Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn hóa Quảng Trị, tầm nhìn hôm nay

T

rong những ngày cuối năm 2006 này, cả nước đang xôn xao xáo động vì một luồng gió mới, một không gian sinh tồn mới khi Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO. Hàng loạt cuộc hội thảo trên bình diện toàn quốc được các phương tiện thông tin đại chúng truyền đi khiến người ta có cảm giác như Tổ quốc đang sắp bước vào một cuộc tổng tiến công mới, lại cũng có cảm giác như có cơn đại cuồng phong siêu cấp nào đó sắp đổ bộ vào. Náo nức rộn ràng và thấp thỏm lo âu...

Có hai bình diện được bàn tới sôi nổi nhất và cũng cấp tập nhất. Một là giới doanh nhân, được coi như là những binh đoàn tiên phong xuất trận, hoặc xanh cỏ hoặc đỏ ngực. Hai là nông dân - nông nghiệp - nông thôn, được coi là hậu phương trực tiến của tiền tuyến, hoặc là lồng lộng cờ hoa chờ người vinh quy bái tổ, hoặc lại bị tàn sát thảm khốc như ngày nào phải hứng chịu chiến tranh phá hoại của kẻ thù?... Là tôi cũng nói quá lên vậy để mà hình dung hết mọi cơ hội và thách thức; và cũng để khẳng định một thế trận mới mà ở đó chỉ có xông lên, chỉ có tiến công mới bảo đảm sự tồn tại.

Tuy nhiên, hầu như chưa thấy ai bàn gì về sự thử thách tồn vong của văn hóa? Phải chăng vì Văn hóa không phải là người lính tiên phong? Văn hóa chưa bao giờ sụp đổ hoặc phá sản ngay tức thì kể cả khi nền văn minh quốc gia sụp đổ?

Đúng là như vậy. Tuy nhiên, chúng ta hãy hình dung hai hình ảnh này. Một căn nhà đổ sập sau cơn bão, đau đớn và mất mát như một sự thật không chối cãi. Nhưng có thể sau một vài năm với nổ lực cá nhân và trợ giúp của cộng đồng, căn nhà lại được dựng lên. Và khi căn nhà mới dựng lên - đôi khi còn khang trang hơn nhà cũ - thì đau thương, mất mát chỉ còn là một kỷ niệm. Nhưng nếu một gia đình sụp đổ về gia phong, tan nát về hạnh phúc, băng hoại về đạo lý... hậu quả sẽ thế nào và nó đau đớn kéo dài đến bao lâu? Bỗng nhiên tôi nhớ đến câu thành ngữ của cha ông: Đêm nằm bằng năm ở! Có vẻ như bấy lâu nay ta chưa hiểu thâm ý sâu xa của câu nói này, cứ nghĩ đơn giản là: Làm gì thì làm, phải biết lo cho một đêm ngủ thật tốt. Thế nào là một đêm ngủ tốt? Không phải chỉ là chăn ấm, gối êm; khối kẻ nằm trên gối cao, đệm dày nhưng vẫn chập chờn ác mộng, bàng hoàng, lơ láo không sao chợp mắt được. Còn có người chỉ cần ngả lưng xuống ổ rơm mà vẫn nồng ấm giấc dài. Giấc ngủ say thuộc về con người thanh thản, con người ấm no, con người lương thiện. Năm ở là khái niệm chỉ cuộc sống người đó. Và như vậy có thể hiểu thế này, cả một năm làm việc, bon chen, phấn đấu, cốt để có một đêm ngủ thật ngon, thật yên lành...

Vậy thì, hỡi những binh đoàn kinh tế tiên phong, hãy chiến đấu, chiến thắng, tiền thật nhiều, lãi thật lớn, tiến lên thống lĩnh thương trường thế giới. Nhưng xin đừng quên lời dạy ông cha, xin hãy quay lại nhìn xem dân tộc mình, làng xóm mình, trong đó có gia đình, ông bà, cha mẹ, vợ con mình có được một đêm nằm ngủ ngon trọn vẹn?

Cũng trong những tháng cuối năm 2006 này, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã họp bàn ra một Nghị quyết cực kỳ quan trọng. Đó là Nghị quyết chuyên đề về khai thác tiềm năng hành lang kinh tế Đông - Tây. Có thể coi đây là lễ xuất quân của Quảng Trị cùng các tập đoàn cả nước tiến vào WTO. Theo suy nghĩ cá nhân tôi, xét trên bình diện văn hóa, Nghị quyết này là một cột mốc lịch sử?

Trong một vài lần trước đây, ở đôi ba diễn đàn đâu đó khi bàn về đặc trưng Văn hóa Quảng Trị, tôi có đưa ra ba yếu tố quan trọng. Một là Văn hóa có tính mạch nguồn. Hai là văn hóa của nơi cửa ngõ, của một vùng đất giao thoa. Ba là Văn hóa của một gia tài di sản đồ sộ về lịch sử chiến tranh cách mạng. Trong ba yếu tố này thì có một là tụ, còn hai yếu tố là tán. Di sản chiến tranh cách mạng là sự hội tụ. Còn mạch nguồn cửa ngõ là tán. Nguồn là nơi phát sinh, nhưng cũng như những mạch nước trong núi, những nhánh suối trong rừng, tất cả bản sắc của nó sẽ tụ ở nơi khác. Còn cửa ngõ là nơi chào khách, tưởng lúc nào cũng nhộn nhịp vui vầy, nhưng khách chỉ chào mời, bắt tay rồi vẫy tay đi qua. Cửa ngõ chứ không phải là Quảng trường, không phải là đại lễ đường để khách dừng lại. Xưa là như vậy, còn nay thì sao?

Trong hành lang kinh tế Đông - Tây mà trục đường 9 là trục huyết mạch, Quảng Trị được xác định là điểm "Đầu cầu về phía Việt Nam". Quả thật, trong lịch sử phát triển của con đường Xuyên á, chưa có thời kỳ nào Quảng Trị lại nhộn nhịp, tấp nập người qua kẻ lại như những tháng năm này.

Trong diễn trình lịch sử Văn hóa Quảng Trị, chúng ta đã chứng kiến những thời kỳ giao thoa văn hóa kéo dài hàng trăm năm, nó phản ánh những cuộc di cư triền miên và rỉ rắc, những vụ hợp nhất các nền văn minh vừa bi hùng vừa lãng mạn, những tháng năm dài xâm cư, xâm canh của các hệ tộc người khi thì như cướp giật, khi lại mưa dầm thấm đất… Nhưng có lẽ theo tôi, không có cuộc giao thoa nào ồ ạt, cấp tập, đồ sộ như cuộc giao thoa hôm nay khi Nhịp cầu Xuyên á mở ra trong thời đại Việt Nam hội nhập sâu vào thế giới. Có thể vài trăm năm sau, lịch sử Văn hóa Quảng Trị sẽ ghi lại rằng, cái thập kỷ này là thập kỷ của cơn Đại hồng thuỷ Mê Công, mang phù sa của cả một vùng đất bao la từ Trung Quốc, ấn độ, Miến Điện, Thái Lan… tràn vào Quảng Trị, bồi đắp cho mảnh đất khô cằn này trở nên phì nhiêu, đồng thời cũng có thể xé tan từng mảnh làng hiền từ, trong trẻo của Quảng Trị vào dòng lũ quét.

Văn hóa là sự lựa chọn. Trong lịch sử của dân tộc cũng đã từng có thời kỳ giai cấp thống trị lựa chọn sự bế quan toả cảng để độc trị, độc tôn. Tuy nhiên, với dân tộc thì không. Lịch sử văn hóa Việt Nam kể từ chiếc trống đồng Ngọc Lũ trở đi đã chứng minh tâm thế dân tộc Việt Nam là giao lưu hội nhập, là sống chung với nhân loại mà vẫn giữ riêng vẻ đẹp của chính mình. Chúng ta không hề ngây  thơ tin rằng thế giới quanh ta tất thảy đều hoa thơm trái ngọt, nhưng chúng ta cũng không quá yếu bóng vía để rồi nhìn quanh toàn thấy dịch cúm gia cầm với HiV. Gần đây, bỗng nhiên xuất hiện câu khẩu hiệu (Có lẽ xuất phát điểm là ở miền Nam): Hãy sống chung với lũ. Lũ là một tai họa thiên nhiên đứng vào hàng bậc nhất, là nỗi kinh hoàng truyền kiếp của tất cả các cộng đồng dân cư miền sông nước. Ông cha từng tổng kết: "Thuỷ, hỏa, đạo, tặc". Giặc giã tưởng là ghê thế mà xếp hàng thứ tư. Lũ mới là hoạ đầu. Tuy nhiên, cuộc sống thật công bằng. Lũ quét tan làng mạc, giết chết nhiều người. Nhưng lũ cũng mang về phù sa, tiêu diệt sâu bọ… Hãy hình dung đồng ruộng Việt Nam liên tục dăm năm không có lũ sẽ ra sao? Thế nên, cách lựa chọn khôn ngoan nhất là sống chung với nó, tìm cách tránh cái ác, khai thác cái lợi. Đó chính là cách ứng xử của chúng ta hôm nay khi bước vào biển lớn WTO.

Theo truyền thống, muốn trị thuỷ một con sông thường có ba phương pháp, được phát minh theo ba thời kỳ tương ứng với trình độ văn minh của đất nước. Giai đoạn xa xưa nhất là đắp đê dọc theo sông. Giai đoạn gần hơn là đào sông nắn dòng. Còn gần đây nhất là chặn sông thành hồ để vừa khai thác thuỷ điện vừa điều tiết dòng nước. Tôi cho rằng, đối với dòng chảy văn hóa thế giới hôm nay, chúng ta không thể đắp đê phòng thủ, cũng khó có thể nắn dòng, mà nên dùng phương pháp thứ ba để vừa khai thác, vừa điều tiết. Đó chính là tạo ra những bể chứa, ở đó ta hoàn toàn chủ động quản lý, khai thác, sử dụng và điều tiết. "Bể chứa" đó chính là một Không gian văn hóa giao lưu hội nhập, là một biện pháp hữu hiệu nhất, là tầm nhìn, cách nghĩ và cách làm Văn hóa thời buổi hôm nay.

Vậy, Không gian văn hóa là cái gì?  Gồm những gì? Và Không gian văn hóa giao lưu hội nhập thì nó ra làm sao?

Hiểu một cách đầy đủ nhất thì không gian văn hóa (KGVH) là một khái niệm chỉ phạm vi địa lý của một vùng đất, một cộng đồng dân cư mà ở đó từ truyền thống, điều kiện sống, cơ sở vật chất cũng như nếp sống, thói quen tập tục đều có đầy đủ các yếu tố tạo nên một bản sắc văn hóa riêng. Nếu định nghĩa Văn hóa như là mùa màng của một vụ gieo trồng (Culture), thì Không gian văn hóa đó phải bao gồm: Đồng ruộng với đầy đủ yếu tố chất đất, thuỷ lợi, lại thêm thói quen canh tác, đức tính người lao động, trình độ kỹ thuật, lại cả giống lúa quen trồng, lại thêm loại phân bón phù hợp…

Vậy, để có một Không gian văn hóa giao lưu hội nhập, ta cần đầu tư tập trung vào những vùng trọng điểm giao lưu, thậm chí những không gian tập trung cụ thể như: Vùng cửa khẩu, vùng đô thị, vùng sinh thái, những công viên gặp gỡ lớn, mà ở đó từ cơ sở vật chất đến môi trường sống, nếp sinh hoạt, ứng xử, khả năng tư duy phù hợp với giao lưu hội nhập, đều toát lên khát vọng giao lưu văn hóa. Và đương nhiên, trên cái nền văn hóa ấy, người ta phải biết khai thác nó tối đa cho phát triển kinh tế, phát triển sự sống.

Trong những năm qua, bằng tư duy đúng và đầu tư đồng bộ, Quảng Trị đã hình thành một không gian văn hóa tưởng niệm, một cõi thiêng. Từ đó mà hình thành một tour du lịch đặc biệt "Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội" Bây giờ đến lượt xác định đặc trưng Văn hóa mạch nguồn, ít nhất ta thấy hiện rõ thế mạnh này trong ba cố đô khởi điểm và kháng chiến (ái Tử - Tân Sở và Cam Lộ) và rõ hơn là hai địa chỉ phát tích tôn giáo (Sắc Tứ Và La Vang) cần phải làm gì để tạo ra Không gian Văn hoá mạch nguồn này? và, nếu xác định đặc trưng thứ ba của Văn hóa Quảng Trị là Cửa Ngõ, nếu coi tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây là thế mạnh có tính chiến lược lâu dài, là huyết mạch cho sự phát triển của Quảng Trị, thì việc tạo dựng ra "Một không gian văn hóa giao lưu" là tầm nhìn chiến lược về Văn hóa Quảng Trị hôm nay.

X.Đ

 

Xuân Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 149 tháng 02/2007

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground