Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mảnh đất hồn người

Liên tục trong 2 năm (1993-1994) Hội VHNT đã mở 3 trại viết văn tại nhà sáng tác Cửa Tùng. Hầu hết những cây bút chủ lực của phân hội Văn học đã tham gia. Số 16, 17 của Văn hóa Quảng Trị (cũ) đã giới thiệu một số tác phẩm trong trại. Cửa Việt từ số này sẽ tiếp tục giới thiệu với bạn đọc những sáng tác hay từ nhà sáng tác Cửa Tùng.

Đối với tôi mảnh đất làng Xuân Long đã trở thành thân thuộc. Trong mỗi đời người, ai cũng lấy nơi chôn rau cắt rốn làm quê nhà, lấy nơi lớn lên và trưởng thành làm đất lập nghiệp. Đối với đời tôi có cả hai nơi đất ấy.

Tôi sinh ra ở làng Tân Trại, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh. Năm 1950, để tránh cảnh truy bức o ép của bọn địch đối với những gia đình có người đi kháng chiến mẹ tôi gửi tôi qua làng Xuân Long (thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh bây giờ) nơi Chú ruột tôi đang công tác tại Ủy ban kháng chiến (UBKC) xã Vĩnh Giang. Tôi vượt sông vào một đêm tháng hai mưa rây và rét ngọt, trên một chiếc thuyền ván mỏng như một chiếc lá. Đêm đen dày, mặt sông đen ngòm, bọt bèo và lạnh cóng. Sang đến bờ bên kia, sau cánh đồng là làng quê tôi với những Cổ Trai, Tân Trại, Mỹ Phước, Di Loan… những tên đất, tên làng mến yêu, chất chứa bao kỉ niệm của mọi kiếp người. Là một vùng tạm chiến, làng tôi thường xuyên sống trong cảnh truy bức và o ép của địch. Và đêm nay, đêm đầu tiên tôi xa mẹ, xa làng, chốc chốc vẫn nghe tiếng chó sủa rộ lên và tiếng súng của những đợt ruồng bố. Máu làng quê tôi lại chảy, nước mắt của những người mẹ, người vợ, người em lại rơi, lại thêm những vành khăn tang tóc trên đầu người dân làng tôi. Và mẹ tôi sẽ sống ra sao giữa những đêm dài ruồng bố như đêm nay. Tôi xiết tay nải vào lòng như cố tìm hơi ấm của bàn tay mẹ trên mỗi thứ đồ dùng mang theo. Năm xưa, cũng trên bến sông này, mẹ đã một lần tiễn cha đi kháng chiến. Buổi tiễn đưa đã để lại cho mẹ những kỉ niệm ấm lòng nhưng cũng lắm buồn thương. Cha đi rồi, mẹ về nhà trở dạ sinh tôi. Và đêm nay, như một sự cố gắng kiệt cùng của mẹ, khi mẹ đã được tin cha đã bỏ mình tại mặt trận Thanh Hương, mẹ phải dằn lòng gửi tôi qua sông, như cố giữ lại giọt máu cuối cùng của tình yêu đời mẹ với một người lính…

Sau khi buộc thuyền xong, người du kích chuyên lái đò ngang ban đêm trên bến sông này đã đưa tôi vào một ngôi nhà khá rộng nằm sâu giữa làng. Sau này tôi mới biết đó là nhà của cụ Hoàng Cõi, địa điểm mà UBKC xã Vĩnh Giang chọn đóng trụ sở. Đêm ấy, tôi ngủ trên một bộ ván đặt ở góc nhà và đắp bằng một chiếc chăn bố - đó là giường nằm hàng đêm của chú tôi. Trong giấc mơ chập chờn, thao thức, lần đầu tiên không có mẹ, tôi nghe vọng về tiếng sóng vỗ ngoài bờ sông, tiếng cá đớp mồi trước ao nhà và tiếng súng vọng từ làng quê tôi dội tới. Đến gần sáng, tôi bỗng choàng dậy vì có nhiều tiếng súng rộ lên từ phía bờ sông bên kia. Người lái đò ban đêm lại xuất hiện và nói thầm với chủ nhà điều gì đó. Lát sau chú tôi vào. Người ướt lướt thướt từ đầu tóc đến quần áo. Đôi mắt trũng sâu nhìn tôi đăm đắm. Hai giọt nước mắt ứa ra lăn dài trên gò má hóp lại đen xạm vì nắng gió. Chú tôi đã khóc. Những giọt nước mắt âm thầm trĩu nặng thương đau. Hầu như chú tôi đang chịu đựng một nỗi đau nào đó ghê gớm lắm. Sau này tôi mới biết, cái đêm mẹ tôi gửi tôi qua sông cũng là lúc chú tôi được đồng chí Búi Bá Kính – Bí thư Đảng ủy xã, cử đưa đồng chí Nguyễn Uẩn huyện ủy viên huyện ủy Vĩnh Linh trở lại khu đông Vĩnh Linh để tổ chức phát động lực lượng du kích tăng cường quấy rối các vị trí địch, phát động toàn dân đấu tranh chống giặc bắt lính. Sau khi hoàn thành công việc, khoảng 1 giờ sáng, chú tôi và đồng chí Nguyễn Uẩn chia đường xuống bến đò. Trước khi ra đi, mẹ Ngô Thị Thăn thân mẫu của đồng chí Nguyễn Văn Trường – trưởng phòng tài chính huyện Vĩnh Linh bây giờ, biếu đồng chí Nguyễn Uẩn một xấp thuốc lá ngọn. Chú tôi vượt tắt con đường từ ao đình, băng qua mã cao để xuống bến đò còn đồng chí Nguyễn Uẩn đi theo con đường cái quan trước mặt làng. Khi đến khu vực Nền Dương thì bị một ổ phục kích của địch bắn chết. Khi đến bến đò nghe từng tràng súng liên thanh rộ lên ở phía Nền Dương, chú tôi biết đồng chí của mình đã bị sa bẫy, nên vội vã lội bộ qua sông để báo tin với Đảng ủy xã. Sáng hôm sau chú tôi lại được cử lên chiến khu Thủy Ba để báo cáo tình hình cái chết của đồng chí Nguyễn Uẩn với huyện Vĩnh Linh và UBKC của huyện. Bọn địch sau khi bắn chết đồng chí Nguyễn Uẩn, chúng cắt đầu găm vào một chiếc cọc nhọn cắm ở gốc Đa Cháy sát cầu Mũi Lò nằm trên tuyến đường 70 từ Hiền Lương về đến Cửa Tùng bây giờ. Dã man hơn, chúng còn quấn thêm một điếu thuốc lá thật to cắm vào miệng đồng chí và bố trí lính canh gác không cho ai đem chôn. Máu làng tôi lại chảy, dân làng tôi từ già trẻ gái trai ai cũng khóc thương xót cho một người con quê hương đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê nhà. Sau khi nhận được tin báo, huyện ủy và huyện đội Vĩnh Linh đã cử một đội trinh sát về cướp lại thủ cấp của đồng chí Nguyễn Uẩn đưa lên chiến khu mai táng. Hiện nay mộ của đồng chí Nguyễn Uẩn được đặt tại nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh, trung tâm thị trấn Hồ Xá.

Những năm tháng sống trên vùng đất Xuân Long đã in đậm vào tuổi thơ tôi những dấu son kỉ niệm. Hàng ngày, tôi theo đứa cháu nội của cụ Hoàng Cõi ra bến sông chơi hoặc ra đồng đánh khăng với bọn trẻ chăn trâu. Đến bữa, hai chú cháu thổi nấu hai lần trong một chiếc ăng gô. Cũng có những lần tôi được ăn no bằng thích. Đó là những ngày nghỉ việc cơ quan, chú tôi được bà con trong làng đến nhờ chằm áo tơi đi mưa, hoặc bện sáo đăng bờ. Những ngày ấy, tôi được chú cho đi theo và tất nhiên tôi cũng được ăn cơm như chú. Cơm gạo chiêm đồng ghế khoai lang khô, cá bống kho mặn và canh rau muống nấu với tép đồng. Tôi lớn phổng phao lên trông thấy. Hầu như nước của dòng sông đã đem lại cho tôi một nguồn sinh lực và để làm cho tôi tươi da thắm thịt. Có những lần trong lúc tắm tôi đã bắt được những chú cá bống to bằng bắp tay và những chú cua dèm ranh mãnh. Đó là những bữa đại tiệc của tuổi thơ tôi. Chẳng cần soong nồi nấu nướng gì tất, tôi chỉ việc quơ một đóng ra khô đốt lên và ném cả cua lẫn cá vào lửa. Thế là khi tàn lửa, tôi đã có ngay một bữa cá cua nướng hấp dẫn. Tất nhiên thú vui cũng có lúc suýt mang họa vì có một lần tôi và Truyền - Cháu nội của cụ Hoàng Cõi đem tôm cá vào đốt lửa nướng gần đống rơm to. Gió thổi tàn lửa bay vào đống rơm làm cháy bùng lên, may mà có mấy anh bộ đội địa phương đi qua chạy vào dập lửa giùm không thì họa to. Thật là hú vía!

Phong trào Cách mạng của khu Đông ngày một lên cao. Lực lượng du kích phối hợp với bộ đội địa phương tăng cường quấy rối các vị trí địch làm cho chúng mất ăn, mất ngủ, co cụm lại; phong trào đấu tranh hợp pháp của quần chúng nhân dân, chống giặc bắt lính, chống đi phu ngày một giành thắng lợi. Bài vè “Chống giặc bắt lính Vĩnh Giang” của cụ Nguyễn Tộ cũng ra đời từ đấy và vẫn còn truyền tụng mãi cho đến bây giờ. Để hòng ngăn chặn phong trào cách mạng ngày một lên cao của khu Đông Vĩnh Linh, năm 1952, bọn địch thiết lập thêm hệ thống đồn bốt từ Phước Sơn, Mỹ Tá, Hiền Lương, Dốc Miếu, Tân Trại, Mũi Rú, Thừa Lương để bịt con đường chỉ đạo của huyện ủy với khu Đông Vĩnh Linh. Để tiếp tục chỉ đạo phong trào Cách mạng ngày một lên cao của các xã thuộc khu Đông, huyện ủy Vĩnh Linh quyết định cắt con đường từ chiến khu Thủy Ba băng qua Giàng Phao, Hải Cụ về đến Xuân Long. Và mảnh đất làng Xuân Long đã trở thành chiến khu thứ hai của phong trào Cách mạng của Khu Đông Vĩnh Linh. Và đêm đêm từng đoàn cán bộ, bộ đội từ chiến khu Thủy Ba lại tập kết về Xuân Long vượt sông trở lại hoạt động ở khu Đông Vĩnh Linh. Và cũng từ làng Xuân Long, Bạch Lộc từng đoàn dân công âm thầm gánh gạo muối ngược đường Giang Phao, Hải Cụ lên tiếp tế cho chiến khu Thủy Ba. Bằng tấm lòng cưu mang và chở che, bà con Xuân Long không chỉ dành những tình cảm quý báu cho những cán bộ, bộ đội người Vĩnh Linh mà còn chắt chiu từng lon gạo, từng quả trứng để ủng hộ cán bộ, bộ đội. Đồng muối Bạch Lộc, một cơ sở sản xuất của UBKC xã Vĩnh Giang tiếp tế muối cho chiến khu cũng ra đời từ đấy.

Những năm tháng ấy thực sự sôi nổi đối với tuổi thơ tôi. Đêm đêm tôi thường thức rất khuya để lắng nghe tiếng súng công đồn của bộ đội địa phương phối hợp với du kích các xã vùng Đông Vĩnh Linh và các vị trí dọc con đường 70 – và mỗi khi trở về những người lính Vĩnh Linh lại được sống trong vòng tay ôm ấp, cưu mang của bà con làng Xuân Long. Có một kỷ niệm mà mãi đến hôm nay tôi không bao giờ quên. Đó là trận đánh do lực lượng bộ đội địa phương phối hợp với thôn đội du kích làng Tân Trại tiến đánh vị trí Tân Trại thượng. Tuy ta ngăn chặn được ý đồ phá hoại mùa gặt của địch, nhưng do sơ suất về công tác trinh sát nên phía ta cũng bị thiệt hại không nhỏ. Khi được tin này, bà con Xuân Long đã ra tận bến sông đón từng thương binh về nuôi dưỡng, chăm sóc. Nhiều cán bộ, bộ đội người Vĩnh Linh đã trở thành con rễ của làng từ đấy.

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Bắc Nam. Tôi lại trở về làng mang theo những kỷ niệm tuổi thơ trên vùng đất Xuân Long nơi có bến sông tắm mát tuổi thơ tôi, nơi có lũy tre làng ríu ran tiếng sáo chiều và những cánh đồng náo nức tiếng trẻ nô đùa. Tuy chỉ cách nhau một con đò, một quãng đồng mà sau hơn 4 năm mẹ con tôi mới được gặp nhau mừng vui khốn xiết. Trước khi về làng, Hoàng Truyền tặng cho tôi bộ quần áo mới may của nó. Bộ quần áo ấy tôi mặc suốt thời gian học cấp 1 ở trường làng. Được sống bên mẹ, tôi vẫn ước có một ngày trở lại làng Xuân Long để thăm cụ Hoàng Cõi và những đứa bạn đồng niên của mình. Những tưởng theo Hiệp nghị Giơnevơ, sau hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử, đất nước sẽ thống nhất, Bắc Nam – lại được sum họp một nhà. Ai ngờ do mưu đồ muốn chia cắt lâu dài đất nước ta bọn Mỹ Diệm đã phản bội lời cam kết, ngoan cố không thực hiện tổng tuyển cử. Làng Xuân Long - quê hương thứ hai của tuổi thơ tôi lại nằm trong vòng kìm kẹp, o ép của bọn Mỹ ngụy. Sau nhiều chiến dịch tố cộng, dồn dân lập ấp cũng như bao nhiêu làng quê khác thuộc vùng Nam sông Bến Hải, làng Xuân Long lại xơ xác tiêu điều như làng quê tôi ngày trước. Đêm đêm, tôi lắng nghe tiếng đồng vọng dội về phía bên kia sông. Lại tiếng chó sủa, tiếng súng và tiếng la hét. Máu của làng Xuân Long đã đổ, nước mắt của những người mẹ, người vợ đã rơi, lại thêm những vành khăn tang tóc trên đầu của những người dân vô tội. Thế nhưng, như sức sống của cội nguồn, như sinh lực khởi thủy từ dòng sông, đất và người Xuân Long vẫn một lòng kiên trung thủy chung với Đảng với Cách mạng. Bất chấp sự ngăn cấm của bọn cảnh sát ngụy, dân làng Xuân Long vẫn ngấm ngầm nuôi dấu cán bộ, ủng hộ và tham gia công cuộc đánh Mỹ cứu nước. Và vùng đất Xuân Long một lần nữa lại trở thành địa bàn an toàn cho những cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam hoạt động và cũng là nơi tiễn những cán bộ miền Nam ra miền Bắc học tập và rèn luyện. Ở bên nách địch, nhưng bằng sự chở che của dân, những cán bộ, những người chiến sĩ biệt động vẫn an toàn đi về làm nhiệm vụ. Đồng chí Trần (tức đồng chí Phan Chung – Phó bí thư tỉnh ủy Quảng Trị bây giờ), anh hùng lực lượng vũ trang Trương Thành Nam là những người khách đặc biệt và thân thiện của bà con Xuân Long.

Và những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước làng quê tôi cũng như làng Xuân Long cùng chung một mặt trận. Bến đò C và bến đò Xuân Long đã trở thành một chiếc cầu thuyền ngày đêm chuyển những đoàn quân chủ lực vào góp lửa với tiền phương. Những người lính của binh đoàn sông Dinh hẳn không quên hình ảnh của những người cha, người mẹ, người em nắm vuốt từng bàn tay của mình, dúi vào ba lô những củ khoai luộc thơm bùi, những bắp ngô non thơm mùi sữa, những điếu thuốc sâu kèn giúp anh vượt qua cơn nghiện thuốc lào trên đường hành quân. Phùng Thế Tấn người dân quân lái đò dũng cảm mưu trí của bến sông C, người làng tôi, sau nhiều lần chuyển quân qua sông đã đem lòng yêu một người nữ du kích làng Xuân Long. Cô cũng là người lái đò chuyển thương binh ra tuyến ngoài. Họ yêu nhau thầm lặng và kiên nhẫn. Tình yêu trong chiến tranh, họ chưa có một lần ngồi với nhau tâm sự, nhưng qua ánh măt, nụ cười, họ thầm mong chiến tranh sớm kết thúc để làm lễ cưới. Họ sẽ hạnh phúc, nếu không có gì xảy ra sau đó, nhưng tình yêu của họ vẫn không tránh khỏi sự tàn khốc và nghiệt ngã của chiến tranh. Anh đã ngã xuống trong một trận ném bom của giặc Mỹ trên bến sông, khi thuyền anh chuần bị chuyển quân qua sông. Anh trút hết hơi thở cuối cùng trên tay người bạn gái, cũng là đồng đội và người yêu của anh. Đồng đội chôn anh trên một gò cao ở giữa đồng sát bến sông. Chiều khi mặt trời sắp tắt, chị lại đến mộ anh thắp lên những nén hương tưởng niệm và nói lên những điều gì đó như nguyện cầu…..

Năm 1972, Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, bà con Xuân Long từ các khu tập trung Tân Tường, Tân Hiệp trở về, từ các nơi sơ tán ở miền Bắc trở vào. Tay nãi gòng gánh hành trang, họ lại dắt dìu nhau về nơi đất cũ. Lại tiếp tục cấy lúa trồng khoai, yêu nhau và sinh con đẻ cái. Đất làng Xuân Long lại ấm dần lên trong hơi thở của cuộc sống con người: Tình xưa nghĩa cũ, uống nước nhớ nguồn, dân làng tôi lại chắt gom từng xâu thóc giống, từng nắm ngọn khoai để giúp bà con Xuân Long tổ chức lại cuộc sống sản xuất sau chiến tranh. Lúa lại lên xanh, khoai đã ấm vòng, cuộc sống ngày một tươi da thắm thịt bằng sức tạo dựng của con người. Chao ôi! Hạnh phúc thật là giản dị, thế mà biết bao máu xương đã đổ xuống mảnh đất này. Cả làng có 200 hộ thì đã có 100 gia đình liệt sĩ, thương binh. Bà Hoàng Thị Ích năm nay đã 96 tuổi gần như là người của thế kỷ trước móm mém nhai trầu vừa nói thều thào với tôi những lời thầm thì của đất, của số phận những đời người trên vùng đất đáng ghi nhớ này.

Trong một phút thiêng liêng tôi như nghe lại được âm hưởng của một mạch nguồn từ Giàng Phao, Hải Cụ xuôi về bến cát miền Đông, con đường của những người cán bộ, người lính Vĩnh Linh đã cắt tuyến về với Xuân Long để trở lại khu Đông Vĩnh Linh như tìm lại quảng đời của tuổi thơ tôi trong chiến tranh.

Xuân Long! Mảnh đất – vùng sâu của tuổi thơ tôi, của đời tôi, vùng sâu của những nổi niềm hoài thức khôn xiết!......

N.N.P

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 1 tháng 10/1994

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

11 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

11 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

11 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

11 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground