Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về miền "Thánh địa" của cây trà Việt Nam

D

ù đã từng nhìn thấy những cây chè ấy trên ảnh, trong phim, nhưng khi tới xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn - Yên Bái) áp tay lên  lớp địa y phủ mốc thếch trên thân cây chè cổ thụ gân guốc chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Xưa nay nói đến cây chè, ai cũng hình dung những đồi chè lúp xúp trên những bình nguyên, những chồi chè biếc non đọng  nắng rực sáng màu diệp lục, không thể tin có những cây chè cao hàng chục mét và thân rộng cả vòng tay ôm, người hái trà đứng chon von trên từng nhánh trà để hái lá như thế này…

Sổng A Nủ, chủ tịch xã Suối Giàng cẩn thận tráng ấm, cho vào một vốc trà móc câu anh ánh bạc và nói với chúng tôi: “Muốn viết về chè Suối Giàng thì phải uống trà Suối Giàng đã, mới có “cảm xúc” mà viết!”

Chiết trà ra chiếc chén nhỏ trên khay, màu nước óng vàng và hương thơm dậy ngát theo chén trà bốc khói, dù là người không sành về trà, nhưng quả thật, đến với Suối Giàng-“đệ nhất kỳ quan trà Việt” vẫn thấy trong mình lâng lâng khinh khoái như một đệ tử của trà đạo. Chủ tịch xã  Sồng A Nủ nheo mắt cười cười: “Nhìn rồi, ngửi rồi, giờ nếm thử đi…” Nhấp ngụm trà sóng sánh, một cảm giác tê đắng, chan chát  đầu lưỡi vừa lan ra đã biến thành vị ngọt rất “hậu”. Nhưng câu chuyện về hương và vị của trà Suối Giàng chúng tôi  sẽ nói thêm ở phần sau. Giờ thì chúng tôi đang đi trong miên man bạt ngàn của rừng chè cổ thụ. Đang là tháng mười miền Tây Bắc, mây trắng vẫn giăng giăng qua những đồi chè Từ độ cao trung bình 1371 mét của Suối Giàng  nhìn xuống thung lũng Nghĩa Lộ-Văn Chấn kéo dài hàng chục cây số đang ửng vàng sắc lúa, rồi nhìn lên đỉnh Chông Páo Mùa chìm trong mây, càng thấm thía cái tên Suối Giàng - miền thượng giới, bởi trong tiếng Mông, Giàng chính là Trời. Và những cây chè cổ thụ này chính là báu vật của miền trờiban tặng riêng cho Suối Giàng

Những cây chè ở “miền trời” cứ mê hoặc dẫn dụ chúng tôi đi, từ bản Giàng A đến Giàng B qua Pang Cáng, đến Tập Lăng… Hơn tám vạn cây chè cổ tập trung thành một quần thể rộng lớn chưa từng có ở bất cứ đâu. Nếu nói về những cây chè có thân to, chúng tôi đã gặp ở Sín Chải, Lao Chải, Cao Bồ… (thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Giang) nhưng tập trung quần tụ sum vầy làm nên một miền chè cổ thụ kỳ thú như thế này, có lẻ Suối Giàng là nơi duy nhất.

Đưa chúng tôi ra hội trường ủy ban xã, treo trang trọng phía góc phải của hội trường là tấm hình một cây chè “thủy tổ” với thân chè to bằng hai vòng tay ôm. Và hai người ôm cây chè trong tấm hình lịch sử này là phó thủ tướng Phạm Hùng và Bộ trưởng Bộ nội thương Nguyễn Thanh Bình chụp vào ngày 9-9-1962.

Trong tấm hình đen trắng được chụp từ gần nửa thế kỷ trước là hình ảnh một “lão trà” đại cổ thụ cao hơn 10 mét và tầm phủ tán rộng hàng chục mét vuông. Tiếc thay, khi chúng tôi đề nghị được đến thăm cây chè trong ảnh, anh Sổng A Nủ nói rằng cây chè đó đã bị chết vì mối đục thân từ mấy năm trước, và thay vì có giữ nó lại như một di tích thì chủ nhân cây chè đã bổ nó ra làm củi (!). Cây chè trong tấm hình đã bị đốn thì giờ đây người Suối Giàng vẫn có một cây chè khác để tôn làm cây chè tổ, hàng năm có lễ cúng nghiêm cẩn với thần chè, như người miền xuôi cúng “thần lúa”.

Từ cây chè tổ đến … thủy tổ cây chè

Dẫn đường cho chúng tôi vào thăm cây chè tổ của Suối Giàng là anh Giàng A Tủa, Bí thư xã Đoàn xã Suối Giàng. Phăm phăm len lỏi qua những thân chè phủ đầy địa y rêu mốc, chúng tôi dừng lại trước một cây chè với thân được hợp thành từ ba gốc, tán cây vươn dài ra hai phía, những cành chè mang dáng dấp của một bonsai khổng lồ, đẹp mê hoặc. Đây chưa phải là cây chè to nhất, bởi cây chè cổ to nhất, từng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm và chụp ảnh chung với cán bộ và nhân dân trong xã nằm ở bản Pang Cáng sau đó cũng bị chết vì  bị mối đục (và cây chè tổ này cũng đang bị mối đục (!).

Chính rừng chè shan tuyết  cổ thụ này đã mê hoặc một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu  chè của thế giới, Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ), ông M.K Djemukhatze từ những năm 60 của thế kỷ 20. Hình ảnh rừng chè cổ thụ mênh mông độc nhất vô nhị trên thế giới đã khiến ông dành nhiều tâm sức với cây chè Suối Giàng để cho ra đời một chuyên khảo công phu về chè Việt sau cả chục năm trời đi đi về với Suối Giàng. Trong sổ lưu niệm ở xã Suối Giàng còn ghi lại cảm tưởng của Djemukhatze về cây chè và vị chè kỳ diệu ở đây: “Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”. Không dừng lại ở những cảm xúc nồng nhiệt ban đầu dành cho cây chè Suối Giàng, bằng những thực nghiệm khoa học, dựa trên “thuyết tiến hóa” của nhà bác học Darwin, Djemukhatze đã có các kết quả thực nghiệm về sự hình thành và tích lũy catechin trong cây chè hoang dã ở Suối Giàng đối chiếu với các vùng chè khác trên thế giới để cho ra một kết quả bất ngờ và đầy thuyết  phục. Sơ đồ tiến hóa hóa sinh của cây chè thế giới được M.K Djemukhatze đưa ra là: Camelia> Thea wetnamica (chè Việt Nam)-> Thea fuinamica (chè Vân Nam lá to)-> The sinensis (chè Trung Quốc lá nhỏ)-> Thea assamica (chè Assam Ấn Độ).  Với chiết xuất catechin từ các mẫu chè cổ của Việt Nam (mà cụ thể là ở Suối Giàng) Viện sĩ Djemukhatze đã đề xuất tên khoa học mới cho cây chè là Thea wetnamica (chè gốc Việt Nam) thay cho tên khoa học Thea sinensis (chè gốc Trung Hoa)

Công trình khoa học về cây chè Việt của Viện sĩ M.K Djemukhatze  đã được nhà xuất bản khoa học Moscow đưa in vào năm 1976 dưới tên gọi “Cây chè ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” và đã được dịch ra tiếng Việt. Dĩ nhiên khẳng định được gốc tích Việt Nam là “khởi thủy” của cây chè thế giới sẽ chỉ thuần là một giá trị tinh thần nếu cây chè Việt hôm nay không phát huy được những yếu tố “thủy tổ” của mình, tạo ra thương hiệu lớn để thu hút hàng trăm triệu người dùng chè  trên thế giới.

Bí mật của “tuyết” và chè “5 cực”

Chị Triệu Thị Oanh, chủ nhân của một cơ ngơi bán chè và đá cảnh lớn nhất Suối Giàng đã rất ân cần mời chúng tôi ghé thăm và thưởng thức những ấm trà shan tuyết siêu hạng chỉ riêng nhà chị mới làm ra được. Và công lao sáng tạo ra chè “5 cực” chính là chồng chị, anh Lê Quang Tùng, vốn từ  một nhân viên bảo vệ của nhà máy chè Vạn Hưng, nhưng tình yêu với hai đặc sản của Suối Giàng là chè và đá cảnh, sau mấy chục năm gắn bó, nay Lê Quang Tùng xứng danh là một “đại gia” của Suối Giàng với những hiện vật “độc nhất vô nhị” như tấm phản gỗ làm từ gốc một cây gỗ ngù hương có đường kính hơn 3 mét đã có người định giá 4 tỷ đồng hay những tác phẩm từ gỗ lũa, đá cảnh… mà trị giá của nó bằng tiền luôn là một con số có… 9 chữ số. Nhưng trước hết hãy nói về loại chè làm cho mọi người khi nói đến Suối Giàng không thể không nhắc tên hai vợ chồng Oanh-Tùng .

Đó là những búp trà thay vì nhặt ra “một tôm-hai lá” như bình thường, chị chỉ chọn lấy một tôm (búp non duy nhất trên chồi cây) mà cũng không phải là loại “tôm” bình thường, đó phải là những búp chè được ngậm sương, trên bề mặt búp phủ một lớp óng ánh bạc như tuyết. Gói chè chị mang ra là những búp khô có màu vàng kiêu sa được phủ một lớp bạc, chỉ vào cái lớp bạc như nhủ trên tôm trà, chị Oanh giải thích: Cái lớp nhủ bạc phủ trên “tôm” này mới đích thị là “tuyết trà”, chè ngon hay nhiều hay ít phụ thuộc vào lớp tuyết này. Để hái cho được chè với lớp tuyết đẹp như thế này cũng là một kỳ công, không phải cứ hái là được “tuyết trà”.

Thường cây chè vùng Suối Giàng mỗi năm thu hái được ba vụ. Vụ xuân vào tầm tháng 2-3 âm lịch, đây là vụ cho chè chất lượng tuyệt hảo nhất. Chịu đựng giá buốt suốt mùa đông núi cao, rồi ngậm từng hạt sương sớm lúc giao mùa, ủ từng khối mù mây mỗi sớm, cây chè shan tuyết Suối Giàng bừng thức khi mùa xuân  tràn về, những chồi non của chè lúc này hội tụ trong nó tất cả tinh túy của trời đất thiên nhiên, sương gió, mù mưa của miền rẻo cao, búp trà mùa xuân đẹp viên mãn trong lớp tuyết bạc lấp lánh dát trên mỗi lá chè, mỗi búp chè.

Từ nguồn nguyên liệu thượng hạng này, vợ chồng chị Oanh đã thêm một lần nữa biến nó thành “siêu hạng”  để cho ra đời loại chè shan tuyết “5 cực”.

Gọi là “5 cực” bởi nó là loại chè “cực khổ”, để hái được nó là một kỳ công, bởi chỉ có thể hái nó được một vụ trong năm và mỗi vụ chỉ được hái trong vài ngày viên mãn nhất của mùa thu hoạch  thay vì hái 3-4 vụ như các loại chè khác. Người hái phải thức dậy lúc tinh mơ, trước khi ánh nắng rọi lên lá kích thích quá trình quang hợp làm tăng vị chát, mất mùi hương,  giảm chất lượng chè nó là “cực ngon bởi được tuyển lựa cực kỳ kỹ lưỡng, chỉ chọn một búp non duy nhất (gọi là 1 tôm), búp phải mẩy, căng, đậm tuyết, và gọi là “cực sạch  bởi trên độ cao gần 1400 mét, chè shan tuyết Suối Giàng không hề biết đến thế nào là thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Vẻ đẹp lão trượng dạn dày sương gió của cây chè núi cao dị ứng với tất cả những can thiệp của con người, chỉ có đất trời sương giá “miền thượng giới” nuôi búp chè bừng thức. Chưa hết, chè còn được gọi là “cực đẹp”  chính là hệ quả của một quá trình từ thu hái, chọn lựa, sao chế bởi để chế biến ra nó, vợ chồng chị Oanh có riêng một công thức sao chế  loại chè  này từ  thứ than củi bằng gỗ sến. Chỉ  với loại than này nhiệt lượng cung cấp cho quá trình sao chế đạt tới độ cần thiết để chè dậy hương. Nhìn búp chè được ủ gọn trong túi bóng đã được xử lý “chân không” búp chè dày tuyết chỉ nhìn đã mê chưa nói đến chuyện pha uống. Và chính vì cực khổ, cực ngon, cực sạch, cực đẹp nên giá nó là “cực đắt”. Giá hiện nay của một cân chè “5 cực” bán ngay tại nhà chị Oanh là 2 triệu đồng. Mà cũng không phải khi nào cũng có để bán. Chị Oanh hài hước “Người ta gọi chè này là chè “5 cực” nhưng cũng có thể gọi nó là chè… “hai không”, bởi người mua nó thường không được uống, và người uống nó lại thường không phải mất tiền mua (!).

Một “thánh địa trà”  trong mơ ước…

Suối Giàng hội đủ điều kiện để trở thành một “thánh địa” của chè cổ shan tuyết. Chỉ riêng cái khí hậu ôn đới như Đà Lạt hay Sa Pa của Suối Giàng đã khiến người ta thèm được đắm mình trong cái không gian bốn mùa mỗi ngày như thế này rồi. Cứ tưởng tượng con đường từ Văn Chấn lên Suối Giàng quanh co với mây núi bao bọc, ẩn sau một khúc cua là bất ngờ một quán trà hiện ra với những sơn nữ sao chè theo cách thủ công rồi mời khách thưởng thức cái hương vị riêng có của cây chè nơi miền Trời đã đủ cho lòng hưng phấn. Huống nữa, quanh những khu đồi miên man bóng chè kia, xen lẫn là dáng những vạt pơ mu dáng trầm mặc mà kiêu hãnh.

Không cần chi những biệt thự hoa lệ, hãy làm những ngôi nhà lợp bằng gỗ pơ mu như người Mông bao thế kỷ nay vẫn quần tụ dưới chân đỉnh núi Chông Páo Mùa. Đó là những nếp nhà thơm sực mùi nhựa pơ mu và tấm “ngói” bằng gỗ pơ mu ấy biết cong lên dưới ánh nắng trưa cho những tia nắng lọt vào nhà,  soi “những hạt bụi thành hạt vàng” như ý một câu thơ. Và khi mưa xuống, mái gỗ ấy biết khép lại úp khít lên che những hạt mưa xiên khoai.

Giữa rừng chè cổ thụ đẹp như những bon- sai qua hàng bao thế kỷ ấy, trong những nếp nhà thơm mùi nhựa pơ mu và hương hoa chè dịu ngọt, du khách bên bếp lửa tự tay pha ấm trà với những búp móc câu phủ lớp tuyết óng ánh bạc, nhìn qua cửa sổ mây đang giăng màn trên đỉnh núi hay phóng tầm mắt qua lan can hiên nhà sàn để thấy cánh đồng Nghĩa Lộ - Văn Chấn huyền ảo trong sương sớm, hẳn không một du khách nào không cảm giác Suối Giàng chính là “miền Trời” nơi hạ giới.

Có dịp đi ra xứ người, ghé thăm những làng trà của người ta đưa vào khai thác du lịch, mới biết chúng ta hơn hẳn về cảnh sắc, hơn hẳn vị trà, và những gốc chè cổ thụ qua bao thế kỷ như Suối Giàng thì xứ người không làm sao có được, vậy mà người ta vẫn khiến hàng triệu du khách ghé đến mỗi năm.

Chúng tôi đã ngồi rất lâu trong gian bếp của nhà Giàng A Tủa ở Suối Giàng, nhìn hai chị em Vàng Thị Mỉ và Vàng Thị Lẩu sao chè trên chiếc chảo gang theo cách thủ công hàng trăm năm qua của người Mông. Những lá chè tươi dưới sức nóng của chiếc chảo được khô se lại, tỏa thứ  hương thơm tạo cảm giác vô cùng khinh khoái. Chợt nhớ ra cái mẩu quảng cáo của một nhãn hiệu máy điều hòa không khí bán rất chạy, cái máy ấy bán chạy  là nhờ được trang bị màng lọc Catechin trà xanh (Green Tea Catechin Filter) có chức năng cải thiện chất lượng không khí và ngăn chặn sự phát tán vi khuẩn và vi rút .

Cả Suối Giàng là một điều hòa nhiệt độ thiên nhiên khổng lồ với cái màng lọc “Green Tea Catechin Filter” tuyệt  hảo. Và giấc mơ một thánh địa trà Việt chắc sẽ là hiện thực không xa xôi ở miền đất được coi là Thủy tổ cây trà thế giới này!

L.Đ.D

 

 
 
LÊ ĐỨC DỤC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 209 tháng 02/2012

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

27/04/2024 lúc 05:02

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground