T |
hiếu tá Quang cúi xuống phì phò thổi lửa, mấy hôm nay trời rét và mưa lăn phăn nên củi không được đượm cho lắm. Vất vả một hồi, người lính biên phòng cũng chế biến xong bữa trưa từ mười lon gạo và một cân thịt lợn. Cách đó không xa, hơn chục bà con đồng bào Pa Cô người chặt tre, người đóng cọc. Đã sắp hết mùa đông, mọi người phải tranh thủ làm hàng rào để ít hôm trời nắng lên là lùa trâu, bò, dê lên khu “nhà mới”. Tiếng cười nói rộn ràng xua tan đi cái mệt nhọc, vất vả. Từ sáng sớm nay, bà con đã tập hợp lại theo sự phân công từ trước để bắt tay vào việc dựng chuồng trại cho đàn gia súc.
Bữa trưa được dọn ra, mọi người ăn vội rồi làm việc cho đến chiều. Mùa đông ở Cửa khẩu La Lay khá lạnh, trời cứ tầm năm giờ chiều là đã tối nên công việc kết thúc sớm. “Thế là đã hoàn thành kế hoạch, ngày mai mọi người đi sớm để đồng chí Quang hướng dẫn làm chuồng trại nữa là xong. Tết sắp đến rồi, làm nhanh để còn sửa sang lại nhà cửa mà đón năm mới nữa chứ” - già Xơi, tổ phó tổ chăn nuôi ở bản La Lay - nói.
Mười lon gạo, một cân thịt “đổi” trang trại chăn nuôi
Tôi dạo một vòng quanh bản La Lay, xã A Ngo, huyện Đak Rông cùng Thiếu tá Trần Ngọc Quang đang công tác tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu La Lay. Những lần công tác ở miền núi có đồng bào thiểu số sinh sống, hình ảnh trâu, bò, dê “lang thang” dưới sàn nhà hoặc chạy rông và “thả bom” mọi chỗ chẳng mấy lạ lẫm. Nhưng ở bản La Lay này, chẳng có bóng dáng của gia súc. Bản làng như thanh vắng sạch sẽ hơn, mùi xú uế cũng không còn. Trẻ con cùng nhau nô đùa, chơi đuổi bắt, trốn tìm, phụ nữ giã gạo, người già ngồi trên hiên nhà ngậm tẩu thuốc trò chuyện… không khí tết đang tràn ngập bản làng.
Ở đây bà con không chăn nuôi hả anh? - tôi thắc mắc. Anh Hồ Văn Reo, người đồng bào Pa Cô cười cười: “Nhà mô cũng có nuôi bò hoặc dê, trâu cũng có nhưng ít hơn”. Cách đây mấy năm, anh Reo là hộ nghèo vì gia đình đông con và không có đất sản xuất, chỉ trông chờ vào vụ lúa rẫy, còn lại là sắn khoai qua mùa. Con cái không được đi học, cả mấy đứa nheo nhóc suốt ngày ở suối xúc cá. Cả nhà gồng gánh lên làm việc thì cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Sau khi được tiếp cận đồng vốn vay dành cho hộ nghèo, anh Reo đã mua ba con bò về nuôi. Đến bây giờ anh đã trả hết nợ, thoát hộ nghèo và còn lãi cả một đàn bò “nhỏ”. Nói rồi anh Reo chỉ vào ngôi nhà sàn chắc chắn như minh chứng cho thành quả gia đình đã đạt được - “Mấy đứa nhỏ giờ đã đi học rồi và còn ham học lắm, con cái có chữ rồi, sau này nó sẽ không vất vả như mình nữa”.
Mấy chiếc xe gắn máy đỗ xịch trước cổng nhà già làng, anh Quang cũng hớn hở với bao thức ăn vừa mua từ “chợ di động”. “Bữa nay bà con không “chăn” nữa, nhưng nuôi thì nhiều. Và chăn nuôi gia súc có thể được xem là “chìa khóa” thoát nghèo của nhiều hộ gia đình. Trên kia là khu trang trại nuôi tập trung của bà con đó”. Sau khi nhiều gia đình thoát nghèo bằng cách vay vốn để mua bò, dê chăn nuôi. Số gia súc ở bản La Lay tăng lên đáng kể. Từ đó nguồn thức ăn có sẵn bắt đầu cạn kiệt, thời gian trông nom lại không có nên đàn gia súc đôi khi lại đi lạc vào đất sản xuất của bà con kiếm ăn . Nhiều vụ việc hàng xóm tranh chấp, xảy ra xô xát chỉ vì chuyện trâu bò vào phá nương bắp, lúa rẫy, vậy là thiệt cả đôi đường, cả kinh tế lẫn tình làng nghĩa xóm. Gia súc đi lại nghênh ngang giữa đường QL14 làm xe cộ lưu thông gặp khó khăn. “Vì thế chúng tôi quyết định hướng dẫn bà con lập khu trang trại chăn nuôi này, vừa dễ quản lý lại khắc phục được tình trạng hiện nay” - anh Quang cho biết. “Chỉ một buổi vận động bà con đều đồng tình, lại còn hăng hái góp công góp sức”.
Trang trại chăn nuôi cách bản La Lay chưa đến 5km, do đã được khảo sát kỹ nên có địa thế thuận lợi. Bao quanh là những đồng cỏ tươi tốt, giữa trang trại có một khoảnh rừng rậm là những cây dẻ có tán lá để gia súc tránh nắng nóng, mưa rét. Anh Quang nhặt nhạnh một bó củi khô, nhen lửa nấu mười lon gạo đem theo. Một bó rau rớng được hái ở bờ suối cũng được chế biến với một cân thịt lợn mua ở chợ di động lúc nãy. Anh kể rằng sau khi đem gia súc lên đây nuôi thử, thấy quá hiệu quả nên bàn bạc với bản dồn tất cả lên đây thành lập khu trang trại. Ban đầu chẳng mấy ai tin tưởng, nhưng khi dẫn cả bản lên thăm thì mọi người có vẻ “xuôi xuôi”. Thế là thanh niên trai tráng trong bản được huy động để làm san lấp hố sâu ở mảnh đất được chọn làm trang trại. Sau đó những gia đình có gia súc tập trung lại để làm hàng rào. Động viên bà con, anh Quang đã tự nguyện đóng góp “một cân thịt lợn, mười lon gạo” và “tài nghệ” nấu nướng của bộ đội để phục vụ bà con trong những lần đan hàng rào ở khu chăn nuôi. Bữa ăn diễn ra trong không khí đầm ấm và vui vẻ giữa không gian là núi rừng Trường Sơn rộng lớn. Rồi mai đây nơi đây sẽ là một trọng điểm phát triển kinh tế khi đề án nâng cấp Cửa khẩu Quốc gia La Lay thành Cửa khẩu Quốc tế đã được phê duyệt, rất nhiều tiềm năng và cơ hội sẽ đến với người dân nơi đây - rất nhiều người đã mơ đến như vậy.
Thấy anh biên phòng quá nhiệt tình và “thiệt bụng”, cả bản mới tin tưởng và làm theo sự hướng dẫn của anh. Già Hồ Văn Xơi - tổ phó tổ chăn nuôi ở khu trang trại vui vẻ: “Đưa trâu bò, dê lên đây cũng thuận lợi, cỏ nhiều nên con nào cũng no căng. Lỡ dịch bệnh thì có bộ đội giúp. Hàng rào rất chắc chắn và cắt cử người trông coi nên cũng không lo bị mất. Thấy rất hiệu quả và lâu lâu lại có mười lon gạo và một cân thịt lợn của bộ đội, chúng tôi thấy ấm lòng lắm”. Mọi người cùng cười ồ lên, tinh thần lại phấn chấn. Người với tay lấy cây rựa, người cầm lấy cọc tre cùng tiến ra phía hàng rào đang làm dở.
Mười một bóng điện và chuyện “thắp” niềm tin
Bản Lay Lay có năm mươi tư hộ dân, trong đó chỉ có ba hộ người Kinh, còn lại là đồng bào Pa Cô. Đứng chân trên địa bàn, ngoài bảo đảm công tác an ninh quốc phòng, đồn biên phòng ở đây đã thực hiện việc đỡ đầu cho hai trăm bảy mươi chín nhân khẩu ở năm mươi tư hộ dân này.
Thượng tá Đào Văn Cừ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu La Lay cho biết: “Chúng tôi đã giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Xây dựng nhà đại đoàn kết và thường xuyên tặng quà, giúp đỡ những gia đình khó khăn để góp phần xây dựng nông thôn mới. Hiện tại thôn La Lay là điểm sáng của xã, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này đến những thôn khác”.
Bản báo cáo ấn tượng nhất của thôn La Lay là một trăm phầm trăm con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Tỉ lệ học sinh khá cũng rất cao, bên cạnh đó không có học sinh nào bỏ học và tảo hôn. Người dân ở bản La Lay ngoài chăn nuôi, còn trồng rừng. Mỗi gia đình ở đây đều có ít nhất một hecta rừng tràm hoặc bời lời. Chuối, sắn thì thu hoạch theo mùa vụ. Đất đai ở đây phù hợp với giống ngô lai, vừa cho năng suất cao lại vừa được giá nên những năm vừa rồi người dân chuyển sang trồng chuyên canh. Bản còn đào được ba mươi ao thả các nước ngọt các loại, đem lại thu nhập khá. Như gia đình anh Reo nuôi ba con bò, năm con dê, một hồ cá nước ngọt, hai hecta rừng trồng, một hecta sắn và chuối. Vụ mùa vừa rồi bán được hơn sáu tấn ngô nữa nên anh Reo mừng rõ mặt. Ngoài ra còn có hộ anh Hồ Văn Long, Hồ Văn Ngành, Hồ Văn Rới… cũng sở hữu số tài sản tương tự. Điều đáng nói là chỉ cách đây mấy năm, những hộ này đều thuộc dạng nghèo “rớt mùng tơi” ở bản.
Không chỉ giúp đỡ cho người dân trên địa bàn đóng quân, Đồn biên phòng Cửa khẩu La Lay còn “xuất ngoại” đỡ đầu cho bốn hộ gia đình ở bản La Lay Lào (Salavan - Lào). Theo biên bản đã được ký kết, những hộ gia đình bên kia biên giới sẽ được hỗ trợ lương thực, được hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi. Người dân ở bản La Lay cũng thường xuyên hỗ trợ gạo và cây giống các loại cho người dân ở bản La Lay Lào. Những việc làm tình nghĩa này đã thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa cư dân hai bên biên giới. Từ đó tình hình an ninh trật tự cũng ổn định hơn. Ông Kôn Thương - bí thư chi bộ thôn vẫn thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện về tình nghĩa Việt - Lào bền vững ruột thịt.
Chuyện xưa không bàn tới, nhưng chuyện gần đây thì ai vẫn còn nhớ. Năm 2008 bản La Lay Việt hỗ trợ cho bản bạn hai ngàn giống cây tràm, một ngàn cây ăn quả các loại như cam, quýt, bưởi, các cây trồng lương thực như sắn, lúa, ngô lai… giúp họ trồng thí điểm, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc. Ngoài ra khi giúp bạn xây dựng trường học, bản còn giúp thêm năm tạ gạo, một tạ muối, một ngàn cuốn sách vở, một ngàn cây bút. Tuy rằng giá trị không thật lớn nhưng nó chứa đựng tấm lòng chân tình, bởi bản La Lay Việt vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Hay như năm 2009, huyện Tù Muồi (Lào) bị tàn phá bởi cơn bão số 9, huyện Đakrông đã gửi mười lăm tấn gạo hỗ trợ nước bạn. Lúc này cầu tràn A Ngo bị ngập nên đoàn cứu trợ không thể nào sang đến bờ bên này, cán bộ đồn cùng nhân dân bản La Lay Việt tìm cách vượt sông để chuyển số gạo trên đến nước bạn kịp thời, trong đó bản La Lay Lào được nhận năm tấn”.
Nhắc đến sự việc này, ông Kôn Thương hồ hởi: “Sau cơn bão, dân bản mình đã sang bản bạn góp hai mươi ngày công, cùng họ làm mới hai bảy ngôi nhà đã bị sập hoàn toàn trong cơn bão, ngoài ra còn sửa chữa nhiều ngôi nhà khác”. Những việc như vậy, nghĩ đến ai cũng ấm lòng. Lá lành đùm lá rách đã là truyền thống ngàn đời của dân tộc, huống chi Việt Lào anh em đã cùng kề vai sát cánh cả trên mặt trận đánh giặc ngoại xâm cũng như diệt giặt đói, giặc dốt…
Hoàng Phú - chiến sĩ ở Đồn biên phòng Cửa khẩu La Lay xúc từng xẻng cơm thừa làm thức ăn cho lợn. Ở đây không chỉ nuôi được lợn bạch mà còn nuôi cả một đàn lợn rừng. “Chúng ăn rất khỏe, lại chống chịu được thời tiết khắc nghiệt ở vùng biên nên đàn lợn sinh sôi rất nhanh. Em được phân công nhiệm vụ vỗ béo cho đàn lợn để đến dịp Tết sẽ làm thịt chia cho bà con” - Phú giải thích. Đã thành một thông lệ, cứ đến hai mươi tám hoặc hai mươi chín của tháng 12 âm lịch, đồn biên phòng sẽ tặng cho bản La Lay 200kg thịt lợn, 2000kg gạo nếp. Bà con sẽ phân phát theo từng nhân khẩu. Rồi gạo nếp sẽ gói thành bánh chưng có nhân là thịt lợn để đãi khách vào dịp năm mới. “Đây là một món quà ý nghĩa, là tình cảm chân thành của bộ đội dành cho bản làng” - già Xơi cảm động. Rồi già nói thêm: “Bây giờ cuộc sống đã khấm khá, nên sẽ không để bà con dân bản phụ thuộc nhiều vào bộ đội nữa. Tết năm nay, già sẽ thịt hai con lợn “tạ” để đón tiếp khách bản La Lay Lào và bộ đội. Vụ bắp vừa rồi trúng đậm, lại mới khai thác rừng nên năm nay ăn Tết to. Bộ đội không phải lo nhiều cho chúng tôi nữa”.
Màn đêm ở khu cửa khẩu kéo đến nhanh chóng, xong một ngày vất vả trên khu trang trại nhưng mọi người vẫn tập trung ở nhà trưởng thôn để họp chi bộ, chuẩn bị kết nạp đảng viên cho một số đồng chí. Bên bóng đèn nê ông chiếu sáng, lũ trẻ được một chiến sĩ biên phòng hướng dẫn những điệu nhảy híp hóp sôi động. Dọc tuyến đường của bản La Lay sáng trưng vì có mười một bóng đèn điện, chẳng khác một thôn nông thôn mới là bao nhiêu cả. “Có đèn chiếu sáng, bước chân ra đường không sợ đạp phải bùn đất bẩn, cái chân sạch thì sang thăm nhà cô hàng xóm cũng mạnh dạn hơn hẳn” - một thanh niên nói nửa đùa nửa thật.
Ở nơi xa xôi và chỉ cách đây ít năm vốn nghèo khó là vậy, nhưng bây giờ “văn minh” đã chiếu sáng khắp nẻo. “Những cột điện đường là của bộ đội dành tặng khi nhận đỡ đầu bản mình đó. Kể từ lúc bộ đội vào, cuộc sống nghèo khó ở đây đã được cởi trói. Thế nên đồng bào mình càng vững tin vào Đảng, vào Nhà nước” - anh Hồ Văn Hưm, đoàn viên ưu tú chuẩn bị được kết nạp vào hàng ngũ Đảng - nói vậy.
L.H.T