Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đường 9 thời hội nhập

Đ

ã bao lần đi về trên con đường số 9, nhưng chuyến công tác Savanakhet cách đây ít lâu đã đem lại cho tôi một cảm nhận riêng. Câu nói: du lịch “ngày ăn cơm ba nước” quả là cách nói hình ảnh, bởi mới buổi sáng khởi hành từ Đông Hà, trưa chúng tôi đã ở trên đất Savanakhet (Lào) và chiều đã băng qua cầu Hữu nghị II chạm đất Mụcđahán (Thái Lan) ăn tối, nghỉ ngơi. Tuyến đường êm thuận đã làm gần lại những vùng đất trên hành lang Đông Tây.

Có dịp ngồi bên dòng Mê Kông cùng những đồng nghiệp ở báo Savanakhet phát triển uống bia Lào, nhâm nhi món cá nướng, ngắm phố xá sầm uất hai bên dòng sông chở nặng phù sa cuồn cuộn chảy, tôi lại hướng liên tưởng của mình về mảnh đất quê nhà. Duyên cớ là anh bạn đồng nghiệp ở báo Savanakhet phát triển bảo rằng tâm lý người Thái rất thích về Việt Nam vừa để du lịch biển, vừa để xem mảnh đất mà trước đây họ chỉ biết đến là chiến tranh khốc liệt bây giờ thay đổi ra sao!

* Tuyến đầu năm xưa, đầu cầu hôm nay

Như là một sứ mệnh mà lịch sử đã đặt trên vai, trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là tuyến đầu. Và cũng bởi vì là tuyến đầu nên cả nước đã quan tâm dồn tất cả tâm lực và sự hy sinh vào đây để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giao phó. Chiến tranh đi qua, những tên đất, tên làng trên mảnh đất này gợi nhớ về một thời đau thương, anh dũng. Từng là tuyến đầu năm xưa, bây giờ Quảng Trị đang còn nghèo khó, nằm trong tốp các tỉnh nghèo của cả nước. Vì thế mà trong các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đều nêu cam kết chính trị, quyết tâm ra khỏi nhóm tỉnh nghèo, vươn lên cùng cả nước trong dòng chảy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế thế giới để phát triển.

Có sự gặp gỡ chăng trên mảnh đất này, khi từ tuyến đầu năm xưa, bây giờ lại trở thành tỉnh đầu cầu trên tuyến đường xuyên Á. Và như thế Quảng Trị thời nào cũng vậy, đều ở trong thế khởi động để hướng về phía trước. Có thể thấy mục tiêu khai thác hành lang Đông Tây (EWEC) được đề ra trong Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Trịlà một hướng mở để Quảng Trị hội nhập sâu vào nền kinh tế của khu vực và thế giới.

Về mặt địa lý, người ta từng ví miền Trung như chiếc đòn gánh và là điểm tựa tạo lực cho sự phát triển của hai đầu đất nước. Giờ đây đến lượt mình, nơi điểm tì vai của chiếc đòn gánh ấy có một lợi thế mà không phải nơi nào cũng có được. Đường 9, “lối đi mơ ước” mà người Pháp từng khai mở để khai thác thuộc địa Đông Dương năm xưa, tiếp đến người Mỹ thay chân đến đồn trú tại đây, để rồi phải đối mặt với trận “Điện Biên Phủ thứ hai” ở Khe Sanh cách đây hơn 40 năm, bị thất bại thảm hại bởi ý chí sắt đá của quân và dân ta bây giờ là trục chính của Hành lang kinh tế Đông- Tây đi qua Quảng Trị. Đường 9 không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn là con đường kết nối các nền kinh tế, mở ra hướng phát triển cho cả tiểu vùng Mê kông rộng lớn.

Nhiều người đã nói về cơ hội mở ra trên hành lang Đông- Tây, trong đó tôi tâm đắc với ý kiến rằng: Ở phía Tây hình như người ta đang đợi mình và Quảng Trị cần phải làm điều gì thật cụ thể để người ta vào cuộc. Mình là chủ nhà, nếu không cởi mở, ra tín hiệu thì làm sao người ta tiến đến bắt tay hợp tác! Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Khu kinh tế thương mại đặc biệt (KT-TMĐB) Lao Bảo, bên đối diện là Khu kinh tế Đensavẳn là quyết định của Đảng, Chính phủ hai nước Việt- Lào, là khu kinh tế đối ứng giữa hai nước. Lao Bảo là điểm khởi đầu, bắc nhịp cầu quan hệ hợp tác với Lào, Thái Lan, Mianma.

Đường 9 là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất đảm bảo giao thông liên tục từ nội địa Việt Nam đến Savannakhet (Lào), Mụcđahán (Thái Lan) với khoảng 240 km, có thể đi lại thuận lợi kể cả trong mùa mưa. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được đầu tư xây dựng vận hành tốt, cùng với hệ thống giao thông trong khu vực được xây dựng góp phần vào phục vụ chiến lược phát triển Hành lang Kinh tế Đông Tây. Không phải ngẫu nhiên mà trong Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, xác định Lao Bảo nằm trong tuyến phát triển mạng lưới đô thị của khu vực. Thêm nữa, Quyết định 24/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 xác định, phải ưu tiên đầu tư xây dựng Khu KT-TMĐB Lao Bảo để mở rộng giao lưu buôn bán, phát triển du lịch, tăng cường dịch vụ với các nước trong khu vực…Theo đó, xây dựng Lao Bảo trở thành thành phố nằm trong hệ thống đô thị động lực cấp I. Không thể chậm chân, nắm bắt cơ hội này, Tỉnh ủy Quảng Trị đã cụ thể hóa chủ trương của Trung ương thành  Nghị quyết 06/NQ-TU về đầu tư khai thác Hành lang Đông Tây. Nghị quyết này đã xác định Khu KT-TMĐB Lao Bảo là vùng động lực của tuyến động lực…Đó là các mục tiêu chính mà Quảng Trị đang hướng đến.

Với vị trí thuận lợi nằm ở đầu cầu của hành lang Đông  Tây về phía Việt Nam, lại đang tích cực triển khai dự án cảng Mỹ Thủy cùng với khu kinh tế Đông Nam, sắp đến đây khi Hiệp định vận tải qua biên giới được thông qua, Quảng Trị có cơ hội trở thành nơi giao thương, tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu hai chiều đi đôi với cơ hội phát triển du lịch, dịch vụ. Tiến trình thông thương tuyến đường bộ chung Việt Nam- Lào - Thái Lan đang mở ra cơ hội phát triển mới cho cả nước, miền Trung, trong đó Quảng Trị sẽ là tỉnh đầu tiên có thể được hưởng lợi rất nhiều để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội mang lại từ con đường huyết mạch giao thương quan trọng này.

* Chuyển động Lao Bảo

Lao Bảo, hôm chúng tôi dừng chân trời ngập nắng. Những cơn gió Tây Nam thổi liên hồi vòng quanh thung lũng, tràn cả vào phòng làm việc của Ban quản lý khu TMĐB Lao Bảo. Gặp lại Lê Quang Vĩnh, Nguyễn Văn Bình…, hai trong số những người có mặt từ đầu khi biệt khu này mới hình thành. Bây giờ, nhiều người trong số các anh ngày ấy đã chuyển công tác về Đông Hà. Hai nhân vật cựu trào là Vĩnh và Bình bây giờ đều là Phó Ban quản lý biệt khu. Từ ô cửa sổ trụ sở Ban quản lý nhìn về hướng đông, một công viên có hồ nước rộng thoáng đãng hiện ra, tương lai sẽ là công viên du lịch đẹp nhất của phố núi. Chúng tôi tản bộ xuống phố thăm thú, để các anh trong lãnh đạo Ban quản lý còn phải lo chuẩn bị tổng kết 10 năm thành lập Khu TMĐB Lao Bảo, rồi còn phải tiếp các đoàn khách phía bắc, phía nam đến học hỏi kinh nghiệm phát triển khu kinh tế vùng biên.

Hơn 10 năm trước ở đây ngoài một cửa khẩu có vẻ tÊp nập xe chở hàng xuất nhập khẩu thì cả vùng này chỉ là một vùng đất bạt ngàn lau sậy, đây đó còn sót lại sự hoang tàn đổ nát của chiến trường xưa. Ngày ấy nói đến đường 9 người ta chỉ hình dung ra những hình nhân mang đầy thuốc lá Zet được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình làm người ta nghĩ đến con đường này chỉ là “con đường buôn lậu”. Qua hơn 10 năm tập trung xây dựng, bây giờ Lao Bảo đã hình thành một biệt khu kinh tế sầm uất, tạo được hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ đời sống của nhân dân trong khu vực; trong thu hút đầu tư… đón đầu khai thác lợi thế đầu cầu của Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông  Tây.

Khi trở lại, Phó Trưởng ban Khu KT-TMĐB Lao Bảo Nguyễn Văn Bình tranh thủ thông tin nhanh cho chúng tôi vài nét khái quát: Những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có sự tăng trưởng mạnh, nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 năm qua tăng 14,4%/năm, trong đó thời kỳ 2006-2008 tăng 47,8%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay đã tăng lên đạt 148,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 26,9 triệu USD và nhập khẩu đạt 121,6 triệu USD. Bên cạnh đó các hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu... cũng diễn ra sôi động tại khu vực này.

Hoạt động xuất nhập cảnh và dịch vụ du lịch đã nhộn nhịp hơn khi số lượng khách và phương tiện làm thủ tục xuất nhập cảnh tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt sau sự kiện khánh thành cầu Hữu nghị II bắc qua sông Mê kông đánh dấu thông tuyến EWEC, khách du lịch đến với khu vực tăng lên 44,8%/năm. Trước năm 1999, mỗi năm chỉ có khoảng 50 nghìn lượt khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Lao Bảo, nay tăng lên gần 400 nghìn lượt khách; mỗi ngày có khoảng 300 xe ô tô "nhập cảnh" vào khu vực, trong đó có khoảng 150 xe làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài.

Một khi giao thương mở ra, hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn cũng phát triển mạnh, làm cho môi trường kinh doanh thương mại tại khu vực ngày càng sôi động hơn. Lưu lượng hàng hóa, phương tiện và khách du lịch ra vào Lao Bảo ngày càng tăng. Theo đó số doanh nghiệp trên địa bàn cũng tăng lên. Nếu như  khi mới hình thành khu TMĐB Lao Bảo chỉ có 12 doanh nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh thì đến nay đã có trên 250 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; trên 50 dự án sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký gần 2.300 tỷ, trong đó 27 dự án đã đi vào hoạt động, nhiều dự án đang triển khai. Một số nước như Thái Lan, Trung Quốc đã có các dự án đầu tư vào Lao Bảo với số vốn đăng ký 32 triệu USD, trong đó 5 dự án đầu tư nước ngoài đã hoạt động. Từ một địa bàn kinh doanh nhỏ lẻ, số hộ kinh doanh cá thể trong 10 năm qua cũng tăng hơn 1.000 hộ, nâng tống số hộ kinh doanh hiện có lên 2.200 hộ. Sự tham gia hoạt động của nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án đầu tư được thực hiện là một minh chứng sức hút cũng như hiệu quả đầu tư của “miền đất quả vàng” này.

Đến Lao Bảo bây giờ đã thấy không khí của phố thị đông vui. Thị trấn vùng biên đang trên đường phát triển, có đủ khách sạn hạng sang, có các siêu thị lớn như siêu thị Thiên Niên Kỷ, các siêu thị hàng miễn thuế của nước ngoài đầu tư vào đây. Trung tâm thương mại Lao Bảo lúc nào cũng nhộn nhịp khách đường xa đến du lịch, mua sắm hàng Thái. Nhiều sản phẩm từ nơi đây đã có chỗ đứng trên thương trường như nước tăng lực Sufe house, săm lốp camel…Thành phố vùng biên đang phôi thai trên vùng đất một thời đầy kẻm gai, bom đạn, lau lách của chiến trường xưa. Dự cảm về “Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ Một thị trấn yêu kiều qua nẻo Làng Vây” trong “Trường ca hòa bình” của nhà thơ Ngô Kha gần 40 năm về trước đã hiện hữu trên vùng đất này, từng ngày, từng giờ.

* Một hành lang thông thương

Nhớ hồi mới chia tách tỉnh Bình Trị Thiên, Quảng Trị trở về với tên gọi của mình với một “gia tài” quá ngặt nghèo, hệ thống cơ sở hạ tầng hầu như phải xây dựng lại từ đầu. Ngay từ những ngày bộn bề xây dựng lại quê hương như thế, lãnh đạo tỉnh đã nghĩ ngay đến việc khai thác tiềm năng đường 9. Một loạt hội thảo về tiềm năng, lợi thế, hướng khai thác con đường này đã được nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế cũng như cơ quan hoạch định chính sách quan tâm bàn thảo. Con đường 9 ngày ấy cũng một thời là cứu cánh cho thu ngân sách của tỉnh nhờ nguồn điều tiết thu thuế xuất nhập khẩu từ cửa khẩu Lao Bảo.

Những năm chín mươi của thế kỷ trước, tỉnh nào trong khu vực cũng mơ về một con đường xuyên Á như đường 9, và rồi nhiều con đường mới được mở ra. Nhưng đường 9 được khẳng định vị thế riêng của mình qua sáng kiến Hành lang kinh tế Đông Tây, được đưa ra năm 1998 tại Hội nghị Bộ trưởng tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ 8 nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa 4 nước Lào, Mianmar, Thái Lan và Việt Nam. Hành lang này chính thức được thông tuyến ngày 20/12/2006 nối hai bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với chiều dài 1.450 km. Ngay từ khi ra đời, EWEC đã được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trở thành hành lang kinh tế của vùng, là đầu mối giao thương kinh tế giữa các quốc gia.

Nhữngngày đầu năm 2009, Hãng Thông tấn Thái Lan (TNA) cấp tập đưa tin về sự kiện nhà chức trách Việt Nam, Lào, Thái Lan đã cùng ngồi lại để bàn việc mở các tuyến vận tải đường bộ chung nhằm giảm chi phí vận tải vào tháng 6/2009. Điểm gặp gỡ chung giữa ba quốc gia láng giềng đều thống nhất mở một tuyến đường nối tỉnh Mụcđahán, Đông Bắc Thái Lan với tỉnh Savanakhet của Lào tới cửa khẩu Lao Bảo của Việt Nam. Tuyến giao thương Đông Tây đã mở ra, nhưng điều tôi muốn nói là vai trò của các ngành hữu quan trong việc tạo ra một hành lang xuất nhập khẩu thông thương, lành mạnh, mang về nguồn thu cho đất nước.

Trước đây, từng có không ít ý kiến phàn nàn về các khâu thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh còn rườm rà, có ý kiến cho rằng: “Cửa chính đã thông nhưng cửa phụ còn khép”- ý nói là tuyến đường này đã thông bởi chiếc cầu Hữu Nghị 2 nối Mụcđahán của Thái Lan với Savanakhet - Lào sang Việt Nam nhưng tại các cửa khẩu thủ tục vẫn rườm rà, nhiêu khê.

Tôi đem điều này trao đổi với Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị Lê Văn Tới, anh cho biết, thủ tục hải quan thông thoáng trên hành lang Đông- Tây là mong muốn chính đáng của các nước trong khu vực để chu chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh nhanh, nhưng công việc này không chỉ của Việt Nam mà còn liên quan đến các nước khác trên tuyến hành lang. Hành lang Đông Tây đi qua 4 nước thì hàng hóa thông quan phải qua 3 cặp cửa khẩu: Mianma- Thái Lan, Thái Lan- Lào, Việt - Lào và cuối cùng nếu hàng qua cảng Đà Nẵng thì còn thêm một lần kiểm tra nữa là Hải quan cảng Đà Nẵng. Điều này khác với vận chuyển hàng không là chỉ chịu sự kiểm soát của nơi đi và nơi đến, do vậy yêu cầu đặt ra là phải tiến hành cải cách thủ tục hành chính theo hướng một cặp cửa khẩu chỉ kiểm tra một lần. Cặp cửa khẩu Lao Bảo và Đensavẳn là cặp cửa khẩu đầu tiên trên hành lang này được chọn làm thí điểm mô hình “Kiểm tra một lần- một điểm dừng”.

Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trong nước và khu vực nên khi thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc do chưa có sự tương thích về chính sách cũng như pháp luật giữa hai nước. Nhưng với sự quyết tâm của hai bên, mô hình này đang được triển khai, đánh dấu bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hải quan trên tuyến hành lang Đông Tây. “Thực hiện mô hình này cái được đầu tiên là đã giảm được 50% thời gian làm thủ tục, bởi chỉ kiểm tra ở một cửa khẩu, bên này tin cậy bên kia nên doanh nghiệp có thời gian vận chuyển hàng hóa nhanh hơn. Hoặc như thu lệ phí, thay vì trước đây thu phải viết biên lai có tính thủ công thì nay Hải quan Quảng Trị đề xuất và thực hiện thay biên lai bằng tem lệ phí có mệnh giá để giải phóng nhanh lượng xe, hàng hóa, hành khách…”- Cục trưởng Cục Hải quan Lê Văn Tới nhấn mạnh.

Cũng cần nói thêm rằng, việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý của ngành Hải quan những năm qua đã làm thay đổi hoàn toàn về phương pháp quản lý. Phương pháp “quản lý rủi ro”, bằng cách cho doanh nghiệp tự khai báo và chịu trách nhiệm về khai báo của mình để thông quan đi kèm với phương pháp hậu kiểm- cách làm học tập hải quan các nước phát triển - đã tạo ra sự đột phá trong thủ tục. Khi đưa công nghệ thông tin vào quản lý cũng đã làm khách hàng khỏi bị nhũng nhiễu, bởi nếu không có thông tin từ máy tính cho thấy khách hàng có vi phạm thì không cán bộ hải quan nào có thể tự ý kiểm tra, làm ách tắc hàng hóa và thời gian của doanh nghiệp. Điều này làm cho cán bộ, nhân viên hải quan phải tìm hiểu, tra cứu tổ hợp thông tin của ngành một cách có hệ thống mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao.

Hiện nay hệ thống công nghệ thông tin của ngành đã kết nối từ Cục Hải quan Quảng Trị đến Hải quan ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Khu KT-TMĐB Lao Bảo và Cửa khẩu cảng Cửa Việt, do đó có thể họp trực tuyến qua mạng. Nhờ đó, công tác quản lý phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh được thực hiện thuận lợi và khoa học hơn, giảm đáng kể thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh cho chủ phương tiện và hành khách.

Có một kênh thông tin quan trọng để điều chỉnh công tác xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thuận lợi mà Hải quan Quảng Trị đang làm là hàng năm đơn vị mở các cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Những đóng góp thiện chí của doanh nghiệp được ngành tiếp nhận để khắc phục những yếu kém từ đội ngũ làm công tác thủ tục hải quan, kịp thời giải quyết những vướng mắc đến thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, tạo được sự đồng tình của doanh nghiệp…Những nỗ lực đó tạo tiền đề cho việc tiến tới xây dựng một cửa khẩu quốc tế Lao Bảo văn minh, hiện đại và chặt chẽ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa và cho khách du lịch, cho doanh nhân đến đây để tìm cơ hội hợp tác đầu tư…

* Tín hiệu từ phía tây

Cách đây ít lâu, khi tỉnh Quảng Trị cử đoàn công tác lên các nước ở phía tây, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Thăng dẫn đầu đã mang lại những tín hiệu lạc quan. Khi trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, các Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Khon Kaen (Thái Lan) và Savannakhet (Lào) đều hoan nghênh dự án mới về phát triển cảng biển nước sâu Mỹ Thủy. Dịp đó, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Khonkaen đã cung cấp cho đoàn công tác một thông tin quan trọng, rằng nhu cầu xuất khẩu của Thái Lan đang tăng; hàng năm hàng hoá xuất nhập khẩu của vùng Đông Bắc Thái Lan có khoảng hơn 4 triệu công-tơ-nơ/năm. Chỉ cần cảng biển ở tỉnh Quảng Trị thu hút khoảng 1/4 lượng hàng xuất khẩu này thì mỗi ngày sẽ có khoảng hơn 2.500 công-tơ-nơ hàng xuất nhập khẩu của Thái sẽ đi qua cảng biển của tỉnh Quảng Trị. Do đó, việc xây dựng cảng biển Mỹ Thủy là rất khả thi để hút hàng từ các nước phía tây hành lang.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Thăng cho biết thêm: Theo tính toán của các nhà chuyên môn, nếu xây dựng quy mô cảng Mỹ Thủy rộng đủ để chứa các hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ thu hút được các nhà đầu tư kho hàng, bến bãi và các hoạt động dịch vụ khác đến từ Thái Lan. Nếu được đưa vào quy hoạch, xây dựng, các cơ quan ngoại giao cam kết sẽ nỗ lực phối hợp làm tròn trách nhiệm ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Trung tâm nghiên cứu chiến lược phát triển vùng Đông Bắc Thái Lan và các doanh nghiệp Thái Lan khi tiếp nhận thông tin về các dự án mới của Quảng Trị đều có ý kiến đánh giá cao tiềm năng phát triển của Hành lang kinh tế Đông - Tây, đặc biệt tầm quan trọng của cảng biển tại Quảng Trị trong xu hướng phát triển tương lai của vùng châu Á. Còn chính quyền tỉnh Savannakhet nhất trí ủng hộ dự án xây dựng cảng biển Mỹ Thuỷ và coi cảng biển của Quảng Trị gắn liền với lợi ích kinh tế phát triển của tỉnh Savannakhet và sẽ phối hợp thông tin về đầu tư xây dựng cảng biển này đến các doanh nghiệp nuớc ngoài đang làm ăn trên địa bàn tỉnh Savannakhet. 

Vậy là khi chúng ta phát tín hiệu, đã có sự hưởng ứng tích cực từ các nước phía tây, hứa hẹn con đường 9 - hành lang Đông Tây sẽ là nhịp cầu đem lại tương lai giàu có của các vùng đất nơi con đường đi qua. Nói con đường 9 là con đường của hội nhập kinh tế khu vực và thế giới là nói đến cơ hội không chỉ cho phía Việt Nam mà còn cả các nước trong khu vực. Mỗi quốc gia đều thấy rõ lợi ích của hành lang này, bởi nó chính là huyết mạch rút ngắn bớt mọi con đường giao thương giữa các quốc gia, tạo sự thúc đẩy phát triển các ngành nghề và lĩnh vực sản xuất có thế mạnh của mỗi nước. Như miền Trung, trong đó Quảng Trị là điểm đầu cầu của hành lang về phía Việt Nam, là điểm nối của trục giao thông Bắc - Nam, nơi có tiềm năng du lịch biển và các sản phẩm từ biển, là cửa ngõ ngắn nhất cho các nước trong khu vực ra Thái Bình Dương. Trong khi đó ở Lào có tiềm năng về lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, còn ở Thái Lan và Mianmar có ưu thế trong sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng...

Nói về sự phát triển của ngành Hải quan tương quan với sự phát triển, khi dự án Cảng Mỹ Thủy và khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hình thành, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị Lê Văn Tới dự báo: Sắp tới khi cảng biển Mỹ Thủy hình thành, Hải quan Quảng Trị phải có một đội ngũ cán bộ mạnh hơn, tinh thông nghiệp vụ để đón đầu cơ hội hàng hóa thông thương qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, qua cảng biển Mỹ Thủy. Rõ ràng khi giành được khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng Mỹ Thủy từ Thái Lan, Lào về biển Đông và ngược lại thì ưu điểm rất lớn là rút ngắn được quảng đường 150 km so với hàng vào cảng Đà Nẵng, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là sự lựa chọn tuyệt vời cho việc hút hàng từ Đông Bắc Thái Lan và Lào, đồng thời khi xây dựng mới, cảng Mỹ Thủy có điều kiện xây dựng với quy mô bề thế hơn các cảng biển hiện có dọc theo đất nước.

Thay lời kết

Còn nhớ cách đây ít lâu, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Đức Minh trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã nói đại ý rằng, phải tạo ra ở Lao Bảo một ''cái ổ'' hấp dẫn các nhà đầu tư vào ''đẻ trứng vàng''. Cái ổ đó bây giờ đã có, hành lang Đông Tây đã thực sự mở ra. Quảng Trị còn có nhiều vùng đất đắc địa như Lao Bảo. Nhưng để tiềm năng biến thành hiện thực thì còn có quá nhiều việc để làm. Như là mời khách đến chơi nhà để bàn chuyện làm ăn, rồi bỏ vốn đầu tư, vận chuyển hàng hóa…thì Quảng Trị, điểm đầu cầu về phía Việt Nam phải là địa chỉ thông thoáng về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh…

Là tuyến đầu năm xưa, nay thêm trọng trách đầu cầu trên hành lang kinh tế Đông Tây, tôi nghĩ Quảng Trị nhất định sẽ có một tương lai tươi sáng khi khát vọng vượt ra khỏi nhóm tỉnh nghèo, vươn lên giàu có đã trở thành cam kết chính trị mà từ mỗi ban ngành đến mỗi người dân ở nơi đây không ai có thể dửng dưng đứng ngoài cuộc.

Tôi cảm nhận ra điều đó khi dọc ngang trên đường 9, chứng kiến sự sôi động giao thương từ phía tây. Những chuyến hàng từ bên kia biên giới, từ Thái Lan, từ Lào… đang đợi chờ cảng Mỹ Thủy hình thành để có thể mau chóng đi ra với Thái Bình Dương.

                                                                               M.T

 

 

Minh Tứ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 177 tháng 06/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground