Phong cách tối giản xuất hiện khoảng từ những năm 1960, một số tài liệu cho biết bắt nguồn từ nhà kiến trúc sư Ludwig Mies van der Rohe người Đức. Với quan niệm “ít là nhiều”, “càng đơn giản càng đẹp” (less is more), ông đã đặt nền móng đóng góp vào việc phát triển kiến thức và triết lý của phong cách tối giản.
Trong nhiếp ảnh, phong cách nhiếp ảnh tối giản nhấn mạnh vào sự đơn giản của bố cục với càng ít yếu tố càng tốt. Đều này cho phép người chụp tạo ra các bức ảnh ấn tượng từ những đối tượng đơn giản, chỉ chụp những gì quan trọng nhất thông qua việc khám phá mối quan hệ giữa chủ thể đối với người chụp để gửi thông điệp đến người xem. Đây như một hành trình, nơi mà đơn giản không chỉ là việc giảm bớt chi tiết, mà còn là một cách để thể hiện sự tinh tế, phong cách cá nhân của người chụp ảnh. Tối giản không phải là việc loại bỏ tất cả mọi thứ, mà là việc tập trung vào những yếu tố quan trọng trong khuôn hình. Nhìn vào một bức ảnh tối giản, người xem có thể cảm nhận sự tĩnh lặng, sự tương phản giữa sáng và tối, sự tập trung vào chi tiết quan trọng nhất trong khuôn hình. Thông qua việc loại bỏ những phần không cần thiết, sẽ tạo trải nghiệm thị giác tinh tế, ghi lại những khoảnh khắc đẹp về sự vật, hiện tượng qua góc nhìn giản đơn.
Một trong những điểm đặc biệt của nhiếp ảnh tối giản là khả năng tạo ra sự tương tác giữa người xem và tác phẩm. Bức ảnh tối giản thường để lại một khoảng không gian cho trí tưởng tượng của người xem, cho phép mỗi người có cách hiểu và cảm nhận riêng về tác phẩm. Chính điều này cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn của thể loại phong cách nhiếp ảnh này đối với người xem và người chụp. Những bức ảnh tối giản thường làm cho người xem phải dừng lại, suy tư về những góc nhìn về sự giản đơn trong không gian đa sắc màu và phức tạp của cuộc sống. Cái đẹp không cần phải phức tạp hoặc xa xỉ, mà có thể xuất phát từ những thứ gần gũi và thông thường nhất. Đôi khi, một bông hoa trên bàn làm việc, ánh nắng chiều buông xuống qua cửa sổ, hoặc thậm chí là một cốc trà trong một góc phòng có thể trở thành nguồn cảm hứng cho một bức ảnh tối giản đẹp và ấn tượng.
Tuy nhiên, để tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh tối giản đầy ấn tượng, người chụp ảnh phải đầu tư thời gian và tâm trí vào quá trình sáng tạo, cần phải tìm hiểu về thiết bị và rèn luyện kỹ thuật chụp ảnh để kiểm soát ánh sáng trong phong cách chụp ảnh tối giản; cần phải nắm vững kỹ năng, kỹ thuật sử dụng thiết bị như điều chỉnh khẩu độ, tốc độ màn trập, và cách sử dụng chế độ thủ công của máy ảnh. Ngoài ra người chụp còn phải biết xử lý hậu kỳ để tạo hiệu quả tối ưu cho tác phẩm sau khi được cắt cúp (thay đổi tỷ lệ khuôn hình) và cân chỉnh sắc độ.
Tác phẩm về đường phố của Nguyễn Tuấn Khải
Trong nhiếp ảnh, ánh sáng là yếu tố quan trọng, đặc biệt là trong nhiếp ảnh tối giản. Ánh sáng không chỉ là nguồn sáng mà còn là công cụ để tạo ra sự tương phản và định hình không gian bố cục bức ảnh. Bằng cách tinh tế trong việc điều chỉnh, lựa chọn góc nhìn về ánh sáng, hiệu ứng ánh sáng khác nhau như ánh sáng và bóng, ánh sáng và kết cấu… để tạo ra những bức ảnh độc đáo và ấn tượng mang tính nghệ thuật cao.
Để có những bức ảnh tối giản tinh tế cuốn hút người xem, người chụp cần lưu ý điều đầu tiên là bố cục. Bố cục ảnh tối giản cần hạn chế các yếu tố không cần thiết xuất hiện trong khung hình, và lấy khuôn hình sao cho chủ thể nổi bật nhất. Ngoài ra, mảng tối và sáng trong nhiếp ảnh tối giản cũng đóng vai trò quan trọng góp phần tạo nên bố cục tác phẩm tốt. Mảng tối (hoặc sáng) không chỉ dùng để làm nổi bật vật thể, đối tượng cần chụp mà còn là mảng nền, tạo nên không gian có chiều sâu nhằm làm nổi bật các chi tiết khác. Bằng cách sử dụng mảng tối (hoặc sáng) phù hợp, nhiếp ảnh gia có thể tạo ra những bức ảnh có sự đối lập mạnh mẽ giữa sáng và tối, thể hiện được chiều sâu nội hàm của bức ảnh.
Sau bố cục, người chụp cần quan tâm đến yếu tố màu sắc sử dụng trong tác phẩm. Màu sắc là một yếu tố quan trọng trong nhiếp ảnh, nhưng với phong cách tối giản cần hạn chế sử dụng quá nhiều màu tránh rối mắt người xem. Bức ảnh có ít màu và sự tương phản giữa các sắc độ phù hợp sẽ giúp tác phẩm ấn tượng hơn, thể hiện được những ý muốn mà người chụp muốn truyền tải. Việc sử dụng các mảng màu trong bố cục có tính bổ trợ lẫn nhau và sắc độ tương phản hợp lý sẽ giúp tác phẩm ấn tượng hơn. Ngoài việc tìm kiếm những sự tương phản, đậm nét, người chụp cần lưu ý tận dụng các khối hình học trong kiến trúc, môi trường xung quanh đối tượng chụp và tận dụng tốt “không gian dương”, “không gian âm” để tạo ra ảnh phong cách tối giản ấn tượng (Không gian dương là vật thể, đối tượng cần chụp. Không gian âm là những khoảng trống xung quanh đối tượng và vật thể cần chụp). Không gian xung quanh sẽ làm nổi bật chủ thể, vì vậy việc phóng to hoặc cắt bỏ các đối tượng quanh chủ thể là điều cần thiết và có sự cân nhắc hợp lý.
Tác phẩm "Jiangnan" được Bin Zhang chụp bằng điện thoại
Để có bức ảnh tối giản đẹp và ấn tượng, hiện nay không cần phải có những ống kính tốt với khẩu độ lớn để xóa phông; không cần những thân máy đắt tiền để lấy hình thật nét, bởi vì bản thân người chụp ảnh mới là yếu tố quyết định đến chất lượng tác phẩm. Cảm quan thẩm mỹ của người chụp được rèn luyện qua thực tế và qua góc nhìn cá nhân của người chụp giúp cho các tác phẩm trở nên có chiều sâu và ấn tượng với người xem.
Chụp ảnh theo phong cách tối giản là một trong nhiều thể loại sáng tác của nhiếp ảnh, cho phép người chụp tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tinh tế và có chiều sâu, giúp làm nổi bật vẻ đẹp của sự đơn giản trong sinh hoạt nhộn nhịp đời thường. Ngoài những ưu điểm, thì phong cách chụp ảnh tối giản sẽ bị hạn chế ở một số đề tài về các chủ đề phức tạp hoặc đòi hỏi nhiều yếu tố chi tiết như sự kiện thể thao, lễ hội…
Phong cách chụp ảnh tối giản sẽ là sự thách thức cho một số người khi mới bắt đầu tìm hiểu và sáng tác. Bởi vì việc chọn lựa bố cục, màu sắc và sắc độ sẽ là những hạn chế ban đầu khi sáng tác theo phong cách này. Đối với một người yêu thích nhiếp ảnh, thì việc đôi lúc thay đổi linh hoạt giữa các phong cách nhiếp ảnh sẽ giúp người chụp có nhiều không gian sáng tác, có nhiều góc nhìn mới lạ hơn đối với đề tài sáng tác. Tuy nhiên, những hạn chế này không phải lúc nào cũng làm cho nhiếp ảnh tối giản trở nên kém giá trị. Thay vào đó, chúng là những thách thức mà nhiếp ảnh gia tối giản cần đối mặt và tìm cách vượt qua để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và ấn tượng.
Nhiếp ảnh tối giản là một nghệ thuật thú vị, thể hiện được nét tinh tế và phức tạp thông qua sự giản đơn, như một hành trình tìm kiếm và tận hưởng vẻ đẹp bình dị của cuộc sống. Phong cách nhiếp ảnh tối giản cho người xem thấy được “đơn giản là tốt nhất”, và thách thức cả người xem lẫn chính người chụp phải quan sát mọi vật dưới một góc nhìn khác.