Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hình tượng Bác Hồ trong nghệ thuật tạo hình

C

hủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, một nhà họat động chính trị, một nhà tư tưởng, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới. Sinh thời, Người luôn luôn gần gũi với nhân dân, chăm lo cho đời sống của nhân dân, dâng hiến cả cuộc đời mình cho dân tộc, vì vậy nhân dân ta gọi Người là “Bác Hồ” với tấm lòng kính yêu.

Trong các đề tài để thể hiện tác phẩm của mình, hình tượng Bác Hồ bao giờ cũng là đề tài vô cùng phong phú, là nguồn cảm hứng vô tận trong những sáng tạo của giới mỹ thuật. Các tác giả đã đặt nhiều trí tuệ, tình cảm vào đề tài kỳ diệu này và bao giờ cũng cảm thấy lo lắng, băn khoăn, sợ rằng chưa đủ tài năng để thể hiện thành công như mong muốn.

Trong kháng chiến chống Pháp và những năm tháng hòa bình đầu tiên, các họa sĩ và các nhà điêu khắc có nhiều điều kiện được vẽ Bác chan hòa với các tầng lớp nhân dân. Các tác phẩm thể hiện  Người từ khi còn nhỏ, tuổi thanh niên ra đi tìm đường cứu nước, họat động cách mạng ở nước ngoài rồi trở về Tổ quốc lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Tám đến hình ảnh của người trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Tất cả các tác phẩm về Bác được thể hiện qua bàn tay và khối óc của giới mỹ thuật đều toátlên hình ảnh gần gũi, thân thương của một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng hết sức khiêm tốn và giản dị, một hình ảnh luôn luôn làm xúc động lòng người.

Các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim là những người được vinh dự vẽ chân dung và nặn tượng Bác sau cách mạng tháng Tám thành công (tháng 5/1946). Mặc dù vào thời điểm này, chính quyền cách mạng đang còn non trẻ, đứng trước những thử thách lớn lao, thù trong giặc ngòai, các đảng phái phản động chỉ chờ cơ hội để bóp chết nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa chưa đầy một tuổi. Tuy bận rộn trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn giành cho các họa sĩ đầu tiên được thể hiện chân dung của mình tại Bắc bộ phủ (nơi làm việc của Bác ở Hà Nội). Những tác phẩm đó đã thành công rất lớn. Bức sơn dầu và khắc gỗ của họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ Bác đang ngồi làm việc trong bộ áo quần kaki vàng nhạt và đôi giày Nùng màu xanh chàm; họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung ghi lại hình ảnh Bác trên một tranh mực nho, nét mặt của lãnh tụ nhìn nghiêng khắc khổ; nhà nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim thể hiện Bác trong tư thế đang chú tâm vào công việc, tượng bán thân nhưng vẫn toát lên phong thái giản dị ở bộ y phục.

Năm 1947, ở Đồng Tháp Mười, tỉnh Cà Mau, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu trong một đêm xúc động, đã lấy máu từ tay mình vẽ “Bác với 3 em thiếu nhi Bắc - Trung - Nam”, điều đặc biệt là lúc ấy ông chưa hề được gặp Bác lần nào. Nét vẽ ân tình, xúc động đã mở đầu cho hàng lọat tác phẩm vẽ và nặn tượng về Bác sau này. Luôn luôn ấp ủ với đề tài được sáng tác về Bác, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu được ưu ái ở bên Bác gần nữa năm với lý do là từ miền Nam ra vẽ Bác, đưa về cho đồng bào miền Nam xem hình bóng của Người.

Cuối năm 1958, theo nguyện vọng của Sứ quán Cộng hòa dân chủ Đức muốn có pho tượng hoặc bức họa cỡ lớn về Hồ Chủ Tịch mà tác giả phải là người Đức, Bác đã đồng ý để nhà điêu khắc Đức Henrich Đrácke đến nặn tượng Bác. Để kết hợp, Bác cho một số anh chị em Việt Nam cùng đến làm. Hàng ngày, Bác dành một giờ rưỡi đầu buổi sáng ngồi mẫu cho nhà điêu khắc Đức và các bạn đồng nghiệp Việt Nam (gồm các họa sĩ và nhà điêu khắc Trần Văn Lẩm, Diệp Minh Châu và Trần Văn Cẩn). Mặc dù ở tuổi gần 70 nhưng Bác vẫn ngồi thanh thản, ung dung trên bục cao, không hề tỏ ra mệt mỏi để mọi người tiện quan sát làm việc. Không phải chỉ lần này người nước ngòai nặn tượng Bác mà sau đó cũng có một số họa sĩ nước ngoài vẽ Bác, Bác cũng cho một số họa sĩ trong nước được kết hợp.

Trong thời kỳ đầu, đất nước mới được độc lập, những tác phẩm vẽ về Bác đã để lại nhiều dấu ấn. Họa sĩ Vương Trình có “Bác dặn dò mỗi người phải trồng hai cây” và “Giải phóng đôi vai” họa sĩ Mai Văn Hiến với “Những lời dạy bảo” họa sĩ Nguyễn Văn Thiện ghi lại buổi “Bác đến thăm một gia đình nông dân” họa sĩ Quang Thọ có nhiều tranh vẽ “Bác với các dũng sĩ diệt Mỹ” “Bác chia kẹo và thuốc lá cho các chiến sĩ bảo vệ pháo ở Hà Tây” họa sĩ Cao Thương vẽ “Bác với các cháu thiếu nhi” họa sĩ Hà Quang Phương vẽ “Bác vui tết trung thu” họa sĩ Hoàng Đạo Khánh vẽ “Bác cho cháu ăn cơm”...

Những họa sĩ vẽ chân dung Bác luôn lột tả được tính cách, hình tượng, cá tính và về cả nhân cách lãnh tụ, như vầng trán cao, mắt sáng, mũi thẳng và chòm râu rất phương đông. Hai họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oanh vẽ tranh cổ động “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” họa sĩ Lê Huy Trấp vẽ “Hồ Chủ tịch”. Về tranh khắc gỗ, thì họa sĩ Phan Kế An và Trần Đình Thọ thể hiện “chân dung Bác” rất có hồn, mặc dù đó là một chất liệu rất khó mô tả.

Năm 1970, một năm sau ngày Bác qua đời, các họa sĩ lớp trước đã tổ chức chưng bày một phòng tranh nói lên niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi mãi mãi của vị cha già dân tộc, họ đã có những tác phẩm gây xúc động lòng người như : “Đời đời nhớ ơn Bác” của Quang Phòng, “Đêm nay Bác không ngủ” của Đào Đức, “Chân dung Bác” trên phù điêu của Vương Học Báo, Kim Bạch, và trên điêu khắc của Diệp Minh Châu, Dương Đăng Cẩn, Văn Hòe, Phạm Xuân Thi, Nguyễn Thiện, Đinh Khang; tranh bột màu của họa sĩ Văn Giáo.

Ở thập kỷ 80, một số tác phẩm vẽ về Bác đã để lại dấu ấn như : Tranh sơn mài “Bác đi công tác tại Việt Bắc” của họa sĩ Dương Bích Liên; hai tranh sơn dầu “Nguồn nước” và “Rời lều cỏ Bác lại hành quân” của họa sĩ Trọng Kiệm; Tượng tròn “Bác dịch sử Đảng”, “Bác bên suối Lê-nin” của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Ngoài ra còn có hình ảnh Bác Hồ cưỡi ngựa đi công tác tại Việt Bắc của Nguyễn Đăng Sần; chân dung Bác bằng cắt dán giấy của Nguyễn Đăng Khiêm; các lọai tượng gỗ nhỏ về Bác Hồ cưỡi ngựa của Hứa Tử Hoài; đất nung của Nguyễn Văn Quẩy và Nguyễn Đại Lượng, đã để lại nhiều tình cảm trong lòng người xem. Trong thời kỳ này một số tượng đài ngòai trời về Bác cũng được thực hiện, như tượng Bác ở đảo CôTô của nhà điêu khắc Phước Sanh; nhóm giáo viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội dựng tượng Bác ở Ninh Giang (Hải Hưng).

Trong thập kỷ 90, một số tác phẩm thể hiện về Bác cũng được chú ý như : Tranh cổ động “Bác Hồ vĩ đại” của họa sĩ Lai Thành, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” của họa sĩ Đinh Đức Hưng, “Hồ Chí Minh, nhà văn hóa lớn” của Đặng Đức, “105 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh” của các tác giả Trần Việt Sơn, Lê Huy Trấp, Võ Xưởng, “Việt Nam toàn thắng “ của Trần Trọng Huấn, “Hồ Chí Minh, Tổ quốc là trên hết” của Phúc Khôi.

Vào đầu thế kỷ 21, cùng có một số tranh cổ động đáng chú ý, như “ Thực hiện di chúc Bác Hồ”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ” của Hà Huy Chương, “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” của Nguyễn Xuân Nghị, “Việt Nam Hồ Chí Minh” của Trần Mai, “70 năm thành lập Đảng CSVN” của Trần Thế Vinh, “55 năm ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2.9” của Bùi Văn Hoan; “Đại hội thi đua tòan quốc lần thứ VI” và “Chủ nghĩa Mác Lê-nin - Tư tưởng Hồ Chí Minh” của Trịnh Bá Quát...Về tượng đài, có tượng Bác Hồ đặt tại Cung Văn hóa Lao động Việt - Nhật, tỉnh Quảng Ninh, Tượng đài Bác Hồ đặt tại quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh - Nghệ An của nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn.

Khi ở chiến trường, nhiều chiến sĩ, họa sĩ tâm niệm về Bác. Họa sĩ Đặng Trường Lưu  một lần  đang đóng quân ở miền tây Quảng Trị, khi yên tiếng súng, anh nghĩ về Bác, rồi tìm trong kho vật liệu được một chiếc búa gãy cán và mấy cái đinh cong, anh đập thẳng để đục đá. Những chàng trai Vân Kiều đã giúp anh dọn sạch một khoảng vách đá tương đối bằng phẳng; bạt bớt những chỗ đá gồ ghề, anh vẽ theo trí nhớ hình Bác Hồ với khuôn mặt nhìn nghiêng được in trên tờ giấy bạc mười đồng Miền Bắc. Đó là hình Bác Hồ rõ nhất và dễ cho anh thể hiện. Anh đục theo nét phác đơn giản, tạo thành những rãnh chìm trên đá. Ngày tiếp ngày, hình Bác Hồ hiện dần lên trước sự ngưỡng vọng của bà con Vân Kiều, PaKô, họ đã kinh ngạc và thán phục.

Họa sĩ Lê Duy Ứng, một người con ở Quảng Bình, trong một trận đánh với giặc Mỹ đã bị thương, mù hai mắt. Trong lúc đau đớn tại chiến trường, anh đã lấy máu của mình vẽ chân dung Bác Hồ để nói lên lòng dũng cảm, sự quyết tâm chiến đấu đến cùng, đồng thời là thể hiện niềm tin đối với Bác, với Đảng.

Về hình tượng của Bác trên tem thư, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, ngành Bưu chính Việt Nam đã trân trọng đưa chân dung Bác Hồ lên bộ tem đầu tiên của quốc gia vừa giành được tự do, độc lập, phát hành đúng vào ngày Quốc khánh 2.9.1946. Họa sĩ Nguyễn Sáng là người được nhận vinh dự thiết kế trình bày bộ tem có chân dung Bác đầu tiên và cũng là bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự thiết kế và in ấn.

Sau đó 3 năm, Họa sĩ Nguyễn Sáng tiếp tục vẽ 2 mẫu nữa để phát hành nhân dịp kỷ niệm lần thứ 59 ngày sinh của Người.

Năm 1951, họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ tiếp một số mẫu tem chân dung Bác để tiếp tục phát hành. Năm 1957, họa sĩ Ngô Tôn Đệ thiết kế theo ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định nhân kỷ niệm 67 năm ngày sinh của Bác. Vào ngày 19.5.1960, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem kỷ niệm 70 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Nguyễn Thế Vinh thực hiện. Năm năm sau, họa sĩ Trịnh Quốc Thụ cho ra đời bộ tem mới để mừng thọ Bác vào năm 1965.

Khi Bác đã mất, những năm sau đó một lọat tem tiếp tục ra đời vào những năm 1970, 1971, 1972, 1975, 1978, 1980, 1985, 1990 và năm 2000 của những họa sĩ tên tuổi như : Trần Lương, Đặng Quý Quyền, Nguyễn Hiệp, Trần Thế Vinh và Hòang Thúy Liệu

Vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam (1957 - 2007) và đón nhận Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước tặng các thế hệ nghệ sĩ tạo hình thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, kỷ niệm 56 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ (10.12.1951 - 10.12.2007), ngày truyền thống của giới Mỹ thuật; Nhà xuất bản Mỹ thuật đã xuất bản cuốn sách “Hình tượng Bác Hồ trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam”, trong đó đã giới thiệu 149 tác phẩm của 143 tác giả bao gồm các thể lọai hội họa (sơn dầu, sơn mài, lụa....), đồ họa (tranh khắc, tranh cổ động....) và điêu khắc (tựợng đài, phù điêu, tượng tròn...) được tuyển chọn từ hàng ngàn tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam sáng tác từ năm 1945 đến nay.

Các tác phẩm được giới thiệu trong cuốn sách thể hiện phong phú hình tượng Bác Hồ trong quá trình họat động cách mạng, đặc biệt là Bác Hồ với lực lượng vũ trang nhân dân, với công nhân, nông dân, trí thức, với các cháu thiếu nhi. Hình tượng Bác Hồ trong các tác phẩm thể hiện lòng nhân ái, giản dị, khiêm tốn, gần gũi với nhân dân, là hình tượng mẫu mực của vị lãnh tụ kính yêu trong lòng dân tộc.

Kỷ niệm 118 năm ngày sinh của Người và hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức triển lãm tranh cổ động tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền - Hà Nội. Triển lãm trưng bày 38 tác phẩm của 36 tác giả lựa chọn trong số 62 tác phẩm của 41 tác giả là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam thuộc các tỉnh thành Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình và Ninh Bình.

Tại triển lãm, hơn một nửa tranh cổ động đã sáng tác giới thiệu những quyết tâm cùng tòan Đảng, tòan dân, tòan quân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại, chống tham ô, lãng phí, thực hiện phê bình và tự phê bình để củng cố và phát triển sự đòan kết thống nhất trong Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Hình tượng chủ tịch Hồ Chí Minh đã và sẽ mãi mãi sống trong lòng dân tộc, trong trái tim của các nghệ sĩ nhiều thế hệ, luôn là đề tài tâm huyết trong sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam cũng như nhiều nghệ sĩ tạo hình quốc tế.

Bác Hồ là một con người kiệt xuất, một lãnh tụ thiên tài, một bậc đại anh hùng của dân tộc, một nhà tư tưởng lớn, một nhà văn hóa lớn, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc. Bác là người rất dễ gần gũi. Những thế hệ đi trước kể lại rằng : Khi gặp Bác lần đầu, họ thường hay lúng túng, nhưng khi vào công việc thì khác, Bác rất ôn tồn, dịu dàng và cởi mở. Từ đó chúng ta học được ở Bác rất nhiều điều : Từ thái độ, phong cách, lề lối làm việc và cả cách sống giản dị giữa đời thường. Bác đã để lại trong chúng ta sự kính trọng và yêu mến đặc biệt, như lòng ta đối với thầy, đối với người ông, người cha, và mỗi lần nhớ tới Người, nhắc tới Người, lòng ta bỗng dưng thấy xao xuyến kỳ lạ.

Trong thời kỳ đất nước đang đổi mới, hội nhập như hiện nay, nhiều phương tiện hiện đại đã hỗ trợ cho nghề nghiệp đối với các họa sĩ, nhà điêu khắc, hy vọng với những nhận thức nhạy bén, bằng tài năng và lòng ngưỡng mộ sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm mang tính thời đại gắn bó với tư duy truyền thống khi sáng tác về một vĩ nhân. Vĩ nhân đó là Hồ Chủ tịch, một con người hết sức gần gủi trong cảm nhận nghệ thuật của chúng ta.

 

H.T.T

Hồ Thanh Thoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 173 tháng 02/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

21 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground