Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bút ký của Y Thi nỗi nhức nhối về nhân sinh, thế sự

YThi là nhà viết ký chuyên nghiệp, có hành trình sáng tạo lâu dài, liên tục và anh đã xác lập được đặc trưng thi pháp cá nhân cho mình ngay từ những ký phẩm đầu tiên. 

Hơn 40 năm cầm bút, đến nay, Y Thi vẫn miệt mài đi, lặng lẽ quan sát, cẩn trọng ghi chép và khát khao sáng tạo để thông điệp đến người đọc những nỗi niềm nhân sinh, sơn thủy nặng sâu tình người, tình quê hương, xứ sở với tâm thế của người trong cuộc, không viết không đành. Bằng vốn sống trực quan và vốn lịch sử văn hóa tích lũy sâu rộng của mình, Y Thi đã từ nhiều điểm nhìn trần thuật khác nhau để vực dậy những hiện thực gần và hiện thực xa, những vỉa tầng văn hóa hiển minh và trầm tích, những vấn đề sinh thái thiên nhiên và sinh thái đạo đức - nhân văn một cách sinh động, hấp dẫn. Đó chính là đặc điểm tổng thể về tư tưởng và nghệ thuật ký của Y Thi trong diện mạo chung của ký hiện đại và đương đại Việt Nam.

Trong bài viết ngắn này, tôi muốn chứng minh những nhận định khái quát trên của mình về nghệ thuật viết ký đặc sắc của Y Thi qua tập Bút ký Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay (NXB Hội Nhà văn, 2021). Đây là tập bút ký lịch sử - văn hóa được Y Thi dày công nghiền ngẫm và suy nghĩ từ chính cuộc sống, lịch sử, văn hóa liên quan đến con người, sự kiện và cảnh vật quê hương Quảng Trị trong quá khứ và hiện tại với cái nhìn thực chứng cụ thể, chân thật và sinh động.

Đọc những tác phẩm bút ký của Y Thi được viết trong quãng thời gian dài (từ những năm cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI), có thể thấy rằng Y Thi là nhà viết ký tài hoa và vững chắc, kết hợp được một cách linh động, đa dạng các đặc trưng thể loại, làm nên đặc điểm riêng của anh về thể ký mà tôi gọi là ký cảm xúc - trữ tình - trí tuệ - nghệ thuật. Tức là ký của Y Thi đạt được phẩm tính văn hóa - văn học trên cơ sở hiện thực và cảm xúc trực tiếp của cái tôi tác giả. Tuy chưa vươn đến tầm phong cách độc đáo như những nhà viết ký lớn của cả nước, nhưng với những gì đã đạt được, Y Thi xứng đáng là người viết ký thành danh của quê hương Quảng Trị và cả nước mà anh tự nhận là có học tập và chịu ảnh hưởng từ Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhà văn đồng hương trong những năm sống và làm việc cùng nhau thời kỳ ở Tạp chí Cửa Việt.

Qua từng bút ký, chúng ta thấy được ý nguyện của Y Thi là muốn làm sống lại những ký ức xúc động và trắc ẩn của con người, vực dậy những giá trị hiển minh và trầm tích của văn hóa, trình hiện những nỗi niềm đời tư - thế sự nhức nhối của đời sống. Qua đó, anh muốn đồng hiện cảnh vật, tình người, hồn quê và hồn nước nhằm đem lại sự thỏa mãn nhận thức hiện thực - thẩm mỹ - văn hóa cho người đọc. Mười bảy bút ký trong Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay là mười bảy hiện thực lịch sử đa dạng, linh hoạt nhưng nhất quán những nội dung nói trên một cách nghệ thuật thông qua cái sườn diễn ngôn - hình tượng - tư tưởng mang cá tính sáng tạo riêng của Y Thi.

Tôi muốn bắt đầu bằng bút ký Nỗi niềm trắc ẩn tri tâm. Lần hồi nhớ và tìm gốc tích quê hương mình trên từng trang thư tịch cổ, anh bất giác nhận ra cái làng Đại Áng của anh ngày nay ở hạ lưu sông Thạch Hãn với bao nỗi niềm sơn thủy, gắn với những thăng trầm của lịch sử và văn hóa, còn lưu dấu trên từng sự vật và chứng trích u trầm cùng những ký ức xa xôi, ngôi làng mới tồn tại và phát triển đến ngày nay. Nhớ làng cũ để buồn đau và xa xót rồi sẽ lùi xa; tin yêu và hy vọng về sự tốt đẹp rồi sẽ tái sinh.

Nằm trong mạch chủ đề này, bút ký Mây trắng ơ hờ, mây trắng bay lại hoài niệm về một ngôi làng có bề dày truyền thống nhân văn từ những con người tạo nên hòa khí non sông bất tử. Đây chính là làng Mai Xá với họ Bùi có bao nhân tài lỗi lạc hiến trọn cuộc đời dấu yêu của mình cho sự nghiệp nhà Tây Sơn. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Mai Xá vẫn giữ vững truyền thống yêu nước và cách mạng với biết bao con người từ trẻ đến già, từ nam đến nữ, đều đóng góp công sức, tính mạng và tài sản của mình cho sự nghiệp ái quốc vĩ đại của dân tộc. Sự hy sinh to lớn của nhân dân làng Mai Xá được Y Thi miêu tả và tái hiện qua từng con người, sự kiện và quan hệ vừa cụ thể sinh động, vừa tự hào ân nghĩa, vừa xa xót tiếc thương. Để cuối cùng, anh xác nhận tư cách, tầm vóc tâm hồn và hành động cao cả của con người và vùng đất: Tự cổ chí kim, dân tộc nào chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc mình đều sản sinh ra đông đảo những anh hùng. Đất anh hùng sinh ra mẹ làng Mai anh hùng và mẹ làng Mai sinh con anh hùng. Chí nối chí và lòng dặn lòng rằng thù quân xâm lược. Giờ đây, có một ngày về lại làng Mai, tác giả không khỏi ngỡ ngàng, bâng khuâng trước cảnh vật và con người với lòng ngưỡng mộ, thành kính và tự hào sâu nặng. Tác giả bừng tỉnh dậy giữa đêm trăng vằng vặc, hiu quạnh: Trên cao kia, Mây trắng ơ hờ… mây trắng bay… Mây sà quán chợ, mây qua đình làng. Mây trắng ngập bến đò Ngang. Mây rung rừng Sác, mây rung tán bàng… Vần vũ áng mây trắng lốp, lúc bay bổng lúc la đà chơi vơi mặt nước và bất chợt phủ lên ngôi đình làng Mai như hai ngọn núi. Tôi tỉnh người ra, có ai đó thì thầm bên tai tôi câu nói đã lâu của anh Tư Mã: “Người đời ai cũng vẫn phải chết; nhưng có cái chết nặng như núi Thái Sơn, có cái chết nhẹ tợ lông chim hồng”.

Các bút ký Ô lâu - Giọt máu, lời yêu; Tôi ở núi này chạnh nhớ sông kia; Chuyện dài quê hương... đều viết trong mạch cảm xúc về làng quê với bao phế tích, thăng trầm gắn với những vui buồn sinh thái. Lúc đầu là sinh thái thiên nhiên. Kế đến, tiến sâu hơn một bước là sinh thái văn hóa tinh thần, cuối cùng là cái nhìn sinh thái nhân văn, đạo đức. Có thể nói với các cách tiếp cận sinh thái này, Y Thi đã nói được nhiều vấn đề có liên quan đến các mối quan hệ bản chất và quan hệ tương tác đã, đang và sẽ diễn ra giữa con người và thiên nhiên theo hai chiều tương hỗ và đối lập. Qua đó, anh muốn đem lại cho người đọc sự nhận thức đúng đắn về từng mối quan hệ sinh thái để vì con người và cuộc sống hôm nay được diễn ra tốt đẹp theo tinh thần điều bình sinh thái và nhân đạo hóa sinh thái. Vì vậy, những gì mà Y Thi tái hiện trong các bút ký nói trên chính là những thông điệp đạo đức và nhân văn cần cho con người hôm nay hơn là cần cho chính chúng.

Mọi người đều thừa nhận bút ký là thể loại ghi lại người thực và việc thực mà nhà văn tìm hiểu, nghiên cứu cùng với những cảm nghĩ của mình nhằm thể hiện một tư tưởng nào đó. Sức hấp dẫn và thuyết phục của bút ký tùy thuộc vào tài năng, trình độ quan sát, nghiên cứu, khám phá, diễn đạt của tác giả đối với các sự kiện được đề cập đến nhằm khám phá ra những khía cạnh “có vấn đề”, những ý nghĩa mới mẻ, sâu sắc trong va chạm giữa tính cách và hoàn cảnh, cá nhân và môi trường. Nói cách khác, giá trị hàng đầu của bút ký là giá trị nhận thức. Ký của Y Thi đã thỏa mãn những yêu cầu trên một cách nghệ thuật và hiện đại.

Bút ký Tôi ở núi này chạnh nhớ sông kia đã đem lại cho người đọc giá trị nhận thức và thẩm mỹ mới mẻ về ngôi làng Linh Hải. Trong cảm thức hoài niệm về làng quê, tiên tổ của mình khi được về thăm quê bạn, Y Thi khắc họa ký ức làng bằng đoạn văn mở đầu rất hay và trữ tình: Hoài niệm tổ tông, chúng tôi vẫn khát khao giữa Đông Hà đô hội một ngày hành hương về nơi gốc rễ, cội nguồn quê hương, gia tộc của anh. Mở cánh cửa khép hờ ngôi nhà ba gian thùng thình hoang lạnh, tôi lặng nhìn anh dâng hương trước bàn thờ tiên tổ. Những sợi khói màu lam đậm đặc đan chéo ngoằn ngoèo vươn lên bên ngọn đèn dầu trong buổi chiều gió bấc cuối mùa đông tận, chạnh nghĩ một đời cơ đồ lạc xứ, giây phút thiêng liêng ôm trọn mảnh làng quê như sợ xa lìa. Tôi, kẻ đa đoan vất vưởng, rưng rức bồi hồi một tình yêu quê nhà xa xăm. Tận hồng hoang ký ức, trong vô thức bồng bềnh chợt phát hiện ra đấy chính là dáng người nết đất, như gót chân ai nứt nẻ dầm bùn tháng chạp bất chợt bắt gặp chiều nay trên cánh đồng làng. Từ những gì trực quan nơi ngôi làng của bạn, anh cũng lần tìm hiểu, liên hệ đồng hiện lịch sử, con người, phong tục, sự kiện và những biến đổi thăng trầm từ xa xưa đến hiện tại, làm hiện ra nết đất, tình người của một làng quê thật bất ngờ và xúc động. 

Viết về ký ức thời gian và lịch sử hai cuộc kháng chiến, Y Thi có những bút ký xúc động và trách nhiệm. Giấc mơ sinh thành là bút ký rất hay viết về bà Mẹ Gio Linh. Trong giấc mơ sau cơn ốm, anh thấy bà mẹ Gio Linh hiện về: Mẹ hiền dịu chân quê thế mà sao tôi thì toát mồ hôi lạnh, thiên hà mặt đất như đang dậy sóng. Ôi chiến tranh, có phải sinh tử biệt ly là điều đau khổ nhất và bây giờ đoàn viên là giấc mộng tái hồi? Tôi chưa thể rời xa cái cõi đau thương mất mát. Nửa thế kỷ trôi qua rồi sao mẹ còn tìm, còn đưa đến cho con cội nguồn cảm xúc ngọt ngào và đắng cay như thế. Và thế là ước nguyện đi tìm sự thật về Mẹ Gio Linh hình thành. Anh quyết tâm đi tìm sự thật và huyền thoại về người mẹ này từ câu chuyện 12 người mẹ và bài hát của Phạm Duy. May mắn thay, sau bao gian lao, vất vả kiếm tìm qua bao chợ, bao người, Y Thi đã tìm được Mẹ Hồ, nữ du kích cảm tử ngày nào và bao nhân chứng sống khác giờ còn sống ở làng với “ngồn ngộn thông tin”, nhờ đó, anh đã tìm ra sự thật. 

Sông hoa cũng là bút ký đồng hiện lịch sử quê hương Quảng Trị trong chiến tranh hy sinh, ác liệt. Cuộc hành hương của tác giả và nhà văn Phan Cao Toại đã làm sống dậy những hiện thực xúc động, bi hùng, nhất là trong trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt mà ở đó có trên mười một ngàn người, tức một sư đoàn có thừa quyết tử và đã hy sinh. Thông điệp bất ngờ khác của bút ký là tác giả đã chứng minh một cách hùng hồn và xúc động rằng có một “nghĩa trang sông” nơi Thành Cổ Quảng Trị: Ngoài những khuất lấp trên mặt đất như đã nói, ở Thành Cổ vẫn còn có một “nghĩa trang sông” khác. Nơi đó hẳn chúng ta đều biết, có vài ngàn người hy sinh ngay giữa dòng sông lúc vượt sang bờ Nam chiến đấu hoặc lúc chiến đấu bị thương được đưa về tuyến sau rồi hy sinh nằm lại dưới đáy sông

Ký của Y thi nhức nhối tâm trí và tình cảm người đọc là thế. Đọc xong bút ký, người đọc cùng tác giả không khỏi rơi nước mắt cùng với cảnh tượng hoa cỏ, con người, ánh lửa để tưởng nhớ những con người có tâm hồn sáng trong như ngọc dọc đôi bờ sông nước Thạch Hãn: Trên những quả đồi bát úp dọc triền sông mọc rất nhiều sim mua tím biếc, bông trang đỏ và nhiều loài hoa dại không tên khác. Đó là những loài hoa mà dân chúng đôi bờ sông Thạch Hãn quê tôi cùng hàng ngàn học sinh tự hái, rồi các chị tiểu thương gom hết hoa ở chợ Thị xã cùng vào cuộc. Một quãng sông từ trên phía cầu Thạch Hãn, chốt Cầu Ga qua chợ Quảng Trị, xuống cầu Rì Rì xanh trong, nơi từng nhuốm máu đào các anh trong tám mươi mốt ngày đêm dập dềnh hương hoa… 

Y Thi đã nắm bắt được cái thực chất bi hùng bên trong của Thành Cổ và tái hiện chúng trong chiều sâu của cảm xúc và tâm trạng thông qua giọng điệu trữ tình bi thiết và những nhận xét giàu tính triết lý nhân sinh nên thực sự đem lại những nhận thức tư tưởng và tình cảm sâu sắc cho người tiếp nhận.

Ngoài những bút ký về lịch sử - văn hóa, về quê hương, chiến tranh, Y Thi dành phần nhiều công sức để viết về hiện thực xã hội và con người thời hiện tại chưa hoàn kết với các mối quan hệ đời tư - thế sự đang diễn ra trong cuộc sống thời bình. Ai đưa con sáo sang sông, Men say nguồn cội, Mỹ tục ăn trầu, Chuyện dài quê hương, Chân trời ước vọng... cũng là kết quả của những năm tháng đi, ghi chép, nghiền ngẫm và sáng tạo của Y Thi. Các bút ký này đều thể hiện năng lực quan sát, nắm bắt và đề xuất vấn đề một cách sâu sắc và tinh thế của tác giả. Tất cả đều thể hiện đúng đặc trưng của tùy bút, có bổ sung và sáng tạo những cạnh khía mới/khác theo đặc điểm của tùy bút hiện đại. Bút ký của Y Thi thường tái hiện con người và sự việc từ một chủ điểm/chủ đề, nhưng luôn huy động nhiều liên hệ, liên tưởng, suy tưởng từ nhiều điểm nhìn trần thuật đồng đại và lịch đại khác nhau, qua đó phát huy năng lực sở trường của mình là vận dụng những kiến thức văn hóa, văn học, ngôn ngữ, lịch sử, phong tục, sự kiện có liên quan để mở rộng các quan hệ và biên độ ý nghĩa, tăng hàm lượng tri thức, làm đẹp diễn ngôn cho tác phẩm. 

Những bút ký nằm trong chủ đề này, tính hiện thực được đề cao. Qua đó, anh tăng cường bình luận, phân tích. Bút ký Con kiến mà leo cành đa nói về sự chuyển đổi cơ chế làm ăn của một vùng đất. Con người phải vất vả mưu sinh, thay nghề đổi nghiệp, nhưng rồi cái khổ vẫn liên tiếp ùa đến. Tình làng nghĩa xóm, tình người trong gian khó thì có thừa, nhưng nhiều lúc họ rơi vào những tình thế bi kịch, nhiều trắc ẩn, tiến thoái lưỡng nan, đã nghèo lại gặp cái eo khiến niềm tin và lòng tốt có lúc cũng lung lay, xao xác. Nhân vật kể về nỗi người mà hình như đó chính là nỗi mình. Tâm sự buồn của kẻ sắp ly hương càng trĩu nặng về số kiếp một con người.

Ký hay ở chỗ từ một vấn đề, người viết biết chứng minh, dẫn dắt, truy tìm, khơi gợi những vấn đề mới; khẳng định chân lý cũ bằng diễn dịch hoặc quy nạp và cuối cùng thỏa mãn nhận thức thẩm mỹ và tính chân xác khoa học trong tầm đón đợi của người đọc đương thời. Ký là sự việc, sự tình nên muốn tạo ra sức hấp dẫn và sinh động, ký phải tăng cường tính văn học, văn hóa. Sự “nhức nhối của trí tuệ và tình cảm” chính là biết điều tiết tính nghiên cứu, bình luận và tính truyện để dẫn dịch sự việc, sự tình. Y Thi là nhà viết ký chuyên nghiệp nên anh hiểu rất rõ điều đó. Và anh đã thành công, góp phần làm giàu, đổi mới và phát triển thể loại.

Tôi gọi ký của Y Thi là ký văn học - văn hóa, thể hiện thành mỹ cảm của cái đẹp, của những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, thao thức lòng người.           

 H.T.H

HỒ THẾ HÀ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 327

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground