Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phụ nữ và đề tài chiến tranh

Đ

ề tài chiến tranh trở thành đề tài trung tâm của văn học, đặc biệt ở giai đoạn 1945 - 1975. Trong giai đoạn này, tác phẩm viết về chiến tranh chiếm vị trí quan trọng, góp phần xác định đặc điểm, diện mạo và thành tựu văn học. Có thể kể ra hàng loạt những tên tuổi gắn liền với mảng đề tài trung tâm này, nhưng sự đóng góp của nhà văn nữ vẫn còn mờ nhạt.

Từ 1975 đến nay, chiến tranh đã từng bước lùi xa nhưng đề tài chiến tranh vẫn còn sức thu hút. Văn xuôi ở giai đoạn mới đã gặt hái được nhiều thành quả, với một cách viết đa chiều về chiến tranh. Văn xuôi đề tài chiến tranh đã bước vào một quỹ đạo mới với sự kế thừa và cách tân đáng kể. Một loạt tác phẩm ra đời làm phong phú thêm mảng đề tài này, trong đó đặc biệt có sự xuất hiện và đóng góp của các cây bút nữa ở vùng đất Quảng Trị. Tác phẩm của Lê Thị Mây, Trần Thanh Hà, Hàn Nguyệt… đã thể hiện nét riêng của một miền đất trong và sau chiến tranh.

Quảng Trị là mảnh đất có quá nhiều bầm dập trong chiến tranh. Trong suốt chặng đường ba mươi năm, không nơi nào trên đất nướ phải chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn như ở dải đất hẹp này. Âm ỉ trong lòng đất, trong lòng người dấu tích của chiến tranh. Mảnh đất ấy, con người ấy đã hắt bóng vào thế giới nghệ thuật của các nhà văn nữ. Bằng tình cảm gắn bó máu thịt với quê hương, bằng trực cảm nhạy bén của phụ nữ, các cây bút nữ Quảng Trị tỏ ra thành công khi khai thác mảng đề tài mà khi thể hiện nhà văn có lúc phải đổ cả máu và nước mắt. Mảnh đất ấy, tấm lòng, sự nặng nợ với quê hương ấy là lý do để giải thích vì sao trong số các nhà văn nữ chỉ có các cây bút nữ Quảng Trị mới "thủy chung" với mảng đề tài xem ra không còn mới một khi đất nước đã hòa bình.

Khác với các thế hệ nhà văn đi trước và cũng khác với ngòi bút nam giới, cách tiếp cận và phản ánh hiện thực chiến tranh của các nhà văn nữ Quảng Trị cũng từ một góc riêng. Ở giai đoạn trước do ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, văn học không có điều kiện đi quá sâu vào những mất máy hy sinh, những nỗi buồn, những số phận riêng tư. Từ sau 1975, chiến tranh đã từng bước lùi xa, văn học có một khoảng cần thiết để nhìn lại cuộc chiến đấu khốc liệt của dân tộc. "Chiến tranh không phải trò đùa". Có vinh quang, hào hùng, chiến thắng nhưng cũng không ít buồn đau, mất mát, thương tổn. Con đường đi của dân tộc Việt Nam ba mươi năm đằng đẵng đầy máu và hoa. Tái hiện cuộc chiến đấu của dân tộc thế nào để những người hôm nay ý thức được nỗi đau và vinh quang quá khứ? Từ câu hỏi nhức nhối đó, biết bao tác phẩm ra đời, với một cách tiếp cận nhiều chiều về chiến tranh.

Lặng lẽ và trầm tĩnh, các tác giả nữ Quảng Trị bằng sự nhạy cảm giới tính đã chọn những mảnh đời phụ nữ làm tấm gương phản chiếu chiến tranh. Không chiến trường trận địa, không bom đạn gầm rú, chiến tranh trong từng tác phẩm của họ hiện ra qua từng mảnh đời phụ nữ lỡ làng, đơn chiếc, khao khát tình yêu. Quảng Trị trong suốt chặng đường ba mươi năm, các thế hệ trai trẻ đã nối tiếp nhau lên đường. Để rồi, trong tác phẩm các nhà văn nữ, chiến tranh hiện ra qua nếp nhăn khắc khổ trên khuôn mặt người mẹ nhiều lần tiễn con trai lên đường và có những đứa con không bao giờ trở về. Chiến tranh hiện ra qua những cuộc đời thanh tân chưa biết thế nào là tình yêu giờ đã thành thiên cổ. Khai thác đề tài chiến tranh, các nhà văn nữ Quảng Trị gặp gỡ nhau ở một điểm chung. Họ thiên về nỗi đau của những thân phận đàn bà trong và sau chiến tranh. Phải chăng điểm gặp gỡ này do đặc thù của một vùng đất lửa. Quảng Trị là một vùng đất hẹp. "Có khói lửa, bom đạn, chia cắt và ly tán… Việt Nam từng bị chia đôi thì vết thương chia cắt đó lại trên mình Quảng Trị. Một tỉnh chia đôi, một huyện chia đôi, một xã, một làng chia đôi. Nỗi đau chia cắt thời ấy đã cứa sâu vào tận từng cộng đồng dân cư bền vững nhất, vào tận từng hộ gia đình, từng hạnh phúc lứa đôi" (Lời giới thiệu Non Mai sông Hãn - tuyển tập thơ văn Quảng Trị thế kỷ XX - Sở Văn hóa thông tin, 1999). Nỗi đau lịch sử ấy kết tinh thành nỗi đau âm ỉ trong những cuộc đời phụ nữ, linh hồn "từng hộ gia đình", "từng hạnh phúc lứa đôi". Sinh ra và trưởng thành ở mảnh đất đầy khổ ải, trải qua, chứng kiến, dự cảm, hóa thân, các nhà văn nữ Quảng Trị viết nhiều về chiến tranh và không phải ngẫu nhiên họ tập trung đề cập số phận người phụ nữ.

Hàn Nguyệt viết về những người vợ suốt đời vẫn nguyên vẹn là con gái. Hàn Nguyệt là cây bút gây sự chú ý không chỉ ở Quảng Trị mà trên cả nước. Tập truyện ngắn đầu tay Trăng bạc của Hàn Nguyệt đã bộc lộ khuynh hướng đầy nữ tính trong cách nhìn chiến tranh của tác giả. Truyện ngắn Trinh nguyên có tất cả những sự kiện của chiến tranh. Cuộc tổng tiến công năm 1972, cả vùng bờ nam sông Bến Hải ầm ào trong lửa đạn. Có chia lìa, dở dang, ly tán. Có nấm mồ người chồng trong vườn nhà. Nhưng tất cả sự kiện ấy hiện ra và trong ký ức lộn xộn của người vợ trẻ có tình yêu, có đám cưới nhưng chưa kịp làm đàn bà đã vội vã để tang chồng. Thư trong Trinh nguyên đã có đêm tân hôn không thành với Ngọ. Cuộc tổng tiến công đã đưa anh từ giường cưới về với đất. Chiến tranh kết thúc, Thư tưởng "ngã lòng" với hạ sĩ Mận nhưng tình yêu và danh dự của người vợ liệt sĩ đã giữ chị đứng bên này nỗi khát khao. Một người đàn ông khác yêu chị thật lòng "mang đến mấy bông hoa giấu vào vạt áo", nhưng lại là lính thiết giáp ngụy. "Chị oán trời, oán mình rồi khóc, hao mòn đi chút ít và đôi mi rợp thấp hơn". Năm tháng đi qua, gót chân Thư vẫn đỏ hồng, chị đã là một trinh nguyên có tuổi trong cái lắc đầu khâm phục của ông Hải - người mềm môi vì nước vối chị nấu và "yêu cả nếp nhăn mủi lòng bắt đầu gợn lên đuôi mắt chị". Ngòi bút Hàn Nguyệt cố giấu một nỗi xót xa bằng sự trinh nguyên vừa kiêu hãnh vừa bất hạnh của người phụ nữ sống trong chiến tranh, trong dư luận, giới tuyến và muộn màng. Cốt truyện thực ra không mới nhưng qua cảm nhận phụ nữ vấn đề thật hơn và đầy nhân bản.

Khác với các cây bút nam giới, bộ mặt chiến tranh trong tác phẩm các nhà văn nữ không dữ dội, ác liệt nhưng sức gặm nhấm của nó âm thầm, tàn khốc. Trăng trên cát của Lê Thị Mây thiên về bi kịch bên trong tâm hồn của những người lính trở về từ chiến tranh khi hồi tưởng những năm tháng không thể nào quên ấy. Lê Thị Mây sở trường về thơ nhưng cũng gây ấn tượng ở truyện ngắn. Từng là cô thanh niên xung phong ngay khi rời ghế nhà trường, Lê Thị Mây có cả một "lưng vốn" về chiến tranh. Chị đến với mảng đề tài xem ra ít "nữ tính" này một cách tự nhiên. Ý tưởng chủ đạo trong tác phẩm Lê Thị Mây là nỗi đau của những thân phận đàn bà. Thế giới truyện ngắn Lê Thị Mây khởi nguồn từ những linh cảm, trải nghiệm về số phận người phụ nữ trong chiến tranh về cái "yêu đương hồng nhan" giữa bộn bề khói lửa. Dường như chị đã khơi sâu, vét cạn lòng mình để trút thành những trang văn vừa mạnh bạo vừa đằm thắm. Nhưng chưa hết, còn lại ở chị và đọng lại ở người đọc là mối đồng cảm, sẻ chia cho khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ trong và sau chiến tranh. "Nếu không có chiến tranh" - Lời của một nhân vật người lính trong tác phẩm của Lê Thị Mây vang lên, láy đi láy lại như một bức rào cản nghiệt ngã.

"Toàn thân anh run rẩy, chuếnh choáng vì phải tự kiềm chế. Anh cố gắng nuốt sâu vào ngực một hơi thở nóng, lặp lại câu nói với ý nghĩa kinh khủng của nó, mà chỉ lúc chạm chân xuống đất như thể rơi xuống vực thẳm, chị mới nhận ra. Nếu không có chiến tranh…" (Mặt trời dưới dòng sông). "Trăng trên cát" ít viết về kỳ tích, chiến công mà xoay quanh thế giới tâm hồn của người lính. Nhân vật của Lê Thị Mây là những người phụ nữ vừa chung thủy vừa khao khát. Họ không thôi thao thức, dằn vặt để giữ lấy sự thủy chung của mình. Trong chiến tranh, họ là những "phúc thần" xoa dịu, băng bó vết thương của những người chiến sĩ. Người nữ cứu thương đã hôn anh thương binh với nụ hôn đầu đời khi anh kêu lên với giọng đầy nước mắ trong cơn đau đớn hoảng loạn. Và vị bác sĩ, giữa chiến trường bom đạn, không chất gây mê, đã mổ lấy mảnh bom ngay trong nỗi bàng hoàng của người lính trước nụ hôn đầu đời. Chiếc hôn giữa bom đạn Trường Sơn, giữa ranh giới chông chênh, mỏng mảnh sống - chết đã trở thành liều thuốc êm ái, diệu kỳ cứu sống một con người. Chất nhân bản ánh lên đằng sau những dòng chữ khi viết về những khao khát tự nhiên của con người. "Lần đầu tiên làm con gái chị hôn một người con trai. Anh bị thương, băng quấn gần kín cả mặt, cả ngực và chân tóc. Anh rên rỉ gào toáng lên đòi chị, người đã bế anh vượt sông phải hôn anh. Bằng không anh không chịu để cho bác sĩ mổ lấy mảnh bom găm kín cả người. Chỗ nặng nhất là ở ngực. Chị đã hôn người thương binh và sau đó chạy ù ra hầm, khóc nức nở, khóc không ai nín được cả… Câu chuyện đã hóa thân thành giai thoại Trường Sơn" (Mặt trời dưới dòng sông). Cũng chính những vị "phúc thần" ấy, sau chiến tranh lại âm thầm chịu đựng, chung thủy (Bản nhạc con hươu buồn, Trăng trên cát, Hai người mẹ…)

Trong Người viết trẻ và cánh rừng già, Nguyễn Minh Châu quan niệm: "Những năm tháng kháng chiến vừa qua thật anh hùng, thật là đẹp nhưng đầy khó khăn và hy sinh. Ngòi bút của chúng ta sẽ trở nên phản bội người chiến sĩ nếu như chỉ biết cái lúc họ vác súng ra mặt trận với một tâm hồn phơi phới mà không biết cái buồn bã, đau đớn, những lúc đói rét, những lúc nằm giữa đồi và bị thương, trong bùn lầy, trong mưa bom bão đạn, những buồn vui của một đời người trong cuộc sống thường nhật, những ác liệt, tổn thất do cuộc chiến tranh gây ra". Ý thức được điều đó, nhưng trên hết là sự nhạy cảm với nỗi đau phụ nữ, các nhà văn nữ đã giới hạn tầm nhìn chiến tranh qua mặt đau thương đầy nhân bản ấy… Bản năng phụ nữ, linh cảm giới tính giúp các nhà văn thể hiện sâu sắc những ước vọng hạnh phúc lẫn nỗi đau nhân tình. Âm ỉ cháy trong văn mạch của họ là khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc con người trong và sau chiến tranh. Có lẽ chỉ có vùng đất miền Trung cằn cỗi, khắc nghiệt mới dồn chứa, tụ đọng lại thành những mảnh đời phụ nữ khổ đau, sâu sắc và thấm đẫm tình người. Trong chiến tranh nỗi đau không của riêng ai. Nhưng dường như ở mảnh đất Quảng Trị, nỗi đau phụ nữ càng được nhân đôi. Chiến tranh được lọc qua cái nhìn phụ nữ, từ nhu cầu giới tính mang ý nghĩa nhân bản. So với các cây bút nam giới (Nỗi buồn chiến tranh, Ăn mày dĩ vãng, Góc tăm tối cuối cùng…) cách viết của các nhà văn nữ ít tân kỳ. Dấu ấn của sự tìm tòi nghệ thuật không rõ nét. Viết về chiến tranh, các nhà văn nữ thường đi sâu vào những khao khát con người, không phải với cái nhìn quan tòa mà dưới giác độ tình yêu và sự nhân hậu, đồng cảm. Chiến tranh và nữ tính, chiến tranh và thế giới nội cảm, chiến tranh và nhân bản - đó là cốt lõi trong tư tưởng thẩm mỹ của họ, là vấn đề quyết định sự tìm tòi thể hiện của các nhà văn nữ.

Trong số các nhà văn nữ viết về chiến tranh, Trần Thanh Hà là ngòi bút gây nhiều ấn tượng. Với tuổi đời và tuổi văn không nhiều, chưa hề trải qua chiến tranh, nhưng những trang viết của Trần Thanh Hà lại lay động lòng người sâu sắc. Trần Thanh Hà được xem là cây bút nữ khá thành công về đề tài chiến tranh. Bản lĩnh của nhà văn nữ này không chỉ thể hiện ở đề tài mà còn ở cách khai thác chiến tranh. Chỉ qua hai tập truyện (Gió của mùa sau, Ơi đò ca cút) Trần Thanh Hà đã khẳng định nét riêng của một ngòi bút nữ vừa bạo liệt, và đầy nữ tính. Cũng giống như cách viết của đa phần các nhà văn nữ, chiến tranh trong tác phẩm Trần Thanh Hà không có trận đánh, tiếng bom. Khai thác đề tài chiến tranh từ nỗi đau con người, với những triết lý già dặn, nhưng trên hết ở Trần Thanh Hà là niềm tin nhân bản. Như chị tâm sự: "Dù viết về cái gì, dù nhân vật của tôi là ai, đàn ông hay đàn bà, người già hay con trẻ, kẻ có quá khứ hay tung hê tất cả… dù cuộc đời họ thế nào, thì bao giờ với tôi đấy cũng là một niềm khắc khoải mong mỏi cho con người được sống tốt hơn, nhân hậu hơn, là mình hơn".

Nhìn chung với nhiều giọng điệu khác nhau của các nhà văn nữ Quảng Trị đã giành nhiều cảm xúc, trăn trở để phản ánh và tái hiện hiện thực chiến tranh và con người. Những vùng đất lửa, những địa danh Bến Hải, Vĩnh Linh, Quảng Trị… đã trở thành bất tử. Ở đó nổi lên phẩm chất con người Quảng Trị: hiền lành mà quyết liệt, anh hùng mà nhân hậu, khắc khổ mà bao dung. Từ những nhà văn đã kinh qua "Trường Sơn ngày ấy" như Lê Thị Mây, đến những cây bút vừa rời ghế nhà trường như Hàn Nguyệt, Trần Thanh Hà… các nhà văn nữ Quảng Trị đã góp phần làm đa dạng mảng văn xuôi của cả nước và làm sống lại một thời gian khổ nhưng hào hùng để các thế hệ mai sau trân trọng và yêu quý những con người đã chịu nhiều mất mát, hy sinh cho Tổ quốc đời đời bất tử.

L.T.H

Lê Thị Hường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 90 tháng 03/2002

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground