Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 23/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Để quy tụ tài năng trí thức văn nghệ sĩ

T

rí thức là tầng lớp người chuyên làm việc bằng lao động trí óc và có trí thức chuyên môn cần thiết trong các lĩnh vực sáng tạo: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ, thông thường có học vấn và bằng cấp từ cử nhân trở lên, có hoạt động thực tiễn ít nhất cũng từ trên -  dưới mười năm. Tầng lớp trí thức có nhiều cấp độ: có bộ phận được coi là tinh hoa, còn đại bộ phận dù đạo đức và tài năng khác nhau, phẩm chất và cống hiến xã hội không giống nhau, nhưng tất cả họ đều có một lý tưởng chung: Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, có thể nói: Trí thức là linh hồn của văn hoá dân tộc. Trí thức văn nghệ sĩ là một bộ phận của giới trí thức nói chung. Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, giới trí thức khoa học, văn hoá đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và chấn hưng đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà nhà bác học Lê Quý Đôn quả quyết: “Phi trí bất hưng”(1). Từ ngày có Đảng, nhất là từ khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết sách hào phóng, trọng dụng, biệt đãi những trí thức nhân tài trưởng thành dưới chế độ cũ hoặc từ các nước tư bản chủ nghĩa song song việc tạo một tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa luôn luôn trung thành với lý tưởng: Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Ngay từ bấy giờ, Người nói “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số hai mươi triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức”(2). Trong bối cảnh tiền Cách mạng tháng Tám cùng với sự ra đời của Đề cương văn hoá năm 1943, một đội ngũ trí thức văn hoá, văn nghệ sĩ hình thành, phát triển, sáng tạo, đã có nhiều công trình, tác phẩm phục vụ hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và hơn 30 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khẩu hiệu: Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, là lý tưởng phấn đấu suốt đời của giới văn nghệ sĩ nước ta. Trong giai đoạn đầu của kháng chiến và kiến quốc, công lao đóng góp của giới trí thức văn nghệ sĩ đã được Hồ Chí Minh biểu dương trong bài nói chuyện tại lễ bế mạc Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II (1957): “Các nhà văn nghệ đều có công với Cách mạng, với Kháng chiến, với Xây dựng hoà bình… Thành tích tuy có nhiều, nhưng thiếu sót cũng không ít …”(3).

Nhìn chung, trí thức văn nghệ sĩ có tinh thần yêu nước cao, ý thức dân tộc sâu sắc, mang cốt cách của “kẻ sĩ” hiện đại, nhạy cảm với cái mới, luôn quan tâm đến số phận con người… nhưng ở họ cũng có nhiều khuyết tật, thậm chí có những khuyết tật bắt nguồn từ cá tính, từ đặc thù nghề nghiệp, cho nên không dễ sửa chữa. Trước những hiện tượng “khó ở”, những câu nói lạ tai (trung ngôn nghịch nhĩ), nhiều người thường buông câu: “có tài thì có tật”, nhưng cũng có người, tài chưa thấy đâu, mà tật đã hiển hiện. Thái độ của những người bảo trợ nghệ thuật (quản lý, tổ chức) là cần lắng nghe, tôn trọng, giúp đỡ, ứng xử tế nhị. Lòng bao dung, tâm độ lượng của Bác Hồ đối với văn nghệ sĩ là một tấm gương cho những nhà quản lý hôm nay. Theo khảo sát của chúng tôi, từ ngày Bác Hồ gặp gỡ văn nghệ sĩ tại đại hội văn nghệ lần thứ II cho đến khi Người đi xa, những lời khuyên văn nghệ sĩ về cuộc sống và về sáng tạo, tuy cách diễn đạt có khác nhau nhưng đều nhấn mạnh ba điều cốt lõi:

- Phải học tập, phải trau dồi tư tưởng, trau dồi nghệ thuật;

- Phải đi sâu vào quần chúng, đi sát sự thực;

- Phải trau dồi đạo đức cách mạng trước hết là đức khiêm tốn.

Để giúp trí thức văn nghệ sĩ thực hiện ba điều cốt lõi nói trên cũng là ba nhiệm vụ lâu dài, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hữu quan về văn hoá, văn nghệ và đội ngũ các nhà văn hoá, văn nghệ sĩ cần lấy việc quy tụ tài năng làm trọng, mà việc phát hiện, sử dụng, bảo vệ hiền năng là những hằng số, còn việc xây dựng, cơ chế, chính sách, tổ chức, đãi ngộ, chế độ nhuận bút, kinh phí đầu tư sáng tác… được coi là những biến số, bởi chúng cần được thay đổi tuỳ theo giai đoạn lịch sử.

Không phải ai cũng có thể phát hiện tài năng. Phải là người hữu đức, hữu tài mới có sức cám dỗ, thu hút người tài. Thời phong kiến, các vua đời Nguyễn rất quan tâm đến việc chiêu tập hiền tài. Vua Minh Mạng lo lắng khi nhân tài chưa được qui tụ, đã hỏi các đình thần “Trẩm lo chấn hưng văn giáo mà sao nhân tài ít thế?”. Tự Đức viết “Nhân tài là cội gốc để làm chính sự, muốn chỉnh lý chính sự, tất phải cần nhân tài”. Trước đó, vua Thiệu Trị đã ban hành dụ “Cần tìm những người ẩn dật, sơ sót người hiền ở chốn thôn quê”. Đủ biết, việc cai trị dân thời nào cũng vậy, đều lấy việc dùng hiền tài làm gốc. Thời hiện đại, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý thức thường trực phát hiện tài năng. Đến với giới trí thức văn nghệ sĩ, ông thường nhắc đầu tiên là phải tạo cho từng người có cái gì đó riêng, một cá tính sáng tạo, một bản lĩnh nghệ thuật, một phong cách độc đáo, bởi nghệ thuật không phải là sự sản xuất hàng loạt. Ông viết “Một thiên tài, một khả năng lớn mà mình không nhận thấy, không phát hiện, không giúp đỡ thì rất có thể thiên tài đó sẽ mai một đi. Ta cần phải phát hiện tài năng trẻ, mới, gắn bó với sự nghiệp Cách mạng hơn ai hết, đó là tương lai”.

Còn nhớ cách đây gần bốn mươi năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đang ở vào giai đoạn quyết liệt, cuộc sống đầy rẫy khó khăn, nhưng nhờ tầm nhìn tương lai rộng mở, năng lực dự báo tài tình vận nước, Nhà nước ta vẫn ra quyết định thành lập Viện Nghệ thuật (1971) và tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật (1973) nhằm đào tạo một đội ngũ chuyên gia tài năng cho sự nghiệp chấn hưng văn hoá dân tộc. Và trên thực tế, chỉ vài năm sau lời dự báo đó trở thành hiện thực. Trong hai thập niên đầu xây dựng, Viện và tạp chí đã trở thành trung tâm đoàn kết trí thức Bắc - Nam, phát hiện bồi dưỡng lực lượng nghiên cứu văn hoá học, nghệ thuật học. Nhiều trí thức ở các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và Việt kiều đều được tôn trọng mời cộng tác. Từ bấy giờ, tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật (nay là văn hoá - nghệ thuật) đã trở thành miền “đất lành”. Chỉ xin nêu một trường hợp giáo sư Từ Chi làm ví dụ: Trước khi về cơ quan lý luận này, ông đã phải vất vả di chuyển công tác qua mấy cơ quan trong khoảng năm năm gì đó. Còn ở tạp chí, thì ông đã gắn bó từ năm 1971 cho đến cuối đời khoảng mười tám năm. Bấy giờ, việc nâng bậc lương là chuyện hết sức nhiêu khê, phức tạp. Thế mà ở ngành văn hoá, lãnh đạo Viện, tạp chí mạnh dạn đề nghị giáo sư Từ Chi lên ba bậc lương. Đề nghị được Bộ trưởng Văn hoá thời đó, nhạc sĩ Trần Văn Phác, chấp nhận và ra quyết định. Thật tuyệt vời! Bởi hiện tượng đó không chỉ là sự biệt đãi một tài năng, trả lại công bằng cho người bị thiệt thòi, mà còn là một chủ trương đúng đắn, khách quan trong việc đánh giá cán bộ khoa học, văn nghệ sĩ. Đến năm 2002, với việc lập hồ sơ và đề cử của tạp chí Văn hoá nghệ thuật và Hội văn nghệ dân gian, các công trình về dân tộc học, về mỹ thuật cổ truyền của giáo sư Từ Chi đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt hai).

Sớm hơn một ít, vào giữa những năm 60 (TK.XX), trên tạp chí văn học thấy đăng bài viết về tập thơ Hương cây -  Bếp lửa của hai tác giả: Lưu Quang Vũ và Bằng Việt do nhà phê bình Hoài Thanh - người vốn rất cẩn trọng trong những vấn đề quan hệ giữa chính trị và văn nghệ -  phát hiện và khen ngợi; những việc làm và lời động viên của hai nhà thơ lớn Tố Hữu và Xuân Diệu về tài thơ thần đồng Trần Đăng Khoa… đã làm cho nhiều người trong giới ngỡ ngàng, việc gì mà các nhà văn bậc thầy lại đi quan tâm những hiện tượng nhỏ nhặt (!?). Về sau, cả ba nhà văn đều trở thành những tài năng thực sự. Việc công bố truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp vào năm 1987 do những nhà văn phụ trách báo Văn nghệ thời đó phát hiện là một hiện tượng đáng được biểu dương. Việc làm này có ý nghĩa kép: vừa cho đăng kịp thời một tác phẩm mới, với giọng điệu lạ lẫm, phản ánh một hiện tượng cập nhật trong xã hội thời kỳ đầu đổi mới, vừa chứng tỏ bản lĩnh của người duyệt bài trong Ban biên tập.

Sử dụng nhân tài trong văn nghệ chủ yếu không phải là sắp xếp thứ bậc, chỗ ngồi trong các cơ quan hành chính, Hội sáng tạo mà chính là tạo điều kiện vật chất, môi trường văn hoá để văn nghệ sẽ tự do sáng tạo. Tác phẩm và tác phẩm đó vừa là lý tưởng nghề nghiệp, vừa là câu trả lời chính xác của từng nhà văn nghệ trước xã hội và công chúng. Nguyễn Đình Thi là nhà văn nổi tiếng ở trong nước và cả ở nước ngoài, được bạn đọc, bạn nghe hâm mộ, không chỉ vì ông là Chủ tịch Hội Nhà văn nhiều khoá, mà là nhờ những trang tiểu thuyết về cách mạng và kháng chiến, những vở kịch gây tranh luận: Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, những bài thơ về đất nước của những người áo vải, những ca khúc Diệt phát xít, Người Hà Nội

Có nhiều chuyện bàn về môi trường văn hoá trong sáng tạo nghệ thuật. Ở đây tôi xin nêu hai điểm về ứng xử đối với trí thức, văn nghệ sĩ: Tình và lý, công bằng xã hội. Nói đến quy luật của văn nghệ, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã coi là quy luật của tình cảm. Việc ứng xử đối với từng cá nhân trí thức, văn nghệ sĩ cũng nên xuất phát từ tình cảm, rồi từ đó mới thuyết phục được bằng . Có khi lý chưa thật thông, nhưng với lòng thành, đức khiêm, tình cảm chân thành, lương tâm trong sáng thì sự việc dễ dẫn đến kết quả. Đồng chí Hà Huy Giáp, nguyên uỷ viên Trung ương Đảng nhiều khoá, Thứ trưởng giáo dục trong tập hồi ký: Đời tôi, những điều nghethấy và sống có kể lại rằng, vào năm 1963, trước lúc nhận nhiệm vụ mới, chức Bí thư Đảng đoàn Văn hoá, Thứ trưởng văn hoá, ông được Bác Hồ mời đến trao nhiệm vụ; một trong những điều Bác dặn, ông nhớ nhất là câu “Gặp nhà giáo, chú có thể gặp tập thể; gặp văn nghệ sĩ chú gặp riêng từng người một. Đối với văn nghệ sĩ phải có tình trước mới đưa họ vào lý… Văn nghệ sĩ góp phần rất nhiều vào việc đào tạo con người”(4). Nói tới công bằng xã hội thường liên quan tới quan hệ giữa chính trị và văn nghệ. Dưới chế độ ta quan hệ giữa hai hình thái ý thức này là bình đẳng vì lợi ích xã hội. Nghệ sĩ trước hết là nghệ sĩ, cống hiến chủ yếu của anh (chị) là tác phẩm. Lý tưởng chính trị, mục tiêu nghề nghiệp của anh ta là phục vụ nhân dân. Nghệ sĩ không nên nhảy sang lĩnh vực quản lý hành chính khi không am hiểu, đặc biệt về chính trị. Nghệ sĩ quá say mê chính trị thì khi hoạt động sáng tạo thường đánh mất cảm hứng, tài năng. Nghệ sĩ có tâm lý khác, thường hoạt động theo tâm trạng. Ngược lại nhà lãnh đạo chính trị, nhà quản lý văn hoá cần giành thì giờ cho trí thức và cảm thụ thẩm mỹ; không nên làm thay chức năng của nhà phê bình, thậm chí nên tránh những việc làm, lời nói gây sức ép cho số phận tác phẩm, khi tác phẩm đang ở trong hoàn cảnh đánh giá còn khác nhau. Ở các Hội đồng lý luận văn nghệ Trung ương, Hội đồng giải thưởng quốc gia, Hội đồng chức danh khoa học, danh hiệu giáo dục, nghệ thuật, y học… cũng cần được thay đổi, cải tổ để đạt mục tiêu công bằng xã hội đối với tài năng, tài năng không bị bỏ sót. Các thành viên của Hội đồng đại bộ phận phải là những nhà văn hoá, văn nghệ sĩ tiêu biểu, có đức, có tài. Khi công bằng xã hội được thực hiện, thì không còn sự may rủi, hạn chế sự đố kỵ, sự lọc lừa của các thành viên hội đồng. Các chuẩn mực bình bầu cũng cần được cân nhắc, có thay đổi theo giai đoạn, có tính đến tính lịch sử của vấn đề, của đối tượng được bình xét, đặc biệt phải tính đến hiệu quả xã hội. Trong khoa học, văn hoá và các lĩnh vực sáng tạo, các tài năng không phủ định lẫn nhau. Ở đó có đủ chỗ cho mọi người, miễn họ có tài năng. Các nhà tổ chức, các cơ quan Đảng và Nhà nước, Hội sáng tạo chính là “bà đỡ” cho những hiền tài.

Nhân tài là con người, chứ không phải là nguồn lực tự nhiên vô tận chỉ biết khai thác. Sử dụng tài năng phải đi đôi với bảo vệ tài năng. Người xưa nói” “Tri nhân thiện nhiệm”, giao đúng người, đúng việc mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo môi trường lành mạnh để người tài có đất “dụng võ”. Trí thức văn nghệ sĩ mắc nợ xã hội, vì xã hội đầu tư cho anh (chị) ăn học, tự do sáng tác; ngược lại xã hội cũng có trách nhiệm với văn nghệ sĩ, vì anh ta cống hiến cho xã hội bằng tác phẩm. Trách nhiệm của xã hội tập trung vào mấy chính sách sau đây:

- Cơ cấu lại chính sách tiền lương tương xứng với giá trị lao động mà người trí thức, văn nghệ sĩ cống hiến cho xã hội;

- Tiền nhuận bút, thù lao giảng bài phải được tính toán, thay đổi theo tình hình lương -  giá -  tiền của từng giai đoạn lịch sử;

- Tôn vinh, khen thưởng kịp thời những tài năng, tránh ba khuyết tật thường mắc phải là: bỏ sót, không công bằng và chỉ được khen thưởng sau khi người đó qua đời.

Nói chuyện bảo vệ tài năng trí thức tôi xin ôn lại hai hiện tượng xảy ra chưa lâu trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá. Giáo sư Nguỵ Như Kon Tum là một trong không nhiều trí thức yêu nước, được đào tạo tại các trường Đại học danh tiếng ở Pháp, được Bác Hồ mời về nước tham gia cách mạng và kháng chiến. Hoà bình lập lại, sau khi tiếp quản thủ đô, Đảng và Nhà nước nghĩ ngay tới việc đào tạo đội ngũ trí thức mới cho sự nghiệp khôi phục kinh tế và chấn hưng văn hoá. Giáo sư được cấp thẩm quyền ký quyết định làm Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (bấy giờ cả miền Bắc chỉ có năm trường Đại học). Trong vị trí công tác mới của mình, giáo sư đã dốc lòng với công việc, sống giản dị, được đội ngũ giáo sư, giảng viên và sinh viên tin yêu và trọng thị. Thế mà giữa lúc thực tiễn đất nước còn nhiều phức tạp, thế giới có nhiều biến động…, một số người nhân danh tổ chức này nọ, có ý định thay đổi chức vụ của giáo sư. Biết được tin đó, Bác Hồ chỉ thị cho Bộ Giáo dục kiên quyết bảo vệ vị trí công tác của giáo sư, tạo mọi điều kiện giúp đỡ giáo sư hoàn thành nhiệm vụ giữa những năm tháng đất nước còn bị chia cắt, trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam đang hướng lòng tin về miền Bắc.

Chúng tôi có nhiều năm làm việc với nhà lý luận Hà Xuân Trường, lúc đó là Thứ trưởng văn hoá kiêm Viện trưởng Viện nghệ thuật. Trong công việc lãnh đạo, ông thường quan tâm đến đời sống và thế giới quan của văn nghệ sĩ. Ngay từ năm 1965, ông đã có những kiến giải về thế giới quan thông thoáng hơn so với lý thuyết ở một số giáo trình đại học. Thế giới quan không chỉ bó hẹp trong những quan điểm chính trị, làm như vậy là tự bó mình. Nó bao gồm những quan điểm pháp lý, kinh tế, triết học, mỹ học, khoa học, tôn giáo… Với lôgích củaphương pháp mở, với thái độ quý trọng tài năng, về sau không lâu, Hà Xuân Trường viết những lời tôn vinh tài năng kiệt xuất của nhà triết học Trần Đức Thảo với giọng văn đầy xúc động: “Trần Đức Thảo là nhà mác xít kiên định, là người cộng sản ngoài Đảng. Trong cuộc sống hàng ngày, thường gặp đâu hay đấy… ngây thơ hồn nhiên đến mức bị lừa mà không biết. Nhưng trong tư duy triết học anh lại rất tỉnh táo, rất trung thực với mình, với bạn, với người khác”. Trong bài viết: Trần Đức Thảo -  người tư duy không biết mệt ông đánh giá cao trí thức uyên bác của nhà mác xít chân chính, trong đó có vấn đề con người, nhằm bảo vệ bản chất nhân văn của chủ nghĩa Mác. Thật vậy, nếu không đủ độ trí tuệ sắc sảo về nhiều khuynh hướng triết học tiền Mác, các triết thuyết duy tâm, thần bí đang ẩn náu trong mọi ngóc ngách xã hội phương Tây, thì nhà triết học họ Trần khó thắng nổi “lý luận không có con người” của Louis Althusser và quan điểm sai trái của Lucien Sève trong cuốn: Chủ nghĩa Mác và vấn đề nhân cách.

Ở thế kỷ XXI, loài người đang chung sống không dễ dàng với những qui luật phát triển mới như: cách mạng thông tin, toàn cầu hoá, kinh tế thị trường, kinh tế trí thức… Tất cả những vấn đề to lớn đó đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách vĩ mô phải chú ý hàng đầu đến con người và nguồn nhân lực. Các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII, IX, X đều lấy con người và nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá đi vào Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá. Trí thức, văn nghệ sĩ là một bộ phận của nguồn lực đó. Nếu chúng ta vận dụng khéo những hằng số và biến số trong qui tụ tài năng, trí thức, văn nghệ sĩ thì những đóng góp của họ sẽ làm giàu trí tuệ Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam - cơ sở và tiền đề của sự hội nhập quốc tế.

Tháng 5 năm 2008

H.S.V

 

 

 

_____________

      (1) Ở thế kỷ XVIII, Lê Quí Đôn tổng kết: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi nông bất ổn, phi trí bất hưng”. Dẫn theo Phạm Tất Dong (chủ biên) Trí thức Việt Nam Thực tiễn và triển vọng. Nxb: Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.45.

(2) Dẫn theo: Thành Duy: Vai trò của trí thức trong sự nghiệp văn hoá Việt Nam, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr.717 trong tập Văn hoá Việt Nam, xã hội và con người.

(3) Hồ Chí Minh- Tuyển tập văn học- Tập II, Hà Nội, 1995, tr.333.

(4) Dẫn theo Hà Xuân Trường: Theo Bác mới một chặng đường, Nxb văn hoá dân tộc- Tạp chí VHNT, Hà Nội, 2002, tr.125.

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 166 tháng 07/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

24/04

25° - 27°

Mưa

25/04

24° - 26°

Mưa

26/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground