Ngài dạy: “Điều cơ bản trọng yếu của con người ở trên đời này là phải giải quyết ổn thỏa chuyện “Cư trần” rồi mới nói đến chuyện cao xa, mới an lạc được”, không viễn vong xa rời thực tế “Bụt ở trong nhà chẳng phải tìm xa, nhân thiếu gốc nên ta tìm Bụt. Biết đến nay Bụt chính là ta”. Bài “Cư Trần Lạc Đạo” của Ngài là một tác phẩm lung linh của một người ngộ đạo Thiền thâm sâu.
Ở đời vui đạo cũng tùy duyên.
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm.
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.
Người đạt đạo rồi thấy cái gì cũng là Thiền, cũng trí tuệ, còn người thế gian thì nhìn cái gì cũng tình cảm, buồn, vui, dính mắc. Có người đói không chịu ăn, mệt không chịu ngủ vì họ không biết tùy duyên. Như người quen ăn có tiêu có ớt, hôm nào thiếu tiêu ớt thì không chịu ăn. Đàn ông quen bữa cơm phải có ly rượu, hôm nào thiếu cũng ăn không được. Đó là không biết tùy duyên. Nói xa hơn nữa, đối với tất cả hoàn cảnh xảy đến với mình, chúng ta linh động sống không lo âu sầu muộn, đó là tùy duyên. Nếu cảnh đến mình buồn, phải nghĩ, phải lo sợ, đó là chưa biết tùy duyên. Chúng ta mệt có dễ ngủ không? Mệt mà chuyện gì hôm qua chưa giải quyết xong, nằm lăn qua trở lại không chịu ngủ. Đó là không biết tùy duyên.
“Trong nhà có của báu đừng tìm kiếm ở đâu”. Chúng ta sẵn có Tánh giác nơi mình, Tánh giác đó là Phật. Đừng tìm Phật ở trên trời trên mây, trên non trên núi, mà phải quay lại tìm nơi mình, nên Ngài nói trong nhà có báu thôi tìm kiếm.
Chúng ta muốn tu Thiền phải làm sao? Sáu căn đối với sáu trần không vướng mắc, đó là Thiền rồi. Có vướng mắc là có chạy theo. Bây giờ đối cảnh thấy đẹp cũng không dính, thấy xấu cũng không bực bội, không thấy đúng, không thấy sai..... không thấy hai bên, đó là đang Thiền. Như vậy Thiền rất là đơn giản. Khi nào “Vọng căn nhiều lúc đã tầm. Tham lam, sân hận, si lầm giang ra”, thì Tánh Phật, Chơn Như Phật Tánh hiện tiền. Khi đó những cảnh vật mà ta tiếp xúc vừa nên thơ, vừa thiền vị, vừa trùm khắp. Khi người tu Thiền nhận ra Chân Tánh của mình rồi thì chẳng còn cần gì khác nữa, nên nói Thiền Tông là Tâm Tông.
Quá trình đi đến đạt đạo, Ngài dạy chúng ta phải biết buông xả những niệm, những vọng tưởng thế gian, phải buông, dừng, thôi, dứt tham đắm, phải quấy, hơn thua, thị phi nơi trần thế này. Phải thấy rõ “vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả”, tức là thấy mình không thật, thấy người không thật, thấy chúng sanh không thật thì mới đi đến chỗ bình đẳng, không còn chấp là mình hơn, người thua thì sẽ đạt được tâm thanh tịnh trong sáng, trí tuệ vô sư trí hiện bày.
Ngài khuyên: “Đừng cõng Phật đi tìm Phật”, cũng “Đừng cưỡi trâu đi tìm trâu”, mà phải quay lại tìm ông Phật nơi chính mình, không chấp ngã, hàng ngày sống với Tánh Phật Chân Thật của mình, sống trong trần thế, mà chẳng quan tâm đến chuyện đổi thay, hay dở mặc nó không màng tới, luôn luôn an vui để rồi học theo chư Phật để được viên thành đạo quả. Thân này chẳng quản, bữa đói, bữa no, ăn ngon ăn dở cũng không sao, nó muốn sao mặc nó, mặc tình cho nó đổi thay, nó còn cũng tốt mà nó tan cũng xong, không bận tâm lo buồn, đó là chỗ ngộ thâm sâu của người học thiền thành tựu. Cái thân tứ đại còn hay mất không quan trọng, việc quan trọng của người tu Thiền là nhận ra được pháp thân thường trụ, rõ ràng ngay trước mắt mà bao la khắp vũ trụ. Thành đạo rồi Ngài tùy duyên làm lợi ích cho chúng sanh, đi giáo hóa trong cả nước, khuyên dạy người dân tu tập.