Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lênh đênh trên dòng Bến Hải

BÚT KÝ dự thi

 

    Đang giữa những ngày nắng nóng cực điểm, bạn rủ “đi câu”. Và, như để tôi khỏi há hốc mồm trước cái ý tưởng “nướng thịt” điên rồ ấy, bạn tiếp: “Tớ đã thiết kế một chuyến câu thuộc dạng… chưa từng có. Xuôi dòng Bến Hải bằng đò le te, như con đò của mẹ Duyến thôn Huỳnh Hạ thuở đôi miền giới tuyến năm xưa ấy. Mà có biết chuyện mẹ Duyến không rứa?”.

Bến đò Dục Đức huyền thoại khẽ nép mình bên rặng tre già nua, xù xì cành lá và gai góc. Một bến nước nhỏ nhoi, cũ kỹ như một vết khoét giữa âm u bạt ngàn cây cối và bàng bạc nước của dòng sông đang vào mùa khô hạn. Bạn bảo “nước mặn đấy, chả trong lành mát mẻ gì đâu”. Chọc tay nếm thử. Mặn thật. Mặn chát tê đầu lưỡi. Nước biển đã ngược Cửa Tùng, vượt cả chục cây số xâm chiếm đến nơi đây, mới thấy mức độ nắng hạn mùa này đã đỉnh điểm thế nào. Với con nước ấy, tịnh không một bóng chim tăm cá. Bến đò hoang sơ, đúng với cái tên “Bến đò xưa lặng lẽ” mà nhà văn Xuân Đức đã đặt cho. Một khung cảnh cô quạnh, buồn bã, hoang vắng đến tịch liêu. Chúng tôi bước lên đò nan của một đôi vợ chồng trẻ chuyên nghề chài lưới trên sông. Con đò mỏng, dài và nhẹ như chiếc lá, chẳng mái chèo, thay vào đó là một cái máy ở cuối đuôi, có càng sắt dài gắn chân vịt bé xíu. Máy nổ xè xè, dí cái càng ấy xuống nước là con đò bức bối vọt đi, xé bọt trắng xóa. Nhìn quanh, chẳng còn thấy đâu hình ảnh những con thuyền nan khua mái chèo khoan nhặt trên sông. Đúng là thời buổi của sự gấp gáp, vội vàng, nên ngay cả con đò nan chuyên việc lưới chài tưởng thuộc về thế giới của lạc hậu, cũ kỹ, giờ cũng đã cơ giới hóa bán phần rồi. Vợ chồng chủ đò lành như đất, nụ cười chào khách thật tiết kiệm. Chắc vì mối quan hệ đặc biệt gì đó với gã bạn nên mới cực nhọc làm cái chuyện trời hành hôm nay, chứ xem chừng họ ái ngại với ý tưởng của hai gã này lắm rồi.

Đò quay mũi, chòng chành trôi ra giữa dòng.

Đây, dòng sông Bến Hải lịch sử. Một dòng nước nhỏ nhoi, một con thuyền nhỏ nhoi đang cô đơn trôi về hướng biển.

Những năm đạn bom chống Mỹ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi đặt chân đến bên bờ nam con sông, đã từng thốt lên “… một con sông kỳ lạ của Vĩnh Linh. Sông gì mà chỉ có “một bờ”, tồn tại như một nỗi đoạn tuyệt của lịch sử, ròng rã mấy mươi năm…”. Ngồi trên cái chòng chành của mênh mông sông nước, tôi miên man với những dòng hồi tưởng ấy. Những con sông trên trang viết của Hoàng Phủ luôn là một nỗi ám ảnh. Chợt thấy lòng ngơ ngẩn, trống trải lạ kỳ. Phía đầu mũi đò, bạn lục tục soạn đồ trong tiếng huýt sáo khe khẽ. Tôi chả buồn động đậy. Câu cái quái gì giữa dòng nước mặn chát này?

Sông Bến Hải chỉ dài hơn 100 cây số. Một dòng sông nhỏ chảy giữa đôi miền làng mạc, ruộng đồng của hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Phát nguồn từ đỉnh núi Động Châu trên dãy Trường Sơn, sông gập ghềnh trôi giữa một miền núi rừng hoang vắng, lên thác xuống ghềnh với bao trắc trở, cực nhọc vất vả để về đến Tiên An (Vĩnh Sơn) thì êm đềm đi qua giữa một miền đồng lúa phì nhiêu, bạt ngàn cây trái. Đến làng Hiền Lương thì hợp dòng với sông Sa Lung từ hướng tây đang gấp gáp đổ về, tạo thành một dòng lớn, chảy qua các làng mạc của Vĩnh Thành, chảy về làng cổ Tùng Luật - Vĩnh Giang và hòa nước vào biển Đông ở Cửa Tùng. Thuở xưa, sông có tên là Rào Thanh, Minh Lương. Ở Vĩnh Sơn, sông được gọi là Bến Hải. Chảy qua làng và trôi dưới chân cầu Hiền Lương thì thành sông Hiền Lương. Khi đổ nước ra biển ở Cửa Tùng thì người ta gọi luôn là sông Cửa Tùng. Cái tên nào là đúng cho dòng nước lịch sử này, lâu nay vẫn là sự tranh cãi thú vị. Ô châu cận lục của Dương Văn An (Phan Đăng - Phan Thanh dịch và chú giải, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.28) viết: “… ở phía đông cửa sông Minh Lương (tức sông Cửa Tùng) còn có Thảo Phù Phong (đảo Cồn Cỏ). Ở cửa này có lập đồn phòng ngự, vì là một nơi xung yếu…”. Hiệp định Giơ-ne-vơ 20/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Đông Dương, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân định hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Điều 4 Hiệp định ghi: “Cửa sông Bến Hải (hay còn gọi sông Cửa Tùng) và dòng sông đó (trong vùng núi sông này gọi là sông Rào Thanh) cho đến làng Bô-hô-su, rồi vĩ tuyến Bô-hô-su cho đến biên giới Lào - Việt Nam…”. Trích dẫn hai văn bản ấy cộng với cách gọi thường dùng khi nói về dòng sông này, có thể thấy Bến Hải, Hiền Lương, Minh Lương hay Rào Thanh… tất cả đều là tên của dòng sông huyền thoại này, nên ai gọi thế nào mà chẳng được, chí ít thì đều… có lý.

Đò trôi về Huỳnh Hạ, rồi đò về Lê Xá. Quãng sông này như lớn hơn thường thấy, hay mắt người bị đánh lừa bởi khung cảnh nhỉ? Bởi vó lưới vươn từ hai bờ giăng mắc đầy sông hay vì nhìn dòng nước đến nơi đây chợt thấy dùng dằng, êm ả hơn? Làng quê hai bên bờ nhấp nhô màu ngói, tĩnh lặng đến nao lòng. Thảm lúa xanh mướt đang thì con gái, những vuông tôm kế tiếp nhau, đan dọc đan ngang chằng chịt như bàn cờ. Chính cái quãng sông này thuở Bến Hải là dòng sông giới tuyến, là một trong những nơi ghi dấu của những câu chuyện lạ kỳ. Bên này sông là bến đò Huỳnh Hạ, bên kia sông là bến đò Võ Xá. Đây là một trong 9 cặp bến đò nối thôn xóm tương ứng đôi bờ sông giới tuyến. Hai bến đò yên bình quê kiểng, phút chốc trở thành hai trạm gác, hai bốt đồn. Giữa dòng sông là cái đường biên giới vô hình ngăn cách đôi bờ Nam - Bắc. Mới đó thôi, con đò Võ Xá thong thả mái chèo qua làng Huỳnh Hạ, lên Huỳnh Thượng; để những đêm trăng thanh vọng tiếng hò tha thiết của gái trai hai bờ, nhuần nhị duyên dáng trong những lời đối đáp se duyên… thì Hiệp định Giơ-ne-vơ đã ngăn cách, dòng sông thân quen trở thành một dòng nước buồn thiu. Đau xót trước cảnh chia ly ấy, có bà mẹ ở bờ bắc không chịu nổi, ngày ngày với con đò nan bé nhỏ, mẹ chèo đò ra giữa sông, thả chiếc lá mỏng manh lững lờ giữa cái đường ranh ngăn cách đầy đau đớn và tuyệt vọng; như quyết xóa đi cái sự chia ly cách trở, như quyết khỏa lấp đi sự vắng vẻ của dòng nước mà ngàn đời nay đã thấm trong huyết quản của người dân đôi bờ. Đó là cách mà người mẹ Vĩnh Linh đã nghĩ ra nhằm trả lại cho dòng Bến Hải đủ “hai bờ” như những dòng sông khác. Con đò le te của mẹ Duyến đã đi vào lịch sử, gọi là con “đò tuyến”. Nó tựa như một huyền thoại, giản đơn mà sừng sững vậy.

Trong gần hai thập kỷ ngăn cách, con sông này và chính quãng sông này cũng đã chứng kiến một chuyện kỳ lạ nữa, đó là cái ngày màu nước sông không phải màu xanh trong như thường thấy. Dòng sông đã chuyển thành màu đỏ, màu của máu. Đầu tháng 5 năm 1967, cuộc hành quân “Hich-cơ-ri Lam Sơn 58” (Lam Sơn 58) nhằm giải tỏa khu vực bắc Gio Linh, đánh phá hậu phương và chặt đứt con đường tiếp viện, vận chuyển lương thực, vũ khí từ miền Bắc, tiến hành xúc dân trong khu phi quân sự phía Nam, biến vùng này thành vành đai trắng được phê duyệt. Sáng 20/5/1967, hơn 7.000 quân thuộc sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ tiến hành trận càn “bạch hóa” đẫm máu. Máy bay dội bom, pháo bắn dọn đường, lính thủy đánh bộ từ trên trời ập xuống, từ tàu đổ bộ dưới biển ào lên, từ Đông Hà cưỡi xe tăng, bọc thép tràn tới. Chúng được lệnh quét sạch, đốt sạch vùng Trung Sơn, Trung Hải, Trung Giang, hốt một vạn dân vùng phi quân sự vào các khu tị nạn. Lính Mỹ xông vào từng nhà dân, dí súng vào từng người. Hàng ngàn bà con từ bờ Nam bồng bế, dắt díu nhau trốn chạy, hớt hải ào xuống các bến bờ Nam sông, mặt hướng sang bờ Bắc kêu cứu. Sự việc xảy ra quá đột ngột. Cấp ủy xã Vĩnh Sơn hội ý chớp nhoáng rồi triển khai lực lượng cứu dân. Hàng trăm dân quân, thanh niên, xã viên các thôn Phan Hiền, Huỳnh Hạ, Huỳnh Thượng, Vĩnh Tiên đã lao xuống nước để cứu người. Thuyền gỗ, thuyền nan, ván gỗ, chậu thau, cây chuối... không còn gì nữa thì bơi bộ sang dìu đồng bào. Những tràng súng máy tàn bạo từ trực thăng xả xuống sông, pháo hạm từ biển, từ phía nam cấp tập rót xuống dòng nước. Hàng ngàn người dân vô tội đang vùng vẫy, chới với trong cơn hoảng loạn. Rất nhiều người dân trúng đạn, máu loang đỏ cả một khúc sông. Có cặp vợ chồng trẻ cùng đứa con gái 6 tháng tuổi đang cố vượt qua sông, quãng bến Rèn. Giữa dòng, người chồng trúng đạn, chỉ kịp trao đứa con bé bỏng cho người vợ rồi chìm vào dòng nước. Người vợ đã bị thương, vẫn cố sức ôm con bơi tiếp trong làn đạn xối xả trên đầu. Máu người mẹ nhuộm đỏ đứa con gái. Rồi sau cùng, khi sức đã tàn, lực đã kiệt, chị chỉ kịp giao lại cháu bé cho nhóm dân quân Vĩnh Sơn đang lao tới cứu, rồi chìm vào dòng nước xiết… Trận càn “bạch hóa” man rợ của địch đã khiến máu của biết bao người dân vô tội của hai bờ đã đổ xuống. Trăm người không thể cứu hết ngàn người đang chới với giữa dòng nước và sự dã man của súng đạn kẻ địch trên đầu. Chỉ riêng trong một ngày 20/5 bi tráng này, gần 200 đồng bào bờ Nam đã bị cuốn theo dòng nước, hơn 100 dân quân, thanh niên của xã Vĩnh Sơn anh dũng hi sinh khi làm nhiệm vụ cứu đồng bào... Con đò chúng tôi lững lờ trên cái vùng nước mà hơn 50 năm trước đã vùi chôn biết bao sinh mạng người dân hai bờ. Hơn nửa thế kỷ vật đổi sao dời, mà hôm nay, nhìn nước dưới mạn thuyền, sao cứ thấy rờn rợn.

Con đò mang chúng tôi về ngã ba sông, về làng Hiền Lương. Cái làng quê trù phú và rất đỗi thân thương đã bao lần tôi đến, mà hôm nay nhìn từ giữa dòng nước, thấy mới mẻ và khác lạ vô cùng. Cột cờ Hiền Lương cũng chợt thấy kì vĩ hơn, cao chót vót. Bóng cờ kiêu hãnh tung bay, che mát một góc làng quê… Cột cờ ấy, năm xưa là nơi diễn ra một cuộc chiến đấu căng thẳng và lạ lùng. Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, ngày 20/7/1954, Vĩnh Linh dựng một cột cờ bằng cây phi lao, cao 12 mét. Bên kia, ngụy quyền Sài Gòn cắm cờ ba que lên nóc lô cốt Xuân Hòa, cao 15 mét. Công an vũ trang Vĩnh Linh chặt từ Rú Lịnh một cây gỗ 15 mét thay thế. Tức khí, ngụy quyền lại dựng cột cờ sắt cao 25 mét. Ngày 17/7, ta lại dựng cột cờ khác, cũng bằng sắt, cao 34,5 mét. Địch lại hò hét lính xây cột cờ cao 35 mét, gắn thêm mấy bóng đèn nê-on xanh lét như trêu ngươi. Năm 1962, Chính phủ cử một đơn vị xây dựng vào Vĩnh Linh, xây nên một kỳ đài cao 38,6 mét, treo lá cờ rộng 108 mét vuông, trên đỉnh gắn ngôi sao vàng bằng đồng, mỗi đỉnh ngôi sao gắn chùm bóng đèn 3 cái công suất 500w. Cuộc chiến “chiều cao cột cờ” đến đây ngã ngũ. Địch cay cú mà đành chịu. Cuối cùng chúng dùng đến hạ sách hèn hạ nhất, là dội bom để đánh sập kỳ đài. Ba năm, 1965 - 1967, 11 lần bom Mỹ đánh trúng kỳ đài, khiến cột cờ gãy, thì 11 lần ta lại dựng lên. Lá cờ 108 mét vuông trở thành tiêu điểm để máy bay Mỹ oanh tạc, nên ta thay bằng lá cờ nhỏ hơn, rộng chừng 5 mét vuông, vậy nhưng vẫn bị bom đạn xé rách liên tục. Có ngày phải thay 8 - 10 lần. Ta có một cơ sở may đặt tại xã Vĩnh Nam, chỉ chuyên một nhiệm vụ may cờ để phục vụ việc treo cờ Tổ quốc ở Hiền Lương, vậy mà vẫn không kịp. Đau lòng mỗi lần nhìn lá cờ thân yêu bị bom Mỹ xé, mẹ Ngô Thị Diệm ở làng Hiền Lương tự nguyện không đi K10, mẹ ở lại, một mình lặng lẽ dưới hầm sâu ngay sát chân kỳ đài, với ngọn đèn dầu leo lét, đêm đêm miệt mài từng đường kim mũi chỉ vá lại những lá cờ bị rách. Câu nói giản đơn của mẹ được nhà thơ Tố Hữu chuyển tải thành hai câu thơ tựa, nghe như một lời tuyên ngôn chân chất mà đầy khẳng khái “rách thịt da chỉ đau chút xíu/ rách cờ mình không chịu được đâu”. Ôi vĩ đại những người mẹ giới tuyến Vĩnh Linh năm xưa.

Miên man nơi quãng Hiền Lương này, không thể không nói đến cây cầu lịch sử. Nhớ cụ Nguyễn Tuân, trong những tháng năm bom đạn ác liệt, vẫn túi thơ bầu rượu thong dong, đĩnh đạc bước qua cầu. Cụ tẩn mẩn từng bước để đếm hơn 600 tấm ván trên cây cầu dài 178 mét. Đất nước đôi miền, cây cầu cũng phải chia đôi. Nửa cầu phía bờ Bắc hơn phía bờ Nam 6 tấm ván gỗ lướt mặt sàn. Đến cái màu sơn cầu địch cũng muốn rạch ròi khác biệt. Ta không chịu. Địch sơn nửa cầu Nam màu xanh, ta cũng sơn nửa Bắc màu xanh, địch sơn màu vàng, ta lại sơn vàng. Cầu Hiền Lương phải một màu, như Nam - Bắc Việt Nam phải một nhà. Cuộc “truy đuổi” màu sắc cây cầu cứ thế diễn ra năm này qua năm khác. Cuối cùng, lại cái cách hèn hạ của kẻ đuối lý nhưng ỷ mạnh, năm 1967, địch mang bom đánh sập cầu. Câu chuyện “đấu loa” cũng vậy. Cùng với súng đạn, ác ôn, kìm kẹp; ngụy quyền lập một hệ thống phát thanh lớn ở bờ Nam, trong đó trọng điểm là 6 chiếc xe truyền thanh lưu động, đêm ngày rảo dọc bờ Nam sông, chõ loa sang bờ Bắc nói xấu chế độ Xã hội chủ nghĩa và ca ngợi cái gọi là “chánh nghĩa quốc gia”. Đáp trả, với sự giúp đỡ của Liên Xô, ta xây dựng một hệ thống loa hiện đại nhất miền Bắc lúc ấy chạy dọc 10 km bờ Bắc sông, từ Cửa Tùng lên Hói Cụ, trong đó có 4 cụm loa lớn đặt ở Cổ Trai (Vĩnh Giang), Hiền Lương (Vĩnh Thành), Huỳnh Thượng và Tiên An (Vĩnh Sơn). Ngoài ra còn có một xe lưu động gắn chiếc loa cực đại 500 oát. Những chiến thắng từ các chiến trường, thành tựu của miền Bắc XHCN, tinh thần bám trụ và chiến đấu kiên cường của quân, dân Vĩnh Linh; kể cả việc điểm mặt bọn tướng tá quan thầy Mỹ, chân dung bọn ngụy quyền ác ôn, tay sai, gián điệp… cũng đã được đài truyền thanh Vĩnh Linh, qua hệ thống loa giới tuyến truyền đạt rành rọt, tạo nên nguồn cổ vũ động viên lớn lao đối với hàng ngàn đồng bào bờ Nam ngày đêm đang khổ cực trong vùng kìm kẹp tàn bạo của địch.

Ở vùng giới tuyến lúc đó có những buổi biểu diễn văn nghệ kỳ lạ. Sân khấu ở bên này sông, khán giả bên kia sông. Bà con bờ Nam đi xem văn nghệ đứng giữa một rừng lưỡi lê, dùi cui và báng súng của cảnh sát. Chỉ cần một cái vỗ tay, một lời xuýt xoa khen, một nụ cười là lập tức bị ăn đòn, có người phản ứng lại còn bị đánh bầm dập, còng tay, cùm chân, tống giam ở bốt... Mặc sự kìm kẹp ấy, mỗi lần văn công bờ Bắc biểu diễn là một ngày hội của bờ Nam. Về sau, địch ra lệnh cấm tiệt dân kéo ra sông xem mỗi khi có văn nghệ. Bà con bờ Nam nghĩ đủ cách để thưởng thức lời ca điệu múa bên kia. Với đàn ông, họ tháo tranh lợp nhà từ chiều hôm trước, lúc văn nghệ biểu diễn thì leo lên mái, lấy lý với tụi cảnh sát là lợp lại nhà, nhưng cốt để nhìn sang bên kia. Với các mẹ các chị thì soạn những áo quần, lưới, mang thau chậu ra bờ sông để giặt, phơi. Tay giặt mà mắt nhìn. “Đem áo ra sông mà giặt - Áo mòn, dạ vẫn trinh nguyên/ Đem lưới xuống bến mà phơi - Lưới khô, mắt thì đẫm huyết” là vậy.

Con đò trôi về Tùng Luật. Ngôi làng cổ kính và xinh đẹp bậc nhất Vĩnh Linh. Mạch nguồn trầm tích văn hóa của ngôi làng này phong phú và cuốn hút không thể nói hết được. Bao công trình khoa học của những học giả nổi tiếng đã viết về nơi đây, mà xem chừng vẫn chưa đủ. Đây là cái nôi của nghệ thuật đàn hát dân ca Bình Trị Thiên, là nơi sản sinh những văn nghệ sĩ nổi tiếng cả nước. Truyền thống đánh giặc kiên cường cũng vậy. Chỉ với cái tên “bến đò B” - bến đò Tùng Luật thôi đã đủ để diễn tả hết sự kiên cường điển hình của một làng quê vùng giới tuyến. Một cửa ngõ dẫu ác liệt đạn bom nhưng đã dẫn ngàn quân, vạn tấn vũ khí, lương thực vào chiến trường. Mặc mưa bom bão đạn, những con đò tuyến cảm tử vẫn đều đặn qua về hàng đêm. Quân vào, thương binh, tử sĩ chuyển ra, tấp nập, vội vã bất chấp hiểm nguy. Một quãng sông ngắn ấy thôi nhưng đã nhuộm không biết bao nhiêu máu của quân và dân Tùng Luật, Vĩnh Giang.

Qua Tùng Luật là thôn Hòa Lý của Vĩnh Quang năm xưa. Đã nghe mùi tanh nồng của cá và vị mặn mòi của biển đậm đặc không gian, ngập tràn trong từng hơi thở. Trong nhấp nhô những ngôi nhà nhỏ trên làng quê dạt dào gió biển ấy, tôi còn mắc một món nợ ân tình. Không, phải là một niềm day dứt và ân hận, để đến giờ đã chục năm có lẻ, cũng không thể trả được… Chiều đông năm ấy, tôi đã ngồi với ông, bới tung ký ức của người lính già, đào cả những góc khuất của cuộc đời một “người hùng chiến trận” thầm lặng. Ông là Nguyễn Kế Bái, trung tá biên phòng về hưu. Thuở giới tuyến đôi miền, ông làm đồn trưởng Đồn liên hợp Cửa Tùng. Trung úy đồn trưởng Bái lúc này là đối trọng, kỳ phùng địch thủ của những sỹ quan cảnh sát có số má mà ngụy quyền chọn lựa cả miền Nam đưa về đây để “răn đe Việt cộng”. Ông kể cho tôi bao chuyện đối đầu ly kỳ, thú vị của những tháng ngày đặc biệt ấy. Chiến công có, đau thương có, oan ức có… Tôi hí hoáy một cuốn sổ đầy, ghi âm một máy đầy và một cơ số ảnh nhiều như một album; với những dự định lớn lao. Rồi… tôi quên béng luôn. Tuổi trẻ thật nông nổi. Cả năm sau sực nhớ, chạy về. Ông đã trở thành người thiên cổ rồi, ở cái tuổi 82. Nhắc đến ông không thể không nói đến người vợ tảo tần, người đã đi cùng ông suốt quãng đời gần 60 năm. Những người phụ nữ Vĩnh Linh trong những tháng năm này luôn có những hành động và tâm thế thật đặc biệt. Mẹ Duyến (Vĩnh Sơn), mẹ Diệm (Vĩnh Thành) và chị Nguyễn Thị Hoa. Ngày đó, chị là một cô gái đang tuổi đôi mươi, đẹp như chính cái tên, đặc biệt là có giọng ca oanh vàng. Từ một cô văn công của Quân khu 4 (và cũng đã là người vợ bí mật của đồn trưởng Bái), chị nhận nhiệm vụ đặc biệt: làm công tác địch vận ở vùng giới tuyến. Chị hóa thân thành một cô công nhân dệt tơ, bán vải; cứ đôi hôm lại qua về các đồn bốt giặc bên kia sông, “đong đưa” với mấy tên cảnh sát ngụy. Bao năm trời, bà con Vĩnh Linh ngán ngẫm, khinh bỉ. Gặp chị, có người còn chửi thẳng mặt “thứ con gái mặt dày, đồ trời đánh thánh vật…”. Rõ vậy, đất thép Vĩnh Linh không thể chấp nhận được chuyện một cô gái trẻ đẹp suốt ngày giao du, nói cười lả lướt với mấy tên cảnh sát ngụy trâng tráo bên kia. Nhục nhã trăm bề mà chị phải đành cắn răng cam chịu vì nhiệm vụ. Ngay cả người chồng ở bên cạnh cũng không được gặp, xóm giềng không thể giãi bày… Nhưng chiến công mà chị mang lại không hề nhỏ: chị đã cảm hóa, thuyết phục được hàng chục lính nguỵ bỏ súng về quê hoặc trở thành cơ sở bí mật cho cách mạng về sau...

Chiều dần buông, đò chúng tôi cũng đã chạm những con sóng ào ạt của Cửa Tùng. Cây cầu cao vút, cong như một lưỡi hái, kiêu hãnh nối hai miền Cửa Tùng - Cát Sơn thoáng vụt qua đầu. Tháng năm và những tác động của con người đã làm cho Cửa Tùng dần mất đi cái mỹ từ được người Pháp dành cho “Hoàng hậu của những bãi bể”. Dẫu vậy, những nét đẹp độc đáo của bãi biển này không phải đã tan biến tất cả. Những “nhà vườn” trên đồi đất đỏ bazan xanh mướt tiêu, chè, mít, nhoài mình ra sát mép biển. Một cảnh tượng ít gặp ở các bãi biển. Hãy cứ tưởng tượng, một buổi chiều muộn, ngồi trước ô cửa sổ thơm mùi gỗ mít, ngắm biển mênh mông xanh qua những kẽ lá biếc trong làn gió mát rười rượi thổi từ biển vào. Đó là một cảm giác hiếm có về sự thư thái và bình yên.

*

Chuyến đò kết thúc. Bạn thu cần. Cục mồi tôm vẫn y nguyên, bạc thếch. Vợ chồng chủ đò khẽ cười chào, xem chừng là nhẹ nhõm. Con đò nhỏ chồm sóng, vội vã ngược dòng lên phía thượng nguồn, thả lại hai gã đứng bơ vơ trên bãi cát. Đèn đã sáng ở những dãy nhà hàng. Phành phạch tiếng máy thuyền về bến cá. Chắc lại là một chuyến ra khơi thắng lợi, bởi í ới tiếng nói tiếng cười trên bến dưới thuyền xem chừng rộn ràng lắm.

Nồm lên lồng lộng, mát rượi. Biển ngoài kia như đã dịu êm hơn.

 

 

 

TRẦN THANH HẢI TRẦN THANH HẢI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 299 tháng 08/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground