Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sợi dây kết nối âm dương của đồng bào dân tộc Vân Kiều - Quảng Trị qua những cánh rừng ma

Q

uảng Trị, nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng 3 dân tộc anh em: Người Việt, Pa Cô và Vân Kiều. Sự gắn bó đoàn kết của 3 dân tộc anh em đã thắt chặt tình keo sơn giữa cộng đồng dân tộc sống trên địa bàn. Ngoài “đặc thù” vốn có là sự anh dũng trong kháng chiến, cần cù trong lao động sản xuất thì cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có sự giao thoa văn hóa với nhau, trong cách sống và các hoạt động cồng đồng, thế giới tâm linh... có những điểm tương đồng, tạo nên nét đặc trưng riêng của người và đất Quảng Trị. Tuy nhiên, sự hình thành mỗi dân tộc đều có đặc trưng riêng, nhất là thế giới tâm linh, sự gắn kết giữa người sống và người chết, giữa thế giới âm dương. Nếu như người Việt có tục “cát táng” (cất bốc mồ mả người chết từ sau khi chôn cất từ 3 -5 năm); người Pa Cô có nghi lễ “A Riêu ping” (cất bốc và cải táng mồ mà sau 5-10 năm) thì người Vân Kiều lại có những “cánh rừng ma”, nơi người chết được chôn cất một lần và vĩnh viễn nằm dưới đất, bên những cây cổ thụ già.

Quan niệm của người Vân Kiều chết là sự “tiếp nối” của những linh hồn. Con người chỉ có linh hồn là vĩnh cửu, và linh hồn cũng được thừa hưởng những thứ mà họ làm ra. Cuộc sống của hơn 70 ngàn người Vân Kiều hầu hết được chi phối bởi rừng. Cất nhà lấy gỗ từ rừng, hoa quả xin ở rừng, lúa rẫy nhờ rừng mà có. Nên, rừng là “cái nhà cuối cùng” mà mỗi con người khi chết đều trở về và quần tụ ở đó, mỗi linh hồn người được che chở bởi một gốc cây. Cũng bởi thế người Vân Kiều thường chôn người dưới gốc cây. Nhiều người đã khuất được chôn cạnh nhau (nhất là quan hệ huyết thống) tạo nên những cánh rừng ma kỳ bí.

Mỗi thôn bản có ít nhất một cánh rừng ma. Tương ứng với con số 325 thôn bản dân tộc thiểu số (trong đó có hơn 200 thôn bản của người dân tộc Vân Kiều) thì có ít nhất 200 cánh rừng ma. Ở đấy, có đầy đủ mọi thứ rất “tiện nghi” của người dân tộc Vân Kiều nằm rải rác bên dưới cây cổ thụ. Những cái nồi đồng quý giá, chiếc mâm đồng có in hoa văn rồng phượng, chiếc ấm nấu nước và bao nhiêu thứ bát đĩa, dao rựa, gùi... được người sống chia của cho người chết. Rừng ma là nơi chôn cất người chết của bản làng, nếu bản làng rộng lớn đông dân cư thì có từ hai cái rừng ma trở lên, dòng họ ít người thì chôn cất rừng nhỏ, đông người thì chôn rừng lớn. Đó được xem là nhà của người chết, là nơi bất khả xâm phạm. Người sống nếu không được già làng cho phép thì không được đi vào rừng ma, nếu tùy tiện vào rừng ma thì sẽ bị ma bám theo, gây ốm đau, thậm chí dẫn đến cái chết. Trong cánh rừng ma nhiều nấm mồ bé nhỏ được đánh dấu bằng những viên đá nhặt từ rừng. Hầu hết rừng ma của người Vân Kiều ở gần làng bản, đi chừng 0,5km là đến. Nhìn cỏ cây mọc um tùm mới biết rằng nơi đây từ lâu không có người lui tới. Đối với đồng bào Vân Kiều, khi chôn cất xong người chết đó là lần cuối cùng giữa người thân từ biệt nhau. Sau này chỉ có lễ gọi hồn về quần tụ. Mối liên hệ tâm linh giữa người còn sống với người chết chỉ là tình cảm, là linh hồn. Khi cúng ma hoặc những cái tết cổ truyền, trong mâm cúng đã có những linh hồn đến dự. Khác với phong tục “tùy táng” của người Việt, chỉ những gia đình khá giả có trang sức như vàng bạc, châu báu mới mang chôn cất theo cho người chết để tỏ lòng yêu thương. Người dân tộc Vân Kiều thường chia cho người chết một phần tài sản trong gia đình của mình. Vì với họ, khi người chết đi, ở thế giới bên kia hồn ma vẫn tiếp diễn một sự sống mới, họ cũng cần đến vật dụng của gia đình.

Đời sống của người Vân Kiều có không ít những bí ẩn xung quanh lễ nghi, phép thuật, cách giao tiếp với cộng đồng, sợi giây ràng buộc với Yàng và cả rừng xanh, với các vị thần thì rừng ma của họ cũng chất chứa nhiều bí ẩn, là nơi bất khả xâm phạm. Cũng vì thế, khi đến đây, muốn khám phá rừng ma của một dòng họ nào đó phải xin phép trưởng tộc. Được sự cho phép của trưởng dòng họ mới được thăm rừng ma. Quy ước này nhằm tránh những tác động bất thường đến những người đã khuất trong dòng họ, đa số là những tác động xấu gây ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe và tâm linh của những người đang sống.

Nếu ai đó vào rừng ma mà không xin phép sẽ bị phạt cúng, những người có ý đồ không tốt như vào rừng ma để chặt cây, để làm những điều trái với pháp luật tại rừng ma thì bị xử phạt nặng. Người Vân Kiều không có quy định nghiêm ngặt là cấm người lạ vào rừng ma nhưng sự xin phép trước khi vào đó là nguyên tắc tối thiểu.

Đối với người Vân Kiều, cái chết là đã đi hết đời người và linh hồn trở nên thần thánh. Do đó, nếu có người chết họ không quá đau xót hay luyến tiếc, gia đình làm tang lễ xong rồi tập trung những người có sức vóc trong bản khiêng người chết đến rừng ma chôn cất. Chôn cất xong, họ trở về nhà, đi càng nhanh càng tốt, có khi phải chạy tránh trường hợp hồn ma theo người sống trở về nhà. Chết là trở về với rừng, rừng là chốn linh thiêng. Ở đó linh hồn tiếp tục “sống”. Vì thế rừng cũng giống như cái nhà của người sống, có chủ quyền hẳn hoi không ai được xâm phạm, đó là quy ước có tính luật tục và cả đạo đức. Có những dòng họ, chôn cất người chết giữa rừng già nhưng cũng có những dòng họ chôn người chết ở những nơi không có nhiều cây, chỉ sau này cây mới mọc lên thành cây to, thành nhiều cây to rồi thành rừng già.

“Phép thuật” là từ gọi chung cho các phép thổi, niệm thần, cầu khấn, cầm bùa, bỏ bùa, bỏ ngãi và đại đa số chúng được “xin”, được “lấy” từ rừng ma: Cái cây ngãi có từ rừng, vào rừng để xin phép, xin sức mạnh giúp chữa bệnh cho người dân. Giữa không gian u ám và lặng ngắt, giữa cái mát mẽ khi tiến sâu vào rừng ma và càng tiến sâu càng thấy lạnh toát người.

Ở đây, nếu người nào có phép giỏi tức là người đó có vào rừng ma để luyện phép. Bà Hồ Thị Tăng, 85 tuổi, người dân tộc Vân Kiều có phép thổi giỏi nhất vùng và biết nhiều bài thuốc gia truyền cổ xưa nhất. Bà Tăng cho hay: “Xưa, còn nhỏ, mẹ không nhớ rõ. Nhưng chưa đến 10 tuổi, mẹ của mẹ dạy phép. Ban đầu thì học cho biết cây, biết cách thổi phép. Sau muốn giỏi thì vào rừng ma để lấy phép. Mẹ đã từng ngồi giữa rừng ma nhiều đêm, cứ tưởng là bị chết rồi vì sợ lắm nhưng rồi mẹ sống được, thổi được để giúp bản làng. Ngồi giữa rừng ma ban đêm, lúc đầu nghe tiếng nhiều loài vật kêu, to có nhỏ có. Hồi xưa đây nhiều rừng già, nếu gặp hổ thì chết. Đến đêm thì thấy có chi đó sáng, như là mắt người. Rồi có bàn tay, bàn chân ai đó giơ lên trước mặt, có cả cái miệng cười hung dữ. Mẹ sợ lắm. Mẹ không biết làm việc này để làm gì, người dạy phép bảo làm thì làm theo…”

Rừng ma của người Vân Kiều còn rất nhiều bí ẩn. Nó được bao kín bởi sự thâm u của những cánh rừng. Có những câu chuyện nghe rất huyễn hoặc mà với đồng bào đó là cuộc sống nối tiếp của người chết, của những linh hồn. Không ai buộc phải tin nhưng hiển nhiên nó tồn tại. Cũng bởi thế đồng bào đem chôn người chết giữa rừng và thay vì bảo vệ từng ngôi mộ thì người Vân Kiều bảo vệ cả một cánh rừng ma. Hiện nay tục chôn cất người chết của người Vân Kiều đã có sự giao hòa đối với tục chôn cất của người Việt hoặc người Pa Cô khi đắp mộ to hoặc xây lăng mộ, dựng bia... nhưng nhìn chung, vị trí tâm linh của rừng ma trong đồng bào Vân Kiều vẫn không thay đổi.

H.H.L

 

 

 

 

 

HOÀNG HẢI LÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 295 tháng 04/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground