Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhìn lại vấn đề tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật


Thực tiễn cho thấy, có những quan niệm khác nhau về tự do nói chung, về tự do trong sáng tạo nghệ thuật nói riêng. Vì vậy, để có cơ sở bàn về vấn đề tự do thì điều đầu tiên là phải thống nhất được về quan niệm.

Trước hết, có lẽ cần phải phân biệt tự do như một phạm trù của triết học, luật pháp, chính trị, đạo đức, tôn giáo… với tự do thuộc phạm trù sáng tạo nghệ thuật. Tuy nó không hoàn toàn biệt lập, tách rời nhau, nhưng không phải trong trường hợp nào cũng thống nhất. Về logic, có vẻ cái nọ tạo điều kiện, tạo tiền đề và đảm bảo cho cái kia được thực hiện. Song trên thực tế, nhìn vào thực tiễn nghệ thuật nhân loại sẽ thấy không phải như vậy. Không ít trường hợp đứng ở góc độ là công dân của một quốc gia thì hoàn toàn có tự do, được luật pháp thừa nhân và chế định; nhưng ở góc độ là nghệ sĩ thì chưa chắc đã có tự do. Vì tự do ở đây đã mang một tính chất khác, một ý nghĩa khác.

Chúng ta biết, dưới thời Xô Viết, vào những năm ba mươi của thế kỷ XX, mặc dù nền văn học vô sản mang tên Hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được khai sinh ở Liên Xô từ 1932, trở thành nền văn học xã hội chủ nghĩa hàng đầu trên thế giới, nhưng do tệ sùng bái cá nhân, tệ giáo điều và các thiết chế thiếu dân chủ mà hàng ngàn nhà văn bị lưu đày, bị hãm hại. Rất nhiều những nhà văn tên tuổi lừng lẫy phải tự tử. Tuy vẫn có những thành tựu được ghi nhận nhưng nhìn chung, đó là một thời kỳ u ám trong lịch sử văn học Xô Viết.

Thời kỳ đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc cũng vậy. Hàng ngàn nhà văn, nhà trí thức, văn nghệ sĩ bị hạ phóng, đưa về nông thôn, về những nơi xa xôi hẻo lánh để cải tạo tư tưởng nhằm phục vụ cho một mục đích chính trị nhất thời. Dấu ấn bi thảm của thời kỳ sùng bái cá nhân cực đoan này còn để lại khá đậm, khá nặng nề trong văn học Trung Quốc các thời kỳ sau này.

Trái lại, ở Việt Nam, trong thời kỳ 1930 - 1945, mặc dù bị thực dân Pháp đô hộ, bị kiểm duyệt gắt gao nhưng văn học nghệ thuật vẫn phát triển theo quy luật riêng của nó. Không chỉ khuynh hướng văn học nghệ thuật yêu nước và cách mạng tìm được cơ hội, được điều kiện để phát triển mà cả văn học nghệ thuật thuộc các khuynh hướng khác cũng phát triển tương tự như vậy. Những thành tựu đa dạng, phong phú của văn học nghệ thuật thời kỳ này được đánh giá là thành tựu đỉnh cao về nghệ thuật. Các tác giả thuộc nhiều thể loại, nhiều trào lưu, khuynh hướng cho đến nay vẫn được tôn vinh là “thế hệ vàng” trong văn chương.

Những ví dụ trên cho thấy, có tự do với ý nghĩa là quyền công dân của một nước tự do chưa chắc đã là có tự do thực sự cho nghệ thuật vì đó là một thứ tự do tinh thần, tự do tư tưởng của một loại hình ý thức xã hội đặc thù, một lĩnh vực sáng tạo đặc thù. Do đó, vấn đề tự do sáng tạo chỉ có thể được nhân thức và thực hiện trong quan hệ giữa tự do công dân và tự do nghệ sĩ. Nếu chỉ thực hiện được một nửa thì vấn đề tự do sáng tạo mỗi khi bàn đến vẫn cần phải được đặt trong các hoàn cảnh cụ thể, văn cảnh cụ thể, các bối cảnh lịch sử và nghệ thuật cụ thể.

Không ít người cho rằng, bản chất của sáng tạo nghệ thuật là tự do. Nó là điều kiện để sáng tạo nghệ thuật. Không có tự do sẽ không có thơ, ca, nhạc, họa; không có nguồn cảm hứng để tạo sinh ra các công trình, tác phẩm. Tự do với nghệ sĩ giống như chim hót cần thiên nhiên, khí trời; hoa nở cần ánh sáng và dưỡng chất tự nhiên… Quả đúng như vậy! Không ai bắt được nhà văn phải xúc cảm và cầm bút khi họ không rung động, không yêu thương và căm giận, không nhận thấy tác phẩm của họ cần cho ai, phục vụ cho mục đích gì?

Nhưng cũng không ít người nghĩ khác rằng: không phải khi nào nghệ sĩ cũng tìm thấy được hoàn cảnh tự do và không phải khi nào tác phẩm nghệ thuật cũng sinh ra từ tự do, bắt đầu từ tự do. Cũng giống như hoa trồng trong chậu, trong nhà kính vẫn đẹp, vẫn thơm; chim nuôi trong lồng vẫn hót, thậm chí hót hay hơn chim ngoài đại ngàn do được nuôi dưỡng tốt. Còn sáng tạo văn chương? Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh chẳng phải sáng tác trong nhà lao tàn khốc của Tưởng Giới Thạch đấy là gì? Phu-xích chẳng từng “viết dưới giá treo cổ” đó sao? Chẳng phải nghệ sĩ tài hoa Vũ Như Tô đã từng khước từ nghệ thuật, từ chối sáng tạo vì không chịu khuất phục cường quyền, nhưng rồi cũng chính ông với sự trợ giúp của Đan Thiềm đã lại mượn cường quyền để thực hiện giấc mơ sáng tạo khiến cho quần chúng nhân dân nổi giận đó sao? Hay vô số tác phẩm trong văn học Việt Nam và thế giới chẳng ra đời trong bão tố cách mạng, trong lò lửa chiến tranh, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo thiếu thốn, dưới sự truy sát của kẻ thù mà vẫn hay, vẫn có giá trị đó sao?

Như vậy có nghĩa là, trong những hoàn cảnh không tự do, những điều kiện thiếu tự do vẫn có thể có tự do sáng tạo, có rung động thẩm mĩ để có những tác phẩm nghệ thuật có giá trị về nhiều mặt. Do vậy, vấn đề tự do sáng tạo ở đây cần được hiểu là trạng thái tinh thần-tư tưởng, là rung động tâm hồn, là lý tưởng thẩm mĩ cá nhân của nghệ sĩ. Thiếu những thứ tự do đó thì ngay cả tự do công dân cũng không đủ đảm bảo cho tác phẩm nghệ thuật ra đời. Đây là một vấn đề khá phức tạp liên quan đến khoa học sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật. Do vậy, việc nhìn nhận và giải quyết vấn đề không chỉ dừng lại ở những quan điểm phi văn nghệ và theo logic thông thường.

Vấn đề tự do sáng tạo được nêu ra từ bao giờ? Trong hoàn cảnh nào? Đó là những câu hỏi không khó trả lời, nhưng để trả lời cụ thể và đầy đủ, có luận chứng khoa học thì không dễ chút nào.

Như đã nói ở trên, sáng tạo nghệ thuật từ trong bản chất đã luôn luôn cần một thứ tự do cho chính nó. Nhờ sự tự do đó mới có tác phẩm nghệ thuật, mới có văn học. Nhưng ngược lại, văn học nghệ thuật nói chung do phải thực hiện các chức năng vốn có lại không vô tư chút nào, nếu không muốn nói là không hoàn toàn tự do. Từ khi ra đời và phát triển qua các thời kỳ lịch sử, trở thành nhu cầu tinh thần thiết yếu của xã hội và con người, văn học nghệ thuật luôn luôn phải đảm nhiệm những chức năng khác nhau tùy theo mỗi thời đại, khi là sinh hoạt giải trí tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng; khi là sự thăng hoa trí tuệ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, ca ngợi thành quả lao động sáng tạo, ca ngợi chiến công và phản ánh hiện thực lịch sử văn hóa của các thời đại, các dân tộc; khi thì phục vụ cho lợi ích của các tầng lớp, các giai cấp trong xã hội; khi thì được trao cho những sứ mệnh lớn lao vì con người và sự phát triển tiến bộ của xã hội… Như vậy, tự do sáng tạo của văn học, nghệ thuật là thứ tự do được ý thức, tự do tự giác để phục vụ, hiến tế, hiến dâng cho những sự nghiệp mà văn học nghệ thuật cho là Chân-Thiện-Mĩ. Đó không phải là thứ tự do muốn viết gì thì viết, không cần cho ai, không cho cộng đồng nào, dân tộc nào.

Với quan điểm này, nhìn nhận lại lịch sử văn học thế giới, từ thời Cổ đại đến thời Trung cổ, Phục hưng, thời đại Cổ điển, thời đại Ánh sáng, thời kỳ Cận đại và Hiện đại… tuy trải qua các hình thái phát triển xã hội và đấu tranh giai cấp, văn học luôn luôn hoàn thành sứ mệnh của mình, nhưng trên phương diện lý luận, chúng ta thấy ít có công trình nào bàn trực diện vào vấn đề tự do sáng tạo. Từ công trình của Aristotle đến các công trình của Boalo, Lessing, các nhà tư tưởng và nhà văn lớn của thời kỳ Ánh sáng… đều ít thấy đề cập. Ngay cả quan điểm về văn học nghệ thuật của Marx và Engels, tuy thấm nhuần tư tưởng cách mạng, học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp, tính khuynh hướng… nhưng vẫn không xem vấn đề tự do sáng tạo như một nội dung cần bàn. Phải đến V. Lenin, khi cách mạng vô sản thành công ở Nga, trong văn kiện Tổ chức đảng và văn học có tính đảng, sau khi xác định văn học là bánh xe, là đinh vít trong toàn bộ guồng máy cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, ông mới yêu cầu đây là lĩnh vực cần dành “vị trí thích đáng cho tự do tư tưởng và sáng tạo”. Chính trong thời kỳ này, M. Gorki - nhà văn vô sản Nga đã đưa ra mệnh đề nổi tiếng: “văn học là nhân học”. Với sứ mệnh như vậy, vấn đề tự do sáng tạo trong văn học Nga - Xô Viết dường như được mặc định trong toàn bộ hệ thống quan điểm văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, kể cả rất nhiều công trình lý luận văn học ra đời vào các thời kỳ sau này.

Ở Trung Quốc, trong một hoàn cảnh lịch sử và một thể chế xã hội tương tự, nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa được coi là mang màu sắc Trung Quốc cũng phát triển qua nhiều giai đoạn, gắn với không khí chính trị và quan điểm văn nghệ từng thời kỳ. Quan điểm “Văn nghệ tòng thuộc chính trị” được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra và giới văn nghệ vận dụng trong một thời kỳ dài, có thể xem là quan điểm liên quan trực tiếp làm xuất phát vấn đề tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Với quan điểm này, văn học trở thành công cụ, thành lợi khí đấu tranh, thành phương tiện tuyên truyền, cổ vũ cho các phong trào, các cuộc vận động cách mạng của Trung Quốc. Chỉ đến thời kỳ cải cách và mở cửa trở đi, quan điểm này mới được nhận thức lại. Mệnh đề “Văn nghệ tòng thuộc chính trị” giờ đây đã được điều chỉnh thành “Văn nghệ đồng hành cùng chính trị”. Với sự nhận thức lại và điều chỉnh này, vấn đề tự do sáng tạo không còn bị ràng buộc, lệ thuộc vào chính trị như trước. Với phương châm “giải phóng tư tưởng” văn học Trung Quốc đương đại với các trào lưu như: văn học phản tỉnh, văn học vết thương, văn học phản tư, văn học nữ quyền… đã đưa sự phát triển của lịch sử văn học đương đại Trung Quốc sang một thời kỳ mới. Vấn đề tự do sáng tạo dường như đã có được một quan điểm nhìn nhận mới, phù hợp hơn.

Ở Việt Nam, từ thời Trung đại, tuy vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề các quan niệm văn học và mĩ học Trung Hoa nhưng cũng đã sớm hình thành một nền văn học mang những đặc điểm lớn của tư tưởng và văn hóa Việt Nam. Dưới tác động của hoàn cảnh lịch sử và thực tiễn phát triển của xã hội, các thể tài văn học chức năng như: Hịch, Cáo, Chiếu, Biểu, Thơ văn xứ trình, Tế, Phú… ra đời, đảm đương các chức năng hành chính của văn chương. Bên cạnh đó là các thể văn nghệ thuật như: Thơ chữ Hán, Thơ chữ Nôm, Truyện thơ Nôm, Tiểu thuyết chương hồi, Ký… cũng phát triển và để lại nhiều thành tựu rực rỡ trong lịch sử văn học. Di sản lý luận văn nghệ của ông cha từ các thế kỷ này đã đúc kết thành các mệnh đề như: Văn dĩ tải đạo, Văn dĩ quán đạo, Văn dĩ minh đạo… Và thực tế, văn chương đã trở thành phương tiện chuyên chở đạo lý, ca tụng công đức, ca tụng vua sáng tôi hiền, ca tụng vẻ đẹp non sông đất nước… Trong điều kiện văn học, nghệ thuật phải đóng các chức năng xã hội, phải gò vào các quy ước, quy phạm, điển phạm, mĩ trị và húy kỵ như vậy nhưng vẫn ít thấy có lời bàn đến vấn đề tự do sáng tạo. Có chăng, đó là khát vọng được ngao du sơn thủy, được thưởng ngoạn vẻ đẹp, được tự do ngắm cảnh non xanh nước biếc để lấy cảm hứng mà thôi.

Từ giữa thế kỷ XIX trở đi, trước thảm họa Pháp xâm lược, các nhà nho và các chí sĩ yêu nước thời cận đại như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… đã dùng văn thơ để “tỏ chí”, “tỏ lòng” giống như các bậc hào kiệt thời trước, đồng thời thể hiện khí phách yêu nước, yêu dân: “thà đui mà giữ đạo nhà”, “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn Đình Chiểu)… Trong hoàn cảnh mất tự do như vậy, các nhà văn, nhà thơ, các chí sĩ yêu nước và cách mạng vẫn tìm thấy tự do trong sáng tạo, ít thấy ai than thở, phàn nàn gì về hoàn cảnh và sáng tác. Thay vì là niềm phẫn uất, là ý chí đánh đuổi ngoại xâm, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc.

Từ 1930 trở đi, với sự xuất hiện và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử văn học nói riêng đã chuyển sang một giai đoạn khác. Trên lĩnh vực tư tưởng lý luận, cuộc đấu tranh giữa hai phái Nghệ thuật vị nghệ thuật, đại diện là Hoài Thanh và Thiếu Sơn với phái Nghệ thuật vị nhân sinh, đại diện là nhà mác-xít Hải Triều và các đồng chí của ông đã cho thấy sự trưởng thành về tư duy lý luận, về quan niệm văn học. Dưới ảnh hưởng của những tư tưởng văn học vô sản từ Nga, Pháp, Trung Quốc và các nước châu Âu như M. Gorki, R. Roland, H. Bacbuyx, Lỗ Tấn… đặc biệt là dưới ảnh hưởng của thơ ca Xô Viết Nghệ Tĩnh, văn thơ của các chiến sĩ cách mạng trong tù, khuynh hướng văn học cách mạng đã hình thành, phát triển và phát huy ảnh hưởng bên cạnh các khuynh hướng văn học khác như văn học hiện thực phê phán, văn học lãng mạn… Do nảy sinh và phát triển trong quỹ đạo của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và dân chủ, tinh thần đấu tranh giai cấp, đấu tranh chống thực dân chi phối sâu sắc văn học cách mạng, từ đây, văn học đã được xem là lợi khí đấu tranh, lợi khí tuyên truyền cổ động, được các nhà lãnh đạo, các nhà tư tưởng sử dụng, nhất là từ khi Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) ra đời. Vốn ảnh hưởng của Tư tưởng văn nghệ Diên An (Trung Quốc) và cuốn sách của Jan Frevile giới thiệu các quan điểm của Marx - Engels về văn học nghệ thuật, đầu những năm bốn mươi của thế kỷ XX, Đặng Thai Mai đã cho xuất bản cuốn Văn học khái luận, đánh dấu sự phát triển của lý luận văn nghệ mác-xít sau đóng góp của Hải Triều, Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh, Hải Khách… thời kỳ những năm ba mươi. Ba phương châm: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng được nêu lên trong Đề cương văn hóa Việt Nam đã trở thành các quan điểm lý luận, các nguyên tắc sáng tạo văn học, nghệ thuật thời kỳ này. Đó là sự chuẩn bị tinh thần tích cực cho sự hình thành nền văn học cách mạng mới khởi đầu từ Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ 1945 trở đi, dưới chính thể mới dân chủ cộng hòa, nền văn học mới được khai sinh trong lòng chế độ mới trên cơ sở kế thừa, kế tục các thành tựu văn học thời kỳ trước, đồng thời mang thêm những phẩm chất cách tân và cách mạng. Các phương châm Dân tộc, Khoa học, Đại chúng vẫn được xác định là nguyên tắc lý luận cốt lõi của nền văn học. Nhưng đến lúc này, khi quần chúng công - nông - binh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành chủ nhân của chế độ mới, có sức mạnh chi phối lịch sử thì quan điểm quần chúng - đại chúng trở nên hấp dẫn và làm chuyển đổi cả hệ quan điểm tư tưởng và giá trị văn học. Đại chúng giờ đây trở thành một phẩm chất nghệ thuật mà văn nghệ sĩ cần phải giác ngộ, cần phải hướng tới, cần phải phản ánh và đáp ứng yêu cầu của họ. Trong một bối cảnh như vậy, các cuộc tranh luận nghệ thuật diễn ra từ thời kỳ Nhận đường (từ 1947 trở đi) như tranh luận Nghệ thuật và tuyên truyền, tranh luận tại Hội nghị văn nghệ bộ đội, tranh luận Sân khấu Việt Bắc và các sinh hoạt chính trị thời kỳ này cho thấy văn nghệ sĩ đã chủ động đầu quân vào nền văn học mới và tự nguyện xung kích trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Chính trong hoàn cảnh đó, Bác Hồ đã ra lời căn dặn: “Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (1951). Với anh chị em nghệ sĩ sân khấu, Bác dặn thêm: “phải làm chèo cho ra chèo, tuồng cho ra tuồng, chớ gieo vừng ra ngô”. Trong một bối cảnh lịch sử - xã hội - chính trị và văn học như vậy, tự do với ý nghĩa là công dân của một nước độc lập và tự do sáng tạo đã hòa quyện làm một để trở thành cảm hứng lớn tạo ra vô số tác phẩm để lại dấu ấn trong lịch sử văn học nghệ thuật, nhất là lịch sử văn học, nghệ thuật giai đoạn kháng chiến. Đó là thời kỳ lý tưởng công dân, lý tưởng nghệ sĩ gặp nhau ở tự do công dân  tự do sáng tạo. Vẻ hồn nhiên và thuần khiết của các rung động, cảm xúc đã mang đến những tác phẩm văn học, sân khấu, âm nhạc, hội họa… có sức sống trường tồn, sức lay động nhiều thế hệ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trước tác động của các sự kiện lịch sử, hòa bình tuy đã được lập lại nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt. Đây là thời kỳ nảy sinh nhiều vấn đề chính trị phức tạp, trong đó nổi lên vấn đề Nhân văn - giai phẩm và vấn đề Cải cách ruộng đất… Đây cũng là thời kỳ đất nước bắt tay vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Các trường đại học, các viện nghiên cứu được thành lập kéo theo sự ra đời của các bộ môn, các ngành khoa học, nghệ thuật. Trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nhiệm vụ đầu tiên là củng cố đội ngũ, thiết lập hệ thống nguyên tắc tư tưởng - thẩm mĩ cơ bản của nền văn học mới. Các giáo trình Lý luận văn học và Mĩ học chủ yếu của Liên Xô đã được dịch và giới thiệu, đưa vào chương trình học tập và giảng dạy trong các trường đại học. Lần đầu tiên, các hệ thống quan điểm lý luận mác-xít về văn học, nghệ thuật, các nguyên lý nghệ thuật, các khái niệm, thuộc tính, các quan điểm về bản chất, nguồn gốc, chức năng… của nền văn học được truyền bá rộng rãi. Trên cơ sở đó, nền lý luận, phê bình từng bước được xây dựng, hoàn thiện theo các chuẩn mực của nền văn học, nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Các khái niệm: Tính đảng, Tính giai cấp, Tính nhân dân… các quan điểm về bản chất, chức năng… các nguyên tắc về phương pháp sáng tác, các phạm trù thẩm mĩ nghệ thuật đã được tiếp thu, tiếp nhận để trở thành nền tảng lý luận, định hướng cho hoạt động sáng tạo, phê bình và thưởng thức. Trong bối cảnh đó, vai trò tổ chức lãnh đạo của Đảng đối với nền văn học nói chung, với lý luận, phê bình nghệ thuật nói riêng là điều cần thiết không thể phủ nhận.

Nhưng cũng chính trong hoàn ảnh đó, những bất đồng chính kiến, những vướng mắc về quan điểm tư tưởng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã nổ ra khá gay gắt, trong đó có cả những sai lầm phản động; có cả những sự thiếu thiện chí, không hiểu nhau; có cả những khát vọng chân thành lẫn những đòi hỏi thiếu chính đáng, thậm chí quá trớn về tự do sáng tạo. Đến nay, sau ngót một thế kỷ nhìn lại hiện tượng này, giới nghiên cứu lý luận, giới quản lý lãnh đạo và văn nghệ sĩ có phần thông cảm và hiểu nhau hơn. Nhưng ở thời điểm đó, sự cứng rắn của Đảng và sự quá giới hạn của văn nghệ sĩ là điều không dễ được chấp nhận. Từ đây, một thực tế tiếp theo đã diễn ra giữa một bên là các nhà quản lý lãnh đạo với phương châm chặt chẽ hơn về quan điểm tư tưởng, với một bên là nghệ sĩ luôn luôn hướng tới tự do và tinh thần dân chủ trong sáng tạo. Thực ra, đó không phải là vướng mắc chung của tất cả các văn nghệ sĩ và của nền văn học, nhưng ở một bộ phận văn nghệ sĩ, nhất là những văn nghệ sĩ có tài, có cá tính, có khát vọng tìm tòi lại cảm thấy dễ bị tổn thương mỗi khi tác phẩm của mình bị mang tiếng là “có vấn đề”! Cụm từ này đã trở thành ám ảnh không nguôi của các văn nghệ sĩ. Nhìn lại thực tiễn văn học thời kỳ cuối những năm năm mươi, đầu những năm sáu mươi của thế kỷ XX sẽ thấy, không chỉ những văn nghệ sĩ, trí thức dính dáng ít nhiều vào vụ Nhân văn - giai phẩm mà ngay cả những nhà văn, những nghệ sĩ rất đáng tin cậy cũng từng bị xem là “có vấn đề”. Những Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan, Vào đời của Hà Minh Tuân, Mở hầm của Nguyễn Dậu… đến cả những Một đảng viên (kịch) của Học Phi, Con nai đen (kịch) của Nguyễn Đình Thi, Voòng Zìn (kịch) của Hoài Giao - Thanh Hương… cũng bị xếp vào loại như vậy và từng chịu một sự phê phán có khi đến nghiệt ngã.

Trong thời kỳ chống Mĩ cứu nước, văn học, nghệ thuật bị hút vào đề tài chiến tranh với cảm hứng sử thi - lãng mạn. Âm hưởng hào hùng cách mạng đã chi phối toàn bộ nền văn học. Các nhà văn, các nghệ sĩ tự nguyện, tự giác gác lại những trăn trở, suy tư về các vấn đề của cá nhân để dành chỗ cho các vấn đề chung của cộng đồng, của Tổ quốc và Nhân dân. Trong hoàn cảnh đó, màu sắc lãng mạn, lý tưởng đã thấm nhuần cả giới văn nghệ sĩ. Họ hăng hái, tích cực “đến với những nơi tiên tiến, sống giữa những người tiên tiến”, “Đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần”, “Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để chiến thắng!”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (thơ Tố Hữu), “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” (Lê Mã Lương)… Vô vàn tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm âm nhạc, hội họa… sống cùng thời gian, đi cùng năm tháng, được vinh danh là giai điệu tự hào đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Sự tự do sáng tạo ở đây không còn là đòi hỏi bức xúc của cá nhân mà thay vào đó là khát vọng cống hiến, khát vọng phục vụ, khát vọng mang tác phẩm của mình đến với chiến sĩ và đồng bào đang tắm mình trong cuộc chiến đấu. Đòi hỏi tự do sáng tạo cá nhân không còn chỗ đứng vững trong khát vọng lớn đó.

Tuy vậy, vẫn không ít tác phẩm, không ít nghệ sĩ do tư chất, do sáng tạo tìm tòi, do mẫn cảm, đi trước thực tại, nhìn thấy trước vấn đề… mà tác phẩm trở nên gai góc, không thuận chiều và bị xem là “có vấn đề”! Tác giả chịu nhiều tai tiếng này trong lĩnh vực sân khấu là Xuân Trình. Với tư chất nhà văn, ông luôn luôn trăn trở, đi trước, đặt vấn đề trước cho nên con đường sáng tác của ông tuy rất vẻ vang nhưng không mấy suôn sẻ. Đã có người ví con đường sáng tác sân khấu của Xuân Trình là con đường nghiệp chướng. Dường như vở kịch nào của ông cũng bị coi là “có vấn đề”, nếu không bị đình bản thì cũng bị phê phán, nhắc nhở, chỉ trích nặng nề. Từ vở Quê hương Việt Nam (1968) đến Ngôi nhà trong thành phố, Lập xuân, Bạch đàn liễu, Thời tiết ngày mai, Mùa hè ở biển… đều không thoát khỏi cái “dớp” bị đình chỉ. Đạo diễn kỳ cựu Đình Quang khi dựng vở Bạch đàn liễu cũng bị mang tiếng oan bằng câu ca dao: “Đình Quang đạo diễn tài ba/ Dựng Bạch đàn liễu chửi cha chính quyền”. Còn đạo diễn - nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghi nổi danh vào hàng “tứ trụ” của sân khấu cũng không tránh khỏi chật vật và tai tiếng khi dàn dựng các vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan (Nguyễn Đình Thi), Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ… Rồi đến những vở Hà My của tôi (Doãn Hoàng Giang), Cô gái đội mũ nồi (Lưu Quang Vũ), Nhân danh công lý (Doãn Hoàng Giang), Tôi và chúng ta, Lời nói dối cuối cùng, Nếu anh không đốt lửa, Khoảnh khắc và vô tận… của Lưu Quang Vũ và nhiều vở kịch của các nghệ sĩ sân khấu khác cũng từng chịu tiếng là “có vấn đề”, đến nỗi cụm từ đó trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong giới nghệ sĩ sân khấu.

Ở lĩnh vực sáng tác văn học cũng tương tự như vậy. Sau những Văn ngan tướng công (Vũ Tú Nam); Cây táo ông Lành (Hoàng Cát); Đêm đợi tầu của Đỗ Phú Vòng trắng của Phạm Tiến Duật; Sẹo đất của Ngô Văn Phú… là hàng loạt tác phẩm như Tiếng hát tuyệt vời (kịch) của Đào Hồng Cẩm; Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh; Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn; Tướng về hưu, Vàng lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc… của Nguyễn Huy Thiệp; Thân phận tình yêu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn; Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường; rồi đến cả Ba người khác của Tô Hoài… đều ở những mức độ khác nhau bị xếp vào hàng “có vấn đề”!

Ở địa hạt lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, ngay từ cuối những năm bảy mươi của thế kỷ XX, sự xuất hiện các quan điểm của Hoàng Ngọc Hiến về Chủ nghĩa hiện thực phải đạo; Lê Ngọc Trà về Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực; ý kiến xung quanh một số tác giả, tác phẩm của một số nhà phê bình… cũng chịu chung số phận “có vấn đề”!

Thực tế dai dẳng đó tạo nên hiện tượng, có người cho là hạn chế tự do, thiếu dân chủ trong tìm tòi sáng tạo nghệ thuật, từ đó hạn chế tài năng, thiếu vắng tác phẩm lớn. Sự thực có những lúc, những nơi, những thời điểm, những tác giả, tác phẩm cụ thể đúng như vậy! Mặc dù, chúng ta có thể giải thích, biện luận bằng các lý do khách quan nào là giữ vững nguyên tắc; nào là phát hiện, phê phán quan điểm lệch lạc, sai trái; nào là tả khuynh, hữu khuynh… nhưng vẫn phải nghiêm túc thừa nhận rằng, có những lúc, những nơi, những vụ việc, do nhiều nguyên nhân đã dẫn đến thái độ đánh giá và xử lý cứng nhắc, khắt khe, thiếu thỏa đáng, thậm chí thiếu hiểu biết về lý luận nghệ thuật, dẫn đến chính trị hóa văn nghệ, suy diễn, áp đặt và quy chụp… tạo phản ứng tâm lý nặng nề, không kích thích được khát vọng tìm tòi, sáng tạo và phát hiện cái mới. Đây không còn là hiện tượng nhất thời, cá biệt mà là hiện tượng dai dẳng và khá phổ biến trong đời sống văn nghệ đã được đề cập trong nhiều sinh hoạt khoa học và các công trình nghiên cứu, tổng kết đánh giá văn học.

Từ thực tiễn nghệ thuật trên đây có thể thấy, vấn đề tự do luôn luôn được xem là bản chất, là điều kiện của sáng tạo nghệ thuật. Tuy ở thời đại nào văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ cũng phải đóng những vai trò nhất định, đảm nhiệm những chức năng nhất định và phải hoàn thành những sứ mệnh nhất định, nhưng rốt cuộc, để có văn học, nghệ thuật đích thực, để nó tồn tại như thiên chức của nó thì tự do luôn luôn phải là điều kiện thiết yếu. Nó không phải là thứ tự do được ban phát từ bên trên hoặc bên ngoài vào văn học mà là thứ tự do nảy sinh từ bên trong, tự do được ý thức, được dâng hiến, phục vụ cho những khát vọng sáng tạo, những lý tưởng xã hội và thẩm mĩ cao cả. Các khuynh hướng văn học nô dịch từng xuất hiện nơi này, nơi kia trên thế giới vào những hoàn cảnh lịch sử khác nhau đều ít nhiều lệ thuộc vào thái độ chính trị, vào lẽ dấn thân và đơn giản hơn là vào mưu cầu cá nhân. Trong trường hợp đó, tự do có khi là cái được ban phát cho nên nó không mấy ý nghĩa. Ngoại trừ trường hợp đó ra, tự do đối với mọi nền văn học, mọi nghệ sĩ thường được thực hiện trong điều kiện thống nhất hài hòa các khát vọng, các lý tưởng chung và riêng. Để có được thứ tự do này, sự áp đặt, hay chấp nhận miễn cưỡng đều không mang lại hiệu ứng lành mạnh. Nhìn vào thực tế lịch sử mỗi khi văn học, nghệ thuật được trao thêm các sứ mệnh, được gia tăng nhiệm vụ lịch sử và nghệ thuật được mở rộng thêm hệ thống quan niệm về bản chất, chức năng, tính chất, vai trò… của nó thì vấn đề tự do sáng tạo lại được đặt ra và có thêm những hệ lụy mới. Ví dụ, ở các nền văn học thuộc các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, từ khi quan điểm mác-xít trở thành nền tảng lý luận; khi các phạm trù Tính khuynh hướng, Tính Đảng, Tính giai cấp, Tính dân tộc, Tính nhân dân… được xác lập và trở thành các nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật; nhất là khi mối quan hệ giữa văn học với các hình thái ý thức xã hội khác, đặc biệt với chính trị, được định chế theo quan hệ chính - phụ, lệ thuộc thì vấn đề tự do sáng tạo lại nổi lên và phản ứng phần lớn từ phía văn nghệ sĩ. Có lẽ vì vậy mà ngay từ năm 1905, sau khi nói đến nguyên lý tính đảng và văn học đảng, V. Lenin đã lưu ý ngay đến vấn đề tự do cho sáng tạo. Còn ở Việt Nam, ngay sau khi cuộc đấu tranh chống Nhân văn - giai phẩm kết thúc, tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (1957), đồng chí Trường Chinh đã có bài phát biểu quan trọng, định hướng cho sự phát triển nền văn học, trong đó đồng chí đề cập khá sâu sắc và toàn diện vấn đề tự do trong sáng tạo, tự do cho văn học, nghệ thuật. Chỉ tiếc là về quan điểm chung thì như vậy, nhưng trong thực tế, suốt từ những năm đó cho đến tận bây giờ, mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, giữa sự lãnh đạo của Đảng với tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ vẫn luôn luôn bị bao phủ bởi các định kiến chưa được giải tỏa, tạo nên một tình trạng mơ hồ, vừa có vẻ có tự do, dân chủ, vừa có vẻ như chưa có hoặc có một cách không đầy đủ.

Sự thực thì nhiều chục năm qua, chưa lúc nào văn học, nghệ thuật không “có vấn đề”! Điều đó chưa chắc đã đáng buồn và cũng chưa chắc đã đáng vui. Đặt được vấn đề đó là đòi hỏi đối với tài năng và bản lĩnh của nghệ sĩ, đồng thời là đòi hỏi chung đối với thiên chức, nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật. Vậy thì “có vấn đề!” có gì phải buồn? Nhưng nếu vấn đề ấy lại là những vấn đề riêng tư, vụn vặt, không đáp ứng được mong mỏi của công chúng, có hại cho sự phát triển của xã hội và cuộc sống, có hại cho nghệ thuật… thì rất đáng được nhắc nhở, cảnh tỉnh và dành cho một thái độ phê phán thích đáng.

Vấn đề ở chỗ là, mỗi khi tác phẩm bị xem là “có vấn đề” thường xuất phát từ ý kiến của một số cá nhân các đồng chí là lãnh đạo chính trị - tư tưởng, là nhà quản lý nên dễ bị quy kết vào quan điểm, bị xử lý bằng biện pháp hành chính, do đó không gây được thiện cảm, không thuyết phục được văn nghệ sĩ, trái lại còn gây tâm lý không thoải mái, tạo nên định kiến, thậm chí mâu thuẫn giữa lãnh đạo với văn nghệ sĩ. Không ít trường hợp tác phẩm bị xử lý thô bạo, còn nhà văn, nhà nghệ sĩ bị quy chụp nặng nề, ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị và sinh mệnh nghệ thuật. Đây thực sự là vấn đề cần được nhận thức rõ và tìm giải pháp khắc phục để trả lại mối quan hệ hài hòa, lành mạnh, thân thiện và bền chặt giữa văn nghệ với chính trị.

Không thể phủ nhận được rằng, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đến nay, dưới tác động của đổi mới tư duy, kể cả tư duy chính trị lẫn tư duy văn nghệ và tư duy lý luận, vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị đã từng bước được nhận thức và giải quyết hài hòa hơn trước. Đó là cơ sở để nhận thức sâu hơn và giải quyết triệt để hơn vấn đề tự do sáng tạo. Tuy trên thực tế, tình trạng “có vấn đề!” vẫn tồn tại. Đó là hiện tượng bình thường trong lịch sử văn học. Vấn đề đặt ra là, đánh giá và xử lý như thế nào cho thỏa đáng. Rõ ràng, với những trường hợp lợi dụng tự do để chống phá chế độ, công kích sự lãnh đạo của Đảng, đả phá sự nghiệp đổi mới của đất nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia và dân tộc, tuyên truyền cho những lối sống suy đồi, phản nghệ thuật… thì cần thiết phải được nhận diện, được phê phán, được xử lý ở những mức độ tương ứng. Nhưng có những trường hợp vì say sưa kiếm tìm cái mới, say sưa khám phá phát hiện vấn đề, do chưa được nhận thức và xử lý thấu đáo, do nhiệt huyết sáng tạo… mà vượt qua giới hạn thì việc đánh giá đúng và chỉ ra có cơ sở khoa học, có lý lẽ nghệ thuật, có căn cứ chuyên môn… là điều hết sức cần thiết.

Kinh nghiệm từ thực tiễn văn học Trung Quốc những năm gần đây có thể giúp chúng ta có những tham khảo cần thiết và hữu ích. Tuy họ không buông xuôi văn nghệ, không phóng thích vấn đề tự do sáng tạo nhưng với chủ trương văn nghệ với chính trị là bạn, họ chủ trương không xử lý nóng đối với những tác phẩm văn nghệ “có vấn đề” bằng cách, một mặt họ thiết lập cơ chế tự miễn của văn học, giao văn học cho công chúng và các nhà phê bình mổ xẻ, phán xét; mặt khác, họ tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý các cơ quan có trách nhiệm về quản lý, xuất bản và phát hành. Như vậy, các hiện tượng sai trái vẫn được xử lý, đánh giá mà không tổn hại đến mối quan hệ giữa chính trị với văn nghệ.

Vấn đề cuối cùng cần bàn đến ở đây là, trong khoảng hai chục năm gần đây, khi công cuộc đổi mới và hội nhập đi vào chiều sâu; khi tác động của các quan điểm nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại trên thế giới đã ăn sâu vào tư duy lý luận, phê bình và sáng tác; khi nền dân chủ được mở rộng thì tự do sáng tạo cũng được tăng cường thêm. Thực tế là các nhà văn của chúng ta không còn bị hạn chế, thu hẹp bởi các vùng cấm kỵ, không còn bị “vòng kim cô” thít chặt trên đầu như một số nhà nghiên cứu mô tả thời kỳ trước Đổi mới, các khát vọng sáng tạo đã được mở rộng biên độ… Thế nhưng, tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn xứng tầm thời đại vẫn chưa xuất hiện. Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ khi đổ lỗi cho vấn đề tự do sáng tạo. Nếu xem tự do lớn nhất với văn nghệ sĩ là tự do sáng tạo, tự do phụng sự lý tưởng nghệ thuật cao cả, tự do phụng sự lý tưởng nhân văn, phụng sự cái Chân, cái Thiện, cái Mĩ… thì hình như chúng ta đã có rồi. Vấn đề là cơ chế để phát huy và vận hành tự do đó thế nào cho hợp lý và hiệu quả mà thôi.

P.T.T

 

PHAN TRỌNG THƯỞNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground