Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ký ức một thời phim bãi

Phim về rồi không có hào mô

Đục hàng rào họ đấm, họ xô

Hết phim rồi họ lại cho vô

Đó là những câu mà bọn trẻ thế hệ 7X chúng tôi hò reo chạy theo chiếc xe U-oát của đội chiếu bóng trên huyện về làng chiếu phim phục vụ bà con. Xe chạy chậm qua đường làng, ngõ xóm, tiếng thông báo từ loa vang lên: A lô! A lô! Chúng tôi trân trọng xin thông báo: Tối hôm nay, vào lúc 19 giờ 30, tại hội trường thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, Đội chiếu bóng số 2 chúng tôi sẽ trình chiếu bộ phim… với sự tham gia của các diễn viên…

Cứ mỗi khi nghe tiếng rao quen thuộc của đoàn phim là y như bữa cơm tối hôm đó được chuẩn bị gấp gáp hơn mọi ngày, miệng nhai mà mắt cứ ngó mặt trời. Tôi và nhóm bạn thường có mặt ở bãi phim thật sớm để phụ đóng cọc, kéo dây dựng màn chiếu phim, phụ khiêng những cuộn phim nhựa nặng trịch cùng rương hòm, cọc neo ra khỏi thùng xe. Hôm nào may mắn, được người trong đoàn phim “bảo lãnh” tối cho vào (vì phụ việc tích cực) thì coi như hôm đó trúng số độc đắc. Nhưng nếu không được “bảo lãnh” thì cũng không sao vì đám bạn “chuyên gia rúc rào” của tôi đã có kịch bản hẳn hoi, được chuẩn bị công phu ngay từ chiều, thậm chí là vài ngày trước khi nghe thông tin đội chiếu phim về.

Bãi chiếu phim được chọn là khuôn viên hội trường thôn hoặc khuôn viên nhà đội. Đây là địa bàn quen thuộc nên chúng tôi biết rất rõ hàng rào phía nào có thể chui qua lọt. Nhóm của chúng tôi thường chia làm hai tổ, mỗi tổ ba đứa. Buổi chiều thả bò ăn quanh sân bãi, thế nào chúng tôi cũng theo dõi và ngụy trang những chỗ đó kín bít, tối đến chỉ cần gỡ nhẹ tay một chút là từng đứa có thể chui lọt qua dễ dàng. Cùng lắm là bị gai tre níu áo hay cào một đường cảnh cáo nhẹ. Khi đã chui lọt vào bên trong, nếu nhìn quanh không thấy nhân viên bảo vệ thì cúi khom người chạy vào. Còn khi đang chuẩn bị chui qua rào nếu có ánh đèn pin của bảo vệ chiếu tới thì nhanh như chớp bọn tôi tụt quần ngồi xuống vờ như đang… ị, hoặc đứng dậy cởi quần ra vờ như đang đứng tiểu vậy. Thế là thoát. Trong trường hợp bị bảo vệ phát hiện ra thì chúng tôi sử dụng kế hoạch B. Nhưng kế hoạch B có vẻ mang tính mạo hiểm hơn, chỉ có những đứa thật gan dạ, nhanh nhẹn mới làm được. Đó là đợi khi hai anh gác cổng kiểm soát vé lơ là, chúng tôi giả vờ rượt đuổi nhau lao vào cổng rồi tìm cách ngồi lọt vào đám đông đã ngồi sẵn ở trong bãi. Nhưng kế hoạch này chỉ dùng được một đến hai lần, và số đứa lọt vào cũng gần tương đương với số bị bảo vệ tóm được bắt ra. Sau khi kế hoạch A, B bị phát giác, chúng tôi chỉ còn cách chờ phim chiếu đến cuốn thứ hai thì được xả cổng.

Những đứa trẻ được cha mẹ dẫn đi thường đến sớm mua vé tranh chỗ. Chỗ ngồi đẹp nhất là trước buồng máy, nơi chúng có thể hoa chân múa tay lúc thử máy để thấy hình mình trên màn ảnh, được ngắm nghía cái máy chiếu cồng kềnh như súng đại liên với những hộp phim như các băng đạn trong các phim chiến đấu của Liên Xô. Người đi xem phim thường mang một cái ghế theo để ngồi, ai không có ghế thì lấy hòn gạch hay đá hộc có sẵn ở bãi rồi trải giấy lên ngồi, có người kê dép để ngồi. Trời nóng thì cầm theo quạt mo cau, quạt giấy, nước uống cho vào chai hay bi-đông. Khổ nhất là đang xem phim gặp trời mưa sấm chớp ầm ầm mà phim thì đang đoạn gay cấn, không nỡ bỏ về. Vậy là người nọ chui nhờ mảnh áo mưa của người kia, cố gắng cầm cự xem cho hết phim, xem xong ai cũng ướt sũng.

Trong lúc xem phim bãi cũng xảy ra nhiều tình huống bi hài, người cười, kẻ khóc. Tình huống bi hài nhất là dính “lựu đạn” trứng ung hoặc đạp trúng “bãi mìn phân bò”. Vì sân bãi xã tôi là một bãi cỏ hoang, đá bóng ở đó, thả trâu bò ở đó và xem phim cũng ở đó. Chỗ nào tự nhiên thấy trống người thì đừng có cố chen vào mà đạp phải “mìn” như chơi. Tôi cũng đã một lần dính “mìn”. Đó là buổi chiếu phim Nước mắt học trò, tại Đội 1, thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, đến khoảng gần 7 giờ 30, khi lượng người trong bãi đã đầy kín thì chúng tôi bắt đầu “xuất quân” chui rào. Lần này phía rào chúng tôi chọn “đột kích” là vườn nhà ông P. Do các lần trước bọn tôi dẫm hư hoa màu của ông nên lần này ông đi tuần tra rất gắt. Xác định vậy nên từ lúc chập tối, bọn trẻ chúng tôi đã leo lên cây chè ngồi “chờ thời cơ” hàng tiếng đồng hồ. Tối đó, sau khi đã “yên vị” trên cây thì ông P cầm cái xảy (cây sào tre đầu có gắn ba lưỡi sắt nhọn cong lên hình lưỡi liềm, ở quê thường dùng để phơi rơm) đi từng cây và hỏi: Có đứa mô ngồi trên không bây? Xuống không tao thọc chừ? Miệng nói, tay làm. Ông đi từ cây này đến cây khác. Mấy đứa bạn của tôi, do hoảng sợ không chịu được đã lao từ trên cây xuống tháo chạy. Sắp đến lượt cây của tôi đang ngồi. Trời ơi! Bên trong bãi chiếu phim là tiếng của người thuyết minh đang giới thiệu về bộ phim Nước mắt học trò, với sự tham gia của Lý Hùng, Diễm Hương, là thần tượng của bọn trẻ chúng tôi lúc bấy giờ, còn phía dưới chân tôi là cái xảy đang chực chờ thọc thẳng về phía mình. Cũng may là ông lão đi qua nhanh nên tôi thoát nạn. Vậy là xong bước một, bước thứ hai là “hạ thổ”. Tôi bò đến lỗ đã ngụy trang từ chiều trong sự hồi hộp, lo âu lẫn sự phấn khích sắp gặp được thần tượng thì tay tôi chạm “mìn”. Có ai đó đã phát hiện ra chỗ chúng tôi ngụy trang nên đã “thả mìn” ngay cái lỗ chui vào. Vậy là tối hôm đó, tôi ra về trong sự tiếc nuối.

Gian nan là thế, nhưng tất cả những bộ phim hay lúc bấy giờ tôi đều được xem ở bãi, như các phim Phạm Công - Cúc Hoa, Biệt động Sài Gòn, Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Em bé Hà Nội, Người không mang họ, Bao giờ cho đến tháng Mười,… và rất nhiều phim chiến đấu của Liên Xô, Hung-ga-ri… Những bộ phim ấy đã đem lại niềm vui cho bọn trẻ chúng tôi, và cũng là hành trang ký ức tuổi thơ tôi mang theo suốt cuộc đời.

Bây giờ, phim bãi không còn nữa, cuộc sống ngày càng phát triển với những phương tiện nghe nhìn giải trí đa phương tiện. Mọi người có thể xem phim mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần có chiếc điện thoại thông minh kết nối wifi hoặc 4G. Nhưng đôi khi tôi cảm thấy cô đơn giữa cuộc sống đầy tiện nghi hiện đại, vẫn thèm nghe một tiếng rao quen thuộc, thèm một buổi chiếu phim ngoài trời thoáng đãng, thèm nghe tiếng gọi nhau í ới trong sân bãi khi ra về... Tất cả giờ chỉ còn là ký ức của một thời đã xa.

N.C.H

 

 

 

 

 

NGUYỄN CHÍ HIẾU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 309

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground