Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một kho báu trong gia tài phi vật thể Quảng Trị

I- Lần theo dấu vết cội nguồn:

Nhìn một cách tổng thể thì gia sản của văn hóa vùng đất Quảng Trị (cả vật thể và phi vật thể) hầu như đủ đầy vốn liếng không thua kém bất cứ vùng đất nào. Trong tay chúng ta, những gì đã sưu tầm được từ những văn hóa tiền sơ sử, văn hóa Sa huỳnh, văn hóa Chăm.v.v...cái gì cũng có. Điều đó nói lên rằng, gia đình dân tộc Việt Nam từ xa xưa đã sẵn có sự giao hòa, đã mang sẵn khát vọng hội tụ và rằng người Quảng Trị từ tổ tiên, cụ kỵ đến nay, bao giờ cũng cởi mở, chan hòa, rất xa lạ với tư tưởng khép kín, bảo thủ... Nhưng cũng như con người ta sống trên đời, mỗi người có riêng một thế mạnh. Thế mạnh không phải là cái duy nhất, nhưng là cái mà con người ấy, mảnh đất ấy dám đặt ra trước bàn dân thiên hạ để chứng tỏ mình. Trong văn hóa, thế mạnh chính là bản ngã.

Thế mạnh về văn hóa, có khi, có nơi là do trời ban. Trời nói ở đây chính là sự ngẫu nhiên của lịch sử trong cái thế tất nhiên của địa chính trị và địa lịch sử. "Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa..." Nhà thơ lớn đã nói vậy nhiều lần.

Chúng ta hãy sơ bộ lược qua xem lịch sử chọn mảnh đất Quảng Trị làm điểm tựa như thế nào? Vũ trụ sinh ra đất đai và sinh ra con người để mà sống mà khai phá và làm nên những giá trị văn hóa trường cữu cho trái đất. Ấy là lẽ công bằng đầu tiên của tạo hóa. Mảnh đất Quảng Trị được sinh ra như thế. Và những tộc người trên đất Quảng Trị như Môn-khơ me (Tổ ông của Vân Kiều, Pacô), những nhóm người thuộc ngữ hệ Mã lai Đa đảo (Malyo - Posinesiau) vốn cũng được sinh ra, quần tụ nơi đây như thế... Họ là chủ nhân của gia tài văn hóa Quảng Trị thuở ban đầu. Nhưng lịch sử lại không êm ả, phẳng lặng như thế. Lịch sử cứ thích nơi đây làm điểm đối đầu, những cuộc đối đầu tàn khốc kéo dài hàng trăm năm.

Cuộc đối đầu được coi là lần thứ nhất diễn ra trên mảnh đất này từ sau khi vương quốc Chăm đã xác lập được quyền uy từ nam đèo Hải Vân trở vào, cùng với khát vọng bành trướng, đã tiến quân ra phía Bắc và biến Quảng Trị thành địa bàn tranh chấp triền miên của cuộc chiến Hoa - Chăm. Những cuộc Nam phạt của Đại Việt thời Lý, những cuộc đối đầu của nhà Trần, cho dù có khi chiến tranh đã chuyển dạng thành thế cuộc ngoại giao đẫm màu lãng mạn với cuộc tình đầy bi ai và huyền thoại của Huyền Trân công chúa, nhưng trên bàn cờ chiến lược thì Quảng Trị vẫn là vùng ngã giá, tranh chấp trường kỳ.

Cuộc đối đầu thứ hai được kể từ khi Nguyễn Hoàng chạy trốn khỏi kinh thành, lập kế kháng chiến tại Ái Tử, Quảng Trị, ngoảnh mặt ra Bắc mà thề sống mái một mất một còn. Cuộc chinh chiến Trịnh – Nguyễn ròng rã trên 200 năm, tuy giới tuyến ở sông Gianh, nhưng Quảng Trị được coi là phòng tuyến phía Nam, là bãi chiến trường, một thứ "vành đai trắng" như kiểu đế quốc Mỹ đã làm ở bờ nam Hiền Lương - Bến Hải sau này.

Cuộc đối đầu thứ ba xảy ra vào thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai khi Việt Nam phải giáp mặt với hai tên đế quốc khổng lồ của loài người là Pháp và Mỹ ở hai cung đoạn của lịch sử cận đại và hiện đại. Tạo hóa sinh ra Quảng Trị là một rẻo đất eo thắt nhất giữa khúc ruột miền Trung. Với một địa lý hiểm nghèo như vậy, kẻ thù coi đây như là "tử huyệt", có thể bóp một cái chết ngay. Bởi vậy mà kể cả thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ, muốn thôn tính toàn bộ đất này, muốn cắt đứt, chia nhỏ thế trận thống nhất của đôi miền Nam-Bắc Việt Nam thì nhát gươm chí mạnh phải chém xuống Quảng Trị. Rồi cuộc chiến với thực dân Pháp kết thúc với sức lực của hai bên chưa thể hoàn toàn xóa bỏ được nhau, lịch sử lại chọn Quảng Trị làm nơi chia đôi thế lực. Thế là có một dòng sông của Quảng Trị với đôi bờ đất hiền dịu vốn có của thế gian lại trở đôi bờ chiến tuyến, trở thành một cuộc đối đầu khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người...

Nếu lấy tròn số thì từ thế kỷ thứ II, điểm bắt đầu của những cuộc Bắc tiến của nhà nước Chăm đến cuối thế kỷ XX, kết thúc cuộc chiến của đế quốc Mỹ, Quảng Trị có thừa 18 thế kỷ chiến tranh Nếu chọn riêng ra ba cuộc đối đầu như đã kể ở trên thì cũng suýt soát 500 năm tàn khốc, bão lửa, nhưng mà có lẽ không có cuộc chiến nào, không có sự đối đầu nào tàn bạo hơn, bi hùng hơn, khủng khiếp hơn cuộc đối đầu thứ ba ở cuối thế kỷ XX với hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Cuộc đối đầu lịch sử đó đã tạo nên một thời đại mới: Thời đại Hồ Chí Minh, một Việt Nam mới – Việt Nam Độc lập – Tự do và Chủ nghĩa xã hội. Một nghìn tám trăm năm chiến tranh ly biệt triền miên, năm trăm năm đối đầu tàn khốc đã để lại cho mảnh đất Quảng Trị nhỏ bé này một sự hủy diệt, xác xơ nghèo đói đến tột cùng, nhưng cũng để lại một nhân cách sống, một bản lĩnh tồn tại gan lì đến kinh ngạc. Đó là: Còn da thì lông mọc, còn chồi thì nảy cây...

Bởi vậy, tôi cho rằng, cái di sản văn hóa của Quảng Trị, cái thế mạnh đến choáng người mà chúng ta dám đặt ra trước bàn dân thiên hạ là toàn bộ sức mạnh của văn hóa chiến tranh và cách mạng, là tính cách con người Quảng Trị được hun đúc, rèn dũa, qua mười tám thế kỷ chiến tranh. Cuộc đối đầu thần thoại nhất của Quảng Trị chính là sự đối đầu giữa hủy diệt và sức sống con người.

Như đã nói phần trên, trong ba cuộc đối đầu trong lịch sử thì cuộc đối đầu thứ ba trong giai đoạn cận, hiện đại được coi là khốc liệt nhất, bi hùng nhất, rực rỡ huy hoàng nhất. Cái còn lại trên mảnh đất này là những di họa chiến tranh vô cùng nặng nề, chua xót. Cái còn lại cũng là những trang sử chói ngời, rực rỡ vang vọng bốn biển năm châu. Nhìn ở góc độ văn hóa, gia tài có được qua hai cuộc chiến tranh cách mạng cũng là to lớn nhất, có giá trị bất hủ nhất.

Bấy lâu nay, chúng ta đã nhìn thấy kho báu khổng lồ này nhưng công bằng mà nói, có lẽ cái nhìn chúng ta hơi lệch về phía vật thể văn hóa! Đảng, Nhà nước, nhân dân, trong sự nỗ lực cố gắng hết sức mình đã từng bước phục hồi, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, nhất là các di tích lớn, trọng điểm. Nhưng có phải chăng, chúng ta chưa có dịp nhìn thật sâu, thật hiểu kỹ cái kho báu phi vật thể của giai đoạn lịch sử này để lại, nó cũng sừng sững, khổng lồ không kém gì mấy di tích kia. Mà thực ra khái niệm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể không phải lúc nào cũng được phân định một cách sòng phẳng rạch ròi. Một vật thể có tính văn hóa, có giá trị là di sản văn hóa thì trong lòng nó bắt buộc phải hàm chứa giá trị văn hóa phi vật thể. Không có giá trị phi vật thể thì cái vật thể kia dù có to lớn đến mấy cũng chẳng có ý nghĩa gì, nghĩa là không còn văn hóa. Nhìn vào những vật thể hiện hữu, người đời phải đọc được, giải mã được những phẩm chất văn hóa của con người, của cộng đồng người đã tạo dựng ra nó. Đó là triết lý sống, đạo đức sống, thẩm mỹ sống và trình độ sống. Những đáp số đó chính là giá trị phi vật thể. Nhìn vào ba tầng sâu của địa đạo Vịnh Mốc, hay sự đổ nát đến kinh hoàng của 81 ngày đêm Thành Cổ, ta hiểu được thế nào là sự bất tử, ta nghe rung động sâu hơn câu ca: Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây...ta thấm thía đến diết da câu ca dao kháng chiến: "Nhà tan cửa nát cũng ừ, chiến thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau...". Nhìn vào quang cảnh của đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, không phải là ta nhìn thấy sự bất lực trong nỗi đau chia cắt, mà ngược lại, lòng ta bỗng trào dâng khát vọng thống nhất non sông, bỗng chan chứa tình cảm đoàn tụ dân tộc...vân vân và vân vân...

Như đã nói ở trên, bấy lâu nay, chúng ta đã làm được nhiều việc để tôn tạo, giữ gìn vốn liếng, gia tài văn hóa vật thể. Chúng ta đã làm được một số việc rất có ích trong nhiệm vụ sưu tầm bảo lưu các giá trị văn hóa phi vật thể nói chung như: Lễ hội, dân ca nhạc cổ, văn học dân gian... Nhưng có lẽ lần này, chúng tôi nhận thức lại, khi phân tích về thế mạnh của tiềm năng văn hóa Quảng Trị, khi thấy rằng cái mà mình có thể đặt ngay ra hàng trước bàn dân thiên hạ chính là kho báu của những di sản văn hóa chiến tranh và cách mạng, thì bên cạnh cho việc dồn sức cho các công trình tôn tạo di tích, chúng tôi thấy cần kíp phải có một công trình dành riêng cho sưu tầm, nghiên cứu kho tàng văn thơ dân gian, văn thơ đại chúng của Quảng Trị trong hai cuộc kháng chiến cách mạng.

II- Sự xác lập một thể loại: Thơ ca dân gian – Đại chúng:

Bấy lâu nay, trong công tác nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hóa phi vật thể nói chung, trong văn học nghệ thuật, lễ hội nói riêng chúng ta quen dùng một khái niệm gọi là Dân gian: Xác định thể loại dân gian (trong văn học hay trong nghệ thuật) là để phân biệt một cách tương đối với hai khái niệm khác: Văn học - nghệ thuật bác học và văn học – nghệ thuật cổ điển. Dân gian phân biệt với bác học ở chỗ, đây là những sáng tạo tồn tại trong quần chúng nhân dân và nhìn về tổng thể nó chưa đạt tới những trình độ mẫu mực, chưa đầu tư xây dựng thành những sáng tạo có đỉnh cao. Dân gian phân biệt với cổ điển ở chỗ tính phóng khoáng, tùy hứng của người sáng tạo không bị trói bởi những khuôn mẫu nghiêm ngặt cả về đề tài, nội dung lẫn hình thức thể hiện.

            Từ ngày Đảng ta ra đời đảm nhận va trò lịch sử là lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, sự định hướng phát triển của văn học nghệ thuật dân tộc cũng bắt đầu nhập cuộc mạnh mẽ với trào lưu cách mạng. Trong xu thế chung đó, một khái niệm mới về văn nghệ đã xuất hiện: Nghệ thuật đại chúng. Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng, sự định hướng đầu tiên của Đảng ta đối với sự nghiệp văn hóa văn nghệ cách mạng là: Dân tộc - Khoa học -Đại chúng. Tổng kết một chặng đường phát triển Văn hóa Việt Nam thế kỷ XX, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với tư cách Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin đã khái quát năm bước chuyển đổi quan trọng.

- Sự chuyển hóa từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến CNXH bằng sự tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Sự chuyển mình từ nền văn hóa cổ truyền phương Đông thành nền văn hóa hiện đại.

- Sự phát triển nhân tố “đại chúng” trong văn hóa Việt Nam

- Nền văn hóa mới Việt Nam đã xử lý được những vấn đề dân tộc trên một trình độ mới.

- Văn hóa trở thành nội lực của sự phát triển…(1)

Đến đây, chúng tôi thấy cần thiết phải dừng lại một chút xung quanh khái niệm Đại chúng, nó có gì khác khái niệm Dân gian, có thay thế nhau được không, và nếu dùng hai khái niệm này thành một cặp như cách chúng tôi đang thể hiện trong công trình sưu tầm này có phù hợp không? Cũng cần nói trước là, chúng tôi tuyệt nhiên không có ý đi sâu để bàn về một vấn đề học thuật. Nhưng vì đây là một thực tiễn hiển nhiên, nếu không xác định được nó cũng tức là không nhận diện đúng những gì đã có trong gia tài của giai đoạn văn học này. Thực ra thoạt đầu khi lập kế hoạch cho việc sưu tầm thơ ca, trong hai cuộc kháng chiến ở Quảng Trị, chúng tôi đã đặt tên là văn học dân gian. Đến khi cầm được trong tay những gì đã sưu tầm, chúng tôi lại thấy khái niệm dân gian dùng ở đây chưa ổn. Và rõ ràng nhân tố đại chúng đã hình thành, lớn mạnh cùng với sự phát triển của cách mạng và kháng chiến.

Để tạm thời định nghĩa (và chắc là cũng rất tương đối) khái niệm đại chúng, chúng tôi xin được đối chiếu nó với hai khái niệm đã có và rất gần với nó. Đó là: Dân gian và bác học.

Có thể hiểu một cách giản dị thế này. Đại chúng giống dân gian ở chủ thể sáng tạo (tức là tác giả), đó là sản phẩm của đa số người lao động, nó không phải là thứ đặc thù dành riêng cho những người nghệ sỹ, văn sỹ chuyên nghiệp. Vì vậy mà sản phẩm của đại chúng về tổng thể là của phong trào, đáp ứng cho phong trào, chưa thể trở thành kinh điển. (Xin được nhắc lại là nhìn một cách tổng thể, chứ thực ra, giá trị bất hủ của một tác phẩm không phải lúc nào cũng được sinh ra ở giới bác học. Một câu ca dao cũng có thể trở thành viên ngọc vô giá). Nhưng giữa Dân gian và Đại chúng vẫn có chỗ không đồng nhất nhau. Nếu sáng tác dân gian là sự tùy hứng của người lao động, thì những tác phẩm của đội ngũ đại chúng là những trào lưu sáng tác có tổ chức, có định hướng, có mục đích: Mục đích đó chính là những cuộc vận động cách mạng.

Những tác phẩm dân gian về cơ bản là không xác định được tác giả. Thực  ra, theo chúng tôi, bất kỳ một sáng tác nào, bắt đầu cũng có một tác giả cụ thể. Thậm chí có khi tác giả đó là một nhà văn kinh điển. Ai dám bảo trong hàng ngàn câu ru, câu ví xứ Nghệ Tĩnh lại không có những sáng tác đích thực của Nguyễn Du. Nhưng vì những tác giả đó, khi sáng tác những câu ca dao, câu ru đó là sáng tác tùy hứng trong môi trường sinh hoạt dân gian, và chính họ đã tình nguyện trả nó về cho cộng đồng, cho dân gian, họ không lưu giữ thành bản quyền riêng của mình. Và khi những tác phẩm đó đã thuộc về dân gian, nó trôi nổi trong dân gian từ đời này sang đời khác, nó được đẽo gọt, thêm bớt tùy thích, tùy cảnh, tùy tâm. Nhưng những tác phẩm thuộc về khái niệm “đại chúng” thì có khác. Nó có tác giả (là những người không chuyên nghiệp). Nó được sáng tác, lưu giữ cả trong dân gian và cả trong ấn phẩm của Nhà nước. Nó được tổ chức phổ biến ở cấp độ phong trào. Có khi nhờ sự truyền tụng đó nó trở thành kinh điển, tác giả của nó trở thành nổi tiếng. Chúng ta đã biết trường hợp bài hát “Vì nhân dân quên mình” được ra đời theo kiểu đó.

Cách đây mười năm, tại Quảng Trị, chúng tôi đã tiến hành công trình sưu tầm văn học dân gian. Công trình đó đã được tập hợp được hàng nghìn câu ru, câu hát, câu hò, vè của dân gian truyền miệng nói về muôn vẻ đời sống của con người: Tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình, tình nghĩa làng xóm, cuộc sống lao động.v.v… Công trình này cả về cách làm, cả về kết quả giống như tất cả các công trình sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian của cả nước từ trước tới nay. Dĩ nhiên trong tập sưu tầm đó, có cả những câu ru, câu hò có nội dung về hai cuộc kháng chiến, cách mạng. Ví như câu ca:

Hiền Lương một lạch hai dòng

Người tuy bến nớ mà lòng bên ni

Hay:

Nhà tan cửa nát cũng ừ

Đánh tan giặc Mỹ, cực chừ, sướng sau

Chúng tôi cho là những câu như vây có thể được sáng tác từ một cán bộ tuyên truyền nào đó, một cán bộ binh vận nào đó, nhưng bây giờ nó đã thuộc về dân gian.

Nhưng đến hôm nay, khi công việc sưu tầm của chúng tôi chuyên sâu về đề tài hai cuộc kháng chiến: thì mặc nhiên chúng tôi bắt gặp, một kho tàng tác phẩm với một đội ngũ sáng tác phong trào cực kỳ to lớn, họ được tổ chức thành những lực lượng đông đảo để phục vụ những nhiệm vụ lớn, giai đoạn lớn, chiến dịch lớn. Đương nhiên, không phải chỉ có lực lượng ấy làm nên toàn bộ kho tàng văn thơ kháng chiến. Vẫn còn nhiều những câu ru, bài hát tự phát của lòng người, vẫn có nhiều những sáng tác có tên hoặc không có tên tác giả, nhưng đầy đủ tố chất nghệ nhân, tự sáng tạo, tự giải bày, tự hưởng thụ.

Đấy là đặc điểm rất mới, rất đặc biệt của kho tàng văn học của quần chúng lao động trong một thời điểm mà tuyệt đại bộ phận quần chúng được Đảng tổ chức, Đảng lãnh đạo, Đảng định hướng cuộc sống và hành động vào mục đích chính là cách mạng và kháng chiến. Thực tế đó cho chúng tôi một khái niệm hợp thành giữa Dân gian và Đại chúng trong nhìn nhận khuôn mặt của di sản văn học giai đoạn này.

     X.Đ

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 89 tháng 02/2002

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

18 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground