Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm

K

hi đề cập đến đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh bao giờ cũng nói đến “Kiệm”, Cần kiệm. Theo Bác “Kiệm là thế nào? là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với Kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người” (1); rằng “Tiết kiệm nghĩa là: 1 giờ làm xong công việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng giá trị 2, 3 đồng” (2). Người ý thức rõ mỗi một vật phẩm dù nhỏ đến lớn đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của nhân dân. “một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác” (3). Tiết kiệm là nét đẹp văn hoá, là phẩm chất, phong cách cần có của người cán bộ cách mạng, bởi theo Hồ Chí Minh có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Người đã tiên lượng cảnh báo “Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền” (4); “Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào” (5). Bác trăn trở không hài lòng trước một thực tế “Còn một số đảng viên, cán bộ đang còn xa xỉ, tham ô, lãng phí, không biết tiếc, biết tôn trọng của công, không biết thương tiếc của cải do mồ hôi nước mắt đồng bào làm ra” (6).

ý nghĩa của tiết kiệm không chỉ góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và nhân dân mà còn tích lũy để xây dựng đất nước, nếu không chẳng khác nào gió vào nhà trống. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn khôi phục và phát triển kinh tế thì phải thi đua tăng gia và tiết kiệm; Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Hai điều đó phải đi đôi, thiếu một là không được. Người đưa ra phép tính dễ hiểu “Nếu mỗi ngày mỗi người chỉ tiết kiệm nửa bát cơm (việc đó rất dễ, ai cũng làm được), thì mỗi tháng cả nước sẽ tiết kiệm được 20 triệu kilô gạo, nghĩa là đủ nuôi một triệu chiến sĩ trong một tháng” (7). Người còn so sánh “nếu ai cũng tiết kiệm, dùng một cái phong bì 2 lần, thì mỗi năm chỉ tốn một nửa giấy, tức là 32.400 thước vuông. Còn 32.400 thước thì để dành cho các lớp bình dân học vụ, thì chẳng tốt sao? (8). Khi về thăm nhà máy điện Yên Phụ Hà Nội, Bác lưu ý với công nhân rằng tiết kiệm được một cân than, tăng được một kilôoát điện là góp thêm một phần lực lượng đánh vào đế quốc Mỹ.

Không chỉ dừng lại nhắc nhở mọi người phải biết quý trọng, tiết kiệm của cải mà Người còn yêu cầu phải tiết kiệm thời gian, vì “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải”. Người nhắc nhở CB, ĐV, công chức làm việc phải đúng giờ, tránh đi trễ về sớm. Cần “Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ người khác”(9). Đặc biệt trong kháng chiến cứu nước, theo Bác “mỗi phút đều là quý báu”, bởi vì nó liên quan đến thời cơ, cục diện của chiến trường. Người chỉ ra phương sách “Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên “nay lần mai lữa”. Tiết kiệm thời giờ là Kiệm và cũng là Cần(10). Người trăn trở lo lắng khi thời gian rỗi của người lao động quá nhiều, cộng với thái độ thiếu tích cực siêng năng trong lao động. Người nói “Người lao động mà chỉ mới sản xuất hơn một tháng, còn 11 tháng lười biếng hoặc chỉ làm 3 tháng còn 9 tháng lười biếng là không tốt”(11). Hoặc một số công việc phải làm đi làm lại, sinh ra lãng phí, tốn kém tiền của của Nhà nước.

Khi về thăm các hợp tác xã, nhà máy, công trường xây dựng… Người luôn nhắc nhở CB, ĐV, người lao động phải hết sức tiết kiệm, kiên quyết chống tham ô, lãng phí. Cần “phải tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Phải tránh vương vãi lãng phí”(12). Khi về thăm Hợp tác xã Hồng Thái (Hải Hưng), ngày 15/2/1965, người yêu cầu “Mọi việc phải theo tinh thần Cần kiệm xây dựng nước nhà, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, tránh liên hoan lu bù”(13). Hồ Chí Minh phê phán gay gắt bệnh ham chuộng hình thức, trưng diện cho sang, phô trương, lãng phí, thiếu ý thức tiết kiệm. “Không nên hơi một tý cũng cờ quạt linh đình, mổ bò liên hoan, vì như thế là không “Kiệm”. Tiền của Hợp tác xã chỉ nên dùng vào việc gì có lợi ích thiết thực cho hợp tác xã”(14). Bác nhắc nhở bà con nông dân hết sức chân thành mộc mạc “hết sức tiết kiệm trong công việc làm ăn và trong dịp tết, phải tránh lãng phí sức người, tránh lãng phí thì giờ và tiền của. Chớ vì được mùa mà ăn tiêu phí phạm”(15). Tại hội nghị cán bộ của tổng cục cung cấp năm 1953, Người nhắc nhở răn dạy cán bộ quản lý lĩnh vực hậu cần nên phòng tránh căn bệnh tư túi, thiếu trách nhiệm. Người yêu cầu “Chớ tham ô, chớ lãng phí một đồng tiền, một bát gạo, một ngày công của nhân dân đóng góp cho bộ đội”(16).

Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến cuộc sống thường nhật của người dân mà còn quan tâm đến những ngày đón tết Nguyên Đán của nhân dân. Người khuyên các cấp chính quyền, nhân dân nên tổ chức tết cho vui vẻ tưng bừng, nhưng tuyệt đối tránh lãng phí. Trong bài Mừng tết Nguyên Đán thế nào ? Hồ Chí Minh nhắc nhở người dân cần lưu ý “Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân”(17). Người còn cho rằng: “Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới xuân”. Nỗi canh cánh kỳ vọng của Hồ Chí Minh là làm sao cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể “Phải biết giáo dục, lãnh đạo, giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Phải tiết kiệm là vì nếu được bữa nào xào bữa ấy, thì sẽ thiếu thốn”(18).

Người cũng phân biệt rạch ròi “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn” “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc  đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm… Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm”(19).

Theo Hồ Chí Minh để khắc phục căn bệnh này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước tiên các tổ chức Đảng cần tăng cường giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng, tính Đảng cho cán bộ, đảng viên. Bởi “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”(20). Đồng thời các cơ quan, đơn vị phải coi trọng khoa học tổ chức quản lý, “Phải quản lý lao động, quản lý sản xuất, quản lý tiền của cho tốt”(21); tăng cường kiểm tra, thanh tra để giáo dục, ngăn chặn kịp thời. “Các cơ quan phụ trách cần phải nghiêm khắc ngăn ngừa tham ô, lãng phí và kịp thời thi hành kỷ luật đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi”(22). Ngoài việc thực hiện chế độ phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, cần phát huy vai trò giám sát, quản lý của nhân dân. Người yêu cầu “Các cô, các chú phải khắc phục, vì tham ô lãng phí là có tội với nhân dân, với Nhà nước. Tất cả cùng chống tham ô, lãng phí thì sẽ hết được”(23).

Sức sống và giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng về cần kiệm nói riêng vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hôm nay. Những chỉ dẫn, những lời nhắc nhở ân tình, trách nhiệm của Người sẽ có sức lay động lớn đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác làm theo tư tưởng của Người. Thiết nghĩ mỗi của cải, nguyên vật liệu, đồng tiền, thời gian được mọi người hưởng ứng tiết kiệm là nguồn lực quý để góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá -  hiện đại hoá trong bối cảnh mở cửa hội nhập hiện nay vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

             N.T.T

 

 

 

 

 

 

_____________

Danh mục tài liệu tham khảo

(1); (2); (3); (4); (5); (7); (8); (9); (10); (19) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, tập 5, tr.636; tr.638; ; tr.208 - 209; tr.255; tr.638; tr.636- 637;  tr. 637.

(16); (18); (20); (22); Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr.90; tr.572; tr.480; tr.460.

(6); (15); (23); Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8; tr.409; tr.294; tr.339.

(14); (21) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 9, tr.539; tr.565.

(11); (12); (17); Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 10, tr.455; tr.298; tr.38.

(13); Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 11, tr.396.

 

Nguyễn Thế Tư
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 164 tháng 05/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground