Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thăm thẳm bóng người - Một thành tựu

T

ập Tùy bút Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu là một tác phẩm hay, có sức cuốn hút, trang nào đọc cũng hấp dẫn. Tập sách xâu chuỗi miên man hàng trăm mẩu chuyện. Câu chuyện về lương y Thiên Tích dài hơn ba chục trang, chuyện về cụ Trần Trọng Kim chỉ nhắc qua không quá năm dòng.

...Cụ Trần Trọng Kim vốn là một thanh tra tiểu học thời Tây, sau đó ra làm Thủ tướng. Lúc bãi chức có tờ báo tới phỏng vấn xin cụ kể cho một chuyện gì thật đặc biệt trong mấy tháng giữ chức, cụ nghĩ một tý rồi bảo, có chuyện này, tôi thấy lấp ló sau mỗi thằng quan An Nam đều có một tên ăn cắp vặt (trang 14).

Câu chuyện về thày lang Thiên Tích phong phú hơn nhiều nhưng mẩu chuyện về cụ Trần lại có ấn tượng mạnh mẽ riêng của nó.

Đỗ Chu hay la cà ở những quán cóc. Ngồi quán nước, tác giả biết được rất nhiều chuyện. Một câu chuyện thương tâm, tác giả biết có một người con trai hay ôm đàn ra ngồi quán nước hát. “Càng hát càng vang càng xa, tiếng hát trong vắt rung lên thổn thức như muốn hút lấy hồn người nghe” (tr.20), Nhưng rồi người có giọng hát đẹp này bị đi tù vì tội “thời chiến mà hát nhạc vàng”. Con trai đi tù bà mẹ buồn bã mà chết. Và người con trai ở tù ra “hóa thằng ngớ ngẩn, quên cả lối về, đến nỗi nhà cửa rơi gọn vào tay người ta rồi mà chẳng buồn kêu ai. Trong không khí tập tùy bút, tôi thấy “thăm thẳm bóng người" ở người con trai mải mê đàn hát bị tống cổ vào tù. Và “thăm thẳm bóng người” vật vờ trong đời một người mẹ thương nhớ con trai đến không sống nổi nữa. Đằng sau chuyện đi tù vì hát nhạc vàng thực ra lại là chuyện toan tính cướp nhà cướp của của nhau. Trong nhiều câu chuyện tác giả kể, cách nhìn “thăm thẳm bóng người" là một cách nhìn nhân hậu, nhiều chỗ có  màu sắc tâm linh. Trong “thăm thẳm bóng người" có bóng ta. Có thăm thẳm bóng Nguyễn Tuân với những kiệt tác ông để lại cho đời. Tô Hoài còn đấy, “đứng chống đòn gánh, dưới chân là hai quang sách nặng”, bóng của hàng triệu độc giả hòa vào bóng Tô Hoài trong những tác phẩm bất hủ của ông. Trước “cốt kiêu” và uy bút của hai ông, Đỗ Chu - lần đầu tiên tôi thấy - đứng khép nép.

Trong tập tùy bút của Đỗ Chu, Thăm thẳm bóng người trước hết là những ký ức, là vong, là âm hồn của các chiến sĩ ngã xuống trên chiến trường. “Người đi mà bóng vẫn còn” (tr. 169). Thiếu tướng Chu Phác đến tuổi nghỉ hưu quyết định lên đường lần thứ hai, ông cùng với bè bạn trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt của đồng đội xấu số. Qua những câu chuyện tìm vong gọi hồn hiện lên một thế giới nửa hư nửa thực, cả người âm và người dương thế đều sinh động và không ít cảm động. Có những chuyện lạ lùng (ai tin được đến đâu thì tin). Những người sống có năng lực đặc biệt để tìm người chết đã là một nhẽ, đằng này lại còn có cả những “hồn” người chết cũng có năng lực mách bảo để tìm ra “những người đang còn sống sờ sờ mà bấy lâu nay vẫn bị xem là đã chết”.

Một ngày nọ có “hồn” một vị chỉ huy đã hy sinh ở mặt trận Nà Sản từ Thu Đông 1952 bỗng gọi Chu Phác tới mà bảo, thằng ấy nó đã chết đâu mà chú mày hỏi anh có hay gặp nó không. Nó vẫn sống và vẫn nhớ đến bọn mày. Hãy tìm về mạn biển, tới làng ấy, xóm ấy là sẽ gặp.

Mò mẫm mất mấy ngày rồi cũng tìm tới được xóm ấy làng ấy. Bạn anh quả thật vẫn còn, anh ấy đang ngồi khuất trong vườn chuối chẻ nan đan dậm. Gặp lại là để ôm lấy nhau dở khóc dở cười, là để vạch áo bạn ra nhìn vào tấm lưng trần mà hỏi, sao lưng mày lắm vết roi vết sẹo vậy? Bạn móm mém kể rằng, mấy vết này là mảnh cối ở trận ấy trận nọ, còn những vết roi lằn ngang lằn dọc là của đồng chí mình để lại sau mấy cuộc chỉnh đốn tổ chức! (tr.196-197).

Đỗ Chu quan tâm đến việc chăm sóc những ngôi mộ của những binh sĩ phía bên kia với những suy nghĩ hết sức nghiêm chỉnh: Đây cũng lại là một thách thức lớn, một công việc lớn của toàn xã hội, chừng nào vẫn còn thiếu một cách nhìn đầy đủ trước vấn đề hết sức hệ trọng này, dân tộc ta chưa thể tìm được một dáng đứng mới (tr 194). Một việc mà nhiều người Việt Nam trong nước không hề quan tâm hoặc tưởng rằng có thể bỏ qua được, Đỗ Chu lại thấy chính từ việc này mà thiên hạ nhận ra cái dáng đứng của cả dân tộc.

Hầu như trang nào cũng có những chuyện tưởng chừng vui vui, nhưng đây lại không phải một sưu tập “a-nếch-đốt” (“giai thoai”). Trong những trang sách này có những đốm lửa, những tia chớp.

Một câu chuyện buồn ở một làng châu thổ Bắc bộ sau Tổng khởi nghĩa. Bi (tên thật là Pier du Boire) là một người Pháp lai Ấn có cửa hàng tơ lụa ở Phố Hiến. Bi nói thạo tiếng Việt, lấy vợ là một cô gái quê. Nhật đảo chính Pháp, hai vợ chồng dắt nhau về sống tạm dưới làng. Nổ ra Tổng khởi nghĩa, đám thanh niên trong làng vác mã tấu... rầm rập suốt ngày đêm. Bi có ý xin theo Việt Minh. Người chỉ huy bảo: cái thằng Bi không khéo là Việt gian chứ chẳng chơi, nó ranh như ma xó, thằng ấy mà làm Việt gian thì cách mạng bỏ mẹ có ngày (tr.332). Có người can, người ấykhông nói năng gì chỉ lừ mắt. Vài hôm sau mấy trai tráng trong làng đến rủ Bi ra bãi xem trẻ con thả diều. Tối mịt vẫn chưa về. Vợ nóng ruột chạy bổ đi tìm chồng. Một người thân tín “kéo chị ra chỗ vắng khuyên đừng ở làng nữa, đi đâu thì đi càng xa càng tốt, anh ấy bị người ta bỏ rọ trôi sông mất rồi”.

Kể lại chuyện này, Đỗ Chu thốt lên:

“Ôi cái làng Việt mới lạ lùng làm sao, mỗi lần nghĩ đến nó lại càng thấy khó hiểu. Ta đã từng gửi lại đấy nhiều yêu thương và cũng để lại nơi ấy không ít hờn giận... Cái làng Việt luôn luôn là một câu hỏi lớn của lịch sử" (tr.333). Tiếng “ôi” của Đỗ Chu có thể lạc lõng đối với dàn đồng ca ngợi ca làng Việt lý tưởng, nhưng nó cũng có thể là một đốm lửa, may ra bùng sáng trong giây lát soi phía âm u, hoang dã đến khó hiểu của cái nông thôn Việt Nam. Tôi không nói rằng những bức tranh tuyệt vời đã vẽ về cái làng Việt hiền hậu, thơ mộng là không chân thực, nhưng chừng nào chúng ta chưa kỹ lưỡng nhận ra được những cái lừ mắt không nói năng gì kia thì vẫn cứ còn chưa hiểu bao nhiêu làng Việt. Và cũng là chưa thực sự hiểu mấy về cái xã hội đời đời làng xã của mình.

Trong tùy bút Thẳm thẳm bóng người có những đoạn văn chính luận vững chãi và giàu tính thuyết phục, bộc lộ khá rõ những trăn trở ưu tư sâu sắc và thành thật của tác giả.

... Văn minh Phương Tây là bài học phải biết đón nhận, khôn ngoan là tìm lấy cho mình một nước tiên tiến làm thày. Vô phúc thì dựa phải cọc mục, tốt phúc thì bíu được cọc vững. Đằng nào cũng cứ là phải dựa. Nói tự lực cánh sinh cũng là nói cho thích mồm thế thôi chứ thực là duy tâm. Trước hết phải biết làm học trò người ta cái đã (tr310).

Đây là một gáo nước lạnh dội vào đầu những ai chưa dứt nổi khỏi những quan niệm cũ kỹ về thời cuộc, về thế giới hôm nay.

Chung quy trăm sự vẫn là vấn đề dân trí, nó vừa là cái trần lại vừa là cái nền, một khi cái trần và cái nền đều thấp thì hết thảy đặt trên nó đều thấp theo, không thể tính chuyện nhảy vọt chặn đầu đi tắt bỏ qua giai đoạn, tính toán thế là tự lừa mình... (tr.309).

Lại một gáo nước lạnh nữa Đỗ Chu dội vào những cái đầu “nóng” luôn mồm nói “tự hào dân tộc, tiềm năng dân tộc”. Và hình như chính Đỗ Chu cũng bị “sốc” khi nghe những lời chì chiết của nhà thơ Hồng Ngát về vấn đề này:

... Mai sau con cháu chúng ta khôn ngoan khấm khá lên thế nào chưa rõ, chứ đến chúng ta ngày hôm nay thì mười mươi là vẫn chưa hiểu biết gì về ngọc. Muốn hiểu nổi ngọc là chuyện phải có chuẩn bị cả ngàn năm trước. Chúng ta là đám từ lam lũ mà ra, quanh năm bới đất lật cỏ, buôn thúng bán mẹt bàn đến ngọc e muốn khó, e còn đang lùn, còn phải kiễng chân lên mỗi khi đứng chuyện trò với thiên hạ... (tr.137).

... một khi chất lượng công dân thấp, tức là mặt bằng dân trí thấp, là cạn ao bèo tới đất, chả riêng gì văn nghệ văn gừng, lúc đó ở mọi khu vực trong xã hội đều ba xí ba tú, tính nghiệp dư lấn lướt tính chuyên nghiệp, mọi mực chuẩn đều xuống cấp, là nhà ba con ngọng. Nước ta có ba ngàn cây số biển còn lịch sử người thì bảo bốn ngàn năm, lại có người bảo hơn thế nữa, nhưng liệu để làm gì, không thể ngồi đấy mà mang lịch sử ra gặm được... (tr.138).

Tôi thông cảm với cái giọng đay nghiến gần như xỉa xói ấy của Hồng Ngát. Những người đương thời với chúng ta (không cứ gì ở Việt Nam) còn nhiều mê muội lắm. Có dội hàng trăm chậu nước lạnh lên đầu họ chưa chắc họ đã tỉnh cho.

...thời chúng ta đang sống quả đã không thiếu những gì được gọi là vĩ đại nhưng rất buồn ở chỗ nó vẫn còn thiếu tính nhân hậu trong từng việc lớn nhỏ, trong mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm...(tr.96).

Nhân viết về Trần Hoài Dương, một nhà văn mà anh quý trọng, Đỗ Chu đã khái quát chỉ trong một câu về cái Thời của chúng ta. Ưu điểm thì quá rõ, riêng về khuyết điểm mà nhà văn nêu lên cần phải suy nghĩ nhiều, các văn kiện chính trị chưa bao giờ nêu được đích danh khuyết điểm này. Đó là tính nhân hậu, là tình thương yêu trong xã hội, một mô típ hay trở đi trở lại ở tập tùy bút:

Bầu ơi thương lấy bí cùng... là một tinh thần thuần Việt, rất cổ xưa... ở trong nước lâu nay tinh thần đó đang bị mai một dần, đấy là dấu hiệu của sự tha hóa nhân cách trong cộng đồng, rất đáng lo ngại (tr.40).

...viết cho sang, sống cho sang, thiếu yêu thương thì không thể sang được (tr126).

... Nếu thiếu tình thương thì mọi tư tưởng, mọi triết thuyết có khôn bằng giời cũng chỉ nên vứt vào sọt rác(tr.282).

Ngô Thời Sĩ phân biệt “đạo thánh hiền” và “đạo đời thường”: Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hóa lòng người. Đỗ Chu đôi lúc đã trích dẫn Khổng Mạnh nhưng cảm hứng đạo đức của anh xem ra là có ý thiên về đạo lý đời thường. Tác giả chủ trương đưa ra những yêu cầu phải chăng: “... liều liệu mà giữ gìn, mà ý tứ lễ phép, chớ có buông tuồng quá, tham lam nhặt nhạnh nhiều quá...” (tr.171). Ngay đòi hỏi khẩn thiết nhất của tác giả về nhân phẩm cũng hết sức giản dị, và cũng rất nhã nhặn. Lúc này, cái cần thiết hơn bao giờ hết đối với con người nói chung là phải biết xấu hổ (tr.96). Tôi có nghiên cứu học thuyết của Frederick Turner, một triết gia người Mỹ, trong triết thuyết của ông, “xấu hổ” là một khái niệm trung tâm. Hè năm ngoái, có dịp gặp ông ở Mỹ, ông giải thích cho tôi, đại ý là, trong suy nghĩ của ông, “xấu hổ” được hiểu theo nghĩa rộng, ngoài sự xấu hổ về những lỗi lầm đạo đức, con người nói chung phải biết xấu hổ về trạng thái động vật, sinh hoạt động vật ở mình, đây là một thực tại và thực tại này thường làm mình xấu hổ vì những biểu hiện của nó thường là nhếch nhác không đẹp (những biểu hiện của thực tại “con” ở “con người"); hiểu theo nghĩa rộng như vậy, “xấu hổ” không chỉ là giác quan gốc của đạo đức, nó còn là ngọn nguồn của mỹ học Từ khi con người sáng chế ra tấm mạng, nó biết thế nào là đẹp (Anatole France), tấm mạng ở đây là cái để che đậy trạng thái động vật, chứng tỏ là đã biết xấu hổ về sự tô hô bày ra trạng thái này. F. Turner đã nâng ý niệm “xấu hổ” lên một bình diện triết học cao hơn. Những ý niệm đạo lý đời thường có sức cảm hóa những con người của đời thường, tuy nhiên trong lĩnh vực tinh thần, đôi khi cũng cần một sự vượt siêu bằng triết luận, bằng ý thức “chiều sâu”... đó cũng là một yêu cầu đáng nghĩ đáng làm. Đây đó ẩn sau nụ cười nhè nhẹ của Đỗ Chu đã thấy anh có cái nghĩ cái làm ấy.

Trong tập sách này, từ “cách mạng" chỉ thấy một lần được nhắc đến. Nhân nói tới những ý kiến của vị thánh Gandi và đại thi hào Tagore về cách mạng mà nội dung được tác giả tóm lược như sau:

Các vị nhìn ra khắp lục địa thấy các cuộc cách mạng đang nổ ra chẳng qua cũng chỉ là những đám cháy lớn, đó là những cuộc xô đẩy đâm chém hỗn độn. Chả chắc đã đi đến đâu. Họ từ chối cái gọi là đấu tranh giai cấp, không thể tin đó lại là động lực phát triển xã hội, theo họ đây là một lầm lẫn tai hại, làm tan nát, làm rối loạn ráo cả... (tr.311). Lời của hai vị thánh mà cả nhân loại quý trọng giống như những lời sấm truyền buộc chúng ta phải suy nghĩ thật lòng và thật nghiêm chỉnh về một hiện thực mà mọi người đều biết: Ấy là nó còn có cả cái mặt tối mang nhiều tính man dại nữa đấy. Nhận chân ra cái Bóng này của nó là sẽ tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển đất nước.

Nhiều điều ta cứ tưởng là thừa biết rồi, thừa hiểu rồi, vậy mà đọc xong tập tùy bút của Đỗ Chu, hóa ra ta chưa hiểu bao lăm: Thế nào là làng Việt, người Việt, thế nào là văn hóa Việt và những giá trị vĩnh hằng thuần khiết của nó và một điều nữa, thế nào là dân ta nước ta đây.

Phần thứ hai của tập sách có thể xem là phần mang tính chủ yếu, kéo dài trên một trăm trang, Đỗ Chu dành để gợi lại bóng dáng những trí thức Hà Nội một thuở, nay gần như các vị đều đã lần lượt khuất bóng. Nho học có, Tây học có, người được kể nhiều, người được nhắc ít, nhưng tất cả, qua ngòi bút tài hoa và cách nhìn trân trọng kỹ lưỡng của tác giả, ta thấy họ đã hiện lên như những kỷ niệm tuyệt vời, không thể quên. Một họa sĩ Linh Chi âm thầm sống và vẽ tranh dưới bầu trời Hà Nội bom đạn, một cụ Nguyễn Văn Tố, một cụ Bùi Kỷ, một cụ Trần Lê Nhân... Không ai là không lịch duyệt, khoan hòa và sang trọng. Tưởng như không gì có thể bắt nổi họ hóa tầm thường. Kìa là cụ Hoa Bằng đang hiện ra trên con đường mòn từ Láng dẫn sang Vòng Cót, ông đang vừa đi vừa giảng cho tác giả hiểu ý nghĩa cao quý của ba chữ “Kỳ Nghiêm Hồ”. Tác giả thốt lên: “Kỳ Nghiêm Hồ” ba tiếng ấy mới cứng cỏi làm sao, nhiều nhắc nhở và kiêu sa làm sao. Giữa những vạt rau xanh rờn, giữa những ngổn ngang gò đống, bóng cụ chập chờn ẩn hiện, lấp lánh sáng, lung linh một chấm sáng. Trong Khâm Thiên đài có Lung linh tự. Lung linh tự chẳng qua cũng chỉ là một chấm sáng mà thôi, nhưng là một chấm sáng thiêng liêng ở một nơi trời đất thông nhau, trời đất mở ra tới vô cùng và gần nhau tới vô cùng. Một khi gột rửa được cho mình thật sạch sẽ, trở thành một vẻ đẹp trí tuệ, con người có thể đứng trước lung linh tự mà chuyện trò cùng trời đất về những gì hệ trọng nhất. Suy cho cùng thì sự hệ trọng bậc nhất trong trời đất này cũng thật dễ hiểu, đó là chuyện mùa màng gặt hái, là mưa thuận gió hòa, là nhưng ấm bình yên cho một xã tắc.

Sau rất nhiều chuyện, sau rất nhiều điều cần phải kể lại đã được kể lại, tác giả đặt bút viết những dòng trầm tĩnh và cảm động về Hà Nội, Hà Nội hôm nay, Hà Nội thuở xưa, Hà Nội của mỗi người trong chúng ta, rất riêng tư mà cũng rất chung. Thời gian đi như ngựa lồng, thời thế đổi thay liên miên, những triều đại huy hoàng, những triều đại tàn lụi, thế kỷ nào cũng lắm vật vã, chỉ những góc thành cổ kính là vẫn đứng nguyên đó, chỉ những con đường là vẫn rợp bóng cây. Và từ trong những tiếng trẻ rao đêm, từ trong những tiếng chào thưa lảnh lót của mấy bà mấy chị, ta đang nghe thầm một lời nhắn nhủ dịu dàng. Sông Hồng hạ về nước lên thu qua nước rút, bơ vơ bờ bãi bơ vơ đám người. Hà Nội vẫn thế, lam lũ mà yêu dấu...

Có một cảm giác thăng hoa như vừa được uống rượu quý, một cảm giác bình yên khi ta gấp lại tập tùy bút này. Vui đấy mà cũng nghiêm lắm đấy, đây là những trang sách của người thắp lửa.

Sẽ có ngày ta phải làm một chuyến trở về, một chuyến đi thật thanh thản, cô đơn vắng vẻ, và dòng Sông Cái buổi ấy hẳn sẽ mịt mùng sương khói, gió như từ cõi lạnh lùng nào thổi tới và sóng nước như mê như tỉnh, tất cả chập chờn chợt nhớ chợt quên. Bóng quê xa mờ, dáng ai xa mờ, ta xin để lại hết thảy, tha thứ và xin lỗi hết thảy. Ta chỉ mong được mang theo từ đây ánh lửa bập bùng mà ta đã thắp sáng suốt nhiều thập kỷ vừa qua. Đấy là cảm khái của cụ lang Thiên Tích sau cả một kiếp dài, cũng có thể là cảm khái của chính nhà văn, của mỗi ai đã xem sống là dâng hiến cho sự sống.

 

Hà Nội, tháng 9 năm 2008

H.N.H

 

Hoàng Ngọc Hiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 174 tháng 03/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground