Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đakrông - xứ của đại bàng

Đakrông, miệt đất nối liền mạch những vùng đồi bán sơn địa của Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong lên với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ phía tây Quảng Trị. Trước ngày 17 tháng 2 năm 1996, địa danh Đakrông chỉ là tên một xã miền núi không hề có chút ấn tượng gì khác lạ để người khác chú ý. Cái tên Đakrông chỉ được nhắc tới khi người ta gọi tên một con sông lớn được hợp lưu với nhiều nhánh suối và sông nhỏ từ Trường Sơn xuôi về phía biển. Sau ngày miền Nam giải phóng có thêm cái tên cầu treo Đakrông. Đây là chiếc cầu nằm ở ngã ba đường Chín và đường Trường Sơn từ miền Bắc chạy vào Tây Nguyên. Thời kháng chiến, cầu này chỉ là cầu tạm, dã chiến nên hầu như chẳng mấy ai nhắc tới tên của nó. Nhưng khi hết bom đạn, nước bạn Cu Ba đã giúp ta xây nên chiếc cầu dây treo tương đối bền vững và đẹp mắt. Sau một cơn lũ, cầu bị cuốn sập. Năm 2000, tỉnh Quảng Trị đã xây lại cầu mới, cũng theo mẫu dây treo nhưng đã khá hiện đại và vòm giây treo được thiết kế có tính mỹ thuật cao hơn. Từ đó tên cầu treo Đakrông trở thành một danh thắng đáng kể của vùng đất này.

Tuy nhiên, nếu nói là ấn tượng nhất có lẽ là một cái tên khác. Đấy là địa danh Krông Klang.

Trong 10 huyện, thị, thành của tỉnh Quảng Trị, ngoại trừ huyện đảo Cồn Cỏ nhỏ bé được hình thành do nhu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo nên không có thị trấn huyện lỵ, còn lại các đơn vị hành chính khác, dù phải trải qua rất nhiều sự biến thiên lịch sử, sáp nhập rồi chia tách liên tục, dẫu vậy các trung tâm của 8 huyện thị vẫn giữ được những tên tuổi từ thủa xa xưa. Đấy là thị trấn Hồ Xá, thị trấn Gio Linh, thị trấn Ái Tử, Thành Cổ Quảng Trị, thị trấn Cam Lộ, thị trấn Hải Lăng và thành phố Đông Hà. Duy nhất có Đakrông, không những tên huyện mới toanh mà cả tên thị trấn huyện lị cũng quá mới và lạ.

Ngày 17 tháng 2 năm 1996, huyện Đakrông được thành lập trên cơ sở hợp thành một số vùng đất của Hướng Hóa và Triệu Phong. Nhưng mãi tới ngày 2 tháng 1 năm 2004, thị trấn huyện lỵ của Đakrông mới ra đời và có tên chính thức: Krông Klang. Dân Đakrông đa phần là dân tộc Bru - Vân Kiều và Pa Cô, thuộc ngữ hệ Môn-Khmer, và trong tiếng Việt cổ thì Krông nghĩa là sông, còn Klang là chim đại bàng. Khi nghe đặt cái tên khá lạ cho thị trấn huyện lỵ, tôi có hỏi anh Hồ Bân, lúc đấy là Bí thư Huyện ủy, anh Bân cho biết, sông Đakrông đoạn đi qua thị trấn thường có rất nhiều chim đại bàng trú ngụ. Nhiều buổi chiều đại bàng rạp xuống dày cả một đoạn sông. Người dân ở đây đã rất quen thuộc với những con chim thân to, cánh rộng này và họ coi đó chính là biểu tượng đáng tự hào của mình.

*

Gần đây trong trào lưu các tỉnh thành cả nước đang làm hết sức để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và thế giới về với địa phương mình, hầu mong tạo nên cơ hội bật dậy, cất cánh, thì xuất hiện một khái niệm đại bàng tới làm tổ. Hiểu một cách đơn giản tức là phải kêu gọi bằng được những nhà đầu tư có tiềm lực lớn, những dự án có vốn nhiều ngàn tỉ đồng. Quảng Trị là địa phương có nhiều khó khăn, bất lợi về địa lý nên phải chịu quá nhiều thua thiệt trong năng lực cạnh tranh. Mà trong tỉnh Quảng Trị có lẽ Đakrông lại là địa bàn khó khăn nhất. Bởi thế nên cho tới tận hôm nay, đã hơn 30 năm tái lập tỉnh, mặc dù chúng ta cũng đã cố gắng rất nhiều, lao tâm lao lực rất nhiều và nếu so với chính mình cũng đã có những thành quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, có một sự thật là Quảng Trị vẫn chưa thể kêu gọi được một nhà đầu tư nào đáng gọi là “đại bàng”. Đakrông lại càng không. Với cá nhân tôi đấy là một điều thật sự day dứt. Một câu hỏi thường trực vang lên, có phải đất này không thể và không bao giờ tạo ra được những chiếc tổ đủ tầm vóc cho một con đại bàng nào đó tới sinh nở? Và mỗi lần như thế, cái tên Klang bất ngờ trỗi dậy. Klang - vùng đất của đại bàng kia mà. Đương nhiên con đại bàng ở sông Đakrông là con chim thật, là đại bàng của thiên nhiên chứ không phải biểu tượng ẩn dụ niềm khát khao của con người. Nhưng lẽ nào giữa hai khái niệm này không hề có sự liên tưởng? Trong phạm vi bài viết ngắn này, tôi xin dẫn ra hai địa chỉ, cũng là hai tiềm năng trên đất Đakrông, vùng đất được coi là khó khăn nhất của Quảng Trị, để thử xem có đủ những yếu tố xây tổ cho đại bàng không?

Địa chỉ thứ nhất là: những mạch nước nóng dày đặc và có thể nói là vô tận ngay dưới lòng đất của thị trấn Krông Klang.

Như chúng ta đều biết, xu hướng chung của sự phát triển kinh tế thế giới hiện nay là ngày càng nghiêng hẳn về tăng trưởng xanh, là sự tăng trưởng bền vững gắn chặt với bảo vệ sự xanh, sạch của môi trường sống. Một trong những sự lựa chọn phát triển xanh sạch ấy là kinh tế du lịch, được gọi là ngành công nghiệp không khói được ưu tiên hàng đầu. Mà trong các sản phẩm du lịch thì du lịch sinh thái và du lịch văn hóa là nền tảng bền vững và quan trọng nhất. Một trong những tài nguyên quý hiếm có thể tạo ra được sản phẩm du lịch sinh thái bền vững và hấp dẫn chính là các suối nước ngầm nóng. Đây là một tài nguyên cực quý và cực hiếm, là báu vật thiên nhiên ban tặng, mà không phải địa phương nào, vùng đất nào cũng có thể bắt gặp. Những mạch nước nóng phát lộ sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch đa chức năng, vừa sinh thái vừa chữa bệnh. Ngay vùng đất Nha Trang vốn đã có tiềm năng biển được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, hàng năm đã thu hút nhiều triệu khách trong nước và quốc tế, thế nhưng khi tìm thấy nguồn nước nóng thì họ đã sung sướng như tìm được mỏ vàng và lập tức có nhà đầu tư bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để tạo nên một sản phẩm mới đặc sắc hứa hẹn đưa Nha Trang thành điểm đến hấp dẫn nhất của mọi bãi biển trên đất nước Việt Nam.

Ấy vậy mà ở vùng đồi núi Đakrông của chúng ta, mạch nước nóng có thể nói là tràn đầy và thừa thãi. Có lẽ nhiều người chỉ mới biết đến suối nước nóng Kalu, ngay sát đầu cầu treo Đakrông. Mọi người biết vì hiện tại đã có chút đầu tư cấp thôn để biến suối Kalu trở thành điểm đón khách du lịch. Tuy nhiên nếu chỉ đầu tư như thế thì may lắm có vài con chim sẻ tới đậu chứ làm sao có được đại bàng? Tôi sẽ trở lại chuyện này ở đoạn sau. Bản thân tôi là người đã trực tiếp đi khảo sát suối Kalu cách đây hơn 20 năm. Nhưng tôi không chỉ khảo sát ở con suối có dòng nước nóng đã phát lộ rõ ràng, mà còn lần mò dọc theo bờ phía nam con sông Đakrông và bất ngờ phát hiện ra vô vàn những mạch nước ngầm nóng khác từ trong lòng đồi chảy ra sông. Không phải chỉ một, hai mà có tới hàng mấy chục mạch nước nóng suốt một chiều dọc hàng cây số bên bờ sông. Tôi dám chắc chắn rằng, ít nhất là toàn bộ vùng đồi phía nam của sông Đakrông đều trầm tích một vỉa nước nóng khổng lồ hàng trăm độ. Hèn gì mà cái thị trấn này thường xuyên có nhiệt độ cao, khá oi nực.

Tài nguyên lớn như vậy nhưng tại sao vẫn chưa có nhà đầu tư dự án du lịch tầm cỡ nào đặt chân đến? Cũng có thể đã có người đến nhưng sau đó lại bỏ đi. Ngay ở con suối Kalu, mạch nước nóng đã hiện hữu rõ ràng như thế nhưng vẫn chỉ là người dân của thôn tự động lấy đá chèn lại tạo thành vũng để tắm, cũng có làm thêm con đường nhỏ dẫn xuống suối và bên trên có một bãi đỗ xe, một nhà hàng ăn uống đơn sơ và hệ quả tất yếu là hàng ngày chỉ có lưa thưa dăm ba khách viếng tới?

Hãy hình dung một cơ sở tắm nước nóng được coi là sản phẩm du lịch hoàn hảo sẽ phải như thế nào? Nếu ai từng đi nghỉ dưỡng những suối nước nóng như Kim Bôi, suối Bang hay cơ sở gần Quảng Trị nhất là Thanh Tân của Thừa Thiên Huế sẽ thấy rõ, du khách không thể đến đó chỉ để được nhúng mình xuống một lòng khe nhỏ rồi lên. Khái niệm tắm của hoạt động du lịch nghỉ dưỡng nó cao hơn nhiều khái niệm tắm đơn thuần. Và đối tượng khách tắm cũng đa dạng. Tắm tập thể, tắm gia đình, tắm từng đôi lứa riêng biệt. Ngoài tắm (nghĩa là ngâm mình trong nước nóng) du khách còn được xả hơi với những dịch vụ xoa bóp, được ăn uống, thưởng ngoạn phong cảnh và đặc biệt là được ăn ngủ, nghỉ ngơi nhiều ngày để tắm nhiều lần. Muốn vậy, khu tắm nước nóng phải là một khu đất lớn, bằng phẳng đảm bảo có nhiều nhà hàng, nhà nghỉ và những dịch vụ khác. Riêng chuyện tắm nước nóng cũng phải rất đa dạng. Nước nóng phải được dẫn vào nhiều tiểu khu khác nhau, chỗ là một bể lớn có thể tắm được nhiều người, chỗ là những bể nhỏ nằm riêng tương đối kín đáo cho những lứa đôi cùng ngâm mình tình tự, có thể có bể lớn được tạo sóng và đấm bóp, vân vân… Nói tóm lại, điều quan trọng số một đấy là làm sao để nhà đầu tư có thể dẫn nguồn nước nóng đi tới nhiều nơi khác nhau trong một khuôn viên rộng tạo nên nhiều kiểu phục vụ tắm khác nhau. Nhưng ở suối Kalu, yếu điểm rất căn bản là mạch nước nóng lộ ra ở dưới lòng sâu của con suối, hai bên bờ suối là vách đá cao ngất. Với một cốt âm sâu như thế, người ta không thể dẫn dòng nước đi lên mặt bằng trên đồi cao. Còn những mạch nước nóng hai bờ sông Đakrông mà tôi có nhắc đến ở trên cũng như vậy, đều ở ngang đáy sông, trong lúc đó mặt bằng có thể tạo được không gian rộng cho những dịch vụ tắm lại chỉ có thể xây dựng trên vùng đồi có bình độ cao hàng mấy chục mét. Đấy chính là yếu điểm chết người của nguồn nước nóng Đakrông khiến nhà đầu tư nản lòng.

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư thật sự là đại bàng thì yếu điểm đó không phải không thể khắc phục. Với công nghệ hiện đại, người ta có thể thăm dò để biết chỗ nào có được trữ lượng nước nóng lớn nhất, rồi dùng khoan chọc thẳng xuống, tiếp đến là bơm đưa nước lên bể cao, từ đó dẫn nước về những địa chỉ có các loại bể tắm như ý muốn. Nếu tỉnh Quảng Trị hoặc huyện Đakrông đầu tư một khoản ngân sách thăm dò trữ lượng, xác định được địa chỉ có thể đặt bơm, sau đó đưa ra đề bài mời gọi rõ ràng thì tôi tin sẽ có đại bàng bay về làm tổ.

Địa chỉ thứ hai: đấy là lòng chảo Ba Lòng. Đây là vùng đất thuộc ba xã Ba Lòng, Hải Phúc và Triệu Nguyên của huyện Triệu Phong cũ (Hiện tại thì xã Hải Phúc đã sáp nhập với xã Ba Lòng). Nếu so với toàn bộ diện tích tự nhiên của Đakrông thì lòng chảo Ba Lòng có một đặc điểm sinh thái hoàn toàn khác. Nếu tất cả diện tích khác của Đakrông là đồi và núi cao hiểm trở thì duy nhất Ba Lòng là một bình nguyên cực kì bằng phẳng. Nếu tất cả những nơi khác là đất sỏi và đá thì Ba Lòng lại là đất phù sa màu mỡ. Ngay cả sông suối cũng khác. Con sông lớn Đakrông là sông dữ, mùa khô nước cạn tới tận đáy, nhưng đến mùa lũ thì dòng nước lại ngập tràn, hung dữ, đã từng cuốn phăng cả chiếc cầu treo Đakrông. Nhưng khi về hạ lưu, qua địa phận Ba Lòng, với mặt đất bằng phẳng, bình độ bãi bồi chỉ 25 mét so với mặt biển, con nước trở nên hiền hòa, êm dịu như những con sông quê khác. Và khi sông đã dịu dàng, êm xuôi thì phù sa suốt đời sẽ miệt mài bồi đắp làm nên một thung lũng mỡ màu. Tôi đã nhiều lần sững sờ ngắm những nương bắp, những bãi đậu tươi tốt dọc hai bờ sông. Rồi những đàn trâu béo mọng nối nhau bơi qua bơi lại hai bờ sông. Thung lũng Ba Lòng được vây bọc bằng những vòng cung núi gần như khép kín, mây mù mờ ảo, tạo nên sự huyền bí của một chiến khu xưa. Thời kháng chiến, cả chống Pháp lẫn chống Mỹ, đất Ba Lòng gần như bị cắt đứt mọi liên lạc với đồng bằng. Đường vào Ba Lòng duy nhất chỉ đi bằng đò trên sông. Bởi vậy, mặc dù cả Pháp lẫn Mỹ biết rõ nơi đây là chiến khu kháng chiến nhưng đành bất lực. Khi quê hương đã được giải phóng, nhưng vì điều kiện còn khó khăn chưa giải quyết được giao thông nên ba xã trong lòng chảo này vẫn phải chịu cảnh sống tự cung tự cấp. Và cũng vì thế, người dân các nơi, kể cả những nhà đầu tư hầu như chưa ai quan tâm tới tiềm năng của vùng đất này. Nhưng nay đã khác hẳn. Ngoài con sông Ba Lòng với những chuyến đò chạy máy vừa đảm nhận chức năng lưu thông vừa có thể làm dịch vụ du lịch sông nước thì Quảng Trị cũng đã đầu tư tuyến đường bộ rải nhựa chạy thẳng từ thị trấn Krông Klang vào tận trung tâm Ba Lòng. Như thế tức là Ba Lòng đã sẵn sàng đón đại bàng lớn đến làm tổ. Câu hỏi là, đầu tư vào thung lũng này là loại đại bàng gì? Với góc nhìn của riêng tôi, xin được nêu lên một vài suy nghĩ. Thế mạnh nhất của thung lũng này chính là chăn nuôi và trồng trọt. Nói đến chăn nuôi, một địa thế khép kín, Ba Lòng hoàn toàn có thể cách li tốt nhất với mọi loại dịch bệnh truyền nhiễm. Một vùng bãi bồi màu mỡ hai bờ sông, sẽ vô cùng thuận lợi để tạo nên những vùng thức ăn cho gia súc. Nếu biến Ba Lòng thành trang trại bò sữa lớn thì không hề thua kém gì những vùng chăn nuôi bò lớn như Mộc Châu… Nếu không nuôi bò lấy sữa thì nuôi trâu bò lấy thịt cũng sẽ là một nguồn thu lớn. Về trồng trọt, ngoài những đặc sản mà người dân ở đây đã quen trồng bấy lâu như bắp, đậu, lạc, có thể đầu tư những trang trại dược liệu lớn…

Người ta vẫn hay nói, nhà văn mà bàn dự án kinh tế thì chỉ là những dự án của một tâm hồn đa cảm. Có thể như thế. Nhưng, cứ mỗi dịp lên Đakrông, được ngâm mình dưới con suối nước nóng Kalu, hoặc vào Ba Lòng nằm ngửa trên khoang con đò chạy êm giữa hai triền núi thẳm, hai bên bờ là những mảnh làng trù phú mươn mướt màu xanh, làm sao tâm hồn không đa cảm được? Và cứ nhìn những người dân Pa Cô, Bru - Vân Kiều, những người dân mang họ Bác, suốt cuộc đời trung thành với cách mạng mà nay vẫn còn chịu nhiều gian khổ, vẫn chưa thật sự vươn cao bằng chị bằng em, trong lòng không trĩu nặng sự đa cảm được sao?

  

                                                  Đakrông tháng 6 năm 2020

                                                                          X.Đ

 

_______________

(*) Bài viết được tác giả hoàn thiện 4 tiếng trước khi đột ngột qua đời ngày 20/6/2020. 

XUÂN ĐỨC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 311

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground