Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn bút ấm thân hay dấn thân

 

T

hế là đã ngót 30 năm kỷ niệm, ngày mở toang cửa ải khốc liệt nhất trên vùng đất cát rát bỏng bom rơi đạn nổ, mở đường tiến vào Nam, để ca trọn khúc khải hoàn quanh ngọn cờ thống nhất. Chiến trường đã khép lại thách thức máu lửa, để mở ra những thách thức mồ hôi hai sương một nắng đầy gay gắt của hòa bình. Cuộc “tổng duyệt binh” 30 năm giải phóng Quảng Trị, theo cách nhìn biểu tượng, đó cũng là cuộc tổng duyệt chặng đường 30 năm sau giải phóng cùng dân tộc. Mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi người dân, mỗi tri thức và mỗi cây bút chúng ta có dịp nhìn lại chặng đường đã trải qua, một thời kỳ phục sinh đầy ý nghĩa sau vết thương chiến tranh dai dẳng – thê lương – và khốc liệt.

            Hòa bình, đó là món quà lớn nhất được xây dựng và tận hưởng từng ý nghĩa máu thịt – hiến dâng – hy sinh của nó. Và trong ba mươi năm hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, một thời kỳ rất hiếm có trong lịch sử dân tộc, chúng ta đang nhận ra một bài học hệ trọng rằng: Hòa bình là một sự nghiệp, một cách thức cam go diễn ra thường xuyên liên tục. Tất nhiên không ai trong chúng ta mảy may ngớ ngẩn so sánh mồ hôi của một công nhân thời bình với máu của một chiến binh thời chiến, bởi chúng khác nhau một trời một vực. Nhưng, chúng ta nhận diện những khó khăn trong hòa bình, là nhận ra một thực tại, một chặng đường khác của dân tộc. Mục đích của chiến tranh là: chiến thắng. Nhưng mục đích của hòa bình đang đòi hỏi chúng ta: hiện đại tiến bộ - giàu mạnh – công bằng văn minh.

            Thời điểm “tổng duyệt” chiến thắng còn xảy ra vào thời gian cửa mở vô cùng quan trọng, đó là, cuộc diễu hành qua bản lề thiên niên kỷ thứ ba. Có quá nhiều biến cố trọng đại để tinh thần chúng ta thực hiện một biến cố: suy tư. Mỗi ngành, mỗi nghề đều có cách suy tư chuyên sâu của mình. Ở đây, với danh phận một cây bút có viết văn, làm thơ, viết báo, cùng tương quan với các cây bút khác, tôi xin được trình bày suy tư của mình hình thành không chỉ trong tư tưởng mà còn trong thực tại chuyên môn chung.

            Sau chiến tranh, dân tộc ta liền hối hả, thậm chí lăn xả vào xây dựng hòa bình. Có bao nhiêu việc phải làm, nào nhà cháy, cầu sập, đường hố bom, điện mất, trường không có…Nhưng trái lại có một bộ phận không nhỏ dân chúng, viên chức, và các cây bút rơi vào tình trạng:muốn hưởng thụ, muốn sống gấp hòa bình. Nhiều cây bút nghĩ, chỉ có chiến tranh mới phải dấn thân, còn hòa bình là lúc xả hơi, đường ta ta cứ đi, còn gì lo âu thúc bách, mà không gối cao ngủ kỷ…Việc này, đặc biệt với các cây bút là vô cùng hệ trọng, vì văn bút nghĩa là văn nhân, là chữ nghĩa của thánh hiền, không thể không đi tiên phong trong sứ mệnh văn hóa của dân tộc. Sự xả hơi (tôi chỉ bàn đến tính bộ phận, chứ không phải toàn bộ) của không ít các cây bút phản ánh ở chỗ nào? Có phải chúng ta vẫn đi sớm về muộn, hì hục, tay năm tay mười viết các loại bài…không! Chắc hẳn nhìn quả biết cây! Không có gì công bằng hơn đối với các cây bút là nhìn sáng tác của họ, những bài viết, những cuốn sách, những bài thơ. Hiện nay, nói chung, rất khó khăn cho nhiều báo để kiếm một bài phóng sự. Hiếm! và rất hiếm! Tại sao vậy? Vì viết phóng sự, thì phải đi sâu đi sát tình huống, xuống cơ sở, xông pha vào những nhân vật và sự kiện…Chao ơi khó khăn đầu tiên là phải đi, nghĩ đã mệt, nhưng còn cố được; nhưng khó khăn phải va chạm tới những con người, không ông to bà lớn bề thế, thì cũng đám du thủ du thục đùa với tính mạng người như những quân bài…nghĩ mà nản. Nản thì buông xuôi, không muốn làm. Nghề làm báo xưa nay, phẩm chất được người đời coi trọng nhất là: hiện thực và chân lý. Muốn có hiện thực thì đi sát cơ sở, nhưng ngại đi, thì hiện thực có tự sinh sôi trên ngòi bút? Muốn có chân lý thì phải đối mặt với sự kiện, nhưng thần hồn nát thần tính, không chỉ sợ tầm vĩ mô, mà còn sợ hộ dạ dầy không được lấp đầy, thì chân lý hạ sinh cách nào đây? Một số tác giả nước ngoài, khi tìm hiểu những nghệ sĩ của ta có bảo, các anh giàu chất thơ và ít chất thực quá. Chất thực là gì? Là dân tộc ta đang ngày ngày phải đối mặt với những vấn đề sống còn đời sống, nào xuất khẩu gạo giảm, ngành đường kính thua lỗ, công ăn việc làm thiếu, giáo dục học thêm nhiều hơn học thật, buôn lậu, ma túy, mại dâm, buôn người…thì không thấy được nêu ra, chỉ thấy những bộ phim, những bài thơ: mấy chú bé chăn trâu búi tó, thả sáo diều, hồn không tư lự, thân nhẹ như đang nhảy chân sáo ở chốn bồng lai, những con đò thư thái trôi dọc hai bờ yên ả, mái chèo khua êm ái không làm vỡ những bóng mây trên trời thả bóng…

            Vì không tiếp cận hiện thực, trên bình diện chung, không những chúng ta có rất ít bài báo thuyết phục, mà còn có rất ít tác giả có diện mạo thuyết phục. Không ít tác giả nhận ra điều này, và để cải thiện cho danh tiếng của mình, họ ào ào lấn bước sang sân diễn của nhà thơ. Kết quả có rất nhiều nhà báo khoác áo nhà thơ, và có rất đông nhà thơ lao vào đất báo để kiếm sống. Kết quả, nhiều cây bút viết thế nào? Họ viết báo như làm thơ, tóm lại chỉ có một chút hiện thực, nhưng pha chế biết bao tán tỉnh, bột ngọt, bột nở, vô thưởng vô hại, xem cũng được, không xem chẳng sao…nó giống một bài thơ, chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, thì phán xét cách chi. Mặt khác, họ làm thơ lại như viết báo, thôi thì: chuyện bạn bè, hàng xóm, yêu đương, giường chiếu, công sở, cuốn – hút vào thơ tất. Làm thơ như kể chuyện sinh hoạt mỗi ngày mỗi chuyện.

            Tình trạng không nhỏ chút nào, thậm chí nó phản ánh một hiện thực tâm trí rất đáng quan ngại của chúng ta. Theo nhiều báo, đặc biệt là báo Người Hà Nội, mới đây có nêu lên hiện tượng thơ phường, thơ xã. Tại sao, không có câu lạc bộ tiểu thuyết phường, hay phóng sự xã. Vì phóng sự xã không thể va chạm vào hiện thực của xã, nào ruộng đất, nào cửa quyền, nào thất nghiệp, còn làm thơ thì vô thưởng vô phạt chẳng đụng đến ai, vô can! Còn tiểu thuyết, thì phải tập trung, chưa nói trí tuệ và văn hóa, phải nhiều hơn, mực nhiều hơn, công sức nhiều hơn.

            Đây là một thực trạng đang làm văn hóa chúng ta, hơn thế làm suy yếu đời sống tinh thần của dân tộc. Ở xứ ta, lĩnh vực khoa học kỹ thuật còn rất tụt hậu, đa số cây bút lại chỉ biết chuyên chú vào thơ, thậm chí có những giáo sư đại học ngót cả đời rèn rũa trí thức, mà cũng chỉ cho chào đời tập thơ, không thể hiện gì được những tri thức của mình…thì tình hình trí tuệ của nước nhà ra sao? Nhìn sang, nền văn học trung quốc, là cái nôi sơ sinh của thơ Đường, tứ tuyệt, song thất lục bát…Vậy mà trong những năm gần đây, họ còn sôi sục lên những cao trào viết tiểu thuyết và tiểu thuyết nhiều tập. Điều đó đáng quan tâm hơn, vì tiểu thuyết dù chưa nhiều tưởng tượng nhưng cũng chứa rất nhiều hiện thực, va chạm, và thách đố của đời sống. Và nhà văn buộc phải cố gắng hơn nhiều biểu hiện những trí thức, khả năng logic, và sức va chạm hiện thực.

            Còn hiện thực của nước ta? Chủ yếu mới chỉ có các nhà thơ xúc tác vào bằng những chùm thơ be bé, ngăn ngắn, xinh xinh. Ở đây, tôi không có ý định chê bai thơ, nhưng muốn bàn thấu đáo về quan niệm con đường thơ của chúng ta. Thơ là chữ nghĩa, là tư tưởng, là sức tưởng tượng vô hạn, là đôi cánh khát khao của tri thức, là cách bày tỏ quyền sống của nhân cách, của lương tri thì không nói làm gì. Đằng này, nhiều cây bút thơ của ta vẫn nhiễm nặng lối phong kiến u mê ngày trước coi thơ chỉ là thứ: “Thơ ngâm phú đọc”. Tóm lại đó là thú nhàn tả, nhâm nhi, thưởng hoa, vong nguyệt, làm thơ. Chúng ta hãy đặt một câu hỏi cầu thị rằng: nếu những cây bút chỉ mong viết “ kẻ ngâm, người vịnh, rồi xuýt xoa, rồi xưng tụng” thì văn bút của chúng ta đã làm được gì để nâng đỡ hiện thực cuộc đời? Hỏi để phản tỉnh lẫn nhau thôi, thực chất, từ xưa, cha ông ta đã phân biệt: văn thơ gắn liền với sứ mệnh kinh bang tế thế lớn hơn hẳn thứ văn thơ mua vui thù tạc.

            Đó là đời sống hiện thực của văn thơ. Đời sống đó còn biểu hiện và bày tỏ ra bên ngoài tâm lý của những cây bút trẻ ngày nay. Chỉ có thơ tình và thơ tình. Thiếu trách nhiệm không chỉ với cuộc đời, mà trong từng nhận xét, từng ý kiến với thơ văn của người khác nói riêng, và toàn thể đời sống văn học nói chung.

            Hiện nay, để tiến bước trên con đường hiện đại chúng ta thử tổng duyệt nhìn kỹ mình, ít nhất một lần, có phải chúng ta đang nhiễm nặng thói quen này:  xưa kia học hành  sôi kinh nấu sử, làm quan, có địa vị rõ ràng, sau mới uống rượu làm thơ để thưởng thức cuộc đời như tao nhân mặc khách. Vén tay áo rộng viết được một chữ xuýt xoa rầm trời, đóng khung treo, còn làm được bốn câu tứ tuyệt thì tụng xưng dậy trời đến nguyệt phải thẹn, sông núi phải hờn…

            Ngày nay, nếu cây bút nào còn khư khư ôm trò khoe mẻ đó thì tự ám sát mình. Bởi lẽ, ngày nay, con người hiện đại sống bằng danh dự chuyên môn, chứ không chỉ bằng nhãn quan quan lại, một cầu thủ bóng đá tài ba, có thể còn giàu hơn tổng thống, một nhà văn, nhà báo, nhà thơ tài ba thì còn khả vọng nhiều hơn. Còn gì đáng ao ước và khả quan hơn, chữ nghĩa là sản phẩm của tinh thần, cũng chính là sứ mệnh của tinh thần khi nó băng qua khỏi cổng nhà vong ngã để chạy ra con đường của mọi người, của dân tộc, và của lịch sử để chia sẻ và hoan ca cùng những bàn chân đắng cay đang khải hoàn trên quảng trường chiến thắng.

            Vậy, có đáng để mỗi cây bút chúng ta lựa chọn: sự ấm thân phì gia dưới mái nhà vị kỷ, và sự dấn thân vinh quang dưới bầu trời vị tha hòa tan mình cùng dân tộc?

            Mong rằng bài viết của tôi, là một bàn chân, một lời ca, cùng cả đoàn diễu hành đang đi qua trước khải hoàn môn.

 

                                                                                                       N.H.Đ    

Nguyễn Hoàng Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 82 tháng 07/2001

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground