Khi nhắc đến thời Lý - Trần, người ta nghĩ ngay đến một quốc gia Phật giáo, bởi Phật giáo đã thể nhập toàn diện vào đời sống con người, xã hội và dân tộc ta thời ấy. Nhờ tôn giáo này mà dân tộc ta có được sự hội tụ của lòng dân trong việc dựng nước và giữ nước để làm nên 3 cuộc kháng chiến đại thắng Nguyên - Mông vĩ đại. Nhìn lại lịch sử thời Trần, chúng ta càng thấy vị trí và vai trò không nhỏ của đạo Phật trong việc giữ nước và an dân. Trong đó, nổi lên vị trí của một người đặc biệt: Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua hóa Phật giữa đời thường. Vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc và là vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngai vàng để đi tu và đắc đạo, thống nhất Phật giáo Việt Nam bấy giờ, hình thành tổ chức giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Việt Nam.

 

Theo Nghị quyết của Hội đồng Trị sự, ngày tưởng niệm vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn hằng năm cũng là ngày Trung ương Giáo hội chọn làm ngày giỗ chung của Phật giáo Việt Nam. Tưởng nhớ công lao của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Khu tưởng niệm Ngài được xây dựng nhiều tỉnh, thành trong cả nước để tưởng nhớ và tri ân.

 

Không lĩnh vực nào mà Ngài không tỏa sáng - đó là nhận xét và đánh giá của các học giả và các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực phát biểu như vậy về sự nghiệp Ngài để lại cho đời và đạo. Ngài sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (1258) là con trưởng của Trần Thánh Tông và lên ngôi Hoàng đế năm 21 tuổi. Khi giặc Nguyên - Mông xâm lăng xứ sở, Trần Nhân Tông hai phen cầm binh ra trận cùng với Trần Hưng Đạo dẹp giặc giữ nước và cả hai lần đều chiến thắng rực rỡ (1285 - 1288). Bằng phép ngoại giao mềm dẻo, Ngài đã đem về cho đất nước Đại Việt 2 châu Ô, Lý ngàn dặm.

Tuy ở địa vị ngôi vua nhưng Ngài luôn để tâm vào việc tu tập. Năm Quý Tỵ 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, còn Ngài lên làm Thái Thượng Hoàng. Ở địa vị này 6 năm, Ngài dạy bảo con cháu và sắp xếp việc xuất gia. Ngài là vị Tổ sư thứ 34 của dòng Thiền Tông và là vị Tổ sư Thiền Tông đời thứ nhất của Việt Nam.

Con đường hướng đạo của đức vua Trần Nhân Tông là một hành trình kiên trì, quyết liệt để trở lại với chính mình, tức là quay lại bản thể uyên nguyên, quay lại với tự tánh của chính mình (trong nhà Thiền gọi là “Bản Lai Diện Mục”, là “Chân Như”, là “Tánh Phật”, là “Đạt đạo”). Khi đã đạt đạo rồi, thì mỗi hành động trong đời sống bình thường của con người từ ăn, ngủ, đi, đứng, nằm, ngồi cho đến hái rau, nấu cơm, gánh nước đều tỏa sáng ánh giác ngộ, giải thoát, cho nên chân lý mà Ngài thường xuyên nhắc nhở là không phải đi đâu tìm chân lý, không phải đi đâu tìm Phật, chân lý nằm ngay trong ta, ngay trong lòng cuộc sống này. Phiền não cũng là “Bồ Đề”, “Ta bà khổ lắm là nơi thành Phật”, khi tâm mình vô trụ, vô cầu, vô tâm mà luôn hằng biết thì ngay đó Phật hiện tiền.

 
 

Ngài dạy: “Điều cơ bản trọng yếu của con người ở trên đời này là phải giải quyết ổn thỏa chuyện “Cư trần” rồi mới nói đến chuyện cao xa, mới an lạc được”, không viễn vong xa rời thực tế “Bụt ở trong nhà chẳng phải tìm xa, nhân thiếu gốc nên ta tìm Bụt. Biết đến nay Bụt chính là ta”. Bài “Cư Trần Lạc Đạo” của Ngài là một tác phẩm lung linh của một người ngộ đạo Thiền thâm sâu.

Ở đời vui đạo cũng tùy duyên.
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm.
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.

Người đạt đạo rồi thấy cái gì cũng là Thiền, cũng trí tuệ, còn người thế gian thì nhìn cái gì cũng tình cảm, buồn, vui, dính mắc. Có người đói không chịu ăn, mệt không chịu ngủ vì họ không biết tùy duyên. Như người quen ăn có tiêu có ớt, hôm nào thiếu tiêu ớt thì không chịu ăn. Đàn ông quen bữa cơm phải có ly rượu, hôm nào thiếu cũng ăn không được. Đó là không biết tùy duyên. Nói xa hơn nữa, đối với tất cả hoàn cảnh xảy đến với mình, chúng ta linh động sống không lo âu sầu muộn, đó là tùy duyên. Nếu cảnh đến mình buồn, phải nghĩ, phải lo sợ, đó là chưa biết tùy duyên. Chúng ta mệt có dễ ngủ không? Mệt mà chuyện gì hôm qua chưa giải quyết xong, nằm lăn qua trở lại không chịu ngủ. Đó là không biết tùy duyên.

“Trong nhà có của báu đừng tìm kiếm ở đâu”. Chúng ta sẵn có Tánh giác nơi mình, Tánh giác đó là Phật. Đừng tìm Phật ở trên trời trên mây, trên non trên núi, mà phải quay lại tìm nơi mình, nên Ngài nói trong nhà có báu thôi tìm kiếm.

Chúng ta muốn tu Thiền phải làm sao? Sáu căn đối với sáu trần không vướng mắc, đó là Thiền rồi. Có vướng mắc là có chạy theo. Bây giờ đối cảnh thấy đẹp cũng không dính, thấy xấu cũng không bực bội, không thấy đúng, không thấy sai..... không thấy hai bên, đó là đang Thiền. Như vậy Thiền rất là đơn giản. Khi nào “Vọng căn nhiều lúc đã tầm. Tham lam, sân hận, si lầm giang ra”, thì Tánh Phật, Chơn Như Phật Tánh hiện tiền. Khi đó những cảnh vật mà ta tiếp xúc vừa nên thơ, vừa thiền vị, vừa trùm khắp. Khi người tu Thiền nhận ra Chân Tánh của mình rồi thì chẳng còn cần gì khác nữa, nên nói Thiền Tông là Tâm Tông. Quá trình đi đến đạt đạo, Ngài dạy chúng ta phải biết buông xả những niệm, những vọng tưởng thế gian, phải buông, dừng, thôi, dứt tham đắm, phải quấy, hơn thua, thị phi nơi trần thế này. Phải thấy rõ “vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả”, tức là thấy mình không thật, thấy người không thật, thấy chúng sanh không thật thì mới đi đến chỗ bình đẳng, không còn chấp là mình hơn, người thua thì sẽ đạt được tâm thanh tịnh trong sáng, trí tuệ vô sư trí hiện bày.

Ngài khuyên: “Đừng cõng Phật đi tìm Phật”, cũng “Đừng cưỡi trâu đi tìm trâu”, mà phải quay lại tìm ông Phật nơi chính mình, không chấp ngã, hàng ngày sống với Tánh Phật Chân Thật của mình, sống trong trần thế, mà chẳng quan tâm đến chuyện đổi thay, hay dở mặc nó không màng tới, luôn luôn an vui để rồi học theo chư Phật để được viên thành đạo quả. Thân này chẳng quản, bữa đói, bữa no, ăn ngon ăn dở cũng không sao, nó muốn sao mặc nó, mặc tình cho nó đổi thay, nó còn cũng tốt mà nó tan cũng xong, không bận tâm lo buồn, đó là chỗ ngộ thâm sâu của người học thiền thành tựu. Cái thân tứ đại còn hay mất không quan trọng, việc quan trọng của người tu Thiền là nhận ra được pháp thân thường trụ, rõ ràng ngay trước mắt mà bao la khắp vũ trụ. Thành đạo rồi Ngài tùy duyên làm lợi ích cho chúng sanh, đi giáo hóa trong cả nước, khuyên dạy người dân tu tập.

 
 

Trong quá trình tìm hiểu về Phật hoàng Trần Nhân Tông, tôi vô cùng thú vị khi đọc được quyển sách “Đức vua Trần Nhân Tông dạy con cách giữ nước, tín ngưỡng, công thức giải thoát và sự thật nơi trái đất này” của soạn giả Nguyễn Nhân (NXB Hồng Đức ấn hành năm 2017) có rất nhiều điều bổ ích giúp chúng ta hình dung và hiểu được phần nào lịch sử nước nhà (cách đây trên 700 năm); đặc biệt là hiểu về trí tuệ, tầm vóc của Ngài. Ngài dạy: Người dân Việt biết đáp đền/ Những lời Phật dạy đừng quên trong lòng/ Phổ đi khắp núi, khắp sông/ Cho người duyên lớn cầu mong pháp Thiền/ Người nhận được hết đảo điên/ Biết cách tu Thiền của Phật Thích Ca. Ngài đi khắp đất nước khuyên người dân dẹp bỏ hủ tục mê tín dị đoan, những miếu thờ mê tín. Ngày lễ truyền ngôi vua cho con trai Trần Anh Tông, Ngài đã mời đầy đủ bá quan văn võ, người cao tuổi, công dân ưu tú, các vị hoàng tộc trong triều đình, trực tiếp trả lời giải thích mọi câu hỏi của thần dân và của con trai. Ngài dạy con cách giữ nước, sự thật nơi trái đất này và công thức giải thoát một cách mạch lạc và khoa học thấu lý, thấu đậm vị đạo của một bậc quân vương anh minh đã giác ngộ.

- Này Thái tử Trần Anh Tông, hôm nay là buổi lễ phụ vương truyền ngôi vua lại cho con để lãnh đạo nước Việt Nam thân thương này, phụ vương dạy con 2 phần như sau: Một là cách giữ nước. Hai là cách cai quản việc thờ phượng trong nước.

Phần một: Bảo vệ Tổ quốc, con phải hiểu thấu triệt và nghiêm chỉnh thực hiện 6 điều như sau:

- Một: Con phải hiểu nước Việt Nam thân yêu của chúng ta là một quốc gia có đa sắc tộc do tổ tiên lưu truyền lại.

- Hai: Cá nhân con là một vị vua, con phải công minh, chính trực và thương dân như con.

- Ba: Viên chức làm việc trong triều cũng như các địa phương, con phải tổ chức thi tuyển, chọn ra những người có tài có đức để phục vụ nhân dân. Tuyệt đối không đem người thân mà không có tài đức gì vào bộ máy chính quyền làm việc.

- Bốn: Những người gian dối, tham lam, con không thu nhận làm việc trong bộ máy chính quyền.

- Năm: Toàn dân ai cũng bình đẳng như nhau.

- Sáu: Hạnh phúc của mỗi công dân, tuyệt đối con và những quan chức phải tôn trọng.

Trên đây là 6 điều con phải thực hiện cho đúng.

Phần hai: Phần tín ngưỡng trong Nhân dân, con chỉ công nhận những chính tín, còn mê tín dị đoan con phải ra lệnh dẹp bỏ. Vì sao vậy? Vì mê tín dị đoan là nguồn gốc đưa quốc gia đến chỗ nguy vong. Phần nhiều, những nước lớn họ sử dụng tín ngưỡng đi trước, sau đó mới đem quân đội thôn tính sau, nên họ thành công rất dễ dàng.

Đức vua dạy Thái tử Trần Anh Tông:

- Con muốn quốc gia cường thịnh và yên ổn thì con phải dạy Nhân dân như sau:

+ Một: Quốc gia mất thì nhà phải tan!

+ Hai: Không tủi nhục nào bằng dân mất nước!

+ Ba: Phải làm nô lệ cho người cướp nước mình!

Trên đây là 3 căn bản tủi nhục của người bị mất nước. Một vị cầm quân giỏi thì phải hiểu rõ 4 phần:

+ Một: Hiểu rõ chiến thuật của đối phương.

+ Hai: Hiểu rõ quân số của đối phương.

+ Ba: Hiểu rõ lương thực của kẻ xâm lăng nuôi số binh sĩ của họ được bao nhiêu ngày?

+ Bốn: Con phải dạy cho toàn quân, toàn dân thuật đánh quân xâm lược như sau: Khi đối mặt với quân thù, tâm phải kiên cường và không sợ. Đừng vội tấn công. Vì sao vậy? Vì quân thù khi đưa quân xâm lược nước ta, ban đầu họ rất hung hăng. Cứ để cho họ hung hăng bước vào nước ta đi. Khi họ mệt mỏi, thì con ra lệnh tấn công và khóa chặt biên giới lại, không cho quân tiếp viện cũng như rút lui. Con phải nhớ một điều là, khi bọn họ bị thua chạy về nước của họ, con đừng đuổi theo, còn người bị con bắt là tù binh, con phải đối đãi tử tế với họ. Chính lòng bao dung này, mà họ kính nể vua, dân nước ta. Nếu quân thù quá mạnh, con phải sử dụng “Tiêu thổ”, không cho bọn họ ở trong nhà mình, còn tất cả những gì ăn được, uống được, thì phải chôn giấu hết. Khi bọn họ hết lương thực rồi, thì con ra lệnh đánh nhanh, đánh chắc và quyết thắng. Khi kẻ xâm lược vào nước ta rồi, tức khắc con phải sử dụng một đội quân tinh nhuệ khóa cửa biên giới lại, không cho tiếp viện hay tháo lui. Đây là thuật nhốt quân trong chiến trận.

Một dân tộc có một ông vua như thế thì dân tộc ấy đâu phải thường. Ngài đã báo trước sứ mệnh cao cả của dân tộc Việt Nam sẽ được đón nhận Mạch Nguồn Thiền Tông và tại đây được chính thức công bố Huyền ký của Đức Phật để bùng phát đi khắp năm châu bốn biển. Công Đức của Ngài đối với dân tộc, đối với người con đất Việt thật lớn lao. Ngài an nhiên tự tại sống với Tánh Phật của Ngài và biết trước ngày giờ ra đi. Giờ Tý, ngày 1/11/1308 tại Am Ngọa Vân Yên Tử, bầu trời đêm đầy sao sáng, Ngài vén màn cửa sổ và nói: "Đến giờ ta đi". Thị giả Bảo Sát bảo Ngài: "Tôn Đức đến chỗ nào?".

Ngài nói bài kệ: “Tất cả pháp chẳng sanh/ Tất cả pháp chẳng diệt/ Nếu hay hiểu như thế/ Chư Phật liền hiện tiền/ Nào có đến có đi”.

 
 

…Ngày nay, chính tiếng chuông chùa, lời mẹ ru, tiếng niệm Phật, sinh hoạt gia đình Phật tử, thói quen ăn chay hàng ngày... là mảnh đất thân thiện nẩy sinh tình cảm, bồi bổ niềm tin và hi vọng cho giới trẻ. Giáo sư Cao Huy Thuần khi đề cập về đạo Phật thời Lý - Trần trong bài: “Hãy bay với hai cánh vào hiện đại” (Nhân tuần Văn hóa Phật giáo 2012 tại Nghệ An), đã nói với giới trẻ như thế này: “Chẳng lẽ đạo Phật trí tuệ đã bay cả rồi qua bên Tây? Chẳng lẽ Tây phương thừa hưởng hết tinh túy của Phật giáo? May thay chúng ta rất giàu lòng tin, nhưng buồn thay, lắm khi, lắm nơi vẫn còn mê tín, đó không phải là đạo Phật. Không, nhất thiết ta không để gãy đôi cánh trí tuệ của con đại bàng Lý Trần. Nhất quyết ta củng cố lòng tin chân chính”.

“Phật giáo là tôn giáo duy nhất thích ứng với khoa học hiện đại” - Nhà bác học vĩ đại Einstein đã phát biểu như vậy. Tây phương ngưỡng mộ kinh Kâlâma khi Phật dạy: Đừng vội tin một điều gì dù điều đó được ghi trong kinh điển hay sách vở. Hãy quan sát, suy tư, thể nghiệm, thực chứng rồi mới tin. Tinh thần đó xuyên suốt kinh kệ Phật giáo. Người trí thức Tây phương thấy tinh thần đó hợp với khoa học, hợp với đầu óc phê phán. Với tầm nhìn viên dung cả đời và đạo của Trần Nhân Tông, đến nay chúng ta nhìn lại vẫn còn nguyên giá trị.

 
Thực hiện: Công Đức • Hình ảnh: M.Trí, Đăng Mừng, P.V • Thiết kế: Thanh Thọ


TẠP CHÍ CỬA VIỆT - HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ
Tổng biên tập: Đoàn Phương Nam
Giấy phép số: 76/GP-TTĐT do CPT,TH&TTĐT cấp ngày 29/5/2020
  Liên hệ tòa soạn
Số 128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333 852 458
Email: tapchicuaviet@gmail.com
Copyright © 2008 - 2023 Tạp chí Cửa Việt