Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Học đứng, học sống ở đời

N

ghĩ cũng lạ thật, sau mấy chục năm binh nghiệp, chẳng gì cũng đã thành tướng thành tá rồi, nay được nghỉ hưu về quây quần cùng gia đình thì phải lấy làm vui mới đúng, vậy mà nhà văn thiếu tướng Nguyễn Chu Phác không hiểu vì sao vẫn thấy buồn bã, nhiều hôm bưng bát cơm lên tay mà bụng dạ vẫn để ở đâu, vợ con giục đến mỏi mồm vẫn khó nuốt nổi lấy một miếng. Cái miệng mình dạo này làm sao ấy, nghe như nhạt nhẽo thế nào. Đêm nằm trằn trọc, đến lúc chợp mắt thì mộng mị, trong mơ toàn gặp lại những thằng bạn đã chết từ ngày nảo ngày nào, đứa đang nằm ở Đông Bắc, đứa đang nằm ở Tây Bắc. Mắt nổi quầng chỗ thâm chỗ đỏ, đứng ngồi không yên, vợ con hỏi dồn vậy đau ở chỗ nào thì nhăn nhó xua tay không rõ, chỉ biết là đau, còn đau ở đâu chưa thể nói được. Vào Quân y viện 108 gặp đủ các giáo sư tiến sĩ kiệt xuất, họ nghe họ chụp họ soi, họ thì thầm gật đầu lắc đầu với nhau chán rồi mới nói, gan ruột đều tốt, tim phổi cũng vậy, tất cả bình thường, có lẽ vấn đề là ở tinh thần có chỗ bất an, nhưng bất an cũng không có nghĩa là bệnh.

Nói thế thì chỉ trời mới hiểu, vậy cuối cùng thằng tôi bệnh gì? Đã nói bất an ở đây không hẳn đã là bệnh. Những thầy thuốc giỏi xưa nay thường ăn nói lửng lơ, nghe xa xăm như sấm Trạng Trình. Con bệnh cứng đầu đứng nghe họ nói kết quả hội chẩn xong thì về, có gì bất an mới được chứ, hay họ còn giấu mình chuyện gì, liệu còn chuyện gì họ chưa tiện nói chăng? Rồi anh tặc lưỡi, thây kệ, không khéo tụi này nghĩ ta đang mắc hội chứng thần kinh cũng nên, mấy ông thầy thuốc rất dễ nghi ngờ bệnh nhân của mình đang có dấu hiệu tâm thần.

Nếu vội đoán sự bất an của anh là bởi còn vấn vương quyền lực và quyền lợi như không ít người thường có lúc về nghỉ hưu thì sẽ là sai bét, với ai khác có thể thế nhưng với ông này thì tôi đoán chắc là không, ông là người đã từ lâu xem chuyện này chả là cái mẹ gì. Những cái người đời ham muốn thì ông xem nhẹ, còn những cái người đời dửng dưng thì ông khó dứt ra nổi, xem đó là chuyện nhà mình, mà một khi đã là chuyệnnhà mình thì khó lòng ngồi yên, khó ngoảnh mặt đi. Đây chính là nguyên do của căn bệnh mà mấy vị giáo sư bác sĩ đã đọc ra, tinh thần có chỗ bất an.

Sau cuộc chiến kéo dài, rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra trong xã hội chúng ta, nếu nhìn nhận việc nước với đúng tầm vóc của nó, với đúng quy mô của nó, trong một tinh thần trách nhiệm nhất ta sẽ thấy nhiều thập kỷ vừa qua không ai là không bất an, không ai là không thao thức mất ngủ.

Anh Chu Phác mò tìm vài ba người bạn chiến đấu, họ bảo nhau không thể không làm một cuộc lên đường, một lần nữa phải lên đường, như tháng Chạp 1946 họ đã lên đường. Một cuộc lên đường có lẽ sẽ ít lãng mạn hơn cuộc lên đường lần trước, ở tuổi đôi mươi, nó sẽ nặng nề hơn nhiều, cần phải thận trọng hơn nhiều và nó có mang một ý nghĩa khác hẳn. Đây là phần việc tự nguyện của mấy ông già tóc bạc một đời gánh chịu, một đời thấm nhuần ý thức tuẫn nạn. Họ nhập vào quân đội đi tìm đồng đội, lúc đầu có lẻ tẻ, về sau đông dần, muôn hình muôn vẻ. Không ít người cho là chuyện hão huyền, nặng mùi mê tín dị đoan, bán tín bán nghi, thực thì ít mà thêu dệt thì nhiều.

Làm sao mà tin nổi mấy bà nhai trầu suốt từ sáng đến tối, mắt đảo như mắt quạ, nói năng hiển hiện như vừa từ âm phủ chui lên. Những cô bé vốn hiền lành chăn trâu cắt cỏ, bỗng sau một lần bị chó dại cắn, bị điện giật, bị rắn mổ hóa thành một nhà ngoại cảm có những khả năng đặc biệt gây xôn xao dư luận. Có thể ngồi ở nhà mà chuyện trò với người âm như thể ta cầm máy điện thoại di động nói chuyện với người thân ở cách xa hàng vạn cây số. Lại có thể ngồi đấy mà chỉ bảo cho người đang đứng trong cánh rừng đại ngàn Trường Sơn cứ theo hút một bướm để rồi tìm ra ngôi mộ một người chiến sĩ bao nhiêu năm nay vẫn bị xem là đã mất tích. Tìm hài cốt một người, tìm hài cốt cả một trung đội, một đại đội, tìm người mất trên núi, tìm người mất dưới biển, tìm người mất trong Nam, tìm người mất ngoài Bắc, tìm người mới mất, tìm người mất đã ngót một thế kỷ, tìm người chết vì hòn tên mũi đạn, tìm người chết vì đau ốm, tìm người chết khát, tìm người chết thiêu, tìm người chết ngạt, chết đói, chết được chôn cất, chết phơi thây diều tha quạ mổ, chết ngậm ngùi, chết anh dũng, chết trong chạy trốn, chết trong tiến công, chết tuyệt vọng, chết cháy bỏng niềm tin, chết trong tiếng hát, tiếng hô đả đảo, chết trong hương hoa, chết dập chết vùi... tất cả đang được cất giấu trong lòng đất tổ quốc và tất cả đến một ngày đều có thể được gọi lên, được mang về một cách kỳ lạ và lại chẳng có gì là bí mật, thật hết sức dễ dàng như là có phép thần màu nhiệm đang hô ứng ủng hộ và dù đã tận mắt được thấy là thực, ấy vậy mà vẫn không sao giấu được một nỗi ngỡ ngàng pha lẫn ngờ vực.

Thế chẳng hóa ra chết mà vẫn còn, chết chưa phải là đã hết và chết mà vẫn cứ đang quanh quẩn bên ta, chết mà vẫn dõi theo, lẳng lặng ngắm nhìn những ai đang sống, rất muốn nói đôi lời với người đang sống. Thật rất hay mà cũng thật rất đáng ngại. Những ai tử tế thì thấy là hay mà những ai khuất tất đểu giả thì thấy e ngại, đó là lẽ thường tình. Có bao nhiêu cách sống thì cũng có ngần ấy cách chết, nhà Phật gọi là tứ sinh tứ hóa. Thai sinh, noãn sinh, khỏa sinh, ẩm sinh. Thai sinh như người như trâu bò, noãn sinh như gà vịt, như tôm cá, khỏa sinh như cây cối hoa cỏ, ẩm sinh như mốc như nấm. Sự mất đi của con người là nằm trong thai hóa. Thai hóa là một quá trình chậm rãi, diễn ra làm nhiều kiếp, không hề theo một trật tự giống nhau, lại cũng được chia ra thành nhiều đẳng cấp cao thấp. Có người lúc đang sống là vua chúa hoàng thân quốc thích đến lúc xuống âm phủ lại hóa thành con chó đứng canh vạc dầu, khoe kiếp sau mình sẽ được đầu thai trở về kiếp chó trên trần thế. Có anh sống phất phơ ở cõi đời như thằng ăn mày, như đứa ngớ ngẩn khi xuống dưới âm lại thấy được ngồi bên con thần sư, khoe tớ sắp bay về trời làm một vị bồ tát dự liệu con đường sắp đến của chúng sinh. Mới hay thiên địa nhân là một cuốn sách vẫn đang có đấy nhưng chẳng ai đọc nổi, rất khó đọc vì nó là thiên thư, là sách trời, được đến đâu biết đến đấy, cái ngày mai ra sao thì lại phải đợi đến ngày mai.

Tôi vốn chẳng mấy tin chuyện này, nhưng nghe mãi thấy cũng phải lẳng lặng xem sao. Không nên vội vàng trước những gì chưa biết.

Lại nghe các anh kể thành người âm rồi thì phải quên cách sống trên trần, kiếp phận khác nhau nhưng lại giống nhau ở một điểm là không còn đúng sai phải trái, không nhìn nhau là địch là ta. Không có kẻ thù, không có hờn oán, cũng không bàn chuyện thua được thắng bại nữa. Những chuyện ấy bỗng hóa thành chuyện trẻ con. Người âm do thế mà nhẹ bẫng như một làn sương chiều, như một cơn gió sớm. Người âm không còn tên tuổi, đến một lúc sẽ quên hết tên tuổi, gọi nhau bằng một tên chung là vong, vong đi đâu vậy, chào vong nhé. Nếu còn định làm văn tán gái thì nói, tóc vong bay bay trong gió, mắt vong lấp lánh nắng thủy tinh. Tuy nhiên, người âm ngại nói, người âm thích sự im lặng, họ hiểu nhau, chuyện trò với nhau bằng ý nghĩ. Bằng ý nghĩ họ có thể sai khiến được chuồn chuồn, bươm bướm, rắn rết, ong kiến, nếu trong rừng còn voi ngựa hổ báo cũng có thể mượn chúng, nhờ cậy chúng để tỏ mình, nhưng có một điều rất đặc biệt là họ sợ chuột, bất lực trước một con chuột, không thể nào sai khiến nổi nó. Cho nên chỉ có giống chuột mới dám phá mả, đào bới làm tổ, đông đàn đầy lũ trong mả mà chẳng thế lực nào cản nổi.

Người dương cũng bất lực trước chuột, điểm này rất giống người âm, cho nên các nhà ngoại cảm bất luận già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà, đều thống nhất với nhau, không dùng chuột để làm tín hiệu liên lạc cùng các vong. Nếu đúng là vong xin hãy cho con một con bướm nâu hoặc một đàn kiến đen hiện lên quanh mộ, nếu vong bằng lòng cho người nhà mang mình về thì xin sẩm tối lúc năm sáu giờ cho một người con gái vẩu răng vác cuốc từ trong làng đi ra và hỏi: Có phải các vị đang muốn tìm một cái tiểu ở góc ruộng kia không, thế thì nó đang lộ ra ở đầu bờ kia rồi. Mấy năm trước những người họ Phạm di tản qua Canađa đã gửi thư về cho Ban liên lạc họ Phạm trong nước đề nghị giúp đỡ trong việc tìm phần mộ một phi công Việt Nam cộng hòa họ Phạm bị bắn rơi ở Hà Tĩnh hồi đầu năm 1965. Mấy vị họ Phạm ở Hà Nội tiếp được thư liền mời một nhà ngoại cảm cùng đi vào Hà Tĩnh, chỉ vài ngày họ đã tìm được cốt của người anh em trong họ và nhắn người nhà ở Canada về nước nhận di hài. Câu chuyện vừa kể trên chính là chuyện người họ Phạm đi tìm người họ Phạm, theo lời khấn cầu xin cho một nhà chị vẩu răng mang cuốc ra đồng chỉ chỗ có cái tiểu sành vào lúc sẩm tối.

Vừa rồi ở Phú Yên lại có chuyện nhóm người lặn lội đi tìm mộ một nữ chiến sĩ biệt động, họ đến một nghĩa trang toàn liệt sĩ vô danh. Biết chắc vong chỉ nằm quanh đây mà chịu không có cách nào liên lạc nổi. Không liên lạc nổi vì vong chưa cho gặp. Rồi vong nhắn lên chỉ cho gặp nếu người nhà đồng ý đào trước hai ngôi mộ đang chôn riêng ở khu đất vắng bên cạnh, đó là hai người lính quân đội ông Thiệu, một là trung tá, một là trung sĩ. Vong yêu cầu người nhà mình nhắn người nhà họ đang sống dưới Nha Trang lên mang họ về, vì họ cũng đang ao ước thế. Một ông cán bộ địa phương thấy vậy liền bảo có mà mang hất xuống sông Đà Rằng. Nhưng người nhà của nữ liệt sĩ không làm vậy, họ hì hục đào hai ngôi mộ kia lên, khâm liệm chu đáo, chờ đợi người thân của họ đến nhận cốt mang về.

Xem thế chả hóa ra người âm vừa hiền lại vừa khôn ngoan. Người âm hiểu thấu lời dặn của Đức Phật, lấy ân trả oán thì oán hết, lấy oán trả oán thì oán còn muôn đời, thế rồi oán mới chồng oán cũ, do vậy mà đời mới là bể khổ. Người đời thường hỏi vậy ai làm ta khổ, chứ ít biết tự hỏi liệu có phải chính ta đang làm ta khổ?

Anh Chu Phác mang đồng lương ít ỏi của nhà đi để nhập vào đội quân tìm kiếm là bởi lòng các anh thường cồn cào mỗi lần nhìn vào những dãy mồ vô danh xếp hàng dọc hàng ngang trong những nghĩa trang ven các con đường mà các anh đã qua. Làm sao có thể đọc lên được tên tuổi quê quán những anh em đang nằm im lặng trong lòng đất kia, có biết bao nhiêu người ruột thịt của họ cũng đang chờ đợi, chờ đợi một cách tuyệt vọng. Để làm được điều đó nếu phải huy động cả những thế lực thần linh phù trợ thì các anh cũng không nề hà chối từ. Các anh nghĩ ngợi hàng chục năm ròng và rồi thành tin là có thế lực đó thật. Một niềm tin cảm động và không dễ lay chuyển, tưởng như nếu ta dám nói ngang một câu “tôi chả tin”, thì lập tức anh sẽ cho ăn một cái vả vào mồm. Mà có thể sẽ còn phải ăn nhiều cái vả của rất nhiều người khác nữa. Nói cho cùng thì đó cũng là cái quyền được tin của con người ta. Đang là những thằng con của mỗi nhà bỗng thành anh bộ đội, có tên tuổi quê quán hẳn hoi, đến lúc nằm xuống thành liệt sĩ vô danh hỏi còn có đau đớn nào hơn thế. Nhà thơ Nguyễn Hoa đã làm một bài thơ ngắn Thưa Mẹ để nói lên nỗi đau ấy trong cảm động nén khóc. Ngày mẹ sinh những đứa con, 15 tháng 4 năm 1947, 20 tháng 7 năm 1950, 25 tháng 8 năm 1954. Mùng 5 tháng 8 năm 1964. Mùng 7 tháng 7 năm 1972, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày những đứa con lên đường có thể là ngày mẹ cúng cơm, khi những đứa con thành liệt sĩ, trên bài vị nhà ta, con vẫn là Hùng là Dũng là Sơn là Hoa. Tuổi trẻ tóc xanh, những đứa con không là người chiến sĩ vô danh, thưa mẹ !

Trên các nẻo đường dọc ngang khắp ba miền đất nước, các anh còn thường xuyên gặp không biết bao nhiêu ngôi mộ khác, vô danh có, hữu danh có, đó là mộ của những binh sĩ phía bên kia. Thế là lại thêm một vấn đề nhức nhối nữa đặt ra khiến các anh không thể quay mặt đi. Đây cũng lại là một thách thức lớn, một công việc lớn của toàn xã hội, chừng nào vẫn còn thiếu một cách nhìn đầy đủ trước vấn đề hết sức hệ trọng này, dân tộc chúng ta chưa thể tìm được một dáng đứng mới. Sau mọi đau đớn nếm trải, với không biết bao nhiêu cái giá phải trả, giờ đây cái chúng ta cần là phải tìm cho đất nước một dáng đứng sao cho thật vững chãi. Đây cũng là mong muốn đã có từ muôn đời, nó hoàn toàn xa lạ với những gì được xem là thiếu một tinh thần xây dựng. Để làm nổi việc này mỗi người đều cần phải biết tự vượt lên chính mình, đây là chuyện nói thì dễ mà làm là khó lắm. Loanh quanh mãi vẫn chỉ là chuyện làm sao để mọi người Việt có thể thanh thản mà nhìn vào mặt nhau. Đây là chuyện không phải của một thời mà ngoảnh nhìn lại ta thấy nó là một tồn tại của nhiều thế kỷ đã qua, không ai là không thấy đau lòng, vậy mà nó vẫn cứ có. Xin phép được nói thật người Việt có rất nhiều ưu điểm nhưng chúng ta cũng đang mang sẵn trong mình, trong gien giống không ít những nhược điểm cố hữu, đó là những tính xấu nếu không biết tự nhìn ra thì khó lòng đi xa nổi. Lắm lúc tôi giật mình tự hỏi sau những cơn sốt đổi mới hôm nay, rồi tình cảnh đất nước sẽ ra sao, rồi chúng ta sẽ sống với nhau như thế nào, liệu chúng ta đang dắt nhau đi về đâu, hãy cứ thử ngồi mà phác họa một tương lai có thể.

Tiếng súng im đã lâu nhưng lòng người cơ chừng chưa yên. Ngẩng mặt kêu trời thì đến ông Trời cũng chịu. Anh Chu Phác muốn lăn vào cái công việc từ thiện này để có chút thanh thản cuối đời, nhưng càng ngày càng hiểu ra là rất khó thanh thản. Tuổi già cả nghĩ, việc đời việc nước đâu dễ đã đến lúc ăn ngon ngủ yên. Khuôn mặt anh chảy dài, ánh mắt buồn như ngày mưa ngồi dưới mái hiên lữ khách nhìn vào con đường xa ngái. Anh thấy con người ta lúc còn sống bảo nhau đã khó, đến khi chết đi rồi vẫn chưa thể bảo nổi nhau.

Lâu không gặp, thấy dạo này anh có gì hơi khang khác, vẫn hiền từ thế thôi, nhưng phong thái có chậm rãi hơn, nói năng cũng kín đáo hơn thì phải. Người phương Tây đang bàn đến cách sống chậm thời “A còng”, thiên hạ đều đang nhận chân sự tệ hại của cách sống tốc độ cao trong văn minh công nghiệp. Chỉ có anh là xem ra ngày một ung dung, anh biết tìm cái tĩnh trong cái động, biết tìm cái mấu chốt trong những ngổn ngang việc đời. Đời có bao giờ yên ắng, đời đã bao giờ đạt đến được những chuẩn mực mà người đời hằng ao ước. Ao ước mười mà được vài ba đã là rất đáng mừng rồi. Đi tìm nghệ thuật sống đã là biết, đi tìm lẽ sống ở đời mới là biết hơn.

Nhờ cậy những năng lực đặt biệt của người sống để tìm người chết chưa đủ, bây giờ lại có thể nhờ cậy những năng lực đặt biệt của người chết để tìm ra những người đang còn sống sờ sờ mà bấy lâu vẫn bị xem là đã chết.

Một ngày nọ có vị chỉ huy đã hy sinh ở mặt trận Nà Sản từ thu đông 1952 bỗng gọi anh tới mà bảo, thằng ấy nó đã chết đâu mà chú mày hỏi anh có hay gặp nó không. Nó vẫn đang sống và vẫn nhớ đến bọn mày. Hãy tìm về mạn biển, tới làng ấy, xóm ấy là sẽ gặp.

Mò mẫm mất mấy ngày rồi cũng tìm tới được xóm ấy làng ấy. Bạn anh quả thật vẫn còn, anh ấy đang ngồi khuất trong vườn chuối chẻ nan đan dậm.

Gặp lại là để ôm lấy nhau dở khóc, dở cười, là để vạch áo bạn nhìn vào tấm lưng trần mà hỏi, sao lưng mày lắm vết roi vết sẹo vậy. Bạn móm mém kể rằng, mấy vết này là mảnh cối ở trận ấy, trận nọ, còn những vết roi lằn ngang lằn dọc là của anh em mình để lại sau mấy lần chỉnh đốn tổ chức.

Bạn đứng dậy kéo anh vào nhà, giục vợ chạy quàng ra chợ mua cút rượu, dăm bìa đậu nướng, anh ấy vừa nâng cao chén rượu vừa cười vang, gặp lại nhau thế này là vui rồi, tớ chết được rồi. Nhiều năm nay ngồi ở xó vườn đan cái dậm bắt con cua, con ốc, cảnh đời lính các cậu chẳng lạ gì, vất vả lắm, vợ già nhà dột con dốt. Dẫu thế vẫn không tủi hổ bằng chuyện bị đồng đội bỏ quên, nhiều lúc nhớ đến các cậu, ngậm ngùi không thể tả. Mà ngẫm lại thì mình có làm gì nên tội, thật chẳng ra làm sao, nhiều thằng bẩn bỏ mẹ mà vẫn nhởn nhơ, trong khi chúng mình là những đứa suốt đời chỉ biết cơm nhà lờ vợ đếch sợ đứa nào.

Chưa thấy có ai bảo anh Hải Như là một nhà thơ lớn, nhưng một nhà thơ bình thường vẫn rất có thể có những bài thơ hay. Nghe chuyện các anh lại nhớ đến mấy câu thơ của Hải Như đã viết: Bác Hồ đứng người sau không bị khuất, ta đứng thường quên che lấp bạn mình. Đứng trước khó khăn Bác Hồ dạy ta cười, và do đó mà ta biết khóc, khi nghĩ xấu ta không còn đỏ mặt, ấy là khi ta bỏ mất ta rồi… Trời xanh thăm thẳm, đất mênh mang, đứng giữa trời đất càng là chuyện rất khó, thời nào cũng khó, bởi thế mới cần phải học đứng ngay từ thuở lọt lòng, phải học đứng cùng một lúc với học nói.

Gần đây ta bàn nhiều đến vấn đề hội nhập và phát triển, rồi để hội nhập phát triển lại phải nghĩ đến hòa hợp, hòa hợp trong cộng đồng dân tộc, hòa hợp với toàn nhân loại. Thật rất hay. Đây quả là một yêu cầu không thể né tránh đang gõ cửa toàn xã hội, trên mọi lĩnh vực đời sống. Thực tiễn với sức mạnh không biết khoan nhượng của nó đang đòi hỏi hết thảy phải đổi mới và phải vận động, không loanh quanh.

Trong bối cảnh đó tất nhiên văn học nghệ thuật cũng không thể ngồi yên. Đã thấy có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc này. Sự thực vấn đề đổi mới, để tự làm đẹp mình hơn nữa, để tác phẩm của mình có hộ chiếu đi vào đời sống dân tộc và đi ra nhân loại rộng lớn bao giờ cũng đặt ra cho mỗi nhà văn, mỗi nghệ sĩ như một tiêu chuẩn hàng đầu, như một điều kiện mang ý nghĩa tồn tại hay không tồn tại trong sáng tạo.

Ở đây hình như còn có một cái gì mang tính khu biệt so với các lĩnh vực khác, từ buổi con người biết làm văn học nghệ thuật thì yêu cầu đổi mới đã được đặt ra một cách thường trực như một thuộc tính của lao động này, bản thân nó lúc nào cũng cần phải mới. Bởi vậy nếu nhìn kỹ thì thật ra yêu cầu ấy cũng đã là rất bình thường. Văn học nghệ thuật cho đến mãi mãi về sau này vẫn thế, vấn đề phải có tác phẩm xuất sắc, có sức hấp dẫn đông đảo bạn đọc gần xa luôn luôn là một điều kiện không thể thiếu để nó có đủ tầm vóc đóng góp vào công cuộc không ngừng đổi mới đất nước.

Tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam đầu tiên được dịch qua tiếng Pháp từ cuối thế kỷ 19 là áng văn xuôi Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Vì trong chữ Pháp không có dấu “ư” cho nên có lúc đã có người nghĩ rằng đó là sách của Nguyễn Du được chọn dịch. Nguyễn Dữ với Truyền kỳ mạn lục cũng rất xứng đáng để nhân loại biết tới, nhưng bảo đấy là một tác giả tiêu biểu vào bậc nhất thì chưa phải, cho nên cũng chưa thể vội vàng cứ thấy cuốn sách nào được dịch ra nước ngoài là đã bảo đấy là tác phẩm tuyệt vời nhất. Ngọc quý thường phải nằm trong bóng tối của các két các tủ ở những ngôi nhà ta vẫn hay đi qua nhưng ít khi có dịp bước vào cổng nhà họ. Sinh thời nếu ông Lỗ Tấn mà sớm được dịch thì độc giả phương Tây chắc chắn sẽ nhìn nhận văn học hiện đại Trung Quốc không phải quá thiếu người tài. Nghĩ cho cùng mọi giải thưởng ở đời, kể cả giải Nobel cũng chỉ nên nhìn nó trong một khuôn khổ rất tương đối mà thôi. Công chúng đáng tin cậy nhất sau cùng vẫn là công chúng ở quê nhà tác giả. Đã không đủ sức chinh phục những người đang sống quanh mình thì mong gì thiên hạ biết đến. Sự hão huyền rất dễ thành một căn bệnh khó chữa. Những khát khao nông nổi hết sức tội nghiệp khó lòng giúp được gì trong công việc này. Con đường đi đến những tác phẩm có biên độ ảnh hưởng rộng thường bao giờ cũng được chính nhân dân mình thẩm định công bằng cùng thời gian, những tác phẩm mang đậm dấu ấn dân tộc, đậm đà hồn cốt dân tộc lại chính là những tác phẩm dễ được nhân loại trân trọng. Cho nên ở đây vấn đề sống còn chính là bản lĩnh của mỗi người cầm bút, là tính cách riêng, bút pháp riêng và cách nhìn, cách nghĩ cũng phải riêng, không thể đua đòi, không thể theo thời, càng không thể đánh mất mình.

Có một lần mấy anh em chúng tôi đã được gặp ông Võ Văn Kiệt tại Nhà khách của Chính phủ đặt ở thành phố Hồ Chí Minh, trong bữa cơm thân mật hôm ấy ông đã nói một ý khiến tôi nhớ mãi, làm sao hòa nhập mà không hòa tan. Tôi hiểu đấy là những lo âu lớn, có thể tìm thấy trong đó có một sự ngập ngừng trí giả. Xưa Khổng Tử có nói, quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa. Người quân tử có phẩm cách riêng, luôn giữ được hòa thuận với xung quanh mà vẫn cứ là mình, kẻ tiểu nhân thì cùng một giuộc ấy vậy mà lại khó hòa hợp, quen lục đục, quen mưu mẹo. Và nhà văn cũng không thể thiếu những nhạy cảm mà nhà chính trị đang nhạy cảm. Làm gì thì cũng cần phải có cốt cách riêng, điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến sự nghiệp chung cả, trái lại nó còn làm đẹp thêm cho sự nghiệp ấy. Lúc chia tay tôi đã nói, vấn đề anh đang quan tâm lại cũng đúng với tình hình văn nghệ. Thôi thì cứ ý tứ ấy mà sống mà làm, cái mừng nhất là những năm anh công tác ở Hà Nội nhân dân đã nhìn vào và tôi không thấy có ai oán anh, họ yêu anh, đấy mới thực là phần thưởng cao nhất. Và chúng tôi sau một đời cầm bút của mình thực tình cũng chỉ mong có vậy.

Ở trên đã nói, ta không thiếu những nhà ngoại cảm cừ khôi, những ông đồng bà cốt có khả năng đặc biệt, thật hết sức đáng khâm phục, nhưng giá mà các vị tu luyện thêm thế nào để có thể gọi được cả hồn cho người đang sống, chẳng hạn như hồn anh chị em văn nghệ lúc này, thì thế mới thật là phúc đức. Hồn tôi, hồn bạn bè tôi rất nhiều lúc vẩn vẩn vơ vơ, nhiều lúc nó cứ lang thang vô định thế nào, khiến vợ con thường than thở, ông ấy nhà tôi trông ngu ngơ như kẻ mất hồn.

Đ.C

 

Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 163 tháng 04/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground