Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Khi văn chương được xem là hàng hóa

1

. Đánh giá thành tựu văn học, nghệ thuật trong 10 năm qua, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị có đoạn viết: “Đã hình thành một thị trường hàng hoá và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật; đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng ra nước ngoài, góp phần khẳng định nước ta là địa chỉ giao lưu văn hoá quốc tế trong thời kỳ mới”(1). Nếu tôi không nhầm thì đây là lần đầu tiên trong một văn bản chính thức của Đảng thừa nhận “sản phẩm văn học, nghệ thuật” là hàng hoá. Đó là một trong những nét rất mới, thể hiện tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật. Sẽ trở thành hàng hoá khi có người bán và người mua, có giá cả và giá trị, có kinh doanh và giá trị thặng dư, có đầu vào và đầu ra, có cả cạnh tranh với đủ ngón nghề tinh vi. Thật ra, văn chương và nghệ thuật, đã trở thành hàng hoá rồi, từ cái thuở Tản Đà phải kêu lên “Văn chương hạ giá rẻ như bèo” cho đến thời kỳ bao cấp cho dù “mua như cướp, bán như cho” thì vào nhà hát, rạp chiếu phim vẫn phải mua vé, tại bìa 4 mỗi cuốn sách vẫn ghi rõ giá bán. Sự thật là như thế, nhưng trong một thời gian rất dài chúng ta né tránh, sợ gọi văn chương là hàng hoá thì làm giảm cái chức năng cao quý của nó đi. Và sợ nữa là sợ sai quan điểm, sẽ bị phê phán, quy kết này nọ...Nhưng mặc mọi sự sợ hãi, né tránh, thị trường vẫn là thị trường, và các quy luật giá trị vẫn cứ vẫy vùng trong một chiếc áo dù đã bị cố tình làm cho nhỏ lại.

Là hàng hoá thì nó phải sống đủ thân phận của hàng hoá. Nghĩa là, cuối cùng thì người mua quyết định tất cả. Và thế là, lúc sáng tác nhà văn hăm hở, tự tin, say đắm tức là chủ động còn khi cái tài năng, tâm huyết đã được vật hoá, họ bị đẩy lùi phía sau cuốn sách, cam chịu và chờ đợi sự phán quyết của “thượng đế” đối với đứa con tinh thần của mình. Vì vậy, với cách nhìn thoáng rộng, chúng ta thừa nhận văn chương là hàng hoá. Nhưng dù có là hàng hoá nó cũng không biến thành thứ vật dụng, tiện nghi thông th­êng. Nên gọi văn chương là hàng hoá đặc biệt chăng? Hàng hoá đặc biệt thì thị trường cũng đặc biệt.

2. Có hàng hoá thì có thị trường. Văn chương đã trở thành hàng hoá thì có chợ văn chương. Trong cái chợ ấy nhu cầu luôn luôn tươi sống.

Bản năng được cắm hoa. Sở thích là ông chủ. Nhà văn chỉ còn là nửa vầng trăng của quy luật cung cầu. Đồng thời với việc anh tác động vào nửa kia thì anh cũng bị nửa kia tác động lại. Một bước của tha hoá. Phiên chợ ồn ào hoá ra một dòng thác thử thách bản lĩnh. Có người vui vΠđể cho cơn lũ cuốn đi. Không ít người bướng không chịu đánh mất mình. Thị hiếu được vuốt ve. Bánh lái của thị trường bắt đầu hoạt động. Sex ư? Bạo lực, gala cười rẻ tiền ư? Ám chỉ chửi bới ư? Có cầu thì có cung. Thị hiếu luôn luôn biết cách tự bào chữa.

Câu chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn và dễ hiểu hơn nếu chỉ có cuộc đối thoại tay đôi giữa người viết và người đọc. Mối quan hệ tinh khiết này bị phá vỡ bởi sự xuất hiện của nhân vật thứ ba - các nhà kinh doanh. Giữa chữ hay và chữ dở có thêm một chữ lợi. Hãy cẩn thận với chữ lợi này. Nó hiền lành và hung dữ, vô cảm và ranh ma, ngọt ngào và cay đắng. Và ở đâu, lúc nào nó cũng vô cùng thực dụng. Một tình thế mới xuất hiện: thật giả, trắng đen, tốt xấu lẫn lộn. Bản chất của thị trường là nhất thời. Hồn cốt của văn chương là bền vững. Cuộc xung đột không dễ hoà giải. Có những cuốn sách được vồ vập một lúc rồi chìm lặng chỏng trơ. Có những cuốn sách hôm nay bị hờ hững, ghẻ lạnh nhưng lại được đời sau tôn vinh, sủng ái. Vậy chân lý là ở đâu. Nhà văn chi phối thị trường hay ngược lại? Theo tôi là cả hai. Nhưng cái quyết định là bản lĩnh của các nhà sáng tạo.

3. Vậy cái thị trường mà chúng tôi muốn bàn đến hôm nay là thị trường nào. Hội nhập rồi. Vào WTO rồi, ta đang đi vận động để thế giới công nhận Việt Nam có thị trường đầy đủ. Thị trường đầy đủ là thị trường như thế nào? Người Mỹ, người Anh, người Pháp công nhận ta có thị trường đầy đủ đương nhiên là theo tiêu chuẩn của họ, phải là thị trường tự do với sự tác động dữ dội của các quy luật của chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó, ta nói vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy thị trường đầu tư và thị trường định hướng xã hội khác nhau như thế nào?

Trên lý thuyết, chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân. Ngoài một số nhà xuất bản khá giả nhờ được hỗ trợ đầu vào hoặc bao tiêu sản phẩm đầu ra, còn nhiều nhà xuất bản đang lâm vào tình trạng khó khăn. Khó khăn nhưng vẫn sống được vì có các nhà sách. Các nhà sách này đang đóng vai trò cấp vốn, thao túng các nhà xuất bản, dưới danh nghĩa liên kết. Họ là tư nhân, đại diện cho người đọc, sứ giả của thị hiếu. Sách tốt mà không bán được thì họ cũng không in. Và ngược lại. Muốn định hướng thì ngoài luật pháp, chúng ta phải tìm cách tác động vào vốn của cả xuất bản và báo chí. Là nhà cấp vốn, sự định hướng sẽ hùng hồn hơn nhiều, hiệu quả hơn nhiều.

4. Dịch vụ là một khâu quan trọng của thị trường. Hãy chú ý đến vai trò của phát hành và quảng cáo. Phát hành của chúng ta chưa tốt. Có những cuốn sách chiết khấu 46% phát hành phí. Lưu thông phân phối lấn át nhà sản xuất. Thật nghịch lý. Trong thị trường văn chương, chỉ nhà văn mới duy nhất là nhà sản xuất. Phát hành, quảng cáo đều là dịch vụ. Một chiếc chăn bị kéo cho dịch vụ quá nhiều thì nhà văn phải chịu rét.

Ở Mỹ có một dịch vụ hỗ trợ các nhà văn. Bên cạnh Hội các nhà văn Mỹ gần 2.000 người, còn có Hội những người bảo hộ các nhà văn cũng với số lượng tương đương. Có nhà văn tham gia cả hai Hội, nhưng chủ yếu Hội bảo trợ (tạm gọi là thế) là những luật sư. Khi nhà văn viết xong một cuốn sách, anh ta nhấc máy điện thoại lên, ít phút sau sẽ có người của Hội bảo hộ xuất hiện. Nhà văn muốn in sách ở đâu, khổ sách, bìa sách thế nào, lấy bao nhiều phần trăm giá bìa cứ nói hết với người bảo hộ. Người bảo hộ đi tìm nhà xuất bản thoả mãn yêu cầu của nhà văn và họ thay mặt nhà văn ký các hợp đồng. Đương nhiên, quá trình thương thuyết sẽ diễn ra nhiều lần, cả nhà văn và nhà xuất bản đều phải điều chỉnh ham muốn lợi ích, cho đến lúc hai bên đều có thể chấp nhận được. Người bảo hộ không được các nhà xuất bản trả tiền. Anh ta lấy từ 10 - 12% hoa hồng từ khoản nhuận bút của nhà văn. Nhuận bút càng nhiều, hoa hồng càng lớn, do vậy các nhà bảo hộ luôn đứng về phía nhà văn.

5. Phê bình văn học có vai trò quan trọng trong hoạt động thẩm định giá trị và hướng dẫn dư luận. Nhà phê bình chân chính là hiện thân của ba đại điện: đại diện cho khát vọng sáng tạo của nhà văn, đại diện cho bạn đọc và đại diện cho chính nhà phê bình. Ba trong một. Và rất khó. Khó nhất là con mắt tinh đời. Và khó không kém là đụng chạm. Đó là những cái khó cao quý. Còn có cái khó tầm thường là phê bình tiếp thị. Gây ra các sự cố, các vụ “xì căng đan, kích thích tính tò mò của bạn đọc để bán sách là những ngón nghề của nghệ thuật tiếp thị. Có trường hợp sách bị ế, nhà văn tìm đến nhà phê bình, nhờ “đánh” cho một bài. Nể bạn, ừ thì “đánh”. Nghe nói sách bị “đánh” chắc phải có cái gì ghê gớm lắm, người ta xô nhau đi mua.

6. Thừa nhận văn chương là hàng hoá, vậy còn tiếp tục chống “thương mại hoá văn chương” nữa không? Theo tôi là còn. Không những còn mà phải chống mạnh nữa kia. Bởi, thương mại hoá là chạy theo tiền, là chiều nịnh thị hiếu thấp kém, lấy mục đích thương mại là chính, hạ thấp thiên chức cao quý của văn học. Cùng con đường đi đến bạn đọc có sáng tạo và có làm hàng. Văn chương dù có là hàng hoá vẫn phải là văn chương. Đa số nhà văn, đời sống khó khăn thật đấy, “Cơm áo không đùa với khách thơ” thật đấy, nhưng gan góc bám trụ, “không lùi một phân” trước sức ép của cơ chế thị trường. Nhưng có một sự thật đau lòng, dù nhà văn có giàu mơ mộng đến đâu cũng không thể không thấy một sự thật: thị trường sách văn học ngày càng bị thu hẹp đến hãi hùng. Tấm da lừa bị xé đến mức không thể tưởng tượng nổi. Ở Đan Mạch, một cuốn tiểu thuyết in lần đầu ít nhất là 5.000 bản với dân số 5 triệu người. Còn ở Việt Nam, ngay cả những nhà văn nổi tiếng, cao nhất, sách của họ cũng chỉ in được 1.000 bản. 1.000 bản cho số dân hơn 80 triệu người. Lòng tự hào về dân ta ham đọc sách còn không?

Phải cứu lấy thói quen đọc sách của nhân dân ta, trước hết là các nhà văn. Với nhà văn có sách hay là có tất cả. Không thoả hiệp, không nhượng bộ với những lời chào mời hấp dẫn của thị trường, rất quý. Nhưng cuối cùng phải có sách hay. Đó là cách tốt nhất để nhà văn cứu mình và sau đó cứu thị trường văn học.

Phải cứu lấy thói quen đọc sách của nhân dân ta. Bằng cách nào? Trước hết là phải củng cố lại hệ thống thư viện của bốn cấp hành chính, của các đơn vị, cơ quan, tổ chức. Lâu nay, chính sách về nhuận bút ban hành nhưng không thực hiện được, trở thành chính sách treo. Bởi vấn đề đầu tiên đối với các cơ quan xuất bản, báo chí là tiền đâu? Không có tiền, lòng tốt biến thành con chim cụt cánh. Ta hay nói giải pháp đồng bộ. Hoàn toàn đúng. Nhưng hãy làm một mũi đột phá: cũng cố hệ thống thư viện. Làm được bước đột phá này, tạo ra một thế mới để vừa thúc đẩy vừa kiểm soát thị trường văn học.

Phải cứu lấy thói quen đọc sách của con cháu chúng ta, bắt đầu từ trong nhà trường. Nếu các giáo viên còn để học sinh sợ văn, coi các giờ học văn là ác mộng thì đó là một đại thảm hoạ. Thị trường văn chương đang được nuôi dưỡng và hình thành trên ghế nhà trường, mà người kiến trúc sư không ai khác là các nhà giáo.

Tất cả đã chậm quá rồi. Không thể chậm hơn được nữa.

   H.T

 

 

     (1).Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Nghị quyết của Bộ chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Sđd, tr.6.

      (*) Rút trong tập “Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập”. Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - tháng 7/2009.”

 

Hữu Thỉnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 180 tháng 09/2009

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

4 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground