Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bạn tôi nằm ở Mỹ Chánh

 

Một hôm tôi gọi điện cho nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt là lính xe tăng lữ 203. Biết bạn đang ở cầu Bến Đá gần tới sông Mỹ Chánh. Trời nắng nóng quá Nguyệt ơi! Hà Nội những 40 độ, trong ấy thế nào? Nguyệt bảo Quảng Trị vẫn cái nắng như hơn bốn mươi năm trước. Mình vụt nhớ về cái nắng Triệu Phong, Hải Lăng trên trời, cái nóng lửa đạn và bom dưới đất, cái chói chang của cát bỏng mùa hè, lửa đạn tóe lên tan bùng những cánh hoa phượng tháng 5 dọc đường quân ta đẩy địch từ Dốc Miếu đến bờ sông Mỹ Chánh. Bốn mươi người lính xe tăng tuổi hai mươi nằm lại Hải Lăng mùa hè 72 trong một trận đối tăng ngột ngạt cuối đợt tấn công giải phóng Quảng Trị.

Tôi nhớ đến bạn thân của tôi cũng hi sinh bên bờ Mỹ Chánh tháng 5 năm ấy. Ba ngày nữa đến ngày giỗ bạn tôi rồi - Nguyễn Tiến Thường sinh viên năm thứ 2 Nga Văn Đại học Ngoại ngữ Hà Nội - hi sinh 20/5/1972…

Những ngày hè năm 1971, quê tôi vỡ đê sông Hồng. Làng tôi chìm trong nước đỏ mênh mông. Hai tuần nghỉ ở nhà, tôi và Thường chèo thuyền ve ve cả đêm. Sau lụt, trăng thường rất sáng. Chúng tôi nằm ghếch trên thuyền mơ ước đủ thứ chuyện trên đời. Tối ấy đột nhiên nó bảo thôi mày về đi tao chèo thuyền sang xóm Dậm rủ con bé Mũm đi chơi. Eo ơi! Mày rủ con bé mới mười sáu tuổi hả? Nó cười khanh khách thế mày nghĩ mình nhiều tuổi hơn nó đấy à? Mười sáu mà nó còn khôn hơn tao và mày mười chín đấy. Rồi nó khỏa mái chèo đi, những mảnh trăng vỡ tan lõm tõm theo tiếng nó cười…

Chiều hôm sau nó bơi thuyền vào nhà tôi. Nắng hắt ánh vàng trên tán cọ. Vào sân nó nói ngay: Tao đi rồi mày ạ! Tôi hỏi có giấy à? Ừ vừa báo về trưa nay. Hai đứa nhìn nhau như thấu hiểu chuyện này sẽ phải đến. Hôm mới về hè cả hai đứa tôi đều đã khám nghĩa vụ. Cả hai thằng đều bâng khuâng nghĩ rồi một lúc nào đó mình sẽ ra đi, mình sẽ gửi sách bút lại trường để đi về nơi lửa khói. Đột nhiên nó bảo tối qua tao bơi thuyền đưa con Mũm lên gò cọ đầm Cả. Mày không biết đâu, trăng sáng đến nỗi tao đếm được cả lông tơ trên ngực nó. Đồ nói phét! Hai thằng cười ngất. Hôm sau nó đi bằng thuyền nan xuống đến Ấm Thượng rồi đi bộ ra đường 70 bắt xe ô tô về Hà Nội. Nước lụt vẫn cứ mênh mang như cũ. Hằng đêm tôi vắng nó. Nghe tiếng sáo véo von của mấy thằng xóm Dậm lại nhớ những ngày đã qua lênh đênh cùng nó, lại nhớ cái chuyện nó và cái Mũm trên gò cọ đêm trăng…

Thời ấy dân Đại học Ngoại ngữ đều biết cái tên Nguyễn Tiến Thường khoa Nga vì nó học rất giỏi. Nó cũng rất giỏi tiếng Pháp. Những ngày hè cuối cùng, ngồi trên thuyền nó đọc Vích-to Huy-gô bằng tiếng Pháp rồi giảng giải cho tôi nghe. Cái thứ âm thanh tiếng Pháp sao mà quyến rũ thế. Bây giờ nó đi rồi, giọng đọc tiếng Pháp lan man trên mặt nước vẫn như đâu đây. Rồi vài tháng sau tôi cũng lên đường nhập ngũ. Làng tôi có bao nhiêu thằng vào được đại học thì bấy nhiêu thằng lên đường vào Nam chiến đấu. Tôi chỉ nhận được một lá thư của nó cuối năm 1971 nói là sắp đi B. Nó bảo, đi vào trong ấy nhớ quê mình đầy mít và quýt ngọt, gái quê mình ngon mà mãnh liệt lắm mày ạ. Thế rồi biệt tin nhau.

Tôi trở về làng sau bốn năm những là bom, là đạn, là phiêu bạt... Tôi từ Tây Nguyên tiến tới Sài Gòn. Về đến đầu làng nhìn thấy tôi là người làng đã nói: Anh về rồi đấy à, anh Thường thì hy sinh ở Quảng Trị rồi anh ạ. Mùa đông năm ấy, tôi ra cánh đồng ngô đang trổ cờ nhìn sang xóm Dậm nhớ đêm vỡ đê trăng sáng như ngọc trên mặt nước và tiếng khỏa lõm tõm mái chèo của thằng Thường đi tìm cái An. Bao năm, chúng tôi và gia đình Thường kiếm tìm mà vẫn chưa biết được nó nằm đâu. Mãi tới năm 2008, tình cờ đọc trên Báo Quân đội nhân dân có thằng Thực cùng lớp nó viết cái tin bị thương cùng với Thường. Thế là tìm thằng Thực. Tìm được rồi càng thất vọng. Ngày 19/5/1972, D9 E66 F304 của chúng nó qua sông Mỹ Chánh lập trận địa chống chiến dịch tái chiếm Quảng Trị. Sáng ấy, hầu hết số bộ đội lập trận địa nam sông Mỹ Chánh đều hy sinh vì một trận đánh rất nhiều thiết giáp cùng thủy quân lục chiến tấn công. Thường ơi, thương mày quá, mày hy sinh vào đúng sinh nhật lần thứ 20 của mày. Mấy chục năm sau, bố Thường mất rồi, mẹ nó vẫn canh cánh nỗi niềm đi tìm nó. Hè năm 2012, em trai Thường là một tiến sĩ ở Hà Nội gọi tôi: Em đưa mẹ vào sông Mỹ Chánh dịp 20/5 thắp hương cho anh Thường em. Anh đi được không? Tôi buồn, em ơi anh đang huyết áp không đi được. Ở nhà vẫn nghe điện thoại chú em ấy gọi về. Anh ơi, em và mẹ em ra chỗ cánh đồng anh Thường em đánh nhau và hy sinh. Mẹ em đang ngồi ở đây, đang khóc anh Thường. Tôi bảo: Nắng quá em cẩn thận cho mẹ. Hôm ấy cũng là 20/5 - ngày sinh, cũng là ngày hy sinh của Thường…

Cái ngày 20/5 của bốn mươi năm sau mẹ mới tìm về bên con. Trước mắt tôi, người mẹ già ngồi trên bờ sông Mỹ Chánh, nơi đấy có xương máu của con trai mình, nơi ấy có khúc ruột của bà tan vào đất, nơi ấy lúa và ngô đang xanh còn con bà thì hóa thành đất nâu tan vào gió, vào sông, vào cây trái vùng Quảng Trị này. Tôi ngồi nhà viết bài thơ tặng mẹ bạn mình mà nước mắt thì lã chã… Mẹ đi với các bạn con / Qua chang chang nắng qua cồn cát trưa / Hải Lăng có giống ngày xưa? / Xanh xanh là lúa là ngô ngút đồng / Lưng còng lội ruộng, lội sông / Mẹ tìm về chỗ con nằm Thường ơi / Thịt xương con ở đây rồi / Mép sông mẹ lại đến ngồi bên con / À ơi con ngủ cho ngoan / Cái cò mải cánh bay sang Phong Điền / Mẹ ngồi che nắng cho con / Đất nâu xương thịt con còn đâu đây / À ơi con ngủ cho say / Mẹ nâng nắm đất trên tay ra về / Lưng còng xiêu dưới bờ tre / À ơi mẹ bế con về quê hương…

N.T.L

NGUYỄN TRỌNG LUÂN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 310

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground