Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày giải Gio Linh

LTS. Hoà trong khí thế thi đua sôi nổi của tỉnh nhà lập thành tích kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, 35 năm ngày giải phóng Quảng Trị, Đảng bộ và nhân dân huyện Gio Linh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày quê hương hoàn toàn giải phóng.

Nhân dịp này, CV. ra số báo chuyên đề và có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

PV. Thưa đồng chí Chủ tịch, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn Gio Linh là vành đai trắng điển hình. Một cách khái quát, xin đồng chí cho biết những thủ đoạn nào là tàn bạo, nham hiểm nhất của Mỹ nguỵ và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Đặc biệt trong chiến dịch tấn công và nổi dậy giải phóng quê hương Gio Linh năm 1972?

Đồng chí Lê Xuân Nam: Đây là vấn đề tương đối rộng. Các cơ quan thông tin đại chúng trong đó có Tạp chí Cửa Việt tổ chức các số báo đặc biệt giúp huyện tuyên truyền, mới phản ánh sự kiện một cách đầy đủ. Đúng Gio Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là nơi đụng đầu lịch sử giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng, là vành đai trắng điển hình. Mỹ- nguỵ dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi và tàn bạo để đàn áp phong trào cách mạng. Chúng đã đổ xuống mảnh đất này một khối lượng bom đạn khổng lồ và thử nghiệm tất cả các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất. Điển hình là chúng dựng nên cái gọi “con mắt thần” Dốc Miếu, tức tuyến hàng rào điện tử Mac-na-ma-ra. Chúng dồn dân vào nhiều trại tập trung, một kiểu "ấp chiến lược” thâm độc để kềm kẹp, li khai nhân dân với cách mạng. Hàng trăm ha rừng, hàng ngàn ngôi nhà bị san ủi, hàng chục ngàn ha đồng ruộng, vườn tược bỏ hoang và biết bao người con thân yêu của Gio Linh chịu cảnh tra tấn, tù đày, mất mát, hy sinh. Dẫu kẻ thù kềm kẹp, khủng bố và huỷ diệt đến đâu, nhân dân Gio Linh vẫn vững tin vào Đảng,  trọn một lời thề thuỷ chung với cách mạng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, mà đỉnh cao là cuộc tổng tiến công nổi dậy giải phóng quê hương mùa xuân năm 1972.

Thực hiện chủ trương của Quân uỷ Trung ương, kế hoạch tác chiến của Bộ tư lệnh chiến dịch 702 và của Khu uỷ Trị- Thiên- Huế, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Thư- Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ phụ trách “cánh Bắc”, ngày 24.3.1972, Huyện uỷ mở Hội nghị xây dựng kế hoạch tấn công nổi dậy giải phóng quê hương. Trong kế hoạch tác chiến, toàn huyện chia làm 3 khu: Khu đông gồm các xã Gio Hà, Gio Hải, Gio Mỹ; khu giữa gồm Quán Ngang, Dốc Miếu, Gio Lễ, Gio An, Gio Sơn; khu Tân Tường gồm nhân dân các xã Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn bị địch dồn vào sau trận càn ngày 19.5.1967. Lúc này quân địch trên địa bàn Gio Linh có 486 nguỵ quân, 4 đại đội Bảo an, 25 trung đội Dân vệ, 1 Trung đoàn bộ binh đóng ở các vị trí Dốc Miếu, Cồn Tiên, Quán Ngang, đường 75- Tân Lịch, 02 thiết đoàn xe tăng ở Gio Mỹ và Quán Ngang, 10 khẩu pháo 105 và 175 ly, 1 chi đoàn xe cơ giới.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện uỷ, các đơn vị tham gia chiến đấu đã mở đợt sinh hoạt chính trị viết quyết tâm thư hứa với Huyện uỷ và ban Chỉ huy chiến dịch phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu giải phóng quê hương. Đúng 11h 30 ngày 30.3.1972, chiến dịch tấn công giải phóng Gio Mỹ mở màn. Phối hợp với bộ đội chủ lực, các lực lượng vũ trang Gio Linh đồng loạt tiến công vào các căn cứ của địch trên toàn huyện như quận Gio Linh, chi khu quân sự Quán Ngang, căn cứ Dốc Miếu, Cửa Việt, Bến Ngự và lực lượng kìm kẹp ở các khu tập trung Cửa Việt, Quán Ngang, Tân Tường, Lại An; phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, giải phóng các khu tập trung, đưa dân về làng cũ. Ngày 01.4.1972, ta giải phóng nhiều địa bàn quan trọng như: Dốc Miếu, Cửa Việt, Gio Hà, Gio Lễ, Gio Mỹ…cô lập chi khu quân sự Quán Ngang. Trước sức tấn công mãnh liệt của quân và dân Gio Linh, sáng ngày 02.4.1972, bọn địch ở chi khu quân sự Quán Ngang và một số nơi còn lại trên địa bàn huyện đã vội vã tháo chạy, quê hương Gio Linh sạch bóng quân thù.

Trong chiến dịch tấn công và nổi dậy giải phóng quê hương Gio Linh (từ 30.3- 02.4.1972), các lực lượng vũ trang Gio Linh đã đánh 205 trận lớn nhỏ, diệt 727 tên, bắt sống 104 tên, thu 430 súng, bắn cháy 11 xe quân sự, bắn rơi 6 máy bay và bắn bị thương 5 chiếc, bắn chìm 5 tàu chiến, gọi hàng 227 tên, phá 3 khu tập trung của địch, giải phóng 15.000 dân khỏi ách kìm kẹp của kẻ thù.Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích Gio Linh đã đánh 3.742 trận, tiêu diệt 11.944 tên địch, làm bị thương 2.498 tên khác, bắn rơi và bắn cháy 160 máy bay các loại, phá huỷ và phá hỏng 954 xe quân sự, đánh chìm 31 tàu chiến và ca nô, thu hàng nghìn vũ khí các loại...Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà, Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng II, tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 8/9 xã, thị trấn (cũ), 4 đơn vị và 9 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, cùng hàng nghìn Huân chương, Huy chương, danh hiệu dũng sĩ các loại cho tập thể và cá nhân.

   PVGio Linh là một huyện có cấu tạo địa hình đầy đủ các tiểu vùng như miền núi- trung du, đồng bằng và miền biển. Được biết, lãnh đạo huyện đã sớm nhìn ra những lợi thế ấy để đầu tư, phát triển. Xin đồng chí Chủ tịch cho biết các giải pháp đồng bộ để khai thác thế mạnh ba tiểu vùng kinh tế nói trên?

Đồng chí Lê Xuân Nam: Trong những năm qua huyện đã thực hiện các giải pháp đồng bộ để khai thác thế mạnh của ba tiểu vùng kinh tế gò đồi, vùng đồng bằng và kinh tế biển; bằng các giải pháp tích cực như huy động vốn, tạo nguồn nhân lực và quy hoạch sát với thế mạnh của từng vùng. Đó là quy hoạch vùng cây công nghiệp dài ngày, cây lâm nghiệp và nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ hải sản… nhờ vậy nền kinh tế của huyện đã có bước tăng trưởng đáng kể. Tổng sản lượng thực năm 2006 đạt 29.972 tấn, trồng mới 206,9 ha cao su tiểu điền. Toàn huyện đến nay có trên 500 ha hồ tiêu, trồng rừng đạt 647 ha, đưa diện tích trồng rừng lên gần 14.000 ha. Kinh tế trang trại vừa và nhỏ đã hình thành và phát triển đa dạng. Đến nay đã có gần 100 trang trại tập trung chủ yếu ở các xã vùng gò đồi với phương thức đa dạng hoá cây con, lấy ngắn nuôi dài bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt là kinh tế vườn đồi vườn rừng được nhân rộng và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Ở vùng đồng bằng, Gio Linh là địa phương được hưởng lợi từ các công trình thuỷ lợi như Trúc Kinh, Hà Thượng và Kinh Môn nên các địa phương trồng lúa đã chủ động được nguồn nước tưới. Do vậy ngoài vựa lúa lâu năm như Trung Sơn, Trung Hải thì hiện này đã hình thành mới vùng trồng lúa chất lượng cao gồm các xã như Gio Quang, Gio Mai. Nguồn nước từ công trình thuỷ lợi Trúc Kinh còn giúp các địa phương xưa nay cây lúa chỉ canh tác một vụ bấp bênh như Gio Thành, Gio Mỹ nay đã phần nào chủ động được nguồn nước. Một điều quan trọng đối với nông dân Gio Linh trong sản xuất nông nghiệp là tốc độ cơ giới hoá. Trong đó phải kể đến một số xã như Gio Quang, Gio Mai bởi theo thống kê hiện nay ở các xã này đã có trên 95% hộ sân sử dụng cơ giới hoá nông nghiệp. Xu hướng phát triển này không chỉ góp phần tăng năng suất lao động mà còn tạo điều kiện thuận lợi để nông dân đầu tư, thâm canh tạo ra các sản phẩm nông sản có tính hàng hoá cao, một xu thế tất yếu của nông nghiệp nông thôn trong nền kinh tế thị trường.

Về khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, đến nay số lượng và công suất tàu xa bờ và trung bờ tăng hơn so với các năm trước. Huyện đã khuyến khích ngư dân mạnh dạn thành lập các tổ hợp đấu giá lại năm chiếc tàu xa bờ, đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, cải hoán tàu cho phù hợp với điều kiện đánh bắt mới. Kể từ khi thay đổi chủ sở hữu, đội tàu xa bờ của huyện đã làm ăn có hiệu quả, tạo dựng được uy tín, niềm tin trong ngư dân. Vì vậy sản lượng hải sản khai thác trong năm 2006 đạt trên sáu ngàn tấn, trong đó hải sản xuất khẩu đạt một ngàn tấn. Ở lĩnh vực chế biến hải sản đã tăng mạnh, nhất là chế biến mực, cá xuất khẩu và nước mắm đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nữ. Trên lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, toàn huyện đã có 321ha cá nước ngọt, trên 300ha tôm sú, từ đó góp phần đưa sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt khá so với kế hoạch. Nhờ xác định đúng tiềm năng, thế mạnh để đầu tư khac thác nên năm 2006 trong 14 chỉ tiêu phát triển về kinh tế xã hội của huyện Gio Linh đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

PV. Qua khảo sát chúng tôi thấy rằng, những thành tựu đạt được sau 35 năm giải phóng của Đảng bộ và nhân dân Gio Linh tuy chưa thật nhiều nhưng bước phát triển đó có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đó là nền tảng vững chắc để thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH quê hương. Trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân Gio Linh tập trung thực hiện các chương trình nào được gọi là trọng tâm?

Đồng chí Lê Xuân Nam: Trước hết, làm tốt công tác quy hoạch, kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội của huyện và quy hoạch chi tiết. Trên cơ sở đó, mỗi ngành, mỗi địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế ở cả 3 vùng.

Vùng đồng bằng phải tạo sự đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, hình thành các cánh đồng đạt 50 triệu/ha, trở thành vùng kinh tế trọng điểm của huyện.

Đối với miền biển và vùng cát là vùng kinh tế mũi nhọn, phải tiếp tục đổi mới phương tiện, ngư lưới cụ trong khai thác, đánh bắt hải sản, đẩy mạnh nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản, tập trung đầu tư xây dựng các làng sinh thái với mô hình trang trại, dịch vụ, du lịch.

Phát triển mạnh cây công  nghiệp, cây ăn quả, phát triển mô hình kinh tế trang trại, mô hình nông- lâm kết hợp, phấn đấu đưa vùng gò đồi, miền núi nhanh chóng trở thành vùng kinh tế trọng yếu của huyện.

Đầu tư phát triển Công nghiệp - TTCN, thương mại, dịch vụ, du lịch, hình thành các cụm Công nghiệp - TTCN, làng nghề nông thôn. Mở rộng dịch vụ thương mại, đầu tư phát triển du lịch mà Gio Linh có nhiều lợi thế, tạo một bước cơ bản về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút lực lượng lao động. Tranh thủ tốt các nguồn lực đầu tư bên ngoài, gắn với phát huy cao độ nội lực để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hoá giao thông nông thôn, nhựa hoá các trục đường nội thị, đường liên xã, xây dựng những trục đường mới. Cao tầng hoá trường học, xây dựng trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia.

Đẩy mạnh phong trào xã hội hoá nhằm tạo bước đột phá trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, TDTT, Dân số- gia đình và trẻ em. Đưa các lĩnh vực văn hoá- xã hội phát triển vào chiều sâu, bền vững. Chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, đẩy mạnh chương trình xoá đói giảm nghèo, giảm hộ nghèo hàng năm 2,3- 3%; giải quyết việc làm từ 1000- 1200 lao động/ năm. Hoàn thành việc hỗ trợ xoá nhà dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ từ huyện đến cơ sở, đào tạo lao động có tay nghề phục vụ cho sự nghiệp đổi mới.

PVXin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND Huyện Gio Linh đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi cởi mở, chân tình này.

PV. thực hiện

 

PV
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 151 tháng 04/2007

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

11 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

11 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

12 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

12 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground