LTS: Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn gặp phải những vướng mắc, khó khăn gì? Những giải pháp nào được xem là trọng tâm và mang tính đột phá để việc thực hiện Chương trình có hiệu quả? Tạp chí Cửa Việt có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Sỹ Đồng, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy đã đưa ra những mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020… Phấn đấu đến năm 2030 Quảng Trị có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện nông thôn mới nâng cao, duy trì bền vững huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đồng chí mục tiêu này là có quá khó thực hiện đối với Quảng Trị?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng:
Nghị quyết số 03-NQ/TU được Tỉnh ủy ban hành ngày 04/11/2021, Nghị quyết đã đánh giá lại những kết quả đạt được và chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Qua đó, đưa ra những mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 sát với tình hình thực tế.
Hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang chuyển biến mạnh mẽ từ “lượng” sang “chất”. UBND tỉnh Quảng Trị đang yêu cầu các sở, ngành liên quan tổ chức rà soát các tiêu chí nông thôn mới đã đạt của từng xã để có những giải pháp chỉ đạo và hỗ trợ phù hợp nhằm giúp các địa phương duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí.
Như chúng ta đã biết, xây dựng nông thôn mới không chỉ giúp các địa phương trên địa bàn hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn bền vững mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của từng vùng miền, kết nối người dân Quảng Trị. Xây dựng nông thôn mới không phải là đích đến để có thể dừng lại, thụ hưởng, mà chính là thử thách bước đầu trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ thực tế của địa phương, đơn vị mình, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị đã và đang xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng từng tiêu chí nông thôn mới một cách cụ thể nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tháng 3/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. UBND tỉnh đã triển khai chương trình hành động như thế nào, thưa đồng chí?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng:
Chương trình hành động đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đồng thời chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện một cách cụ thể. UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất UBND tỉnh xem xét, phân bổ các nguồn vốn để hỗ trợ các xã được lựa chọn xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đảm bảo khả năng về đích của các địa phương, trong đó ưu tiên phân bổ nguồn ngân sách tỉnh để khởi công các công trình có thời gian thực hiện kéo dài; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chí, đôn đốc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện đạt chuẩn; chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan chủ động kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các xã hoàn thành đạt chuẩn các tiêu chí do ngành, lĩnh vực mình phụ trách; lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn; thực hiện có hiệu quả công tác đỡ đầu đối với các xã theo sự phân công của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tích cực tham gia hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; tăng cường giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời tổ chức thực hiện, tổng hợp, báo cáo kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới theo quy định.
Nhìn lại sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, đồng chí đánh giá như thế nào về việc triển khai và thực hiện Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng:
Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 63/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện nông thôn mới (huyện Cam Lộ) và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (theo bộ tiêu chí của tỉnh giai đoạn 2019-2020), gồm xã Vĩnh Kim (nay là xã Kim Thạch), Vĩnh Thủy và Cam Chính.
Có thể khẳng định, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang hơn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư đồng bộ; nhận thức về xây dựng nông thôn mới, về bảo vệ môi trường được nâng cao; phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi theo chiều hướng tích cực; bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy; tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Tuy nhiên, kết quả xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa đồng đều giữa các vùng miền; chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí thiếu tính bền vững; công tác quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch có nơi triển khai chậm; nguồn lực đầu tư còn dàn trải và hạn chế; vấn đề nước sạch, nước hợp vệ sinh và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do chịu sự ảnh hưởng, tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19, thì một số bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới; có nơi, có lúc còn bị động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; thiếu quyết liệt trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; chưa huy động được nhiều nguồn lực trong Nhân dân và doanh nghiệp.
Trước thực tế đó, theo đồng chí cần có những giải pháp nào mang tính đột phá để việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU và Chương trình trong thời gian tới có hiệu quả, thưa đồng chí?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng:
Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế và an ninh lương thực nước ta.
Nông nghiệp cũng là lợi thế của tỉnh ta và thực tế đã chứng minh rằng nông nghiệp đã, đang và sẽ vẫn luôn là “bệ đỡ” của nền kinh tế, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị. Chúng ta cần xác định rõ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của người dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; cần đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; cùng với đó phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và khẳng định vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người dân, từng bước cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân và cộng đồng cư dân ở khu vực nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới phải theo hướng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, thực sự vì lợi ích của người dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm duy trì và phát triển vững chắc kết quả xây dựng nông thôn mới của các địa phương đã đạt chuẩn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng miền, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực nông thôn; đẩy mạnh phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới với các hoạt động thiết thực, cụ thể ở nông thôn, gắn với công tác đỡ đầu, phụ trách, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh, sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của từng địa phương để phát triển bền vững. Triển khai có hiệu quả các đề án về du lịch cộng đồng, vệ sinh môi trường, nước sạch, đảm bảo sức khoẻ người dân, xây dựng vườn mẫu, phát triển chương trình OCOP, giữ vững an ninh chính trị ở địa bàn nông thôn... Đối với các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện xây dựng thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới theo phương châm “có nhiều thôn, bản đạt chuẩn sẽ có xã đạt chuẩn”.
Tháng 8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để phát huy hết các tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn.
Trong quá trình thực hiện, chúng ta khó tránh khỏi những bỡ ngỡ bước đầu, nhưng tôi tin rằng cách chúng ta tiếp cận chuyển đổi số sẽ làm thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ và người dân, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã hiệu quả hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet, từ đó tạo ra một bộ mặt nông thôn mới văn minh, hiện đại trong tương lai.
Xin cám ơn đồng chí về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!