Nhưng tôi không cần phải tưởng tượng thêm. Đi chừng hơn trăm mét, biển hiệu của quán cà phê bất thình lình hiện ra. Hiên Cúc Vàng. Cái biển hiệu bằng gỗ thông này kể cũng lạ, như đang chơi trò trốn tìm mà nếu không tinh mắt, rất dễ để người ta lướt qua. Đà Lạt với tôi không còn xa lạ, tôi cũng đã có đôi lần đi trên con đường này, nhưng mãi đến hôm nay mới biết sự tồn tại của nó.
Quán nằm trên sườn đồi nên tôi phải mất thêm chút sức lực để leo dốc. Nhưng có hề gì khi đợi tôi trên kia là ly cà phê sữa đá mát lạnh! Tôi vừa men theo những bậc thang vừa thở dốc. Cho đến khi đặt hẳn đôi chân mình vào khuôn viên của quán, lòng tôi những muốn vỡ òa. Có điều, sao quán có vẻ vắng vắng. Chỉ có tiếng nhạc được mở sẵn từ bao giờ vẫn vang lên. Khi tôi vừa đặt chân vào quán là lúc Lê Uyên Phương đang hát, với chất giọng khàn đặc trưng: “Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay. Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say. Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn”.
Tôi đảo mắt rồi nhận ra cô, yên ả ngồi đọc sách bên ngoài khoảng sân nhỏ, dưới bóng râm của những lùm cây, cao hơn nữa là cây phượng tím đang trổ hoa tưng bừng. Cô gái hơn ba mươi. Là tôi đoán vậy. Cô mặc chiếc áo thun dài tay màu đỏ rượu vang cùng chiếc váy suông dài đến mắt cá chân. Hình ảnh một cô gái đang ngồi đọc sách trong quán cà phê trên đồi bất giác khiến lòng tôi dịu lại.
Không gặp ai ở quầy pha chế, tôi bèn tiến lại nơi cô gái đang ngồi, khẽ hỏi:
“Xin lỗi cô. Tôi muốn gọi đồ uống mà trong quán không có ai…”
Bấy giờ, cô gái mới ngước lên. Đó là một khuôn mặt nhỏ, hai gò má hơi cao, làn da trắng nhạt.
“Chẳng hay anh muốn uống gì?”.
“Vậy ra cô là chủ quán?”.
Cô gái mỉm cười thay cho câu trả lời.
“Nhờ cô cho tôi một ly cà phê sữa đá. Cảm ơn cô!”
“Anh đợi tôi một lát.”
Trước lúc đi về phía quầy pha chế, cô gái ngoái đầu lại, bảo:
“Quán còn nhiều chỗ, anh muốn ngồi đâu cứ thoải mái nhé. Nếu muốn có người trò chuyện thì ngồi đợi tôi chút. Tôi biết anh đấy!”.
Nói rồi, cô gái bước đi mà không mảy may đến sự thảng thốt nhẹ của tôi lúc đó. Cô gái này là ai? Sao lại biết tôi? Dù trong đầu đang lùng bùng với mớ câu hỏi kia, nhưng tôi vẫn ngồi xuống chiếc bàn nơi cô gái vừa ngồi.
Cô gái úp cuốn sách đang đọc dở xuống mặt bàn. Và khi tro bụi. Tên cuốn sách làm lòng tôi khẽ xốn xang, vì tôi từng đọc cuốn tiểu thuyết này, và đây cũng là một trong những tác phẩm tôi yêu thích. Đó là tác phẩm đầy ám ảnh mà đến bây giờ tôi vẫn chưa quên cảm giác buồn thao thiết khi khép lại trang sách cuối cùng. Ở nhà, tôi còn lưu giữ bản in đầu, kỹ càng như một báu vật.
Cô gái từ trong nhà đi ra, trên tay là ly cà phê pha sẵn.
“Chúc mừng anh vừa ra mắt tác phẩm mới!”.
Chẳng giấu gì, tôi là một người viết văn. Mỗi lần thấy ai đó đang đọc sách, tôi luôn có cảm giác hân hoan, thấy đam mê mà mình đang theo đuổi có ý nghĩa nào đó. Bởi vậy, lúc bước chân vào quán, trông thấy cô gái đang ngồi say sưa đọc sách, dù chẳng phải do mình viết ra, cũng làm tôi xúc động. Tôi đoán, cô gái là một độc giả, và may mắn cho tôi là cuốn sách của mình đã được cô biết đến.
“Cảm ơn cô. Thực ra là cũng hơn năm tháng rồi”. Tôi cảm ơn cô gái theo phép lịch sự tối thiểu, trong lòng có một thoáng bất ngờ lẫn vui vui.
“Là Một cảnh không có trên phim nhỉ?”.
“Đúng rồi!”
Tôi cố gắng để cảm giác chộn rộn nằm yên trong lòng, không hiển lộ ra trên khuôn mặt. Là bởi, từng có trường hợp độc giả đến bắt tay chúc mừng nhà văn, rối rít khen lấy khen để tác phẩm vừa ra mắt. Đến chừng hỏi ra mới hay độc giả đó chưa từng đọc sách. Không rõ cô gái này đã đọc cuốn sách của tôi hay chưa? Tôi không hỏi cô gái, một phần vì cẩn trọng, và vì tôi cũng không muốn làm cô khó xử - trong trường hợp cô chưa đọc nó.
“Thú thực với anh là tôi chưa đọc!”. Như đọc được thắc mắc của tôi, cô gái bèn “thú tội” trước. “Thời gian mỗi ngày của tôi gần như dành cho quán cà phê này nên tôi ít có điều kiện để cập nhật những tác phẩm mới. Tôi thường đọc lại những cuốn sách mà mình yêu thích trước đây”.
Cô gái im lặng, như thể đang thăm dò thái độ của người trước mặt. Liền sau đó, cô gái mỉm cười:
“Nhưng tôi có quan tâm đến anh đấy! Đợi ít ngày nữa, khi xuống trung tâm thành phố, nhất định tôi sẽ vào nhà sách và mua ngay một cuốn về đọc, xem anh đã tiến bộ như thế nào!”.
Nhìn cuốn sách đang nằm yên trên bàn, tôi nhận ra ngay đó là bản in đầu tiên. Bìa sách gợi nên khung cảnh của một ngày trời xám, sương mù giăng mắc trên những tán lá. Ngay trang bìa có một thân cây cao lớn, xung quanh có thêm những cây thân mềm nhưng trong cảm nhận của tôi, nếu thân cây cao lớn kia có tâm trạng, hẳn nó cũng đang rất cô đơn.
“Ở nhà tôi cũng có hai bản Và khi tro bụi. Có vẻ như cô cũng thích tác phẩm này?”.
“Tôi không nhớ mình đã đọc bao nhiêu lần. Đi đâu tôi cũng mang theo, lúc nào thích thì mang ra đọc, hoặc không thì mang ra ngắm. Cảm giác thân thương như có một bạn hữu bên mình”.
“Giờ bản này hiếm lắm. Về sau, có một nơi đã in lại tác phẩm này, và vì cầm lòng không đặng nên tôi đã mua. Có điều, bản in sau không làm tôi xúc động như mỗi lần nhìn thấy bản in lần đầu. Và mỗi lần cảm thấy cần đọc lại, tôi vẫn thường lấy bản in đầu rồi đọc một cách say mê”.
“Kiểu mỗi lần đọc là một lần mới đó hả?”.
Cô gái hỏi xong rồi cười lớn.
“Mà anh không còn nhớ tôi sao?”.
Sau khoảng im lặng không lâu, cô gái bất ngờ hỏi. Câu hỏi của cô thực sự làm khuôn mặt tôi đơ ra, vừa bối rối lẫn hoang mang. Từ nãy tới giờ, tôi mặc định rằng cô gái trước mặt mình là một người yêu thích đọc sách. Mà tôi vẫn hằng xác tín rằng, những người có cùng niềm yêu thích văn chương, sẽ rất dễ dàng mở lòng với nhau. Bởi vậy mà tôi đã có thể trò chuyện với cô một cách thoải mái như vậy. Nếu không hoàn toàn là như vậy, thì cô gái này là ai?
Cô gái nhìn tôi rồi tiếp tục:
“Cũng phải thôi, lâu quá rồi còn gì. Với lại, thường thì xong mỗi tác phẩm, tâm trí nhà văn lại dành cho những tác phẩm khác. Mấy ai còn nhớ đến nhân vật của mình, phải không?”.
Tôi ngồi im lắng nghe nhưng thực lòng vẫn chưa hiểu những lời của cô gái.
“Nói ra điều này, tôi biết anh sẽ bất ngờ và không tin. Nói sao nhỉ, tôi là nhân vật trong một truyện ngắn mà anh đã viết cách đây hơn mười năm…”.
Đúng như cô gái vừa nói, tôi vẫn chưa tin chuyện này là thật. Sự phân vân trong tôi chuyển sang hướng một trò đùa của cô gái có phần bí ẩn này.
“Để tôi gợi ý nhé! Truyện ngắn đó anh viết vào năm 2007”.
Hơn mười năm đã trôi qua, và thú thực là trí nhớ của tôi ít nhiều đã bị hao mòn theo thời gian. Nhưng dù sao, khi chưa biết phải nói gì với cô gái, thì tâm trí tôi bắt đầu làm một chuyến du hành, quay ngược về quá khứ. Năm 2007. Lúc đó tôi vẫn đang là cậu sinh viên ôm mộng chữ nghĩa, cũng có đôi ba truyện ngắn đăng rải rác trên một số tờ báo và tạp chí. Vào năm 2007 ấy, trong mối quan tâm riêng dành cho văn học, tôi nhớ có giải Lá Trầu, một giải thưởng tư nhân nhằm tôn vinh những gương mặt thơ nữ được ra đời.
“Ồ”. Tôi reo lên đầy thích thú khi nhớ ra một chi tiết. “Năm đó, cuốn Và khi tro bụi mà cô đang đọc cũng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam đấy! Lúc đó tác giả của nó còn đang sống ở nước ngoài”.
Cô gái nhìn tôi đầy háo hức.
Tâm tưởng của tôi tiếp tục quay về năm 2007. Đó cũng là năm mà tiểu thuyết Rừng Na Uy của nhà văn Haruki Murakami được ra mắt tại Việt Nam. Sở dĩ tôi nhớ đến chủ nhân tương lai của giải Nobel (nhưng không biết chừng nào sẽ nhận được) vì ông cũng là tác giả mà tôi yêu thích. Haruki Murakami! Không dưng trí nhớ của tôi dừng lại ở cái tên này. Để xem nào. Tôi nhớ có lần, khi viết một truyện ngắn, đã trích dẫn lời của ông, chia sẻ về nghề viết, không rõ có nằm trong tác phẩm được ra mắt trong năm đó hay không. Phải rồi, truyện ngắn mà tôi đã viết trong năm 2007 chính là Cô gái của tôi đã ra đi. Không lẽ…
“Cuối cùng anh cũng đã nhớ ra!”.
Cô gái mừng rỡ reo lên. Biểu hiện của cô cho tôi tin rằng, cô đang không đùa. Dù vậy, tôi lấy làm bối rối thực sự, hoàn toàn không biết phải làm hay nói gì tiếp theo.
“Tôi vẫn chưa dám tin đây là sự thật…”.
“Vào trường hợp của anh, tôi cũng sẽ như vậy”. Cô gái cầm cuốn sách lên rồi lại đặt xuống. “Mà thực ra, đôi khi sự thật cũng không còn quan trọng bằng việc tôi và anh đang được hội ngộ với nhau như thế này, phải không?”.
Tôi dần dần tĩnh trí, chấp nhận sự thật, mà không, là thực tế đang diễn ra trước mắt mình.
“Hơn mười năm qua, cô đã đi đâu, làm gì?”. Tôi mở lời bằng câu hỏi thoạt trông có vẻ rất cơ bản dành cho những mối quan hệ đang trong giai đoạn bắt đầu. Nhưng thực lòng lúc đó tôi cũng chưa biết phải hỏi như thế nào cho đúng với hoàn cảnh mà mình đang dự phần.
“Hồi đó anh để tôi lẳng lặng rời đi đúng không? Từ Hà Nội, tôi vào Sài Gòn, qua một số nơi nữa và giờ đang ở Đà Lạt như anh thấy. Tôi thích dịch chuyển, và thấy vui với lựa chọn đó”.
Theo lời cô gái, tôi bắt đầu hồi tưởng lại câu chuyện của cô hoặc cũng là câu chuyện của tôi, vì tôi là người đã viết ra nó.
“Hồi đó cô lựa chọn ra đi, vì không muốn có thêm liên lụy gì với anh người yêu mà nhỉ?”.
“Anh nói không sai. Có điều, sau đó vì không chịu được những cơn nhớ thỉnh thoảng giày vò, tôi đã liên lạc lại với anh ấy. Anh ấy vào Sài Gòn với tôi và chúng tôi lại có những ngày hạnh phúc. Nhưng những ngày đó không kéo dài được bao lâu, chúng tôi rơi vào tình trạng đồng sàng dị mộng. Thêm vào đó là mặc cảm mình chính là người đã phá hoại hạnh phúc gia đình người khác không ngừng khiến tôi ray rứt. Tôi không muốn mang tiếng là con giáp thứ mười ba, và cũng nghĩ rằng anh ấy phải trở về với gia đình của mình. Tình yêu của chúng tôi đã kết thúc như vậy!”.
Cô gái bảo, những năm hai mươi, tình yêu với chúng ta là một, là duy nhất. Mọi thứ tồn tại xung quanh, dù đậm nhạt như thế nào cũng không có ý nghĩa gì với ta. Bởi trong lòng ta lúc đó, chỉ đủ dung chứa cho một người mà ta thương. Người đó là tất cả với ta, đến mức nếu có một lời đề nghị bảo ta phải chết vì người đó, thì ta cũng không cần nhiều đắn đo mà lao ngay vào lửa hay nhảy xuống vực sâu.
“Nhưng đến tuổi ba mươi nhìn về tuổi hai mươi, ta chỉ thấy buồn cười. Bởi lẽ bây giờ mọi thứ đã khác”.
“Khác thế nào?”.
“Khác một trời một vực đó chứ. Bây giờ, tôi nhận ra tình yêu không còn là duy nhất, mà nó chỉ là một trong những mảng miếng khác trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta còn nhiều thứ để quan tâm hơn là tình yêu. Đương nhiên, có tình yêu thì cũng tốt, còn không mình cứ tiếp tục… chờ!”.
Cô gái nhìn thẳng vào mắt tôi, cười lớn.
“Anh nói xem, có ai mà giữ được tình yêu lâu bền để nó mãi ấm nồng được không?”.
Câu hỏi bất giác khiến tôi nghĩ đến H. Thực là chúng tôi vẫn còn gắn bó cùng nhau nhưng chủ yếu là vì nghĩa, nhiều lúc tôi không rõ chúng tôi còn yêu nhau nữa hay không. Vậy nên, tôi có phần bối rối trước câu hỏi của cô.
Sực nhớ ra, tôi hỏi:
“Tôi quên mất là trước đây cô cũng từng viết văn. Còn bây giờ?”.
“À thì…”. Cô gái bỗng ngập ngừng. “Về sau này, tôi không còn cảm nhận được niềm vui đến từ việc viết. Mà cũng có thể là khả năng của mình có giới hạn, nên tôi chuyển sang làm một người đọc. Trở thành một độc giả cũng có hạnh phúc riêng, như khi đọc được những cuốn sách như Và khi tro bụi chẳng hạn”.
Cô gái nói xong rồi cười. Tôi cũng cười theo, và tiếp nối bằng một câu nửa đùa nửa thật.
“Chắc đến một lúc nào đó, tôi cũng phải học tập thái độ dứt khoát này của cô mới được!”.
“Xin can!”. Cô gái xua tay một cách hài hước.
“Mà thật lạ lùng. Tôi từng lên Đà Lạt nhiều lần, ấy vậy mà hôm nay mới phát hiện ra quán cà phê này”.
“Thực ra, nó là quán cà phê kiêm phòng trà. Quán đông hơn vào buổi tối vì ở đây sẽ có những đêm nhạc, có ca sĩ hát chính và khách hát với nhau nếu có hứng thú. Tôi lên kịch bản cho mỗi đêm nhạc và kết nối mọi người lại với nhau”.
“Công việc có vẻ thú vị nhỉ!”.
“Cuộc sống có bao lâu mà hững hờ, vậy nên giờ tôi chỉ muốn được làm những công việc thú vị, khiến mình thực sự hạnh phúc. Tôi cũng chưa biết mình sẽ duy trì công việc này đến bao giờ. Có thể đến một lúc nào đó, khi không còn thấy vui nữa, tôi sẽ chuyển sang một công việc khác…”. Cô gái ngập ngừng, “… và một vùng đất khác”.
Vừa lúc đó, điện thoại của tôi có tin nhắn đến. Là tin nhắn của Phương, người chung phòng với tôi trong mấy ngày vừa qua, cũng là một nhà văn trẻ. “Cậu đang ở đâu? Đừng quên chương trình giao lưu tối nay đấy!”. Chẳng là tôi và hơn mười tác giả nữa đang tham gia trại sáng tác văn học do một tạp chí văn học tổ chức, và tối nay chúng tôi sẽ có chương trình giao lưu với hội văn học của địa phương. Tranh thủ buổi chiều rỗi rãi, tôi muốn bách bộ ngắm nhìn phố núi một lát. Không ngờ, cuộc gặp dị thường với cô gái rồi cùng hàn huyên say sưa khiến tôi suýt nữa quên mất.
Thấy cũng đã muộn, tôi bèn nói với cô gái về chương trình tối nay rồi xin phép cáo lui:
“Thật tiếc là tôi phải đi bây giờ. Thú thực, tôi vẫn chưa tin về cuộc gặp này nhưng dù sao cũng rất vui vì được gặp cô. Chúc cô có thật nhiều niềm vui, theo những lựa chọn của mình”.
Tôi móc ví ra, định trả tiền cho ly cà phê thì cô gái ngăn lại.
“Hôm nay tôi xin phép mời anh. Xem như một lời cảm ơn dành cho người đã khai sinh ra mình!”.
Tôi có phần đắn đó, nhưng sau cùng quyết định cất ví vào lại.
“Vậy thì cảm ơn cô rất nhiều. Có dịp lên đây, nhất định tôi sẽ ghé nơi này”.
Tôi mỉm cười chào cô gái rồi chậm rãi bước xuống. Lúc này, nắng đã tắt từ bao giờ, bầu trời chuyển sang màu xám chì, sương mù giăng đầy xung quanh khiến những chiếc lá thẫm ướt. Xuống đến bậc thang cuối cùng, tôi ngoái nhìn Hiên Cúc Vàng lần nữa, nhưng giờ đây quán đã ngập chìm trong sương mù. Cây phượng tím cao lớn kia cũng trở nên chơ vơ, không khác gì cái cây trên bìa sách Và khi tro bụi. Bất giác, tôi khẽ rùng mình khi một cơn gió lùa qua. Cái lạnh thốc lên tận đỉnh đầu. Vừa may, một chiếc taxi trờ tới, tôi vẫy xe rồi lao vào bên trong, vội vàng đóng cửa lại.
*
Bạn đọc thân mến!
Đây là câu chuyện mà tôi đã cất giữ trong lòng mấy năm nay. Tôi biết, chuyện này thực sự khó tin đối với mọi người. Ngay cả bản thân người viết ban đầu cũng không tin, và đến bây giờ vẫn vậy. Cô gái tên là gì à? Thú thực là hôm đó, vì mải mê trò chuyện mà tôi đã quên hỏi tên cô. Khi về nhà, xem lại truyện ngắn đã viết cách đây hơn mười năm, tôi nhận ra mình cũng chỉ gọi cô là cô gái, tuyệt nhiên không có một cái tên riêng nào cả! Có dịp lên Đà Lạt, tôi sẽ quay lại Hiên Cúc Vàng, hy vọng sẽ còn được gặp cô. Lúc đó, nhất định tôi sẽ hỏi tên cô!
H.H.S