Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lặng thầm cho đất nở hoa

BÚT KÝ dự thi

M

ới ngày nào, cô thạc sĩ nông học đam mê đất đai, nước nôi, cây cỏ đã đi cả ngàn cây số vào Quảng Trị gặp tôi chỉ để tìm một câu trả lời: “Dấu tích chiến tranh ở đâu anh, sao em không thấy? Sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh ở đâu? Đâu là vành đai trắng? Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, Quảng Trị, Cam Lộ quê anh là nơi bị tàn phá đến 200%, vậy mà bây giờ, cuộc sống còn an hòa và trù mật hơn cả miền trung du cực bắc quê em nữa là sao?...”. 

Lần đó, tôi đã không trả lời em. Biết nói gì với em khi để cắt nghĩa được câu hỏi đó, người và đất quê tôi đã phải đi trọn hơn một phần tư thế kỉ, đổ ra không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, máu xương, can trường và bền bỉ hết thế hệ này đến thế hệ khác để làm cho đất đai trở về vẹn nguyên sự tơi xốp, lành lặn, mỡ màu; cho cuộc sống hồi sinh và giàu có, thịnh vượng từ đất.

Tôi đã đọc cho em nghe một đoạn trong bút ký “Hành lang của người và gió” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Nắng táp vào mặt tôi từng chiếc lưỡi nóng bỏng, như thể đâu đó giữa không trung, những con quái vật thời tiền sử đang phun lửa xuống mảnh đất khô khốc vùng hỏa tuyến. Gió tràn qua những ngôi làng đất bazan vùng Gio Linh, dấy lên những đám bụi đỏ mịt mùng. Dưới sức thiêu đốt của gió, tre già nổ ran như tiếng súng giao tranh trải khắp một vùng mênh mông dưới chân Dốc Miếu…”. Em đã rưng rưng nước mắt khi hình dung quê tôi ngày mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt và đã trắc ẩn thốt lên, đúng y như câu gan ruột mà nhà thơ Chế Lan Viên đã bật ra từ đáy lòng khi thăm khu chợ nghèo của quê hương Cam Lộ sau ngày giải phóng: “Cực đến thế, thương quá đi thôi!”.

Bây giờ, nhân dịp ba mươi năm tỉnh Quảng Trị lập lại, em vào thăm quê tôi. Tôi đưa em đi suốt dặm dài vùng đất Cam Lộ và tự hào khoe với em xưa nay nơi tôi và em đang đứng đây đã từng có những đặc sản vang danh khắp trong Nam, ngoài Bắc như bắp, lạc, hồ tiêu, mật ong, gỗ rừng trồng… Ngoài một ít đất ruộng màu mỡ ven sông Hiếu, Cam Lộ vốn là vùng bán sơn địa, do đó có thể thấy trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện thời, “bản đồ” sản vật của Cam Lộ, ngoài giữ lại thế mạnh về cây hồ tiêu, cây lâm nghiệp, còn được bổ sung thêm cây dược liệu. Đây là những loại cây trồng tỏ ra rất thích hợp và chỉ có thể gia tăng chất lượng sản phẩm nếu được trồng trên địa hình đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt.

Là một thạc sĩ nông học, hẳn em biết rõ cách đây 10 năm, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) tại Hà Nội đã bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW “về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Có thể khẳng định, Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một nghị quyết đầy đủ nhất, toàn diện nhất, tạo điều kiện quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực “tam nông” ở nước ta có bước phát triển hiệu quả và bền vững. Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một lần trả lời báo chí đã có nhận định: “Tam nông là nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nói thì dài dòng vậy nhưng tựu trung của ba vấn đề này chỉ là nông dân. Nông dân thì làm nông nghiệp và sống ở nông thôn. Trong một nước nông nghiệp và có tới 73% dân số là nông dân như Việt Nam, nông dân vẫn luôn là “hậu phương”, là nền tảng tạo ra sự ổn định về chính trị. Chỉ khi giải quyết được vấn đề nông dân thì các vấn đề khác mới có cơ may giải quyết. Chỉ khi nông dân được xác định là trung tâm của một chính sách, thì chính sách ấy mới có thể phát huy hiệu quả”.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền nông nghiệp Việt Nam đã đi những bước vững chắc và thu được những thành tựu quan trọng. Từ “khoán 100” đến “khoán 10”, từ giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho nông dân, để nông dân “tự suy nghĩ trên luống cày của mình” đến thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới… Đó là một chuỗi chính sách đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đồng thời là thông điệp thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chăm lo cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có tác dụng động viên lớn lao người nông dân vững vàng trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đầy khó khăn, thách thức, góp phần tạo nền tảng ổn định xã hội và tiếp tục thu được những thành tựu to lớn hơn nữa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Riêng đối với tỉnh Quảng Trị, từ năm 2008, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTHĐ/TU thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa X). Điều đáng ghi nhận là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nền nông nghiệp của tỉnh đang phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Điểm nổi bật nhất trong phát triển nông nghiệp những năm gần đây đó là tỉnh đã kiên trì thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, mức tăng trưởng trong nông nghiệp hằng năm đạt 2,5 - 3%, chiếm tỷ trọng 20,74% cơ cấu kinh tế; đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Sản lượng lương thực có hạt bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 26,4 vạn tấn. Đã tập trung phát triển 6 cây và 2 con chủ lực, ngoài rừng kinh tế còn có cây cao su, hồ tiêu, cà phê, lúa chất lượng cao, cây dược liệu, cây ăn quả; con bò và con tôm. Hình thành một số mô hình “liên kết 4 nhà”, chuỗi liên kết giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới từng bước được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Đã hình thành sự liên kết giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tập đoàn Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Obi-Ong biển, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, với quy mô 250 ha, tổng sản lượng gần 900 tấn lúa hữu cơ. Thành lập các HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ và vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại Vĩnh Linh; đầu tư công nghệ nhà màng, tưới tiết kiệm, thủy canh để sản xuất dưa lưới, rau xà lách, dưa hấu… ở Vĩnh Linh, Hải Lăng; phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến cà gai leo, chè vằng, đinh lăng, bột nghệ, bột sắn dây… tại Cam Lộ, tinh bột sắn tại Hướng Hóa.

Đối với quá trình phát triển cây dược liệu trở thành hàng hóa ở Cam Lộ, tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng hiện đã có bước tiến đáng ghi nhận. Sự “đi tắt, đón đầu”, mạnh dạn áp dụng hiệu quả những tiến bộ kỹ thuật đã giúp cho quá trình đi từ thủ công, thử nghiệm đến sản xuất theo công nghệ cao, chế biến sâu, có mặt trên thị trường được rút ngắn đi nhiều. Trong số những người tiên phong đưa cây cà gai leo ở Cam Lộ trở thành hàng hóa có vợ chồng Lê Hồng Nhạn, những người bạn của tôi.

Tôi kể cho em nghe câu chuyện về vợ chồng Lê Hồng Nhạn là bạn học, đồng trang lứa với tôi. Nhạn quê gốc Vĩnh Linh, làm dâu Cam Lộ, là cán bộ làm công tác dân vận thuộc Huyện ủy Cam Lộ. Hai vợ chồng đều là cán bộ nhà nước, luôn tận tụy với cương vị được giao.

Ngoài giờ làm việc, vợ chồng Nhạn có niềm đam mê lập vườn, trồng cây, đúng với bản chất cần cù thương khó của con em xuất thân từ ruộng vườn. Những năm trước, huyện Cam Lộ có chủ trương chuyển đổi đất rừng có độ dốc dưới 15% sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Gia đình Nhạn có 5 ha đất rừng tại thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, Cam Lộ đang trồng keo lá tràm, tiếp nhận chủ trương của huyện, vợ chồng bàn nhau rục rịch chuyển đổi. Với suy nghĩ, điều kiện sống của con người hiện nay đang chịu tác động tiêu cực trước những nguy cơ thực phẩm bẩn, lạm dụng rượu bia, ô nhiễm môi trường… cần làm ra sản phẩm sạch, có tác dụng hạn chế bệnh tật, bồi bổ sức khỏe để có thể phát triển hiệu quả và bền vững, vợ chồng Nhạn nghĩ ngay đến cây cà gai leo. 

Tìm hiểu trên internet, Nhạn thấy một số địa phương ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu có nét tương đồng với Cam Lộ, đặc biệt vùng gò đồi hoang hóa, cằn cỗi lại đặc biệt phù hợp với sự phát triển của cà gai leo bởi loại dược liệu này không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, rất dễ phát triển trên đất cằn lại có nhiều công dụng quý. Ngoài tên cà gai leo (có nơi gọi là cà gai dây, cà vạnh, cà quýnh, cà lù, gai cườm…), loài cây này còn có tên khoa học là Solanum hainanense. Theo kinh nghiệm dân gian, cà gai leo được dùng làm thuốc, chữa một số bệnh. Từ năm 1980 đến nay, các nhà khoa học Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu và chứng minh loài thảo dược này có tác dụng tích cực đối với việc hỗ trợ điều trị bệnh về gan, hạ men gan, giải độc gan, giải rượu, dùng thường xuyên rất có lợi cho sức khỏe. Nhiều hộ dân ở Nghĩa Hành chỉ với 1,5 sào đất, trong vòng 1 năm, mỗi gia đình thu về trên 17 triệu đồng sau khi thu hoạch xong 2 lứa cà gai leo. Có những gia đình có diện tích đất nhỏ, chỉ tận dụng khoảng đất rẫy rộng chưa đến nửa sào để trồng cà gai leo nhưng vẫn thu được 5 triệu đồng/năm.

 Cũng nhờ kết nối thông tin, Nhạn biết được từ những công trình nghiên cứu về dược liệu cà gai leo của Viện Dược liệu Trung ương và Trường Đại học Dược Hà Nội, Công ty TNHH Tuệ Linh là đơn vị tiên phong phát triển dược liệu này và là công ty đầu tiên triển khai xây dựng vùng nguyên liệu cà gai leo tại xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Thời điểm đó, kỹ sư Nguyễn Đức Tuệ, Giám đốc Công ty CP ĐT&PT dược liệu Ngọc Linh đứng ra liên kết với Công ty TNHH Tuệ Linh, một công ty bào chế cây cà gai leo để bao tiêu sản phẩm cho người dân, đầu tư xây dựng xưởng sơ chế, đóng gói, trồng và bảo tồn cà gai leo. Tìm hiểu trên lý thuyết và liên hệ với kỹ sư Tuệ, được anh Tuệ nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ, vợ chồng Nhạn đã vào Quảng Ngãi tham quan và xác lập quyết tâm gắn bó làm ăn lâu dài với cây cà gai leo trên đất Cam Lộ.

Với ý định ban đầu là trồng cây cà gai leo và nhập nguyên liệu thô cho Công ty Ngọc Linh, Nhạn đã mua thử 1 kg hạt giống với giá 35 triệu đồng về ươm trong một vườn ươm, mong có được cây giống để bắt tay vào trồng cho kịp vụ. Tuy nhiên, do chuẩn bị vườn ươm chưa chu đáo, thiết kế không đạt chuẩn, lại gặp mưa dài ngày, cây nảy mầm không đạt chất lượng, 41 triệu đồng (cộng cả chi phí làm vườn ươm) mất trắng ngay khi vừa xuống giống. Nhạn cho biết, để có thể trồng trên diện tích 1 ha cà gai leo cần tới 100.000 cây giống, riêng chi phí khâu giống đã là 150 triệu đồng. Nhận thấy giống là khâu quyết định đến chất lượng cây trồng, Nhạn rút kinh nghiệm, từng bước đầu tư xây dựng nhà kín, nhà vòm có hệ thống phun sương trên diện tích 1.000 m2. Nhờ chuẩn bị kỹ càng, áp dụng đúng kỹ thuật, cây giống phát triển rất tốt, lên đẹp, nhiều người đến tham quan đều có nhận xét rất khả quan. Tuy nhiên, khi đưa cây giống ra trồng, gắng lắm cũng chỉ phủ xanh được 1 ha, 4 ha còn lại không có giống!

 Được sự hỗ trợ của Công ty Ngọc Linh (Quảng Ngãi) cấp bù giống để gieo trực tiếp trên đất, gia đình Nhạn vừa nỗ lực làm giống cho kịp thời vụ, vừa đẩy nhanh tiến độ làm đất. Nhạn cho biết, quy trình ươm hạt trong bầu, có mái che, cần tưới nước thường xuyên để đảm bảo độ ẩm trong bầu cây; sau một tháng ươm, cây cao khoảng 5 - 7 cm thì đem trồng, khoảng cách trồng 2 hàng cách nhau 30 cm, cây cách cây 20 cm, giữa hai hàng cây có ống tưới, cứ 20 cm có 1 van tưới nhỏ giọt (1,8 lít nước/van/giờ); hai hàng tiếp theo cách hai hàng trước 70 cm. Mật độ cây trồng 10 bầu/m2, thời gian trồng từ tháng 9 - 10 hoặc những tháng đầu năm mới. Cây cũng có thể trồng bằng cách giâm cành hoặc từ hạt, nhưng trồng từ hạt vẫn tốt nhất vì cho bộ rễ khỏe. Từ đây, gia đình Nhạn đã tạo được vườn giống quy mô 5 tầng, tự chủ nguồn giống, tự lấy hạt giống để gieo ươm.

 Song song với việc chuẩn bị giống, trên diện tích 5 ha, cây keo lá tràm được khai thác, san ủi để tạo mặt bằng; tạo 3 hồ chứa nước; khoan 6 giếng khoan để dự trữ nguồn nước, nhưng chỉ 3 giếng có nước, rồi dựng hàng rào bao quanh, quy hoạch vùng chuyên canh cây cà gai leo trên vùng gò đồi thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền. Đặc biệt, cây cà gai leo do gia đình Nhạn trồng chỉ sử dụng phân hữu cơ với khối lượng 1ha dùng 70m3 phân chuồng cộng với 70 kg chế phẩm sinh học ủ trước một tháng, kết hợp xử lý mầm bệnh trong đất. Nhận thấy cây dễ bị nhiễm sâu bệnh, mùa mưa thường hay bị rệp sáp, bọ cánh cứng (bọ 28 chấm), mùa hè bị sâu cuốn lá, vàng lá, nên Nhạn cho dùng chế phẩm sinh học để trừ diệt. Bên cạnh đó, Nhạn đã vào làm việc với một công ty ở TP. Hồ Chí Minh về hệ thống tưới tiết kiệm. Về mùa hè, nhận thấy nguồn nước khó khăn, Nhạn đã dùng màng phủ nông nghiệp phủ trên những luống cây để giữ ẩm, chống côn trùng, cỏ dại, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới hiện đại của Israel, tưới nhỏ giọt đến tận từng gốc cây để tiết kiệm nước.

 Ngày 10/12/2015, gia đình Nhạn bắt tay vào trồng cây cà gai leo trên diện tích 5 ha. Qua trồng thử nghiệm, điều kiện thời tiết, khí hậu tại Cam Tuyền rất tốt cho cây cà gai leo sinh trưởng, chất lượng dược liệu vượt trội. Cà gai leo sau 6 - 7 tháng trồng, đảm bảo đúng độ tuổi là có thể thu hoạch và thu hoạch trong 2 năm, mỗi năm từ 2 đợt, năng suất từ 5 - 7 tấn/ha/năm. Nhạn chia sẻ, cây cà gai leo có thể phát triển tốt trên đất phù sa, đất đỏ bazan và cho năng suất cao nhưng dược tính không bằng trồng trên những vùng đất gò đồi cằn cỗi, khắc nghiệt. Hay nói cách khác, hàm lượng hoạt chất của cây cà gai leo ở những vùng đất màu mỡ chỉ bằng 1/3 so với cây trồng trên đất khô cằn như ở vùng gò đồi xã Cam Tuyền. Với diên tích 5 ha, gia đình Nhạn thu hoạch được trên 30 tấn nguyên liệu gồm cành, lá. Khi cây đã xanh tốt, Nhạn cho công nhân cắt phơi khô nhập cho Công ty Ngọc Linh tại Quảng Ngãi. Một tín hiệu vui là 1 ha cà gai leo trong vụ đầu tiên đã cho lãi khoảng 60 triệu đồng.

Qua quá trình sản xuất, nhận thấy nhập thô nguyên liệu nảy sinh nhiều bất cập, phụ thuộc vào thị trường, giá cả, gia đình Nhạn quyết tâm tìm hiểu kỹ thuật để tiến hành nấu cao cà gai leo. Sau khi tập tành nấu thủ công, thấy chất lượng không đồng đều, để nâng cao giá trị canh tác, nguyên liệu của cây trồng, vào đầu năm 2016, gia đình Nhạn đầu tư các trang thiết bị lò hơi cấp nhiệt, kèm theo đó là hệ thống nồi chiết, nồi cô chân không (3 lớp) bằng inox, buồng sấy bằng nhiệt hơi… nhằm đưa sản phẩm thảo dược cà gai leo hoàn thiện đến với người tiêu dùng gồm thân lá khô, cao sệt, cao bột hòa tan… Do có lợi thế là quy trình trồng, quản lý, chăm sóc, thu hoạch và đưa vào chiết xuất ngay nên cà gai leo đảm bảo độ tươi, giữ được tinh chất, màu sắc đặc trưng, thơm ngon hơn những nơi khác. Với mức giá bán ở thị trường hiện nay là: 100.000 đồng/kg thân lá khô đóng gói, 195.000 đồng/hộp cao sệt 100 gam, 240.000 đồng/hộp cao bột hòa tan, mỗi héc ta trồng cà gai leo sẽ đạt doanh thu 400 triệu đồng/năm, sau khi trừ các chi phí, còn lãi trên 150 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa, gấp 15 lần trồng keo lấy gỗ.

Ngày 10/7/2016 gia đình Nhạn tổ chức ra mắt sản phẩm mang tên cà gai leo An Xuân với dây chuyền sản xuất có công suất từ 5.000 - 7.000 hộp/tháng, gồm sản phẩm cao sệt, cao bột hòa tan. Trên bao bì cà gai leo An Xuân có thông tin truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm. Sản phẩm sau đó đã đoạt giải A sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Cam Lộ, mới đây đã đoạt giải Nhì sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị; được công nhận top 100 thương hiệu mạnh đất Việt năm 2018. Mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến của gia đình Nhạn không những được mở rộng trên địa bàn huyện Cam Lộ mà nhiều đoàn tham quan cũng như các hộ gia đình trong và ngoài tỉnh (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế…) đến học tập, đưa mô hình về ứng dụng tại địa phương. Các đoàn tham quan có dịp đi qua trên tuyến đường Hồ Chí Minh cũng thường ghé vào để tận mắt trải nghiệm quy trình sản xuất và mua sản phẩm cà gai leo An Xuân.

 Tôi hỏi Nhạn, vì sao lại là An Xuân mà không phải cái tên khác, Nhạn chân thành: “Gia đình em đang gieo trồng, làm ra sản phẩm từ đất đai và sức lao động của người dân thôn An Mỹ và thôn Tân Xuân, Cam Lộ. Em đặt tên sản phẩm tâm huyết của mình là An Xuân cũng để tri ân mảnh đất đã tạo điều kiện cho gia đình em thỏa ước nguyện được làm ăn ngay chính trên quê hương mình. Thêm nữa, An Xuân trước sau vẫn gói ghém ước vọng của mọi người, luôn được bình an, thanh xuân mãi mãi. Em rất vui mừng vì dù mới ra mắt trong thời gian ngắn nhưng sản phẩm của An Xuân đã được các cơ quan chức năng ghi nhận, khen thưởng. Và điều hạnh phúc hơn nữa là hầu hết khách hàng phản hồi tốt về các sản phẩm của An Xuân, công nhận hiệu quả của sản phẩm. Thời gian tới em sẽ làm thêm nhiều sản phẩm mới từ cà gai leo để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với mong muốn An Xuân sẽ là thương hiệu vững chắc trong lòng mọi người ”.

 Những lần đi về trên vùng gò đồi Cam Lộ, tôi thường dẫn em ghé qua nơi vợ chồng Nhạn lập nghiệp từ loài cây dược liệu đượm thơm mùi nắng gió quê nhà. Thuở trẻ con, chúng tôi cũng thường đi qua nơi này, những con đường lúp xúp sim mua, thơm mùi hoa chạc chìu và bạt ngàn cà gai leo xen lẫn cây mắm nêm, cây vằng, cây ngái… Không thể ngờ rằng nửa thế kỷ sau, những loài cây hoang dại đó đã giúp người dân quê tôi đổi đời.

 Tôi đọc cho em nghe câu thơ của Trần Nhuận Minh: “Đi hết một vòng đời, lại gặp mình thuở nhỏ” như vận vào công việc phục sinh cây cà gai leo nhọc nhằn và cao cả của vợ chồng bạn tôi trên vùng đất quê hương. Còn em, khi từ vùng gò đồi Cam Lộ trở về trong một chiều chang chang nắng, em đã nói với tôi rằng, con người là hoa của đất và chính mồ hôi, công sức, trí tuệ của người dân quê anh đã lặng thầm làm cho đất nở hoa…

Đ.T.T

 

 

ĐÀO TÂM THANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 298 tháng 07/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground