Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn hóa quán nhậu

T

ôi không nhớ chính xác hai từ Quán nhậu xuất hiện vào thời gian nào, nhưng chắc chắn là mới gần đây thôi, khoảng trên dưới chục năm. Trước đó chỉ có duy nhất một từ: Nhậu. Ngay cái động từ nhậu thì cũng mới phổ cập ra cả nước từ sau ngày Nam-Bắc thống nhất, bởi đây là cách gọi dân gian đặc biệt của Nam bộ, trước năm 1975 ở miền Bắc không hề có từ này. Ở miền Bắc thủa đó, mời nhau uống rượu, người ta nói rất đơn giản : đến nhà mình làm vài chén! Chén được hiểu là chén rượu, mặc dù ngoài bắc uống trà cũng gọi bằng chén chứ không phải cốc hoặc ly. (Riêng rượu cũng có khi được gọi là ly). Nhậu, ở Nam bộ trước hết phải hiểu là một động từ chỉ cái việc uống rượu. Tuy nhiên nếu ai đó cầm chén rượu lên uống một hơi, hoặc uống trong một cuộc chiêu đãi chính thức nào đó, hoặc như trường hợp một số văn nghệ sĩ lão thành có thói quen vừa suy nghĩ vừa viết, vừa nhâm nhi ly rượu một mình..cho dù họ uống cả ngày hết vài chai rượu thì cái sự uống đó không ai gọi là nhậu. Thực chất nhậu là khái niệm chỉ một cuộc rượu chứ không đơn thuần là cái hành động uống. Trong cuộc uống đó b¾t buộc phải có mấy yếu tố cấu thành. Về vật chất một là rượu, hai là những món dùng để nhấm (còn gọi là mồi). Như vậy loại thức ăn này không phải là vật chất chính, không thể thay thế cho một bữa cơm, mà chỉ để mồi, tức là thứ dắt dẫn rượu. Về tinh thần thì cuộc nhậu phải là sự hội ngộ của những người bạn. có khi là tri âm tri kỷ, có khi là đồng hương đồng môn, có khi là những kẻ cùng cảnh ngộ..v..v..Dù thế nào thì bạn nhậu phải là những người có thể thổ lộ tâm sự với nhau, không thể là loại ngồi với nhau mà không biết nói gì. Cổ nhân Trung Hoa có câu: Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu/ Ngôn bất đồng tâm bán cú đaNghĩa là, rượu gặp tri âm nghìn chén còn ít, lời nói không có sự đồng tâm thì nửa câu đã là nhiều. Xét như vậy mới thấy khái niệm nhậu hoặc cuộc nhậu, gốc gác của nó là một phạm trù văn hoá, là một sinh hoạt tinh thần hơn là sinh hoạt vật chất. Vì thế mặc dù hình thức bên ngoài là vật thể (rượu và thức ăn), nhưng thực ra giá trị lưu truyền của nó là phi vật thể. Việc uống chỉ còn là một hành vi trong cuộc rượu, rồi cuộc rượu chỉ là cái cớ cho một cuộc hàn huyên tâm sự. Mà giao hoà tâm sự là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống loài người. Điều này giải thích vì sao nó lại có sức lan toả nhanh và rộng như vậy, lại tồn tại dai dẳng đến thế.

Với cái gốc gác cội nguồn như vậy, cuộc nhậu không phải sinh ra từ nơi quán xá. Quán là một tụ điểm công cộng, nhiều kẻ xa lạ tới lui, là nơi để cho chủ quán hoạt đông kinh doanh thu lời. Quán không thể là chốn tri âm tri kỷ gặp nhau dốc bầu tâm sự. Tập quán Nam bộ trước đây, cuộc nhậu được tổ chức chủ yếu tại nhà riêng của một trong số bạn nhậu. Bạn bè kéo đến và ngồi với nhau ê a có khi suốt cả ngày sang đêm, thật thong thả và an nhàn. Vì thế mới có thêm cụm từ nhậu lai rai. Nhậu đến mức say mèm thì cùng lăn ra ngủ, bao giờ tỉnh mới về. Nhiều nhà Văn hoá học giải thích hiện tượng này là do ®Æc điểm của cư dân Nam bộ, một cộng đồng li hương đi khai phá một miền quê xa thăm thẳm, trong tâm thức họ luôn canh cánh một nỗi buồn đồng vọng quê xưa, luôn khát khao những cuộc hội ngộ để giải toả nỗi cô ®ơn. Lại thêm cung cách kiếm sống của một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nên thời gian nhàn rỗi rất nhiều. Vì vậy những cuộc nhậu thật sự là một sinh hoạt văn hoá, là tiếng chim gọi đàn theo đúng nghĩa đen của khái niệm này.

Sở dĩ tôi lạm bàn khá dµi dòng về chuyện này trong lúc tôi không phải là nhà Văn hoá học hay Dân tộc học, bởi tôi thấy sự biến tướng của các cuộc nhậu thời nay thật sự đáng phải bàn, lại sợ ai đó cho rằng tôi không hiểu gì nét đẹp của văn hoá nhậu, hoặc vì không biết nhậu nên mới dị ứng với nó. Tôi nói dài dòng đoạn trên để khẳng định rằng, bản chất và gốc gác của cuộc nhậu như người dân Nam bộ đã ứng xử từ xa xưa là bản sắc văn hoá rất đặc trưng của một vùng đất. Chúng ta cần hiểu nó và tôn trọng nó. Nhưng than ôi, cái sự biến dạng hôm nay của văn hóa nhậu không những hủy hoại bản sắc vốn có của nó mà còn đẻ ra vô vàn những hậu quả xã hội, không những tàn phá sức sống của thế hệ hiện tại mà đang để lại những di họa khôn lường cho thế hệ sau, không những xóa tan vẻ đẹp của một sinh hoạt tinh thần mà còn bị lợi dụng cho những s¾c màu vụ lợi chính trị hoặc tội phạm kinh tế, tệ nạn xã hội. Khoan vội cho rằng tôi đã quá thổi phồng vấn đề, hãy tỉnh táo nhìn thẳng vào thực trạng.

Sự biến tướng các cuộc nhậu có thể gói gọn lại trong các phạm vi sau :

- Nguyên cớ các cuộc nhậu: Bây giờ thì rất hiếm hoi những bữa nhậu thật sự tri âm tri kû. Mà cũng có thể nói thời buổi hôm nay có vẻ như không còn khái niệm tri âm tri kỷ nữa. Nguyên cớ có cuộc nhậu ta thường gặp như sau . Một là cái đuôi của những tiệc lớn như cưới hỏi, sinh nhật..Sau khi đã ê chề cơm rượu trong tiệc chính rồi, thay vì nói lời chào lịch sự với chủ lễ và khách khứa để ra về thì một nhóm lại ngồi lại, cũng chẳng câu nệ bạn bè hay xa lạ, ai máu me cứ ngồi, thả cửa gọi rượu bia, nếu nhà hàng bận dọn tiệc khác thì kéo nhau về nhà khổ chủ hoặc một nơi nào đó ngồi cho đến khi bò lê bò lết mới thôi. Hai là những cuộc tiếp khách mang tính vụ lợi. Kiểu tiếp này không diễn ra theo thông lệ xã giao mà theo kiểu dốc hết lòng, chơi sang hết cỡ để đặt khách vào thế bị “đấm mõm”. Ba là những cuộc tính kế bàn mưu của một phe cánh, một nhóm người lấy cuộc nhậu làm nơi tập hợp lực lượng để tÝnh kế làm ăn hay sắp đặt chuyện gì đó. Tất nhiên không phải mọi cuộc nhậu đều nghiêm trọng như vậy. Vẫn còn một số lý do nhẹ nhàng hơn, ví dụ nhiều b¹n trẻ cứ thích lang thang, rủ rê bất kỳ ai để nhậu. Đấy là loại trẻ lười biếng buông thả rất dễ dẫn đến sai lầm. Một số cán bộ, công chức cũng có thói quen sau giờ làm việc là thả lỏng, lang thang có khi quá nửa đêm vẫn chưa về nhà. Lý do các cuộc nhậu còn nhiều nữa, người ta bịa ra vô vàn nguyên cớ để “rửa”. Mua chiếc xe mới, rửa. Lên một bậc lương, rửa. Thậm chí mới may thêm chiếc áo cũng phải rửa. Tôi thấy có một số đơn vị của một số ngành, bất kì cuộc họp nào, dù họp toàn đơn vị, họp bộ phận, họp công đoàn, thậm chí họp tổ đảng xong thì nhất quyết phải nhậu... Ai không tham gia coi như lạc ra ngoài ê kíp, hoặc thiếu tính hoà đồng, tính quần chúng. Ai không “trăm phần trăm” là loại yếu kém, hoặc không đáng tin cậy.

- Một biến tướng khác rất đáng quan ngại là các cuộc nhậu hiện nay hầu như không tổ chức ở nhà mà ở quán. Lý do lúc đầu rất đơn giản, ở nhà không ai phục vụ, không thật thoải mái, không xả láng được. Và thế là cái cụm từ quán nhậu ra đời. Quán ở đây không thật đúng nghĩa đen của nó, có khi là một quán cóc liêu xiêu, có khi là một cửa hàng đặc sản, mà cũng có thể là một gian kín riêng biệt trong khách sạn lớn. Đôi khi đó chỉ là vỉa hè ở hẽm phố hẻo lánh, hoặc một khu bia hơi mênh mông chen chúc kín mít người. Không gian đã thay đổi thì tính chất cũng đổi thay theo. Thay vì những lời tâm sự thổ lộ can trường là những lời gào thét, những tiếng hô đồng thanh, những vung tay múa chân, những tuyên bố hùng hồn về đủ mọi thứ bất chấp xung quanh đang có những ai y như câu nói trong truyện cổ người Trung Hoa “xông xáo như chỗ không người”.

Với hai sự biến tướng cơ bản như vậy, những cuộc nhậu thời nay đa phần đã không còn là một nét riêng trong đời sống văn hoá nữa mà thật sự đã trở thành nỗi lo thường trực của người thân, của cộng đồng và của xã hội.

Tôi không phải bác sĩ để phân tích tác hại của việc uống quá nhiều rượu. Tôi chỉ thấy nhãn tiền là những người nghiện ngập đến mức lúc nào cũng say thì chỉ cần bước qua tuổi trung niên là hàng loạt vấn đề về sức khoẻ và trí tuệ đã bộc lộ rõ rệt. Ngoài những triệu chứng về tim mạch, huyết áp, tay chân run rẩy, thì việc trí óc thiếu minh mẫn, không còn sáng suốt là điều chắc chắn không tránh khỏi. Tuy nhiên, trong bài nhàn ®µm này, tôi không bàn đÕn vấn đề sức khoẻ cá nhân mà muốn lưu tâm đến những mối nguy hại xã hội. Có thể tóm tắt mấy hiểm hoạ thường nhật do các cuộc nhậu gây ra như sau:

- Thấy rõ trước mắt là tai nạn giao thông. Nhà nước ta đã tốn rất nhiều tỉ đồng để giải quyết vấn nạn này. Tuy nhiên, trong hàng chục nguyên nhân gây tai nạn thì nguyên nhân số một là rượu lại gần như không ai có giải pháp gì cả.

- Tạo nên cả một xã hội lêu lỏng. Trẻ con lêu lỏng bỏ học bỏ làm, cả người lớn, cán bộ công chức cũng thích lang thang hơn là ngồi nghiêm chỉnh tại công sở.

- Văn hoá gia đình bị tổn thương. Những cuộc nhậu đã kéo những đứa con, những ông chồng, ông bố xa dần những bữa cơm, những cuộc hội ngé trong các gia đình. Và thế là rạn nứt hạnh phúc xuất hiện, ông bà cha mẹ cũng thiếu hẳn cơ hội để giáo dôc, truyền dạy con cháu. Cái tế bào cơ bản của xã héi thường trực nguy cơ bị phá vỡ.

- Còn một điều này nữa, các vị quan chức lúc “vông” lên không cần biết đây là đâu, không cần để tâm xung quanh có những ai đang nhìn thấy mình, cứ huênh hoang đủ thứ chuyện kể cả những công việc có tính nguyên tắc của tổ chức, không thèm giữ thể diện “quốc gia - quan trên trông xuống người ta trông vào”. Họ cứ hò hét ép nhau uống cho đến lúc ríu cả lưỡi. Thưa các quý vị, tôi thử đưa ra một giả thiết thế này, sáng hôm sau, một trong số các vị đó đăng đàn diễn thuyết về đạo đức Bác Hồ, kêu gọi cần, kiệm, liêm, chính..Và trong số người nghe lại có mấy người hôm qua được mục kích nhìn thấy quý vị gào thét và say mèm nơi quán nhậu thì họ nghĩ sao?

- Đấy là chưa kể đến những nội dung khác được đưa ra oang oang chốn quán xá đã tạo nên bè cánh, mất đoàn kết nội bộ, những thông tin tam sao thất bản rất nguy hiểm trong xã hội...

Rượu là tinh chất của ngũ cốc. Chén rượu trong hội ngộ là một phát minh kỳ diệu của con người, bao nhiêu thi ca đã tôn vinh chén rượu như là sự thăng hoa huyền ảo của trần thế. Xin đừng làm ố mờ cái lung linh huyền diệu của nó vì cách sống bụi bặm thời nay.

Tôi biết chắc sẽ có không ít người không thích bài viết này. Thì thôi, để vui vẻ cả làng, tôi xin hiến tặng một bài thơ vui. Bài thơ làm nơi quán nhậu.

 

    Thơ làm nơi quán nhậu

 

Mặt đỏ phừng phừng tay vung tay

Bất phân già trẻ mày chúng mày

Anh hùng đâu dễ chia cao thấp

Thế sự vơi đầy say thật say

 

Đổ nước nghiêng thành, “dô” cứ “dô”

Áo mũ xênh xang, rồ phát rồ

Nghĩa cả mười phương lòng đem trải

Một tấc đến giời chí lớn phô

 

Vì nước xông lên “trăm phần trăm”

Vì dân dẫu chết, nhằm ăn nhằm...

- Ể bé đánh giày, đi chỗ khác

Chốn này đâu phải chỗ mày măm !

 

                                                                                                       11/2007

                                             X.Đ

 

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 161 tháng 02/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

12 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

13 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground