Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Từ việc tìm chọn di cảo thơ, tôi hiểu thêm về Chế Lan Viên như thế nào?

Gia đình nhà thơ Chế Lan Viên

Gia đình nhà thơ Chế Lan Viên

Nửa năm trước, giữa tôi và một nhà thơ nữ trẻ đã có một cuộc trò chuyện khá lâu về việc tôi tìm chọn di cảo thơ Chế Lan Viên. Cô bạn về rồi, con tôi cười bảo chuyện trò gì mà con nghe cứ như một cuộc phỏng vấn. Tôi ớ ra, nhưng rõ ràng cô bạn không hề ghi chép, không hề thu âm, cô còn cười nói với tôi “chị khỏi lo, em không có ý định viết bài đăng báo nào đâu”, thế là tôi cứ việc xả láng, nhớ đâu nói đó, nghĩ gì nói đó, vậy mà sao lại là… một cuộc phỏng vấn được nhỉ?

Tháng 10 - 2020 này, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên, tùy theo tình hình dịch covid 19, lại cộng thêm nạn bão lũ mới đây nữa, có thể có (hoặc không) cuộc hội thảo về thơ anh tại nhà lưu niệm ở Cam Lộ (Quảng Trị), nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy tôi nên viết lại cuộc nửa trò chuyện - nửa phỏng vấn kể trên, gọi là góp một chút tư liệu vào cuộc hội thảo, không dám coi là một bài tham luận đúng nghĩa.

***

Cô bạn nhà thơ: Trước khi qua đời, anh có trăn trối gì về việc tìm chọn di cảo không, chị?

Vũ Thị Thường: Không có, bởi khi đó anh còn tỉnh táo, anh còn nghĩ vào bệnh viện Chợ Rẫy 1 tháng để được khám tổng quát, được lên nằm lầu 10 để hưởng chế độ ăn uống bồi dưỡng như các chuyên gia nước ngoài, được ở đấy thảnh thơi làm thơ và viết tựa cho mấy tập thơ của bạn (Việc vào bệnh viện cũng là mẹo của bác sĩ Trịnh Kim Ảnh, giám đốc bệnh viện ngày ấy, cố giúp bạn thơ nghèo, vừa mời vừa ép anh phải vào bằng được!). Khi được xét nghiệm, được làm sinh thiết rồi, anh vẫn còn tin rằng mình chỉ bị u lành, cắt nó đi rồi mình sẽ khỏi, sẽ lại được trở về làm thơ - trồng cây - cuốc đất… Anh còn hy vọng như thế, làm sao tôi có thể mở miệng bàn với anh những chuyện để anh nhận ra rằng anh đang bệnh nặng, rằng anh bị ung thư phổi đã di căn lên não, rằng anh chỉ còn sống được từ 3 tháng đến 6 tháng là cùng, cho nên giữa chúng tôi chẳng có chuyện trăn trối nào hết. Mãi đến tháng 3 - 1989, khi tự biết mình không qua khỏi được, anh mới đưa tôi một mục lục vẻn vẹn 30 bài, đều là những bài đã đăng báo, và anh bảo tôi “mai mốt em đưa đến Nhà Xuất bản Văn Học hay Nhà Xuất bản Thuận Hóa chỗ anh Vương Hồng, nói họ in cho, ít nhất cũng được một khoản tiền còm cho em và con”. Tôi nghe, lòng rất buồn song ngoài mặt vẫn phải làm như không, nói sẽ làm ngay nhưng ít bài thế này, sợ sách in ra có mỏng quá không? Anh cau mặt: “Mỏng còn hơn tham, lấy thêm những bài yếu, dầy mà làm gì?”. Tôi cố gạn: “Hay mình tìm trong mấy tập nháp, chọn lấy thêm những bài tương tự như Thời gian nước xiết hay Vọng phu… mấy bài in chung trong tờ bướm vừa rồi cũng được lắm chứ?”. Anh gắt: “Những bài ấy mới chỉ là phác thảo, được là được thế nào?”. Tôi không dám nhìn vào mắt anh, tôi biết anh rất buồn. Đối với anh, điều đáng sợ hơn cả cái chết là không còn làm thơ được nữa!

Ba tháng sau, anh mất.

Theo lời anh dặn lại, tôi tập hợp những bài anh ghi trong mục lục. 30 bài mỏng quá. Tôi lấy tiếp 36 bài nữa cũng là những bài đã đăng báo mà vì quá cầu toàn, anh đã loại ra. Nếu anh còn sống thì chuyện cầu toàn là đúng nhưng giờ anh đã mất, không ai đòi những bài thơ cuối cùng ấy phải hay hơn. 66 bài với tên sách anh đã đặt sẵn : HOA TRÊN ĐÁ II. Bản thảo có rồi nhưng thời kỳ này hình như người đọc đã bắt đầu xa thơ và các Nhà Xuất bản đã bắt đầu cân nhắc chuyện lỗ - lãi, mình có nên đưa lúc này hay không? Tôi phân vân… cuối cùng tôi giữ lại, để rồi 3 năm sau, tôi đưa HOA TRÊN ĐÁ II vào in chung trong DI CẢO THƠ CHẾ LAN VIÊN tập I.

CBNT: Cuối cùng chị vẫn tìm chọn di cảo đấy thôi?

Vũ Thị Thường: Thoạt đầu tôi chỉ định tìm đọc và nhặt ra một số bài cả hay cả dở trong các cuốn sổ tay rồi đánh máy, tập hợp thành một tập di cảo riêng cho gia đình, như thế chẳng có gì trái ý nhà tôi hết. Chỗ này cũng cần nói rõ thêm, chữ nhà tôi viết rất khó đọc, nhất những đoạn anh viết như giữa cơn say, hoặc bị cuốn theo vần thì chữ thường mất nét, nếu tôi không đánh máy, tức làm cái việc “phiên chữ” thì trong nhà trừ tôi ra, chẳng người nào đọc đoán nổi. Nhưng khi tôi chạm đúng vào cái kho di cảo thì tôi thấy dứt khoát tôi phải chọn, phải đưa di cảo của anh đến với bạn đọc, nếu không đưa, tôi sẽ là kẻ có tội với nền thơ nước nhà. Gọi là kho, tôi không nói quá một tí nào, vì ngoài 897 bài có ghi số thứ tự, còn cả trăm bài thơ không đánh số trong các sổ tay cũ, trong các tờ rời, như bài Từ thế chi ca 2 hay bài Tóm truyện phim… chẳng hạn. Cái kho ấy chủ yếu nằm trong hơn ba chục cuốn nháp với những cái tên Nháp 1, Nháp 2, Bào Thai Và Mảnh Vỡ, Chuẩn Bị Cho 1990, Thơ Cho Em, Prométhée 86, v.v…tất cả để trong một cái túi xách tay màu nâu sờn cũ, tôi nhớ khoảng từ năm 84 - 85 cho đến tháng 8 - 1988 trước khi vào bệnh viện, hằng ngày anh đọc và viết trong những tập nháp đó, đối với anh, chúng quý giá đến mức mỗi lần ra Bắc làm việc, anh đều dặn tôi mỗi một câu: nếu hỏa hoạn cháy nhà, nhớ trước hết phải chạy cho anh cái túi xách ấy.

Tôi đọc quyển này sang quyển khác, không thứ tự. Hầu như mỗi quyển nháp, anh đều đề ra cái hướng cho toàn tập, thí dụ như trang 2 của tập nháp CẦM TAY tập 3, anh ghi:

  • Ghép “ẩu” các câu vào thành từng bài, dở cũng được, miễn cho câu nằm trong thế bài.
  • Sẽ đọc lại và xoay dần xoay dần cho từ cục đất hóa nên cái bình thô rồi tinh.
  • Ráp các bài, ghép các bài lại với nhau thành cấu trúc mới.
  • Từ phản ảnh chuyển qua sáng tạo…..
  • Lấy từ các năng lực sâu thẳm của tâm hồn. Être.
  • Lấy từ đời sống, thiên nhiên. Être, au monde, cosmique.
  • Kinh nghiệm, existence, expérience,

Ở giữa tập, thêm 1 trang nữa, Anh ghi:

  • Thành đá thì dễ
  • Thành Người thì khó
  • Suy nghĩ sâu sắc rất dễ
  • Xúc động sâu sắc rất khó…

Và:

  • Cần hồn nhiên
  • Cần xuôi chảy
  • Cần ngây thơ, ngơ ngác hơn.

Thêm nháp CẦM TAY tập 4 nữa, trên trang 1, anh ghi:

  • Từ 447 trở đi:
  • Các cái Tứ ghi vội
  • Phấn đấu đến con số 1.000
  • Sau đó nhập lại, … (mất mấy chữ) 1 sửa, nâng lên 100 , tỷ lệ bỏ 9 lấy 1.

Trang 2, anh ghi tiếp:

  • Ghép ẩu vội các câu trong đội hình bài cho nó khỏi rơi câu, rồi tính sau.
  • Các bài ghép đây chỉ mới về lý về tứ, chứ phải gắn lại về hình, về tình, về xúc cảm.
  • Sẽ nhào 2, 3 bài lại thành 1.
  • Về văn, sẽ chuyển các bài qua thể câu ngắn 7 chữ, 8 chữ, lục bát.
  • Chuyển các bài bình phương qua lập phương, sâu, trùng điệp.

CBNT: 1.000 bài để rồi nhập lại…sửa…nâng lên , bỏ 900, còn lại 100 bài… Đến đây thì em hiểu, trong con mắt anh, tất cả mới chỉ là phác thảo, làm sao anh có thể giao cho chị công bố di cảo được!

Vũ Thị Thường: Vâng, nhưng rồi tôi vẫn làm. Đầu tiên, tôi tưởng có được mươi bài hay, thêm ba, bốn chục bài khá nữa đã là quý rồi. Nhưng rồi tôi vẫn chọn được 399 bài đưa vào 3 tập Di Cảo Thơ I, II, III, sang năm tới, tôi sẽ đưa in Di Cảo Thơ IV với khoảng trên - dưới 200 bài nữa. Với 3 tập đã ra, dư luận khen nhiều, chê ít, đặc biệt những bài tôi cho là hay thì nhiều nhà thơ, nhà phê bình có tên tuổi cũng đã nhắc đến những bài thơ ấy…

CBNT: Thế nghĩa là chị đã chọn đúng?

Vũ Thị Thường: Vâng, có thể là như thế.

CBNT: Em nhớ việc chọn tuyển thơ đâu phải chị mới làm lần đầu, mà là chị đã làm 2 lần khi anh còn sống, phải không, chị?

VTT: Em nhớ đúng đấy. Tôi đã làm 2 Tuyển tập Thơ – Văn cho anh ấy,  một  in ở Nhà Xuất bản Văn Học năm 1985, một Tuyển nữa in ở Nghĩa Bình năm 1988.  Tập sau này ra trước ngày anh vào bệnh viện Chợ Rẫy chừng vài tháng.

CBNT: Em nghĩ biết đâu đó chẳng là anh hướng cho chị thực tập dần dần mà chị không biết?

Vũ Thị Thường: Điều em nghĩ không chừng mà thế thật.

CBNT: Trong vài, ba bài viết về anh, có nói rằng những bài di cảo đều đã được anh viết vào giai đoạn anh đang bệnh nặng, có đúng không, chị?

Vũ Thị Thường: Không phải. Sự thực là thế này: phần lớn các bài thơ phác thảo được viết từ 1984 đến tháng 8 - 1988, vào thời kỳ nhà tôi còn khỏe mạnh, còn vào Nam ra Bắc họp hành, công tác đều đặn. Mãi đến khi vào bệnh viện, qua các bước xét nghiệm, làm sinh thiết, ngày 18 - 9 - 1988 các bác sĩ mổ ra, mới biết phổi của anh đã đầy những tế bào ung thư lấm tấm như những hạt gạo (bác sĩ Hồng kể lại với tôi mà cô ấy khóc), nghĩa là bệnh của anh đã vào giai đoạn cuối, thời hạn sống của anh chỉ được từ 3 đến 6 tháng (nhưng tôi đã nuôi anh sống thêm được 3 tháng nữa là 9 tháng). Chỉ vài tháng sau khi mổ, cứ chiều đến anh lại mê mụ đi khoảng 2 - 3 giờ, chứng tỏ bệnh của anh đã di căn lên não. Tuy nhiên khi tỉnh táo, anh vẫn đọc (là chính) và vẫn gắng làm thơ. Những bài ghi bên dưới “mùa bệnh 1988” hoặc ghi “Bệnh viện Chợ Rẫy ngày…” là anh viết vào những ngày bệnh anh đã rất nặng. Tính ra, trong khoảng 2 tháng, từ 29 - 8 đến 27 - 10 - 1988, anh đã viết 20 bài thơ cuối cùng, trong đó ít nhất đã có 3 bài hay (Xâu kim, Từ thế chi ca 1 và Tháp Bay-on bốn mặt) chẳng hạn.

CBNT: Giữa các tập thơ đã xuất bản với thơ di cảo, chị có thấy khác biệt gì không?

Vũ Thị Thường: Khác biệt nhiều chứ, em. Càng đọc, tôi càng thấy như mình lạc vào một không gian khác lạ. Thấy như mình tìm về một xóm làng heo hút, gặp một người đang ở ẩn hay như một chiến tướng, hết chiến tranh rồi, cởi bỏ quân phục cùng mọi thứ huân chương, trở về với ruộng vườn, với những người bạn nghèo trong lối xóm. Bắt đầu từ một số bài đã đăng báo khi anh đang còn như Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh, Lộn trái, Gửi Trạng Thông họ Hoàng… câu thơ đã có phần tự do, phóng túng, không còn quá gò bó với vần, dần khác với các tập thơ từ những năm 70 trở về  trước.  Đến các bài di cảo, do anh viết theo cái hướng anh đã vạch ra “hễ cứ có 1 câu, ép, gán ẩu cho thành bài, từ đó viết một hơi” nên các câu thơ càng tùy hứng, các chữ lam lũ, dại khờ, chân quê… cũng theo đó mà ào ạt vào theo, tạo nên môt số bài như người say hay người điên nói (Đông Kisôt, Những câu thơ, Thơ hiện đại, Chơi, Thơ thế kỷ XXI,v.v…). Tuy nhiên, dù các vần các chữ muốn kéo đi đâu, anh vẫn hướng chúng về cái tứ của bài, để cho các bài không rơi vào tầm thường, vô nghĩa. Chẳng hạn bài Đông Kisôt, mới đọc, tôi tưởng như đó là bài thơ vui, ngộ nghĩnh, nhưng không phải, cái tứ của bài lại gợi cho ta một nỗi buồn lo khác khi xã hội thờ ơ với bất công, tội ác.

CBNT: Không biết em nhớ có đúng không, rằng trong một bài Tựa, anh đã ví chuyện chuyển hướng thơ không khác gì một cuộc chuyển quân?  

Vũ Thị Thường: Em nhớ đúng đấy. Ở bài Tựa 2 TUYỂN TẬP THƠ CHẾ LAN VIÊN2anh viết: “Phải làm một cuộc chuyển quân, một cuộc chuyển thơ từ nơi êm đềm, ẩm ướt của lòng mình đến các nơi cằn khô cháy bỏng, đến các chiến trường”. Đó là giai đoạn từ sau ĐIÊU TÀN và VÀNG SAO chuyển qua bước đệm GỬI CÁC ANH… Cuộc thứ nhất, sau lưng Chế Lan Viên chỉ có ĐIÊU TÀN và VÀNG SAO, tưởng rằng dễ, song cái khó lại nằm ở chỗ hệ tư tưởng. Sau 2 tập kể trên, vào khoảng từ 1942 trở đi, anh bế tắc và gần như không viết được nữa. Anh đi tìm niềm tin ở Phật, ở Chúa. Các đấng trên cao chẳng giúp gì được anh. Anh buồn bã, hoang mang và anh càng ngụp lặn sâu vào cái bể siêu hình. Năm 1945, anh đi theo Cách mạng ngay từ những ngày đầu, ở Thừa Thiên Huế, anh tham gia Ban chấp hành Đoàn Xây Dựng và làm báo Quyết Thắng xuất bản hằng ngày của Việt Minh Trung Bộ nhưng lại từ chối không vào Hội Văn hóa Cứu quốc vì anh sợ anh sẽ mất tự do và sẽ mất luôn thơ. Cũng thời gian ấy, Việt Minh Trung Bộ tổ chức chuyến đi thực tế cho các văn nghệ sĩ, anh cùng hai anh Nguyễn Đức Nùng, Trần Thanh Địch được cử vào mặt trận Tây Nguyên, đó cũng là chuyến đi đầu tiên của các văn nghệ sĩ trong cả nước. Đoàn lên Tây Nguyên - nơi đang là mặt trận nóng bỏng - qua Đà Nẵng, Hội An, đến đâu đoàn cũng được đón tiếp nồng hậu, đó là chuyến đi anh rất phấn khởi nhưng chỉ thế thôi, bởi sau đó anh vẫn… đứng ngoài Hội Văn hóa Cứu quốc! 1947, Mặt trận Huế vỡ, anh cùng cơ quan chuyển ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Thời kỳ về làm thư ký tòa soạn báo Cứu Quốc Liên khu IV (cũng báo ra hàng ngày), anh rất xông xáo, tích cực, được các đồng chí lãnh đạo Liên Khu ủy quý trọng, Chi bộ cơ quan không ít lần gợi ý anh nên gia nhập Đảng, anh đều tìm cớ thoái thác chỉ vì anh vẫn chưa thoát ra được nỗi lo mất tự do và mất thơ. Cho đến tháng 10 - 1949, anh được phân công đi thực tế dài hạn vào vùng tạm bị chiếm Bình Trị Thiên, nơi chiến trường khốc liệt nhất. Trong chiến dịch đường 9, anh được đi theo một đại đội bộ đội, đại đội này đêm ấy có nhiệm vụ diệt đồn Tà Cơn (huyện Hướng Hóa - Quảng Trị). Về sự kiện này, anh viết: Tôi nhớ trong một chiến dịch trên đường số 9, năm 1949, tôi đi cùng bộ đội. Nghe tiếng gọi "Chiêu hòa!" (tên một thứ súng Nhật), một đồng chí bộ đội mang Chiêu hòa tiến lên, qua trước mắt tôi. Ba phút sau, người ta khiêng xác đồng chí ấy xuống. Lại nghe gọi "Browning!" (tên một thứ súng máy khác), một đồng chí chân đất khác lại mang Browning lên. Và 5 phút sau, người ta lại mang xác đồng chí ấy xuống ngang qua mặt tôi. Trời ơi! Tôi đắn đo, do dự, tính toán cho đến bao giờ? Những câu hỏi "Ta có còn tự do không? Văn học cách mạng có còn là văn học không?" lúc này thực là tàn nhẫn trước sinh mệnh con người! Cả dân tộc đang sống chết vì một đạo đức (Éthique) mới. Còn tôi thì đang mắc kẹt trong các vấn đề về siêu hình và thẩm mỹ (Esthétique) cũ. Vào Cách mạng mình sẽ mất mát ư? Tôi nghĩ: "Mất tất cả của mình cũng được, miễn còn sinh mệnh những người dân từng vác Browning, từng vác Chiêu hòa! Miễn còn độc lập, miễn còn Việt Nam và Tổ quốc". Giải quyết cho mình dứt khoát không thể chỉ giải quyết bằng ý niệm. Mà bằng hành động. Tôi viết đơn xin gia nhập Đảng giữa chiến trường và giữa quê mẹ của tôi”. Mấy ngày sau, anh được Đảng kết nạp ngay giữa chiến khu Ba Lòng. Về sự kiện này, sau khi anh mất đã có 3 người: nhà văn Anh Đức  (1935 - 2014), nhà lão thành cách mạng Trần Trọng Tân (1926 - 2014) và nhà văn – nhà báo Phan Quang đều nhắc lại khá kỹ trong các bài viết. Riêng tôi, tôi rất nhớ ơn hai liệt sĩ trong trận diệt đồn Tà Cơn, chính sự hy sinh anh dũng mà nhẹ như không của hai anh đã kéo Chế Lan Viên ra khỏi cái thế giới siêu hình, góp phần thay đổi đời anh, thay đổi thơ anh, trả lại cho nền văn học nước nhà một Chế Lan Viên mới, một Chế Lan Viên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã rút hết tinh lực mình để có được những áng văn - thơ đứng ngang tầm chiến lũy. Hòa bình lập lại, anh góp thêm 4 tập thơ và 5 tập văn. Cuối cùng, từ 1984 đến 1988, anh trả cho đời lần chót trên 500 bài thơ phác thảo, không kể các bài khác còn ở trong các sổ tay chưa công bố.

CBNT: Vừa nãy chị nói bước đệm GỬI CÁC ANH là thế nào, em không hiểu?

Vũ Thị Thường: Vâng, theo cách đánh giá của tôi, là tập thơ tập hợp 13 bài thơ đầu tiên anh viết sau khi anh thoát ra khỏi hệ tư tưởng cũ, ngoài mấy bài Bữa cơm thường ở trong bản nhỏ, Gởi mẹ trong vùng giặc chiếm, Trường Sơn và Nhớ lấy để trả thù, GỬI CÁC ANH vừa quá mỏng manh vừa quá yếu, nó chỉ là bước đệm từ ĐIÊU TÀN chuyển qua ÁNH SÁNG VÀ PHÙ SA. Tôi có một ví von: Với những bài thơ - câu thơ lộng lẫy, đặc biệt là cái Tựa, ĐIÊU TÀN như người thiếu nữ trong tranh Tô Ngọc Vân, để thích nghi với hoàn cảnh kháng chiến, cô tự nguyện trút bỏ bộ trang phục lụa là đúng mốt cùng với kiềng vàng, vòng ngọc, thay vào đó là bộ cánh áo nâu, quần đen vải thô (cái quần may kiểu chân què có lẽ xấu nhất trong trang phục của đàn bà Việt Nam); bỏ đôi giày cao gót thay vào bằng đôi dép lốp cao su; cô chẳng quan tâm đến nhan sắc, đến chuyện lấy chồng, cô chỉ cần sao cho cô giống như tất cả các chị em dân quân du kích, chị em cán bộ… đó chính là những bài thơ đầy lòng yêu nước và căm thù giặc nhưng còn quá đơn sơ, vụng về của tập GỬI CÁC ANH (Tuy nhiên  đây chỉ là ý kiến của riêng tôi, còn anh chưa bao giờ có ý khen - chê về tập thơ này, kể cả hai lần tôi làm Tuyển tập khi anh còn sống, hình như ở anh có sự trân trọng đối với tập -thơ - bằng - chứng - đổi - đời của anh, lại vừa có cái tình giống như của người mẹ đối với đứa con yếu ớt nhất trong cả bầy con khỏe mạnh, thông minh của mình).

Cũng từ GỬI CÁC ANH, tôi nhìn thấy đó là cái vỏ, cái xác khô teo của con tằm nhỏ - con tằm mới ăn 1, ăn 2 - bỏ lại để mười năm sau nó biến thành một con tằm lớn đã qua kỳ ăn rỗi, bụng đầy tơ óng đẹp có tên là ÁNH SÁNG VÀ PHÙ SA.

Cũng từ GỬI CÁC ANH, cái vỏ lột, cái chứng tích đổi đời - đổi thơ của Chế Lan Viên, dường như (tôi nói dường như vì có thể là tôi nói sai) tất cả các nhà thơ, nhà văn tên tuổi đồng trang lứa với Chế Lan Viên, khi đi theo Cách mạng, chẳng có ai để lại cái vỏ lột rõ ràng bằng anh.

CBNT: Đến giai đoạn sau 1975?

Vũ Thị Thường: Vâng, giai đoạn sau 1975, anh viết: “Thơ bây giờ không đối diện với quân thù, với chiến hào mà với cuộc đời thường. Lại phải làm một cuộc chuyển thơ, cuộc chuyển quân lần nữa. Từ các đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng chuyển về cái đồng bằng phì nhiêu của cuộc sống có lắm điều phức tạp”. Giai đoạn này cái khó lại nằm ở chỗ khác so với giai đoạn trước. Từ các đỉnh cao chuyển xuống đồng bằng không phải bằng các phương tiện giao thông mà bằng thơ, bằng cảm xúc và bằng sáng tạo nghệ thuật, làm sao từ những bài có những lời thơ âm vang như cáo, như hịch (lời bình của nhà thơ Vũ Quần Phương) trong thời chiến chuyển qua được thành những lời ru, những lời thầm thì chia sẻ giữa đời thường mà không rơi vào xu thời, nhỏ nhặt. Nếu qua nổi, anh sẽ được đi trên bình nguyên đầy cỏ, hoa và được đón chào, còn không qua được là anh rơi xuống vực - cái vực của những bài thơ dở và những nhà thơ hết tài! Ngoài cái khó tự thân, anh còn gặp cái khó to lớn bên ngoài, ấy là vào những năm vừa mở cửa. Cái cửa vừa hé mở, bao nhiêu người cả tốt lẫn xấu, cả thiện chí lẫn cơ hội cùng chen lấn nhau vào, song song với mặt tốt văn nghệ được dần dần cởi trói, thì mặt khác cũng lại đẻ ra bao nhiêu điều hùa theo phức tạp. Trong cái mớ hỗn độn ấy, may thay và cũng là hạnh phúc cho anh là số người yêu anh, ủng hộ anh vẫn nhiều hơn số kẻ ghét anh, chính nhờ họ mà anh vẫn phấn chấn, vẫn đủ sức mày mò tìm lại con đường thơ thế sự và làm thơ được cho đến ngày anh qua đời.

Lần này nữa, trước những bài thơ Xâu kim, Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh, Đàn bầu … với hơn ngàn bài thơ phác thảo, tôi lại nhìn thấy lần lột xác thứ hai của anh, cái vỏ lột lần này to gấp mấy chục lần vỏ lột lần trước, và tôi thấy như có cả nước mắt, mồ hôi của anh hằn lên trên đó.

CBNT: Có lẽ vì thế mà có nhà phê bình đã nhận xét thơ di cảo có giọng điệu ảm đạm, não nùng và có phần chua chát?

Vũ Thị Thường: Có nhận xét thế, tôi nghĩ có khi ở thơ di cảo, anh nhắc nhiều đến chuyện sống chết. Chuyện sống chết ở đây là cách anh nói về thời gian - cái thời gian khắc nghiệt và đột ngột chẳng chừa một ai - cũng là cách anh tự dồn mình vào chân tường, vào căn phòng ngùn ngụt lửa cháy, vào cơn lũ nước lên đến ngực… để buộc anh phải viết nhanh lên, viết thật nhiều vào, như vậy sự ảm đạm, não nùng ở đây là tích cực chứ đâu là tiêu cực?

Mặt khác, dù thơ anh sau này có giọng ảm đạm, tôi cho là lẽ tất nhiên.  Khi viết ĐIÊU TÀN, Chế Lan Viên mới là một cậu bé 15, 16, cái tuổi mà từ cái ăn cái mặc đến sách vở giấy bút, kể cả giấy bút làm thơ đã có cha mẹ lo (lại có thêm hai chị bù chì cho nữa), ấy vậy mà cậu ta đã nhập thân vào những hồn dân Hời mất nước để viết những câu thơ sầu thảm, oán hờn, kinh dị; cậu ta còn đặt ra những câu hỏi về sống chết, về ta là ai đủ mọi điều phiền não. Bản tính của con người như thế thì 50 năm sau, khi đã là một ông già, đã nếm đủ đắng ngọt mùi đời, đã chất đầy mình những trải nghiệm dại - khôn từ cuộc sống, thơ của ông ta không có giọng ảm đạm, buồn rầu thì mới là chuyện lạ!

CBNT: Chị thích nhất bài nào trong di cảo?

Vũ Thị Thường: Trong di cảo có không ít bài hay, làm sao tôi chỉ thích có một bài?

CBNT: Vậy những bài nào mà chị thích?

Vũ Thị Thường: Tôi thích nhiều bài, mỗi bài tôi thích ở mỗi khía cạnh khác nhau. Thí dụ như bài Ai? Tôi! tôi rất thích và là bài tôi chọn ngay từ đợt đầu. Nếu hiểu trần trần thì có vẻ như nhà thơ đúng là người chịu trách nhiệm thời chiến thì “viết những câu thơ cổ võ”, thời bình thì “chưa có câu thơ nào giải đáp về đời”, nhưng bề sâu của bài thơ là gì? Là tiếng kêu khẩn thiết gửi đến những người có đủ quyền năng “giải đáp về đời bằng thực chất”, chiến tranh đã qua lâu cả chục năm rồi, họ đã làm gì cho những người lính cũ?! Tôi thích bài Quên, mỗi câu như những nhát dao khoét sâu, khoét sâu mãi, cho đến lúc chạm vào những kỷ niệm buồn bã của từng người. Với Định nghĩa dân tộc và Vua, tôi thấy mình càng thương nước hơn, thương cả những ông vua giàu đến mấy cũng chỉ là vua thứ quèn! Tôi thích Mở và Khép thoạt đầu nói về các kiểu thơ, rồi vần điệu cuốn đi, cuối bài lại phảng phất như một cái truyện ngắn cực ngắn tả về sự hạnh ngộ giữa một người yêu thơ với một bài tuyệt tác, chẳng khác gì cuộc trùng phùng qua nhiều kiếp của hai người yêu nhau. Cầm giả ca cũng ở dạng trong thơ có truyện, tôi cũng rất thích. Chế Lan Viên yêu mẹ nhiều hơn cha, anh viết nhiều bài về mẹ, nhưng thật lạ lùng, tôi lại thấy tình yêu ấy được biểu lộ rõ nhất và cũng cảm động nhất lại là những bài anh nói về con đường thơ có bóng dáng mẹ mình trong đó. Tôi yêu độ hồn nhiên của Múa rối ở đảo và Đông Kisôt. Bài Người làng vần - điệu - câu - chữ còn xộc xệch, ngổn ngang nhưng chính từ những nét phác thảo sơ sài ấy, tôi lại thấy hiển hiện trước mắt mình những người dân quê hồn nhiên, chân chất.

Nhân nói về sự xộc xệch ngổn ngang câu chữ của thơ phác thảo, chính từ đó tôi lại thấy nó có mấy ưu thế sau đây: 1. Nó làm cho thơ phác thảo có chung một vẻ tươi mới, nó khiến ta có cảm giác như tác giả vừa buông bút, chưa sửa chữa gì thêm đã hồ hởi đưa ta đọc liền, và vừa đọc, ta vừa liên tưởng đến một bữa ăn cá tươi trên biển, những con cá vừa được gỡ ra từ  trong lưới bỏ thẳng vào nồi, trong nồi chỉ có muối, không có rau cỏ, bột ngọt gia vị gì thêm, nhưng đã ngon hơn tất cả các bữa cá khác mà ta đã từng ăn trong đời. 2. Cũng từ chỗ câu chữ còn xộc xệch ngổn ngang, mà thơ phác thảo ngẫu nhiên có được dáng dấp mới và hiện đại, sau gần bốn chục năm, chúng vẫn có thể đứng cạnh những bài thơ của ngày hôm nay mà không hề cũ.

CBNT: Trong các tập di cảo, dường như cũng có một số bài trùng lặp?

Vũ Thị Thường: Có đấy nhưng là lỗi ở tôi. Tại tôi tham, dù 2 bài trùng lặp nhưng thấy hay, tôi vẫn cứ chọn. Đến DI CẢO THƠ 4 tôi sẽ rút kinh nghiệm, khi đưa ra 2 bài giống nhau, tôi sẽ ghi chú rằng đấy là cách anh viết theo nhiều dạng khác nhau mà anh gọi chung là exercice (tập dượt)... Mấy bài như “Chơi Yên Tử, nhớ Hoa Yên”3,“Thăm mộ Tiểu Thanh”4 hay “Hòn Một”5v.v… là những thí dụ.

CBNT: Ngoài niềm vui đưa được thơ di cảo đến với người đọc, chị có còn niềm vui nào nữa?

Vũ Thị Thường: Còn chứ, em! Niềm vui thứ nhất là tôi như được dự một khóa học dài hạn (có khi đến hết đời cũng nên) về thơ, về thi pháp. Niềm vui nữa là, em nhớ cho, ở đây không có yếu tố tâm linh, mê tín hay ảo giác nào xen vào mà là hệ quả của cái nghiệp văn chương, là gần như hàng ngày tiếp xúc với thơ anh, hơn thế nữa, được đọc hết những ý nghĩ sâu kín nhất của anh gửi trong những bài thuộc dạng nhật ký thơ, tôi cứ có cảm giác như anh vẫn sống, vẫn ẩn hiện đâu đây trong căn nhà cấp 4 giữa mảnh vườn nhỏ bé của gia đình chúng tôi. Và cũng chính từ đó, tôi nghĩ tôi vẫn còn anh trên cõi đời này.

Viên Tĩnh Viên, tháng 10/2020, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên

V.T.T 

1- có lẽ mấy chữ mất là những bài cùng 1 tứ ? (Vũ Thị Thường)

2- định tái bản năm 1987  mà rồi trục trặc sao đó đã không thực hiện được.

3 - trong tập ĐỐI THOẠI MỚI.

45  3-  trong tập DI CẢO THƠ tập I.

Vũ Thị Thường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 314 tháng 11/2020

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground