Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dù mọi thứ qua đi, tinh anh Xuân Đức vẫn còn mãi

LTS: Nhà văn Xuân Đức vừa đột ngột qua đời ngày 20/6/2020. Biết tin buồn, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một người bạn văn thân thiết đã vào viếng và ghi sổ tang có câu: “Thác là thể phách còn là tinh anh. Tinh anh Xuân Đức sẽ còn mãi, còn mãi mãi, dù mọi thứ rồi sẽ đi qua”. Dịp này, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những chia sẻ với tạp chí Cửa Việt về người bạn, người anh trân quý. Nhà văn Xuân Đức từng là Tổng biên tập buổi đầu của Cửa Việt bộ mới năm 1994. Từ đó đến nay dù ở cương vị nào, ông luôn theo dõi, đóng góp xây dựng tạp chí. Một tuần trước khi đột ngột qua đời, ông đã gửi cho ban biên tập bài viết về nhạc sĩ Lê Anh và nhắn rằng vẫn còn một bài sắp hoàn thành cho Cửa Việt. Chuyên mục VHTĐ số này Cửa Việt xin dành trọn để tưởng nhớ nhà văn Xuân Đức.

1. Xuân Đức là cây bút đa tài. Anh là nhà soạn kịch, nhà văn xuất sắc. Nhưng ít ai biết rằng lĩnh vực văn chương đầu tiên anh đến là thơ. Từ những năm 1967, 1968 Xuân Đức đã có trường ca Trăng Cồn Cỏ được đăng trọn trang ba báo Quân đội Nhân dân. Những năm ấy, được in như thế là rất khó. Trường ca viết về những cuộc chiến đấu bảo vệ Cồn Cỏ của quân và dân Vĩnh Linh. Nhà thơ Chế Lan Viên đánh giá rất cao trường ca này. Mãi hơn chục năm sau, nhân người ta bàn về trường ca, Chế Lan Viên có hỏi tôi: Khoa đã đọc Trăng Cồn Cỏ của Xuân Đức chưa? Nhờ “quảng cáo” của ông mà tôi tìm đọc. Đấy là tác phẩm văn học sử. Nó chỉ sống trong bầu khí quyển của một giai đoạn lịch sử và có giá trị lớn trong giai đoạn đó.

Nhưng rồi sau đấy không thấy Xuân Đức viết gì cả. Anh đang là người lính cầm súng thật sự, chiến đấu trong tiểu đoàn 47 bảo vệ chính mảnh đất Vĩnh Linh, Quảng Trị và chuẩn bị tư liệu để viết những trang văn dào dạt sau này. Cùng với việc cầm súng, anh viết kịch cho đội tuyên văn động viên bộ đội nhân dân chiến đấu. Một trong những vở kịch viết trong thời gian đó là Tổ quốc đã được Đào Hồng Cẩm hoàn chỉnh thành tác phẩm chung của hai người. Và cũng từ đấy, người ta bắt đầu biết đến Xuân Đức trong vai trò của người viết kịch.

                                    

                                              Nhà thơ Trần Đăng Khoa (trái) và nhà văn Xuân Đức (giữa) gặp nhau tại Quảng Trị năm 2019

Tôi gặp Xuân Đức những năm đầu 1980, khi ấy Tổng cục Chính trị tổ chức cho những anh em nhà văn từng lăn lộn trên khắp các chiến trường nhưng lại chưa được học qua một trường Đại học nào cả. Sống với các nhà văn, Xuân Đức mới bắt đầu viết văn. Anh “xuất phát” muộn nhưng lại tới đích sớm. Tác phẩm đầu tiên là Nhật ký người gỡ mìn năm 1982, một kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội của anh. Xuân Đức viết xong và anh kinh ngạc khi nhìn từ đầu tới cuối chẳng có “cái gạch đầu dòng” đối thoại nào cả. Tôi ở cùng phòng với anh, cũng là người đọc đầu tiên của anh. Chỉ qua một truyện ngắn đầu tiên Nhật ký người gỡ mìn tôi đã nhận ra anh là một tài năng đặc biệt. Một tài năng lớn. Đặc biệt là khả năng khắc họa tâm lý nhân vật và đối thoại rất giỏi. Vì anh là người làm thơ, viết kịch nên rất kỹ về chữ. Đối thoại của anh cũng rất khác với nhiều nhà văn, tức là đối thoại có tính hành động. Nghĩa là chỉ qua câu đối thoại, người ta biết được tính cách tâm địa nhân vật. Đấy là cái rất tài ở Xuân Đức mà không phải nhà văn nào cũng có.

Ở cái khóa bồi dưỡng viết văn lúc ấy toàn là những cây bút có tên tuổi nhưng ở mảng văn xuôi, tôi chú ý nhất đến ba người: Nguyễn Khắc Trường, Xuân Đức và Lê Lựu. Nguyễn Khắc Trường giỏi về thẩm văn. Anh như nhà kiểm định rất chuẩn. Anh thường giáng những quả tạ: Hay. Được. Hoặc: Vứt nó đi. Hỏng. Nhận định của anh rất chuẩn. Lê Lựu lại giỏi rút ra vấn đề. Cứ như anh thì mỗi tác phẩm phải có một điều gì đó mà tác giả cần nói với người đọc. Vấn đề ấy, tác giả không xổ toẹt ra mà phải nói bằng hình tượng, bằng cốt truyện hay bằng nhân vật. Xuân Đức có cả hai khả năng này ở hai “ông Kễnh” ấy, anh còn thêm một biệt tài là “thị phạm” luôn. Chẳng hạn hồi đó, ai ai viết được cái gì thì đọc chung cho mọi người nghe rồi góp ý cho nhau. Có người nhận xét tình tiết này hay, chỗ kia rất dở, hoặc cái kết cần viết lại. Xuân Đức có thể chỉnh sửa ngay cho bạn bè. Thậm chí đọc luôn cả đoạn kết, như một nhà sáng tác kịch cương. Nghĩa là sáng tác ngay trên sàn diễn. Xuân Đức cũng rất giỏi tóm bắt thần thái văn chương. Anh dùng toàn những từ y học, gọi bệnh tác giả. Chỉ một hai chữ mà ra ưu nhược của mỗi người. Ví dụ “Gai đôi tình tiết”, “Rối loạn đề cương”, “Táo bón chữ”, “Hôn mê ca dao tục ngữ”... Ai nghe cũng cười bò, nhưng đúng.

Đặc biệt tôi thấy Xuân Đức rất trường vốn, và tôi khuyên anh viết tiểu thuyết đi. Thế là anh viết Cửa gió. Lúc bấy giờ tên Xuân Đức còn mới quá, nên đưa đến nhà xuất bản đầu tiên thì bị từ chối. Chính tôi đã mang bản thảo đó đến nhà xuất bản Thanh Niên gặp thẳng giám đốc và biên tập viên, họ đọc quyết định in ngay. Khi mới in ra tập 1, Cửa gió lập tức gây nên một tiếng vang đặc biệt và được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982. Đây là một điều rất đặc biệt, chưa có tiền lệ và đến nay cũng chưa hề có chuyện trao giải thưởng cho một bộ sách mới chỉ có tập 1. Riêng Xuân Đức ngay tập 1 đã được trao. Tôi cho rằng Cửa gió anh viết kỹ đến từng chữ, đặc biệt Tập 1. Những mặt mạnh của anh đều đã bộc lộ ra ở đây, đó là đối thoại, khắc họa tính cách nhân vật. Sau đó, anh liên tiếp ra hàng loạt tác phẩm được chú ý như Người không mang họ, Tượng đồng đen một chân, Những mảnh làng và đặc biệt là Bến đò xưa lặng lẽ.

Bên cạnh văn xuôi, Xuân Đức còn là nhà viết kịch. Ở lĩnh vực này Xuân Đức đã khai thác được thế mạnh của anh là cập nhật những vấn đề nóng nhất của đời sống. Ví dụ như các vở Tai biến, Cái chết chẳng dễ dàng gì,… Những vấn đề thời sự, anh tiếp cận rất nhanh, chuyển tải vào kịch và đạt được những thành công nhất định.

Xuân Đức có thuận lợi là người Quảng Trị, cắm rễ sâu và bám chắc quê nhà nên anh hiểu rất sâu, có thể nói là hiểu đến từng gốc cây ngọn cỏ, cho đến các thứ khác ở vùng Vĩnh Linh Quảng Trị. Bên cạnh đó anh có một tầm nhìn, một khả năng bao quát. Vì thế, ở Hà Nội nhiều cơ quan sẵn sàng mở cửa đón Xuân Đức nhưng anh đều từ chối để trở về Quảng Trị. Đây mới đúng là bầu khí quyển của anh, giúp anh sáng tác, đặc biệt là mảng đề tài chiến tranh cách mạng.

Xuân Đức có nhiều đóng góp cho Hội Nhà văn. Đó là sáng tác và thẩm định. Anh tham gia với vai trò thành viên Hội đồng chuyên môn. Xuân Đức có nhiều tác phẩm đoạt giải không chỉ ở Hội Nhà văn mà còn ở các lĩnh vực khác, chính điều đó cũng làm đẹp cho Hội.

2. Tôi thân với Xuân Đức đã lâu, nhiều kỷ niệm gắn bó, thậm chí là những bí mật đời tư anh cũng chia sẻ riêng với tôi. Anh từng có thơ vui: Về Vĩnh Linh nằm bên cạnh vợ / Lại bồi hồi chạnh nhớ chú Khoa… Những bí mật, những vui những buồn, những khuất khúc trong lòng Xuân Đức tôi cũng hiểu.

Thêm nữa, tôi cũng từng gắn bó với Xuân Đức trong nhiều cảnh ngộ. Đấy là giai đoạn tôi cùng anh đi chiến trường Cam-pu-chia và hai lần chết hụt. Có lần chúng tôi sa vào ổ phục kích của dân quân địa phương. Khi ấy địch bắn rất rát, tôi và Xuân Đức phải bò qua ruộng lúa để về căn cứ. Dân quân địa phương thấy lúa động đậy thì tưởng thám báo nên định bắn. Nhưng may dân quân không bắn mà tính bắt sống để lấy “cái lưỡi”, khai thác thông tin. Khi ba lô chúng tôi nhô lên khỏi lúa thì dân quân mới biết chúng tôi là bộ đội.

Lần khác thì hai anh em chúng tôi lọt vào ổ phục kích của địch tại Bến Sỏi. Bấy giờ tôi, Xuân Đức cùng anh em hậu cần về quân khu dự hội diễn Văn nghệ. Địch bắn rất dữ. Chúng nã các loại súng như vãi đạn. Anh em phải dạt xuống bờ ruộng để tránh đạn. Xuân Đức chỉ nghe qua tiếng súng thì biết ngay bọn địch không phải quân thiện chiến. Chúng tôi lại không có vũ khí để bắn trả. Thế là anh bò đến từng người bảo chuẩn bị xuất kích theo sự chỉ huy của anh. Rồi anh bảo cậu lái xe ra nổ máy. Xong anh hô tất cả anh em nhào nhanh lên xe và nằm rạp xuống sàn. Đạn địch bắn nát cả hai bên thành xe, nhưng chúng tôi không có ai làm sao cả. Xuân Đức đúng là một người lính dày dạn đạn lửa.

Xuân Đức luôn quan tâm theo dõi tôi. Trước đây anh có trang web được anh em văn nghệ sĩ đánh giá rất cao. Nhờ trang web của anh mà tiểu thuyết Đảo chìm của tôi được đăng lên mạng. Cũng nhờ có trang của anh mà các “nhân vật” của tôi đã tìm được nhau và có cuộc hội thảo rất sinh động với góc độ của người trong cuộc về cuốn sách của tôi. Cuộc hội thảo rất hay, có trong sách của tôi. Trang web này cũng tập hợp và công bố nhiều tác phẩm của anh em văn nghệ lúc ấy. Anh Xuân Đức có tổ chức buổi gặp mặt các nhà văn và bạn viết và nhà văn Nguyễn Văn Thọ có về tham dự. Khi nghe tin Xuân Đức mất, Nguyễn Văn Thọ đang ốm nên không về được, anh gọi điện cho tôi và khóc.

Xuân Đức mất là một tổn thất không gì bù đắp được. Tiếc cho anh và tiếc cho tất cả chúng ta.

             

   (Trúc An ghi lại từ cuộc trò chuyện)

TRẦN ĐĂNG KHOA
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 310

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground