Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đội nón cho cây; Tiếng chổi của mẹ; Nắng gió quê nhà

Đội nón cho cây

Nắng hè trong bối cảnh El Nino mạnh và kéo dài như làn lửa bao chụp mọi vật. Ngược xuôi bất tận trên đường, người nào cũng kín bưng trong quần áo, mũ nón, găng tay, khẩu trang, kính râm. Vườn của mạ là những cây mồng tơi, rau dền đỏ, me đất, mã đề trồng trong những chậu hoa chưng ngày tết còn để lại hoặc trong những hõm đất con con sau nhà ở chốn thị thành ngày càng đông, càng chật. Những trưa nắng nóng ba mươi tám, ba mươi chín độ là mạ lấy trang báo cũ gấp thành chiếc phễu giấy to rồi chụp lên những thanh tre ngắn, thanh tre dài cắm giữa mỗi chậu cây. Ngay lập tức, vòng bóng râm nho nhỏ in lên nền đất ngay dưới chậu mồng tơi, chậu diếp cá, chậu rau dền, chậu me đất,… Đứa cháu nhỏ rời trang truyện tranh đang đọc, nhìn ra thấy đôi bàn tay của nội chầm chậm, ân cần che nắng với mấy chậu cây ở ngoài vườn đã reo lên: - A, mệ đội nón cho cây!

Những ngày gió Lào phả hơi nắng nóng bốn mươi, bốn mươi ba độ như hôm nay, mạ lật đật tìm cái mẹt cũ đã lâu không dùng, tấm các-tông lặng yên trong góc bếp, tấm ván mỏng chưa đầy thước bên thùng gạo rồi một mình loay hoay gác lên giàn để tạo bóng im - như cách nói quê kiểng của mạ, giúp cây ở phía dưới không khô cành, cháy lá. “Mạ cứ kệ cây với cối. Cây cối từ khi sinh ra là đã ở giữa đất trời. Cứ ra vô giữa nắng rứa rồi mạ ốm đau thì khổ mạ, khổ cả nhà”, - mấy đứa con luôn bận rộn trong cuộc sống của mình càu nhàu với mạ. Con đi làm, mạ ở nhà cứ lâu lâu ngó ra vườn coi chừng bóng im dành cho cây đã nhích tới đâu để lại kéo tấm ván, cái mẹt qua vị trí mới giữ chỗ mát cho cây. Giữa những khoảng nghỉ trong giờ làm việc, con tìm những vần thơ về mùa hạ trên internet để đọc ngõ hầu mong làm mát tâm trí trong chốc lát, như: “Đó là mùa của những tiếng chim reo / Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả / Đất thành cây, mật trào lên vị quả / Bước chân người bỗng mở những đường đi… Đó là mùa của những ước mơ / Những dục vọng muôn đời không xiết kể / Gió bão hòa, mưa thành sông thành bể / Một thoáng nhìn có thể hóa tình yêu / Đó là mùa của những buổi chiều / Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút / Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức / Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa” (Xuân Quỳnh)… “Mùa hạ, thử hình dung nét phác / một chàng trai ồn ã, thẹn thò/… Gió xát khô những mặt đường rạo rực / Mùa hạ dần dần vẽ đủ chân dung / những tĩnh vật tràn thanh âm và ánh sáng (Nguyễn Đông Nhật). Nghỉ hè ở nhà, bất chợt đứa cháu nhỏ nhận thấy mấy trang báo cũ trên cây trong vườn của nội đang dần dần phai màu dưới nắng thì giống chiếc mũ ca-lô, cái thì giống chiếc nón lá và tấm ván cũ là mái nhà nhỏ che nắng cho cây.

Sáng nay, bài tập làm văn viết về mùa hè của cháu nhỏ có tựa đề Đội nón cho cây. Bất ngờ, cháu viết đúng nguyên lời nội nói khi con cháu ngăn mình vì thương mà che nắng cho cây: “Cây luôn đứng dưới nắng nhưng lại tỏa bóng mát cho con người và cho con người các thức làm món ăn, nhiều quả ngon trái ngọt. Dù luôn ở ngoài nắng nhưng cây luôn là một phần làm nên và giữ gìn sự sống của con người. Vì rứa mà người thương cây”.

 

Tiếng chổi của mẹ

 

 

Những cơn mưa làm cho đêm Sài Gòn ngọt ngào hơn, giấc ngủ của tôi đằm sâu hơn. Trong khoảnh khắc cựa mình giữa lúc trời gần về sáng, tôi mơ hồ nghe thấy tiếng lá bàng đang lặng lẽ rơi ngoài sân. Những xao động nhẹ nhàng ngắn ngủi ấy gõ vào nỗi khắc khoải thường trực trong trái tim tôi với những sớm mai mẹ tôi thường quét dọn lá rụng trong vườn nhà.

Chẳng có ai chịu tin rằng những món ăn rất ngon của mẹ tôi được nấu bởi ngọn lửa của đám lá khô mà mẹ gom từ vườn vào những sớm mai, khi tôi vẫn còn đang say ngủ. Mẹ tôi thường đón những buổi bình minh của đời mình bằng nhịp chổi đưa nhẹ nhàng trên mặt đất giữa vô vàn chiếc lá rơi rụng từ đêm qua. Gom chúng vào một góc vườn, mẹ tôi hong khô chúng bằng những ngọn gió và ánh nắng mặt trời, đựng đầy các giỏ tre trong bếp. Ấm nước của mẹ tôi nấu trong những ngày có gió Lào sôi nhanh hơn, và chiếc bếp nhỏ của mẹ cũng có nhiều khói hơn vào những ngày mưa. “Mạ quét lá sớm quá, tiếng chổi của mạ làm con thức giấc, con cần ngủ thêm chút nữa”, thỉnh thoảng tôi lại càu nhàu với mẹ.

Cũng như các anh chị của tôi trước đó, ngày tôi vào đại học, món quà tôi có được từ mẹ là một chiếc xe đạp, chiếc xe đạp đẹp nhất mà tôi đã từng có trong đời. “Nhờ đám lá trong vườn, mạ để dành đủ tiền sắm chiếc xe này cho con. Con gắng mà học thật giỏi như anh chị của con, nghe con...”.

Đám bạn của tôi thường nói chén nước chè xanh mẹ tôi nấu là ngon nhất ở cái thị xã nhỏ bé của chúng tôi. Mỗi khi nhìn thấy mẹ tôi nấu nướng, đứa thì thích thú, đứa thì ái ngại. “Nhà có khách, mạ đừng nấu bằng lá”, tôi nhìn mẹ khẩn khoản. “Ừ, con cứ tiếp chuyện với người ta, mạ làm xong ngay đây”, mẹ tôi nói với nụ cười âu yếm. Thế rồi, khi mẹ đặt mâm cơm lên bàn ăn, xuống bếp lấy thêm chiếc muỗng nhỏ, tôi thấy đám tro than trong bếp mang dáng hình của những chiếc lá. Vậy nhưng, trước những lần vào bếp rất hiếm hoi của tôi, bao giờ mẹ cũng chỉ vào đống củi gọn gàng ở một góc bếp và nói: “Con nấu bằng củi cho khỏi mệt, mạ đã chẻ sẵn cả rồi”.

Bây giờ, mẹ tôi vẫn còn gom lá rụng trong vườn và đun nấu mỗi ngày. Ngày một xa mẹ nhiều hơn, lâu hơn và trong những khoảng lặng của Sài Gòn tôi lại thèm đến đuối lòng được nghe tiếng chổi của mẹ trong những bình minh đang lên.

 

Nắng gió quê nhà

 

 

Chỉ cần qua khoảnh khắc này nữa thôi, đêm sẽ đến. Trong bóng hoàng hôn đang rót ngập thành phố, xuyên qua những âm thanh ồn ào không ngớt là một giai điệu dìu dặt về một làng quê thanh bình nào đó. Tôi lặng người trong nỗi bồi hồi bất tuyệt: Hình như đã bắt đầu mùa gió Lào nóng bỏng ở quê mình.

“Quê hương tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà” - tôi lại nhớ quê nhà nhiều quá. Nhớ con đường ngày trước đến trường đầy bụi đỏ mà tôi và Thi vẫn đi qua. Nhớ ngôi làng nhỏ bé của tôi nằm cạnh dòng sông bên lở bên bồi với những hàng phi lao thẳng tắp, những trảng cát trắng tinh và đồng lúa bạt ngàn xanh. Bao giờ trong tim tôi cũng tràn ngập hình ảnh miền quê thuần phác, đôn hậu và yên tĩnh có tiếng cu gù từng hồi hòa lẫn với tiếng sóng vỗ về của dòng sông đã tạo thành một âm thanh kỳ diệu, làm nên vần nên điệu của nỗi nhớ niềm thương. Đã bao lần tôi nằm mơ thấy mình được trở về nơi ấy, cùng Thi sánh bước trên con đường đầy bụi, nhìn cánh cò chao nghiêng rồi mất hút ở chân trời. Tôi vẫn thường mơ thấy mình đang quanh quẩn bên các bức tường Thành Cổ, lắng nghe tiếng của những bông cỏ lau muôn đời vẫn trắng, và lang thang bên bờ sông Thạch Hãn trong những buổi chiều có cơn gió mang hơi thở nồng nàn của đất trời Quảng Trị.

Buổi sáng thức dậy trong ngôi nhà ấm sáng của mạ, tôi đã thấy tràn vào mắt mình bầu trời trong vắt rực rỡ muôn vàn tia nắng. Nằm yên trọn một phút để nghe những bước chân tâm hồn của mạ, tôi hiểu ra điều gì làm nên sự yêu thương đôn hậu, ấm áp và chân tình của cuộc đời. Trên những triền đồi ven quãng sông uốn khúc qua làng cho đến trọn đời đã bắt đầu nở rất nhiều hoa mua tím, hoa đồng nội, những bông hoa vẫn thường hiện bóng trong ký ức tôi cùng bóng dáng của những con người cặm cụi cào hến trong con nước ròng và gió thổi miên man. Ngồi trong gian bếp của mạ, ăn món cá đồng kho nghệ, tôi ngửi thấy mùi rơm ngai ngái sực nức mùi trời lẫn bùn đất. Trong bao nhiêu là nắng gió, các em nhỏ tung tăng trên con đường đến trường ngoài kia, và tôi chợt hiểu ra rằng trong thâm tâm tôi nhớ thương Thi nhiều lắm. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên tôi đi bên Thi xinh đẹp và thanh tân trong một ngày mới sang mùa hồn nhiên và nhẹ tênh, lòng bồi hồi rạo rực xen lẫn một chút xao xuyến lo âu.

Sẻ một chút mình để lại nơi góc vườn cha trồng ngày trước, theo ân huệ của con đường làng mềm mại chạy về phía dòng sông đang vọng lại tiếng mái chèo vỗ nước và tiếng cười đùa lặn ngụp của đám trẻ con trong làng, tôi nhìn ngắm những điều đang diễn ra xung quanh, cảm nhận sự bát ngát, trang nghiêm và nhẫn nại của cả cánh đồng. Những tiếng kêu cọt kẹt của những chiếc xe bò chở lúa vang lên trong ánh nắng chói lọi cả khung trời. Bất chợt, tôi lại thấy những ngón tay thon thả, mềm mại và rám nắng của Thi vẫn thường gợi lên trong tôi hình ảnh của cánh đồng lúa vàng óng dưới bầu trời làng quê trong vắt và những nếp sóng màu lam của dòng sông quê đang lan đến tận chân trời.

Vẫn như một đôi môi quen thuộc, nắng và gió mơn trớn từng mảnh vườn, thửa ruộng cho đến khi ngày tắt. Mặt trời rơi vào đất. Gió làm vơi dần những giọt mồ hôi long lanh trên gương mặt của cô thôn nữ đưa lúa về trên lối xóm đang tươi cười gánh cả một hoàng hôn.

N.B.N

 

 

 

NGUYỄN BỘI NHIÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 307

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground