Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bác Hồ nói về mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính nhân loại trong văn hóa, nghệ thuật

V
ấn đề dân tộc và tính quốc tế không chỉ được đặt ra đối với văn hoá, văn nghệ, mà còn được đặt ra đối với cả vấn đề chính trị quốc tế về mối quan hệ giữa quyền lợi dân tộc và quyền lợi của giai cấp vô sản, cũng như quyền lợi chung của loài người. Trong thời đại hiện nay, các vấn đề dân tộc đang nổi lên dữ dội nhưng khuynh hướng toàn cầu hoá kinh tế lại làm cho các dân tộc có cơ hội xích lại gần nhau hơn. Về mặt văn hoá, chủ nghĩa dân tộc ghép kín đã tạo ra sự trì trệ về văn hoá. Ngược lại, chủ nghĩa thế giới lại có nguy cơ đồng nhất hoá các hệ chuẩn và khả năng một chủ nghĩa nước lớn áp đặt hệ chuẩn của nó vào văn hoá của các dân tộc nhỏ là một thảm hoạ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, những khuynh hướng tìm về bản sắc dân tộc của văn hoá cũng mạnh như khuynh hướng quốc tế hoá nền văn hoá dân tộc.
Quá trình phát triển nền văn hoá, nghệ thuật của mỗi dân tộc đều có sự tiếp thu các yếu tố của các nền văn hoá, nghệ thuật của dân tộc khác. Điều này có ý nghĩa sống còn đối với việc gìn giữ bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Một chủ nghĩa vị chủng dân tộc thực tế không thể tồn tại trong văn hoá, nghệ thuật. Thực chất, đó là những tư tưởng phản động của bọn phát xít.
Vấn đề tính dân tộc và tính quốc tế của văn hoá, nghệ thuật đã từng được giải quyết theo các lập trường khác nhau trong lịch sử mỹ học. Đấu tranh cho tính đặc thù dân tộc của văn hoá, nghệ thuật, các nhà Khai sáng đã phủ định nền văn hoá quý tộc. Ngược lại, giai cấp quý tộc ở Đức và ở Nga lại đam mê nền văn hoá cung đình Pháp.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tính dân tộc của văn hoá, nghệ thuật, mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế được giải quyết trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, trên cơ sở cặp phạm trù cái chung và cái riêng. Theo Hồ Chí Minh, dân tộc là một bộ phận của quốc tế, văn hoá dân tộc nằm trong văn hoá của loài người, do đó “khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi…nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”(1). Trong tư tưởng văn hoá, nghệ thuật của Người, mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế được biểu hiện trên hai lĩnh vực: Thứ nhất, dân tộc và chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa; Thứ hai, dân tộc và nhân loại nói chung. Xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước kiểu mới, đó là chủ nghĩa yêu nước thấm nhuần chủ nghĩa quốc tế chân chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nối liền tiềm năng của dân tộc với sức mạnh sáng tạo của loài người. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương pháp nổi trội nhất, xuyên suốt toàn bộ tư tưởng của Người là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Do thấm nhuần nền văn hoá dân tộc, lại sớm hiểu biết nhiều nền văn hoá nhân loại, nên trong tư tưởng của Hồ Chí Minh luôn có sự kết hợp yếu tố phương Đông và phương Tây, yếu tố dân tộc và nhân loại. Xuất phát từ một tư tưởng nhân đạo và khoan dung rộng lớn, Người đã không thành kiến với nhiều tư tưởng của loài người.
Suốt đời mình, Hồ Chí Minh không có lợi ích nào khác là đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do cho Tổ Quốc và hạnh phúc của nhân dân. Song trong tư tưởng của Người, dân tộc không phải là phạm trù khép kín. Đối với Người, chủ nghĩa yêu nước phải mang tinh thần quốc tế chân chính. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn chăm lo tới lợi ích dân tộc, song, không bao giờ Người lại chỉ vì chủ nghĩa dân tộc thuần tuý mà quên tinh thần quốc tế. Người đã từng quan tâm đến nỗi khổ người da đen ở châu Phi, bênh vực người Tuynidi. Người viết về cuộc khởi nghĩa ở Đahômây, tố cáo tệ hành hình dã man kiểu Lynơsơ của bọn thực dân đế quốc.
Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các nhà sáng tạo văn hoá, nghệ thuật phải thể hiện được tâm lý dân tộc, tình cảm dân tộc, phong tục, tập quán dân tộc. Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, Người đã khẳng định đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng là phát triển nền văn hoá dân tộc. Song, Người không quên chỉ ra rằng, cùng với việc phát triển văn hoá dân tộc, văn hoá, nghệ thuật Việt Nam phải tiếp thu các thành quả nghệ thuật quốc tế. Người viết: “Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”(2).
Trong di sản Hồ Chí Minh, văn hoá, nghệ thuật là phương tiện để thể hiện tư tưởng, tình cảm riêng của mỗi dân tộc, đồng thời nó cũng là phương thức giao cảm giữa dân tộc này với dân tộc khác. Người thường nói: nghệ thuật chân chính cốt để phục vụ nhân dân, đồng thời phục vụ tinh thần quốc tế. Với ý tưởng này, Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài về thành Rôm, về Vaticăng, về Xếchxpia, Napôlêông, Laphôngten, Lỗ Tấn, Đỗ Phủ, Tônxtôi và nhiều nền văn hoá, nghệ thuật trong khu vực và thế giới.
Tư tưởng văn hoá, nghệ thuật Hồ Chí Minh - “xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”- là phản ánh đường lối xây dựng nền văn hoá mới ở Việt Nam của Đảng ta. Trong tư tưởng ấy bao chứa việc gìn giữ và phát triển bản sắc dân tộc của văn hoá trong thời đại mà phong trào xã hội chủ nghĩa đã làm nảy sinh những nhân tố mới trong nền văn hoá dân tộc của chúng ta. Người thường khuyến khích các nhà văn hoá Việt Nam tiếp thu các giá trị của nền văn hoá Trung Quốc, Liên Xô (cũ) và nhiều nền văn hoá khác đã được những nhân tố xã hội chủ nghĩa phát huy ảnh hưởng.
Phong trào xã hội chủ nghĩa là một thành quả văn hoá của thế kỷ XX. Dân tộc Việt Nam, văn hoá Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước kiểu mới Việt Nam là một khâu quan trọng của thành quả đó. Sự phong phú thẩm mỹ và tính thống nhất trong đa dạng của văn hoá mới Việt Nam bắt nguồn từ các thành quả của chủ nghĩa Mác- Lênin, sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng về nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc của văn hoá, văn nghệ Việt Nam thấm nhuần phép biện chứng giữa tính dân tộc và tính quốc tế của chủ nghĩa Mác- Lênin.
Xuất phát từ tư tưởng các giá trị văn hoá, nghệ thuật đều bình đẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hoá của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình”(3). Đối với Người, giao tiếp văn hoá trên nền tảng giá trị là xác lập quyền lựa chọn: đó là quá trình tiếp thu, lọc bỏ và từ chối. Mục tiêu giao tiếp của nền văn hoá mới Việt Nam làm tăng thêm sức mạnh của nền văn hoá, nghệ thuật dân tộc. Và, khi tiếp biến các giá trị của các nền văn hoá, nghệ thuật của các dân tộc khác, các nền văn hoá của các dân tộc khác cũng không giảm giá trị, không áp đặt giá trị của mình lên văn hoá của các dân tộc khác. Khi trả lời ký giả Rút Bécsátxki về vấn đề này, Hồ Chí Minh viết “Các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng chúng tôi cần dứt bỏ văn hoá nào đó, dù là văn hoá Pháp đi nữa. Ngược lại, tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc phải mở rộng kiến thức của mình về văn hoá thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hoá Xôviết- chúng tôi còn thiếu - nhưng đồng thời phải tránh nguy cơ trở thành kẻ bắt chước…”(4).
           N.T.T - L.H.A
 
Tài liệu tham khảo
   (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, tập 1, tr.467.
   (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, tập 6, tr.173.
   (3) Hồ Chí Minh: Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb. Văn học, H, 1981,   tr.517; tr.517.
 
Nguyễn Thế Tư - Lê Hữu Ái
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 176 tháng 05/2009

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

19 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground