Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đất cưu mang

Đất nên lịch sử, người nên bạn

(Thơ Quảng Bình)

T

ôi thong thả bước. Từ ngã tư có quán cháo lươn thiệt ngon ra bờ sông Nhật Lệ. Đồng Hới dám xây đắp dáng vẻ mỹ lệ tuyệt vời lên dung nhan mỹ lệ hồn nhiên xưa. Đường cũ có tên đường Cô Tám. Tôi tìm đọc cuốn địa chí của cụ Nguyễn Tú để khơi rõ lai lịch cái tên hiền lành - Cô Tám. Cái tên Cô Tám như cũng đã cưu mang một người. Một người dám ép xác mình trong từng bước đa đoan để gắng được làm người tử tế. Có thể có ai đó quên nhưng đường Cô Tám này không quên người đến trú ngụ. Đó là nhà thơ Hải Bằng. Vẽ dung mạo người dễ thôi. Thơ có giọng. Bóng có hồn. Có vẽ hình xà uốn rễ cây đã trôi lấp với bọt bèo thành một vật thể nói được bằng im lặng. Hải Bằng là một phức hợp người ở lại mãi mãi trong lòng người bằng cả tài lẫn tình. Bởi thế mà Quảng Bình cưu mang.

***

Mấy năm cuối thập kỷ năm mươi của thế kỷ trước, Văn Tôn (tên cũ của Hải Bằng) rời Hà Nội. Âu cũng là lòng dạ bao dung của các cơ quan quản lý muốn ly dán anh ra khỏi môi trường xã hội đang bị ô nhiễm bởi một phong trào văn nghệ có tên là Nhân Văn. "Đi mô cũng được nhưng tau không về lại Huế. Vì Huế ở phía bên kia của sông Tuyến Hiền Lương". Văn Tôn rời Huế, đi bộ đội vệ quốc đoàn. Lên chiến khu rồi "cuốn theo chiều gió" di tản ra vùng Thanh Nghệ. Rồi Văn Tôn lại được mượn đường Quảng Bình để trở về quê cha. Nhưng chỉ để ở Dương Hòa, Hòa Mỹ. Chỉ để đi theo các Trung đoàn 95, 101. Chỉ để trở thành chú vệ quốc quân cầm bút. Chừng ấy, anh mới có tên nhưng chưa có danh.

Trở lại Quảng Bình năm 1958, Văn Tôn đâu có được oai hùng thuở chú vệ quốc. Được gửi vào một đội đập đá vá đường. Lê la dọc con đường tỉnh lộ từ Ba Đồn lên huyện núi phía tây Quảng Bình. Làm cật lực để tự có miếng ăn. Để đừng nho nhoe thơ với họa. Văn Tôn lặng im như cây rừng, đá núi. Giấu biệt cái gì đó như cái chí trong tiếng thở dài.

Thợ làm đường ngày ấy mới chỉ biết xếp đá củ đậu, rải đá giăm và tưới lên ít nhựa đường. Nhưng cũng đã ngừng tay và nhìn ngắm một người dong đỏng. Rồi xì xầm: "Nhà thơ con vua cháu chúa đấy". Họ đã lật đổ cả triều vua, nhưng lại mủi lòng thương một người có gốc gác từ vương triều ấy phải ngồi đầu gối quá tai mà đập vỡ vụn từng hòn đá. Văn Tôn chẳng giấu ai điều gì. Anh đã thay chữ Văn (Văn Tôn) lên chữ Vĩnh (Vĩnh Tôn) để quyết làm người tử tế. Văn Tôn có thơ với lứa các nhà thơ Quảng Bình như Xích Bích, Dương Tử Giang. Và gặp một người Huế ở đâu đó, đã được cúi chào "chào mệ". Có cái gì đó không giấu được. Thôi, xin dành kể đoạn sau. Đoạn Văn Tôn về sống và lập thân ở Đồng Hới.

Cuối cùng, Văn Tôn cũng phải mở miệng làm quen với thợ cầu đường. Thợ cầu đường thốt lên: "Nghỉ tay chút đã. Làm để chết à". Văn Tôn cười "làm để làm người". "Làm điếu thuốc cho đỡ lạt miệng đã". Chỉ cần câu đó là Văn Tôn thay kiếp. Văn Tôn có thể đổi suất cơm lấy một nhúm thuốc rê. Thợ cầu đường cho Văn Tôn lân la từ đội Quyết Thắng sang đội Hòa Bình, Văn Tôn giúp làm bích báo. Kể đủ chuyện tào lao cho đêm không đèn trong lều lán rách bớt dài.

- Cứ rứa mà tau sống với họ. Sống cơ cực mà ngon lành. Không thiết chi quay về Hà Nội nữa. Mấy ngày cuối cùng chữa bệnh ở Hà Nội, anh kể vậy với tôi.

- Thế đoạn nào thì về Cảnh Dương? Tôi hỏi:

- Định viết tiểu sử à? Thôi dẹp.

Không dẹp cũng không đành. Hải Bằng lên cơn đau. Rồi về Huế. Rồi...

***

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đưa tôi ra Cảnh Dương. Anh đi làm công việc của thời nay. Việc thẩm định các làng văn hóa được xây dựng mà Cảnh Dương là điểm nổi trội. Tôi tìm chuyện cũ. Chuyện hồi Hải Bằng tá túc ở đất này. Hải Bằng đến làng biển Cảnh Dương bằng cách nào. Và ông bà chú bác nào đã bao dung mở vòng tay sông bể để nuôi anh.

- Chẳng phải ai nuôi anh ấy cả.

- Có thiệt vậy không?

- Cứ hỏi làng trên xóm dưới là rõ. Anh ấy  là người lao động thật sự.

Và hơn một miếng cơm, manh áo là dân ghe, lưới, nôốc, chài đã thổi vào tâm hồn đa cảm và cao thượng của Hải Bằng một tình yêu biển, yêu đời chứa chan. Nhà giáo lão thành Nguyễn Đình Vĩnh, người đã cưu mang, kết thân với Hải Bằng ngày ấy, cầm chặt tay tôi:

- Anh là bạn của Hải Bằng. Quý hóa! Không phải tìm hỏi ai xa. Tui kể. Chuyện của Hải Bằng là chuyện của cả làng, cả xã. Hải Bằng như công dân Cảnh Dương. Lớp người Cảnh Dương thời ấy, ai cũng biết Hải Bằng, ai cũng có chuyện kể về Hải Bằng.

Bà Kham là mẹ chiến sĩ, nghe Hải Bằng là lính Bình Trị Thiên cũ thì đón về nuôi. Bà hỏi: "Câu cá câu mực được không?". Hải Bằng đáp "dạ không", bà lại hỏi: "Hay đi lưới" - "Dạ cũng không". - "Rứa mần chi hè?". - "Dạ quét nhà cho mẹ". Ông mụ Kiểm vui vẻ "Rồi tui bày cho. Khó như hò vè, ca kiếc chú còn làm được.  Bắt con tôm, con mực, khó chi!"

Dân làng khen Hải Bằng sáng dạ. Vác câu ra sông Loan là có cá xách về. Theo ông Kiểm ra khơi vô lộng là có tôm, có mực.

Người hay lam hay làm rứa mà nhân văn nhân võ chi. Ông giáo Vĩnh kể lại điều ông nghĩ. Tôi được sang khu học xá Việt Nam bên Tàu về. Ngày ấy Hà Nội đang căng giữ. Nơi ni họp để vạch mặt. Nơi kia bàn để chỉ tên. Như mấy tên nhân văn chi đó là ác quỷ. Về quê hương, gặp Hải Bằng. Có. Ngày ấy có xì xầm, có dòm ngó tung tích. Nhưng gặp một người như Hải Bằng, Cảnh Dương thương như con đẻ. Đó là chưa nhắc chuyện Hải Bằng góp sức xây dựng cho phong trào văn hóa Cảnh Dương sống vui, tự hào và sôi nổi. Có công lao của Hải Bằng.

- Bởi vốn làng ta, xã ta ngày đó cũng đã có nề nếp văn hóa rồi.

- Đã đành. Nhưng có người cầm chịch tài hoa thì đất đá cỏ cây cũng tài hoa. Rồi cỏ cây, đất đá góp lại mà nuôi cái tài hoa của Hải Bằng. Thơ Hải Bằng về biển, về trời, về bóng chài, tăm lưới bao giờ cũng như viết ở Cảnh Dương.

Chúng tôi rủ nhau lên nhà truyền thống của xã. Hai bộ xương cá voi đặt uy nghi như một vật tế thờ. Cờ anh hùng và cây mã tấu, đại đao gan dạ. Cái hũ gạo nuôi quân và mái chèo mòn đến lõi. Lại ne nét phía sau những tấm ảnh kỷ niệm mấy chục năm rào làng đánh giặc là bài thơ "Gửi mẹ" của Hải Bằng.

Lưới mùa để lại kia

Dây câu vừa cuộn sóng

Con cầm súng ra đi

Mắt níu màu biển sóng

Nếu ngày vui chưa đến

Tìm chi qua nắng đèo

Mẹ ra bờ cát biển

Tìm con trong sóng reo...

Ngày vĩnh biệt Hải Bằng, có người Cảnh Dương vô Huế. Bởi làng biển Cảnh Dương mãi mãi coi Hải Bằng là đồng hương sinh sống ở cố đô.

***

- Anh Cảnh còn muốn đi đâu nữa không? Hoàng Vũ Thuật chăm sóc chuyến đi của tôi.

- Còn. Nhưng để ta tự đi. Khỏi lo rềnh ràng xe cộ. Giờ rẻ sang đường Trần Hưng Đạo. Nhà số 96.

- Anh có bà con ở đó?

- Còn hơn.

- Ai!

- Nguyễn Đức Tuân

- Em hiểu. Em hiểu. Anh vẫn đang tìm lại Hải Bằng.

Gia đìnhNguyễn Đức Tuân giữ được cả kho tàng truyện nhớ về Hải Bằng.

- Lạ lắm mi ơi Tuân lật lật mấy trang an bom và kể. Hắn ngang ngược một cách rất quý tộc. Vậy mà dân Đồng Hới chịu chơi. Với Hải Bằng, dân Đồng Hới  thương thiệt mà chỉ ghét hờ. Tuân nhắc hết mọi chuyện suốt hai tiếng đồng hồ rồi đột ngột ngừng để hỏi:

- Viết mà không ghi chép chi à?

- Tôi có một đời khi sống chung. Có khi thương nhớ. Còn phần Quảng Bình cưu mang, thương yêu và bao dung đại lượng với Hải Bằng thì đã có ông và bà Đức ghi cho đủ rồi.

- Tau ghi chép chi mô? Nguyễn Đức Tuân cãi lại.

- Ông thuộc. Thuộc bằng trăm ngàn lần chép ghi.

- Ờ, ờ. Có vậy thiệt. Bà o bên vợ tau sống nghèo mà nhơn đức. Biết Hải Bằng từng là con quan đầu phủ Quảng Trạch, thời sau là tỉnh trưởng mà nó chẳng thèm bỏ cách mạng trốn về. Hải Bằng là cháu nội một ông vua dưới triều Nguyễn mà dám sống như một người "dưới đáy" của xã hội. Bà o của tụi tau không nuôi cơm nhưng nhường nhà cuối phố. Hải Bằng có một gian nhà để vẽ, để viết, để rủ rê bạn hữu đến với văn chương. Khi nghèo quá còn có chỗ mà cắt áo, dán mũ ông táo bán cho thiên hạ đón tết. Ngừng một lát Tuân đẩy ra trước mặt tôi một tấm ảnh của Hải Bằng:

- Này, rửa không sạch, đốt không cháy cái nếp lạ của gia phong, dòng tộc.

- Chuyện dân "mệ" mà. Cứ gì Hải Bằng. Tôi đã ở nhiều năm với Bửu Tiến, Vĩnh Trạch...

- Nó bảo vệ đến tận cùng cái truyền thống của Hoàng Gia. Cả cái tốt lẫn cái xấu.

Hải Bằng suốt đời nghèo. Nếu có được một đồng thì mua tám hào trà thuốc. Chỉ hai hào xôi cho một ngày sống. Hàng xóm thấy lạ. Sáng ra pha ấm trà, đút túi bao thuốc, vác cần câu và nắm xôi ra bờ sông Nhật Lệ. Kệ thây hết thảy việc đời. Nhóm nhém từng véo xôi rồi uống và hút như đốt lò tàu thủy thời Bạch Thái Bưởi. Tầm sắp trưa là có xâu cá mang về. Chia cho đủ người quen kẻ lạ. Rồi ngủ. Chín giờ đêm thức dậy. Đốt đèn. Viết và vẽ đến sáng ngày sau.

Nguyễn Đức Tuân nghên nghên cái đầu mà cười:

Ngang ngược mà không ai ghét. Quảng Bình thương, Đồng Hới quý một Hải Bằng không bông phèng.

- Có gây gổ chi với ai?

- Gây thì không. Nhưng gổ với bất cứ kẻ xấu nào. Phang thẳng mặt một lời miệt thị. Không tha ai. Nhưng không thù. Lại vui, rất vui nữa.

- Trong chừng năm ấy, Hải Bằng có ghé lòng yêu thương vào góc phố nào không?

- Phố thì không. Làng thì có. Làng Bảo Ninh. rồi là rể quý của làng. Đoạn đó mi biết rồi. Hỏi chi nữa!

***

Ngành Văn hóa Quảng Bình sắp xếp cho Hải Bằng vào một chân việc thích hợp. Hải Bằng gắn bó với nghề phát hành sách cho đến tuổi về hưu. Công việc này còn bắc được cây cầu ái ân cho anh có một quê ngoại.

Chị Chiến cũng là cán bộ phát hành sách. Có ai hỏi "Răng mà mi thương được anh ta?" Chiến mắng lại "Hỏi chi mà ngạo ngược. Anh ấy còn nhiều điều tốt dễ thương hơn mấy người". Cũng không ít khó khăn, cơ cực. Cũng không ít người đẹp, tài yêu Hải Bằng. Vậy mà thua Chiến cả. Chiến vừa sắc sảo vừa hiền hòa. Đáo để đến mức cầm roi rượt đuổi Hải Bằng, nhưng dám đặt hết mọi tai ương, túng nghèo, ngang ngược của ông chồng thi sĩ lên hai vai gánh gồng.

Như lộc trời, lộc đất Quảng Bình hóa thân vào chị để chị chăm nuôi Hải Bằng.

- Lúc mô khổ nhất? Việc chi cơ cực nhất? Có lần tôi hỏi Chiến.

- Dạ, tìm cho đủ trà, đủ thuốc. Chỉ vậy thôi.

Chiến nuôi Hải Bằng từ thuốc lá rê, quấn giấy pơ-luya. Nuôi thứ nào nhớ đến da diết thứ ấy. Bông Lúa, Tam Đảo, Thu Bồn, Hoàn Kiếm... Nuôi chồng từ lọai trà cám. Uống vào vừa khét vừa chua. Trà với thuốc đối với Hải Bằng là năng lượng đốt trong của cái động cơ sáng tạo lâu bền. Vậy mà Hải Bằng đã đẻ ra mười mấy tập thơ in, mấy cái phòng tranh và hàng trăm mặt người, dáng thú từ rễ cây chìm lặn trong đống rác rều dọc sông, dọc biển.

***

Tôi vỗ nhẹ vào vai anh lái xe ôm đang chở tôi lên ga Đồng Hới:

- Cho tôi đứng nép vào chỗ cao nhất của cây cầu vượt này một lát. Được không?

- Dạ. Tiếng dạ rất mềm. Nhưng chắc anh lái xe này thấy lạ. Tôi ngoái lui Đồng Hới đã lên đèn... Tôi im lặng nhìn ngọn sáng ngọn mờ. Ngọn nào cũng như con mắt. Góp ánh sáng ấy làm con mắt bao dung. Tôi không nhận ra được vị trí của đường Cô Tám cũ. Nhưng thấy rõ bóng bảng lảng của Hải Bằng xưa. Một lần trong cuộc đời thi sĩ. Hải Bằng xuống đò. Vượt khúc xanh nhất của dòng Nhật Lệ mà về quê ngoại. Cái túi xách tay đựng một bài tứ tuyệt. Chép vào trang giấy học trò rồi gấp làm tư. Thấy nhô cao lên một thẻ hương bọc giấy điều. Thấy cộm tròn căng một lễ vật gì đó của lòng thơm thảo.

Hải Bằng bỏ dép. Bước lên thềm. Cúi lạy đất cưu mang.

P.N.C

Phạm Ngọc Cảnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 87 tháng 12/2001

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

16 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

17 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground