Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi lên từ đất

BÚT KÝ dự thi

 

B

ây giờ bên kia đồi, trên đường vào choi Khe Nánh, đã mọc lên một ngôi nhà nhỏ xinh xắn và một trang trại nông nghiệp theo mô hình “đa cây, đa con” trên diện tích bốn héc ta. Nông trại không lớn nhưng quy hoạch chỉnh chu: Trên đồi là hai héc ta cao su, cây lâm nghiệp, chân đồi là trại chăn nuôi lợn, gà và các loại cây ăn quả khoảng một héc ta. Dưới khe là cải tạo các thửa ruộng một vụ năng suất thấp thành một hệ thống ao hồ nuôi cá nước ngọt liên hoàn rộng khoảng một héc ta…

Lê Đức Quang Huy và vợ là Trần Thị Thủy, chủ nhân của trang trại tiếp tôi với nụ cười niềm nở: “Gia đình cháu đã vượt qua được khó khăn ban đầu của thời kỳ khởi nghiệp, nay cuộc sống ổn định, được công nhận là hộ Sản xuất kinh doanh - dịch vụ giỏi của xã 5 năm liền. Năm 2018 gia đình được tặng “Giải thưởng Bông sen hồng của huyện”.

Xin nói thêm, từ năm 2008 huyện Vĩnh Linh đã đặt ra giải thưởng “Bông sen hồng”, hàng năm vào ngày Truyền thống của huyện 25/8 để trao tặng cho các học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, các cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi, các cán bộ, công chức, viên chức xuất sắc và các điển hình hoạt động công tác xã hội. Những người được khen thưởng là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở địa phương.

*

Có lẽ tôi cũng như những ai là con dân của làng Lai Bình xã Vĩnh Chấp huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị khi xa quê đều mang theo ký ức tuổi thơ khổ nghèo lam lũ của một vùng bán sơn địa cỗi cằn. Nhắc đến tên làng ai cũng chỉ nhớ đến truyền thống đấu tranh cách mạng mà không thể tìm ra dấu vết ký ức trù phú giàu sang. Sự nghèo này nó thể hiện ở chỗ trong cải cách ruộng đất năm 1956, đấu tố mấy vòng khốc liệt nhưng dân làng và đội cải cách vẫn không thể tìm ra hộ nào địa chủ ở làng.

Những địa danh: Choi Mụ Bống, Khe Lòi Bậy, Khe Nánh đồng nghĩa với chua phèn, sim mua, tràm chổi. Trong mấy địa danh ấy, tôi nhớ nhất là Khe Nánh. Khe Nánh là doi ruộng hẹp nằm giữa hai quả đồi đất. Ruộng Khe Nánh nổi tiếng chua phèn, người đi cày đi cấy về váng phèn bám vàng móng chân móng tay phải bứt lá mua nhám như tờ giấy nhám đánh thật lâu mới hết. Ruộng Khe Nánh mỗi năm chỉ làm được vụ đông xuân, mà năng suất ngày xưa cũng chỉ trên dưới dăm chục cân thóc một sào Trung Bộ, còn vụ hè thu thì ruộng bỏ hoang, thành khu thả rông trâu bò của đám mục đồng bán sơn địa.

Trong ký ức tôi, Khe Nánh còn là thao trường tập bắn súng bộ binh của các đơn vị bộ đội đóng quân trong vùng. Lý do để bộ đội chọn nơi này làm trường bắn tập bởi lẽ: vùng đất hoang vắng này không ai canh tác vì thế không có bóng người qua… Cứ sau mỗi lần bộ đội tập bắn xong lá cờ đỏ trên đỉnh đồi được hạ xuống báo hiệu vùng bắn tập đã hết nguy hiểm là lúc tụi nhóc chúng tôi ùa lên săn tìm đầu đạn găm sâu trong tường đất sau chỗ cắm bia, để mang đầu đạn về làm súng diêm, để trao đổi như vật ngang giá chung với lũ học trò cùng trường cấp 1. Khe Nánh như là thiên đường kỳ bí của tuổi thơ, nhưng nó lại như một vùng đất không để lại ấn tượng gì trong các thế hệ kế nhau bám làng lập nghiệp.

Cho đến một ngày…

*

Huy kể:

Cháu tốt nghiệp Đại học năm 24 tuổi. Cầm tấm bằng cử nhân báo chí về làng, sau mấy lần thi vào các cơ quan báo chí địa phương rồi thi công chức không đỗ, cháu mới ngộ ra rằng: Để ký được tên xuống dưới mỗi bài báo, nhận vài trăm ngàn đồng nhuận bút chẳng phải dễ dàng gì và lại càng không thể là con đường mưu sinh như mơ ước…

Mỗi người vào đời mưu sinh một cách nhưng với vợ chồng Huy - Thủy thì câu “bắt đầu từ đất đai lao động đi lên” chính xác tuyệt đối. Trong khi chưa định hướng được con đường lập thân, Huy đi làm thuê mà tư liệu sản xuất là cái cuốc và sức thanh niên. Ngoài công việc của gia đình, trong xóm, trong xã ở đâu có người kêu cuốc đất lật cỏ là Huy có mặt và làm hùng hục. Trong khi chưa có được chút tích lũy vốn liếng gì thì việc phải đến đã đến. Năm 2008 Huy lập gia đình với Thủy. Thủy tốt nghiệp Trung cấp kế toán ra trường cũng chưa có việc làm. Huy đùa: “Hai đứa thất nghiệp về với nhau tạo nên một gia đình thất nghiệp”… Nhưng cũng chính từ đây đôi vợ chồng trẻ chính thức hoạch định kế hoạch thoát nghèo.

Đầu tiên là xin phép bố mẹ ra ở riêng. Bố mẹ đẻ đồng ý và chuyển giao cho hai vợ chồng trẻ 4 héc ta đất trồng rừng theo dự án 327. Có đất vào thời điểm cao su trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đang được giá nên hai vợ chồng Huy bàn bạc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất trồng cao su là cây công nghiệp dài ngày được Bộ Nông nghiệp xác nhận là loại cây đa dạng sinh học. Tuy nhiên gia đình đã không đồng ý cho vợ chồng Huy trồng cao su với hai lý do: Thứ nhất, từ bao đời nay vùng quê này chưa ai trồng cao su bao giờ, mọi bước tiên phong đột phá sẽ gặp rủi ro cao. Thứ hai, vốn đầu tư để trồng một héc ta cao su khá lớn so với điều kiện của một hộ nông dân nghèo khởi nghiệp.

Sau nhiều đêm trăn trở bàn bạc, hai vợ chồng Huy quyết định xây dựng mô hình trang trại nông nghiệp tổng hợp và kiên trì thuyết phục gia đình đồng tình với ý tưởng của mình. Cuối cùng gia đình đồng ý cho chuyển đổi và bàn giao hoàn toàn quyền sử dụng mảnh đất 4 héc ta để vợ chồng Huy trồng cao su.

Có đất nhưng không có vốn. Để phục hóa 4 héc ta đất rừng nghèo thành lô cao su xây dựng cơ bản theo đúng quy trình kỹ thuật, san ủi mặt bằng, đào hố, phân bón và trộn phân lấp hố, mua cây giống, trồng và chăm sóc trong khi trong tay không có một đồng vốn nào, lại chưa có kinh nghiệm cũng như hiểu biết kỹ thật về cao su là chuyện không hề đơn giản.

Nhưng một khi đã quyết tâm, đã bàn bạc thuận chồng thuận vợ thì không có gì có thể cản trở.

Với đôi tay và con dao rựa, hai vợ chồng làm ngày làm đêm để phát dọn thực bì giải phóng mặt bằng. Có thể nói rằng mỗi ngày làm việc của hai vợ chồng bắt đầu từ tờ mờ sáng, trưa nghỉ nửa giờ rồi tiếp tục làm đến tối nhọ mặt người. Sức trẻ và ý chí vươn lên cuối cùng đã thắng. Phát dọn thực bì xong không có tiền thuê máy san ủi, hai vợ chồng tiếp tục dùng cuốc cuốc đất san lấp hố bom. Vợ chồng hì hục cuốc đất cả đêm trăng sáng. Kể thì nhanh nhưng để có được 4 ha đất đưa vào trồng trọt, hai vợ chồng Huy đã làm liên tục 2 năm ròng. Dân làng ai cũng trầm trồ: Thật khó mà có được nghị lực và quyết tâm phi thường như của hai vợ chồng ấy.

Đất đai đã sẵn sàng đợi mùa gieo trồng nhưng phân bón và cây giống thì không tự làm được mà phải mua, mua thì không có tiền. Vợ chồng Huy tạo vốn bằng một kiểu chẳng giống ai: Gõ cửa nhờ sự trợ giúp của ông bà nội ngoại, của bạn bè và bán chiếc xe máy mà bố mẹ mua cho từ thời sinh viên… Tất cả vốn liếng lập nghiệp được 40 triệu đồng. Một mình lặn lội vào tận Bình Phước để mua giống cây cao su. Lần đầu tiên trong đời phải đi xa một mình, bao nhiêu điều lo lắng, nhưng rồi sau một tuần 1.200 cây cao su đã về đến nhà. Vì đất đai đã chuẩn bị chu đáo nên việc trồng cây hoàn thành nhanh gọn trong thời gian ngắn, trong lòng cảm thấy rất sung sướng vì ước mơ đã thực hiện được.

Nhưng mọi chuyện không như mong đợi, vì không nắm được kỹ thuật chọn giống và cách trồng nên toàn bộ hơn 2 ha cao su sau khi trồng xong gặp mưa dầm gió bấc rồi tiếp đến nắng hạn gió Lào, nên cây cứ chết dần chết mòn. Sau nửa năm tỷ lệ cây sống đạt kích thước kỹ thuật chỉ khoảng 5%. Về nguyên tắc, với tỷ lệ sống ấy, toàn bộ diện tích phải trồng lại hoàn toàn. Đây thực sự là đòn choáng váng đầu tiên của hai vợ chồng: mất trắng vốn đầu tư cây giống, lại thêm nhiều lời ra tiếng vào, làng xóm ai cũng khuyên bảo: “Quay lại lối cũ thôi, cứ trồng tràm, keo cho chắc ăn, đất này phù hợp với cây lâm nghiệp…”.

Nhưng chí đã quyết, hai vợ chồng bắt tay làm lại từ đầu. Trong lúc chờ thời vụ để đất năm sau trồng tiếp, chuyển toàn bộ diện tích đã khai hoang sang trồng các cây ngắn ngày truyền thống ở địa phương như lạc, ném, sắn… với phương châm lấy ngắn nuôi dài.

Thu hoạch lạc, ném, sắn hai vợ chồng đủ tiền để mua giống cao su trồng lại. Rút kinh nghiệm từ bài học thất bại lần trước, học hỏi kinh nghiệm của những người đã trồng cao su lâu năm trong vùng, đêm đêm hai vợ chồng mở máy tính nghiên cứu thêm quy trình kỹ thuật trồng cao su trên mạng. Từ những kiến thức tích lũy được hai vợ chồng quyết định tự tay chọn giống, tự trồng không thuê người trồng như năm trước.

Nhờ đất phân giống được chuẩn bị chu đáo, nhất là lượng phân hữu cơ được ủ từ thân cây lạc khá dồi dào lại chọn đúng thời vụ để trồng nên cây cao su phát triển khỏe mạnh. Công đoạn chăm sóc cao su cơ bản hai vợ chồng cũng tự làm. Trên diện tích trồng cao su chưa khép tán, hai vợ chồng tiếp tục luân canh các loại cây họ đậu để tăng độ phì nhiêu, bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Cây cao su kiến thiết cơ bản đòi hỏi lượng phân hữu cơ rất lớn. Khi diện tích cao su trồng mới đã phát triển ổn định, để khắc phục tình trạng thiếu phân hữu cơ, vợ chồng Huy quyết định mở thêm trang trại chăn nuôi tổng hợp quy mô nhỏ với mục tiêu tận dụng nguồn phế thải từ hữu cơ bón cho cao su.

Vạn sự khởi đầu nan, mở ra trang trại chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Chăn nuôi đòi hỏi kỹ thuật cao vốn đầu tư lớn, nhất là khâu xây dựng chuồng trại, thức ăn và phòng trừ dịch bệnh. Quan sát địa hình khu đất, vợ chồng Huy quyết định quy hoạch mô hình trang trại liên hoàn. Trên đồi trồng cao su và trại nuôi gà đồi, dưới chân đồi là chuồng trại nuôi lợn giống cung ứng cho bà con trong vùng và lợn thịt bán cho thương lái. Dưới hợp thủy, ruộng một vụ bấp bênh được chuyển đổi và cải tạo thành dãy hồ ao nuôi cá nước ngọt, có mương dẫn và thoát nước, có hệ thống đập kiên cố để giữ nước cho toàn bộ diện tích ao hồ và xây dựng cống tiêu khi lũ lụt bất thường…

Vừa học vừa làm, vừa tích lũy vốn và không ngừng mở rộng quy mô trang trại sát với thực tiễn sản xuất, đó là phương châm phát triển của vợ chồng Huy - Thủy. Vì vậy từ nguồn vốn tự có 40 triệu ban đầu, sau bốn năm phấn đấu hai vợ chồng đã tạo dựng được mô hình trang trại nông nghiệp tổng hợp có giá trị hàng tỷ đồng đủ thế chấp vay vốn ngân hàng hàng trăm triệu đồng đầu tư phát triển tiếp theo.

Để quản lý tốt mô hình trang trại, bản thân Huy đã học thêm lớp Trung cấp thú y, nghiên cứu tham khảo nhiều loại sách hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cao su, tràm. Sau một thời gian tìm hiểu nghiên cứu đến nay Huy đã nắm chắc được kỹ thuật và quy trình trồng, chăm sóc các loại cây có trong trang trại. Nắm vững quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh lợn, gà, cá theo quy mô trang trại hộ gia đình. Đàn lợn và đàn gà sinh trưởng phát triển tốt. Do hiểu rõ quy định của Pháp luật nên trang trại Huy - Thủy đãlàm tốt công tác vệ sinh môi trường. Phân lợn, phân gà được xử lý là nguồn phân bón dồi dào cho cao su, cây ăn quả trong trang trại. Quá trình xử lý chất thải thực hiện theo quy trình khép kín nên không ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.

Hiện tại, vợ chồng Huy - Thủy có 1 ha cao su kinh doanh, trang trại chăn nuôi quy mô 200 lợn thịt, 500 gà thịt mỗi lứa, gần 1 ha ao hồ mặt nước nuôi cá thu hoạch 2 đến 3 tấn cá/năm. Tổng thu nhập từ trang trại khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm.

Huy chia sẻ: Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp tuy không mới trên địa bàn huyện Vĩnh Linh nhưng mô hình này có lợi thế hơn các mô hình độc canh khác là tính chất bền vững, chăn nuôi hỗ trợ trồng trọt, lấy ngắn nuôi dài, phù hợp với điều kiện khởi nghiệp của những hộ gia đình ít vốn. Trong thời gian tới gia đình có kế hoạch trồng 2 ha cây ăn quả, để cung cấp cho thị trường các loại trái cây sạch không dùng chất kích thích chỉ dùng phân hữu cơ và mở thêm cơ sở cung cấp cây, con giống cho bà con trên địa bàn.

*

Được biết vợ chồng Huy - Thủy đều là những Đảng viên trẻ của Chi bộ Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Trước khi chia tay, tôi đã hỏi một câu rất… chính trị:

- Hiện nay, một số thanh niên khi vào đời đặt mục tiêu làm giàu lên trên hết mà không quan tâm nhiều đến chính trị xã hội. Động lực nào thúc đẩy cả hai vợ chồng vừa lập nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn vừa phấn đấu trở thành Đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Tôi thật bất ngờ khi nhận được câu trả lời cũng rất “chính trị” của Huy:

- Suy cho cùng thì mọi cuộc cách mạng xã hội đều có mục tiêu mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế hệ cha ông đã đổ máu hy sinh giành lại độc lập tự do thì trách nhiệm thế hệ chúng cháu phải xây dựng đất nước quê hương ngày càng giàu đẹp, đó là sự kế tục tất yếu. Sinh ra từ làng, bọn cháu góp phần làm đổi mới bộ mặt quê hương là nằm trong đường hướng mục tiêu ấy.

T.P.T

 

 

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground