Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghĩa tình xuân biên giới

Bút ký dự thi

Đứng ở Đồn Biên phòng Cù Bai xã Hướng Lập, nhìn ra phía trước mặt là sông Sê Băng Hiêng hiền hòa mang con nước và phù sa từ phía Việt rồi chảy ngược, bồi đắp cho phía bạn Lào. Con sông chảy ngược như vậy từ bao đời nay qua biết bao nhiêu mùa hạn, nhưng chưa bao giờ cạn nước. Rồi cũng từ đồn biên phòng nhìn về bên kia sông là dãy núi Brai hùng vĩ với phiến đá vôi thẫm màu, xen lẫn cây rừng nhiều năm tuổi mang vẻ kỳ bí. Già làng Hồ Trùng ở bản Tà Păng chỉ tay về phía dãy núi Brai sừng sững, bảo rằng trong những năm chiến tranh, núi Brai là mái nhà còn dòng sông là nơi cung cấp cá, cung cấp nước nuôi sống đồng bào Vân Kiều qua những ngày đạn bom ác liệt. Rồi khi chiến tranh qua đi, người Vân Kiều ở nơi này trở lại cuộc sống đời thường, họ dựng nhà ở ngay bên sông Sê Băng Hiêng và núi Brai. Bây giờ, điểm tựa của bản làng khi giáp mặt với “cuộc chiến” xóa đói giảm nghèo trong thời bình, không phải là núi, là sông, mà là… những người lính biên phòng.

Trả ơn “cột mốc sống”

Bản Tà Păng của xã Hướng Lập có 27 nóc nhà sàn, tựa lưng vào một nhánh sông Sê Băng Hiêng. Tà Păng thuộc diện khó khăn nhất về đường giao thông, kinh tế xã hội so với các thôn bản khác mà Đồn Biên phòng Cù Bai quản lý. Đứng ở bản Tà Păng, chỉ cần xăn quần, lội qua sông là đã sang biên giới, thuộc phần đất của Lào. Tà Păng cách trung tâm xã Hướng Lập hơn 10 cây số, đường đi rất khó khăn, đất ruộng trồng lúa ít, không được màu mỡ cho lắm, nhưng người dân đã cắm dùi, bám trụ ở đây từ nhiều đời trước.

Già làng Hồ Trùng của bản Tà Păng nói rằng, sự hiện diện của những nóc nhà ở bản Tà Păng có nhiều ý nghĩa - “mỗi ngôi nhà là một cột mốc”. Tuy nhiên, không ít “cột mốc” ở Tà Păng không được vững chãi. Đó là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên ngôi nhà của họ dựng lên sơ sài, tạm bợ, chưa che được nắng mưa. Trung tá Nguyễn Quang Tuấn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Bai nói rằng, đơn vị khó làm tốt công tác đảm bảo an ninh nơi vùng biên này nếu không dựa vào người dân, nhất là dân bản Tà Păng. Vì vậy, ngoài thực hiện nhiệm vụ được giao, đồn biên phòng còn phải liên tục “ngả mũ” đi xin hỗ trợ cho đồng bào.

Cuối bản Tà Păng, có ngôi nhà nhỏ của thanh niên 30 tuổi tên Hồ Văn Kỳ. Số tuổi không nhiều, nhưng Kỳ lập gia đình sớm, đến nay đã có ba người con. Con đông, của không có, lại ốm đau, nên cuộc sống khó khăn. Mỗi ngày, đủ thứ việc ập lên đầu Kỳ, nhưng thanh niên này rất nhiệt tình và có trách nhiệm, mỗi lúc thấy có người lạ vượt biên hay có gì bất thường, Kỳ báo ngay cho biên phòng để có hướng xử lý. “Muốn “cột mốc sống” này được vững chãi, nên khi chúng tôi đi vận động được 150 triệu đồng của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động để xây dựng ba ngôi nhà tình nghĩa, Kỳ được chọn đầu tiên” - trung tá Tuấn nói.

Vì là đơn vị hỗ trợ tiền để xây dựng nhà, nên trước tết âm lịch Kỷ Hợi 2019 vừa rồi, hôm nào tôi cũng gọi điện cho cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai thúc giục tiến độ xây dựng ba ngôi nhà tình nghĩa ở địa bàn do đồn quản lý. Tết nhất đến nơi, nếu nhà xây dựng không xong, thì đồng nghĩa với việc ba hộ gia đình phải tá túc trong nhà tạm. Thúc giục nhiều lần, nhưng tiến độ không mấy khả quan vì thời tiết không ủng hộ, cứ mưa dầm dề ngày này sang ngày khác. Cứ hôm nào theo dõi thấy thời tiết ráo là cán bộ chiến sĩ sẵn sàng tinh thần đi phụ hồ. Nhưng thời tiết ở đây như cô con gái mới lớn, sáng nắng chiều mưa riết.

Cũng may mắn, khi chỉ còn chưa đầy một tháng là đến Tết thì trời khô ráo và nắng hửng lên. Thế là, cán bộ chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Cù Bai chia làm ba tốp, hỗ trợ xây dựng ba ngôi nhà của anh Hồ Văn Kỳ bản Tà Păng, Hồ Văn Minh thôn Chai xã Hướng Việt và Hồ Văn Bui thôn Cuôi - Cựp xã Hướng Lập. Trước đó, từ việc dỡ bỏ ngôi nhà sàn cũ, đào móng ngôi nhà mới, đến việc làm sắt, đổ trụ… lính biên phòng đều có mặt. Mỗi người hỗ trợ một việc, cán bộ xã, dân quân xã và hàng xóm của chủ nhà thấy vậy, cũng cử người đến góp một tay. Nhờ vậy, chi phí 50 triệu đồng hỗ trợ chủ yếu để mua vật liệu và trả ít công cho thợ cả. Thợ phụ, thợ đụng có sẵn, gỗ cũng có sẵn, nên mỗi ngôi nhà nói là 50 triệu đồng nhưng thực tế tổng giá trị lớn hơn rất nhiều.

Mất nhiều ngày trông ngóng thời tiết và chạy đua với thời gian, rồi ba ngôi nhà tình nghĩa cũng hoàn thành, được khánh thành và bàn giao cho ba gia đình sử dụng vào dịp trước Tết. Hôm nhận nhà, “cột mốc” Hồ Văn Kỳ kể, để ngôi nhà được hoàn thành đúng tiến độ, có nhiều ngày lực lượng biên phòng và dân quân xã cùng với gia đình anh làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Kỳ chia sẻ: “Mọi người hỗ trợ hết mình và đây là thành quả. Gia đình được vào ở ngôi nhà đẹp, vững chãi như thế này thì sung sướng quá”.

Đem Tết về cho bản làng

Ở Tà Păng có một điểm trường tạm, hằng tuần thầy cô giáo ở miền xuôi lên dạy học, không có nhà công vụ nên phải xin dân bản ở nhờ. Thấu hiểu sự khó khăn của giáo viên và học sinh nơi đây khi phải học tập trong điều kiện vô cùng khó khăn, điểm trường tạm bợ, bốn bề vách nứa, Đồn Biên phòng Cù Bai đã vận động các nhà hảo tâm tiến hành sửa chữa một phòng học và một phòng giáo viên, diện tích 80m2; xây mới một phòng học 50m2, nhà vệ sinh, nhà bếp, làm sân bê tông. Tổng mức đầu tư thực hiện công trình gần 380 triệu đồng.

Có trường học rồi, những gia đình khó khăn cũng được làm nhà tình nghĩa rồi. Nhưng để giúp người dân thoát nghèo, từng đó là chưa đủ. Thấy đất của bà con để hoang hóa không ít, nếu trồng lúa thì không hiệu quả, nhưng có thể chuyển sang cây trồng khác. Trăn trở với sự nghèo khó của người dân, những người lính biên phòng Cù Bai đi tìm giống cây để trồng thử nghiệm. Thế rồi, cả trăm gốc chuối mật mốc và mấy sào cỏ voi được đưa về, trồng thử nghiệm ở vùng đất lâu nay bỏ hoang hóa. Sau mấy tháng thử nghiệm, chuối mật mốc vươn lên xanh tốt và đã trổ buồng, còn cỏ voi thì xanh ngút. Thấy bộ đội trồng chuối và cỏ tốt, những hộ dân ở Tà Păng bắt đầu học theo...

Ngày giáp tết Nguyên đán, tôi vào thăm ngôi nhà của Hồ Văn Kỳ ở bản Tà Păng, rồi cùng già làng Hồ Trùng ghé lại Đồn Biên phòng Cù Bai, khi cán bộ chiến sĩ đang tất bật gói và nấu bánh chưng. Do số lượng bánh được gói nhiều, gần hai trăm cặp, nên phải chia ra nấu nhiều lần. Sau một đêm đỏ lửa, mẻ bánh chưng đầu tiên chín tới được vớt ra thì mẻ bánh mới được đặt vào nấu tiếp. Để rồi sau đó, những cặp bánh chưng vuông vức do chính tay lính biên phòng gói ghém sẽ là phần quà gửi về các bản làng dọc tuyến biên giới hai xã Hướng Lập và Hướng Việt để tặng cho các hộ dân là đồng bào thiểu số Vân Kiều, Pa Cô có hoàn cảnh khó khăn ăn Tết. Ngoài ra, các bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, già làng trưởng bản… cũng có những phần quà Tết để động viên. Trong dịp Tết này, tính sơ sơ, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Bai đã đóng góp kinh phí và vận động, kêu gọi được khoảng 35 triệu đồng dành tặng cho người dân.

35 triệu đồng là không lớn, mấy ngôi nhà tình nghĩa hay điểm trường ở Tà Păng, cùng với mấy trăm gốc chuối và sào cỏ voi thử nghiệm cũng không lớn. Nhưng với đồng bào nghèo ở nơi này, đó là cả một sự động viên to lớn, cũng như sự nỗ lực của cả tập thể cán bộ, chiến sĩ. Bởi, nhiệm vụ của Đồn Biên phòng Cù Bai khi quản lý địa bàn hai xã Hướng Việt và Hướng Lập với chiều dài đường biên giới 28,588 km, có 14 thôn bản với hơn 3.000 nhân khẩu là cả một “trời” công việc. Với tính chất địa bàn nội, ngoại biên rộng, đường sá đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở chủ yếu là rừng núi, nhiều đường mòn qua lại biên giới thì tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp. Nhưng với trách nhiệm của mình, cán bộ chiến sĩ ở đây không chỉ làm tròn nhiệm vụ, mà còn “gánh” vác thêm những hộ nghèo như anh Kỳ, anh Bui, anh Minh…

“Ở nhà đã chuẩn bị đầy đủ để đón Tết chưa anh nhà báo?” - anh lính biên phòng trẻ măng vừa buộc lạt gói bánh, vừa đặt câu hỏi. Tôi không vội trả lời, mà hỏi ngược lại về gia đình anh. Anh bảo, khả năng hết Tết mới về nhà: “Tết này em ở lại đây, đón Tết cùng bà con bản làng”. Rồi anh lính nhìn sang già Hồ Trùng, nhắn sáng mùng Một sẽ ghé nhà xin chén rượu đầu năm. Già Trùng cười tươi, nói rằng năm nay ở bản mổ lợn, chia mỗi nhà một ít đón Tết, còn nếp và bánh chưng bộ đội cho sẽ dùng vào ngày đầu năm mới.

L.H.T

 

 

LÂM HƯNG THƠ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 294 tháng 03/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground