LTS: Năm 2023 đánh dấu 2 sự kiện quan trọng liên quan đến chúa Nguyễn Hoàng thu hút sự quan tâm của cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế và các nước. Đó là kỷ niệm 465 năm chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (1558 - 2023) và 410 năm ngày mất của ông 20/7 (1613 - 2023). Tạp chí Cửa Việt có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản liên quan đến chúa Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị.

- Thưa đồng chí, cảm nhận của cá nhân đồng chí về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng như thế nào?


Hội thảo “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng"
Đồng chí Hà Sỹ Đồng:
Trong tiến trình lịch sử, không ai có thể phủ nhận công lao mở cõi của vua chúa Nguyễn với chiều dài thời gian trị vì 9 đời chúa; 13 đời vua (1558 - 1945). “Nguyễn Hoàng là một người khôn ngoan mà lại có lòng nhân đức, thu dùng hào kiệt, yên ủi nhân dân, cho nên lòng người ai cũng mến phục” (Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim). Vai trò và công lao của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã được lịch sử nhìn nhận qua nhiều cuộc hội thảo được tổ chức. Tại các cuộc hội thảo như: Hội thảo khoa học quốc gia “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/10/2008 do UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức; hội thảo khoa học “Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” diễn ra vào ngày 25/9/2013 do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 455 năm chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi (1558 - 2013)… đều đi đến các kết luận rằng: Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đã làm cho Đàng Trong hưng thịnh và chính sự hưng thịnh này đã góp phần quyết định tạo nên trọn vẹn dáng hình chữ S của Tổ quốc Việt Nam như ngày nay.
Năm 1558, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa khai sáng nên sự nghiệp 9 đời chúa ở xứ Đàng Trong và triều đại 13 đời vua nhà Nguyễn sau này. Một trong những công trạng gắn với sự nghiệp của 9 chúa nhà Nguyễn là việc mở mang bờ cõi; đề ra những chính sách hết sức tích cực, tập hợp dân lưu tán từ khắp mọi nơi cấp phát tiền bạc đưa vào khai phá đất đai, phát triển sản xuất; hình thành xóm làng theo tập tục của người Việt. Những tên đất, tên làng của vùng đất Đồng Nai, Mỹ Tho, Tiền Giang cho đến Hà Tiên… đã được tạo lập qua dấu chân khai phá của con dân đất Việt, thể hiện chính sách rất tích cực của các chúa Nguyễn. Núi sông bờ cõi được mở rộng từ Thuận Hóa đến đất mũi Cà Mau.
Để đưa Đàng Trong phát triển, với tư tưởng lớn và tầm nhìn vượt trước, chúa Nguyễn Hoàng đã đã vượt qua tư tưởng "trọng nông ức thương" thời bấy giờ, cho mở mang ngoại thương, hướng tầm nhìn ra biển. Ngoại thương đã trở thành yếu tố quyết định trong tốc độ phát triển của Đàng Trong và giúp họ Nguyễn xây dựng và phát triển một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực này.


Tương truyền người dân đã dâng bảy vò nước lên chúa Nguyễn Hoàng

- Trong việc khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng, mảnh đất Quảng Trị có vai trò như thế nào, thưa đồng chí?



Đồng chí Hà Sỹ Đồng:
- Trong bài viết "Tỉnh Quảng Trị", A.Laborde, Công sứ Pháp tại An nam trước đây đã khẳng định rằng, nếu dòng họ nhà Nguyễn không xuất phát tại Quảng Trị, thì ít nhất sự nghiệp lịch sử của họ phải xem là có gốc từ mảnh đất này. Con người của triều đại này sinh ra từ đất Thanh Hoá, nhưng sự nghiệp của triều đại Nguyễn thì sinh ra từ đất Quảng Trị. Như vậy, cái gốc, điểm tựa và bệ phóng cho sự phát triển và hưng thịnh đó, chính là mảnh đất Quảng Trị. Dưới thời Nguyễn Hoàng, "thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn". Theo ghi chép của nhà bác học Lê Quý Đôn, họ Nguyễn đã mua tiêu Quảng Trị "chở về phố Thanh Hà, bán cho khách tàu, không cho dân địa phương bán riêng", "hồ tiêu cứ cho 100 cân làm một tạ, giá 5, 6 quan, khách Bắc và khách Mã Cao thường buôn về Quảng Đông".
Qua những ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”, Quốc sử quán Triều Nguyễn - Đại Nam thực lục tiền biên (Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện sử học), cho thấy đất Quảng Trị xưa là nơi có nền sản xuất hàng hóa khá phát triển, nhu cầu trao đổi hàng hóa cao và là nơi có luồng thương nghiệp mạnh mẽ qua tuyến Cửa Việt - Cam Lộ - Ai Lao, tạo nên luồng buôn chuyến trên bộ, dưới thuyền từ biển lên Lào và ngược lại. Từ đó hình thành một thị trường nội địa sầm uất ở ngay Dinh của Chúa, ở chợ phiên Cam Lộ. Cửa Việt và dinh Ai Lao lúc đó là hai cửa khẩu, đúng hơn là hai thương khẩu sầm uất của nước ta hồi đó. Thuyền buôn vào Cửa Việt có Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một số nước ở Đông Nam Á. Từ năm 1604 đến năm 1616, có 186 thuyền buôn Nhật đến buôn bán với Đàng Ngoài, Đàng Trong, Nam Trung Quốc, Mã Lai,… thì đã có 42 thuyền đến các cảng ở Đàng Trong, trong đó có Cửa Việt (Cảng Mai Xá). Thương nhân vào cửa khẩu dinh Ai - Lao có các bộ tộc Lào, Lạc Hoàn, Vạn Tượng, thương nhân ở miền Tây Thanh Nghệ từ trấn Ninh, Quy Hợp cũng về đây. Với luồng thương nghiệp mạnh mẽ như vậy đã hình thành con đường buôn bán mà có thể gọi là con đường của hương liệu, trâu, voi, nông sản, hải sản, kim loại và vũ khí. Luồng buôn bán mạnh mẽ hai miền xuôi - ngược qua chợ phiên Cam Lộ đã tạo ra sự giao lưu văn hóa, sự đồng cảm dân sinh giữa người Việt, dân tộc thiểu số và các bộ tộc Lào. Chính luồng thương nghiệp đó đã tạo nên một nguồn thuế khá lớn cho chúa Nguyễn trong buổi đầu xây dựng dinh cơ ở Quảng Trị.
Trong hành trình 68 năm đặt lỵ sở tại huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong, ngoài việc cho xây dựng các dinh phủ đảm bảo việc điều hành quản lý của chính quyền, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã tập trung cho việc thiết lập các thiết chế phục vụ hoạt động quân sự, thương mại và văn hóa mà dấu vết ngày nay còn để lại qua các địa danh như: Bãi Trận, Mô Súng, Cồn Kho, Cồn Tập, Tàu Tượng, Chợ Hôm, Ghềnh Phủ, Miếu Trảo Trảo phu nhân… nhằm biến lỵ sở Ái Tử - Trà Bát thành trung tâm của cả Đàng Trong; tạo nền móng vững chắc cho công cuộc mở cõi về phương Nam.

- Thưa đồng chí, đến nay có những ý kiến cho rằng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị liên quan đến chúa Nguyễn, đặc biệt là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chưa được quan tâm sớm và đúng mức? Có nhiều phần việc thực hiện rất chậm, trong khi di tích thì dễ bị tác động bởi thời gian và biến động về điều kiện tự nhiên.



Đồng chí Hà Sỹ Đồng:
So với các tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Trị có một gia tài đồ sộ về những giá trị văn hóa, lịch sử mang tầm quốc gia và quốc tế. Tri ân công đức các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, cầu mong xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn là nhu cầu thiết thực của nhiều thế hệ.
Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt, các địa điểm liên quan dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) trên đất Triệu Phong đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh từ năm 1996; đến năm 2018 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, do thời gian, thiên tai và chiến tranh tàn phá; trong điều kiện của tỉnh nhà còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội nên sự quan tâm, đầu tư chưa được tương xứng với công trạng của nhân vật lịch sử; tầm vóc của di tích cho nên trên đất cựu dinh chưa có di tích đủ níu chân du khách.
Tại hội thảo “Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức năm 2013 nhân kỷ niệm 455 năm (1558 - 2013) Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Quảng Trị, nhiều ý kiến tâm huyết từ hội thảo đề xuất nên xây dựng đền thờ và tượng đài ghi công tích của chúa Nguyễn Hoàng mang tầm cỡ quốc gia ở vị trí thuận lợi trên đất Quảng Trị để người dân ngược xuôi trên con đường thiên lý Bắc - Nam có thể ngưỡng vọng, tôn vinh công đức tiền nhân. Tuy nhiên, do rất nhiều lý do khách quan và chủ quan, việc triển khai thực hiện điều này cần có sự chuẩn bị về thời gian và nguồn lực.

- Được biết trước nhu cầu của người dân xã Triệu Giang tha thiết muốn xây dựng công trình Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - đệ nhất khai quốc công thần thời Chúa Nguyễn, với tư cách cá nhân, đồng chí đã tham gia cuộc vận động đóng góp này. Đồng chí có thể thông tin thêm về công trình này?

Đồng chí Hà Sỹ Đồng:
“Thương dân dân lập đền thờ” là đạo lý của người dân Việt. Nguyện vọng được tôn tạo, khôi phục, xây dựng Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ để bảo vệ báu vật pho tượng đồng đồng thời tri ân công đức các bậc tiền nhân của dân làng Triệu Giang là hết sức đúng đắn, vì thế tôi rất ủng hộ. Trong điều kiện Nhà nước chưa thể thực hiện được, chính quyền cấp xã năng động vận động nguồn xã hội hóa để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của vùng đất là một việc làm rất đáng được biểu dương.
Ngày 11/10/2022, tại di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626)” làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, công trình Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - đệ nhất khai quốc công thần thời Chúa Nguyễn - đã được khánh thành. Công trình có 5 giai đoạn với tổng kinh phí dự kiến khoảng 1,3 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành 3 giai đoạn. Đây là ngôi đền của lòng dân đầu tiên khởi phát cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản chúa Nguyễn Hoàng trên hành trình mở cõi về phương Nam, dựng nên hình hài nước Việt gấm vóc ngày nay.


Công trình Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - đệ nhất khai quốc công thần thời Chúa Nguyễn

- Thưa đồng chí, xin được trở lại với câu hỏi là việc bảo tồn và phát huy các giá trị liên quan đến chúa Nguyễn, đặc biệt là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng sẽ được UBND tỉnh triển khai thực hiện như thế nào trong thời gian tới?



Đồng chí Hà Sỹ Đồng:
Quan điểm cá nhân của tôi vẫn luôn là: Chậm trễ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử là có tội với tiền nhân. Quảng Trị cần tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử - văn hóa và tâm linh mới để kết nối với những di tích lịch sử văn hóa hiện có ở vùng phụ cận, khu vực.
Ngày 17/8/2022, UBND tỉnh có Công văn số 3963/UBND-KGVX giao UBND huyện Triệu Phong tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626) huyện Triệu Phong, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “các điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626)” ở huyện Triệu Phong.
Theo đó, mục tiêu dài hạn là bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các yếu tố mang thuộc tính lịch sử gốc của di tích, đồng thời tạo ra một không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử - văn hóa để kết nối với các di tích lịch sử hiện có ở vùng phụ cận, làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Quảng Trị. Phạm vi quy hoạch thuộc các xã Triệu Ái, Triệu Giang và thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong với quy mô 33,35ha; trong đó khu vực bảo vệ di tích là 9,92ha, khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích là 23,43ha.
Nội dung, nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm: Nghiên cứu, đánh giá về yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến quy hoạch; xác định đặc trưng, nhận diện yếu tố cấu thành, những hạn chế, khó khăn và các vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích; xác định quan điểm, mục tiêu dài hạn và ngắn hạn; đề xuất nội dung về định hướng quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng phát triển du lịch bền vững; dự báo tác động môi trường… UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Đồng thời, giao UBND huyện Triệu Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức lập, trình duyệt đồ án quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.



Hoạt cảnh tái hiện công lao của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ phò tá Chúa Nguyễn Hoàng trong buổi đầu dựng nghiệp tại buổi lễ khánh thành đền thờ

Gắn biển công trình đền thờ

Việc hướng tâm linh con người về với nguồn cội, về những giá trị lịch sử của dân tộc là việc cần phải thực hiện hết sức bài bản, bởi sức sống bền lâu của lịch sử được ghi sâu bằng những giá trị tâm linh. Thế nên, giải pháp quy hoạch đặt ra là các cấp, các ngành cần tập trung vào việc đầu tư, tôn tạo một số công trình chính yếu kết hợp bảo tồn các yếu tố gốc có được từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học cùng với việc phục hồi, phục dựng một số công trình vốn đã bị xóa dấu vết trên nền đất cựu dinh xưa. Bên cạnh Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, còn là các di tích quan trọng liên quan đến chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng cần được bảo tồn và phát huy. Song song với việc bảo tồn, tôn tạo di tích xứng tầm, để phát huy đầy đủ giá trị di sản Nguyễn Hoàng, cần chú trọng truyền thông, quảng bá về các di tích, di sản Nguyễn Hoàng thông qua báo chí, thông tin đại chúng, thuyết minh du lịch…, đặc biệt là xây dựng các câu chuyện kể “nhiệm màu” như chuyện dân dâng 7 vò nước cho Nguyễn Hoàng, chuyện nữ thần Trảo Trảo phu nhân giúp Nguyễn Hoàng đánh giặc, chuyện giữ gìn báu vật tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ… để thấy được toàn bộ giá trị sống động của di tích, di sản.

Xin cám ơn đồng chí về cuộc trò chuyện ý nghĩa này.

Thực hiện: Phương Nam • Hình ảnh: Cẩm Nhung - T.T - P.V • Thiết kế: Hồ Thanh Thọ

TẠP CHÍ CỬA VIỆT - HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG TRỊ
Tổng biên tập: Đoàn Phương Nam
Giấy phép số: 76/GP-TTĐT do CPT,TH&TTĐT cấp ngày 29/5/2020
Liên hệ tòa soạn
Số 128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333 852 458
Email: tapchicuaviet@gmail.com
Copyright © 2008 - 2023 Tạp chí Cửa Việt

Thực hiện: Phương Nam
Hình ảnh: Tiến Nhất - P.V - T.T
Thiết kế: Hồ Thanh Thọ

Tổng biên tập: Đoàn Phương Nam
Giấy phép số: 76/GP-TTĐT cấp ngày 29/5/2020
Liên hệ tòa soạn
Số 128 đường Trần Hưng Đạo, Tp Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị
Điện thoại: 02333 852 458
Email: tapchicuaviet@gmail.com