Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phát huy thành quả 20 năm xây dựng và trưởng thành- Đoàn kết, đổi mới xây dựng quê hương giàu đẹp

V

ào ngày này 20 năm về trước, ngày 1/7/1989, đồng bào và chiến sĩ tỉnh ta náo nức đónchào một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử, đó là Quốc hội khoá VIII nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định lập lại tỉnh Quảng Trị, đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Từ đó Quảng Trị được trở lại với tên gọi vô cùng thân thương và trìu mến của mình, cái tên ấy đã đi suốt một chiều dài lịch sử, trong mỗi chúng ta rất đổi tự hào. Hôm nay, trong không khí thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 64 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9, tỉnh ta long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm ngày lập lại tỉnh.

...Đi ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy oanh liệt với biết bao hy sinh và gian khổ, sau ngày non sông thống nhất, Tổ quốc liền một dãi, người dân Quảng Trị với gia tài chỉ đôi gánh trên vai, từ khắp nơi trở về nơi chôn rau cắt rốn, bắt tay vào công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương. Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bằng sức mạnh của ý chí tự lực tự cường, quân và dân Quảng Trị  tích cực đi vào khai hoang, phục hoá, tập trung sức cho lao động sản xuất. Những núi, đồi, đồng quê, bãi cát dày đặc hố bom cày, đạn xới được lấp dần bằng màu xanh của lúa, của sắn, của khoai…Mãnh đất được hồi sinh, cuộc sống mới từ chính đôi bàn tay ta xây dựng trong đống tro tàn đổ nát của chiến tranh lại được bừng lên khắp nơi trên quê hương sau ngày giải phóng.

Gắn bó keo sơn cùng nhân dân Quảng Bình, Thừa Thiên ruột thịt, đồng bào Quảng Trị chúng ta đã phát huy truyền thống cách mạng, cần cù, chịu thương chịu khó lao động, chung sức chung lòng xây dựng tỉnh Bình - Trị - Thiên hợp nhất. Mười ba năm là chặng đường đầy gian khổ nhưng hào hùng của quê hương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta đã phải trực tiếp đương đầu với bao khó khăn gay gắt: nền kinh tế suy giảm, an ninh trật tự phức tạp, đất nước đang trong vòng vây cấm vận của các thế lực thù địch; mặt khác, thiên tai, bão, lũ liên tiếp, làm cho sản xuất nhiều năm bị mất mùa nghiêm trọng, đời sống nhân dân bị thiếu thốn nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên, nhân dân Quảng Trị đã cùng đồng cam, cộng khổ, nổ lực phấn đấu vượt qua mọi gian nan, thử thách, ra sức tăng gia sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, hoà nhịp vào công cuộc đổi mới đất nước theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

...Nhớ lại buổi đầu tỉnh nhà được tái lập với bao sự bộn bề, lo toan, với bao hoàn cảnh khó khăn, thách thức đặt nặng lên vai Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh. Qua  13 năm chung sức xây dựng và cải tạo sau chiến tranh, nền kinh tế tỉnh nhà vẫn thuần nông, nặng về tự cung - tự cấp, tổng thu nhập ở mức rất thấp so với các tỉnh bạn; cơ sở hạ tầng, vật chất-kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu; sản xuất hàng hoá kém phát triển. Nông nghiệp độc canh cây lúa, phương thức canh tác còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năng suất đạt thấp. Công nghiệp hầu như không có gì, các cơ sở sản xuất nhỏ bé, manh mún, công nghệ lạc hậu; sản phẩm hàng hoá đạt thấp, khó tiêu thụ trên thị trường; nhiều xí nghiệp sản xuất thua lỗ, kém hiệu quả kéo dài. Hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước…nhỏ bé, không đủ khả năng phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân gặp vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Thêm vào đó, phải thường xuyên đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, với hậu quả nặng nề của chiến tranh, với đói nghèo và nguy cơ tụt hậu tưởng chừng chúng ta khó vượt qua nổi.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức! Với tinh thần tiến công cách mạng, phát huy mạnh mẽ truyền thống kiên cường bất khuất, biết khơi dậy sức mạnh của cốt cách con người Quảng Trị chịu thương, chịu khó cần cù, giản dị, dũng cảm và sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã bền bỉ, kiên trì, vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình, mạnh dạn dám nghĩ, dám làm đã khẳng định bằng những thành quả quan trọng sau 20 năm trên con đường đổi mới, xây dựng. Nhìn lại toàn cảnh bức tranh quê hương hôm nay, so với những năm đầu đầy gian khó của 20 năm về trước,chúng ta mới thấy hết sự đổi thay căn bản và tự hào về sức mình vươn tới.  

Nền kinh tế liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao, tương đối toàn diện, có mặt phát triển vượt bậc; cơ cấu  kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ dần chiếm ưu thế; nội lực kinh tế ngày càng được tăng cường.Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1996 - 2000 đạt 8,5%, giai đoạn 2001 - 2005 đạt 8,7%, đặc biệt giai đoạn 2006 - 2008 đạt 11,1%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2008, tỷ trọng công nghiệp chiếm đến 35%, thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35 - 37%, và tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 30,5%. Cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực, thu hút đầu tư bước đầu được tạo lập và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tổng thu ngân sách khi mới lập lại tỉnh chỉ vẻn vẹn chưa đến 10 tỷ đồng, đến năm 2008 đạt gần 750 tỷ đồng..

Là mặt trận hàng đầu, nông nghiệp có sự phát triển khá toàn diện. Diện tích các loại cây trồng liên tục được mở rộng; Năng suất, sản lượng không ngừng được nâng lên với giá trị bình quân 25,5 triệu đồng/ha canh tác. Sản lượng lương thực có hạt đạt 22 vạn tấn/năm, tăng gần 2 lần so với ngày lập lại tỉnh. Từ chỗ hàng năm Trung ương phải trợ cấp lương thực, đến nay nhân dân không những đảm bảo đủ lương thực mà còn hàng hóa bán ra thị trường, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ta có mặt trên thị trường trong nước cũng như ở nước ngoài. Chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thuỷ, hải sản có nhiều tiến bộ, sản lượng thu được hàng năm tăng cao. Các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, đặc biệt là cây cao su, hồ tiêu, cà phê... phát triển theo hướng thâm canh trở thành các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngày càng được chú trọng, đến nay, độ che phủ rừng đạt 43,6% diện tích.

Sản xuất công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng vượt bậc. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trong những năm gần đây tăng bình quân 21,6%/năm. Với xuất phát điểm gần như trắng về công nghiệp, tỉnh ta đã có ngày càng nhiều những công trình, dự án, đem lại cho quê hương một diện mạo mới. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hình thành và đi vào hoạt động có kết quả như: Khu công nghiệp Nam Đông Hà, khu công nghiệp thị xã Quảng Trị, Khu kinh tế thương mại Lao Bảo. Dòng điện từ Nhà máy Thủy điện Quảng Trị 64MW đã hoà chung vào lưới điện Quốc gia; Nhà máy gỗ MDF, Nhà máy may Hòa Thọ, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn, Nhà máy sản xuất  săm lốp cao su Camel.v.v... đã đi vào hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Sản phẩm của ngành công nghiệp ngày càng  có sức cạnh tranh, có thế mạnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Trạm nghiền clanke; nhà máy xi măng 65 vạn tấn/năm và nhà máy bia 15 triệu lít/năm...đã được khởi công xây dựng và sẽ cho ra đời sản phẩm trong nay mai, tăng nguồn thu đáng kể, tạo thế và lực mới cho nền kinh tế tỉnh nhà.   

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ dân sinh được cải thiện. Hệ thống điện lưới, điện thoại đã về đến tất cả các bản làng. Toàn tỉnh hiện có 99% hộ gia đình sử dụng điện chiếu sáng; 100% số xã, phường, thị trấn và 65,2% người dân sử dụng điện thoại, 2,4% sử dụng internet; gần 90% hộ gia đình được phủ sóng phát thanh và truyền hình. Hệ thống giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn, nội thôn từng bước được nhựa hoá, bê tông hoá. Các tuyến quốc lộ 1A, đường Trường Sơn 02 nhánh đông - tây, đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt, đường tuần tra biên giới… trở thành những huyết mạch giao thông quan trọng, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới và phát triển. Nhà tranh vách đất hầu như không còn, nhà cửa khang trang đã thay dần cho những căn nhà lụp xụp, tạm bợ. Hệ thống trường học, cơ sở khám chữa bệnh từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. 

Hoạt động thư­ơng mại ngày càng phong phú, nhộn nhịp. Nhiều trung tâm thương mại- dịch vụ lớn vừa có giá trị thương mại vừa có giá trị văn hoá- du lịch được tập trung đầu tư và hoạt động có hiệu quả như Khu Kinh tế- Thương mại Lao Bảo, Trung tâm chợ Đông Hà, các siêu thị tổng hợp, hệ thống chợ trung tâm của các huyện, thị được đầu tư khá đồng bộ và hoàn chỉnh. Thị trường hàng hóa ngày càng phong phú và đa dạng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ đắc lực cho sản xuất, kinh doanh. Hoạt động du lịch ngày càng được nhận thức đúng đắn và được chú trọng. Cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch được tập trung đầu tư nên thu hút khách tham quan, du lịch ngày càng tốt hơn. Tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây từ  Cửa Việt, Đông Hà nối liền với Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo - cửa ngỏ thông thương với nước bạn Lào với Thái Lan, Myanma… trở thành điểm đến khá hấp dẫn của du khách thập phương.

  Hệ thống các di tích lịch sử cách mạng: Địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ Quảng Trị, Di tích Đôi bờ Hiền Lương, Nhà đày Lao Bảo ... và hệ thống du lịch biển tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng mang đậm đặc trưng của vùng đất Quảng Trị hàng năm đã thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ đã từng chiến đấu, gắn bó với mãnh đất Quảng Trị . Các tuyến du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây, Du lịch vùng phi quân sự DMZ v.v... dần được khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng trong bản đồ du lịch của cả nước.

Sự nghiệp Giáo dục - đào tạo phát triển nhanh, vững chắc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả.Hệ thống mạng lưới trường lớp được quy hoạch xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học được đẩy mạnh và đạt được hiệu quả cao. Năm 1996, tỉnh Quảng Trị là tỉnh thứ 18 trong toàn quốc đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Năm 2006 đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đang triển khai thực hiện phổ cập trung học phổ thông. Công tác đào tạo nguồn nhân lực được chú ý trên cả ba mặt: giải quyết việc làm, đào tạo nghề và thu hút nhân tài. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh năm 2008 đạt 28,5%, đào tạo nghề đạt 19,7%, tăng nguồn lực lao động cho xã hội.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân được tăng cường. Mạng lưới y tế đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ và toàn diện. Đến nay đã có 100% xã có trạm xá, trong đó có 52,3% xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% bệnh viện huyện đã đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hoá trang thiết bị. Bệnh viện tỉnh đã được tập trung phát triển theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá nhiều phương pháp kỹ thuật mới đã được áp dụng trong việc chữa bệnh, và bệnh viện tỉnh đã được quyết định nâng cấp từ 300 lên 500 giường bệnh. Quảng Trị là một tỉnh thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, các dịch bệnh nguy hiểm được phát hiện, khống chế và dập tắt kịp thời. Đến nay tỷ lệ chung của toàn tỉnh đạt 6 bác sĩ và 20 giường bệnh/vạn dân. Các loại dịch bệnh cơ bản được phát hiện và khống chế, dập tắt kịp thời. Đến nay đã có 60% trạm y tế có bác sĩ; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh đáp ứng ngày càng cao nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân.

Sự nghiệp văn hoá, thể thao phát triển ngày càng phong phú, đa dạng và có chiều sâu, không ngừng nâng cao mức hưởng thụ các giá trị văn hóa cho nhân dân.  Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với phong trào xây dựng làng, bản, khu phố văn hoá, gia đình văn hoá đã khơi dậy truyền thống văn hoá quý báu của dân tộc và bản sắc văn hoá của vùng đất Quảng Trị. Đến nay, có 97.395 gia đình được công nhận gia đình văn hoá (đạt 74,28%) và 1.551 làng, bản được công nhận đơn vị văn hoá (đạt 81%)

Hoạt động văn hoá, văn nghệ được duy trì và phát triển sâu rộng, xứng tầm với một vùng đất giàu bản sắc văn hoá và truyền  thống cách mạng. Các lễ hội lớn như “ Lễ hội Thống nhất non sông”, lễ hội “ Nhịp cầu Xuyên Á”, “Huyền thoại Trường Sơn” và một số lễ hội khác được tổ chức thành công, hoành tráng cả quy mô và giá trị nội dung, nghệ thuật, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, niềm tin trong quần chúng nhân dân và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của mãnh đất và con người Quảng Trị, được đông đảo nhân dân hoan nghênh và nhiệt tình tham gia.

Hệ thống các di tích lịch sử và các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao được tập trung đầu tư xây dựng, tôn tạo, và mở rộng. Có thể khẳng định rằng, sau 20 năm cơ sở hạ tầng về văn hoá, thể thao của tỉnh nhà đã từng bước phát triển đáng kể, vừa góp phần tích cực vào giáo dục truyền thống vừa góp phần nâng cao tiềm lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng khởi sắc, bám sát vào thực tiển cuộc sống; vốn văn hoá cổ được phục hồi, nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá mới được phát huy sáng tạo, đáp ứng nhu cầu, trình độ thưởng thức của nhân dân. Hoạt động báo chí, thông tin có nhiều đổi mới, thực hiện tốt  các chương trình, mục tiêu đưa thông tin về cơ sở. Chất lượng hoạt động các loại hình báo chí như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử ngày càng được nâng lên, đáp ứng  được ngày càng cao nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Việc thực hiện các chính sách xã hội, công tác chăm sóc, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác, được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều tiến bộ. Hàng năm được vinh dự thay mặt đồng bào cả nước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã chăm sóc tốt và đón nhận các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng bào và chiến sĩ cả nước về với các nghĩa trang quốc gia và di tích lịch sử quan trọng, như Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, di tích Thành Cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc để tưởng niệm, thăm viếng đồng đội, người thân. Các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” diễn ra trên địa bàn tỉnh đã làm ấm lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và nhân dân toàn tỉnh. Chỉ tính trong 5 năm (từ 2001-2006) đã huy động được 22 tỷ đồng cho Quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa” xây dựng 2.535 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Riêng trong năm 2008, toàn tỉnh đã huy động được gần 4,2 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” xây dựng mới 130 ngôi nhà tặng cho gia đình chính sách với số tiền 2.596 triệu đồng và số tiền hỗ trợ là 4.881,5 triệu đồng.

Các chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách đối với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xađược chú trọng.quan tâm và tập trung thực hiện đồng bộ bằng nhiều chính sách, giải pháp quyết liệt và thiết thực như, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, đào tạo nghề cho lao động nghèo, hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Quỹ Vì người nghèo đã huy động được 42 tỷ đồng, xây dựng 4.596 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đề án Hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tính đến nay đã xây dựng được 5.385 ngôi nhà. Các cuộc vận động "Vòng tay nhân ái", "Tiếp sức đến trường", "Áo lụa tặng bà", "Chung tay chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ"... được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Chương trình xóa đói giảm nghèo đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Năm 1996, tỷ lệ hộ nghèo chiếm  22,75% , đến năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm xuống còn 16,8 %. Diện mạo phố phố phường đô thị, nông thôn có nhiều đổi thay, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiệm vụ Quốc phòng - an ninh luôn được tăng cường, nâng cao. Năng lực sẵn sàng chiến đấu, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác quốc phòng, quân sự địa phương ngày càng được củng cố tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh; Nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, xây dựng cơ sở, cụm an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu và địa bàn an ninh trật tự tiếp tục đi vào chiều sâu. Sự phối hợp giữa các lực lượng ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả. Công tác giáo dục quốc phòng được tổ chức thực hiện có nề nếp và hiệu quả, tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Các lực lượng vũ trang địa phương từng bước trưởng thành, vững mạnh, góp phần quan trọng làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình" và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoạt động của Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng được các cấp uỷ Đảng, chính quyền đặc biệt chú trọng. Đến nay toàn Đảng bộ tỉnh đã có 623 Tổ chức cơ sở Đảng với 29.865 đảng viên. Ban chấp hành Đảng bộ qua các thời kỳ tuy có thời điểm chưa tạo được sự quy tụ thống nhất, nhưng tất cả vì mục tiêu xây dựng quê hương Quảng Trị giàu mạnh, nên đã quan tâm xây dựng và phát triển, đoàn kết nội bộ chuyển biến tích cực, ngày càng được nhân dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp CNH-HĐH quê hương, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương, tạo thế và lực mới cho chặng đường sắp tới. Thay mặt lãnh đạo tỉnh tôi xin tri ân và nhiệt liệt biểu dương sự cống hiến của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh trong những năm qua. 

Hai mươi năm qua, Quảng Trị đã có bước chuyển mình vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Mỗi đổi thay trên quê hương, ngoài công lao đóng góp của mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Trị còn có sự giúp đỡ to lớn của Trung ương Đảng, chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế và bạn bè gần xa. Nhân dịp này, thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ VN tỉnh Quảng Trị, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và của các tỉnh thành trong cả nước; xin cảm ơn sự đầu tư, chia sẻ có hiệu quả của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức quốc tế. Xin gửi đến bà con quê Quảng Trị đang sinh sống trên mọi miền đất nước và nước ngoài tình cảm thắm thiết đối với quê hương và lời cảm ơn chân thành về những đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng quê nhà. Xin trân trọng cảm ơn mọi sự quan tâm ưu ái, giúp đỡ đã, đang và sẽ dành cho quê hương Quảng Trị.

...20 năm là chặng đường đầy thử thách, gian truân trong tiến trình đổi mới và phát triển quê hương. Thời gian tuy không phải là dài, nhưng đây là giai đoạn quan trọng trong quá trình thực hiện đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ và cả cách làm. Khoảng thời gian 20 năm cũng đủ cho chúng ta nhìn lại, đánh giá lại những thành tựu đã đạt được, những việc còn dỡ dang và cả những điều chưa thực hiện được với những yếu kém, khuyết điểm cần được tổng kết, để rút ra những bài học quý báu, đó là:

1- Phải luôn giữ gìn và phát huy sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Đoàn kết là sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Xây dựng củng cố tổ chức Đảng thành một khối thống nhất về tư tưởng và hành động, tạo niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng. Từ đó sẽ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, biến đường lối, nghị quyết của Đảng thành hành động cách mạng của quần chúng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gạt bỏ tư tưởng cục bộ, bè phái, chủ nghĩa cá nhân, tận tâm với công việc, có quyết tâm cao đưa Quảng Trị sớm ra khỏi tỉnh nghèo; nhân dân đồng lòng đồng sức, phát huy ý chí tự lực tự cường, lao động cần cù, sáng tạo, thực hiện mong muốn: “kinh tế phát triển, cán bộ đoàn kết, dân yên”.

2- Quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển toàn diện, bền vững từ việc lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức thực hiện trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị; từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đến từng chương trình, đề án, dự án cụ thể. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện các mục tiêu xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững sự ổn định về chính trị, bảo vệ môi trường, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

3- Vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh; xác định mục tiêu chiến lược thật khoa học; lựa chọn hướng đi đúng, có bước đi thích hợp; đề ra được các nhiệm vụ và giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển. Quá trình chỉ đạo thực hiện phải quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các Nghị quyết và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

4- Tập trung huy động mọi nguồn lực. Có cơ chế phù hợp huy động các nguồn vốn toàn xã hội cho đầu tư phát triển, bảo đảm sự tăng trưởng bền vững. Tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, các Bộ, ngành, cũng như của doanh nghiệp. Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường mối quan hệ kinh tế với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các nước, các tổ chức quốc tế; tiếp tục cải cách hành chính nhằm giảm thiểu các thủ tục phiền hà, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước đến đầu tư.

5- Xác định nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lấy nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông làm nền tảng; lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động chất lượng cao làm khâu đột phá lấy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những thành tựu đạt được 20 năm qua có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, cả trước mắt cũng như lâu dài, đang tạo đà, tạo thế cho tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, mở ra triển vọng và khả năng hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, nền kinh tế - xã hội của tỉnh, mặc dù đã có những bước tiến mới, song vẫn còn chậm phát triển so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của điều kiện lịch sử, thiên nhiên không ưu đãi, thì nguyên nhân quan trọng nhất là chúng ta chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có, chưa thực sự phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh, chưa tận dụng hết những cơ hội mà chúng ta có thể tận dụng được…Để tỉnh nhà vững bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo nguồn động lực  tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện, vững chắc trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu đưa tỉnh ta thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo của cả nước, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, với các định hướng chủ yếu sau:

Thứ nhất,xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông -lâm -ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Tập trung triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 26 –NQ/TƯ về “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, chỉ đạo chặt chẽ và có định hướng cụ thể cho từng vùng, từng cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại đi đôi với nâng cao hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ trực tiếp đến người sản xuất; nhân rộng mô hình 50 triệu đồng/ha canh tác.

 Thứ hai,Phát triển công nghiệp là hướng trọng tâm, trong đó công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến nông –lâm- thuỷ sản là quan trọng hàng đầu. Huy động tiềm lực của tất cả các thành phần kinh tế, đa dạng hoá hình thức sở hữu và quy mô để tập trung phát triển công nghiệp trên cơ sở lợi thế về nguyên liệu, thị trường và khả năng cạnh tranh như sản xuất xi măng, gạch tuy-nen, chế biến cao lanh, gỗ, cao su, công nghiệp chế biến súc sản, đóng và sửa chữa tàu thuyền, xà lan. Phát huy hết công suất, khai thác có hiệu quả các cơ sở công nghiệp hiện có.

Thứ ba, phát triển mạnh và hiện đại hoá các loại hình dịch vụ để dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của Tỉnh. Coi trọng bảo vệ, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng để tổ chức các "tua" du lịch hoài niệm về chiến trường xưa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của Tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có du lịch. Rà soát tất cả các ngành dịch vụ; tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Thứ tư, kết hợp phát triển kinh tế với công bằng xã hội, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến cơ bản về văn hóa - giáo dục - y tế và các vấn đề xã hội khác nhằm nâng cao mức sống toàn diện của nhân dân. Làm tốt công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước các cấp về kỷ luật, kỷ cương. Tích cực đấu tranh và xử lý nghiêm minh các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân.

Thứ năm, làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đảng bộ các cấp; tiếp tục củng cố về tổ chức, mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ luật và giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng; Tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu”, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, cấp ủy và đảng viên gương mẫu trong học tập, rèn luyện; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị; giữa Đảng với nhân dân. Tăng cường quốc phòng -an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Những thành tựu tỉnh nhà đạt được trong 20 năm qua là rất to lớn và có ý nghĩa. Tuy nhiên trên con đường chúng ta đi tới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản vẫn còn nhiều gian khổ, thử thách mới, thậm chí có những thử thách còn nghiệt ngã hơn nhiều lần. Tại buổi lễ mít tin trọng thể này, thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMT TQ tỉnh, tôi kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh, bà con Quảng Trị đang công tác, sinh sống và học tập trong và ngoài nước, hãy phát huy truyền thống cách mạng của quê hương và những thành quả đã đạt được, đoàn kết phấn đấu, đóng góp sức lực và trí tuệ để xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp. Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị xin nguyện phấn đấu xứng đáng với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ các bộ, ngành, xứng đáng với lòng mong đợi của nhân dân toàn tỉnh và niềm tin yêu của đồng bào và chiến sĩ cả nước.

L.H.P

 

 

 

 

 

* Trích diễn văn kỷ niệm 20 năm ngày lập lại tỉnh Quảng Trị do đồng chí Lê Hữu Phúc đọc tại buổi lễ sáng ngày 1/7/2009 tại Nhà văn hoá Trung tâm tỉnh. Đầu đề do Toà  soạn đặt.

 

Lê Hữu Phúc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 178 tháng 07/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

9 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

10 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground