Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một cây cầu và những vận hội…

N

hững ngày cuối cùng của năm 2006 khép lại bằng một tin vui: khánh thành cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mêkông. Nghĩ cũng lạ lùng, sự kiện thông tuyến một cây cầu ở tận  nước ngoài lại khiến nhiều người ở khu vực miền Trung háo hức mong ngóng và nhất là người Quảng Trị lại rất đổi phấn khởi. Làm sao có thể không vui mừng được khi đường 9, cái “xương sống kinh tế” của tuyến hành lang Đông Tây, chạy từ Đông Hà lên Lao Bảo, xuyên thêm 250 cây số nữa trên đất bạn Lào để rồi lâu nay chỉ dừng lại ở thị xã Savẳn bên bờ đông sông Mekong, nay thì với cây cầu “Bảy mươi triệu đô” nhịp vươn của con đường đã băng qua miền Đông Bắc Thái Lan, lên tận bờ ấn Độ Dương của thành phố cảng Mawlamyine (Mianmar).

Chiếc đũa thần cho những miền đất nghèo khó

Hành lang kinh tế Đông Tây (East West Economic Corridor-EWEC)-một khái niệm nghe rất “sang”, nhưng thật ra đó chính là một dự án nhằm khai phóng tiềm năng những miền đất đang còn khó nghèo ở Nam Mianmar- Đông Bắc Thái Lan-vùng Hạ Lào và miền Trung Việt Nam trên một chiều dài 1450km. Và gần mười năm nay, hành lang này bị “bế tắc huyệt đạo” chỉ vì dòng Mekong rộng mênh mông chắn lối, để rồi ngày 20-12-2006 cây cầu Hữu Nghị 2 đã vạm vỡ nối đôi bờ dài hơn hai cây số đã thông tuyến.

Sự có mặt của công chúa Thái Lan Maha Chakri Siridhorn, Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khánh thành đã nói lên tầm quan trọng của sự kiện đặc biệt này.

Chúng tôi đã có mặt tại bờ sông Mekong ngay dịp thông tuyến cầu Hữu Nghị 2. Buổi sáng trước ngày khánh thành, ngồi bên bến phà cũ ở Khăntabuly, ở đấy vẫn hoạt động rộn ràng với hàng trăm xe tải nối đuôi nhau nằm chờ, nhìn lên phía thượng nguồn, cách chừng hai cây số, cây cầu mới xây đang soãi mình qua dòng sông Mekong mênh mang sóng nước.

Đứng tựa vào thành chiếc xe tải nằm đợi phà từ Savẳn sang Mukdahan, anh Yood, tài xế người Thái nhìn lên chiếc cầu  phía xa, trên gương mặt anh không giấu được niềm vui.Anh Yood cho biết anh đã gần mười năm làm tài xế chuyên chở hàng từ Thái sang Lào trên những chuyến phà nặng nhọc và chậm chạp này. Nếu thuận lợi, bình thường thời gian qua một chuyến qua phà mất hơn một tiếng đồng hồ, nhưng với tốc độ phát triển của giao thương giữa hai nước, số xe qua phà ngày càng nhiều, có ngày phải chờ mất cả buổi. Vậy nhưng với chiếc cầu Hữu Nghị 2 này thông tuyến anh chỉ mất chưa đến năm phút để qua chiếc cầu dài hai cây số này. Hiện tại anh Yood vẫn chưa biết giá vé qua cầu sẽ là bao nhiêu, rẻ hay đắt hơn so với vé qua phà nhưng chắc chắn sẽ đỡ rất nhiều thời gian chầu chực sang phà.

Gần dưới chân cầu, hai anh Xí và Keo, từ Sênô, vượt ba mươi cây số lên ngồi bên bờ sông dõi theo dáng cây cầu một cách say sưa, và suốt dọc triền sông bên phía Savẳn rất nhiều người dân cũng ra đứng nhìn cây cầu như một kỳ quan. Niềm vui của anh Yood tài xế cũng như hàng vạn người dân hai nước có chung dòng Mekong ở quảng sông này, với họ có thể cây cầu chỉ giúp họ rút ngắn thời gian qua về biên giới, đi thăm thú mua sắm, còn với nhiều doanh nghiệp ở Việt-Thái-Lào cây cầu đang mở ra nhiều cơ hội to lớn.

 

Nối thông một huyết mạch kinh tế - du lịch

Có một tour du lịch mang cái tên khá ấn tượng lâu nay thu hút khách ở Quảng Trị mang tên “Một ngày ăn cơm ba nước”, nó ấn tượng bởi khách chỉ mất chưa đến năm mươi USD để ăn sáng ở Quảng Trị, ăn trưa ở Lào và buổi chiều đã ngồi ở Mukdahan nhâm nhi cá nướng bên bờ Mekong. Tuy nhiên với việc hoàn thành cây cầu này thời gian đi từ Việt đến Thái chỉ có thể còn lại một buổi. Cách nay vài năm, đồng chí Lê Hữu Thăng, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người trực tiếp phụ trách  Khu thương mại Lao Bảo- cửa ngõ đầu cầu của Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) phía Quảng Trị cho biết lợi thế của EWEC với miền Trung Việt Nam là điều không còn nghi ngờ, tuy nhiên phải có ba điều cần giải quyết là nâng cấp  quốc lộ 9, cải cách nhanh chóng thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục hải quan ở các cửa khẩu và thông tuyến cầu Hữu Nghị 2. Đường 9 đã nâng cấp xong, các thủ tục xuất nhập cảnh, thông quan ở cửa khẩu biên giới các nước đã cải thiện đáng kể, trong đó có việc miễn visa cho khách trong khu vực ASEAN. Và bây giờ đến lượt cây cầu Hữu Nghị 2 hoàn thành đã mở ra một “hành lang” đúng nghĩa của nó.

Anh Bun Thừng, Phó trưởng phòng du lịch tỉnh Savanakhet đã có mặt rất sớm trong buổi lễ khánh thành cầu. Chỉ sáng ngày mai, anh sẽ đón đoàn khách tour Caravan đầu tiên qua cầu với gần một trăm ô tô, đoàn khách này do đối tác của anh ở Bangkok là Công ty du lịch GMS  và Công ty du lịch Hangh tổ chức, sau khi về Savanakhet khách sẽ xuôi theo quốc lộ 9 về Đông Hà và vào Huế, Đà Nẵng, Hội An rồi lên Kontum, qua Lào vào tỉnh Atôpư, Champasac rồi quay về Thái Lan với lộ trình sáu ngày năm đêm. Anh Bun Thừng cho biết từ nhiều tháng qua các doanh nghiệp du lịch từ Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị đã lên “lót tổ” tại Savanakhet bởi không chỉ khai thác thị trường du khách Thái Lan, mà với hơn năm vạn Việt kiều miền Đông bắc Thái, cây cầu đã nối gần hơn đường về cố hương của họ. Lượng khách quốc tế anh Bun Thừng dự kiến trong thời gian tới qua cửa khẩu này sẽ tăng lên từ ba đến năm lần.

Điều mà nhiều người làm du lịch mong ước đã thành sự thật: Ngày Tết dương lịch 1-1- 2007, số lượng du khách Thái Lan nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị)  là 1500 người. Đó chưa phải là một con số thật lớn, nhưng sẽ là một con số rất ý nghĩa nếu biết rằng số khách đó nhiều hơn tổng số khách Thái Lan đến Việt Nam trong ba năm từ 1999 đến 2001 là..1300 người (giai đoạn du lịch Việt Nam bắt đầu khai thác du khách Thái qua các tuyến đường bộ qua biên giới Việt Lào).

Số khách đến đông một cách bất thường vào ngày đầu năm 2007  ấy hoàn toàn không bất ngờ với mọi người, bởi đúng như như ngài Katsuhiko Asano, Thứ trưởng cao cấp Bộ Ngoại giao Nhật bản phát biểu tại lễ khánh thành, rằng “Cầu Hữu Nghị 2 là một bộ phận cốt lõi của EWEC, thúc đẩy hội nhập và góp phần phát triển các nền kinh tế ở khu vực Mekong”. Những vận hội mới đang thực sự mở ra cho những miền đất còn hoang sơ và khó nghèo trên hành lang này.

 

Thức dậy những vẻ đẹp nguyên sơ…

Năm trước, chúng tôi đã có một chuyến đi đúng theo lộ trình “hành lang Đông Tây” từ Đà Nẵng, ra Huế lên Lao Bảo rồi sang Savanakhet, từ đó vượt sông Mekong đi xuyên qua nhiều tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, qua thủ phủ Khonkaen của vùng này, lên gần cửa khẩu Mesot biên giới Thái Lan-Mianmar, nghĩa là gần 2/3 của hành lang - khoảng 1000 km trong tổng chiều dài 1450km của toàn tuyến đường từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đến cảng Mawlamyine (bang Mon-Mianmar). ấn tượng lớn nhất không chỉ là hạ tầng đường sá quá tốt trên đất Lào và Thái Lan mà vẻ đẹp nguyên sơ của miền đất này dường như chưa bị cơn lốc thị trường chạm đến. Savanakhet, thành phố lớn thứ hai của Lào (sau thủ đô Vientian) vẫn mang  vẻ bình yên của một thành phố như sót lại từ đầu thế kỷ 20 ngoại trừ những chiếc xe ô tô đời mới khá nhiều trên phố. Vẫn còn những ngôi nhà cổ nằm ở con phố gần bến phà cửa khẩu ra sông Mekong, người dân sống với nhịp điệu chậm rãi và khoan hòa ở một đất nước Phật Giáo là Quốc Đạo. Tháp Ing Hang, nhà đá Huan Hine, đền Phone ở Xatphouthong, bảo tàng Khủng Long, thư viện cổ Hortai Pitok lưu giữ những bản thảo viết tay trên lá cọ những bài ca truyền thống... là những thắng tích rất có giá trị du lịch ở đây. Còn  những thác nước, rừng nguyên sinh để làm du lịch sinh thái thì hầu như không huyện nào trong tỉnh Savanakhet là không có như ở Noong Lom, Don Deang… Chỉ có một điều: với một tài nguyên du lịch đầy tiềm năng như thế song ngành du lịch của tỉnh Savanakhet lại chưa làm tốt công tác quảng bá tuyên truyền nên hầu như rất ít du khách biết đến.

Riêng vùng Đông Bắc Thái Lan ngoài những di tích danh thắng, đây là vùng đất với số lượng Việt kiều đông đảo, những ngày ở Mukdahan, Nakhon Phanom, Sakon Nakhon, Kalasin, Khonkaen… nhiều lúc chúng tôi cứ ngỡ như đang ngồi trong một góc nhỏ nào đó ở nước mình. Gặp một Việt kiều vậy là í ới gọi nhau, một chốc sau đã quây quần râm ran tiếng Việt… cái cảm giác ấm áp nơi đất khách quê người ấy không phải đi du lịch nước nào cũng có được. Đây cũng là nguồn khách đáng kể với những tour “Về cố xứ” mà những công ty du lịch không thể không lưu tâm. Với nhiều Việt kiều ở Muk lại giản dị hơn: Với cây cầu này, buổi sáng chất đồ đạc lên sau thùng chiếc xe pickup, hai giờ chiều cả nhà có thể tha hồ vùng vẫy trong sóng biển Cửa Tùng, Cửa Việt (Quảng Trị), thậm chí vào tận biển Lăng Cô, Mỹ Khê… thay vì chặng đường cả ngàn cây số về Pattaya. Chúng tôi đã nghe rất nhiều dự định náo nức như thế từ những người dân Việt-Thái-Lào trong những ngày này khi cây cầu khánh thành…

Lao Bảo: cửa ngõ EWEC vào Việt Nam

Có thể nói việc Thủ tướng chính phủ ban hành quy chế xây dựng thí điểm khu thương mại Lao Bảo vào cuối năm 1998 như một chiếc đũa thần đánh thức Lao Bảo vươn vai đứng dậy, vạm vỡ cường tráng trong hình hài một đô thị tương lai nơi miền Tây Quảng Trị để đón đầu sự kiện thông tuyến hành lang này.

Năm 2002, Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định bổ sung sửa đổi chính sách ưu đãi. Sau nhiều lần bổ sung các chính sách ưu đãi, tháng 1-2005 chính sách Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (KTTMĐB) đã được Thủ tướng chính phủ ban hành. Một trong những lý do để Lao Bảo thu hút đầu tư, ngoài những chính sách ưu đãi đặc biệt riêng có cho Khu KTTMĐB này, có thể nói vị trí chiến lược của Lao Bảo trên trục hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Mianma, Thái Lan, Lào, Việt Nam, và Lao Bảo chính là cửa ngõ của hành lang này khi vào Việt Nam. Trung tâm thương mại Lao Bảo là một tổng thể kiến trúc bề thế và hài hoà với không gian của một đô thị sơn cước, nay đang là điểm thu hút du khách tham quan di tích lịch sử vùng Khe Sanh- Lao Bảo kết hợp mua sắm. Đã từng có một đoàn du lịch Caravan từ ấn Độ qua Mianma, Thái Lan, Lào, vào Việt Nam qua cửa khẩu này rồi sang Campuchia, miền Nam Thái Lan, Malaisia, Singapore, Indonesia để chứng minh khả năng kết nối châu á bằng đường  bộ là hoàn toàn có thể, mở ra triển vọng về một con đường phát triển kinh tế-du lịch và giao lưu văn hoá giữa các dân tộc. Nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị những công trình lớn đón đầu cơ hội ở nhịp cầu đầu tiên trên hành trình kết nối châu á bằng đường bộ. Nhiều công trình đang khởi động tại đây với quy mô và tầm vóc lớn như cụm Trung tâm cao ốc của Công ty Nam Hiệp Thành và Công ty TNHH Thương mại quốc tế và đầu tư phát triển miền Trung.

Điều đáng lưu tâm là rất nhiều doanh nhân Trung Quốc đã chọn Lao Bảo như một bàn đạp để đưa hàng hóa Trung Quốc thâm nhập thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan và Mianmar theo tuyến hành lang này. Điều ấy chúng tôi đã chứng kiến khi sang bờ Tây sông Mekong phía Thái Lan. Tại chợ “Đông Dương” nằm ngay phía đầu cầu Mukdahan chúng tôi đã bắt gặp khá nhiều hàng hóa Trung Quốc bày bán, đặc biệt đồ chơi trẻ em được nhiều khách Thái ưa chuộng. Cô Chanit, một nhân viên bán hàng ở đây cho hay, không chỉ đồ chơi mà cả đồ gốm sứ Trung Hoa cũng đang được chào bán và rất được người Thái quan tâm.

Kết nối với “Con đường di sản thế giới”…

Với một đất nước không có biển như Lào hay ở quá sâu trong nội địa, xa biển như vùng Đông Bắc Thái Lan thì du lịch biển luôn là giấc mơ của những chuyến đi. Bởi thế trong nhiều hội thảo về phát triển du lịch trên EWEC du lịch biển ở miền Trung Việt Nam luôn được chú trọng. Ông Lê Văn Thắm, giám đốc trung tâm lữ hành DMZ của Công ty Cổ phần du lịch Quảng Trị đã nói về nguồn khách mới từ Thái sẽ về Việt Nam trên tuyến EWCE và có những nhận xét xác đáng: Du khách Thái rất thích phong cảnh và biển ở miền Trung Việt Nam. Giá cả cũng tương đối thấp so với mức thu nhập của họ. Tính bình quân mỗi khách tiêu hết 300 USD cho một chuyến đi cỡ 4 ngày - 3 đêm, trong đó lưu trú chỉ mất sáu mươi USD, số còn lại họ mua sắm rất mạnh tay, nhất là hàng thuỷ sản và đá mỹ nghệ, hàng lưu niệm ở Hội An. Thứ đến là khách Thái, Lào không đòi hỏi cao về các dịch vụ du lịch, phù hợp với năng lực của các cơ sở lưu trú, nhà hàng, thương mại ở miền Trung. 

Và lẽ dĩ nhiên cùng với du lịch biển, du khách theo hành lang kinh tế Đông Tây sẽ không thể không tham gia tuyến du lịch “Con đường di sản thế giới” của miền Trung -Tây Nguyên. Một sự tương tác chắc chắn mang lại những hiệu quả to lớn không ngờ nếu ngành du lịch của các tỉnh trên trục EWEC biết kết nối thực sự. Và trước hết nó sẽ có những tác động tích cực cho ngành du lịch Quảng Trị, kinh tế Quảng Trị..

 

Savanakhet-Đông Hà,12-2006

L.Đ.D

 

 

Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 149 tháng 02/2007

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

3 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

5 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground