Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phát triển văn học nghệ thuật trước yêu cầu bức thiết của cuộc sống - Kỳ 1: Bay theo đường dân tộc đang bay

Nguy cơ mất bản sắc văn hóa dân tộc và những giá trị truyền thống đang thể hiện trên nhiều phương diện: nhân cách, đạo đức, lối sống; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, truyền thông; sự biến dạng của văn hóa dân tộc thiểu số, vùng, miền; văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo… Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 khóa XI của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đúc kết 6 nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, đó là: Nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt; Việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ; Công tác quản lý nhà nước chậm được đổi mới, có lúc có nơi buông lỏng, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm; Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải; Chưa nắm bắt những vấn đề mới để đầu tư đúng hướng và hiệu quả; Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Trên cơ sở thấy rõ nguyên nhân từ thực tiễn, đồng thời quyết liệt khắc phục những điểm còn hạn chế, ngày 4/6/2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, thì văn học nghệ thuật (VHNT) là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để thực hiện được điều này, cần nhận diện rõ thực trạng của nền VHNT nói chung và VHNT tỉnh Quảng Trị nói riêng qua sự cống hiến, những trở ngại, khó khăn cần được tháo gỡ để VHNT có thể đi sâu vào đời sống xã hội, thật sự trở thành một nguồn lực to lớn góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Hội thảo “Tạp chí văn nghệ địa phương với việc kết nối và tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản miền Trung” do Tạp chí Cửa Việt đăng cai tổ chức tại Quảng Trị  năm 2016 - Ảnh: H.C.D

Hội thảo “Tạp chí văn nghệ địa phương với việc kết nối và tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản miền Trung” do Tạp chí Cửa Việt đăng cai tổ chức tại Quảng Trị năm 2016 - Ảnh: H.C.D

Kỳ 1: Bay theo đường dân tộc đang bay (*)

Trong Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Giá trị lịch sử và hiện thực” nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (1971 - 2021) được tổ chức tại TP Đông Hà, trước khi đi vào chương trình chính thức là phần văn nghệ, cả hội trường gần 500 người, trong đó có hàng chục vị tướng lĩnh đã vô cùng xúc động khi được thấy tái hiện không gian lịch sử của trận chiến đấu năm xưa qua những ca khúc cách mạng. Rõ ràng, văn học, nghệ thuật đã và đang đồng hành cùng lịch sử dân tộc, phát huy sứ mệnh nuôi dưỡng, bồi đắp những tư tưởng, tình cảm nhân văn, trong sáng, cổ vũ, tập hợp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Văn nghệ sĩ - Nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

Có lẽ ít có nước nào VHNT lại được coi trọng và gánh vác trên vai nhiều sứ mệnh: Không phải để giải trí, “mua vui” mà nó có ý nghĩa rất lớn lao “Văn dĩ tải đạo”. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những lời tâm huyết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, mỗi văn nghệ sĩ, trí thức đã tự đứng vào một vị trí, tự gánh lấy một trách nhiệm, tự làm đầy một lẽ sống. Trong kháng chiến chống Pháp, các văn nghệ sĩ không chỉ lăn lộn ở nhiều chiến trường, tham gia các chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, Điện Biên Phủ… mà trong số đó, nhiều người đã hy sinh anh dũng như nhà văn - chiến sĩ Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh… Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ  tạo nên “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” (thơ Lê Anh Xuân), tô thắm hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ”, “anh giải phóng quân”.

Bằng những trải nghiệm thực tiễn trong những đợt hành quân, trong những trận chiến đấu, nhiều văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã viết nên những tác phẩm bằng cả tinh thần, trái tim quả cảm, bằng mồ hôi, xương máu của mình để ghi lại những phút giây, những con người lịch sử. Chính sự đóng góp đó mà mỗi tác phẩm VHNT đều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giáo dưỡng tinh thần, giác ngộ tư tưởng, xây dựng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa đến các thắng lợi vẻ vang cho đất nước ta mà trực tiếp là hai cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và cả trong công cuộc khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày nay.

Từ năm 1986 đến nay, đường lối Văn hóa văn nghệ của Đảng ta ở từng thời kỳ một đều có những bước điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi rất nhanh của nền VHNT nước nhà. Có thể thấy rằng sau năm 1986, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị rồi Nghị quyết 23, Nghị quyết 33, qua từng chặng một đều thấy rằng Đảng ta luôn hiểu rõ xu thế phát triển, tầm quan trọng của việc phát triển nền VHNT Việt Nam. Quan điểm coi văn hóa là nguồn lực để phát triển kinh tế -  xã hội là quan điểm khoa học, hiện đại và mang tính thực tiễn cao, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay.

Đời sống VHNT, xã hội, kinh tế, chính trị rất phong phú và đa dạng nên vai trò của VHNT trong giai đoạn mới, mà chúng ta gọi là thời đại công nghệ ٤.٠ sẽ có những thuận lợi cũng như khó khăn. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh mới, Đảng ta cũng xác định mục tiêu phát triển văn hóa nhằm xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện thực của cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tốt và xấu, giữa cao thượng và thấp hèn… chính là mảnh đất giàu tiềm năng cho những tìm tòi sáng tạo của văn nghệ sĩ để tiếp tục xây đắp một nền VHNT ngày càng lớn mạnh, với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng. Trong buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Hội Văn học - Nghệ thuật ở Trung ương Liên hiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận, đánh giá rằng các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, phần lớn trong số đó có nội dung lành mạnh, tích cực; hình thức thể hiện có nhiều đổi mới. Đề tài lịch sử hào hùng của đất nước; những trang sử vẻ vang chống các kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục thu hút các văn nghệ sĩ, cả cao niên và trẻ tuổi tham gia. Đề tài về công cuộc đổi mới đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân anh hùng cũng được anh chị em văn nghệ sĩ trân trọng và có những thành công trong tác phẩm của mình. VHNT tích cực phát hiện, cổ vũ cái mới, cái tốt đẹp, tiến bộ; biểu dương, nêu gương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, rèn luyện, phấn đấu; phê phán thói hư, tật xấu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội. Lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cũng có những chuyển biến rõ nét, góp phần tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, đặc biệt là định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đã củng cố, xây dựng được đội ngũ các cây bút trẻ trong lý luận, phê bình; tham gia đấu tranh phản bác các khuynh hướng, hành vi sai trái, cực đoan, bảo vệ và phát triển đường lối văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng.

Các họa sỹ Quảng Trị chung tay hoàn thành bức tranh tường  ở âu thuyền đảo Cồn Cỏ - Ảnh Trịnh Hoàng Tân

Các họa sỹ Quảng Trị chung tay hoàn thành bức tranh tường ở âu thuyền đảo Cồn Cỏ - Ảnh Trịnh Hoàng Tân

Tổ quốc trong trái tim người nghệ sĩ

Đời không duyên nợ thà không sống / Văn có non sông mới có hồn - Với hai câu thơ này, Á Nam Trần Tuấn Khải xem văn chương thực sự có khí phách và linh hồn khi gắn với hồn thiêng đất nước. Văn nghệ sĩ cũng phải là người Nhìn thấu vận mệnh nghìn năm sau cho Tổ quốc (Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa - Chế Lan Viên).

Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, các văn nghệ sĩ đã kịp thời thể hiện nguồn cảm hứng trân trọng, tự hào đó trong sáng tác nghệ thuật (thơ - nhạc)… Những ca khúc ấy bật lên từ trái tim nghệ sĩ ngay trong thời điểm huy hoàng của mùa Thu tháng Tám: Mười chín tháng Tám (nhạc sỹ Xuân Oanh); Cùng nhau đi Hồng binh (nhạc sĩ Hoàng Vân)… cộng hưởng cùng những sáng tác trước đó, như: Tiến quân ca (nhạc sĩ Văn Cao), Diệt phát xít (nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Đình Thi); Du kích ca (nhạc sĩ Đỗ Nhuận); Cờ Việt Minh (nhạc sĩ Vương Gia Khương); Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)… làm nên âm thanh hào sảng, rộn rã, mê say mang tâm thế của người công dân yêu nước, tự hào về nền độc lập, tự do đã phải đổi bằng bao xương máu.

Mùa Thu cách mạng 1945 đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Cả dân tộc say sưa đón chào thắng lợi Cờ chiến thắng! Cách Mạng thành Tháng Tám (Xuân Diệu); đã Phất cao cờ Việt Minh chói sáng/ Làm một mùa thu cách mạng (Hồ Chí Minh - Eoan Macccon), thấy dân tộc ta Nước Việt Nam từ máu lửa / Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)… Và khẳng định một chân lý bất diệt Tổ quốc nghìn thu bền vững mãi (Ngày vĩ đại - Chế Lan Viên).

VHNT phải trở thành thành tố tích cực của khâu đột phá chiến lược về nhân tố con người, góp phần kích thích, truyền cảm hứng sáng tạo, khơi dậy, nuôi dưỡng và cổ vũ khát vọng vươn lên của quê hương, đất nước. Do đó, chính mỗi người nghệ sĩ xác định rõ sứ mệnh của mình trong việc sáng tác.

Hiện nay cả nước có hơn 4.000 hội viên Trung ương thuộc Hội VHNT, riêng đối với tỉnh Quảng Trị, đến cuối năm 2020, có 244 hội viên. Nếu tính đến đội ngũ sáng tạo VHNT thì con số sẽ lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, hội viên Hội VHNT được xem là nhân tố nòng cốt trong việc phát triển nền VHNT xây dựng con người mới XHCN. Sự tác động đó thể hiện qua các khía cạnh sau: Một là tác động trực tiếp từ tác phẩm VHNT vào tâm tư tình cảm của con người. Thứ hai là sự tác động qua thái độ, nhân cách sống của người nghệ sĩ. Muốn có nền VHNT “cất cánh”, có tính kế thừa cần nhận diện rõ về đội ngũ sáng tác.

C.Đ

____________________

(*) Thơ Chế Lan Viên

>>Kỳ 2: Đừng ngủ yên cho đời chật 

 

CÔNG ĐỨC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 319

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground