Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Văn học nghệ thuật luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ mục đích tối cao của dân tộc (Diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam)

Kính thưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,

Kính thưa các Đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Kính thưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang,

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa các bác, các anh chị, các bạn đồng nghiệp.

 TCCV Online - Trước hết, cho phép tôi thay mặt Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trân trọng chào mừng và cám ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thay mặt Đảng và Nhà nước đem đến niềm vinh dự và khích lệ to lớn đối với giới văn nghệ sĩ cả nước. Xin trân trọng chào mừng và cám ơn các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các cơ quan đoàn thể của Trung ương đã và đang quan tâm ủng hộ hết lòng sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của đất nước. Trân trọng chào mừng và cám ơn lãnh đạo thủ đô Hà Nội và các địa phương Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang đã hết lòng ủng hộ, đùm bọc những cái nôi văn nghệ cách mạng từ những ngày trứng nước và trong suốt chặng đường kháng chiến và xây dựng hòa bình. Xin nồng nhiệt chào mừng đại biểu văn nghệ sĩ từ các địa phương trong cả nước gồm nhiều dân tộc anh em đã về dự ngày lễ trọng đại của chúng ta.

Họp mặt trong ngày truyền thống vẻ vang, ý nghĩ đầu tiên của chúng ta tưởng nhớ, biết ơn vô hạn Bác Hồ kính yêu. Người đi "tìm hình của nước", cũng là Người đi tìm hình cho nền văn hóa mới Việt Nam, và bằng những tác phẩm bất hủ đã đặt nền móng đầu tiên cho nền văn hóa mới.

Được sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện bởi lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của dân tộc, "đem hết tinh thần và lực lượng" vào nhiệm vụ dựng nước và giữ nước nên đã thu được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Với tư tưởng nhất quán đó, năm 1943, trong lúc cả dân tộc bị buộc vào ách thống trị và bóc lột một cổ hai tròng của phát xít Nhật và thực dân Pháp, và trong hoàn cảnh bị rút vào bí mật, trước biết bao vấn đề nước sôi lửa bỏng của cách mạng, Đảng vẫn tập trung trí tuệ xây dựng và công bố Bản đề cương Văn hóa Việt Nam, không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề cách mạng dân tộc,  mà còn có ý nghĩa như bản Cương lĩnh về xây dựng nền văn hóa mới. Tiếp đó, Hội Văn hóa Cứu quốc ra đời, đánh dấu một cái mốc quan trọng về công tác vận động trí thức của Đảng.  Hội Văn hóa Cứu quốc đã vận dụng linh hoạt và khôn khéo mọi hình thức công khai và bí mật, tiến hành tuyên truyền vận động tập hợp lực lượng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Tại Đại hội quốc dân Tân Trào, có 4 đại biểu của Văn hóa Cứu quốc tham dự thì có hai đại biểu được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng (Chính phủ lâm thời).  

Trong những ngày độc lập đầu tiên, để thích hợp với tình hình mới, Hội Văn hóa Cứu quốc, được mở rộng và đổi tên thành Hội Văn hóa Việt Nam. Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 24 tháng 11 năm 1946 thực dân Pháp nổ súng tấn công Hải Phòng. Cũng ngày đó Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc. Với phong thái ung dung, tượng trưng cho tư thế của toàn dân tộc chủ động, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới, Bác Hồ đến dự và phát biểu với Đại hội, Người nói "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Đó là tư thế đứng trên đầu thù, lấy văn hóa trả lời cho súng đạn, tiếp tục truyền thống "lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân thay cường bạo". Phải là một dân tộc có niềm tin mãnh liệt ở chính nghĩa, ở thắng lợi cuối cùng mới có cách ứng xử cao cả như vậy.

Quả đúng thế, chưa đầy một năm sau, kẻ xâm lược Pháp đã phải gánh lấy thất bại nhục nhã trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947. Vừa phá tan hai gọng kìm của giặc, trước bao nhiêu công việc của kháng chiến, bên cạnh việc thành lập thêm các sư đoàn chủ lực, tháng 7 năm 1948, Đảng lại tổ chức Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, xốc lại đội ngũ văn hóa, coi đó là một binh chủng đặc biệt trong chiến tranh. Hội nghị thảo luận Báo cáo của Đồng chí Trường Chinh "Chủ nghĩa Mác và những vấn đề Văn hóa Việt Nam" và quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Ngay sau đó Hội nghị văn nghệ toàn quốc được triệu tập, và họp tại làng Dộc Phát xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ từ 25  đến 27 tháng 7 năm 1948, thảo luận thông qua chính cương, điều lệ và bầu cơ quan lãnh đạo mới, do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng thư ký. Với các quyết định lịch sử, Hội nghị được xem như  một Đại hội.  Hội nghị cũng quyết định thành lập Đoàn Âm nhạc Việt Nam, Đoàn Sân khấu Việt Nam và cùng với Đoàn Kiến trúc sư đã được thành lập từ trước đặt cơ sở  cho sự ra đời các Hội chuyên ngành về sau này. Trước Hội nghị,  tạp chí Văn Nghệ do nhà thơ Tố Hữu làm thư ký tòa soạn đã ra mắt số đầu tiên và có tiếng vang lớn trong cả nước. Sau Đại hội văn nghệ lại có thêm Nhà xuất bản Văn nghệ do nhà thơ Nguyễn Đình Thi làm giám đốc hoạt động rất có hiệu quả.

Từ buổi tìm đường trong bí mật, đến việc hình thành một tổ chức hoàn chỉnh và thống nhất là một bước tiến rất quan trọng của văn nghệ cách mạng. Một đường lối được soi tỏ. Một phương hướng hoạt động được hoạch định. Một cơ quan điều hành được dân chủ bầu lên gồm những tên tuổi lớn, gánh lấy trách nhiệm gắn kết mọi lực lượng, khích lệ mọi tài năng, đưa khẩu hiệu "tổ chức để sáng tác, sáng tác để kháng chiến" thành phương châm hành động hàng ngày của mỗi văn nghệ sĩ. Khi văn nghệ được xem là một mặt trận, có nghĩa là mỗi văn nghệ sĩ tìm thấy một lẽ sống, tình nguyện đứng vào một vị trí, dốc sức làm tròn thiên chức của mình trước Tổ quốc, trước nhân dân.

Bảy mươi năm qua, các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau vững bước trên con đường lớn của cách mạng, sống và sáng tạo ở mũi nhọn cuộc chiến đấu và lao động vĩ đại của nhân dân, bằng sáng tạo nghệ thuật công phu và bền bỉ đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã có biết bao tác phẩm kết tinh đẹp đẽ cuộc sống lớn lao của đất nước trong tất cả các loại hình nghệ thuật, trở thành kho lưu giữ tinh thần vô giá về một trong những thời đại vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc, thời đại Hồ Chí Minh. Đó là những tác phẩm phản ánh chân thực và xúc động tầm vóc vĩ đại và sức mạnh vô địch của nhân dân quyết đạp bằng mọi trở lực để đạt được khát vọng độc lập, tự do. Đó là những tác phẩm đề cao phẩm giá con người với những tấm gương yêu nước thương nhà vừa bình thường vừa phi thường, vừa giản dị vừa cao cả, vừa hiền hậu, đằm thắm vừa kiên cường bất khuất. Đó là những tác phẩm đem đến những triết lý nghệ thuật sâu sắc, giúp con người nhận ra ý nghĩa của cuộc sống để sống có ý nghĩa hơn. Xây dựng cơ sở vật chất phải đợi có hòa bình, nhưng xây dựng nền văn hóa mới thì chúng ta đã làm và làm một cách rất thành công ngay trong những điều kiện ngặt nghèo khắc nghiệt nhất của chiến tranh. Chúng ta nhớ lại một thời hoàng kim của văn nghệ, những cuốn sách, những vở kịch, những bài hát, những điệu múa, những buổi chiếu phim...  đã trở thành niềm khao khát và được đón nhận nồng nhiệt, hào hứng như thế nào. Chúng ta nhớ lại những cuộc thi tài, các liên hoan nghệ thuật quốc tế, chúng ta đã vui sướng như thế nào khi được trao những giải thưởng danh giá trong  đó có những giải thưởng lớn mà ngay những nước phát triển cũng không dễ có được. Với biết bao tài năng và công sức, chúng ta đã làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ: Việt Nam không chỉ là tên gọi một cuộc chiến tranh,  Việt Nam còn là tên gọi một nền văn hóa đặc sắc đáng khâm phục. Với sự khiêm tốn vốn có của những người sáng tạo, luôn luôn coi tác phẩm hay nhất là ở phía trước, tuy vậy, bằng tất cả những gì đã làm được qua 70 năm, chúng ta vẫn có thể báo cáo với Đảng, với nhân dân: giới văn học nghệ thuật đã làm được lời căn dặn của Bác Hồ trong thư gửi Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, ngày 19 tháng 7 năm 1948, vừa tròn 70 năm. Bác viết: "Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc bây giờ mà còn để lưu truyền những gương mẫu oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau".

70 năm qua ngoài các chuyên ngành truyền thống như văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, hội họa đều có bước trưởng thành nhanh chóng chúng ta đã xây dựng thêm các chuyên ngành mới như nhiếp ảnh, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Và ở bất  cứ chuyên ngành nào cũng xuất hiện những tên tuổi và tác phẩm sáng giá.

Tài năng làm nên tác phẩm. Tác phẩm làm nên thành tựu, thành tựu làm nên truyền thống. Nhìn lại thành tựu và truyền thống vẻ vang của văn học nghệ thuật nước nhà 70 năm qua, chúng ta có thể rút ra những bài học lớn sau đây.

- Bài học thứ nhất là: Văn học nghệ thuật luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ lợi ích tối cao của dân tộc.

Đó là truyền thống nhập thế tích cực của ông cha ta từ ngàn xưa, được các thế hệ thời nay đưa lên tầm cao mới. Chúng ta đi vào đời sống, không phải sắm vai một vị khách, một người tham quan mà là một người trong cuộc "tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi, cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu" như thơ Xuân Diệu đã viết. Bền bỉ đi vào đời sống để tiến hành cuộc chuyển hóa gian khổ về nhận thức, tư tưởng, tầm nhìn và cách nhìn, sở thích và cảm quan nghệ thuật, từ  đó mà tìm thấy nhân vật, vấn đề từ những nguyên mẫu, những chất liệu vô cùng quý giá mà không một sức tưởng tượng nào dù phong phú đến đâu có thể tạo ra được. Đi vào đời sống là một phương thuốc chữa bách bệnh, trước hết là bệnh tẻ nhạt, phù phiếm và bế tắc. Chúng ta nhớ lại những chuyến Nam tiến, những cuộc tòng quân, những đợt tham gia các chiến dịch của các văn nghệ sĩ hồi chống Pháp, những chuyến đi vào sông Tuyến, về các hợp tác xã, đến với các công trường, nhớ những chuyến đi vượt Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường Miền Nam trong chống Mỹ, không một chiến trường nào, không một mặt trận nào, không một chiến dịch nào vắng bóng văn nghệ sĩ và gần đây là liên tiếp những chuyến đi ra Trường Sa, trở về chiến trường cũ, về các trọng điểm kinh tế lớn. Với  những chuyến đi đó, văn nghệ sĩ chúng ta đã biến những nơi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhất thành nơi gặp gỡ giữa cuộc sống và nghệ thuật, sự thật và cái đẹp, anh hùng và nghệ sĩ. Gắn bó với đời sống không phải là một thao tác nghề nghiệp mà là một thái độ sống, một tư thế nghệ sĩ - chiến sĩ. Đó chính là ngọn nguồn của sáng tạo. Đến với đời sống, đã có biết bao văn nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh như những người anh hùng bên cạnh đồng bào, đồng chí, đồng đội.

Bài học thứ hai là: Kết hợp với nhuần nhuyễn giữa lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ.

Bộ phận nòng cốt buổi đầu của Hội Văn hóa Cứu quốc, Hội Văn hóa Việt Nam và Hội Văn nghệ Việt Nam là những người đã thành danh và nổi tiếng từ trước Cách mạng, xuất thân từ các tầng lớp tân học, nho học, tiểu tư sản thành thị, những người được gọi là làm nghề tự do trong xã hội cũ. Kháng chiến đến với họ là vô cùng thiêng liêng nhưng cũng vô cùng bỡ ngỡ, mới mẻ. Với khẩu hiệu: "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến;, cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt". Hội đã công phu tổ chức nhiều Hội nghị học thuật về các vấn đề đặt ra như mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, văn nghệ và đời sống, văn nghệ và tuyên truyền, nội dung và hình thức, dân tộc và hiện đại, khoa học và đại chúng, truyền thống và cách tân,... Biết bao vấn đề không thể giải quyết ngay trong một lúc, nhưng qua thảo luận và tranh luận cởi mở, dân chủ nhiều vấn đề dần dần được sáng tỏ giúp chúng ta khắc phục những biểu hiện giản đơn, sơ lược, giáo điều, máy móc buổi đầu, làm cho văn nghệ sĩ nhẹ nhõm, tự tin tập trung nâng cao tính tư tưởng và tầm khái quát của tác phẩm, nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả nghệ thuật.

- Bài học thứ ba là, tôn trọng tự do sáng tác gắn liền với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ.

Đây là vấn đề rất quan trọng, một tư tưởng nhất quán đã nhiều lần được thể hiện trong các văn kiện chính thức của Đảng. Tôn trọng tư do sáng tác là mở rộng không gian suy tưởng, chiêm nghiệm, phát hiện, khám phá những vấn đề mới đang đặt ra cho xã hội, cho con người. Vừa phản ánh, vừa ngợi ca, vừa dự báo, vừa cảnh tỉnh. Đó còn là sự mở rộng cánh cửa đón nhận những tìm kiếm, thể nghiệm cái mới, mở đường cho tài năng phát triển. Trong lao động nghệ thuật tìm được cái mới đích thực, một bước nhích lên trong nghề nghiệp là kết quả của không biết bao nhiêu khổ công, thao thức, nhọc lòng, có khi phải đánh đổi cả một đời người. Nhưng cuộc sống không ngừng chỉ ra rằng, tự do sáng tác không phải vì tự do sáng tác, mà để muốn làm tăng thêm sự mầu nhiệm của văn học nghệ thuật đối với việc xây dựng con người. Đó là trách nhiệm, là tính tích cực xã hội của văn học nghệ thuật. Chúng ta tôn trọng quyền tự do sáng tác, nhưng ta cũng luôn luôn tự hỏi công chúng đang cần gì, nhân dân đang cần gì, Tổ quốc đang cần gì.

- Bài học thứ tư là, mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại.

Tính dân tộc mà chúng ta quan niệm không phải chỉ là vấn đề hình thức dân tộc, mà trước hết là nội dung dân tộc, bao gồm truyền thống bản sắc, bản lĩnh, cốt cách, khí phách, tâm hồn dân tộc... thể hiện qua cách sống, qua phong tục, tập quán, qua ngôn ngữ, nghệ thuật đủ sức để cho các dân tộc khác nhận biết dân tộc mình. Với tinh thần kế thừa  và phát triển các di sản của quá khứ, chúng ta đã dày công sức sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật, công bố nhiều công trình lớn về nền quốc học vô cùng quý giá của cha ông. Chúng ta phê phán những quan điểm và việc làm sai trái nhằm xuyên tạc, bóp méo, giải thiêng lịch sử. 70 năm qua, chúng ta vui mừng đón nhận biết bao tài năng của các dân tộc thiểu số anh em, tạo nên bức tranh văn nghệ đa dạng trong thống nhất, một điều chưa từng có trước Cách mạng. Chúng ta đã chủ động tổ chức rất nhiều hoạt động giới thiệu tinh hoa văn hóa nước ngoài với công chúng Việt Nam và ngược lại. Chúng ta tìm mọi cách để tiếp thu tinh hoa của nhân loại, nhưng chúng ta cũng biết rất rõ, tiếp thu nhân loại để làm giàu cho cái gốc dân tộc và vì phát triển văn hóa dân tộc mà chúng ta mở ra với thế giới.

- Bài học thứ năm là, coi vấn đề phát hiện, tài năng trẻ là một vấn đề trọng yếu để phát triển đội ngũ.

Chúng ta nhận ra rất sớm điều này và đưa nó thành một chương trình hoạt động có kế hoạch. Đó là những lớp học ở Quần Tín Thanh Hóa những năm đầu kháng chiến, đến Hội nghị văn nghệ toàn quân, Trường văn nghệ nhân dân ở Thái Nguyên, Trường Mỹ thuật ở Tuyên Quang thời chống Pháp, đến các lớp học ở Quảng Bá Hà Nội thời chống Mỹ. Các hội chuyên ngành và các địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc thi, tổ chức các giải thưởng, để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Nhiều tài năng trẻ được cử đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài, sau này hầu hết trở thành những chuyên gia đầu ngành, những nghệ sĩ có tên tuổi, góp phần làm cho nền văn học nghệ thuật nước nhà phát triển hài hòa, trưởng thành nhanh chóng về đội ngũ và chuyên môn bắt nhịp được với khu vực và quốc tế. Ngày nay chúng ta có thêm điều kiện hết lòng chăm sóc, bồi dưỡng tài năng trẻ, nhưng chúng ta cũng chân tình nói với họ, tài năng trẻ là của ai và vì ai?

 Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Kính thưa các anh chị đồng nghiệp.

Trong dòng hồi ức về những năm tháng sống và sáng tạo không bao giờ quên, chúng ta bảy tỏ lòng biết ơn vô hạn cuộc sống vĩ đại của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tưởng nhớ và biết ơn các văn nghệ sĩ đầy tài năng đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tưởng nhớ những văn nghệ sĩ lớp đầu, những tên tuổi sáng giá làm vẻ vang cho văn hóa Việt Nam. Chúng ta tưởng nhớ và biết ơn nhà thơ Tố Hữu, người đã cất cao tiếng thơ trong tù ngục đế quốc, từng được Đảng giao trực tiếp chỉ đạo công tác tư tưởng, văn hóa trong một chặng đường dài. Chúng ta tưởng nhớ và biết ơn các nhà văn Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai, nhà thơ Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Trần Hoàn, họa sĩ Vũ Giáng Hương, các vị chủ tịch đứng đầu mặt trận văn nghệ nhiều sóng gió và đã rất thành công.

Chúng ta xúc động tưởng nhớ nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi đã ra đi trong những năm tháng vừa qua, những tên tuổi và tác phẩm đã đi vào ký ức của nhân dân.

Qua 70 năm phấn đấu, xây dựng, toàn giới văn học nghệ thuật đã có 367 người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 1000 Nghệ sĩ ưu tú, có 75 văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 173 người được tặng Giải thưởng Nhà nước, có 5 Hội chuyên ngành được tặng Huân chương Sao vàng, nhiều Hội được tặng Huân chương Độc lập. Riêng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mở ra một chân trời rộng lớn đón nhận mọi khát vọng, mọi nghị lực, mọi cống hiến. Trong khi đó bối cảnh quốc tế và trong nước cũng xuất hiện bao vấn đề mới,  thậm chí có những vấn đề như muốn thách thức sự sáng suốt và tỉnh táo của chúng ta. Nhưng tuyệt đại bộ phận những người làm văn học nghệ thuật từng trải qua chiến tranh và xây dựng trong hòa bình có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để xem xét, phân tích, lý giải các vấn đề, kiên định niềm tin với con đường và sự nghiệp đã chọn. Chúng ta tận dụng những năng lượng và thời cơ do sự nghiệp đổi mới đem lại để mở rộng không gian suy tưởng, mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác làm cho đời sống văn học nghệ thuật trở nên sống động, nhiều sinh khí mới, đa dạng, phong phú như chính cuộc sống. Tuy vậy, công chúng nghệ thuật vẫn còn đang chờ đợi, đòi hỏi ở văn học nghệ thuật trên nhiều vấn đề, trong đó vấn đề bức xúc nhất là vấn đề xây dựng con người.

Xây dựng con người là vấn đề rất hệ trọng và rất khó, và thực tế chứng minh rằng nó chưa hề được coi là dễ ở bất cứ đâu. Khi con người được đặt vào vị trí trung tâm của mọi trung tâm thì xây dựng đất nước về một phương diện nào đó, có thể nói trước hết là xây dựng con người. Trong chiến tranh, trước cái sống và cái chết, cuộc sống có chiều hướng đơn giản hóa các mối quan hệ. Trong hòa bình, xã hội trở lại trạng thái bình thường, cuộc sống lại có chiều hướng đa dạng hóa các mối quan hệ. Và khi thị trường được chấp nhận thì lại xuất hiện thêm nhiều mối quan hệ mới với những mặt trái rất đáng lo ngại, khiến nhiều người đặt câu hỏi: vì sao đạo đức xã hội không phát triển tỉ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế? Do đó nhiệm vụ xây dựng con người càng trở nên khó khăn, phức tạp và thực sự trở thành cuộc đấu tranh để làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chiến tranh dù gian khổ ác liệt đến đâu cũng đến hồi kết thúc vẻ vang. Nhưng trong hòa bình, cuộc đấu tranh để xây dựng con người, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội không bao giờ kết thúc, chừng nào con người còn muốn tốt đẹp lên, xã hội còn muồn tốt đẹp lên. Xây dựng con người gian khổ, khó khăn và lâu dài là vì vậy. Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí diễn ra rất quyết liệt và đạt kết quả rất quan trọng, được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Đó là bước đột phá trong cuộc đấu tranh thượng tôn pháp luật, xây dựng con người. Chúng ta nhớ lại lời W.Goethe. Ông nói: "Có hai sức mạnh đem đến sự yên ổn: Pháp luật và đạo đức". Sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn thường nói "Văn học nghệ thuật nói cho cùng là lẽ phải và tình thương". Lẽ phải và tình thương cũng có thể hiểu là Pháp luật và đạo đức". Con người là vốn quý nhất, vậy nó phải được xây dựng bằng những chất liệu quý nhất, trong đó có văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật có nhiều lợi thế để góp phần giữ yên lòng người và sự an toàn xã hội. Nó biết cách vừa an ủi, nâng đỡ con người vừa thiết lập các tòa án lương tâm. Nhiệm vụ xây dựng con người hiện nay đối với văn học nghệ thuật mang thêm nhiều nội dung mới và trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trước bao nhiêu vấn đề chúng ta nhớ lại câu trong Luật tục Thái "Có việc gì hãy hỏi lại lịch sử". Lịch sử vẻ vang 70 năm xây dựng và phát triển của nền văn học nghệ thuật nói với chúng ta, hãy đi vào đời sống. Mỗi chúng ta bắt đầu một tác phẩm bằng cảm hứng sáng tạo. Nhưng cảm hứng sáng tạo không tự đến với chúng ta, mà chúng ta phải đi tìm. Tìm ở đâu? Tìm ở đời sống. Đi vào đời sống chúng ta tìm thấy câu trả lời cho nhiều vấn đề luật pháp  đạo đức. Làm thế nào để phơi bày, lên án, truy lùng đến tận cùng mọi cái xấu cái ác mà không làm cho công chúng nghệ thuật mất phương hướng? Làm thế nào để tái hiện những con người, những tấm gương cao đẹp, những triết lý nhìn thấy được làm cho hàng triệu người xúc động mà không sa vào giáo điều, sao chép giản đơn? Đi vào đời sống chúng ta cũng tìm thấy những phát hiện nghệ thuật mà không một thư phòng nào có được. Mặt khác chúng ta cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức hoạt động, tập trung mọi cố gắng khắc phục bằng được tình trạng chất lượng không tương xứng với số lượng. Phấn đấu cao nhất để có nhiều tác phẩm hay và đẹp. Trong văn học nghệ thuật có tác phẩm hay và đẹp là có tất cả. Có tất cả và bằng tất cả chúng ta cùng nhau phấn đấu để tạo ra thời kỳ hoàng kim mới của văn học nghệ thuật, phản ánh đầy tài năng cuộc sống mới mẻ, rộng lớn và hùng vĩ chưa từng có của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Để làm được điều đó, chúng ta cần nâng tầm lý tưởng, vốn sống, vốn văn hóa, lao động khổ công, từng ngày tự vượt lên chính bản thân mình. Khắc phục tình trạng thương mại hóa, phê phán những sản phẩm thấp kém làm lệch lạc thị hiếu công chúng, nhất là đối với lớp trẻ. Thận trọng và tỉnh táo hơn bao giờ hết trong tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài. Đẩy lùi tình trạng nghiệp dư hóa trong tất cả các khâu hoạt động, đặc biệt là kết nạp hội viên và xét tặng các giải thưởng. Chúng ta kiên quyết không hạ chuẩn để đổi lấy phong trào, mà phải lấy các giá trị đích thực để định hướng phong trào. Liên hiệp và các tổ chức thành viên cần tìm nhiều biện pháp giúp đỡ hội viên có nhận thức đúng đắn, có tầm nhìn xa rộng, không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn nâng cao giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Tất cả các hoạt động của chúng ta phải được kiểm định bằng chất lượng, và hiệu quả. Không có chất lượng và hiệu quả, việc dễ mấy cũng không làm. Đem lại chất lượng và hiệu quả, việc khó mấy cũng làm bằng được. Đó là tư duy mới của chúng ta.

Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm, toàn giới văn học nghệ thuật chúng ta cùng nhau vững bước trên chặng đường mới với biết bao triển vọng tốt đẹp của đất nước, đề cao khát vọng sáng tạo và tính tích cực xã hội, mạnh mẽ đi vào đời sống, phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tạo, lý luận, phê bình, quảng bá tác phẩm là giải pháp tốt nhất hướng tới những mùa bội thu mới, góp phần nhiều nhất và tốt nhất vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, xây dựng con người, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Xin trân trọng cảm ơn.

 Hà Nội, 7/2018

Nguồn Văn nghệ số 30/2018

Hữu Thỉnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 287

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground