viết rất mới, dường như thông báo sự có mặt của tôi và anh họa sĩ từ báo Quảng Trị sang. Tôi đoán vậy vì thấy "báo Quảng Trị" được viết bằng chữ Việt in hoa rất trang trọng.
Chúng tôi đã có cuộc giao ban ngắn với ban biên tập và phóng viên của báo trước khi làm việc với lãnh đạo Sở Thông tin- Văn hóa Savanakhet về những công việc cụ thể mà chúng tôi sẽ làm với bạn trong những ngày sắp tới.
Sau những buổi xã giao ban đầu, chúng tôi cùng các bạn ở báo Savanphatthana bắt tay vào những công việc chuyên môn như xử lý ảnh của phóng viên chụp về, lên trang, trình bày báo, chỉnh sửa lại măng sét...Việc đang ngon trớn, tự dưng có một nhà báo nữ, người dong dỏng, khuôn mặt rám nắng và duyên dáng, tóc búi cao, một tay kéo tôi ra phía cửa, một tay kéo anh Khun My, nhờ anh Khun My hỏi tôi rằng, đi ra phố chơi một chút có được không?
Tôi gật đầu.
Khun My giới thiệu với tôi, đây là Khamkham Chatthavong, cử nhân tiếng Anh, phóng viên trẻ của báo. Khamkham viết báo rất giỏi và từng phiên dịch tiếng Anh khi có khách nước ngoài đến làm việc.
Khamkham thấy tôi đồng ý thì vui lắm, khuôn mặt rạng rỡ, cử chỉ cũng trở nên lúng túng, khác với sự năng động của ngày thường, đi đi, đến đến, nhanh nhẹn, tháo vát. Em dắt chiếc xe máy dáng thể thao, xoay trở mãi mới ra được khuôn cửa rộng, khác với lúc đến, xe phanh kít, len lỏi điệu nghệ giữa hàng hàng xe máy san sát.
Khamkham chụp lên đầu tôi chiếc mũ bảo hiểm, giao chìa khóa xe, rồi từ tốn ngồi lên yên sau, giọng nói nhẹ như gió thoảng: Cà phê!
Tôi đã có một buổi sáng thong dong khắp phố phường, nơi được mệnh danh là "Thành phố Hồ Chí Minh "của bạn. Những dãy phố cổ trầm mặc rêu phong, có cảm giác như thời gian đang ngưng lại bên ô cửa màu gỗ mun ánh lên trong buổi ban mai yên ả. Qua những chùa chiền thấm đẫm mùi trầm và hương thơm từ loài hoa đại cánh trắng nhị vàng. Qua những dãy phố sang trọng, hàng hóa bề bộn nhưng lòng người thuần hậu.
Ngoài kia, sông Mê Công đang mùa nước cường, cuồn cuộn phù sa, ầm ào, sôi sục. Con đường bên sông, cuộc sống lại an nhiên, "cây và đá sạch như vô nhiễm" như trong một câu văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường....
28/01/2025 lúc 23:02
M
ỗi lần được dịp vào Thành Cổ Quảng Trị, trước đài tưởng niệm, đứng trang nghiêm cúi đầu dành những phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Việc nữa, chúng tôi thắp những nén hương để cầu nguyện cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ và không quên vào nhà bảo tàng để ngắm nhì những hình ảnh, vật dụng, của những chiến sĩ cách mạng làm nên bao chiến công oanh liệt trong lịch sử chiến tranh Vệ quốc. Trong đó có một bức ảnh do nhà báo Công Tính chụp một ông già cầm chắc mái chèo và cô gái cầm chắc tay súng đưa bộ đội qua sông trong mùa hè đỏ lửa trên sông Thạch Hãn năm 1972. Chúng tôi thường đứng tần ngần rất lâu trước tấm hình và tự hỏi, họ còn sống hay đã hy sinh trong tám mươi mốt ngày đêm ác liệt ấy. Và câu hỏi ấy cứ theo tôi mãi cho đến một ngày mà tôi không tin vào mắt mình. ........
28/01/2025 lúc 23:02
M
ột câu chuyện diễn ra cách đây hơn một phần tư thế kỷ ở cầu Hiền Lương, cây cầu bắc ngang qua sống Bến Hải đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Ngày 30 - 5 - 1975, sau giải phóng miền Nam tròn một tháng, mười anh em cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng chúng tôi được cử ra biên giới phía Bắc công tác. Đoàn chúng tôi đi trên chiếc xe GMC, chiến lợi phẩm của địch. Xe khởi hành từ Nha Trang, qua một ngày vượt hơn chục ngọn đèo với gần sáu trăm cây số, đường dài gian nan vất vả ai cũng thấm mệt. Trưởng đoàn cho chúng tôi nghỉ chân ở Huế, ăn tối và ngủ một giấc trên bờ sông Hương để lấy lại sức. Bốn giờ sáng, cả thành phố Huế còn chìm trong giấc ngủ, trưởng đoàn đã đánh thức chúng tôi dậy lên xe đi tiếp. Xe vừa ra khỏi thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị chừng non một cây số, dưới anh trăng vàng nhạt, chúng tôi thấy một người đàn ông hớt hải chạy đuổi theo xe chúng tôi. Vừa chạy ông vừa la lớn, la khản cả giọng: “Các… chú… giải phóng ơi, cho tui đi nhờ về bên bờ Bắc với!”. ...........
28/01/2025 lúc 23:02
T
ôi đã rất khấp khởi chuẩn bị cho một chuyến lên Tây Bắc. Cái lý do để đi là tham gia Trại viết của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, thời gian kéo dài 15 ngày. Thật không có cái kênh nào hợp lý bằng cái kênh đi trại viết để khám phá, thâm nhập thực tế. Chuẩn bị sẵn cho kế hoạch này, tôi đã chuẩn bị gần mấy trăm trang bản thảo theo đề cương đăng ký, đến nơi chỉ nộp “quyển” đúng theo yêu cầu là thong dong đi và viết về Tây Bắc...
Còn nhớ cái hôm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam ở Nhà hát lớn Hà Nội, GS. Tô Ngọc Thanh bảo cái công trình tôi đăng ký năm nay hấp dẫn, hi vọng sẽ có thêm một đầu sách hay in trong năm tới. Thế mà trước lúc trại khai mạc mấy ngày, ThS. Cao Thị Hải điện vào báo tôi hoãn chuyến đi, cơ quan chủ quản của anh báo ra là không thể đi dài ngày như thế được, vì ở nhà không ai duyệt bài, tổ chức bài vở ra báo. Chao ôi là lý do lý trấu! Cái thời nào rồi mà làm báo phải ngồi trực ở cơ quan? Không để lỗi hẹn, tôi đảo quy trình điền dã bằng cách nối mạng với nhà báo, nhà văn Đặng Bá Tiến đang dẫn một đoàn VNS lên Tây bắc. Nó đang săn ảnh ở Sơn La, Điện Biên ...
28/01/2025 lúc 23:02
L
âu nay vẫn cứ nghe nói “Xuân về thay áo mới”, ý là nói cái thay đổi về cảnh sắc thiên nhiên, là nói về cái sự rạo rực, phấn chấn của lòng người trước sự thay đổi mang tính chu kỳ của trời đất, cỏ cây dưới tác động của khí hậu dịch chuyển theo chu trình: Tàn lụi - Hồi sinh. Đông qua - Xuân tới. “Xuân về thay áo mới” còn được hiểu và “vận” vào tâm thế, hoàn cảnh của con người theo cái mạch: Bĩ cực - Thái lai...
Thế mà ngày trước, nhất là ở cái tuổi hoa niên (cách nói hoa mỹ), chứ cái tuổi hoa niên của tôi (và cũng chẳng riêng tôi) ở cái thời tem phiếu thì phải gọi nó đúng tên là tuổi thơ bùn đất, tuổi thơ nghèo đói. Câu “Xuân về thay áo mới” không phải là cố ý nói chệch đi mà chính là sự háo hức “Xuân về được may áo mới”. Làm sao lại không háo hức khi quanh năm ngày tháng, năm này sang năm khác toàn mặc lại quần áo của anh. Vải chúc bâu, xanh chéo... vẫn còn soàn soạt thế, nhưng khốn nỗi những bộ “hoàng bào” ấy khi khoác lên mình những bậc đế vương, khi khoác lên mình những thằng quỷ sứ chúng tôi thì đít quần, gối chân, gối tay chẳng mấy mà đã tớp tua. Bà nội tôi ngồi vá quần, vá áo cho hai thằng cháu nội, mỗi lần xâu chỉ vào trôn kim qua đôi mắt kèm nhèm lại làu bàu:...
28/01/2025 lúc 23:02
C
ửa Tùng tháng bảy đang là mùa nắng. Dọc bãi tắm lác đác khách du lịch với nhiều biển số xe các tỉnh khác nhau nhưng chủ yếu là của các tỉnh phía Bắc, họ đi viếng nghĩa trang liệt sĩ và không quên ghé biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), nơi được mệnh danh “Nữ hoàng của các bãi tắm”. Tôi cùng doanh nhân Hồ Thanh Ngọc, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tuấn ngồi trong quán cà phê Lộng Gió cùng hướng ra biển, nơi có gió sặc vị mặn của biển thổi vào. Trước mặt là thảm nước xanh phơi mình dưới ánh mặt trời, nhấp nhánh sóng.
Cửa Tùng không giống bất kỳ cửa biển nào mà tôi đã biết. Phía Bắc là các bãi đá do tạo hóa hình thành nên những eo vịnh bám sát vào triền đồi đất đỏ ba zan từ cửa biển lên Bến đò A và kéo dài thêm trên chục cây số nữa qua Vĩnh Thạch lên Vĩnh Kim tạo thành những vịnh nhỏ, kín đáo không có dòng hải lưu cuốn xoáy, quanh năm sóng gió hiền hòa. Phía trên bãi tắm Cửa Tùng là một vùng đất đỏ ba zan xóm làng cây cối xanh tươi trù mật với rất nhiều đặc sản đậm chất Quảng Trị. Đối diện Cửa Tùng, phía Nam là một bãi ngang cát trắng tinh chạy dài tít tắp. Nước biển ở đây màu xanh cũng lạ, nhiều người nói nó đổi màu theo giờ…
28/01/2025 lúc 23:02
C
ả một vùng đất chết với cơ man là hố bom, xác pháo, dây thép gai đã thay da đổi thịt và “dính người” một cách lạ lùng. Cũng không khó hiểu khi họ - những con người của đất thép Vĩnh Linh anh hùng đi qua chiến tranh với bao nhiêu mất mát, bao nhiêu máu xương đã đổ - nên những gian khó trong thời bình dường như “chẳng thấm”. Vì thế, khi tiếng súng trên quê hương vừa dứt, công cuộc xây dựng cuộc sống mới lại thôi thúc họ “gánh” tên làng, tên xã đi kinh tế mới lên những vùng cao. Vùng miền núi huyện Hướng Hóa sau những năm chiến tranh là một bức tranh ngổn ngang với nhiều tâm sự. Nhưng giờ đây, sắc màu của sự hồi sinh, của cuộc sống mới đã tràn trề ở phố núi này. Câu chuyện “cổ tích” ấy bắt đầu từ những… đôi đòn gánh.
Dấu vết của nghèo đói
Ông Hồ Pả Nay - người đồng bào Vân Kiều ở thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa năm nay gần 70 tuổi. Đã hơn quá nửa cuộc đời gắn bó với mảnh đất này nên dù tuổi đã cao nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh và rắn rỏi. Cái tẩu hút thuốc đen bóng vắt vẻo trên môi, trong ánh sáng mờ nhạt của bếp lửa ngay giữa gian nhà bếp, ông nhả một hơi thuốc dài rồi kể lại câu chuyện của mấy mươi năm về trước - khi vùng miền núi này còn hoang sơ và nghèo đói… Sau năm 1975, dân cư thổ địa ở đây là người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sống rải rác thành từng bản. Đất đai nương rẫy thì nhiều, nhưng không có sức làm bởi trình độ canh tác lạc hậu, phụ thuộc lớn vào thiên nhiên. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nhan nhản, rất nhiều người chết, bị thương tật do vướng phải khi làm nương rẫy...
28/01/2025 lúc 23:02
D
ừng chân ở Cửa Tùng, cô bạn gái T. L chỉ đường cho tôi một cách cặn kẽ, rằng anh cứ đi ngược lên chừng hai cây số gặp sông là đến địa phận xã Vĩnh Giang, hỏi làng Tùng Luật là người ta sẽ chỉ đường cho. Tôi cười thầm bởi cô bạn cứ nghĩ rằng tôi ngồi bàn giấy lâu rồi, đã mất cảm giác đi thực tế. Hôm ấy là buổi sáng mùa hè nhưng ảnh hưởng áp thấp ngoài biển Đông, trời mưa giăng giăng khắp nẻo. Cố tình chạy xe chầm chậm dọc theo công viên gần một cây số bên sông, tôi muốn có phút giây thư thái để cảm nhận vẻ đẹp thanh bình của một làng quê nằm gần cuối dòng Bến Hải, nơi sinh ra những nghệ sĩ tài danh. Từ đây ra cửa biển chỉ còn không mấy nhịp chèo. Người mà tôi muốn gặp trong chuyến đi này là Nghệ sĩ Ái Chủng. Đã đôi lần gặp ông, khi thì ở các liên hoan nghệ thuật, khi thì thấy ông lên nhận bằng khen về thành tích xuất sắc trong khôi phục chèo cạn Tùng Luật...nhưng hôm nay tôi về đây là để nghe chính ông cắt nghĩa vì sao người ta gọi làng Tùng Luật quê ông là làng nghệ sĩ?...
28/01/2025 lúc 23:02
Cởi chiếc áo cũ ra đi
Buồn vui bốn mùa phải đâu phút chốc
Kỳ cọ tâm hồn, ướp lá đường cong…
T
ắm Tết. Tắm chiều ba mươi. Tắm đêm trừ tịch. Tắm lá mùi miền Bắc. Tắm hương nhu miền Nam. Tẩy trần, tẩy bụi bặm trần ai, tẩy cả những phiền muộn lo âu đầy ngập bốn mùa qua.
Giọt giọt mặn đắng rơi xuống. Giọt giọt thơm nồng bốc lên. Ướp mới, ướp cho tươi sạch da người, tươi sạch tuổi thơ, tươi sạch ký ức, tươi sạch cả con người luốc lem, bầm dập, sân si, sau chuỗi ngày lao đi lao về như cánh chim, như vó câu, như làn gió mỏng, như thân tâm này, linh hồn này trót trao cho khổ ải, nhịn nhục, hy sinh.
Vậy đó! Chẳng biết từ lúc nào người Việt mình có thói quen tắm Tết. Tôi chập chững vào đời đã thấy má tôi tắm Tết. Má tôi sinh ra đã thấy ngoại tôi tắm Tết. Ngoại tôi bập bẹ nói cười đã thấy cố tôi tắm Tết. Cuộc tắm truyền đời. Cuộc tắm miên man để giữ cho phận sống dẫu mỏng manh cũng mong, cũng ước, cũng nguyện, cũng giữ cho muôn phần thanh sạch, thơm nguyên. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, má tôi thường nhắc các con mình như thế. Lớn khôn tí chút tôi hiểu lời dạy của má không chỉ tắm thơm da thịt, cơ thể mà còn phải tắm táp, ướp giữ thơm tho từng ý nghĩ, từng việc làm, từng nhịp hít thở trong giây phút, trong đoạn quãng sống quý giá ở cõi đời này...
28/01/2025 lúc 23:02
T
rong kí ức mỗi chúng ta, nhất là với những ai từng sinh ra và lớn lên ở làng quê, mảnh vườn có ngôi nhà che chở đã trở nên một kỉ niệm vô cùng thiêng liêng, máu thịt. Hình ảnh mảnh vườn xưa luôn hiển thị trong ta với những đường nét, sắc màu, âm thanh và cả mùi vị thân quen khiến dù đi đâu, ở đâu, mảnh vườn vẫn níu kéo tâm hồn ta quay trở về trong những đêm thao thức, những lúc bỗng nghe buồn, là lúc ta rất cần một điểm tựa. Cái mảnh vườn ấy luôn có trong trái tim ta, và thật lạ, nếu nó vẫn xanh mướt lá cành nơi quê cũ, đã hẳn nó làm ta nhớ, nhưng một khi nó đã mất đi lại càng làm ta nôn nao nghĩ tới. Nó không còn là những gì đã và sẽ thay đổi theo tháng ngày, mà đã định vị như đóng dấu trong trí não với những khuôn hình cuối cùng ta chứng kiến. Những hình ảnh đó sống mãi, cứ sừng sững trong lòng ta, mọi thứ ngày càng trở nên thiêng liêng hơn, ám ảnh hơn lúc xưa ta còn có nó.
Tôi đã trải nghiệm nỗi lòng với mảnh vườn xưa như thế. Tôi từng có một mảnh vườn quê cũ nơi cha mẹ, anh em tôi sinh sống, nơi còn cất giấu núm rau của tôi ngày mẹ sinh mà giờ đây tôi vẫn hình dung ra, lần lượt từ ngõ vào sân cho đến bờ cây cuối cùng sau vườn…
28/01/2025 lúc 23:02
M
ột ngày đầu tháng Tám chúng tôi tìm đến nhà anh. Nắng chiều xuyên qua kẻ lá yếu ớt và làn gió dìu dịu tràn qua những con đường quen thuộc khi thu sang. Căn nhà cấp bốn nằm sâu vào giữa con đường Tôn Thất Thuyết thành phố Đông Hà đang ngập tràn niềm vui qua lời chúc mừng của bạn bè đồng nghiệp, láng giềng sau thành công trở về từ cuộc Hội chợ thiết bị công nghệ Việt Nam tại Quảng Ninh năm 2010… với chiếc máy phát điện nhờ năng lượng sóng biển.
Trong căn phòng nhỏ ấm áp, trước mắt chúng tôi là một người đàn ông cao to, khuôn mặt điềm đạm rót chén trà ngon mời chúng tôi. Anh tâm sự: “Tình cờ một hôm tôi xem một phóng sự truyền hình về một hòn đảo nào đó của đất nước với biết bao khó khăn thiếu thốn của cuộc sống trong đó điện năng là vấn đề nan giải nhất đối với người dân nơi này. Xem xong chương trình, tắt ti vi rồi mà tôi không sao ngủ được, cứ đi đi lại lại suy nghĩ suốt đêm vậy. Với những kiến thức tích lũy được tôi trăn trở và bắt đầu mò mẩm nghiên cứu sáng chế”.
...........
28/01/2025 lúc 23:02
B
ây giờ thì xã Vĩnh Quang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã lên thị trấn, nhưng không phải thị trấn Vĩnh Quang, mà là thị trấn Cửa Tùng- một thị trấn non trẻ đã hiện hữu nơi cửa biển ở hạ lưu sông Bến Hải. Cũng vì thế mà từ nay trở đi cái tên Vĩnh Quang không còn trong danh mục hành chính của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nữa. Nhưng cho dù Vĩnh Quang đã trở thành thị trấn Cửa Tùng và sau này sẽ phát triển lên thị xã, hay thành phố đi chăng nữa thì với tôi, cái tên Vĩnh Quang vẫn mãi mãi tồn tại trong ký ức của một thời “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, của một thời trai trẻ đầy gian khổ hy sinh, nhưng cũng rất kiêu hãnh khi được trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng trong vùng địch.
...........
28/01/2025 lúc 23:02
S
au chiến tranh những người lính chúng tôi trở về với đời thường… Dù thế nào thì một năm ba ngày 30-4, 5-10 và 22-12 chẳng ai bảo ai, không điện thoại, không nhắn tin… nhưng tất cả lại như có một sực hút thần kỳ tụ tập với nhau.
Ai cũng biêt 30-4 là ngày Giải phóng Miền Nam, 22-12 là ngày Thành lập Quân đội, còn ngày 5-10 thì ít ai biết? Đó là ngày thành lập binh chủng Tăng Thiết Giáp và cũng là ngày “sôi nổi” nhất của chúng tôi. Trong ngày ấy, người thì đến Bộ Tư Lệnh Thiết giáp liên hoan theo định kỳ, người thì gặp gở với đại diện cơ quan Dân Chính Đảng… Riêng chúng tôi, những người lính nhập ngũ từ sân trường đại học thì ăn mừng theo kiểu riêng của mình: tụ tập ở nhà một ai đó… rồi chủ yếu là rượu và không thể không hát, từ quân ca đến tình ca… Đầu trò không thể thiếu Lăng – giảng viên đại học Thủy lợi kiêm “nhạc sĩ”. Gọi Lăng là “nhạc sĩ” cũng chăng “ngoa”. Trong vài năm gần đây, anh đã cho ra đời nhiều bài hát về cuộc chiến anh hùng, về nỗi nhớ, về tình yêu, về người ra đi và ở lại… Lần nào anh cũng ôm một cây đàn ghi-ta điệm nhịp cho đồng đội, có lần anh tâm sự… các sáng tá của anh đều bằng cây đàn này!
Tôi cầm cây đàn lên. Đó là một cây ghi-ta cũ kỹ. Cũ kỹ đến ta tơi… toàn bộ lớp véc-ni đã sờn tróc từng mảng, các khóa phím bằng nhựa trắng đã ngả màu vàng, quanh vòng tròn thoát âm có khảm một vòng giả đồi mồi đã trầy xước, thân đàn đã bong tróc lớp gỗ dán phía ngoài và được chủ của nó “trợ lực” bằng chằng chịt băng dính như một chiến binh trong quân y viện với màu sắc không thể ta bằng lời: vàng đất, xám xịt, nâu bẩn, véc-ni pha bụi, gỗ pha đất sét… đều đúng! Chỉ có duy nhất các phím kim loại của cây đàn là vẫn ánh lên màu thép do được các ngón tay thường xuyên lướt qua. Cây đàn nhẹ đến vừa độ, ấn vào các phím cảm giác mềm, rất vừa tay. Điều đặc biệt là âm thanh thì không chê vào đâu được. Tôi chuyển vài gam và chợt nhận ra một âm sắc đặc biệt chưa từng thấy các cây đàn khác… “một sự não ruột sâu lắng” thoát ra từ hộp đàn… và bao giờ tôi cũng thấy Lăng xúc động khi ôm đàn. Một lần tôi hỏi: “Ông với cây đàn có uẩn khúc gì chăng?” Lăng bảo: “Nó không phải là một cây đàn thường đâu, trước đây nó đã từng của một người lính đối phương đấy. Anh muốn nghe không?”. Rồi Lăng kể cho tôi nghe:
“…Cuối năm 1975, trung đoàn xe tăng 574 chúng tôi được điều về đóng chốt tại phía tây tỉnh Quảng Nam giáp Lào, ngay thượng nguồn sông Thạch, con sông thất thường hay giở chứng trong mùa mưa lũ… Cuộc chiến vừa kết thúc, người ta hối hả với bao nhiêu là việc, ra Bắc nhận họ, vào Nam nhận “hàng”… Đất Quảng và cả miền Nam sau cuộc chiến, toàn thân lở loét những vết thương dữ dội của những hố bom pháo, hầm hào và cả trong tâm hồn con người. Thế mà không dưng chúng tôi lại lạc vào cái thung lũng hoang vắng này… giữa các triền núi thoai thoải, lau sậy um tùm và cánh rừng thưa.
Một buổi chiểu, sau khi cho xe vào lán, bảo dưỡng xong, tôi một mình lang thang vào sâu trong thung lúng, nơi khuất sau vách núi, thay vì đi ra đường Chín. Chiều hè, gió hun hút thổi từ Lào sang, khô nóng, lốm đốm những hoa dại màu vàng nhỏ li ti mọc sau cơn mưa. Ngay sau hàng rào là những cọc tre xô lệch, dốc lên một chút theo con đường mòn là một mái tranh trơ trọi, mấy đứa trẻ con sợ sệt. Tôi chào mẹ, nói lý do cuộc dạo và ngó quanh, nhà hoang tàn, trống vắng, nhưng bất ngờ khi thấy trên vách treo một cây ghi-ta. Tôi xin phép mẹ cầm xem và để làm dịu không khí căng thẳng, tôi chơi luôn hai bài “Quê em miền trung du” và “Bài ca hi vọng”… Tiếng đàn vừa vang lên, lũ trẻ đã ào vào. Tôi dường như sẵn sàng chờ sự náo nhiệt, láo nháo của chúng, giống bọn trẻ con ngoài Bắc mỗi khi nghe là im lặng… Chỉ khi tiếng đàn vừa dứt, chúng mới ùa sát vào tôi. Giữa mùi mồ hôi trẻ con nồng nặc và tiếng mắng mỏ của bà cụ, tôi lễ phép xim mẹ cho mượn cây đàn vài ngày để về tổ chức liên hoan cùng đơn vị. Bà ngần ngừ: “Chú chờ chút, con nhỏ nhà tôi sắp về đó… mà thôi, chú cứ cầm về đi!”. Tôi áy náy trong lòng, vốn là lính sinh viên, suốt mấy năm toàn dầu mỡ súng đạn, nay vớ được cây đàn như “buồn ngủ gặp chiếu manh”… mặt khạc, tôi đọc được điều gì đó băn khoăn trong là bà mẹ?...
28/01/2025 lúc 23:02
T
ôi không rành về kiến trúc, hội họa và cũng không giàu trí tưởng tượng. Cho đến một buổi sáng đầy nắng được thả mình vào không gian khoáng đạt nơi biển cả, được hòa vào dòng người bước những bước chân đầu tiên trên cầu Cửa Việt vạm vỡ giữa biển nước mênh mông, lúc đó tôi mới hình dung rằng, khi cầu Cửa Việt hoàn thành cùng với cầu Cửa Tùng giống như hai cánh tay của một lực sĩ có thân hình cường tráng là tuyến đường 9 đang nằm ''xoãi tay'' nơi cửa biển. Một sự tưởng tượng không giàu sắc màu nghệ thuật nhưng là hiện thân của niềm tin, của khát vọng từ bao đời nay của người dân Quảng Trị.
Chuyện người thợ cầu...
Còn nhớ hơn mười lăm năm trước tại bến đò Tân Lợi (nay là nơi đứng chân cầu Cửa Việt), tôi háo hức cho lần vượt sông sang bờ Nam đi thực tế lấy tư liệu viết báo ở xã Triệu An và Đồn biên phòng Cửa Việt. Trời tháng sáu nắng gắt và gió Lào quạt lửa. Gió thổi cuộn lên từng ngọn sóng tung bọt trắng xóa phủ mạn thuyền. Tôi chao đảo theo sự ''lèo lái'' của một ngư phủ đã dạn dày với biển cả mà cứ ngỡ tim mình ''rơi'' khỏi lồng ngực. Thuyền chạm mép nước bờ nam, Huấn- chiến sĩ biên phòng được cử ra đón tôi tại bến lại òa cười khi nhìn thấy bộ dạng tội nghiệp và khuôn mặt tái mét của tôi. Đó là chuyến ''vượt sông'' đáng nhớ nhất trong đời mà tôi nguyện rằng sẽ không bao giờ có lần thứ hai.
Nhắc lại chuyện cũ để thấy lòng mình rộn ràng hơn khi đặt chân trên cầu Cửa Việt ngày hợp long. Tôi thấy bao gương mặt rạng ngời, những bó hoa tươi thắm được trao cho những người thợ đã ''lao tâm, khổ tứ'' với từng nhịp cầu nằm cận kề cửa biển nối hai huyện Gio Linh - Triệu Phong.
Có thể khẳng định rằng, cầu Cửa Việt là cây cầu lớn nhất Quảng Trị hiện nay với chiều dài trên tám trăm mét, gồm 11 trụ và 10 nhịp dẫn được thi công theo công nghệ hiện đại. Tôi nhớ hôm khánh thành cầu Cửa Tùng, một chuyên gia cầu đường đã bạo dạn hứa rằng, nếu có điều kiện họ sẽ tiếp tục thi công cầu Cửa Việt thành công trước những nghi ngại về địa chất, thủy văn và độ dài của cầu. Và hôm nay, tôi gặp lại nữ chuyên gia ấy trong ngày hợp long. Một mốc son đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của ngành kỹ thuật cầu đường ở nước ta, một sự kiện trọng đại trong đời sống kinh tế -xã hội của người dân Quảng Trị.
Gặp Trương Quang Thọ, Đội trưởng Đội thi công của Công ty xây dựng cầu 75 là người đã gắn bó với cầu Cửa Việt từ những ngày đầu khởi công cho đến bây giờ, Thọ bồi hồi nhớ lại: "Dẫu đã tham gia thi công nhiều cây cầu trên cả nước nhưng em thấy cầu Cửa Việt là cây cầu mang lại cho bản thân nhiều kinh nghiệm nhất.
Đó là kinh nghiệm thi công cầu nơi cửa biển, phụ thuộc vào thủy triều và đặc biệt là phải chống chọi với gió Lào Quảng Trị. Gió thổi mạnh quá gây khó khăn cho công việc vận chuyển vật tư thiết bị ra tận nơi thi công. Địa chất ở cầu Cửa Việt hầu hết là cát. Máy khoan từ đáy xuống 20 mét nhưng vẫn còn gặp cát.
Và đặc thù của cát là kết cấu rời rạc nên rất khó cho việc đóng cọc nhồi. Để hoàn thành đúng tiến độ, Công ty phải thực hiện chủ trương tăng ca, tăng kíp. Bộ phận thi công được chia làm ba ca, bốn kíp triển khai đồng loạt các hạng mục như cọc khoan nhồi trụ, đúc dầm super T1. Bình quân một cọc phải sử dụng 130 khối bê tông, 13 tấn thép.
Riêng công nghệ đúc dầm super T1, đây là công nghệ hoàn toàn mới mà từ trước đến nay ở Quảng Trị chưa hề sử dụng. Công ty cầu 75 đảm nhận việc thi công từ mố 0T1 đến mố T6 nằm ở phía bắc thuộc địa phận thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh.
Bao nhiêu khó khăn là thế nhưng em vẫn bám trụ với công việc bởi tự hào khi được tham gia chinh phục dòng sông nổi danh trong hai cuộc kháng chiến với nhiều trận đánh lịch sử...''. Tôi nhận ra từ lời bộc bạch của Thọ xen lẫn sự bùi ngùi, luyến lưu trong thời điểm sắp chia tay vùng đất này. Bình dị và giản đơn: ''Khi ta ở chỉ là nơi đất ở..."...
28/01/2025 lúc 23:02
1
- Cách đây hơn hai mươi năm, tôi dẫn bạn gái hiền thương từ Huế về thăm quê. Chiếc xe đò hiệu Rờ Nôn cũ kỹ chạy bằng than với ống khói lực lưỡng phía sau, chốc chốc lại nhả những đốm tàn lửa xuống mặt đường nhựa gồ ghề, bốc từng làn hơi nhòa mặt người đi, rát bỏng dưới nắng. Xe đương chạy bỗng khựng lại bên đường. Đây đã là Dốc Sỏi. Không thể chờ đi tiếp một thôi đường ra cầu Đông Hà, chúng tôi xuống xe. Gió Lào như những vốc lửa táp vào mặt. Bụi đỏ quấn lấy chân người. Hàng quán, nhà cửa lè tè mái tôn nhuốm một màu hồng trong vần vũ gió cát, một màu u hoài và cam chịu. Bạn buột miệng, giọng Huế lạc đi trong nắng trưa:
- Răng không có chiếc xích lô mô rứa anh?
Tôi dắt tay em qua đường, cắm cúi dọc theo những thành tà vẹc để đi ra phía Bắc, lòng bần thần với câu hỏi cắc cớ của em. Xích lô? Làm sao một phương tiện đi lại thơi thới, khoan hòa như vậy lại có chỗ "dụng võ" ở đất quê tôi? Đông Hà từ bấy đến giờ nổi tiếng với ngọn gió Lào quái ác. Gió hoành hành từ ra giêng cho đến cận kề tháng bảy "nước nhảy qua bờ", cao điểm là tháng tư, tháng năm, tháng sáu, có khi lẹm cả vào tháng tám "nắng nám trái bồng". Gió tựa bão, giật trên cấp chín, cấp mười. Trời cao xanh, gờn gợn. Nắng đưng lại, như rút hết tinh lực trên từng cánh lá, trên từng ngọn cỏ, trên từng mặt nước, nắng nung đỏ mái nhà, rang cháy ruộng đồng, ngỡ như nắng có sức nén mãnh liệt, ấn tất cả vạn vật xuống mặt đất hầm hập. Người Đông Hà thời đó, cứ mùa nam nắng lại quét sạch nhà, trải chiếu ra đất, xoải tay, xoải chân hít hà mùi hăng ngọt nồng nàn từ từng thớ đất gan gà đầm nện lâu đời mà thành nền nhà trên, nhà dưới ánh bóng mồ hôi, mòn vẹt chân người. Đường Đông Hà ngắn như những nét sổ, ai đó cao hứng phóng bút ra rồi để đó, đường nửa như ngập ngừng, nửa còn dang dở, loi thoi đèo dốc, khúc khuỷu ngã ba, ngã tư, ngã năm dẫn vào những xóm an nhiên đường đất, nước giếng, đèn dầu. Sức vóc nào dám dấn pê đan xích lô, thách thức với gió giật, đường dốc, nắng nôi, bụi bặm ngút ngàn? Lại nữa, Đông Hà hồi đấy là "cái rốn" của hàng lậu. Hàng từ Lào, Thái Lan qua sông Sê pôn, thẩm lậu vào đất Việt, trà trộn trong hàng tấn thạch cao chở từ mỏ Đồng Hến bên bạn về cửa khẩu mỗi ngày hay theo các đoàn xe quá cảnh Lào mượn đường Chín để vận chuyển hàng từ cảng Đà Nẵng qua Savanakhet. Thuốc lá Thạt Luông, Sa mít, No1, No2, đường hóa học, mỳ chính, quần bò, áo phông, áo Philakét... nườm nượp đổ về Đông Hà. Trên đất nước mình, chỉ có Đông Hà mới có một từ mang nhiều ẩn ý: "xơng lẹc". Dân "xơng lẹc" chọn việc tiêu thụ hàng lậu làm kế sinh nhai với phương thức mua bán, trao đổi chụp giật, lẹ làng.
Hàng lậu về đến Đông Hà, thương lái chất ngay lên xe Honda sáu bảy xoáy nòng hay Minxcơ "nồi đồng cối đá" và biến đi trong chớp mắt. Chở hàng lậu là chạy đua với thời gian, giành giật với mối lái, lẫn tránh cơ quan chức năng và cần đến sự tốc lực nhanh nhất có thể được, ai lại cậy nhờ đến chiếc xích lô tốc độ tám ki lô mét một giờ khi trời yên gió lặng và tương đương với người đi bộ khi gió Lào nổi cơn cuồng nộ?
2-Tôi có trong tay một trong những bản ký âm đầu tiên của bài ca:"Đông Hà- thành phố tương lai" của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca từ rất gợi: "Kìa xác xe tăng, xe là cốt thép, xi măng Đông Hà gạch ngói ta xây, xây lên tầng cao, cao mãi...". Cảm hứng bài ca chắc chắn đến với Hoàng Sông Hương khi ông đi ngang qua lô cốt nơi ngã ba dẫn lên đường Chín. Những chiếc xe tăng của Mỹ nằm đó, bất lực nghe kích thước đất đai dưới chân đang hồi sinh, vạm vỡ từng ngày.
Nhưng người nhắc đến Đông Hà với tên gọi thành phố một cách trìu mến và cảm phục đầu tiên phải là nhà báo Magali Gacxia đến từ đất nước Cu ba anh em khi anh tháp tùng Thủ tướng Phi đen-Caxtrô thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973:" Đông Hà hiện lên trong đêm tối như một đóa hoa rực rỡ...Trời đã tối, ánh sáng của thành phố phản chiếu xuống dòng Hiếu Giang. Thành phố nhộn nhịp mặc dù trời mưa phùn lấm tấm bất chợt từng lúc, người đi đường vẫn đứng lại trước người bán kem, trước hiệu sách hoặc trước phòng thông tin. Tất cả những cái đó làm cho thành phố có một nét vui tươi...". Nhà báo Mohamet Xaiđani đến từ Angiêri lại chớp lấy một khoảnh khắc nhân văn rất cảm động của người Đông Hà khi vừa gầy dựng lại cuộc sống từ đống tro tàn:" Chúng tôi chậm rãi đi vào trong thành phố đổ nát. Nhưng giữa những đống vôi gạch ngỗn ngang ấy, tôi sửng sốt nhìn thấy một người bán kem. Cửa hàng của ông ta mới sửa chữa lại, rất đông khách. Một cử chỉ hữu nghị: một người tách ra khỏi đám đông, tặng chúng tôi phần lớn những que kem anh vừa mua được..."...
28/01/2025 lúc 23:02
Đ
ó là thứ ánh sáng diệu kỳ được thắp lên trong những đêm cận kề tết cổ truyền. Dĩ nhiên, không phải điều diệu kỳ nào cũng được khởi nguyên từ những thứ cao siêu, ví như ánh lửa mà tôi sắp kể ra đây được đốt lên từ những gì bình dị nhất, nhà quê nhất, thậm chí là đã phế bỏ đi nhưng vẫn có thể sáng. Cũng nhờ đó mà tôi biết rằng, ở đời này mọi thứ dù tầm thường đến đâu cũng có thể lung linh được, con người hay vật vô tri đều vậy.
Càng về cuối năm, trời đêm càng tối hơn. Những đốm sáng lửa hắt lên và vì thế mà đêm được tỏ hơn, rạng hơn nhờ sự tương phản. Tháng chạp âm lịch mình nhằm vào tiết mùa xuân, nhưng dường như đêm tháng chạp thì vẫn còn duyên nợ với tiết mùa đông của năm cũ nên nó tối om om, chỉ cần có một ánh lửa nhỏ nào đó cháy lên thì ngay lập tức bóng đen như vỡ tan đi. Trong ký ức tôi vẫn còn nhớ tiếng trẻ con hò reo khi nhìn thấy lửa đêm tháng chạp. Thằng bạn gọi ánh lửa ấy là “mắt lửa” nhìn xuyên qua đêm. Nó nói cứ tới độ này thì Tổ tiên về ăn tết với gia đình, các Ngài khai khẩn khai canh cũng về ăn tết với làng, mắt lửa chính là mắt của hiện thân người đi trước. Trẻ con đứa nào cũng sợ ma, nhưng lại thích cái cách giải thích của thằng bạn, bởi Tổ tiên mình dù mất đi rồi nhưng không phải là ma! Và những ánh mắt lửa trở nên ấm áp hơn bao giờ hết.
1. Bắt đầu từ giữa tháng chạp, lũ trẻ chúng tôi đi tới mấy quán sửa xe đạp kiếm cái lốp và xăm xe người ta bỏ đi. Chúng tôi đem về giấu sau bụi chuối nương nhà, đến tối thì huýt sáo gọi nhau ra đồng làng. Cánh đồng những đêm hôm đó tối lắm, lúa vụ đông-xuân mới gieo hai mươi ngày nên còn thấp. Chúng tôi dắt nhau men theo những chân ruộng ra tới giữa đồng, ở đây như một thung lũng lúa nhìn bốn phía đều có nhà người dân. Cắm một chiếc cọc tre cao tầm người, chúng tôi móc chiếc lốp xe lên đó rồi châm lửa đốt. Cái lốp xe nhựa cao su cứng dai nên châm hơi khó đỏ, một lúc sau lốp bắt lửa và cháy, đến khi đó thì đố mà dập cho nó tắt được. Khi ánh lửa bắt đầu bén cháy, cả lũ trẻ nhảy nhót hò reo cháy rồi cháy rồi! Màn đêm đang đen đặc bỗng dưng lộ ra một đốm lửa phừng phừng lên, mắt lũ trẻ trong đêm cũng rói lên những niềm vui. Một đứa cầm tấm tôn sắt mỏng, đứa kia cầm cái dùi tre gõ kêu thèng thèng như chiêng. Một đứa khác lại cầm cái hộp nhựa, rồi một đứa nữa cầm cái dùi đánh vào thùng thùng như trống. Tất cả đứng trên bờ ruộng, bên kia ánh lửa cháy rực lên soi sáng những khuôn mặt trẻ thơ. Cánh đồng như thể đang vào một mùa vũ hội cuối năm. Từ trong xóm, nhà ai rim mứt gừng chuẩn bị đón tết, mùi gừng quyện đường lan ra tới tận giữa đồng; lại có nhà ai đang đánh trứng đỗ bánh thuẫn, mùi trứng thơm ngào chạy ra chơi cùng lũ trẻ con.
Lốp xe cháy lên màu lửa đẹp và lạ, ở đoạn chân lửa thì nó có màu vàng, khúc ngọn thì màu đỏ; nhìn vào cứ như lửa là đôi mắt chim công, vuốt nhọn sắc lẽm, hay là một lưỡi kiếm chém đi những xui xẻo trong năm qua. Lửa lốp xe lan nhanh nhưng cháy rất chậm, chốc sau toàn cái bánh xe đã đỏ cháy tạo thành một chiếc vòng lửa giữa đồng. Đứng xa nhìn sẽ thấy chiếc vòng này như một con mắt lửa tròn trịa, ở giữa mắt là một cái tròng đen, xung quanh lửa hắt lên thành những sợi lông mi bằng lửa.
Thằng bạn nói mình dùng lửa, dùng tiếng động của thùng của tôn, tiếng hò hét...là để đánh thức cánh đồng làng trỗi dậy, đánh thức những cây lúa đừng ngủ quên mà hãy cố gắng cho hạt vào mùa tới. Trò chơi trẻ con ấy thành ra một thứ tín ngưỡng tuổi thơ rất đẹp và ý nghĩa.
Đêm nào không có lốp xe thì chúng tôi đan những con tít bằng rơm. Ở quê, cứ xong mùa nhà ai cũng có một cái đống rơm to và cao cỡ mái nhà, rơm này dùng làm chất đốt và cho trâu bò ăn vào mùa lạnh. Trẻ con chúng tôi chạy đi rút trộm rơm (nghe đâu trong tất cả các loại trộm thì trộm rơm không có tội!), hoặc mỗi đứa tự về rút rơm nhà mình để chơi, cái kiểu “phá nhà” của người quê thì cũng chừng ấy là cùng, như Hoàng Cầm trong bài thơ “Cây tam cúc” có câu “rút trộm rơm nhà đi trải ổ”. Sau đó mấy đứa tập hợp lại và bắt đầu bện tít. Đan tít rơm cũng gần như đàn bà đan tít tóc, tức là lấy từng nắm rơm rồi bện chéo qua lại cho nó thành ra một con tít to cỡ bắp chân, dài cỡ sải tay. Tít rơm cháy lên có khác với cái lốp xe là ở chỗ khi cháy xong nó còn lại một cục than hồng bằng rơm đỏ ngòm, nhét vào đó củ khoai thì lúc sau mùi vỏ khoai cháy ngậy lên mùi thơm quê nhà, đó là lúc lấy khoai ra bóc chia nhau ăn...
28/01/2025 lúc 23:02
N
ằm im lìm phủ bụi tại miếu khai canh trong suốt ba mươi năm (năm 1945 - 1975) cũng bởi đất làng Phú Kinh (xã Hải Hòa, Hải Lăng) qua bao phen binh lửa, đạn bom từ giặc Pháp cho đến giặc Mỹ. Mười hai năm sau ngày dân làng tứ tán bởi chiến tranh quay về dọn đống gạch vỡ, dựng lại mái nhà xưa trên đất làng thì phiến gỗ lim nghìn tuổi khắc dày đặc chữ Hán cất giấu ở miếu khai canh dần bị lãng quên trong trí nhớ người làng vì lý do người làng không hiểu nội dung chữ nghĩacủa các bậc tiền nhân để lại. Tất cả chỉ được hé lộ trong một ngày đẹp trời (khoảng tháng 3 năm 1987) khi đoàn giảng viên, sinh viên Khoa sử (Trường Đại học tổng hợp Huế) trong chuyến điền dã để nghiên cứu gia phả tộc họ cũng như lịch sử hệ thống làng, xã của các tỉnh miền Trung đã vềvùng “chiêm trũng” Hải Hòa tìm thấy và tiến hành dịch thuật. Những con chữ tượng hình yên ngủ trên phiến gỗ lim được giải mã thành bản Khoán ước Phú Kinh với các quy định về phân chia ruộng đất “vĩnh nghiệp”; khuyến học, khuyến tài; giữ gìn an ninh trật tự và nếp sống văn minh được các viên chức, hương lão của làng soạn thảo cách đây hai trăm ba mươi tư năm vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến tận ngày hôm nay.
Quá tò mò trước số phận thăng trầm của bản Khoán ước thành văn có lẽ là sớm nhất miền Trung, tôi tìm về làng Phú Kinh trong tiết trời se lạnh của một ngày cuối năm để mong hiểu biết thêm về gốc rễ, nguồn cội văn hiến của một làng quê nằm cuối dòng sông Ô Lâu. Sau tuần hương dâng lên các đấng khai canh, lập làng, ông Lê Hồng, Trưởng thôn Phú Kinh dẫn tôi đến bên bảnKhoán ước được dựng trang trọng tại đình làng và cho biết: Theo những người cao tuổi trong làng thì trước năm 1945, bản Khoán ước Phú Kinh được dựng tại đình làng. Sau đó, đình làng bị bom, đạn giặc Pháp rồi giặc Mỹ tàn phá nên người làng mới mang bản Khoán ước cất giấu ở miếu khai canh của làng. Ngày đất nước thống nhất, người làng trở về làm ăn sinh sống trên đất làng và nhiều lần trùng tu, tôn tạo miếu khai canh đã nhìn thấy phiến gỗ lim dài 2,4 m, rộng 0,35m, dày 0,06m khắc đầy chữ Hán. Lúc ấy, do người làng không ai biết chữ Hán nên không hiểu nội dung ghi chép những gì. Tuy nhiên, nhiều người làng với suy nghĩ phiến gỗ ghi dày đặc chữ Hán kia chắc có ý nghĩa lịch sử gì đó có liên quan đến làng, đến xã nên họ cẩn thận cất giữ. Mãi đến năm 1987 qua bản dịch thuật toàn văn nội dung ghi trên phiến gỗ của các giảng viên Khoa sử (Trường Đại học tổng hợp Huế) thì người làng mới biết đó là bản Khoán ước do các viên chức, hương lão của làng soạn thảo vào ngày cốc nhật, thượng tuần tháng cuối mùa hạ (năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng - năm 1774). Bản dịch Khoán ước hiện đang được các giảng viên lưu trữ tại Khoa sử (Trường Đại học khoa học Huế) để phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử hình thành làng, xã. Để làm sáng tỏ lịch sử hình thành nên đất làng cũng như khơi gợi niềm tự hào của con người làng về miền đất Phú Kinh văn hiến lâu đời, năm 2002 ông cùng một số người làng đã lặn lội vào tận tỉnh Thừa Thiên Huế để in ấn rồi mang toàn văn bản Khoán ước về làng.
Nhận từ tay ông Hồng toàn văn bản Khoán ước Phú Kinh, tôi lần giở từng trang để rồi đi từ bất ngời thú vị này đến bất ngờ thú vị khác trước sự văn minh, công bằng, tình thương và lẽ phải mà các viên chức, hương lão thôn Phú Kinh hướng đến trong bối cảnh của thể kỷ XVII khi vua, chúa, quan lại không ngừng vơ vét, bóc lột của người dân lao động bằng chính sách tô thuế hà khắc để phục vụ cho lòng tham vô đáy của mình. Khoán ước Phú Kinh ghi “Làng ta ở nơi cồn nước cằn cỗi, không có vườn tược riêng chỉ nhờ vào những khẩu phần công điền để hàng năm cày cấy và chịu thuế. Thế nhưng, việc quân cấp công điền thì hai bậc viên quan, viên chức ở trên chiếm trước đến bọn dân thường hạng ba phải cam chịu bậc dưới, phải nhận phần ruộng đất đá sỏi, hoang vu nên dù có ra sức cày cấy cũng không đủ nộp thuế, thậm chí phải bán vợ, đợ con đến nỗi phải bỏ làng ra đi trở nên thất nghiệp. Cái tệ nạn không công bằng ấy, không cần phải chời đợi sự phân tích cũng thấy đủ rồi”. Để khắc phục tình trạng không công bằng trong phân chia ruộng đất và hướng đến việc người dân có được mảnh ruộng để cấy cày, chăm bón suốt đời, Khoán ước chỉ ra cách giải quyết với nhiều quy định khá chặt chẽ như “Nay viên chức làng xã họp bàn, phỏng theo phép tắc xa xưa, lấy những nơi ruộng đá sỏi chia đều cho mọi người dân lớp dưới để họ được làm chủ đời đời, cha truyền con nối, anh chết em thay, khuyên nhau cày cấy chuyên cần để số ruộng đất đá sỏi, cằn cỗi ấy trở nên ruộng tốt. Như thế thì đồng ruộng được mở rộng ra, bảo đảm thuế khóa cho nhà nước, nhân dân sẽ no đủ, việc tiêu dùng hàng ngày nhờ đó cũng dễ dàng hơn”…
Hiện tại
26°
Mưa
20/06
25° - 27°
Mưa
21/06
24° - 26°
Mưa
22/06
23° - 26°
Mưa